Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, August 31, 2023

MỘT BUỔI SÁNG TRÊN BÃI RẠNG - Thơ Lê Thanh Hùng

 


Một buổi sáng trên bãi Rạng


Anh ngồi yên trên bãi biển chiều nay

Nhìn con còng gió thập thò, ngắm sóng

Một dĩ vãng, dường như đang ngưng đọng

Dấu chân em qua, sóng biển lấp đầy

                         *

Quãng đường cong trong một thuở dung dăng

Hàng dừa lão troãi mình nghiêng bãi vắng

Dòng nước ngọt chắt chiu vào biển mặn

Dốc cát lở ngày treo những vết hằn

                           *

Anh ngồi yên, ngong ngóng nét xa xưa

Chiều Nước Nhĩ, đêm tế thần, hát bội

Ta đã có những tháng năm đắp đổi

Những giấc mơ xa, sáng nắng chiều mưa

                           *

Mây lãng đãng trôi, buổi sáng bình yên

Bánh tráng khoai mì, cọng hành ở giữa

Buổi khó khăn, có gì đâu chọn lựa

Trệu trạo nhai, mà cười nói huyên thuyên

                           *

Thuyền lưới Rùng, giờ đã buông dầm

Thong thả dập dờn, chờ con nước lớn

Chợt tiếng nhạc dập dình, tơ xanh mởn

Khu du lịch trẻ trung, những mạch ngầm ...


Lê Thanh Hùng

Thị trấn Chợ Lầu, huyện Bắc Bình, Bình Thuận.


READ MORE - MỘT BUỔI SÁNG TRÊN BÃI RẠNG - Thơ Lê Thanh Hùng

Chùm ảnh MÙA ĐÀO - Chu Vương Miện

Bấm chuột vào ảnh để phóng to.







 

READ MORE - Chùm ảnh MÙA ĐÀO - Chu Vương Miện

ĐẶC TRƯNG TÂM LÝ TUỔI DẬY THÌ - Vũ Thị Hương Mai

Ảnh từ: https://stanfield.com/


 ĐẶC TRƯNG TÂM LÝ TUỔI DẬY THÌ


Chính những bước chuyển biến về sinh lý ở tuổi dậy thì đã dẫn đến nhiều sự thay đổi trong suy nghĩ và tình cảm, một sự biến đổi tâm lý khá phức tạp và rõ rệt. Ở thời kỳ này, đặc điểm tâm lý nổi bật nhất ở lứa tuổi này là tâm lý vươn tới tính độc lập, thoát ly khỏi sự kiểm soát của gia đình, vươn tới thành người lớn.

Tình cảm ở lứa tuổi này rất dễ biến đổi, dễ xúc động và biểu hiện tính hai cực rất rõ. Chúng trở nên hoạt bát, sôi nổi hơn, thường dễ bị kích động, sự kiềm chế bản thân rất kém, hành vi khó đoán trước, dễ bị kẻ xấu lôi kéo. Khi tiếp xúc với người khác, có thể tâm tình rất đậm đà, có lúc bốc lên rất cao, rất nổi bật song năng lực tự khống chế rất kém, phòng vệ lý trí tương đối yếu, thường lệch hướng, phiến diện, suy nghĩ đôi khi có phần cực đoan và hành động cũng cực đoan. Vì vậy, ở lứa tuổi này cha mẹ phải hết sức chú ý đến sự biến đổi tâm lý của con mình để không có chuyện nguy hiểm xảy đến với chúng. Nhất là với con trai, tâm lý bốc đồng, dễ bị kẻ xấu lôi kéo sẽ khó tránh khỏi những điều nguy hại.

Đến tuổi này, các em thường thích chải chuốt biết làm đẹp cho mình. Nhưng thường giấu kín thế giới nội tâm của mình, khi cha mẹ hỏi về chuyện tình cảm rất hay quanh co. Khi các em tự khép kín thế giới nội tâm của mình thì đồng thời lại có cảm giác mình cô độc. Đó là sự mâu thuẫn về tâm lý rất khó nắm bắt, đòi hỏi cha mẹ phải hết sức quan tâm mới có thể hiểu được tâm tư, tình cảm của con mình ở thời kỳ này. Nếu tâm lý các em không được giải tỏa rất dễ mắc chứng trầm cảm.

Cá tính phát triển cũng là một trong những biểu hiện đặc trưng tâm lý lứa tuổi mới lớn. Sự phát triển ý thức rất rõ rệt, đã hiểu được thế giới nội tâm, phẩm chất nội tâm của con người, bắt đầu biết tự tìm hiểu cá tính của bản thân và của người khác, tìm hiểu sự thể nghiệm và đánh giá bản thân, đồng thời đánh giá cá tính, phẩm chất của người khác. Sự phát triển cá tính là một biểu hiện của tâm lý muốn thoát ly của tuổi mới lớn.

Nói chung, những nét đặc trưng về tâm lý của lứa tuổi mới lớn có những thay đổi rõ rệt nhưng không tách khỏi sự mâu thuẫn biểu hiện ở những đặc trưng sau đây:

- Tính khép kín và cảm giác cô độc

Những thay đổi thầm kín trong tâm tư, tình cảm mà các em không dễ dàng tâm sự với cha mẹ hoặc bạn bè. Chúng giấu kín những điều chúng nghĩ, chúng thích trong thế giới nội tâm của mình và một mình gặm nhấm những niềm vui, nỗi buồn riêng tư. Có nhiều bé trai, bé gái khi đến tuổi dậy thì, do những thay đổi về sinh lý, thể xác khiến cho tình cảm của các em xao xuyến vì một người bạn khác giới và vì xấu hổ các em sẽ không bao giờ nói ra điều đó với ai, nhất là người lớn. Ngay cả những sự thay đổi diễn ra hàng ngày các em cũng ít có nhu cầu chia sẻ, có xu hướng tâm lý sống khép mình. Bố mẹ có thể nhận ra những sự thay đổi đó để chủ động chia sẻ, hỏi han con mình thật khéo léo, tình cảm thì rất có thể các em sẽ tâm sự hết, bằng không, các em sẽ cứ sống khép mình và những gì được giấu kín không chia sẻ cứ nung nấu trong đầu, đến một lúc nào đó các em thấy bản thân như bị tách khỏi người lớn, sẽ thấy cô đơn. Sự mâu thuẫn này sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến học tập và tương lai sau này của các em. Do đó, bố mẹ cần là người bạn đáng tin cậy và hết sức tâm lý với con cái ở lứa tuổi có nhiều sự thay đổi mâu thuẫn này, giúp con giải tỏa tâm lý bế tắc trong tình cảm. Những xúc động, xao xuyến trong tình cảm ở lứa tuổi mới lớn là tốt đẹp, không có gì là xấu. Nhưng nếu cha mẹ, người lớn không kịp thời giúp đỡ, các em sẽ đi lệch hướng.

Tính đối kháng và tính phục tùng

Đây cũng là một nét mâu thuẫn thấy rất rõ về tâm lý tuổi mới lớn. Các bậc cha mẹ có con ở lứa tuổi này phải thật sự hiểu được những nét đặc trưng tâm lý của con mình và có cách giáo dục khéo léo và nghiêm khắc. Các bậc phụ huynh tuyệt đối không dùng phương pháp giáo dục bằng “cưỡng chế tâm lý” và “áp đặt hành động”. Như vậy càng khiến con bạn trở nên bướng bỉnh và khó bảo hơn. Có thể ví đây là lứa tuổi “ngựa non háu đá” thích làm theo ý mình, bởi vì các em đang học “làm người lớn”. Chúng thích được cha mẹ, người lớn coi chúng như là thành viên lớn trong gia đình, chúng tuyệt đối không thích sự chăm sóc hay cách dạy bảo chúng như một đứa trẻ. Nếu hiểu được như vậy, cha mẹ nói gì các em cũng nghe lời vì nghĩ rằng mình cũng được coi là người lớn. Đó cũng là một nét khá nổi bật trong tính cách tâm lý của tuổi này. Một khi chúng bị người lớn áp đặt, coi chúng vẫn là một đứa trẻ con, thì ngay lập tức các em sẽ bộc lộ tính đối kháng vì chúng nghĩ mình không được tôn trọng.

Thực ra có thể hiểu một cách đơn giản, ở lứa tuổi này, các em vừa dễ bảo lại vừa khó bảo, vừa hiền lành lại vừa táo tợn, có lúc rất đáng yêu nhưng cũng nhiều khi làm người khác phải bực mình. Nhưng đừng vội kết luận là chúng hư, khó dạy dỗ. Hãy đến ý một chút đến những thay đổi về tâm tư, tình cảm của các em, đánh giá những việc làm, những hành vi của các em bạn sẽ thấy các em đang có những băn khoăn, những suy nghĩ thầm kín không muốn nói ra. Chính những sự thay đổi trong cơ thể, trong tâm hồn đã làm xáo trộn cuộc sống thời thơ ấu đang yên ổn, khiến các em phải suy nghĩ. Chúng đang ngỡ ngàng trước những sự thay đổi mới mẻ, cha mẹ phải là người hướng dẫn tận tình và khéo léo để các em tiếp nhận những cái mới dễ dàng hơn. Nếu không có sự dẫn dắt của người lớn, cứ để tự chúng đối mặt với những điều mới lạ đó khó tránh khỏi các em sẽ sa đà theo sự lôi kéo của kẻ xấu. Muốn hiểu được con mình, cha mẹ cần phải đóng vai trò như một người bạn và khi đó các em sẽ tiết lộ tất cả những bí mật trong lòng. Khi được coi là người lớn, được người lớn, cha mẹ tôn trọng các em sẽ không bộc lộ tính đối kháng mà sẽ ngoan ngoãn nghe lời.

- Tính độc lập và tính ỷ lại

Cùng với sự trưởng thành về tuổi tác và phạm vi tiếp xúc với người và vật ngày càng rộng lớn, khi đến tuổi dậy thì, các em thường khao khát vươn tới tính độc lập nhiều hơn nữa, không thích bố mẹ và người khác can dự vào việc của mình quá nhiều. Chúng rất muốn chi phối tất cả mọi việc, muốn làm theo ý mình, do vậy biểu hiện về tính cách thường có phần cố chấp và bướng bỉnh. Hầu như bất cứ việc gì trong gia đình chúng cũng đều muốn tham gia, đóng góp ý tưởng của mình vào đó. Thế nhưng, các em vẫn chưa độc lập về kinh tế, vẫn phải dựa dẫm vào bố mẹ và gia đình, cộng với những hạn chế về kiến thức và sự từng trải, lúng túng với những khó khăn khi phải đối mặt với mọi sự phức tạp ở xung quanh nên thường xuất hiện tâm lý mâu thuẫn giữa tính độc lập và sự dựa dẫm. Ngoài ra, do sự điều tiết về thần kinh trong giai đoạn dậy thì không được cân bằng, có nhiều mâu thuẫn đan xen nhau về mặt tâm lý tinh thần,do đó có lúc thì tỏ ra quá thừa nhiệt tình mà thiếu sự bình tĩnh, có lúc lại trầm tĩnh kiêu ngạo một cách cô độc không thèm để ý đến người khác, tâm trạng thường hay thái quá khi hưng phấn và kiềm chế.

Ở lứa này, các em thường có xu hướng vươn tới sự độc lập, thoát khỏi sự kiểm soát của cha mẹ, muốn làm người đã trưởng thành. Nhưng cha mẹ thì lúc nào cũng coi như con mình còn thơ dại cần che chở. Chính vì thế mà trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con thường gặp nhiều mâu thuẫn trong quan hệ gia đình. Để dung hòa được mối quan hệ này thì cả cha mẹ và con cái cần phải hiểu nhau để có cách cư xử phù hợp. Nhưng cha mẹ vẫn đóng vai trò chính và quyết định trong việc dung hòa mối quan hệ đó.

- Lý trí và tình cảm

Bước sang tuổi dậy thì, sinh lý có những biến đổi lớn, nhất là hệ thống nội tiết phát triển, do đó có ảnh hưởng nhiều đến tâm lý: tâm tình rất không ổn định, cá tính cũng biến đổi không thuần nhất và rất nhạy cảm. Thêm nữa, lòng tự trọng cao và các em thường để ý xem người khác nhìn nhận mình như thế nào, nhất là khi đã biết để mắt đến người bạn khác phái. Phụ huynh cần phải hiểu được tính đặc thù về sự phát triển cơ thể của con cái mình ở thời kỳ này để cảm thông, chia sẻ với con những điều con còn bối rối. Từ đó, cần quan tâm tỉ mỉ tâm tình biến đổi của con mình mà hướng dẫn. Ở thời kỳ này, những việc các em nghĩ, các em làm vẫn còn nông nổi, chưa có sự can thiệp sâu sắc của lý trí. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần có cách hướng dẫn, giáo dục nhẹ nhàng, từ từ cho con hiểu ra vấn đề mà thay đổi. Đừng chế ngự tình cảm riêng tư của con mà cần phải hiểu tình cảm của con mình và tìm cách hướng con theo con đường tích cực trong học tập mà vẫn duy trì được những tình cảm trong sáng.

Ở giai đoạn này, dường như các em vẫn chưa phân định được rõ ràng ranh giới giữa lý trí và tình cảm của chúng với một người bạn khác phái chỉ mang cảm tính và chỉ lờ mờ giữa tình bạn thân và tình yêu. Đây là vấn đề hết sức nhạy cảm và khó khăn đối với các bậc phụ huynh, nhưng không phải là không có cách giải quyết. Đừng bao giờ lớn tiếng chửi mắng chúng, làm như vậy chúng càng bướng bỉnh hơn vì chúng chẳng hiểu mình đã làm sai điều gì. Phụ huynh cần phải hiểu rõ một vấn đề tâm lý ở lứa tuổi này, đó là con đang vươn lên làm người lớn. Và khi con đã coi mình là người lớn thì những việc chúng làm luôn tự cho là đúng. Nếu nhìn nhận được như vậy, chắc chắn các bậc phụ huynh sẽ chọn cho mình cách giáo dục con bằng biện pháp tâm tình thủ thỉ để con hiểu rằng con cần phải có điểm dừng, vì tương lai đang chờ con ở phía trước. Giáo dục con cái ở lứa tuổi này bằng cách cư xử như với người đã trưởng thành, dùng biện pháp cương, nhu đúng lúc thì hiệu quả sẽ đạt được như mong muốn.

*

VŨ THỊ HƯƠNG MAI

Long Biên,  Hà Nội.     

Email: huongmai8081@yahoo.com.vn


READ MORE - ĐẶC TRƯNG TÂM LÝ TUỔI DẬY THÌ - Vũ Thị Hương Mai

QUÁCH TƯƠNG – Phụ lục “Đồ Long nữ tử” của Chu Vương Miện

 
Nhân vật Quách Tương.

Côn LuânTam Thánh Hà Túc Đạo thua vắt giò lên cổ mà chạy, chạy khoảng nửa canh giờ thì vẫn còn luẩn quẩn trong khu vực Tung Sơn. Quách Tương nữ thiếu hiệp thấy chuyện xẩy ra tức cười quá cưỡi con lừa xanh chạy theo, cuối cùng cũng gặp lại tiên sinh ở một toà thạch đình dưới chân núi. Sau khi uống nước nghỉ khoẻ thì hai người trao đổi về kiến thức võ học, quan niệm của người quan ngoại Tây Vực, và người quan nội Trung Thổ. 
Quách Tương lên tiếng thăm hỏi:
- Chắc tiên sinh không hài lòng cho lắm về cuộc đấu võ thi tài trên chùa Thiếu Lâm ? 
Côn LuânTam Thánh Hà Túc Đạo như gãi phải chỗ ngứa bèn ngửa cổ than rằng:
- Chưa có cuộc thí võ nào mà bất công như cuộc thí võ vừa rồi ? Chắc cô nương cũng hiểu như vậy!
- Dạ tiểu nữ cũng không hiểu gì sứt cả? mà chỉ thấy tiên sinh thua chạy bất ngờ nên chạy theo tiễn đưa tiên sinh một thôi đường mà thôi!
- Vậy theo ý của tiểu cô nương thì tại hạ thua à ?
- Chả lẽ tiên sinh thắng sao ?
Khuôn mặt cuả Hà Túc Đạo đang mầu trắng chuyển qua mầu đỏ rồi mầu hồng, y như đang luyện tập “ Càn Khôn đại na di tâm pháp” đến hồi thứ sáu, buồn bã thở dài trả lời:
- Cung cách đấu võ của Võ Lâm Trung Nguyên tại chuà Thiếu Lâm xem ra không có vẻ công bằng, thứ nhất là dàn nhân sự ra nhiều quá, còn cách đấu võ thì rất là bất công!
- Tiểu nữ xin trả lời ngắn cho tiên sinh điều này là chuà Thiếu Lâm dàn nhân sự ra nhiều quá, chả là xính xáng Kim Dung cuả hãng phim Minh Thị mướn họ đóng phim, tập họp cho nó đông xôm tụ, nào là cả trăm người trong La Hán Đường cuả Vô Sắc đại sư, cả ba trăm người trong Đạt Ma Đường cuả Vô Tướng đại sư, nào Vĩnh Tồn Tâm Viện đến Viện dưỡng lão, đầu bếp [tức Hoả công, Hoả đầu vụ], rồi đến những phu phen trồng rau bổ củi sau chùa, kể luôn cả thiện nam tín nữ hôm đó vãng lai viếng cảnh chùa, cứ tính đầu người mà xính xáng Kim Dung trả tiền, họ có biết võ vẽ gì đâu ? Còn chuyện tiên sinh cho là không công bằng thì xin giảng giải cho tiểu nữ nghe để hiểu?
Ta là Hà Túc Đạo với biệt hiệu Côn Luân tam thánh thì theo thủ tục cuả võ lâm Tây Vực, thì như vừa rồi ở hiện trường Thạch Đình ba vị Thiếu Lâm Tây Vực là Phan Thiên Canh, Phương Thiên Lao và Vệ Thiên Vọng đánh với ta là rất chuẩn. Vì ta là Tam Thánh nên phải có đủ ba ngươì đấu với ta, thiếu không đủ ba thì không được phép đấu. Cách đấu hợp lý nhất là phải kiếm một cao thủ ngang ngửa với ta, là cùng một lúc có cả ba sở trường, vừa Kiếm, vừa Cờ, vừa Đàn, tức là vừa đấu kiếm vừa đấu cờ và vừa đấu đàn. Khi đó mà ta thua thì ta mới tâm phục khẩu phục. Ý cuả tại hạ là như vậy, theo cao kiến cuả Quách cô nương thì sao?
- Chuyện này thì cũng không lấy gì làm kh , chẳng qua tiên sinh không chọn đúng địa bàn thi thố mà thôi ? Nếu tiên sinh mua vé maý bay qua hãng Eva qua du lịch Việt Nam thì ít nhất cũng có vài nhân tuyển đấu ngang ngửa hơn thua với tiên sinh được.  Những ngươì này không bao giờ mạo xưng là Tam Thánh, nhưng sở trường cuả họ là Tam Tuyệt là vừa thổi kèn [một lúc thổi hai kèn một ngắn và một dài] mũi thổi sáo và có khi vừa thổi kèn thôỉ sáo vừa ăn chuối và uống nước trà hay lade nữa!
- Dưới gầm trời gầm cầu này lại có những thiên tài hiện thực đến như thế sao?
- Không tin thì tiên sinh về nhà mở web Âm Nhạc ra thì thấy ngay. Tiểu nữ không bao giờ dám nói dối. Vậy xin kính cẩn hỏi là cái Thời danh Côn Luân tam thánh là do ai phong ? Hoàng Đế Trung Quốc hay giáo hội La Mã phong ?
- Chính tại hạ tự phong cho mình chứ chưa hề có ai phong cả ?
- Theo chỗ tiểu nữ hiểu thì từ xưa tới nay chưa có ai dám khoác lác mà tự phong mỹ tự dao to buá lớn làm vậy? Nên hai vị đại sư Vô Tướng và Vô Sắc cũng rất lấy làm bất mãn,  muốn tỉ thí võ công hơn thua với tiên sinh để mục đích xem tiên sinh “Thánh”  ở chỗ nào ? Cũng may là tiên sinh vội vội vàng vàng ra chiêu đâm vào hai thùng nước cuả Giác Viễn đại sư mới có cớ sự như bây giờ!
*
Cô nương có nhận xét thế nào về cuộc đấu cuả taị hạ vừa rồi?
- Theo ngu ý cuả tiểu nữ thì cuộc đấu cho đúng nghĩa thì không có, mà chẳng qua là một sự hiểu lầm đáng tiếc và đáng tức cười, vì dù sao tiểu nữ cũng có quen biết vơí hai vị đó. Trước đó hai năm, trên đỉnh núi Hoa Sơn, câu chuyện xẩy ra như vầy: Trương quân Bảo lúc đó mười sáu tuổi, gia đình khá giả cho tu học Phật pháp nội trú tại chuà Thiếu Lâm [có trả tiền khoảng mười năm rồi]. Ngoài giờ học được phụ việc tập sự nơi Tàng kinh Các với đại sư Giác Viễn  tức là trông nom thư viện và lo việc trà nước mời khách tơí thư viện tham quan] khi đó thì có hai vị đại hiệp ngoài Tây Vực quan ngoại, có tên giang hồ là Doãn Khắc Tây và Tiêu Tương Tử tìm cớ đến tham quan chùa Thiếu Lâm và vào Tàng kinh Các để xem kinh văn sách hiếm, mục đích chính là Chôm, vì không đọc được chữ, nên chôm đại ngay cuốn Kinh Lăng Già [là cuốn kinh văn viết tay cuả tổ sư Bồ Đề Đạt Ma và trong cuốn này bên lề thì chép bí kíp “Cửu Dương Thần Công”. Hai thầy trò là Giác Viễn đại sư và Trương Quân Bảo chạy bộ theo hai vị đaị hiệp đến tận núi Hoa Sơn đòi lại kinh văn nhưng không đòi được, đành tay không trở về. Lúc đó tiểu nữ cũng đang có mặt ở đó, Thần Điêu đại hiệp Dương Quá thấy chú em mất thì giờ quá, bèn dậy cho chú em Trương quân Bảo ba chiêu trong Ngọc Nữ Chân Kinh. Về lại Thiếu Lâm thì Giác Viễn đại sư bị giới luật viện phạt gánh ba ngàn sáu trăm gánh nước từ chân núi đổ vào giếng trên lưng chừng núi [là chỗ chúng ta đang đứng đây]. Cái lộ trình mà đại sư Giác Viễn gánh nước đi qua thì vô tình tiên sinh đem vẽ chín đường ngang dọc cuả bàn cờ vây trên đó, chứ hoàn toàn đại sư Giác Viễn không có ý đi lên đường kẻ nhằm xoá hết đường kẻ cuả bàn cờ. Đây cũng chỉ là sự lãng trí cuả nhà văn Kim Dung mà thôi. Trong Thiên Long Bát Bộ nơi Thuỷ Kính hồ, lúc mà Vương Gia Đoàn Chính Thuần sắp thua Vương gia Đoàn Diên Khánh thì đại hiệp Kiều Phong đứng bên cạnh cầu, giơ tay xách cổ Đoàn chính Thuần ném qua một bên cứu thoát chết. Đoàn Diên Khánh thấy khi không có cao nhân xuất hiện, bèn chạy trên mặt cầu lát bằng đá trắng dùng chân viết một hàng chữ  “Đây là chuyện nội bộ cuả giòng họ Đoàn nước Đại Lý, kính mong đại hiệp đứng ngoài cho đừng chen vào”. Mắt cuả Kiều Phong vốn không được sáng tỏ cho lắm, bèn chạy qua đó để coi, vừa coi hai chân bèn xoá mất luôn hàng chữ đó đi. Mục đích của nhà văn Kim Dung là muốn thử tài độc giả, xem có ngươì nào nhận ra hai đoạn văn cuả hai tác phẩm này giống y như nhau chăng? Thành ra cuộc đấu thì tiên sinh gắng làm sao cho thắng. Còn phần Giác Viễn đại sư làm mất kinh văn của tổ sư, là một đại tội, nay chỉ gánh vài ngàn gánh nước từ chân núi đến lưng chừng núi là “Xù’ nên đại sư sợ tiên sinh giành mất hai chiếc thùng nước và hai sợi dây sắt đeo tòng teng qua cổ, nếu mất đi hai thùng nước này thì đại sư làm sao mà chuộc tội chuộc lỗi ?
- Thế còn tên nhóc Trương quân Bảo dùng hai bàn tay không uýnh vơí tại hạ thì vì lý do nào ?
- Cũng dễ hiểu thôi? Trương Quân Bảo là đồ đệ trực tiếp cuả Giác Viễn đại sư, nếu Đại sư bị chết hay bị tàn tật thì cái công đoạn gánh nước lại trao lại cho Trương thiếu hiệp tiếp tục, cái chuyện đương nhiên là như thế, dù chỉ học có ba chiêu cuả Thần Điêu Đại Hiệp Dương Quá, và năm chiêu trong cặp Thiết La Hán mà tiểu nữ mới tặng cho chú em ngày gần đây, mà tay không đánh với tiên sinh đúng là xâm mình, chả biết trời cao đất dầy là cái gì. Vậy xin hỏi lại một lần nữa là tiên sinh đấu với hai người này mục đích có phải giành đôi thùng nước để gánh nước thi với Giác Viễn đại sư hay không?
- Cô nương hỏi lãng nhách! Gánh nước thi với lão đại sư Giác Viễn mà làm cái con khỉ gì? Vậy xin hỏi lúc mà tại hạ thua chạy có cờ, thì mấy cái máy camera cuả đoàn phim Minh Thị Hồng Kông có nhắm vào tại hạ mà quay không?
- Quay quá đi chứ ? Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo nói phét tự phong thua chạy dướí tay hai “thấp thủ” cuả phái Thiếu Lâm mà không quay thì quay ai bây giờ nữa chứ ?

chuvươngmiện

READ MORE - QUÁCH TƯƠNG – Phụ lục “Đồ Long nữ tử” của Chu Vương Miện

ĐỌC “NGUYỄN TRÃI TRƯỚC GIỜ TRU DI” THƠ TRẦN MẠNH HẢO - Châu Thạch.



Đối với tôi, nhà thơ Trần Mạnh Hảo là con voi trắng trong rừng văn chương, còn tôi chỉ là tên mù lang thang trong khu rừng ấy. Theo như chuyện ngụ ngôn nước ta, tên mù làm sao tả voi cho đúng, có tả chăng thì chỉ tả chưa chắc đúng cái đuôi, cái vòi, cái tai hay cái chân con voi mà thôi. Thế nhưng câu chuyện ngụ ngôn cho biết 4 tên mù có tả voi thật, rồi chúng cải nhau vì tên nào cũng cho rằng mình tả đúng con voi. Với tôi, nói chi đến sự nghiệp văn chương của Trần Mạnh Hảo, chỉ bài thơ “Nguyễn Trãi trước giờ tru di” của ông đã là con voi đối với tôi rồi. Thế nhưng, bởi yêu mến tiếng voi rống trong rừng khuya, bởi linh tính thấy voi trong tâm tưởng, tôi thử rờ và tả con voi, hay nói trắng ra, viết về bài thơ “Nguyễn Trãi trước giờ tru di” bằng suy tư hạn hẹp, bằng lời văn thô thiển của mình, bởi vì nếu tôn trọng quyền tự do thì không ai cấm tên mù tôn vinh điều mình ưa thích.
 
 Tôi xin vào đề ngay với khổ thơ đầu tiên của bài thơ:
 
Trên đường pháp trường con dâu ta trở dạ
Tiếng cháu thét chào đời như tiếng ngàn chim lợn báo tang
Đội ơn vua ban tã lót
Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt
 
Khổ thơ hay chỗ nào? Hay ở chỗ “chim lợn báo tang”. Theo quan niệm dân gian, chim lợn là loài chim báo điềm xấu. Khi chim lợn kêu liên tục là điềm báo có người sẽ chết. Đứa bé chào đời và tiếng khóc của nó lúc ấy là niềm vui cho gia đình và nói rộng ra là niềm vui cho cả thế gian. Thế nhưng ở đây tiếng khóc chào đời của một đứa bé lại là tiếng thét, và tiếng thét ấy ghê rợn như tiếng ngàn chim báo tang. Thật ra, tiếng khóc chào đời của đứa bé không phải là tiếng thét vì nó không biết gì. Tiếng khóc chào đời của đứa bé trở thành tiếng thét trong lòng Nguyễn Trãi, trong lòng ba họ Nguyễn Trãi và tồn tại trong lòng lịch sử người Việt phản đối nỗi hàm oan mãi mãi khi nước ta còn. Nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã chiếu lên màn hình đoạn đầu cuốn phim những hình ảnh lạ lùng, độc đáo mà xưa nay chưa có đạo diễn nào nghĩ ra. Đúng lý hình ảnh ban đầu phải là một đoàn người bị cùm tay, lê thê kéo chân ra pháp trường dưới những làn roi vọt. Thế nhưng, nhà thơ Trần Mạnh Hảo đã làm ngược lại, cho sự sinh trước sự tử, khiến hình ảnh được phơi bày ảm đạm hơn, đau thương hơn và làm cho nghịch lý của đời đối xứng trước mắt ta.
 
 Khổ thơ còn hay chỗ nào nữa? Vâng, hay ở chỗ “Đội ơn vua cho tả lót/ Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt”. Đứa trẻ mới sinh ra đã bị chém, vậy chém trần truồng hay chém có tả lót khác gì nhau đâu. Chẳng qua hai chữ “Đội ơn” chỉ là tiếng cười khảy hay lời châm biếm để nói lên cái lương tâm cặn bã của bậc đế vương. Ai đọc hai câu thơ nầy có khi nghĩ đó là hồng ân của thiên tử, nhưng tôi đoán chắc khi viết hai câu thơ nầy Trần Mạnh Hảo không nghĩ đó là hồng ân. Nhà thơ muốn dùng ẩn dụ sâu xa để ám chỉ một điều chua cay xảy ra trong thời đó. “Đội ơn vua ban tả lót” không phải là một lời tạ ơn. Đây là tiếng thét đau thương, tiếng kêu oan ức vì sự bất công và tiếng rên bi thiết mà lòng ta khi đọc thơ, thấy rõ tính chất dã man, cặn bã, xấu xa và lương tâm bị chết của vua quan thời đó.
 
Vậy bây giờ xin mời đọc khổ thứ 2 của bài thơ:
 
Ôi con đường ba họ ta đến nơi thọ hình
Sao dài hơn đường mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ
Ông Cao Xanh bỏ kinh thành về rừng xưa ở
Nơi vua lấy đất làm ngai, tình huynh đệ làm long bào
Nơi ta mót dần xã tắc cho vua như mót lúa
 
Khổ thơ thứ 2 hay ở chỗ nào? Hay ở chỗ con đường ra pháp trường dài hơn con đường ở núi Lam Sơn. Hay ở chỗ ông Cao Xanh tức ông Trời đã “bỏ kinh thành về rừng xưa ở”. Đây có lẽ không phải là suy tư của Nguyễn Trãi trên đường ra pháp trường, vì trước cái chết không mấy ai có tâm trí ổn định để suy nghĩ xa vời. Đây là lời nói thay của Trần Mạnh Hảo, nhà thơ đồng cảm với người xưa, thổn thức với tâm trạng của nhân tài khi bị sa cơ thất thế. Nhà thơ dùng thời gian tâm ly, lấy cái ngắn để so với cái dài, lấy thời gian khi gian truân để so với thời gian khi thành cuộc, mỗi câu thơ như tiếng thở dài, như lời kể lể, làm cho con đường ra pháp trường dường như dài hơn con đường 10 năm ở núi Lam Sơn thật.
 
Qua khổ thơ thứ 3, thứ 4 và thứ 5, nhà thơ Trần Mạnh Hảo để cho Nguyễn Trải thấm thía với con đường dài của đời minh, chua chát với xã tắc mà mình phụng hiến một đời:
 
Chừng như ta đã đi con đường này từ ải Bắc
Tiễn cha già hay đưa tiễn đời ta ?
Đêm mưa đá, mưa tròng ngươi, mưa xuống nghìn con mắt
Ôi xã tắc
Con đường nào cũng dẫn đến pháp trường
 
Bàn tay chỉ đường nào cũng bàn tay đao phủ
Thân tùng bách há phải thân mùng tơi
Mây trắng xưa ơi
Sao giờ toàn những đám mây mưng mủ
 
Ta thương xã tắc không mất về tay giặc
Lại mất về tay bọn gian thần
Triều đình ai cũng là Lê Sát
Mắt thiên tử như Nam hải, đố ai lấp đầy giai nhân
Luân thường đem gác gác bếp
Chỉ ba ông đầu rau nhìn thấy dân
 
Ba khổ thơ nầy hay ở chỗ nào? Hay ở chỗ “Đêm mưa đá, mưa tròng người, mưa xuống nghìn con mắt”. Theo niềm tin dân gian, nằm mơ thấy mưa đá trên đầu là điềm tai nạn sắp đến. Nguyễn Trãi là bậc khai quốc công thần mà 3 họ phải ra pháp trường vì bị vu oan, cho nên mưa đá trong đêm là nước mắt của trời, của thiên nhiên đồng cảm. Nước mắt ấy đọng thành đá là biểu hiện nỗi hàm oan động đến đất trời. Nước mắt ấy cũng như tròng người, như nghìn con mắt tái tê hóa đá vì bất lực khi nhìn thấy xã tắc mà người ngay như Nguyễn Trãi đi con đường nào cũng dẫn đến pháp trường, bất lực khi nhìn thấy nhân tài cạn kiệt ở giai cấp lảnh đạo: “Luân thường đem gác gác bếp/ Chỉ ba ông đầu rau nhìn thấy dân”.
 
 Khổ thơ thứ 6 nhắc đến nhưng trung thần bị giết oan thời xưa bên Trung Quốc. Nguyễn Trãi cất tiếng gọi Thị Lộ, tiếng than của ông như tiếng kêu tuyệt vọng vì trong giờ phút sắp lâm chung, Nguyễn Trãi thấy quyền lực đen còn vững chắc:
 
Ôi Hàn Tín, Phạm Tăng, Phàn Khoái
Gió trung thần đang hú gọi hồn đi
Dưới vòm trời Lã Hậu
Mưa tru di đỏ rực gió lăng trì
Lẽ nào gươm Hán Cao Tổ cùn đến vậy ?
Thị Lộ ơi, dưới lòng sông hẳn nàng nóng ruột đợi ta
Rắn quyền lực muôn đời còn phục đấy
Đôi ta bị trói chặt vào nhau bằng dây trói mãng xà
 
Khổ thơ thứ 6 hay ở chỗ nào? Hay ở chỗ “Rắn quyền lực muôn đời còn phục đấy/Đôi ta bị trói chặt vào nhau bằng dây trói mãng xà”. Hai câu thơ nầy nói đến rắn, tưởng như là nhà thơ nhắc lại tiếng đồn trong dân gian rằng bà Thị Lộ (vợ lẽ của Nguyễn Trải) nguyên là con rắn ở trong vườn nhà tại làng Nhị Khê mà Nguyễn Trãi đã giết 3 con của nó trước đây. Sau nầy Thị Lộ hoá thành giai nhân tài sắc vẹn toàn, lấy Nguyễn Trãi và gây ra vụ thảm án Lệ Chi Viên tru di tam tộc để trả thù. Thật ra chữ “rắn” ở đây, nhà thơ nói rõ là “rắn quyền lực”, tức là để chỉ bọn cầm quyền gian ác, ngày xưa là vua quan, ngày nay là bọn cầm quyền bính trên tay. Thứ rắn đó chính là SaTan, là ma quỷ, có từ thời sáng thế kỷ đến nay, chúng gian manh độc ác, quấn chặt nhân tài, trói chặt xã hội, làm cho không phát triển được vì lợi ích cá nhân của nó.
 
Qua hai khổ thơ sau, lại đội ơn vua không trói bọn trẻ, lại đội ơn vua cho cõng bọn trẻ ra pháp trường:
 
Vẫn biết vân cẩu bày trò sinh diệt chơi
Lịch sử cợt đùa sai đúng
Sao cứ quặn lòng nhìn đám trẻ lôi thôi
Đội ơn vua không trói chúng
Tội chết chém còn được ơn vua ban đao phủ cõng
 
Giá chỉ mình ta chui qua lỗ nẻ giữa đất dày trời cao
Ừ, mây mù vừa làm cỏ sạch trăng sao
Chợt gió dữ tru di mây trời từng đám
Mặt trời văng ra như đầu thánh hiền bị trảm
 
Tôi không dám chắc sử sách có ghi lại ân huệ của vua thời đó cho việc tru di tam tộc Nguyễn Trãi hay không. Tôi nghĩ ân huệ vua ban để Nguyễn Trãi tạ ơn chỉ là hư cấu của nhà thơ Trần Mạnh Hảo. Nhà thơ cố ý nhắc đi nhắc lại những đặc ân rất nhỏ của vua cho một khai quốc công thần mà Nguyễn Trãi đội ơn, mục đích chỉ để trình bày tấm lòng tận trung của Nguyễn Trãi, để khẳng định Nguyễn Trãi là một trung thần không thể giết vua. Trong 2 khổ thơ nầy, các câu thơ “Ừ, mây mù vừa làm cỏ sạch trăng sao/chợt gió dữ tru di mây trời từng đám/Mặt trời văng ra như đầu thánh hiền bị trảm” thật khó hiểu. Tôi nghĩ đây là giờ hành quyết bắt đầu. Đêm đã qua và mặt trời ló dạng. Ban đêm trời mưa đá và mây mù đã che hết trăng sao. Bình minh đến, gió tru di hay thổi nhưng đám mây bay đi hết để cho mặt trời ló dạng. Mặt trời trong giờ hành quyết đỏ như máu của chiếc đầu bị trảm, thảm thương như chiếc đầu của bậc thánh hiền bị rơi ra, chớ không bình thường như đầu của tên tội phạm. Chỉ 3 câu thơ thôi, nó khó hiểu nhưng hiểu ra thì ta thấy một cảnh tượng bi thương cùng cực mà lời thơ mô tả.
 
Khổ thơ chót chỉ là những câu hỏi “ngu ngơ”, sự ngu ngơ biểu hiện một con người đơn sơ, chơn chất, thiệt thà, vì vậy mới thua thiệt trên đường hoạn lộ:
 
Sao phép nước dùng dao chém đại thần
Để chém trẻ sơ sinh ?
Mai sau lấy gì chém sông núi ?
Đầu người đang rụng quanh ta
Máu là nước lũ Hồng Hà dời non
Hồn ta là đứa trẻ con
Đi vào cõi chết vẫn còn ngu ngơ
Nỗi oan không chết bao giờ
Ta còn bị chém dọc bờ thế nhân.
 
Trần Mạnh Hảo đã cho Nguyễn Trãi nhận ra “Hồn ta là đứa trẻ con” trước khi bị trảm. Thật dễ nực cười cho những ai có tâm hồn thực tế, vì họ sẽ chê thơ Trần Mạnh Hảo, bởi họ cho rằng Nguyên Trãi làm đến chức Học Sĩ mà là trẻ con sao được. Thật ra Trần Mạnh Hảo tuyệt vời khi đặt tâm hồn ngu ngơ của Nguyễn Trãi vào đây để làm một kết luận của bài thơ. Bởi vì từ cổ chí kim, những anh hùng lấp biển vá trời đều là người thật thà ngu ngơ không khác gì Nguyễn Trãi, do đó họ dầu bị đời vùi dập nhưng tên tuổi họ trường tồn cũng sông núi, hình tượng họ được dựng lên trên đất và trong lòng loài người để tôn vinh họ ngàn năm. Những bậc vĩ nhân như Nguyễn Trãi, họ thật ngu ngơ về tranh dành danh lợi, ngu ngơ về hiếp đáp dân lành, ngu ngơ về tham nhũng tài lộc, nhưng ngược lại, họ là những thánh nhân, rất khôn ngoan về đối nhân xử thế, thương yêu tha nhân, anh hùng cứu nước…v.v. Tôi nghĩ, với một tâm hồn thánh, Nguyễn Trãi chưa chắc nhận ra mình ngu ngơ ở phút chót, chẳng qua khổ thơ là của Trần Mạnh Hảo, nhà thơ muốn thổ lộ cho người đời biết sự quý trọng tinh trong của một tâm hồn vỹ nhân hiền sĩ thời xa xưa, và cũng gởi vào đó một tâm sự của chính mình về thời đại ngày nay. Đọc mỗi bài thơ của Trần Mạnh Hảo, như đi vào một kho văn chương. Hãy nhìn và hãy ngắm tuỳ theo mắt thẩm mỹ của mỗi người, ta sẽ thấy trong thơ Trần Mạnh Hảo, có sự trong sáng vô biên của thơ còn ẩn chứa những lung linh nhiều điều suy nghiệm sâu xa dành cho mắt ai tinh tế.
 
Kính thưa nhà thơ Trần Mạnh Hảo và bạn đọc. Tôi tự nhận mình là con Dế Già gáy dưới cỏ, nay con Dế Già lại muốn làm tên người mù sờ voi. Vậy cho nên xin tác giả bài thơ và quý vị cứ đọc như tường thuật của tên người mù sờ voi. Hãy cười vui và tha thứ những ý tứ bá vơ, những suy tư sai trật. Thành thật cảm ợn.
                                                
Châu Thạch


NGUYỄN TRÃI TRƯỚC GIỜ TRU DI
 
Trên đường pháp trường con dâu ta trở dạ
Tiếng cháu thét chào đời như tiếng ngàn chim lợn báo tang
Đội ơn vua ban tã lót
Để cháu khỏi bị chém trần truồng trên thớt
Ôi con đường ba họ ta đến nơi thọ hình
Sao dài hơn đường mười năm Lam Sơn phò Thái Tổ
Ông Cao Xanh bỏ kinh thành về rừng xưa ở
Nơi vua lấy đất làm ngai, tình huynh đệ làm long bào
Nơi ta mót dần xã tắc cho vua như mót lúa
Chừng như ta đã đi con đường này từ ải Bắc
Tiễn cha già hay đưa tiễn đời ta ?
Đêm mưa đá, mưa tròng ngươi, mưa xuống nghìn con mắt
Ôi xã tắc
Con đường nào cũng dẫn đến pháp trường
Bàn tay chỉ đường nào cũng bàn tay đao phủ
Thân tùng bách há phải thân mùng tơi
Mây trắng xưa ơi
Sao giờ toàn những đám mây mưng mủ
Ta thương xã tắc không mất về tay giặc
Lại mất về tay bọn gian thần
Triều đình ai cũng là Lê Sát
Mắt thiên tử như Nam hải, đố ai lấp đầy giai nhân
Luân thường đem gác gác bếp
Chỉ ba ông đầu rau nhìn thấy dân
Ôi Hàn Tín, Phạm Tăng, Phàn Khoái
Gió trung thần đang hú gọi hồn đi
Dưới vòm trời Lã Hậu
Mưa tru di đỏ rực gió lăng trì
Lẽ nào gươm Hán Cao Tổ cùn đến vậy ?
Thị Lộ ơi, dưới lòng sông hẳn nàng nóng ruột đợi ta
Rắn quyền lực muôn đời còn phục đấy
Đôi ta bị trói chặt vào nhau bằng dây trói mãng xà
Vẫn biết vân cẩu bày trò sinh diệt chơi
Lịch sử cợt đùa sai đúng
Sao cứ quặn lòng nhìn đám trẻ lôi thôi
Đội ơn vua không trói chúng
Tội chết chém còn được ơn vua ban đao phủ cõng
Giá chỉ mình ta chui qua lỗ nẻ giữa đất dày trời cao
Ừ, mây mù vừa làm cỏ sạch trăng sao
Chợt gió dữ tru di mây trời từng đám
Mặt trời văng ra như đầu thánh hiền bị trảm
Sao phép nước dùng dao chém đại thần
Để chém trẻ sơ sinh ?
Mai sau lấy gì chém sông núi ?
Đầu người đang rụng quanh ta
Máu là nước lũ Hồng Hà dời non
 
Hồn ta là đứa trẻ con
Đi vào cõi chết vẫn còn ngu ngơ
Nỗi oan không chết bao giờ
Ta còn bị chém dọc bờ thế nhân.
                       
                            Sài gòn 9-93                            
                         Trần Mạnh Hảo

READ MORE - ĐỌC “NGUYỄN TRÃI TRƯỚC GIỜ TRU DI” THƠ TRẦN MẠNH HẢO - Châu Thạch.