Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, August 4, 2023

CÔNG ÁN THIỀN VỀ DU - Thơ La Thụy

Bài thơ này, La Thụy viết từ năm 2015. Đã đăng trên web blog BÂNG KHUÂNG và facebook TRANG VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM
 
   

 
CÔNG ÁN THIỀN VỀ DU
(Tặng Trần Mai Ngân)
 
Là Du… nhưng không là Du
Đắm trong yêu nhớ trầm phù si tâm
Hoa kia sắc tướng bụi lầm
Hồng nhan họa thủy? Án nhầm* … thiện tai!
Ừ thì mê lộ dặm dài
Sắc không hư ảo gót hài in rêu
Tình trần lơ lửng phong phiêu
Nghiệp duyên cởi buộc sớm chiều tụ tan
Am thiền Tiếp Hiện: vấn, nan? **
Thì ừ, buông xả tâm an gột phiền
Toạ thiền quán tưởng diệu sinh
Sát na đốn ngộ sắc hình giai không

                                        La Thụy
                                       8/5/2015
 
Ghi chú:

* Chuyện “Chú Tiểu Bị Oan”

“Trong phiên chợ có người bị mất trộm và người đó quả quyết là chú tiểu ăn cắp. Chú giải thích mấy cũng không ai tin. Sau, tìm được kẻ trộm người ta thả chú ra và xin lỗi. Khi về chùa - lạ lùng thay, Sư phụ bảo chú cúi xuống và đánh đòn. Chú nói: "Con vô tội và đã được minh oan rồi mà, sao sư phụ lại còn đánh con". Sư phụ nói: "Ta biết con vô tội và lương thiện. Nhưng ta vẫn đánh con là để con xem lại hành vi và dung mạo mình như thế nào mà bị nghi oan như thế, trong khi xung quanh có biết bao nhiêu người mà không ai bị nghi cả...

** Dòng tu Tiếp Hiện (Order of Inter-being) thành lập bởi thiền sư Thích Nhất Hạnh - chủ trương đạo Phật đi vào cuộc đời
- Câu "TO BE IS TO INTERBE" có thể diễn nôm: “Sống là đến Tiếp Hiện” hay “hiện hữu thì đến Tiếp Hiện”, dịch thật đầy đủ cho rõ nghĩa là: “hiện hữu thì (nên) đến (với) Pháp môn Tiếp Hiện.


*
Khi đăng trên trang face VĂN CHƯƠNG MIỀN NAM, một vài bạn vào ghi còm:
 
https://www.facebook.com/groups/395853348109312/posts/639160690445242
 
Khuc Thuy Du:
 
Gươm Huệ chặt đứt sân si
Vô minh mê muội bỏ đi - trở về
Đáo bỉ ngạn - bỉ ngạn hề
Ta bà công án đã huề phân minh!

Cảm ơn nhà thơ La Thuỵ. Chúc vui!

Pham Q Tuan:

Xin được góp ý với anh về “Ordre de l'Interêtre” hay Order of Interbeing. Chữ này được dịch là Tiếp Hiện thì cũng khá chính xác. Nói là đi vào cuộc đời dẫu không sai nhưng dễ bị hiểu lầm. Thầy TNH khi viết bộ VN Phật Giáo Sử Luận với bút hiệu Nguyễn Lang xưa kia có nói nhiều đến phái Lâm Tế. Phái này xuất phát bên Nhật, được lan truyền vào VN trước thời đệ I cộng hoà và đúng là đi vào cuộc đời.
Tông phái Làng Mai của thầy hiện nay có đệ tử nhiều nơi và họ có một nhóm trên FB chuyên đăng lời giảng, sách của thầy bằng tiếng Anh. Thấy điều thầy hay nhắc nhở là sống với giây phút hiện tại, coi trọng cái đang có, hít thở để tận hưởng giây phút này, không cần gởi tâm về quá khứ hay tương lai. Nói chung là Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo, điểm quan trọng nhất thầy hay giảng rất đơn giản bằng tiếng Anh. Tui cho là ý của thầy - Interbeing - có vẻ là pha trộn tâm linh hẳn vào hiện tại. Hai chữ vào đời chưa đủ hay không lột tả được hết hoặc đúng ý của tông phái. Nhưng bên thiền học thì mình chỉ nghĩ chứ không dám phê phán.
 
Nguyễn Ngọc Luật:

Xin góp ý với bạn Pham Q Tuan: thiền phái Lâm Tế do ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền (787-867), là một vị Thiền sư Trung Hoa khai sáng năm 842. Ngài Nguyên Thiều Siêu Bạch truyền vào Đại Việt khoảng năm 1977. Hiện nay đa số Tăng sĩ VN xuất thân từ phái thiền Lâm Tế và truyền thừa đến đời thứ 43,44,45.

Pham Q TuanN:

Nguyễn Ngọc Luật! Cám ơn anh bổ túc. Nhưng như vậy thì chắc chắn là một nhóm khác vì trong VNPG Sử Luận viết về thời trước 1975, chính xác hơn là thời đệ I Cộng Hoà. Và đường hướng của họ cũng lạ.

Nguyễn Ngọc Luật:

KO anh. tôi đã đọc PGVNSL của NL và tìm hiểu về VNPG sử. tất cả các tông phài PG truyền vào VN đều xuất phát từ TH từ lâu lắm. Dòng tu Tiếp Hiện được TS Nhất Hạnh khai sáng tại VN năm 1966 với mục đích hiện đại hóa PG vào đem đạo vào đời gồm những Tu sĩ hay cư sĩ đi hóa đạo trong cuộc đời có gia đình như những mục sư Tin lành. Còn tu sĩ PG tu theo truyền thống chỉ chuyển tu mà thầy NH gọi là Dòng tu Thể Nhập...

2 comments:

Bâng Khuâng said...

CÔNG ÁN THIỀN
Trong Thiền tông, thuật ngữ quan trọng này chỉ một phương pháp tu tập thiền định đặc biệt.
Công án có thể là một đoạn kinh, một kinh nghiệm giác ngộ, một câu chuyện về một vị sư, một cuộc đàm thoại, vấn đáp hay một cuộc pháp chiến. Nhưng chúng có chung một điều là đề cập đến thể tính của vạn vật. Đặc trưng của công án là thường thường nghịch lý, "nằm ngoài phạm vi của lý luận". Công án không phải là "câu đố" thông thường vì nó không hề được giải đáp bằng lý luận, muốn hiểu nó phải nhảy qua một cấp độ khác của nhận thức.
Khoảng giữa thế kỉ thứ 10, Thiền tông bắt đầu dùng công án như phương tiện để giáo hoá và các thiền sinh sử dụng chúng làm đối tượng quán tưởng trong lúc thiền. Vì lời giải của công án thường nằm ngoài lý luận, nên thiền sinh thấy rõ giới hạn của tư duy và bị buộc phải chuyển hoá tâm thức bằng một bước nhảy của trực giác, nhảy qua khỏi sự mâu thuẫn của lý luận nhị nguyên. Với tâm thức này, thiền sinh có một kinh nghiệm trực tiếp về thể tính. Phương tiện công án được phổ biến trong các dòng thiền Lâm Tế tông, Tào Động tông ở Trung Quốc và Nhật Bản. Người ta cho rằng, gom góp lại có tất cả khoảng 1700 công án - một con số mang giá trị trừu tượng - và trong số đó 500-600 ngày nay còn được lưu hành tại Nhật.
Người ta thường nhắc đến việc sử dụng công án làm phương tiện tu tập trong tông Lâm Tế nhưng chính tông Tào Động cũng thường hay sử dụng. Các vị Thiền sư sau này khuyến khích môn đệ của mình tham quán công án nhằm cản trở tâm thức của thiền sinh trở lại tâm trạng của phàm phu - sau khi đã nếm được mùi vị giác ngộ lần đầu, có thể gọi là "lần đầu thấy đạo". Ngoài ra, việc quán công án cũng giúp thiền sinh phát triển và mở rộng kinh nghiệm giác ngộ cho đến lúc tỉnh ngộ triệt để, được thầy ấn khả.
Khi trắc nghiệm sự chứng ngộ của môn đệ trong lúc tu tập công án cấp cao, các vị Thiền sư thường đặt ra những câu hỏi đặc biệt, hỏi ngang dọc, hỏi về sự liên hệ của công án (thiền sinh đang quán) với giáo lý Đại thừa, đặt những câu hỏi mới, khác biệt song song với công án gốc (bản tắc 本則, ja. honsoku) và vì vậy, công án chính được sáng rọi cùng tận bằng nhiều cách khác nhau. Điều dĩ nhiên là thiền sinh không thể tham quán tất cả 1700 công án nhưng một số tương đối lớn được tham quán và thiền sinh được trắc nghiệm tường tận.

Bâng Khuâng said...

Trong Lâm Tế tông tại Nhật Bản, các vị thiền sư thường phân biệt năm loại công án:
Pháp thân công án (zh. 法身公案, ja. hosshin kōan): chỉ các loại công án có thể giúp đỡ thiền sinh chỉ một bước một vượt thế giới nhị nguyên, lần đầu chứng ngộ trực tiếp Pháp thân (sa. dharmakāya, ja. hosshin), Phật tính (sa. buddhatā, ja. busshō), theo Tâm kinh thì gọi là "Sắc tức là Không". Rất nhiều công án trong các tập danh tiếng được xếp vào loại này mà nổi danh nhất có lẽ là công án thứ nhất của tập Vô môn quan với tên "Con chó của Triệu Châu" (Triệu Châu cẩu tử 趙州狗子).
Cơ quan công án (zh. 機關公案, ja. kikan kōan, 'cơ quan' ở đây có thể hiểu là bộ phận, dụng cụ): mục đích của các Pháp thân công án là thế giới bất phân biệt, nhưng thiền sinh chưa được dừng chân nơi đây. Cơ quan công án hướng dẫn thiền sinh đến một bước nữa, phân biệt trong thế giới không phân biệt, ngộ được lý "Không tức là Sắc". Được xếp vào loại này là công án 17 và 37 của Vô môn quan.
Ngôn thuyên công án (zh. 言詮公案, ja. gonsen kōan): chỉ những công án mà thiền sinh phải tham quán ý nghĩa tột cùng của ngôn ngữ mà chư vị tiền bối sử dụng hoằng hoá (ngôn thuyên nghĩa là ngôn ngữ giải thích kĩ càng, trọn vẹn). Các vị Thiền sư sử dụng ngôn ngữ rất tài tình, đầy thi vị nhưng điểm đặc sắc nhất là các ngôn ngữ này không hề dừng bước chỉ trong khuôn khổ thẩm mĩ mà vượt qua cả nó, bao hàm ý nghĩa cùng tột, trực chỉ chân lý. Đại diện cho loại công án này chính là Bích nham lục của Thiền sư Viên Ngộ. Một số công án trong Vô môn quan cũng được xếp vào loại này (21, 24, 27, 30, 33, 34).
Nan thấu công án (zh. 難透公案, ja. nantō kōan): chỉ những công án rất khó (nan) lĩnh hội (thấu) vì những sự đối nghịch ngay trong trường hợp được trình bày. Các công án thuộc loại này giúp thiền sinh khinh an thấu rõ được sự vô ngại của sự vật, có thể nói theo giáo lý của Hoa nghiêm tông là Sự sự vô ngại (zh. 事事無礙). Chính sự chinh phục, thấu hiểu lý này là yếu tố của tâm tư khinh an, tự do tự tại mà các bậc giác ngộ thụ hưởng. Thiền sư Bạch Ẩn Huệ Hạc thường nhắc đến tám công án thuộc loại này mà trong đó ba công án nằm trong tập Vô môn quan, đó là tắc 13, 35, 38. Công án 38 như sau: "Ngũ Tổ Pháp Diễn hỏi chúng: Ví như con trâu đi qua khung cửa, đầu, sừng, bốn chân đều lọt, sao đuôi lại chẳng lọt được?"
Ngũ vị công án (zh. 五位公案, ja. goi kōan): chỉ các công án cuối cùng mà thiền sinh phải vượt qua. Các công án này có liên hệ trực tiếp với Ngũ vị quân thần (Động Sơn ngũ vị) của vị Khai tổ tông Tào Động là Thiền sư Động Sơn Lương Giới. Kinh nghiệm giác ngộ của thiền sinh—đạt được qua bốn loại công án trước—được thử thách lần cuối.