TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Friday, August 28, 2009
NGUYỄN THỊ LIÊN HƯNG -CHUYỆN CŨ LÀNG XƯA
Thursday, August 27, 2009
ĐỖ TƯ NHƠN
NGƯỜI VỀ TRÊN SÂN TRƯỜNG XƯA
Ai về đây mà rộn ràng phố thị
Mấy mươi năm tưởng vọng một mái trường
Thời áo trắng quần xanh hồn cỏ dại
Cánh phượng hồng, trang lưu bút rưng rưng.
Ai về đây mà sân trường rộn rã
Tiếng reo cười và nhịp đập tim vui
Chất chứa lắm những mạch nguồn khôn tả
Như triều dang ngập lụt cả lòng tôi.
Ai về đây chiều qua hay sáng sớm
Lắng nghe từng âm hưởng của mùa xưa
Chân chậm bước cùng đến trường trong nắng
Để tình cờ sống với chuổi ngày thơ.
Ai về đây mắt nhìn nhau tìm lại
Cõi thiên đường đàn chim nhỏ líu lo
Tóc dù bạc nhưng tình còn đọng mãi
Mái trường xưa ấp ủ đến bao giờ.
Ai về đây cuối hạ ngày hội ngộ
Phượng không còn, dư ảnh vẫn thiết tha
Gìn giữ chút ngọc ngà qua dâu bể
Tình Nguyễn Hoàng nồng ấm chẳng phôi pha.
Quảng Trị,04/08/2007
Wednesday, August 26, 2009
ĐỖ TƯ NGHĨA
Một đôi khi tôi muốn
tìm giữa cuộc đời
một tâm hồn bạn hữu
để cùng cười khi vui
để cùng khóc khi buồn
nhưng dường như khó quá
Một đôi khi tôi muốn
khoét tim tôi mở ra ngàn cánh cửa
cho cuộc đời vào ra
nhưng tại sao
cửa hồn tôi vẫn đóng
lỗi tại tôi
hay tại cuộc đời?
Một đôi khi tôi muốn
ngủ thật yên những đêm
vì cuộc đời là con dao nhọn
vẫn cắt hồn tôi
thành những miếng ngon lành
Một đôi khi tôi muốn
hồn tôi như nắm tro
để tôi vãi tung ra
bốn phương trời
theo gió...
Một đôi khi tôi muốn
em đến thăm
góc tối của hồn tôi
sâu như mấy tầng địa ngục
một lần thôi
dù chỉ một lần.
Đà Lạt, 1983
Thursday, August 20, 2009
DUY KHÁNH
Ai ra xứ Huế
Trường cũ tình xưa
Bao giờ em quên
Thương về miền Trung
Anh về một chiều mưa
Đêm bơ vơ
Huế đẹp Huế thơ
Ngày xưa lên năm lên ba
Nén hương yêu
PHAN PHỤNG THẠCH
Con đường áo lụa
PHAN PHỤNG THẠCH
Ta trở lại con đường xưa áo lụa
Hàng cây cao đứng đợi các em về
Các em không về - Cây buồn lá úa
Ta cũng buồn đi giữa nắng lê thê.
Từ bờ bên ni nhìn qua Thành-Nội
Phượng đã tàn rụng xuống buổi đầu thu
Làm sao quên những ngày qua bóng tối
Lửa kinh thành ngùn-ngụt khói âm u.
Những chuyến đò ngang qua về Thừa-Phủ
Còn chở tình bên nớ tới bên tê ?
Ta mỗi bước càng thêm dài nỗi nhớ
Những chiều mưa sớm nắng các em về.
Ta trở lại giữa sân trường Đồng-Khánh
Lòng hoang vu như cỏ dại quanh tường
Ơi những nấm mồ hương tàn vắng lạnh
Có lời gì muốn nhắn với quê hương ?
ĐỌC THÊM
Lưu bút mùa hạ
HOÀNG THI THƠ
NGHE CA KHÚCAi buồn hơn ai, Vô Thường
Đường xưa lối cũ
Rong chơi cuối trời quên lãng
Rước tình về với quê hương
Chuyện tình cô lái đò bến Hạ
Video Ca sĩ Họa My thăm phầm mộ của nhạc sĩ HTT, Cali, 2007
Wednesday, August 19, 2009
TRẦN HOÀN
Nhạc sĩ Trần Hoàn (1928-2003) là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Sơn nữ ca, Lời người ra đi, Lời Bác dặn trước lúc đi xa, Kể chuyện người cộng sản, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm... Ông còn từng là Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin Việt Nam.
Trần Hoàn tên thật là Nguyễn Tăng Hích, sinh năm 1928, quê quán Hải Lăng, Quảng Trị. Bố của ông là người rất yêu thích âm nhạc và sành sỏi về ca Huế, hát bội, nhạc Tây. Trần Hoàn tự học nhạc và bắt đầu sáng tác từ năm 16, 17 tuổi.
Năm 1935 Trần Hoàn theo học tại Quốc học Huế. Ông bắt đầu nối tiếng với ca khúc Sơn nữ ca viết năm 20 tuổi khi đang ở chiến khu Quảng Bình. Trần Hoàn tham gia kháng chiến, đến ngày hoà bình lập lại, ông về làm giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng. Năm 1964 ông trở lại chiến trường Bình Trị Thiên với bút danh Hồ Thuận An, thời gian này ông sáng tác những bài hát như Tiếng hát trên Gio Cam giải phóng, Lời ru trên nương...
Sau 1975, Trần Hoàn là trưởng Ty Thông tin Bình Trị Thiên. Sau đó ông giữ các chức vụ trưởng ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội, bộ trưởng Bộ Thông tin, bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông Tin cho đến ngày nghỉ hưu rồi Phó ban Văn hóa - Tư tưởng Trung ương.
Những sáng tác của Trần Hoàn khá phong phú, từ những ca khúc thời kỳ đầu mang tính trữ tình như Sơn nữ ca, Lời người ra đi... cho tới những bài hát Lời ru trên nương, Tình ca mùa xuân, Nắng tháng Ba, Một mùa xuân nho nhỏ... và mang đậm chất dân ca như Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm, Lời Bác dặn trước lúc đi xa...
Ông mất ngày 23 tháng 11 năm 2003.
Tác phẩm
* Bà Ba
* Chàng ra đi
* Chào mùa xuân
* Con trâu kháng chiến
* Đêm Hồ Gươm
* Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm
* Gửi mẹ yêu thương
* Kể chuyện người cộng sản
* Khúc hát người Hà Nội
* Lời Bác dặn trước lúc đi xa
* Lời người ra đi
* Lời ru trên nương
* Một mùa xuân nho nhỏ
* Mùa xuân nho nhỏ
* Nắng tháng Ba
* Quảng Trị yêu thương
* Sơn nữ ca
* Chiều trên Gio Cam giải phóng
* Tình ca mùa xuân
* Xin mời anh chị về thăm Hải Phòng
NGHE CA KHÚCLời người ra đi
Sơn nữ ca
Lời ru trên nương
Một mùa xuân nho nhỏ
Quảng Trị yêu thương"
Nắng tháng ba
Tình ca mùa xuân
Chiều trên Gio Cam giải phóng
Friday, August 14, 2009
HOÀNG CÔNG DANH - BẦY ÉN MÙA XUÂN
BẦY ÉN MÙA XUÂN
Ai đã từng sinh ra và lớn lên ở một làng quê hẳn sẽ không thể quên cái trò bẫy én vào mỗi độ xuân về. Ngày xưa tôi là một đứa bé mê chim chóc, mê đến nỗi bây chừ thèm mình là con chim én ấy, để được bay về cánh đồng quê hương và tình nguyện mắc vào một cái bẫy ai đó đã đặt chờ đợi.
Con nít làng tôi lớn lên như thế! Lớn lên từ cánh đồng mỗi mùa ban tặng một thứ sản vật, có cái cầm được có cái không, nhưng tất cả đều đáng yêu đáng nhớ. Mùa hạ cho thóc trảy vỏ bóc ra gạo trắng. Mùa thu toóc rạ đốt lên khói đồng xoáy vào mắt, cay! Mùa đông có lũ cá lội ngược nước chảy vào những chiếc nơm đặt ở cống. Còn mùa xuân thung thăng bầy én về, thung thăng lũ trẻ đi bẫy én... Dường như mùa xuân, cánh đồng dành riêng cho lũ con nít thì phải?
Làng tôi là khuông đất nhỏ, không sông không biển, được bao quanh bởi ba làng khác; chính vì thế mà ngày nhỏ tôi lọt giữa những ngọn lúa bờ đê và không định vị được phương hướng. Đến một hôm mặt trời chỉ cho tôi hướng đông hướng tây ứng với chân trời nó mọc và lặn. Mùa xuân năm ấy bầy chim én bay về giúp tôi biết được hướng bắc hướng nam theo chiều bay của chúng. Tôi cảm ơn loài chim mùa xuân này, én đã dạy cho tôi bài học về sự định hướng quê nhà, để đi xa tôi không đánh mất mình giữa bốn chiều quỹ đạo mông lung. Cũng nhờ cái hướng đàn chim đó mà tôi nhận ra làng mình như một cái bẫy dang tay đón lấy mùa xuân, ôm chặt những đứa con tha hương trở về, như tôi hôm nay.
Nhà tôi hướng ngõ về phương nam và quay lưng về phương bắc. Vào một ngày xuân thuở trước, tôi nghe sau lưng nhà những tiếng sột soạt vờn gió, chạy lui xem thì thấy mấy cánh én nhỏ về đậu trên bờ ruộng. Rồi chúng bay vút theo hướng nam sà xuống cánh đồng trước mặt nhà. Mấy tấm ruộng ngày giêng đang xanh thắm hệt một tấm áo choàng, bỗng nhiên được đơm thêm những chiếc cúc đen nhỏ. Và những chiếc cúc én ấy như muốn báo với người làng một mùa ấm êm sắp tới.
Én đầu mùa bạo dạn, chúng dừng lại rất lâu trên đồng làng, vỗ cánh lượn đi lượn lại trên đám lúa non. Lúc đầu một vài con, sau là từng đàn, cứ thế chúng kéo nhau về làm dạ hội chính giữa đồng làng. Mắt lũ trẻ rói lên theo nắng xuân để chuẩn bị chơi một trò mới mà chỉ độ này mới có. Cái bẫy én rất đơn giản, đứa nào cũng có thể tự làm được. Lấy đoạn tre ngắn, một đầu chẻ ra rồi nêm vào giữa nét chẻ một hòn đá để tạo thành cái nạng chãng ba. Dùng sợi chỉ buộc qua một cái vòng thòng lọng. Mồi bẫy én là ruồi, ruồi đen nhỏ hoặc ruồi xanh càng tốt. Bắt ruồi xong thì cột vào giữa cái vòng dây chỉ thòng lọng đó. Nhớ là phải dùng chỉ mảnh để én không phát hiện ra. Cắm bẫy giữa đồng, để cái chặng mồi cao hơn ngọn lúa chừng một gang tay. Én về ngang đồng thường bay sà sà thấp ngang mặt ngọn lúa để tìm mồi, thế nên phải đặt bẫy sao cho đánh lừa được chúng. Giữa một cánh đồng mênh mang lúa xanh, tự dưng nổi lên chấm đen con ruồi mồi, lũ én tranh nhau bay đến đớp và cái dây thòng lọng thắt lại.
Hôm thằng Cưng làm bẫy, mấy đứa tôi ngồi quanh xem nó vót tre buộc chỉ, rồi về nhà làm theo. Con nít làng tôi chơi với nhau và học nhau là chính, tất cả những trò chơi hay kinh nghiệm làm đồng đều thế cả, một đứa biết thì tất cả biết, không giữ riêng mình làm gì.
Làm xong bẫy và nơm mồi ruồi, chúng tôi mỗi đứa cầm theo độ dăm cái bẫy ra đồng, chia nhau vùng ruộng và cắm bẫy. Cắm xong thì kéo nhau vào trong ngõ đứng chờ. Nắng rói mấy tia hồng hồng xuyên qua lớp sương mai, đàn chim én bay ngang qua, lượn đi lượn lại trên những chiếc bẫy. Khi một con én mắc vào chiếc bẫy nào đó là cả lũ con nít lại réo toáng lên cùng nhau chạy ra xem.
Chúng tôi lấy bẫy én làm trò để chơi cho vui là chính. Thế nên mỗi khi có én mắc bẫy thì gỡ ra, chuyền tay nhau mỗi đứa nắm giữ một lúc như cầm lấy cái may mắn đầu năm, xong rồi thả ra cho chúng bay đi. Cánh én được trả tự do vút thẳng lên bay lượn mấy vòng mừng rỡ. Cũng nhờ sự độ lượng nhân ái ấy mà năm nào vào mùa xuân én cũng về nhiều; bởi chúng quý con nít làng tôi, chúng biết lũ trẻ sẽ không nhẫn tâm giết hại nên chẳng ngại ngần lấy mình ra làm trò cùng vui.
Những thằng Cưng, thằng Hụ, thằng Tí, con Xíu và tôi ngày ấy giờ lớn cả rồi. Bầy én năm xưa chắc cũng ít về lại, có con đã chết và con nào còn sống chắc cũng già lắm. Nhưng mùa xuân thì cứ trẻ mãi, mỗi năm đúng hẹn lại về. Trong cái miên man suy tưởng ấy, ai như tôi đang khóc!
Có một cánh én vừa vút ra từ ngực tôi, vượt muôn ngàn dặm trở về làng. Và tôi nghe từ phía cánh đồng trước nhà mình những tiếng reo vui của lũ con nít.
HOÀNG CÔNG DANH
ĐỌC THÊM
Mạn đàm về thơ
Xuân quê, thơ
Nỗi đau Quảng Trị, thơ
NẮNG QUÊ, tùy bút
Truyện ngắn của NGUYỄN KHẮC PHƯỚC
Ngôi nhà ma, truyện ngắn
Con báo, truyện ngắn
Đối thoại với Cao Tiệm Ly, truyện ngắn
Chim chào mào, truyện ngắn
Tản mạn về trâu
Hai Người đàn bà và một con chó, truyện ngắn
Anh chồng bằng dây liểu gai, truyện dịch
Chuyện cây mưng, tạp bút
Mỹ thuật hiện đại, dịch
Thanh Tịnh và thơ say
Thursday, August 13, 2009
Phạm Xuân Dũng - NỖI NHỚ MÙA HÈ
Có những mùa hè không hề trở lại
Chỉ tiếng ve trĩu cánh phượng hồng
Trang sách cũ xa rồi, xa mãi
Ngân khúc nhạc lòng trong nỗi bâng khuâng.
Người năm cũ tay còn nguyên dấu mực
Hay đã phôi phai chừng ấy dặm trường
Ai lên bảng ấp úng hoài chưa thuộc
Ai dưới lớp nhìn mắt thoáng rưng rưng.
Mùa hè ấy có hoa và có bướm
Có áo dài sáng trắng đường đi
Bạn bè đọc tên trêu đùa tinh nghịch
Hai đứa nhìn nhau đỏ mặt thầm thì.
Ai còn giữ mùa hè trong lưu bút
Chép bài thơ vụng dại học trò
Ai gặp lại, ai xa rồi mất hút
Để sớm mai này cũng hóa xa xưa ...
PHẠM XUÂN DŨNG
Đài PTTH Quảng Trị
Wednesday, August 12, 2009
PHẠM BÁ NHƠN- CHÙM THƠ
MƯA TRÊN ĐẤT MẸ - Thơ Phạm Bá nhơn - Nhạc Võ Công Diên - Ca sĩ Hoàng Yến*
Mưa Trên Đất Mẹ
Suốt mấy ngày ni mưa rỉ rã
Trời như đang muốn ngã vào đông
Mây tím buồn vương gom thành vũng
Chảy nước tràn sông ngập ruộng đồng.
Mưa lất phất bay, gió heo may
Lâu nay luẩn quẩn mãi nơi này
Mỗi mùa hành tội dăm bảy trận
Như vẫn theo đòi món nợ vay.
Thương lắm quê ơi những tháng ngày
Miền Trung lụt lội mấy năm nay
Mưa dầm nắng hạn rồi bão tố
Nối tiếp như đang cố đọa đày.
Đã chán chê rồi, thôi đừng nữa
Thôi đừng rơi xuống nỗi dây dưa
Phải chăng trời giận hờn ai rứa
Mà cứ mưa chi mãi chẳng vừa.
Dòng Sông Quê Cũ
Có một dòng sông một thời thơ ấu
Mặt nước long lanh trong suốt vô ngần
Những chuyến đò chiều chở nặng nghĩa ân
Bến cũ quen chân mỗi lần theo mẹ
Thuở bé qua ngang đôi bờ lặng lẽ
Giờ đây quạnh quẽ vắng mẹ đi về
Một nỗi niềm riêng một khúc sông quê
Bóng dáng con đê nằm chờ cơn lũ
Những tháng ngày trôi nỗi lòng ấp ủ
Dòng sông quê cũ chảy mãi trong tôi
Giữa chốn xa xôi kiếp người bươn chãi
Nước vẫn về xuôi thắm mát quanh đời.
ĐỌC THÊM
Thơ Phạm Bá Nhơn, phambanhon.com
TRẦN HỮU TÁ - ĐÔI GIÒNG CẢM XÚC...
Monday, August 10, 2009
Sunday, August 9, 2009
CAO HỮU ĐIỀN
Cao Hữu Điền
Tôi nay trở lại Đông Hà
Ngẩn ngơ tôi hỏi tôi là ai đây!
Tôi là ai của hôm nay
Tôi là ai của những ngày năm xưa
ĐỌC THÊM
Lời ca khúc
BÙI PHƯỚC VĨNH - TÌNH LỠ
Ngày xưa tôi cũng yêu nàng
Nhưng chưa viết kịp vài hàng gởi trao
Để rồi khi cách xa nhau
Bao nhiêu thương nhớ khổ đau dâng tràn
Chao ôi tình lỡ muộn màng
Thôi đành chấp nhận hai đàng cách xa
Giờ ngồi nhắc chuyện tình ta
Sao ngây thơ quá thật là đáng yêu
Bây giờ nắng sớm mưa chiều
Tóc sương điểm bạc da nhiều vết nhăn
Em giờ một cõi xa xăm
Cô đơn phận gái tháng năm mỏi mòn
Thương em ý chí sắt son
Một mình vẫn bước trên con đường đời
Trách người rồi lại trách trời
Sao bắt em chịu một đời cô đơn.
BPV
ĐỌC THÊM
Chiều quê, thơ
Saturday, August 8, 2009
NGUYỄN TƯỜNG, Tiếng hát chim cà lơi
Tiếng Hát Chim Cà Lơi
Nguyễn Tường
Còn nhớ trong tôi tiếng hát chim cà lơi
"Trời không cho tôi làm tổ trên trời
Làm tổ dưới đất mất con, mất trứng"
Con chim vút bay lên cao rồi vút xuống
Cứ muôn đời điệp khúc hát vu vơ
Lũ chúng tôi những đứa trẻ học trò
Bãi động sau làng là sân chơi tuổi nhỏ
Tiếng hát chim cà lơi cứ miệt mài muôn thuở
Như số kiếp ông trời đặt dưới đất sinh sôi
Tiếng hát thở than hay tiếng hát yêu đời
Làm sao hiểu, chim không bày triết lý
Tuổi học sinh, mang tâm hồn đứa trẻ
Lấy đời chim làm thỏa mãn trò chơi
Những tổ chim non bên bụi cỏ, chôn vùi
Là khám phá, là tiếng cười ngây ngất
Tôi được niềm vui, chim đành phải mất
Một kỳ công lót tổ, bới tìm cây
Những chú chim con, những ổ trứng đầy
Cõi hạnh phúc trời ban cho giữa bãi
Nào ai đã dạy tôi, tình thương yêu muôn loại
Chim cứ bay lên, chim kêu mãi muôn đời
"Trời không cho tôi làm tổ trên trời
Làm tổ dưới đất mất con. mất trứng"
Mấy chục năm nay, làng không còn đất trống
Đã lắm đổi thay, như cuộc sống con người
Vẫn vọng trong tôi, tiếng hát chim cà lơi
Ở những mảnh đời con người dưới đất
Ở bạn bè tôi, còn loay hoay kiếm chác
Những đồng xu nuôi con sống qua ngày
Ở bác nông dân luôn tay cấy, tay cày
Đồng lúa được mùa, đồng tiền mất giá
Ở những chị nghèo xơ hàng tôm, hàng cá
Dám ước mơ gì ngoài hai bữa áo cơm
Ở những thanh niên, sờn chỉ áo công nhân
Chờ được lãnh lương, mồ hôi ướt đẫm
Ở những cô em, đứng bên đường, môi thắm
Đợi những dân chơi lắm bạc, thiếu tình thương
Tiếng hát chim cà lơi, nghe hát giữa đời thường
Lời tố cáo, tội ác tôi ngày nhỏ dại
Tội ác ngày xưa, giờ đây tôi vẫn thấy
Ở những con người sống không mấy lòng nhân
Sài Gòn sáng 8/8/2009
NGỤ NGÔN TẬP 2
1/ NÓI DỐI
Cậu chăn bò bày trò chơi lạ
Lôi bà con thiên hạ tham gia
Ngày kia trời mới sáng ra
Cậu bèn lớn tiếng kêu la khắp làng
" Bớ bà con Cọp hoang đang tới
Mau ra ngay cứu với, Bò đây !"
Cả làng gậy gộc chạy ngay
Cậu chăn được dịp vỗ tay reo cười
Trò con nít, ai người trách móc
Người lớn đây đã học trò này
Nói dối là chuyện thường ngày
Có chi lạ lẫm, về ngay đi làm
Một hôm nọ làng đang ngon giấc
Cọp hoang kia về thật mấy con
Bò bầy, cứ thịt xơi ngon
Cậu chăn la mấy chẳng còn ai tin
Sáng 14.9.09
Nguyễn Tường
ĐỌC TIẾP
Tình yêu bắt đầu từ đó, thơ
Tình yêu ông cháu, thơ
Ngụ ngôn tập 2, tiếp theo
NGỤ NGÔN PHỔ THƠ 1