Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, January 10, 2023

TẢN MẠN VỀ 18 BÀI THƠ TÌNH CỦA NHÀ THƠ THIÊN DI - Châu Thạch


Nhà thơ Thiên Di

Tôi hân hạnh được biết nhà thơ Thiên Di trong dịp nhà thơ Ngã Du Tử cùng ban biên tập tạp chí văn học Sông Quê đến Đà Nẵng để ký giao ước kết nghĩa cùng chi hội VHNT Nguồn Việt Đà Nẵng. Nhà thơ Ngã Du Tử cùng ban biên tập Sông Quê trong đó có nhà thơ Thiên Di ra Đà Nẵng trước một ngày, đúng dịp nhóm thi ca Hoa Cỏ Đà Nẵng tổ chức cà phê cuối năm, nên tiện thể chúng tôi mời phái đoàn đến chung vui cùng chúng tôi. 
   
Trong dịp nầy tôi được nhà thơ Thiên Di tặng tập thơ “Bóng Chiều Vàng” vừa xuất bản trong năm nay (2022). Buổi trưa tôi về nhà mở sách ra ngay, 18 bài thơ có đầu đề là “Bài Thơ Tình Thứ Nhất” đến “Bài Thơ Tình Thứ 18” được đăng ở phần I của tập thơ có cái gì làm tôi thấy mới lạ. 
  
Thi sĩ nào thì cũng có viết thơ tình, nhưng mỗi bài thơ thường được họ đặt một chủ đề khác nhau. Mười tám bài thơ tình của Thiên Di đều có chung một chủ đề như 18 luống hoa liền kề trồng một loại hoa có màu sắc và hương thơm khác nhau, khiến cho ai nhìn cũng bắt mắt muốn vào xem. Thế nên tôi đã mất một buổi trưa để thưởng thức những luống hoa thơ lạ của một nhà thơ trẻ đẹp vừa mới biết, chưa gọi được là quen. Rồi khi đọc xong, cái khiếu viết cảm nhận trong lòng tôi kêu réo, thúc giục trong tôi mấy ngày qua. 
    
Sáng nay mở facebook, lại thấy nhà thơ Lê Mai Lĩnh, một thi tài có danh, một thi nhân bậc đàn anh mà tôi ái mộ đã đem thơ của Thiên Di về trang mình để giới thiệu. Vậy là tôi yên chí vì cánh dế trong tâm hồn mình được động viên để gáy lên, để viết về 18 bài thơ tình của nhà thơ Thiên Di. Thiên di có ý nghĩa là sự di chuyển tự nhiên, biến chuyển không ngừng, hoặc cũng có thể hiểu là sự an nhiên tự tại, không bị trói buộc vào bất cứ điều gì. 
    
Không thể để một bài cảm nhận bị nhàm chán vì dài, nên tôi chỉ xin trích một ít khổ thơ mà tôi tâm đắc trong 18 bài thơ tình của Thiên Di, hầu tản mạn những cảm nhận của mình như ngắt những chùm hoa trên đường đi, về khoe với thân hữu của mình. 
 
Một khổ thơ trong “Bài Thơ Tình Thứ Nhất”:
 
Ngóng chờ tin nhạn mãi phương xa 
Trên bức tranh đời vẽ bướm hoa 
Vườn vắng an nhiên Oanh Yến hót 
Quỳnh hương chờ tắm Nguyệt hiên nhà... 
    
Khổ thơ cho ta biết người yêu ở phương xa nhưng sự chờ đợi làm không gian và thời gian trở nên thi vị. Trong tâm hồn thơ Thiên Di, sự mong đợi không xây thành sầu mà thành bướm hoa, vẽ lên bức tranh đời thêm đẹp. Ngày, người đợi tin yêu trong vườn vắng, lắng lòng nghe oanh yến hót. Đêm, người đợi để tâm hồn ước mong người về, như hoa quỳnh tỏa ngát hương chờ ánh trăng. Hình ảnh ánh trăng đến bên thềm thân yêu như hình ảnh người yêu đến với mình. “Bài Thơ Tình thứ Nhất” là bài thơ của một mối tình đầu “Chợt nghe xao động tình như có / nỗi nhớ chiều nghiêng rót tím đầy” cho nên thi nhân nuôi bao nhiêu là ước vọng cho tương lai: “Người hỡi! Đường trần chân bước nhẹ/Lối về mưa nắng dắt dìu nhau/ Chén đời chia nửa không còn chát/Gieo hạt yêu thương trái tím sầu...” 
    
“Bài Thơ Tình Thứ Hai” viết cho người nam yêu tha thiết, yêu say mê một dáng kiều, tôn vinh, ca tụng sắc đẹp ngây thơ và trong trắng: 
 
Ai vẽ màu xanh trong mắt biếc 
Ai tô nhan sắc nét cọ mềm 
Ai đem hạ ấm sen hồng nở 
Trên nụ cười duyên hạt nắng hiền 
    
Bằng những nét vẽ điểm xuyết, nhà thơ đã hoàn thiện một bức tranh kiều nữ đẹp tuyệt vời, đẹp thanh tao, đẹp thánh thiện. Đem hạt nắng chiều vào nụ cười long lanh duyên dáng là một tứ thơ xuất chúng, làm cho vẻ đẹp tươi và trong khác chi những bông hoa trắng khoe màu!
    
“Bài Thơ Tình Thứ Ba” là bài thơ tình thật sự lạc quan “Bốn mùa phong rêu xanh đá/ Lòng em vẫn dậy mùi hương”. Bởi sự lạc quan đó, nhà thơ nhân cách hóa mây và núi, lũy thừa tình yêu mình lên cao, để tâm hồn phiêu du trên nền trời bát ngát bao la: 
 
Thả dòng thơ nồng hương lửa 
Nối phím tơ lòng dở dang 
Môi em như vầng mây trắng 
Ghé hôn núi mỗi chiều sang... 
    
“Bài Thơ Tình Thứ Tư” say tình một cách lạ kỳ: 
 
Nhấp mùi nhớ, uống mùi thương 
Chưa gần đã ngọt. Chưa hôn đã nồng 
Ồ kia! Tia nắng tơ rung 
Cỏ hoa trong vắt, nắng bừng mơ say...
        
Bài thơ biến nhớ thương thành men thành rượu để say. Thứ men rượu nầy không nấu bằng gạo mà nấu bằng tơ nắng, nấu bằng cỏ hoa, ngon đến nỗi “Chưa gần đã ngọt/ Chưa hôn đã nồng” thì khác chi “Rượu hồng đào chưa uống đã say” của xứ Quảng Nam – Đà Nẵng mà Thiên Di đến thăm và kết nghĩa văn thơ tại làng cổ Phong Nam trong buổi sáng ngày mai. 
   
Rồi “Bài Thơ Tình Thứ Năm” hẹn người yêu một ngày hội ngộ có bướm và hoa: “Bướm vàng chở nắng cho ai / Hẹn người một buổi hoa cài đón nhau” để qua “Bài Thơ Tình Thứ Sáu” tâm sự cùng nhau những điều thầm kín “Gửi vào thầm kín bao lời/ Hẹn người đón hạt sao rơi bên thềm”
    
Tiếp tục những “Bài Thơ Tình thứ 7” cho đến “Những bài Thơ Tình Thứ 15” như những con thuyền đầy hoa trôi dọc trên dòng sông thơ mộng. Tiếng thơ tình của Thiên Di hầu như không có giọt lệ nào. Dầu tình có chưa tỏ bày được, dầu tình còn đơn phương thì “Tia nắng cuối ngày đã mỏi /Ngã vào đêm gối lòng trăng/ Những lời yêu chưa kịp ngỏ/ Em dành riêng tặng cho anh” nghĩa là nàng ấp ủ tình để sưởi ấm lòng mình, hay dầu tình có cách xa bao nhiêu, dẫu quạnh hiu một mình nơi khe núi thì Thiên Di vẫn yêu nồng cháy để dâng tình ái vào thơ: “Rồi sẽ ngàn đêm mềm tơ lụa/ Giọt sương tay gió nhẹ lau khô/ Nép vào khe núi ngàn đêm mở/ Tình ái dâng nồng ngọt ý thơ”
    
“Bài Thơ Tình Thư 16” có lời tỏ tình đặc biệt, lời tỏ tình khiến cho ngày bình yên và êm ái, khiến cho gió đâm thủng nỗi sầu, khiến cho khung trời mở rộng và khiến cho sen trong hồ cũng trở nên tươi thắm thêm: 
 
Ru ngày trìu mến yên nhiên 
Âm thanh ngược gió đi xuyên vách sầu 
Khung trời để ngỏ tìm nhau 
Màu sen đã thắm một câu tỏ tình 
   
“Bài Thơ Tình Thứ 17” tuy phải “Nhen ngọn lửa từ tàn tro niệm cũ / Sưởi con tim ấm áp cõi vô thường” nhưng khi ngọn lửa đã bùng lên lại thì suối sẽ trong hơn, vạn vật sẽ xanh hơn, chim trời sẽ ca hát và tình yêu xóa sạch nỗi buồn, sẽ làm phai mờ bao cay đắng: 
 
Nghe dòng suối trong veo róc rách chảy 
Tưới xanh tươi vạn vạn cánh đồng thơ 
Rồi chim trời sẽ về đây ca hát 
Những đắng cay một thuở sẽ phai mờ 
   
“Bài Thơ Tình thư 18” đưa tình yêu vào thiên nhiên, hòa nhập trời đất cùng cảm xúc xác thịt của mình, biến thịt da đê mê trong hưởng thụ làm rung động bầu trời, biến giây phút yêu đương men dậy tình tràn trở nên thánh thiện: 
 
Nụ hôn nghẹn thở đê mê 
Thịt da hóa sóng núi kề mây ngoan 
Tiếng chim tiễn nắng chiều vàng 
Bừng bừng men dậy, tình tràn mắt cay. 
 
Kết luận:
 
Thơ tình của Thiên Di là thứ thơ tình lạc quan, đam mê thánh thiện, tồn tại trong không gian thời gian, hòa điệu cùng trăng nước, cây cỏ và hoa lá. Đó là thứ thơ tình “thiên di” nghĩa là thứ thơ có tiếng thơ, có ý thơ, tứ thơ tự nhiên tự tại, xuất phát từ tâm hồn thơ, biến chuyển không ngừng, không bị trói buộc vào bất cứ sự câu nệ nào về cú pháp, về từ ngữ hay về luật lệ làm thơ, nó như những vầng mây bay dưới bầu trời trăng sao, biến chuyển, tỏa màu trong âm thanh tình yêu, như tiếng gió sương thổi qua bầu trời trong xanh màu tươi đẹp! 
                                                               
Châu Thạch 

No comments: