Tác giả bài viết Quang Tuyết
Mẹ tôi nói: “Ngựa chạy đường dài, gà gáy khuya”
Con gái tuổi Giáp Ngọ cao số nên đường đời lắm truân chuyên, dù con may mắn sinh vào cuối thu, có nghĩa là được mùa sinh, nhưng hạnh phúc chỉ có thể đến với con cuối cuộc đời, khi con đã trãi qua nhiều biến cố …
Cô lại trở về bên bờ nam dòng sông tuổi thơ, con sông lặng lẽ hững hờ, vô tâm với người về. Đưa ánh mắt đã hằn vết muộn phiền thời gian, cô tìm dáng thoai thoải, cong cong nên thơ của con đò thuở xưa vẫn thường xuôi dòng theo mái đẩy.
- Phải chăng mình là người hoài cổ ? Cô tự hỏi
Bây giờ làm gì còn con đò với mái chèo khua nước, mà luân chuyển hằng ngày trên sông là những chiếc thuyền máy ồn ào, khuấy động cả không gian chở đầy cát, đầy hàng.
Thật buồn, đó là hình ảnh quá khứ nằm sâu trong lòng, lãng đãng bên bờ sông, lăn tăn trên sóng nước mà ai xa xôi trở về cũng muốn tìm lại. Sông bây giờ cũng chẳng còn sóng, không biết có phải nỗi đau mang theo quá lớn, sâu thẳm tận đáy qua từng cuộc chia ly, chứa chất những linh hồn mãi rên xiết oan khiên vì số kiếp bi thương? Hay vì người đời lấp bể dời non chặn đường chuyển lưu của nước, nên dòng sông không chảy nổi?
Không, lòng cô chỉ muốn sông mang một linh hồn thực sự như người dân Quảng Trị, như cô và như tất cả những ai đã từng tắm mát trưa hè, hay xuôi dòng dù chỉ một lần trên dòng sông quê hương.
Cô lặng lẽ, con sông lặng lẽ và hoàng hôn cũng đang từ từ về lặng lẽ. Bên kia bờ: Nhan Biều, không còn những bãi bắp, luống dưa xanh ngắt, non tơ. Mặt trời hoàng hôn vẫn thế: đẹp và buồn. Chiều buông nhè nhẹ xa xa, mây nước thăm thẳm một màu huyễn hoặc. Cuộc đời người con gái của cô cũng qua đi huyễn hoặc, vì cho đến bây giờ chính cô cũng không thể lý giải được, phải chăng đó chính là số mạng: “Ngựa chạy đường dài – gà gáy khuya”?
Dù đã may mắn sinh ra mùa thu, có nghĩa là được mùa sinh, nhưng hạnh phúc chỉ có thể mỉm cười vào cuối cuộc đời khi con đã trãi qua nhiều thăng trầm, biến cố…”
Lời mẹ cô đọc từ trang sách tử vi Huỳnh Liên năm nào cô vẫn còn nhớ, lúc ấy cô chỉ cười vì cho đó là lời bói toán vu vơ…nay nghĩ lại chợt buồn muốn khóc… Nếu mẹ sinh mình muộn thêm ít tháng, không là tuổi Ngọ cuộc đời mình có hạnh phúc không nhỉ? Cô chợt bật cười: Chẳng lẽ trên đời nầy có bao nhiêu người tuổi ngựa đều vất vả truân chuyên như nhau? Biết bao phụ nữ công thành danh toại, và sống rất yên bình bên chồng con đấy thôi ...
Lang thang trên đường ray, dừng bên cầu Ga ngắm cảnh Như Lệ, An Đôn êm ả bên dòng Thạch Hãn, con tàu ầm ầm chạy xuôi về Bắc, để lại tiếng còi rơi rớt trong bóng chiều. Nước mắt bỗng tuôn trào, tiếng nấc không thể kềm chế. Cô khóc... và chợt nhận ra chân dung yếu đuối của mình dù tháng năm đã làm tóc phai màu, dù cứ ngỡ lòng mình đã chai sạn.
Ngày ấy cô bé tí tẹo xóm gare, bị rức ra khỏi vòng tay mẹ, vào học nội trú ở Têrêxa Phú Cam Huế. Tuổi chừng 6, 7 tuổi. Sống lặng lẽ bên những Ma soeur nghiêm nghị, cô bé mất dần hết nét hồn nhiên của tuổi thơ, vì thiếu vắng nụ cười. Suốt ngày thơ thẩn dưới gốc cây dừa lượm những trái non lăn lóc, tự nhủ
“Sao giống mình quá vậy...?” rồi một mình ngồi khóc.
Người con gái đang thời gian học kinh, nghe lời răn của Chúa. khép mình để chờ ngày vào dòng tu đã đến bên cô bé an ủi vỗ về, bằng sự dịu dàng đầy bản năng Phụ Nữ.
Từ lúc nào không biết, cô bé bỗng thấy yêu hình ảnh cậu bé tóc vàng xoăn dài, hai tay dang rộng và trái tim đỏ thắm trên ngực, đứng giữa hai đấng sinh thành treo trên tường, trong lời kể chuyện của chị.
Từ lúc nào không biết, chị trở thành nơi chốn bình yên nhất, thân thiết nhất cho cô bé sà vào lòng mỗi lần nhớ mẹ rưng rức.
Hằng đêm, Cô cùng các bạn quỳ dưới chân Chúa Hài Đồng đọc kinh cầu nguyện… “Chúa lòng lành xin cho con ở mãi bên người thương yêu con, và con thương yêu…” cùng niềm tin thơ ngây.
Cứ thế thời gian qua, cô sống xa gia đình bình yên, vì bên cô có bàn tay ấm nồng luôn che chở vỗ về của một người chị không cùng huyết thống.
Nhưng rồi một buổi tối đầy sao, chị dắt tay cô lên tận sân thượng cao tít. Gió đêm thổi mát lạnh.
Không gian thơm nồng hương Ngọc Lan. Chị ôm cô vào lòng vuốt tóc và nói: “Ngày mai chị không còn bên em nữa, chị đã được phép xuống tóc vào dòng tu kín”.
Cô vùi mặt trên mái tóc đen dày ngát mùi hương quen thuộc và khóc nức lên. Trong phút chốc cảm thấy như mình lại bị lừa dối, cô vùng lên bỏ chạy. Đôi tay ấm áp vươn ra giữ chặt, rồi ôm lấy cô vỗ về trìu mến: “Đừng khóc nhè bé nhé, chị phải đến bên Chúa, Người ban hồng ân nên mới gọi chị hiến mình cho đức tin… Em phải mừng và ngoan cho chị vui chứ”
Rồi lấy chiếc kéo nho nhỏ cắt những chiếc bánh tròn xoe có hình Ngài, đặt vào trên lưỡi cô dặn dò:
“Bé ngoan ngậm bánh thánh đi, đừng để chạm vào răng mà phải tội, cho đến lúc tan hết, Chúa sẽ phù hộ cho em yên lành…
Không được buồn và nhớ mẹ khi vắng chị nhé …”.
Lau khô nước mắt. Cô ngây thơ hỏi:
“Vậy là mai chị sẽ thành Ma soeur hả chị?”
Chị mỉm cười rất buồn: “Chưa đâu bé, phải qua một thời gian tu thân, luyện trí nữa, đâu đớn giản như vậy, chỉ mới bắt đầu thôi. Chị sẽ nguyện cầu cho ba mẹ và em chị, cả bé bình yên…”.
Đôi mắt vốn buồn chợt càng xa vắng hơn, chị thở dài: “Chị nguyện hiến dâng đời mình lên Thiên Chúa, để xin người tha thứ mọi tội lỗi cho nhân loại, cho người thân yêu…”
Từ đó chị không còn bên cô, cũng từ đó cô trở nên lặng lẽ, cô độc hơn trong bốn bức tường của trường nội trú, hằng ngày dưới gốc cây dừa, Có thêm một trái non thơ thẩn mỗi chiều sau giờ học…nhớ chị , nhớ người con gái mái tóc đen huyền, xinh đẹp dịu dàng như nàng công chúa Bạch Tuyết đã khép cuộc đời xuân sắc trong tấm áo chùng thâm.
Dừng chân bên lan can cầu gare, cô phóng tầm nhìn lên Như Lệ, An Đôn. Dưới hàng tre rũ bóng, một con đò cô đơn neo bến. Ôi thật đẹp nhưng cũng thật buồn, bàng bạc dưới ánh hoàng hôn.
Cảm giác mong manh tràn ngập lòng cô. Rồi hồn văng vẳng giai điệu của một nhạc phim từ ký ức, chợt như lãng đãng rơi trên sóng nước:
“Ngựa hoang muốn về tắm sông nhẫn nhục, dòng sông mơ màng mát trong tâm hồn…Ngựa hoang quên thù oán căm, từ nơi tối tăm về miền xa vắng”.
Đâu đây vang tiếng huýt sáo theo điệu nhạc, tiếng sáo diều vi vu lãng đãng đem hồn cô bay xa…bay xa vút…Tìm về lại sườn đồi có hoa sim tím, dưới ánh chiều buông, màu hoa như thẫm lại hoang hoải, trầm uất khóc cho thân phận đớn đau…
Nơi ấy cô từng lặng lẽ ngắm con sông uốn khúc, hàng tre cong rũ soi bóng in dòng nước và bãi cát trắng phô những nét đẹp quá đổi mềm mại, thanh tao.
Hơn lúc nào hết cô muốn nghe tiếng ba sang sảng. Muốn nhìn dáng cao cao bước đi của người, những bước nhanh nhẹn mà chắc nịch. Cô đã từng ví ông là hiện thân của Lục Chấn Hoa, trong Dòng Sông Định Mệnh của nữ sĩ Quỳnh Dao.
Bối cảnh gia đình cô cũng từa tựa thế. Nhưng cô không phải một Lục Y Bình yếu ớt, và mẹ cô lại quá đổi tuyệt vời, Trọn vẹn trách nhiệm của người mẹ kế, gánh vác cả giang san nhà chồng.
Chắc bà cũng không thể ngờ rằng, để được như thế, con gái lớn của bà đã sống và lớn lên như loài cỏ dại, đã cô đơn dằng dặc bao năm dài, trong chính căn nhà của mình, đã thèm khát bàn tay ấm áp của bà đến độ ganh tỵ với hai cô em gái nhỏ, đêm nào cũng được say giấc trong vòng ôm của mẹ...
Cô rất thèm sống với không khí những ngày Tết. Những ngày cô vui nhất, quán đóng cửa nghỉ ngơi, Mẹ cô rảnh rang chăm sóc cả nhà. Mọi người được ăn những bữa cơm thật đặc biệt do chính tay mẹ xuống bếp. Tha hồ làm nũng với bà, lỡ làm vỡ ly chén chẳng bị ăn roi, còn tha hồ chạy qua nhà bé Thương chơi bán hàng suốt buổi…
Ba chị em đeo túi đựng những phong bì lì xì lủng lẳng, chạy tung tăng từ quán xuống khu nhà vườn:
Thuở bé tôi đeo chiếc khánh vàng
Quần đào xẽ đũng áo hàng lam
Chân đi hài cỏ tay thu pháo
Rộn cả nhà lên tiếng hát vang
Hình ảnh dễ thương biết bao, cô bé chân sáo trên lối đi có hàng chè tàu xanh mướt thẳng tắp, và những cánh mai vàng rực nắng trên cành, như nhuộm cả không gian xuân mới, vẫn còn vương nồng mùi khói của pháo, mùi hương trầm xông đêm giao thừa, cả sân gạch tàu vương vãi xác giấy hồng của đêm Cuối năm. Hạnh Phúc lẫn nao nức trong lòng. Nửa quen thuộc, nửa như là lạ: Mình đã thêm một tuổi.
Tình yêu đầu đời đến với cô. Từ nỗi cô đơn. Bắt đầu trên con đường đỏ rực màu hoa Phượng. Người bạn trai cùng lớp hè, giả vờ đánh rơi tập vở lúc chạy xe qua. Cô nhặt đem về với lòng tò mò của con gái... Cánh phượng hồng ép trong trang vở, lời tỏ tình bâng quơ của tuổi học trò xao động trái tim cô gái mới lớn. Mối tình thơ dại kết nối tháng ngày bằng ánh đèn xi-nhan hằng đêm chạy ngang trước nhà. Bằng những lần đón đưa giờ tan học, bằng những buổi cuối tuần quỳ dưới chân mẹ Maria La Vang nguyện cầu...
Cô thấy vui vui, và lòng bỗng nhiên nhẹ nhàng.
Một buổi sáng Chủ Nhật H. nói:
“Sau nầy có thể H. thành linh mục, vì cha đỡ đầu H. đã nhiều lần khuyến khích ba mẹ cho H đi…”.
Cô yên lặng gục đầu trên cánh tay. Lại thêm một người cô yêu thương, thân quý sẽ rời bỏ cô để hiến mình cho sứ mệnh vĩ đại… Cô bỗng thấy giận Chúa
Nhưng rồi hai đứa xa nhau không vì Chúa, mà vì gia đình biết chuyện, cấm ngăn vì lo cô bỏ bê việc học hành. Hai đứa lặng buồn trả cho nhau những cánh thư, những món quà kỷ niệm. H xin giữ lại chiếc áo len màu beige, cô đan bằng những mũi kim vụng về mùa Noel năm trước. Rồi hai đứa bặt tin nhau theo mùa hè đỏ lửa.
Hôm tình cờ gặp nhau trên chuyến xe từ Huế về Hải Lăng sau một năm xa cách, cũng là lần cuối cùng gặp gỡ. Mấy tháng sau H. đã vĩnh viễn từ bỏ trần thế về cõi Vĩnh Hằng, Hôm nhận được tin, cô đã khóc lặng lẽ bên bến sông Ô Lâu, khi đang theo đoàn công tác.
Cây đa bến cũ còn lưa.
Con đò đã thác năm xưa tê rồi
Hạt mưa rơi xuống giếng phận số, vào một ngày cô mất phương hướng... Bướng bỉnh bỏ ngoài tai lời răn đe, để khăng khăng tìm cho mình một hướng đi không cần suy nghĩ: “Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư…”.
Ba mẹ cô lắc đầu chán nản, bao nhiêu tài sản sự nghiệp đã nát tan, cháy rụi vì chiến cuộc đã làm ông bà bạc tóc, nên chẳng còn hơi sức để đặt nặng vấn đề, về một đám cưới hoàn toàn không có sự đồng thuận của ông bà. Cô từ giã tuổi thơ hồng ngọc của mình với bó huệ trắng trên tay, theo về với người cùng nụ cười méo mó, mơ đến một sự đổi thay tốt đẹp.
Tháng năm dần trôi, cuộc đời bầm dập khốn khổ cuốn theo thời cuộc. Những đứa con lần lượt ra đời. Thực tế không là màu hồng, cũng chẳng phải màu xanh, cô câm nín chịu đựng, để rồi từ từ héo hon cằn cỗi. Sống như một xác vô hồn, không cảm xúc buồn vui, chỉ biết lăn lộn đêm ngày tìm chén cơm manh áo. Không dưới một lần cô muốn kết liễu phận đời ấy, bằng một dấu chấm hết. Nhưng nhìn những ánh mắt con thơ, nghĩ về ba mẹ, cô lại cắn răng chịu đựng. Ừ! phải trả một món nợ lỡ vay.
Mỗi lần về Quảng Trị thăm gia đình, ghé vào đâu đó thay bộ quần áo mượn của bạn bè, cố che dấu sự khốn cùng để khỏi đau lòng song thân. Nào biết đâu, với khuôn mặt héo hắt thâm quầng, đã thể hiện cho ba mẹ biết tất cả nỗi khổ của con gái. Người chỉ biết thở dài trầm ngâm, và tóc càng thêm bạc.
Cuộc hôn nhân vội vàng chẳng nền móng tình yêu ấy, không đem lại cho cô hạnh phúc trăm năm, nhưng đã ban phát cho cô những đứa con vô cùng dễ thương, ngoan hiền… Chắc hẳn đó là phần an ủi của tạo hóa. Và cô cũng không còn muốn nhắc đến, nhớ lại nỗi truân chuyên của đời con gái làm dâu xa xứ. Có bao người phụ nữ khốn khổ chỉ vì hai chữ phận số nhỉ?
Ba mẹ cùng nhau lần lượt trở về cát bụi. Cô chưa có dịp mở miệng nói cho mẹ biết, sự khao khát mãnh liệt hơi ấm từ bàn tay quá đỗi dịu dàng của bà trong lòng cô, mà suốt đời hầu như cô không nhận được. Cô chưa hề có cơ hội để kể cho mẹ nghe, ví von để mẹ biết con gái mẹ lớn lên như bông hoa dại ngoài bờ rào, dù khoác trên người y phục của một tiểu thơ, con nhà trâm anh thế phiệt. Có lẽ điều nầy duy nhất là điều mẹ cô, một người PN thông minh cực kỳ không nghĩ đến, vô tình không biết đến.
Chầm chậm và nhẹ nhàng hoàng hôn tím dần, bóng tối buông lơi rồi từ từ lan tỏa. Ngôi sao mơ hồ nhấp nháy trong màn sương, trên nền trời xanh đậm. Một chuyến tàu chiều sầm sập chạy qua. Tuổi thơ cô đó, cuộc đời cô đó, như con tàu không mỏi mệt, cứ hăm hở đi tìm bến bờ hạnh phúc mông lung. Phải chăng hạnh phúc cô tìm đang chờ đợi tận cuối cuộc đời, bên sườn đồi nào đó có thông reo. Phải chăng hạnh phúc chỉ đến một lần ngắn ngủi trong cuộc đời, mà mình vô tâm không biết, nên vội bay đi để lại khoảng trống tận cùng của tâm hồn, làm lòng đau khôn nguôi.
Đi lần đến xóm cũ, khu vườn ngày xưa của gia đình cô giờ chia da xẻ thịt thành từng khuôn nhỏ, thuộc quyền từng gia đình nhỏ
Chốn bình yên cô muốn tìm về, muốn nhìn lại không còn gì nữa, có chăng là những tấm bảng hiệu cũ kỹ, rệu rạo một cách lanh lùng:
Nhà nghỉ bình dân
Nơi đây e không mấy khi khách dừng chân, vì ga nhỏ. Chỉ vài ba cặp tình nhân hay gái gọi tấp vào vội vã rồi đi, nên chủ kinh doanh cũng chẳng buồn sửa sang bảng hiệu cho mới mẻ để thu hút khách. Còn đâu khu vườn thơ mộng, huyền bí với vườn cây xanh mát. Lòng bỗng nhói đau mơ hồ tựa như bị cào xé, mà chẳng hiểu nguyên nhân… Ôi! Chiến tranh phi lý.
Con đường lạ lùng, nỗi cô đơn lại trào dâng ngợp ngụa. Ngày ấy trước nhà có vũng nước to đùng, xe nhà binh chạy qua hằng ngày bùn văng tung tóe, rứa mà nghe yêu chi lạ. Lũ trẻ trong xóm gom những viên đá cuội trên đường ray tàu lửa, thi nhau ném xuống mỗi chiều. Bây giờ bằng phẳng mà sao nghe lòng khập khiễng như đang đi trên sỏi đá chông gai.
Quảng Ngãi, quê chồng là nơi số phận gian truân của một đời phụ nữ trải qua gần 40 năm. Quảng Ngãi với 13 thắng cảnh, cho cô một bước ngoặc kỷ niệm để thành những vết dao cứa sâu tâm hồn cô đến rướm máu. Khi ngỡ mình đã tìm được thiên đường, khi thấy lòng mềm đi vì nắng chiều của bờ sông Trà Khúc, bên những hàng bắp trổ cờ Thạch Bích tà dương, hay ngọn Thiên Bút Phê Vân hùng vĩ…Cũng chính là lúc Cô quỵ ngã trên đường, tay còn nắm những ngọn cỏ thơm tho đầy tình yêu thương cuộc sống. Nỗi cô đơn dày xéo, cô lại ra đi thật xa, đến một nơi nhiều người xa lạ, không có cảnh núi đồi hoang dã, mong ngợp ngụa khói xe, vó ngựa chôn vùi giúp cô một quãng đời quá nhiều niềm đau gai góc
Hôm nay, tiếng gọi đàn thôi thúc cô trở về bên dòng sông tuổi thơ, tìm lại cảm giác thân quen đã từ lâu phai nhạt. Từng hình bóng đi qua trong cuộc đời, mơ hồ tận cuối trời, nơi mặt trời đang dần khuất ánh vàng rực
Dòng sông ấy đã tắm mát một thời con gái, nay dòng sông ấy có cuốn đi những lỡ lầm, những đau khổ của một đời người? Để nỗi cô đơn không còn tồn tại trong ngày tháng còn lại, khi mùa gió heo may thổi về buốt giá đôi má đã nhạt màu hồng tươi, trên mái tóc đã phủ trắng sương thời gian…???
…Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình, đồng cỏ nào xanh dưới chân mình… Ừ! đồng cỏ xanh tuổi thơ…dòng sông xưa thanh bình… (*Gió bay tung mái tóc dài, tiếng ai như còn thầm thì bên tai: “Em đừng cắt tóc, người PN luôn dễ thương dịu dàng với mái tóc dài ngang vai…”)
Tất cả chỉ là quá khứ thật xa xôi, bao năm qua có thật là hạnh phúc? Có là một tình yêu chân chính.
Sao ta cứ mãi nhớ thương một chuyện tình gãy đổ thế nhỉ, phải chăng vết thương lòng bao giờ cũng khó hàn gắn?
Cô giang đôi tay trần đón gió, gió mang theo hơi nước của dòng sông, có cả mùi hương cây lá ven bờ từ xa thật xa, cả mùi phù sa ngọt ngào quen thuộc của những tháng ngày thơ mộng. Gió tung mái tóc, vạt áo và cô nhắm mắt hít thật sâu: không khí quá đổi thanh khiết, bình yên tràn vào hai lá phổi.
Nước mắt tuôn trào ướt đẫm…
Yếm rách còn ngăn được gió, tình em dang dở yếm nào che…
(**)
Ừ, cô thầm nhủ: Ta chỉ khóc lần sau cuối cho những gì đã mất... Em chỉ khóc vì anh thêm một lần nữa thôi..
Ai đó đã nói: Hạnh Phúc luôn đi cùng đau khổ
Anh đã cho em Hạnh Phúc và anh cũng đem lại cho em nỗi đau xé nát cả con tim.
Chiếc điện thoại bé xíu rung lên hồi chuông quen thuộc: “Que’sera sera..”
Ừ! Me đây, me đang đứng trên cầu ga ngắm hoàng hôn….
Me lại lãng mạn nữa rồi, cảnh có đẹp không me?
Đẹp vô cùng, và rất yên bình …
Nhớ giữ gìn sức khỏe me nhé! Đừng đi nắng nhiều, bịnh đau đầu sẽ làm khổ me đó... nhớ đi ngủ sớm và…
Lại sợ me ham vui uống nhiều đây: “Yên tâm út cưng. me rất khỏe…”
Cô chạy nhanh bằng đôi chân trần trên những đường ray, dọc theo lan can cầu ga. Nhắm mắt hít thật sâu cho buồng phổi căng đầy không khí.
Hơi gió mang hương sông ngọt ngào lành lạnh, nước mắt cô trào ra, nhỏ xuống dòng mồ hôi của đá. Có một hạnh phúc lớn lao vô cùng, vừa lóe lên tia sáng trong tâm hồn cô, vô hình mà hiện hữu, mơ hồ mà thiêng liêng. Cô giữ kín trong lòng cảm giác mình vừa nhận được, để tin rằng đó chính là bến bờ Hạnh Phúc của mình, một người Phụ Nữ sinh năm Giáp Ngọ.
Một hôm ngựa bỗng thấy thanh bình, đồng cỏ nào xanh dưới
chân mình. Ân tình làm ngựa hoang chết gục, và trên lưng nó ôi,
còn in những vết thù…(*)
Quảng Trị một ngày về Đinh Quang Tuyết
*
(*): Vết thù trên lưng ngựa hoang
(**): Thương lắm tóc dài ơi