Gặp gỡ: NHÀ VĂN HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
SÁNG TÁC LÀ SỰ GIẢI TỎA
Hoàng Hữu Quyết
Một cây bút cổ thụ gần 30 năm, anh viết và sống nghiêm túc, nhiều lúc đến mức khắt khe với chính mình. Mỗi bài báo, bài thơ, bài ký thường đào sâu vấn đề thời sự nóng bỏng, dùng những từ ngữ đầy sức thuyết phục, để độc giả khi đọc các tác phẩm của anh luôn cảm nhận được sự mới lạ, sâu sắc. Sự sống của Hoàng Phủ Ngọc Tường sau cơn bạo bệnh là một may mắn cho làng văn, làng báo Việt Nam. Sau những ngày tháng điều trị và ổn định bệnh tình, những trang sách của anh không vì thế mà xếp lại. Mà chính đây là khoảng thời gian tích lũy của một chuỗi ngày dài “ham chơi”, một thời đã từng lên rừng xuống bể, vào Nam ra Bắc để ra đời “Miền gái đẹp”... Dường như anh không bao giờ dừng bước.
+ Có người nói “Ai đã đặt tên cho dòng sông” anh viết về Huế hay đến nỗi có lẽ chẳng còn ai viết về Huế hay hơn thế nữa, chỉ đứng sau Nguyễn Tuân, anh tự hào về điều đó?
- Không có gì làm mình khổ tâm bằng bắt mình tự so sánh với Nguyễn Tuân. Từ trước đến nay tôi vẫn coi ông là bậc tiền bối của mình. Nhưng như Nguyễn Tuân nói trong một buổi lễ trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Nội, đại ý: Họ nói vậy nhưng chúng ta hy vọng viết khác thôi, khác hoàn toàn, không giống gì hết. Điều đó là đúng và tôi cảm tưởng rằng không thể nào viết được những cái như “Vang bóng một thời” (tác phẩm của Nguyễn Tuân - NV). Và tôi cũng thấy mọi sự so sánh đều khập khiểng.
+ Để bút ký sống mãi và đi vào tiềm thức của độc giả cần đến yếu tố nào?
- Theo tôi, để ký sống mãi là rất khó. Trước hết, phải có văn, phải có vốn văn học. Văn phong là yếu tố cần nhất của văn chương nói chung, ký nói riêng. Nếu ý tưởng hay mà thể hiện trong bài viết không hay thì không thể đi vào lòng độc giả được. Ngoài ra, nó còn đòi hỏi nhiều yếu tố khác, ký là một cái gì có thật, không hư cấu, hoặc phải có cách viết mà độc giả đọc không cho đó là hư cấu. Điều tiếp theo là tính lạ. Dân gian có nói “khoai đất lạ, mạ đất quen”, thì yếu tố “đất lạ” phù hợp với một loại khoai là ký.
+ Trong nhiều tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường, có lẽ độc giả nhớ nhất tuyển tập “Miền gái đẹp”?
- Chưa hẳn. Tôi thường chọn chủ đề trong một tác phẩm. Nó không bao hàm cả cuốn sách. Còn “Miền gái đẹp” thì nói về mảnh đất có quá nhiều người con gái đẹp, không có gì là sâu kín ở đây. Tôi chỉ viết là yếu tố sắc đẹp...
+ Là một người được mệnh danh là “Người ham chơi”, yếu tố “ham chơi” giúp gì cho công việc của anh?
- Tôi cho rằng ham chơi cũng là một yếu tính của con người. Không chỉ làm, mà phải có chơi. Chơi cũng là văn hóa - “văn hóa chơi”. Ham chơi là hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật, triết lý nhân sinh... Đặc biệt những người viết thì rất cần điều đó. Chơi nhiều mới tích lũy thành vốn sống của mình. Không phải cứ cầm bút là viết được. Mà phải lấy kinh nghiệm sống của mình ra để nói chuyện với độc giả thì người ta mới muốn nghe.
+ Như vậy nhờ “ham chơi” mà anh có được những trang văn đặc sắc?
- Tôi không biết nó thể hiện nhiều không. Cái đó còn do độc giả đánh giá. Nhưng tôi thấy “ham chơi” cũng là một lối sống của nhà văn. Yếu tố ham chơi thể hiện được “chất hồn” trong văn chương. Nhà phê bình văn học nổi tiếng Kim Thánh Thán của Trung Hoa đời Thanh đã nói: “Nên coi tất cả không vì một mục đích nào cả. Hay là mục đích tự thân - tự nó là mục đích”.
+ Nhiều người nói văn của anh mang nặng yếu tố “Phù Du”?
- Phù du chỉ cái mỏng manh, không nắm bắt được, chóng qua... Hoa thì gọi là hoa Phù Dung, còn vật thì gọi là Phù Du. Mỗi buổi sáng thức giấc, người ta quét từng đống lá - Phù Dung, vun lại, bỏ lên xe chở đi. Loại Phù Dung sống trong nắng mưa. Có loài chỉ một ngày nở ra, rồi kết thúc... Mọi cái có thể là Phù Du. Vì vậy yếu tố Phù Du hay ám ảnh tôi. Chứ không phải là chủ đề.
+ Trong lời tựa của tập thơ “Người hái phù dung”, Nguyễn Trọng Tạo có đưa hình ảnh “Những con chim yến không làm tổ bằng nước bọt mà làm bằng chính máu mình; người ta gọi là yến huyết. Còn Văn Cao gọi là yến-thi-sĩ. Nó làm thơ để mà chết vì bài thơ nó làm ra”. Phải chăng Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng đã làm thơ bằng máu của mình?” - anh nghĩ thế nào?
- Cái này khó nói. Văn chương đòi hỏi cái gì hơn cả máu. Kiến thức vươn đến chân trời khác lạ lắm. Cuộc sống ở đâu, văn chương đến đó. Gọi là văn học không biên giới. Có một thời người ta cho rằng văn chương là phải có mấy chức năng. Tôi cho là không phải. Chức năng của nó là tất cả cuộc sống.
+ Tính cách quyết định gì trong cách viết, thưa anh?
- Tôi cho rằng, tính cách của tác giả thể hiện ngay trong từng trang văn. Phong cách và tư tưởng tạo nên nét riêng. Theo tôi, tính cách tùy người. Tính cách nào cũng thể hiện được: sự khẳng khái, trung thực, chân thành... Tôi cho rằng, tính trung thực của Nhà văn là rất cần thiết. Trước khi là Nhà văn anh là một Con người. Như vậy, một Con người phải có nhân cách. Bởi thế, ngày xưa, người thầy không chỉ dạy chữ nghĩa, mà dạy Đạo làm sao sống cho xứng đáng. Đó gọi là dạy nhân cách. Bây giờ, nhân cách không được chăm chút lắm, là cái yếu của Giáo dục nói chung, một số Nhà văn trẻ nói riêng.
+ Quan điểm của ông về văn chương và báo chí?
- Văn chương là một cách biểu đạt của con người trước cuộc sống. Báo chí là tự bản tân của cuộc sống.
+ Trong gia đình mình có nhiều “Nhà” như vậy (Vợ Hoàng Phủ Ngọc Tường là Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ, con gái - Nhà thơ Hoàng Dạ Thi), vậy có chuyện “đấu khẩu” nhiều “nhà” trong một nhà và nó có giúp gì nhiều trong văn chương?
- Sống trong cuộc sống bình thường chúng tôi ít nói chuyện về văn chương. Thường nói đến chuyện “tương cà mắm muối”. Nhưng, đôi lúc cả nhà cùng bàn luận một số vấn đề về văn chương để cùng tương trợ cho nhau. Thì hòa hợp chứ không có vấn đề gì xảy ra.
+ Với Nhà văn, “mỗi nhân vật là một đứa con tinh thần”, cũng là một người “mình yêu”, thương; nghĩa là nhân vật “có vấn đề”, thế thì có bao giờ vợ anh - Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ “ghen” với nhân vật trong... sách không? Nhất là, ở thể ký, tính chân thật rất cao?
- Về đời thực, với quá khứ vợ tôi được cái là không bao giờ “phát biểu” điều đó. Vì hiểu rằng, quá khứ mỗi người đều được tôn trọng. Nghĩa là không bao giờ ghen với những người đã qua. Nhưng vô cùng ghen với những người đang có, nếu... Vì cô cũng là người đàn bà nên cô cũng phải giữ “thể diện” là người vợ. Trong văn chương, thì vợ tôi không ghen bởi vốn dĩ bà cũng là người theo nghiệp văn chương. Bởi văn chương nó có thế giới riêng, và nhân vật phần nhiều là hư cấu. Nhưng viết ký là có thật, những cái gì thuộc về quá khứ thì cô không thể ghen bởi lúc đó tôi chưa quen cô ấy.
+ Nhiều anh em văn nghệ sĩ ở Huế cũng như các địa phương khác cho rằng, trong thời gian qua, Nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chăm sóc rất chu đáo, tận tình, anh hạnh phúc vì điều đó?
- Đúng. Một Nhà văn rất mong có một gia đình yên ổn, hạnh phúc. Nhất là đối với tôi. Yên một mặt mới lo được những mặt khác. Về gia đình Dạ thì Dạ lo được. Những lời khen đó xin dành cho Mỹ Dạ bởi gần 10 năm nay Dạ gánh vác công việc gia đình và chăm sóc tôi rất tường tận.
+ Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trình làng cuốn sách viết về Trịnh Công Sơn?
- Đúng vậy. Do nhà xuất bản trẻ phát hành. Tựa đề cuốn sách là: “Trịnh Công Sơn và cây đàn Lia của Hoàng Tử Bé”, dày gần 150 trang.
+ Điểm khác của cuốn sách này với một số cuốn sách khác?
- Những cuốn sách kia chuyên về tài liệu. Còn tôi viết đứng ngoài tài liệu. Viết về cái nhìn của Trịnh Công Sơn trước cuộc đời, mỹ thuật.
+ Lúc bạo bệnh, sự sống - chết “đấu tranh” như thế nào trong anh?
- Khi đó thì tôi không phân biệt được sống hay chết. Chỉ dửng dưng thôi. Cuộc sống sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi mình không đứng bên bờ vực của sự chết. Thế mới quý sự sống đến nhường nào.
+ Có một số thông tin cho rằng, anh chị có ý định bán nhà ở Huế vào TP HCM sinh sống, điều đó đúng không?
- Thông tin đó không đúng. Mà, tôi nghĩ nếu có cũng không nên đưa tin. Một Nhà văn bán nhà, thì không ít. Như Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân... có cái gì bán cái đó. Đó là lẽ thường!. Còn đi khỏi Huế, tôi không có ý định đó. Tôi như một cái cây già cắm rễ ở đất này. Không thể bứng tôi đi nơi nào được. Đến một miền đất lạ tôi sẽ khó sáng tác. Từ trước đến nay tôi có nhiều dịp để đi khỏi Huế nhưng tôi nghĩ đi đến đó tâm hồn mình như một bản nhạc mà không viết ra lời.
+ Tôi rất ngưỡng mộ anh ở thể loại ký, anh là một trí thức uyên bác, nhạy cảm lãng mạn rất thi sĩ, đặc biệt ngôn ngữ hết sức kỳ lạ và đầy ma lực, vậy cá tính trong con người anh?
- Thời mình về Quảng Trị làm tạp chí “Cửa Việt” đất quê mình lạ lắm. Tiêu ở Cùa thơm có tiếng cả nước. Ớt ở Cam Lộ, Gio Linh cay chảy cả nước mắt. Mình cũng ngạc nhiên là có nhiều người ở Huế ra tận vùng ven thành Cổ để mua chanh, chanh ở đây chua và nhiều nước lắm. Còn ruốc đặt biệt thơm ngon ở Cửa Tùng, Cửa Việt. Có lẻ cái cay chua thơm ngọt cùng độ của cây trái đã tiềm ẩn trong mình. Mình đã sống bằng một khát vọng khám phá tận cùng những sâu thẳm của cuộc đời, đất nước. Và sáng tác, theo mình, chắc chắn nó cũng nằm trong thiên hướng đó.
+ Còn nỗi buồn?
- Nó vẫn là căn nhà nơi mà thi sĩ trú ngụ. Mình làm thơ khi cô dơn cùng cực. Nỗi buồn là một ám ảnh đôi khi như định mệnh. Nhưng bản chất sáng tác là gì, nếu không phải là một sự giải tỏa?
+ Dự định sắp tới của anh?
- Sắp tới tôi sẽ dồn tất cả những bút ký mình viết trong thời đau ốm, in thành tập sách để gửi tới độc giả như một món quà tôi vượt qua sự chết, vượt qua số phận. Vậy thôi!.