Tác giả Hoàng Đằng
HIỂU ĐÚNG NGHĨA
CÂU
HÁT CỦA TRỊNH CÔNG SƠN NHƯ THẾ NÀO?
Chiều 19/11/2018 vừa rồi, trời đẹp, một học trò cũ đem
xe đến nhà mời tôi – một thầy giáo già “mất dạy” từ 1975 – đi thăm một thầy
giáo cũ của em đang bệnh hoạn, già yếu ở một làng quê xa trong dịp ở Việt Nam
Ngày Nhà Giáo Việt Nam đang được cả xã hội quan tâm rộn ràng.
Đi xong về, tôi nói với em học trò – gọi là em nhưng
đã xấp xỉ 70 tuổi:
-
Tối nay, thầy sẽ viết vài dòng về chuyến đi này, đưa lên facebook cho những người
thân quen biết.
-
Đừng, dạ thưa thầy, đừng! Em học trò cản ngay.
Tôi thắc mắc:
-
Tại sao?
Em trả lời:
-
Như Trịnh Công Sơn đã viết đó, thầy nờ! “Để gió cuốn đi!”
Tôi hiểu “gió cuốn
đi” khác với em học trò của tôi, thành thử, tôi đã đưa lên facebook mấy
dòng, đại khái, như thế này:
Trịnh Công Sơn viết trong một bài hát: "Sống trong đời sống, cần có một tấm
lòng! - Hỏi làm gì, em biết không? - Để gió cuốn đi!" Bài hát được hát
nhiều trong dịp tổng kết chiến dịch từ thiện của các nhóm, các tổ chức ...
Tuy nhiên, ý nghĩa đích thực của mấy lời hát trên chắc
còn ít người hiểu đúng. Đại đa số nghĩ rằng "để
gió cuốn đi!" là làm được chi đó rồi,
xong việc, cho nó chìm vào quên lãng, đừng nhắc đi nhắc lại.
Đúng, người làm việc thiện mà rồi tự mình nhắc đi nhắc
lại như kể ơn thì việc thiện của mình giảm giá trị rất nhiều, thậm chí không
còn giá trị. Nhưng mình làm việc thiện mà dư luận biết được, truyền bá việc thiện
của mình cho nhiều người cùng biết thì ấy là việc tốt, tại sao không? Dư luận sẽ
làm cho việc thiện lan toả, thăng hoa, tạo thành tấm gương cho mọi người soi
và noi theo.
Trịnh Công Sơn viết: "Để gió cuốn đi!" nghĩa là gió sẽ cuốn đưa việc tốt của
mình ra cho nhiều người biết - gió ở đây tức là dư luận - chứ gió (hay dư luận)
không phải đẩy việc thiện tan biến.
"Nhiều
người biết" để làm chi? Lòng tốt, việc tốt sẽ tạo ảnh
hưởng tốt đến mọi người, còn ảnh hưởng tốt ấy nhiều hay ít thì tuỳ hoàn cảnh,
trình độ, giáo dục, môi trường và bản tính của người đón nhận.
Thử tưởng tượng trong một xã hội, một quốc gia, một thế
giới, ai cũng có tấm lòng thì xã hội, quốc gia, thế giới ấy đáng sống biết chừng
nào!
Cách hiểu của tôi đưa lên facebook đón nhận được một số
ý kiến không đồng tình và một số ý kiến đồng tình.
*
Ý kiến không đồng tình lập luận như sau:
Trạn Trương Văn:
Từ
xưa đến nay, người ta nói "để gió cuốn đi" nghĩa là mất hết, không
còn gì hết, chớ không ai nói ""để gió cuốn đi" là "đưa việc
tốt của mình cho mọi người biết" … bao giờ. Chữ "cuốn đi" khác với
chữ "lan tỏa" một trời, một vực. Có người nói với tôi Trịnh Công Sơn viết
câu nầy rất "không nhân bản"; tấm lòng mà để gió cuốn đi thì vô ý
nghĩa vì tấm lòng đó bay mất hết. Người có tấm lòng thì phải làm gì tốt đẹp cho
đời, chớ "để gió cuốn đi" thì xem như chẳng làm chi hết … Thật tình,
tôi thấy những câu trên của Trịnh Công Sơn cũng không song suốt và hơi nghịch
lý, nhưng vì ông là một “thần tượng âm nhạc” nên người ta cứ hùa theo mà khen,
rồi mỗi người cứ theo ý chủ quan của mình mà giảng giải. Thật ra, câu văn “một
tấm lòng để gió cuốn đi” rất tối nghĩa và nghịch lý …
Trần Hào Trần Hào:
Theo
tôi cuốn đi không phải lan tỏa, mà quên đi, nghĩa là làm việc thiện là bản năng
tự nhiên của con người, không nhắc làm gì nữa…
Còn
ý kiến đồng tình lập luận như sau:
Văn Thanh:
Theo
tôi, thầy Hoàng Đằng giải thích chuẩn giá trị của cụm từ "để gió cuốn
đi" với tinh thần bài hát và việc làm từ thiện. Gió vô tư, gió không có chủ
đích, gió cuốn theo thời vụ, việc tốt hay xấu đều lan tỏa theo chiều gió một
cách tự nhiên, và con người cảm thụ có điều kiện theo tâm lý và hoàn cảnh … Gió
cuốn, nói lên sức mạnh đặc trưng của gió và lan tỏa là tất yếu.
Hoàng Hữu Chiểu:
Trong
tự nhiên , hạt giống cũng nhờ “gió cuốn đi'' để tồn tại sự sống! Tấm lòng, cứ
nghĩ, như hạt giống tốt vậy! Cũng nhờ '' gió cuốn đi '' để rồi lan tỏa...
Triêm Hoàng:
Một
chiếc lá ở điểm A mà bị " gió cuốn đi" thì nó sẽ tồn tại ở một điểm B
nào đó, chứ không thể bị triệt tiêu vì "gió cuốn đi ". Hiểu như thế
thì "gió cuốn đi " là để truyền bá, lan toả "một tấm lòng"
mà Trịnh Công Sơn muốn gởi gắm với đời … Độ sâu cảm xúc của một người nghệ sỹ
đôi lúc chúng ta khó có sự thấu cảm để cảm nhận những gì họ muốn truyền tải.
Từ trải nghiệm một chuyện bình thường hằng ngày, tôi
muốn viết đôi dòng để chia xẻ cách hiểu lời hát trên của tôi với bạn đọc thân
thương.
Tôi vẫn giữ cách hiểu của tôi: “… Cần có một tấm lòng … để gió cuốn đi” là gió mang lòng tốt đến cho
nhiều người biết. Từ “cuốn” không phải làm cho lòng tốt bị nhận chìm mà đưa
lòng tốt qua sự sàng lọc của dư luận để xem đó phải thật sự là lòng tốt không.
Dù sao, tôi vẫn tôn trọng cách hiểu khác của các bạn
trên. Cùng một sự vật, mỗi người nhìn thấy sự vật ấy không ai giống ai; một bài
thơ đem ra bình giảng, mỗi người bình giảng mỗi khác. Và giả sử Trịnh Công Sơn
còn sống, ai đó hỏi nhạc sĩ: Vì sao cần có tấm lòng rồi để gió cuốn đi; chắc chắn
câu trả lời của ông là: ai muốn hiểu sao thì hiểu. Vậy thì quan trọng là sống ở
đời, chúng ta luôn tìm tòi để khám phá ra cái chưa ai nói, phát minh ra cái
chưa ai làm.
Còn bạn, giờ này, nhân tôi nhắc lại lời nhạc của Trịnh
Công Sơn, bạn hiểu thế nào?
Hoàng Đằng
23/11/2018
No comments:
Post a Comment