Tác giả Võ Văn Cẳm |
Mùa dịch COVID tại TP HCM phát mạnh đến nỗi các biện pháp giản cách xã hội vẫn không đạt yêu cầu.
Bệnh dịch trở nên trầm trọng, Ban chỉ đạo phải áp dụng biện pháp cách ly 16, rồi 16+, biện pháp này vẫn khó chận đứng được sức mạnh của Biến thể Delta Ấn Độ và khi trên nói dưới không làm.
BẢN TIN HẰNG NGÀY trên trang HCDC của Sở Y Tế TP. Hồ Chí Minh
Cập nhật: 10:50 - 29/07/2021.
Một bài báo có tên:
Thông tin về dịch bệnh COVID-19 tại TP.HCM (cập nhật 7g ngày 29/7/2021)
Có đoạn như sau:
“Tình hình dịch bệnh COVID-19:
“Tính hết ngày 28/7, có 77.956 trường hợp mắc bệnh phát hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố (chưa tính số ca nhiễm đã công bố sáng ngày 29/7); trong đó: 77.652 trường hợp nhiễm trong cộng đồng, 304 trường hợp nhập cảnh.
“Trong ngày 28/7, đã có hơn 3.800 bệnh nhân xuất viện, tổng số ca điều trị khỏi tính từ khi dịch bệnh bắt đầu là 25.189. Hiện đang điều trị 36.771 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính) trong đó có 875 bệnh nhân nặng đang thở máy và 30 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay có 929 bệnh nhân tử vong.”
Sinh mạng con người quá mong manh, quá vô thường. Chết mà không thắp được một nén nhang, không một chiếc khăn tang, không một lời tiễn biệt, không một cành hoa, không một bà con, bạn bè, kể cả người thân yêu nhất là vợ con, cũng đứng nhìn người ta quấn xác người thân trong bao nylon rồi xách đi vội.
Người hàng xóm đứng trong nhà nhìn ra, không còn tinh thần để nói lời chia biệt, cái chết dễ sợ quá, làm trái tim con người chai cứng, chỉ có cái vẫy tay tiễn người trong khung cửa kính.
Nhìn sự ra đi đơn tẻ và lạnh lùng, chính người thân cũng chỉ biết quay mặt nuốt lệ.
Nhìn đường phố không một dấu chân, xa xa có một trạm gác, nhìn cảnh vắng lặng mà rợn người. Tiếng còi hụ của xe cứu thương là bản nhạc duy nhất dành cho đám ma người bạc phước ra đi trong mùa dịch.
Chiếc quan tài có thể chỉ là manh chiếu hay chiếc túi ny lon, tấm drap hay chiếc màn quấn kín.
Không phân biệt người già hay trẻ, người giàu hay nghèo, quan hay dân, có học hay không có học, bậc cao tăng hay đệ tử, hiền hay hung dữ.
Không còn nhìn thấy những chiếc quan tài lộng lẫy, hàng trăm vòng hoa, hàng trăm chiếc xe tang sang trọng, tiếng cầu kinh và những dàn nhạc rộn ràng kéo dài mấy ngày đình đám.
Đâu đó những con người khỏe mạnh bỗng chốc thân xác trở thành tro trong hũ cốt, được chất lên xe ba gác đưa trả về nhà: Ôi một đám tang trong mùa COVID 19. Một bài học, một tấm gương cho kẻ ham danh hám lợi.
Hôm nay con gái cho biết Vinaphone sẽ ráp 2 đường truyền theo yêu cầu của Bộ Tư Lệnh Thành Phố, phục vụ đội mai táng dành cho người chết vì Covid Vũ Hán. Đội mai táng chịu trách nhiệm thiêu hài cốt.
Khi tro đưa vào hủ cốt, được đem về phòng tang lễ Bộ TL TP làm nghi thức cúng viếng, sau đó mới giao cho gia đình nạn nhân. Cách hành xử đầy nhân văn này cũng đỡ tủi thân cho người quá cố và chia sẻ nỗi đau cho người thân.
Nhìn hủ tro mà thương xót cho một phận người. Ai cũng biết một lần đến, rồi một lần ra đi, sao xã hội cứ bo bo trong Tình, Tiền, Danh, Lợi, Thú.
Để đạo lý suy đồi, để hơn thua, để giàu có, để nhà cao cửa rộng, để có những chiếc xe lộng lẫy, không còn tình nghĩa, tranh giành nhau để tìm cái lợi cho riêng mình, mà bán rẻ lương tri, không còn một chút mảy may chia sẻ?
Gần 2 tháng cửa đóng, chưa hơn một lần bước ra hành lang, lâu lâu có một shipper mang hàng đến trong việc đặt hàng trên mạng, hay một vài lần người thân cứu trợ.
Vào những ngày đầu tháng 6, khi dịch xảy ra, các con nghỉ học, mẹ phải đến cơ quan, trước tình hình nguy cấp, đành để chồng dẫn 2 con về quê với ông bà nội.
Nơi ấy có vườn cây, sân chơi rộng rãi, thoáng mát, nơi trốn dịch khá lý tưởng. Sân đủ rộng cho các cháu nô đùa, có hồ bơi, không xa thành phố.
Mẹ đành ở lại trong công việc thường ngày tại cơ quan.
Mới đó mà mẹ xa con hơn 3 tháng, mẹ vẫn vì trách nhiệm, vì biện pháp cách ly mà đành thui thủi sớm khuya, chỉ gặp con trên màn hình nhỏ, trong những đêm dài nhung nhớ, những món qua gởi về cho con cũng đành chịu.
Căn nhà vắng bóng trẻ thơ, những đứa con yêu dấu, làm cho người mẹ thêm ưu phiền, nhung nhớ. Những buổi chiều tan sở, người mẹ càng thấy lẻ loi. Qua điện thoại, có thể tìm về nơi cố quận, để kiếm hơi ấm gia đình, nơi ấy có mẹ, có cha, có chị, có cháu thân thương, với những bữa ăn thật ấm áp.
Nhưng những giây phút thân thương ấy vẫn không làm cho người mẹ vơi đi nỗi nhớ trong đêm dài vắng lặng, trong những chiều tan sở.
Nơi căn nhà ấm cúng sao khác với mọi ngày. Với bao năm tháng, nhiều niềm vui và hạnh phúc lan tỏa, những nụ cười hồn nhiên của các con, càng làm cho người mẹ xót xa nhung nhớ. Thiếu vắng những tiếng reo hò của con sau những chiều đôn đã về nhà.
Không còn những lần đưa đón con sau buổi tan trường hay đưa con về bên ngoại, hoặc những lần đưa con vào khu vui chơi, những nơi giải trí, ăn sáng ăn trưa trong ngày lễ.
Hình ảnh ấy càng làm cho người mẹ quặn đau.
Một chiều đầu tháng 7, sau giờ tan sở, người mẹ hớt hải dưới mưa về nhà ngoại thông báo biện pháp cách ly trong toàn thành phố vì tình hình dịch bệnh trở nên căng thẳng. Gặp được con chắc khó khăn và dài ngày?.
Việc trở về nhà ngoại dùng cơm và dạy cháu học không còn dễ dàng. Hàng trăm chốt chặn được thiết lập. Vì vậy Cô muốn đưa cháu qua nhà để có điều kiện chăm sóc dạy dỗ, cô cháu hẩm hút, để vơi bớt nỗi nhớ hằng đêm.
Không còn cách nào hơn, ông nội phải theo cháu qua nhà con gái, ăn ở cách ly, để đêm hôm nhà bớt vắng vẻ.
Ngày cô đi làm, ông cháu hẩm hút, có điều kiện giúp đỡ con một vài công việc lặt vặt.
Chiều 8/7/021 hai ông cháu mang hành lý lên đường, trên chiếc xe gắn máy.
Mới đó mà hơn tháng rưỡi, sau 3 lần TP ban hành biện pháp cách ly. Thời gian quá rảnh rỗi, ngoài giờ dạy cháu học, tập thể dục, chăm sóc cây, lau chùi nhà cửa.
Mình không khỏi nghẹn ngào mỗi chiều nhìn con ôm chiếc điện thoại lúc nấu cơm, những lúc vui đùa với con, nhưng có những lần nước mắt tuôn chảy vì không được ôm con vào lòng, hoặc những lần ngồi bên cầu thang mẹ con hủ hỉ. Tiếng điện thoại reng khi mẹ ngồi bên máy làm việc.
Chính những lúc ấy, những cảm xúc ấy không làm tôi ngăn được dòng nước mắt, thấm thía tình thương người mẹ.
Hình ảnh ấy làm tôi nhờ về những năm tháng khổ nghèo nuôi con, mẹ nó từng hớt hải về nhà sau những giờ dạy để pha cho con ly sữa. Rồi liên tưởng đến tuổi thơ của minh, nhớ lại người mẹ gầy gò, đêm lạnh buốt, bới cho con mo cơm để sáng sớm con đến trường.
Hơn 55 năm lưu lạc Sài Gòn, với bao nhiêu cay đắng cuộc đời, vơi bao nhiêu cạm bẫy, những lo toan cơm áo, gạo tiền. Ngày tháng ấy qua đi để lại trong lòng nhiều ẩn tích.
Dấu ấn lớn nhất là những ngày dịch bệnh, những ngày về ở với con gái. Cách ly quá nhiều ngày, lương thực cạn kiệt, việc mua hàng không dễ dàng, hàng ngàn chốt chặn trong thành phố, nhà mình được bà con cứu trợ. Việc tiếp nhận hàng trở nên phức tạp.
Gia đình tôi nhiều năm sống trong xóm đạo, tôi hiểu nhiều về người Thiên Chúa Giáo. Là người ngoại đạo nhưng các con tôi thường có cây Noen trong mùa Giáng sinh, cũng vui đùa trong giờ Chúa ra đời, đến nhà thờ trong những tràng chuông đổ. Gia đình tôi đã nhận quà của cha xứ, của con chiên xóm đạo.
Mấy hôm nay tình hình dịch bệnh căng thẳng, nơi Giáo xứ Nam Hòa này, tôi thấy một anh trung niên bận bộ đồ bảo hộ, mắt bao kín mang từng gói đồ để trước hành lang từng nhà rồi bỏ đi, không nói một lời vì sợ lây nhiễm, khỏang 2 ngày một lần anh làm như thế, có bữa nhiều bữa ít, nào rau nào thịt, trứng, kể cả lá xông.
Tôi tưởng con gái đặt hàng, nhưng đây là món quà mà cha xứ tặng, có khi là của một số bà con khá giả trong xóm chia sẻ.
Món quà không lớn về vật chất, nhưng tình thương thì vô giá, không tiền mua nổi.
Cuộc chiến chống dịch lâu dài, việc giúp đỡ của cha xứ vẫn tiếp tục đều đặn. Có bữa cả ký tôm hay mớ cá, cha giải cứu hồ tôm tại miền Tây của những bà con đồng đạo, ai có tiền thì trả, không có thì thôi. Bà con trao nhau từng mớ rau, củ sắn, từng viên thuốc, chai dầu. Con gái tôi cũng mang được lòng từ tâm ấy. Nó cũng san sẻ những chai dầu tràm từ Huế gởi vào cho bà con hàng xóm nhiễm bệnh.
Những lúc khó khăn như thế này mới nhận biệt giá trị thật của sự sẻ chia, của tình người, của người đồng đạo. Không những quan tâm về bữa ăn mà cha xứ còn thuê người phun thuốc nơi có dịch, việc làm mà y tế địa phương không còn quan tâm.
Tôn giáo không những hướng dẫn con người đến chân thiện mỹ, dạy cho con người biết thương yêu đùm bọc, làm điều lảnh tránh ác, không chỉ đạo lý mà đi vào thực tế cuộc sống.
Tôi nghĩ tôn giáo là cái thắng của chiếc xe. Chiếc thắng tạo ra sự an toàn cho chiếc xe. Tôn giáo kìm hảm lòng tham, lòng ích kỷ, gian manh hung giữ giết hại nhau. Nếu không có tôn giáo thì loài người khó tồn tại.
(Viết tặng con gái yêu trong những ngày cách ly, ba ở nhà con và thay lời cám ơn Cha Xứ).
Giáo Xứ NAM HÒA Cư Xá BẮC HẢI.
Ngày 15/8/2021.
Võ Văn Cẩm
No comments:
Post a Comment