TRANG THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN QUẢNG TRỊ.
Chúc Mừng Năm Mới
Thursday, February 6, 2025
“SẮC XUÂN” – MÓN QUÀ TINH THẦN CHÀO XUÂN ẤT TỴ CỦA NGUYỄN ĐẠI DUẪN - Phạm Sinh
“SẮC XUÂN” –
MÓN QUÀ TINH THẦN CHÀO XUÂN ẤT TỴ
CỦA NGUYỄN ĐẠI DUẪN
Tập thơ “Sắc Xuân” của tác giả Nguyễn Đại Duẫn ra mắt bạn đọc vào đúng dịp năm mới Ất Tỵ - 2025, là tập sách thứ 3 sau tập truyện ngắn: “Hoa sứ nở trái mùa” được Nhà xuất bản Thuận Hóa ấn hành năm 2021, và tập sách bút ký và tản văn: “Ký ức Tây Trường Sơn” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2023.
Tác giả Nguyễn Đại Duẫn sinh ra và lớn lên nơi làng quê Nguyệt Áng thân yêu. Làng quê tác giả là một làng thuộc vùng chiêm trũng, chỉ sau một đợt mưa to vào giữa tháng 9, tháng 10 là nước đã lênh láng trên đồng. Ký ức về làng trong lòng tác giả là lũy tre xanh chạy dài uốn lượn theo con đường kiệt lở loét vết chân trâu. Là bờ đê thoai thoải để trẻ con thả diều trong những chiều hè gió mát. Là những ao đầm, toàn rau muống. Bên miệng hố bom những vạt muống nổi bềnh bồng không có chủ nhân chăm bón trở nên vàng vọt. Ấy vậy mà chúng lại nở những nụ hoa như chiếc loa kèn tim tím thật đẹp, dễ thương. Để rồi qua bao thăng trầm của cuộc sống, ký ức đó đã cho tác giả viết nên bài thơ: “Ký ức hoa rau muống” được chọn in trang đầu của tập thơ này:
Những bông muống nở rộ bên miệng hố bom
Như chiếc loa kèn tim tím rung rinh
Chúng tôi hái về kết thành hoa chồng vợ
Lớn lên tôi vào quân ngũ, em vào phố thị phồn hoa
Ngày tôi trở về gói bông muống vào miền ký ức
Em nơi thị thành bỏ quên bông muống ngẩn ngơ!
Dù có đi xa quê bao lâu chăng nữa nhưng ký ức tuổi thơ, ký ức về làng quê cứ in đậm trong tâm trí của tác giả.
Về hưu năm 2016, tác giả Nguyễn Đại Duẫn tham gia vào Hội VHNT Trường Sơn của Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam năm 2017. Và rồi với những tác phẩm truyện ngắn của tác giả lần lượt được các Tạp chí đăng tải, Nguyễn Đại Duẫn tham gia vào Hội VHNT Quảng Bình năm 2020 với chuyên ngành Văn xuôi. Tác giả tâm sự: “Qua tham gia Trại viết tại Đồ Sơn - Hải Phòng do Hội VHNT Trường Sơn tổ chức năm 2019, tôi được các nhà thơ Vương Trọng, Nguyễn Hữu Quý, Nhà văn Phạm Thành Long, cố nhà thơ Trần Quang Quý… dạy cách viết thơ, tôi đã nắm bắt được các bước để làm một bài thơ. Thực ra khi chưa học làm thơ thì thấy làm thơ là dễ, nhưng khi biết cấu trúc của một bài thơ rồi mơí biết viết được một bài thơ không dễ chút nào. Và cũng nhờ tham gia các trại viết của Hội VHNT Trường Sơn mà tôi được trưởng thành trong sáng tác Văn học”.
Tác giả Nguyễn Đại Duẫn cũng đã gặt hái được một số thành quả về Văn xuôi. Giải Tư (2019) với ghi chép “Một gia đình Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi có lòng hảo tâm”; giải Nhì (2022) với ghi chép “Cô Thanh niên xung phong binh trạm”; giải Ba(2024) với ghi chép “Làm kinh tế giỏi không quên đồng đội” do Hội CCB và Hội Truyền thống Trường Sơn tổ chức. Giải Ba(2022) với Truyện ngắn “Thằng Hoang” do Tạp chí Xứ Thanh tổ chức; giải KK (2024) với truyện ngắn “Chiến công của Hồ Súng” do UBND Tỉnh Quảng Bình tổ chức. Nhưng theo như lời tâm sự, tác giả là người vốn yêu thích thơ từ nhỏ. Khi có bài thơ hay được đọc từ trang sách là chép lại vào cuốn sổ tay của mình, hay có bài thơ nào được in trên trang báo là cắt lại, cất thành tập để thỉnh thoảng đem ra đọc và cảm nhận. Vậy nên nhiều khi ngẫu hứng với bạn bè, tác giả đã từng thốt lên: “Đã mang cái nghiệp với thơ/ Đêm nằm không ngủ cứ mơ cái vần…Đã mang cái nghiệp vào mình/Cho nên tôi phải chung tình với thơ”.
Tập thơ “Sắc xuân” của tác giả Nguyễn Đại Duẫn gồm 142 bài với nhiều thể loại và nhiều đề tài khác nhau. Theo tác giả cho biết trong số 142 bài chọn in trong tập sách này thì đã có 52 bài được đăng trên Báo và Tạp chí. Một con số có thể được coi là một dấu ấn. Những người làm công tác Biên tập chuyên mục VHNT Trường Sơn của Trang TT&BT Trường Sơn không đánh giá thơ của tác giả Nguyễn Đại Duẫn hay hay dở. Việc này phải thông qua các nhà Lí luận phê bình, qua các Hội thi mới làm sáng tỏ. Nhưng chúng tôi thấy rằng, thơ của tác giả Nguyễn Đại Duẫn gần gủi với cuộc sống, câu từ không hoa mỹ, dễ đi sâu vào lòng người.
Trong số 142 bài thơ thì tác giả đã dành 14 bài viết về mẹ. Như lời tác giả tâm sự: “Năm 1965, ba tôi lên đường vào Nam đánh giặc, để lại cho mẹ tôi bốn người con còn nhỏ dại và bà nội tôi đã già. Vậy mà mẹ tôi đã không quản ngại sự vất vả, và đã trở thành người phụ nữ “ba đảm đang” thay chồng gánh vác công việc đồng áng”. Với những lời tâm tình đó mà tác giả đã có những câu thơ rất thật:
Mẹ vui đường cày ba đảm (Ba đảm đang)
Thay bố đi chiến trường xa
Ngày đầu đường cày chưa thẳng
Mẹ đùa: Đồng làng nở hoa
(Nhớ đường cày đảm đang của mẹ)
Từ thuở còn nằm nôi, nghe những lời ru của bà, của mẹ qua những bài ca dao, dân ca đã ngấm vào trong tâm trí tuổi thơ của tác giả:
“Con cò bay lả bay la
Bay từ cửa phủ bay ra cánh đồng”
Mỗi từ, mỗi ý, mỗi âm điệu của câu ca dao trong lời mẹ ru cứ lắng sâu, nghe sao cứ mượt mà như cánh đồng lúa dập dìu trong ngọn gió ban mai. Để rồi những ký ức đó đã hiện về với lời thơ tha thiết:
Rả rích rơi rơi ướt dầm áo mẹ
Thoảng mồ hôi nồng sau mỗi buổi làm về
Nhưng con vẫn nhận ra mùi thơm hương lúa
Ánh mắt mẹ cười cánh cò trắng bay ba
(Giọt mưa)
Khi những giọt mồ hôi mẹ đã quyện vào mùi hương của lúa trổ đòng đòng, hương của mùi lúa chín cùng với hương nồng nàn mồ hôi của mẹ cứ lắng mãi. Để rồi một ngày, mẹ đi xa, rất xa… làm cho tác giả bồi hồi, xúc động thể hiện trong bài thơ: “Mẹ và cánh đồng”:
Ngày con trở về mẹ đã đi xa
Đàn cò trắng những bước chân se sẽ
Bông lúa cúi đầu đang khóc thầm nhớ mẹ
Rưng rưng vỡ òa con gọi mẹ, mẹ ơi…!
Những bài thơ của Nguyễn Đại Duẫn viết về mẹ là nỗi chứa chan tình yêu sâu lắng, lòng biết ơn về mẹ. Và những cảm xúc dâng trào khi mẹ tác giả về với cõi vĩnh hằng
Khi viết về Bác Hồ, tấm lòng của tác giả luôn gửi gắm những tình cảm thiết tha:
Suốt đời vì Đảng quên thân
Vào sinh ra tử vì dân một lòng
Tình yêu đất nước mênh mông
Chúng con ghi tạc trong lòng Bác ơi!
Tháng Năm nhớ Bác khôn nguôi
Bác đi để lại rạng ngời nước non
(Tháng Năm nhớ Bác)
Trong tập thơ Sắc xuân, Nguyễn Đại Duẫn đã dành một số bài viết về bản thân đó là những bài viết về ký ức những năm tháng Quân ngũ, về nghề Giáo của tác giả. Nguyễn Đại Duẫn còn viết về người vợ hiền, viết cho con, cháu. Đây là những vần thơ thể hiện được tình yêu thương, sự quan tâm đến gia đình. Những tâm sự, tiếng lòng đến vợ, con, cháu là những người đã tạo điều kiện và mang lại cảm xúc cho tác giả sáng tạo thơ ca. Khi nói đến tình yêu thương vợ, tác giả không bộc bạch những lời thương yêu, tán thưởng vợ mà tác giả lấy hình ảnh mùa vàng, giọt mưa… để diễn tả tình yêu thương đó. Thật ý nhị biết chừng nào:
Qua bao ngày tháng gian truân
Mùa vàng trĩu hạt thương thầm giọt mưa
(Thương thầm - Tặng vợ)
Với tình yêu quê hương đất nước tác giả cũng đã có nhiều bài thơ để ca ngợi sự giàu đẹp nơi tác giả đang sống. Nơi đó có dòng sông Nhật Lệ hiền hòa, nơi có dòng sông Kiến Giang “xanh xanh như dải lụa”. Tình yêu biển của tác giả cũng dạt dào vô bờ bến:
Rì rào biển hát cùng tôi
Tôi ôm biển cả trắng ngời sóng xô
(Tình biển)
Đi đến đâu, Nguyễn Đại Duẫn cũng gửi lòng mình với địa danh mình đến. Đến với Thái Nguyên nhân dịp dự Trại viết Trường Sơn ở Bản làng Thái Hải, sau đợt sáng tác, tác giả đã thốt lên:
Cho anh ở lại Thái Nguyên
Bao giờ “bén rể xanh duyên” ta về
Đến Nam Định thì:
Anh đưa em đến Hàng Cau
Trầu nồng thắm lại buổi đầu làm quen
Đến Minh Hóa tác giả đã không ngần ngại, trải hết lòng mình với cô gái nơi lễ hội chợ phiên:
Ngày mai lễ hội tan rồi
Cho anh ở lại đâm bồi cùng em
Thật lãng mạn và đa tình, một sự đa tình khéo léo, không thô. Không biết sự “đa tình” là giả - thật mà tác giả đã gửi gắm qua vần thơ của mình hay tác giả mượn ý để nói về ai đó???.
Một dạo được mời tham dự gặp mặt của Hội Trường Sơn, Sư 471 tại Quy Nhơn, tác giả đã thân quen với một cô gái để rồi những tình cảm đó diễn đạt bằng lời qua bài thơ “Quy Nhơn và em”:
Cùng em về Quy Nhơn
Một ngày cũng nên duyên
Đôi ta hòa biển biếc
Sóng vỗ về Quy Nhơn
Chỉ một ngày mà cũng đã nên duyên và còn “liều mình” hòa vào biển biếc cùng cô gái Quy Nhơn thì chỉ có Nguyễn Đại Duẫn mà thôi!
Tác giả Nguyễn Đại Duẫn là người lính Trường Sơn từng tham gia xây dựng cầu đường trên đất bạn Lào. Ký ức đó tác giả mãi nhớ không quên với những lời thơ dung dị nhưng đầy ý nghĩa:
Áo đẫm mồ hôi nhuốm đỏ bụi đường
Không súng đạn chỉ dao tông cuốc xẻng
Rừng là nhà con đường là trận tuyến
Người lính Trường Sơn viết tiếp những bài ca
Nói về thơ tình, tác giả ít đề cập. Những bài thơ tình của Nguyễn Đại Duẫn chứa đựng những uẩn khúc đượm buồn. Như bài “Nỗi niềm hoa xoan” có câu:
Tìm lại tuổi thơ một mình tôi lặng lẽ
Kết tháng năm thành hoài niệm hoa xoan
Hay bài thơ “Gặp lại ngày xưa” chứa chan nỗi thất tình của tác giả khi gặp lại người xưa thì người ấy đã cất bước theo chồng:
Bỗng vang vọng khúc ca
Con ơi con hãy ngũ
Như một lời nhắc nhủ
Muộn rồi về đi anh
Với bài: “Bồng bềnh sim tím”, có câu:
Chị ơi sao vội lấy chồng
Để cho sim tím bềnh bồng lời ru.
Hay:
Em sang ngang tôi lỡ chuyến đò
Tôi bồi hồi nhìn dòng sông trôi
Chờ đợi!
Ngày tôi gặp lại em
Em ngoái lặng cười...
Những câu thơ nghe buồn da diết bởi mối tình yêu trắc trở của tác giả, sao thấy nao lòng. Nhưng đó là chuyện đã qua, thuộc về quá khứ. Nó như những kỷ niệm đẹp chứ không phải cứa vào lòng sự tiếc nuối, đau xót, bi lụy nào. Để bây giờ, sau 40 năm vào Đảng, sau 40 năm hôn nhật tác giả đã có những vần thơ đầy cảm xúc, đầy hy vọng với bài kết của tập thơ “Sắc xuân” là bài “Mốc son-40 năm một chặng đường”:
Mong sao sống trọn kiếp trăm năm
Qua rồi khổ hạnh và khó khăn
An, Phúc, Lộc, Thọ đường còn lại
Đẹp đời, đẹp đạo nếp gia phong
Phải nói rằng tập thơ với bài kết rất hợp với lẽ thường tình của cuộc đời tác giả. Nó là kết quả của sự phấn đấu về sự nghiệp công danh và hạnh phúc gia đình. Thật đáng trân trọng.
Tập thơ Sắc xuân với 142 bài, số lượng tương đối nhiều. Tuy nhiên thơ của tác giả Nguyễn Đại Duẫn không mang tính tư duy trìu tượng. Với những bài có lời thơ chân chất, mộc mạc cũng như tấm lòng của tác giả nên làm cho người đọc gần gửi dễ hiểu. Một số bài mang nghệ thuật so sánh, ẩn dụ làm cho người đọc liên tưởng như có bóng dáng mình trong đó.
“SẮC XUÂN” - Tập thơ viết về nhiều đề tài khác nhau – Về tình yêu quê hương đất nước, yêu Đảng, Bác Hồ, viết về mẹ, về người lính... Tập thơ có thể chưa thỏa mãn với một số bạn đọc và có thể đang còn một số hạn chế về nội dung, nghệ thuật. Nhưng dù sao đó là sản phẩm của quá trình lao động nghệ thuật nghiêm túc, vất vả, thú vị đầy sáng tạo của tác giả.
Đôi dòng viết “lưỡng tính” trên đây – Vừa sơ bộ khái quát giới thiệu tác phẩm, vừa khái quát giới thiệu tác giả. Nó không mang bóng hình của một lời bình hay cao hơn là một bài “phê bình Văn học” mà nó là lời tâm sự giản dị và chân chất như hồn “SẮC XUÂN” của Nguyễn Đại Duẫn... Chúng ta hãy trân trọng và coi đây là món quà đầy ý nghĩa mà Nguyễn Đại Duẫn gửi đến trong thời khắc hương sắc mùa xuân mở đầu Kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc đang ngập tràn khắp mọi miền Tổ quốc hôm nay.
Phạm Sinh
Phó Tổng BT trang VHNT báo điện tử Trường Sơn
Hội Truyền thống Trường Sơn Việt Nam.
XUÂN MƠ – Thơ Lê Văn Trung
XUÂN MƠHẹn với mùa thu rồi sang đôngChờ nhau trải lụa nắng đầu XuânNgười về theo áo vàng hoa cúcHoa nở mà lòng tôi tỏa hươngCâu thơ người viết mùa thu trướcĐợi gió Xuân về theo én bayLòng tôi từ đó như men rượuCó ai cùng tôi say đêm nay!Cánh cổng vườn Xuân còn để mởTôi bước ra từ những giấc mơTôi thấy mây trời xanh quá đỗiVà tiếng cười tôi như trẻ thơLê Văn TrungĐầu năm Ất Tỵ 2025
KHÁM PHÁ “VƯỜN THƠ” 5 CHỮ, THƯƠNG ĐỜI CỦA TẦN HOÀI DẠ VŨ
KHÁM PHÁ “VƯỜN THƠ”
5 CHỮ, THƯƠNG ĐỜI
CỦA TẦN HOÀI DẠ VŨ
Hoàng Thị Bích Hà
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ gửi cho tôi bản
thảo Tập thơ 5 chữ, thương đời, dự định xuất bản trong quý IV năm 2024. Đây là
tập thơ tác giả tuyển chọn công phu, gạn lọc từ tất cả những bài thơ 5 chữ trong
suốt một quãng thời gian làm thơ trên sáu mươi năm của Tần Hoài Dạ Vũ (THDV). Đó
là những bài thơ được sáng tác từ những năm thuộc thập niên 1960 của thế kỷ 20
cho đến nay. Tập thơ gồm có 102 bài ở thể loại thơ năm chữ.
Tần Hoài Dạ Vũ làm thơ khi
còn ở tuổi học sinh Trung học Đệ Nhất cấp (cấp 2), đến khi học lớp Đệ Tam (Lớp
10) trường Quốc Học Huế thi nhân trẻ tuổi này đã có thơ đăng báo. Đặc biệt là
các báo, tạp chí nổi tiếng của văn học miền Nam thời bấy giờ như Tạp chí Bách
Khoa, Tạp chí Thời Nay, Tạp chí Phổ Thông, Tạp chí Tân Phong, Tuần báo Ngàn
Khơi, Tiểu thuyết tuần san…vào những năm 1963; 1964, 1965 … Sau này thì có Tạp
chí Kiến thức Ngày nay, Tạp chí Sông Hương, Tạp chí Non Nước … và nhiều tờ báo
khác, nhất là ở quê hương ông, như báo
Quảng Nam, báo Đà Nẵng…
Tập thơ 5 chữ, thương đời được trình
bày thành ba phần theo các chủ đề: Thanh xuân lưu lạc, Lỡ bến thương đời, Đợi
mùa xuân chúc phúc.
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ sinh ra ở Giao
Thủy, Đại Lộc, Quảng Nam, lớn lên ở Hội An, đến năm 16 tuổi ông ra Huế học tại trường
Quốc Học. Rồi ông học tiếp Đại học Văn khoa và Đại học Sư phạm Huế. Sau khi ra
trường, ông được bổ nhiệm công tác ở trường Trung học Trần Cao Vân (Tam Kỳ),
rồi chuyển về làm Giám học ở Trường Trung học Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) và
hai ngôi trường nổi tiếng của của Cố đô Huế là trường Trung học Nữ Thành Nội và
Trường Quốc Học. Ngày 1.4.1975, ông về Trường Quốc Học Huế với vai trò Trưởng
ban Điều hành (hiện nay, tại Phòng Truyền thống của Trường ghi nhận là Hiệu
trưởng đời thứ 34 của Trường Quốc Học) là hiệu trưởng trẻ nhất trong lịch sử của
trường khi ông bước vào tuổi 30. Thời gian ông công tác ở Trường Quảng Điền (Thừa
Thiên Huế) với vai trò Giám học (như Hiệu phó phụ trách chuyên môn ngày nay).
Chính vì thế hai nơi ông từng gắn bó như máu thịt là quê hương Quảng Nam của ông
và cố đô Huế đều lưu lại dấu ấn đậm nét trong những sáng tác của ông.
Cậu học trò 16 tuổi rời quê ra xứ
Kinh Kỳ trọ học với những tâm sự riêng mang:
hoàn cảnh xa nhà, trọ học, thiếu thốn, vất vả, mà thời gian thì vẫn cứ
vô tình trôi nhanh với bao nỗi nhọc nhằn của một cậu “học trò xứ Quảng” phải tự
nuôi thân để ăn học.
“Có một người nhớ quê
Tìm ngày xuân trong sách
Tâm sự như áo rách
Không che được gió về…
Trái tim lấm bụi đường
Giũ hoài còn yêu ghét
Trang sách lật chưa hết
Mùa xuân đã xuống dòng”.
Năm 1963, THDV đang học lớp Đệ Tam
Quốc Học Huế (lớp 10 ngày nay) đã có bài thơ đăng báo. Khi ký xác nhận tiền
nhuận bút từ Tạp chí Bách Khoa nổi tiếng gửi cho ông, thầy Giám học Trường Quốc
Học đã không khỏi ngạc nhiên hỏi lại:
“Con có thơ đăng trên Tạp chí Bách Khoa à”? Khi biết được rồi, thầy càng thương
quý THDV hơn.
Dù còn rất trẻ nhưng ông đã có
những câu thơ rất biểu cảm, đầy chất thơ và cũng rất ấn tượng: “Xuân về qua
trước ngõ/ Kinh Kỳ còn rưng mưa/ Mình còn đi góp lá/ Sưởi chuyện tình ngày xưa”
(Bài thơ đầu tiên được đăng trên Tạp chí Thời Nay, năm 1963)
Tuổi thanh xuân, Tần Hoài Dạ Vũ có
những bài thơ tình buồn thật hay nói về đổ vỡ ly tan của tình yêu đầu đời:
“Xuân chết từ hôm qua
Thời gian vừa khâm liệm
Lễ đăng quang mùa hè
Treo toàn đèn hoài niệm
Giờ xe sơn màu khác
Lòng em đổi thay rồi
Mùa cúi đầu ngơ ngác
Tình yêu là mây trôi”
(Bài ca mùa
hè)
Trong cuộc đời của mỗi con người,
ai không từng đi qua giông bão với những thăng trầm dâu bể, THDV có những câu
thơ ví von biểu cảm và tính triết luận nhẹ nhàng: “Ai chắc mình không lưu lạc/
Trong cuộc đời muôn phương” (Người khách); “Đời bỏ ta ngoài cửa/ Mộng cũng chừa
ta sao?” (Mùa xuân không mộng)
Hình ảnh quê hương: mái đình, mùa
thương khó,… nỗi niềm tâm sự về người thân, bạn bè,…là những thi liệu làm nên
tứ thơ da diết nặng tình quê. Ý và lời thơ THDV dung dị, chân thành lay động.
“Bao nhiêu năm vẫn nhớ
Mái đình nghiêng trong
sương
Qua bao mùa thương khó
Lòng quê đau dặm trường”
(Nhớ mùa
xuân tuổi thơ)
THDV cũng dành những câu thơ rất giàu cảm xúc
trữ tình khi viết về mẹ và những kỷ niệm thời thơ ấu: “Có yếm mẹ bên thềm/ Lửa
hồng nồi bánh tét/ Có tiếng gà sang đêm/ Giọng chùng hơi giá rét” (Nhớ mùa xuân
tuổi thơ).
Nhìn chung, những bài thơ 5 chữ của THDV dù
viết về gia đình, tình yêu, quê hương hay những vùng đất có nhiều gắn bó với
ông đều thể hiện chiều sâu cảm xúc và ý nghĩa triết luận nhẹ nhàng. Thi nhân cũng
day dứt trăn trở trước những đổi thay của thế thái nhân tình song cũng nặng ân
tình và sâu lắng xiết bao.
Tập thơ 102 bài thơ 5 chữ bộc lộ
thi ý ngọt ngào và lãng mạn lại rất dụng công khi chắt lọc cảm xúc. Tập thơ đặc
biệt chỉ một thể loại thơ này đã chuyển tải một cách đầy đặn về nội dung và ý
nghĩa, lưu lại ấn tượng sâu sắc trong tâm trí và tình cảm bạn đọc.
Nói về thơ Tần Hoài Dạ Vũ chỉ một
vài nét chấm phá thế thôi chứ bút danh Tần Hoài Dạ Vũ có lẽ đã quen thuộc với
bạn đọc yêu thơ trong hơn nửa thế kỷ qua. .
Tôi đọc thơ ông khi còn là một bạn
đọc thiếu nhi. Lúc đó, tôi chưa hiểu gì nhiều về giá trị nội dung lẫn nghệ
thuật trong thơ ông, tôi chỉ cảm thấy hay thì đọc vậy thôi. Sau này, có mạng
internet, tôi có dịp kết nối với ông trên facebook. Là một công chúng văn học
đọc để thưởng thức văn chương, tôi còn có sở thích nghiên cứu để có thể nhận
định về tác giả, tác phẩm. Mấy năm sau, khi tôi có tác phẩm thơ xuất bản ông
mới liên hệ đặt mua qua bưu điện và đó là lần đầu tiên tôi tương tác với thi
nhân trên mạng.
Nhà thơ Tần Hoài Dạ Vũ
là nhà giáo, nhà báo, nhà văn hóa,… Công việc đầu tiên mà ông chọn là nhà giáo.
Sau này có những bước ngoặt mới, do những biến cố theo hoàn cảnh riêng và đổi
thay của thời cuộc, ông lại trở thành nhà văn hóa. Mười mấy năm gắn bó với Huế,
sâu nặng nghĩa tình, lưu lại dấu ấn đậm nét qua những bài thơ cho Huế của ông.
Tháng 8 năm 1978, ông ngậm ngùi
rời Huế, trở về quê nhà làm việc ở Sở Văn hóa Thông tin Quảng Nam-Đà Nẵng (thời
gian 10 năm) và ông lại trở thành nhà nghiên cứu văn hóa dân gian. Thành quả để
lại là bộ sách nghiên cứu về văn học dân gian Quảng Nam - Đà Nẵng, là một nguồn
tư liệu quý giúp cho bạn đọc, và các nhà nghiên cứu hiểu rõ về văn hóa một vùng
đất nổi tiếng trong lịch sử, có thể lưu lại cho đời sau những tinh túy của tiền
nhân bao thế hệ. Rồi dòng đời lại đưa ông đến với Sài Gòn (TP HCM ngày nay) với
công việc Thư ký tòa soạn của báo Thanh Niên, ông lại trở thành một nhà báo
chính hiệu (tháng 9/1988 đến 1993). Do có kiến thức xã hội và bề dày hoạt động
văn hóa văn nghệ, Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng lại mời ông về làm việc và giữ vai
trò Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội (năm 2012 đến tháng 8. 2017).
Như vậy ông là nhà giáo, nhà báo, nhà thơ và cũng là nhà nghiên cứu văn hóa. Ông
làm thơ, viết văn, trong đó truyện ngắn ông cũng từng thử sức qua từ hồi còn
học sinh, sinh viên và cũng được xuất hiện trên mặt báo. Ông kể, hồi đó (những
năm của thập niên 60) tiền nhuận bút 300 đồng/ một truyện ngắn. Ông nhận được
300 đồng trong lúc tiền cơm tháng là 400 đ/ tháng. Vậy rõ ràng là nhuận bút
thời ấy cũng khá cao. Tuy nhiên, ông vẫn cảm thấy thế mạnh của ông là thơ. Nên
ông trung thành với thơ từ lúc học cấp hai chỉ là cậu bé mười lăm tuổi, cho đến
bây giờ ở độ tuổi “cổ lai hy” ông vẫn
minh mẫn, tinh thần vẫn lạc quan yêu đời, bút lực sung mãn, vẫn sáng tác đều
đặn và tình yêu dành cho thơ chưa vơi cạn ở hồn thơ này.
Một ngày cuối tháng 9 vừa rồi,
(29.9.2024) tôi có dịp diện kiến với ông ngoài đời trong dịp Tạp chí Quán Văn
số 107 giới thiệu về chân dung văn học Tần Hoài Dạ Vũ. Bạn hữu văn chương đến
chúc mừng ông rất đông, khán phòng đầy người, đặc biệt có những anh chị học trò
cũ của ông thời phổ thông tại Huế cũng vào chúc mừng nhà thơ người thầy của
mình, thật quý! Ông là người sống tình nghĩa với thầy cô và bạn bè, đối với
thầy giáo cũ đã mất, thầy Văn Đình Hy gia cảnh đơn chiếc, ông đã cùng một số ít
bạn bè đứng ra quyên góp xây lại ngôi mộ khang trang ấm cúng cho thầy. Với bằng
hữu, khi ông đang ở vị trí là cán bộ quản lý giáo dục, cụ thể là Hiệu trưởng Trường
Quốc Học Huế, có người bạn của ông cũng rất đỗi tài hoa nhưng sa cơ, thất thế,
kiếm sống bằng nghề bán bánh mì dạo, có ghé phòng làm việc của ông. Bác Chánh
văn phòng hỏi:
-Có một người ăn mặc nhếch nhác,
xin gặp thầy, thầy có tiếp không?
-Tiếp chứ! Ông trả lời ngay, Mời
anh ấy vào!
Ông bạn thực ra là một đàn em của
ông; ông nhớ lại khi tổ chức đêm thơ ở Trường Đại học Sư phạm Huế, ông đã đến
tận trường Trung học Nguyễn Tri Phương, Huế mời người bạn trẻ này lên đọc thơ.
Câu chuyện này, tôi được nghe từ chính
người bạn đó của ông kể lại, và THDV cũng xác nhận là đúng như ông bạn của ông
đã kể cho tôi nghe. Ông ấy còn bảo rằng, lúc đó THDV tiếp chuyện rất ân cần,
đồng cảm, còn vét trong túi biếu thêm ít tiền; trong lúc ông ấy cũng từng gặp
một người bạn khác cũng trong giới văn nghệ hồi học sinh, sinh viên, sau 1975
họ cũng có vị trí trong xã hội nhưng ông bạn kia thì quay lưng không tiếp.
Nghiên cứu về tác giả, tác phẩm đương
đại, nếu trực tiếp gặp được tác giả, được nghe kể người thực việc thực thì những
nhận định về thơ và đời của tác giả sẽ sâu sắc và chính xác hơn!
Tập thơ 5 chữ, thương đời của nhà
thơ Tần Hoài Dạ Vũ được xuất bản trong quý IV năm 2024. Độc giả có dịp thưởng
thức thơ tình đủ cung bậc ngọt ngào, lãng mạn, da diết điệu buồn của dang dở,
chia ly trong thể loại thơ năm chữ mà thi nhân đã cất công tuyển chọn trong
chặng đường thơ dài hơn nửa thế kỷ qua. Tôi cũng có bốn câu thơ tặng ông:
Vẻ đẹp thơ 5 chữ
Cảm xúc thật, dâng đời
Thơ Tần Hoài Dạ Vũ
Gom bốn mùa buồn vui!
Sài Gòn, ngày 18 tháng 10 năm 2024
HOÀNG THỊ BÍCH HÀ
Wednesday, February 5, 2025
MẸ LÀ XUÂN, HƯƠNG TẾT, HOA CỎ TÌNH XUÂN – Thơ Tịnh Bình
MẸ LÀ XUÂN...
Từ trong cổ tích bước ra
Vẫn là cô Tấm hiền hòa đấy thôi
Từ trong giấc ngủ đầu nôi
Giấc mơ thơ bé mẹ tôi dịu dàng
Ca dao ngày cũ vương mang
Cái cò cõng bóng xuân sang ngậm ngùi
Tảo tần héo hắt xuân tươi
Mẹ ngồi mặc cả nụ cười gió đông
Quanh năm buôn bán long đong
Đàn con thơ dại gánh gồng nặng vai
Nghe như tiếng gió thở dài
Mùa xuân của mẹ lạc ngoài xa xăm
Rẽ trời mùa én về thăm
Vui con chim hót một năm mới về
Bao la đất mẹ tình quê
Buộc vào nỗi nhớ triền đê cánh diều
Tháng Ba hoa gạo thắp chiều
Dáng quen bậu cửa đăm chiêu mẹ ngồi
Mẹ là xuân của riêng tôi
Bà tiên ông Bụt tinh khôi khoảng trời...
HƯƠNG TẾT
Sáng sớm rơi tờ lịch mỏng
Cuối năm lòng gió bâng khuâng
Cúi nhặt tuổi mình đâu đó
Nắng xuân ai thắp trong ngần
Chợt nghe xốn xang hương Tết
Ban mai lành lạnh rét về
Tiếng chim hòa âm cùng gió
Lời gì trong vắt say mê
Thanh tân chồi non lộc biếc
Trà thơm dưới cội mai vàng
Nhành xuân la đà giỡn nắng
Đất trời như thể mênh mang
Tiễn mình bước qua năm cũ
Thinh không lặng một dấu trầm
Hái một chùm mây trắng muốt
Cài lên mái tóc nàng xuân...
HOA CỎ TÌNH XUÂN
Bẽn lẽn xuân thì ngọn gió tơ
Đêm qua sân trước đến bao giờ
Gót xuân e ấp chào nắng sớm
Đôi nụ mai vàng ửng trời mơ
Vẽ lên mùa biếc vài cánh én
Chấp chới triền đê cánh bướm vờn
Cánh đồng sóng lúa mơ màng hát
Chấm phá tranh quê nhạt bóng cò
Lấm tấm hoa vàng trên cỏ biếc
Bếp xuân lơ đãng khói về trời
Đàn trẻ thơ ngây khoe áo mới
Ngõ vắng rộn ràng hoa nắng rơi
Ban mai lảnh lót lời chim sớm
Xốn xang trưa ấm một tiếng gà
Nhà ai nao nức bài ca Tết
Lối cũ em về vương cỏ hoa...
Tịnh Bình
(Tây Ninh)
TIẾC THẦM MÙA XUÂN - Thơ Huỳnh Liễu Ngạn
HUỲNH LIỄU NGẠN
TIẾC THẦM MÙA XUÂN
anh đi ngang ruộng lúa
nhà em ở đầu kia
có cây chanh cây bưởi
có hồ cá lia thia
có bóng tre trước cổng
có giậu tím giàn leo
vài con chim se sẻ
trong lùm nhảy thèo leo
có chiếc võng lắc leo
em nằm nghiêng mớ ngủ
con mèo đưa chân khèo
hai bờ vai ủ rủ
nhà em có bụi chuối
có lu nước giếng đầy
anh thường hay xin uống
thương đôi tay em gầy
anh đi ngang mỗi ngày
con chó quen không sủa
em lớn lên từng ngày
rồi biệt tăm muôn thuở
con đường mòn đã hẹp
đâu còn bướm với hoa
để mỗi mùa xuân đến
lại tiếc thầm ngày qua.
28.1.2025
HUỲNH LIỄU NGẠN
hiephuynh479@gmail.com
Minh họa: Nguyễn Nhật Tân
TA VỚI NGƯỜI, MẦN THƠ, QUẢ (NHÂN), QUAY LƯNG, QUÊN VỀ, NỢ ÁO NỢ CƠM, SỐ CON RỆP, TƠ TẰM NHỆN - Thơ Chu Vương Miện
người thỉnh cho ta bông hồng nhỏ
chưa tiện quăng đi cầm nơi tay ?
độ rầy tháng 6 con nước cạn
thuyền bơi lam lũ bãi kinh lầy
nửa đuờng đành đoạn ôi quá dị
hoa hoét buổi giờ chỉ lấm tay
quăng đi bất tiện cầm quá ngặt
sáo trâu sáo sậu trộn loạn bầy ?
ta đang hấp hối nhưng chưa thoát
vô tình nhìn mãi gió đùa mây
lá vàng lẫn đỏ bay như sếu
mà ta xỉn mãi chặn cơn say
ta chả trách gì ? người không lỗi
đò bao nhiêu bến cặp tự do
ta đây cũng chỉ qua một bận
quá giang gặp lỡ một chuyến đò
đến đó ngừng chân rồi đi tiếp
theo giòng sông cạn đá lô nhô
mơi sau có ghé qua cửa tả
nhìn hoa tím ngắt rặng sầu đâu
MẦN THƠ
thân anh theo chiếc lá vàng
gió thu tới đón hồng hoang thế này ?
trên đường bãi cỏ cành cây
lá vàng lá đỏ đang bay vật vờ ?
thì ra anh mải làm thơ ?
QUẢ (NHÂN)
tiền [tình tù tội ?]
tình là nhân mà tình tù tội là quả ?
gói đồng tiền quăng vào đống lửa
là hết tham sân si ?
là giã từ cõi mê
quay đầu bến giác ?
chả cần tụng kinh gõ mõ
chả cần ăn chay
tấm lòng thảnh thơi bước vào cảnh Phật ?
xưa Chu mạnh Trinh nhìn hoa đào rơi lác đác ?
nơi chuà Hương Tích mà cám cảnh làm thơ ?
bến đục sông trong từ đó đến giờ ?
đời đục người trong vật vờ sống mãi ?
riú rít rừng cây chim trống mái
áo tà quét đất ? thục nữ thư sinh ?
trong núi non am cốc chứa chan tình ?
tình muông thú đạo đời ? hoa trái ?
đi vòng vo rẽ về bên phải
nào nhang đèn ? hoa trang mẫu đơn ? nở từng chùm ?
nước từ nhũ rơi ? thánh thót trong hang
lối lên trời xanh lối về điạ phủ ?
đường ngang lối dọc đá xanh đang ngủ
cây tùng cây bách ? trắc bá diệp giấc trưa
đôi mắt lim dim ngủ tạm hông chùa ?
thoảng trầm bay hương lòng bát ngát ?
nhìn thế gian biết nơi nào? rộng hẹp ?
biết từ gần ? dẫn mãi đến xa xa ?
trăm dâu đổ đầu tằm cõi ta bà ?
tiền quá nặng ? nghiệp đeo thời quá nặng ?
QUAY LƯNG
con chó nằm quay lưng bãi rác ?
mới đầu tưởng là ngủ
nhìn kỹ đã chết ?
con trâu ngày kéo cày kéo bừa
10 tiếng đồng hồ?
tối về kéo mía lò đường thêm 6 tiếng ?
thở không ra hơi nằm mệt ?
người ta lấy rơm đốt vào đít ?
nóng cho đứng lên đi về ?
nào ngờ đã chết ?
QUÊN VỀ
người nghĩ rằng mình bị bóc lột
giờ đã được bóc lột người khác ?
vẫn hồ gươm hồ tây chùa một cột
kẻ chả bóc lột ai ? giờ đi chân đất
uống nước chè xanh ăn gói xôi lạc
xơi thêm chén chè bà cốt
trước chiếc chõng tre ngồi ghế nhựa
nhìn mấy nải chuối hột
treo tòng teng trên dây lạt
nhạc Văn Cao vẫn còn nghe gió mùa thơm ngát
vẫn bay theo nhau lũ chim giang hồ?
vẫn là kinh đô cố đô
rùa vẫn bơi trong hồ trả kiếm ?
một nơi nặng về kỷ niệm
Nào đại la nào thăng long ?
Nào cầu hàm rồng ? nào làng thuỵ khuê
tiếc cho ta 56 năm ?
đi mãi quên về ?
NỢ ÁO NỢ CƠM
gã nghèo nằm chết chèo queo
trên manh chiếu rách ?
nợ áo nợ cơm, nợ vợ nợ con
nợ dân tộc tổ quốc ?
bỏ đi nửa chừng thế này ?
đành sao ?
tổ quốc 3 miền giống nhau
từ nón cối dép râu
từ hồ quảng nhạc tàu truyện tàu
từ mậu xìn mậu dậu xìn mậu tắc
mậu tắc xịt móng tay dầy vỏ quít
bỏ lại xứ sở trơ xương này cho ai ?
mà nằm chết đây ?
ôi đâu có phải là thoát ?
là hết ?
đất đai ở đâu để mà chôn ?
tiền đâu để chi phí mua hòm
sống lại giùm cái đi cha nội
SỐ CON RỆP
thằng nhà thơ thiếu cơm nằm chết đói ?
chả còn ai ? mời goị chuyện phù danh?
Thơ với văn cà khổ bám theo mình
Ăn một bữa đói nhăn răng vài bữa ?
Xưa Tản Đà Tú Xương sống mà khất nợ
nợ áo khăn chè rượu nợ cô đầu ?
thơ bán cho trời có trả tiền đâu ?
toàn rặt gió heo may sương mờ lãng đãng ?
kiếp mần thơ sống một đời loạng quạng
tiên chả ra tiên người chả ra người ?
theo Cao Chu Thần thì rặt nửa người
nưả ngợm nưả đười ươi ?
ngồi một lũ ở trong tràng học ?
thơ với thẩn giống y pho trê cóc ?
con cóc trong hang buồn quá nhẩy ra ?
chuyện loanh quanh vẫn là chuyện liền bà ?
thơ với thét kêu lên càng thảm khổ ?
chém cha cái đời đổ cho tại số ?
TƠ TẰM NHỆN
con tằm nhả tơ bằng đầu
con nhện nhả tơ bằng đít ?
thi sĩ không biết nhả thơ bằng cách nào ?
nên đành im thin thít ?
tơ tằm còn dùng may khăn quần áo
tơ nhện còn dùng để bắt muỗi ruồi ?
thơ kéo dài ra hơn kẹo kéo
đâu phải chuyện chơi ?
chả có cái gì là vô ích ?
chả có cái gì là vất đi ?
con nhện nhả tơ trên mạng
con tằm vẫn nhả tơ ? ba anh chàng thi sĩ
giống cà lơ phất phơ ?
thơ chứa đầy một bụng ?
ôm từ đó tới giờ ?
xổ ra cho thiên hạ
tưởng nửa chừng giấc mơ ?
chuvươngmiện