Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, September 30, 2022

THẢ, NGÂU, SEN, DÂM BỤT, LÊN NÚI, TAM ĐỘC – Thơ Tịnh Bình


 
                 Nhà thơ Tịnh Bình


1. THẢ
 
Tiếng vạc kêu sương ngang thềm lặng
Trời thả vào đêm một ánh trăng
Một đóa hoa khuya vừa kịp nở
Hương bay vương vấn thả đầy sân
 
 
2. NGÂU
 
Canh cánh niềm chi hỡi giọt ngâu
Tỉ tê nhỏ giọt ướt mái đầu
Sông thương vời vợi sầu con nước
Hợp tan ly biệt biết về đâu...
 
 
3. SEN
 
Ban mai rụng tiếng chim son
Đóa sen trong trắng hãy còn thơ ngây
Thoảng hương tinh khiết xa bay
Bạch y thiếu nữ thanh bai cửa thiền
 
 
4. DÂM BỤT
 
Sen tàn hồ trơ nước cạn
Còn đâu trắng tím vàng hồng
Một đàn gà con tíu tít
Bờ rào dâm bụt trổ bông
 
 
5. LÊN NÚI
 
Trèo lên núi ta tìm nơi vắng vẻ
Bặt dứt lao xao bề bộn chuyện đời
Lều tranh am cỏ tiêu dao khách
Bụng rỗng cồn cào... thôi nghỉ chơi...
 
 
6. TAM ĐỘC
 
Dăm câu kinh bái sám
Niệm Phật chẳng rời môi
Nghĩ mình như sen trắng
Chẳng lấm láp bùn hôi
Tham sân si muôn thuở
Ngủ ngầm vi tế thôi!
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)

READ MORE - THẢ, NGÂU, SEN, DÂM BỤT, LÊN NÚI, TAM ĐỘC – Thơ Tịnh Bình

BÃO!, TỜ LỊCH – Thơ Trần Mai Ngân

 
   


BÃO!
 
Dự báo thời tiết: Bão!
Mặc tình... em cứ đi
Có điều chi thôi thúc
Gặp gỡ rồi chia ly...
 
Cái buổi trưa hôm ấy
Mưa lạnh trắng con sông
Em thánh thiện thật lòng
Tình yêu không mặc cả
 
Anh lời tình phong nhã
Lững lờ như mây trôi
Em hy vọng xa xôi
 Huyễn hoặc duyên nồng thắm

Dĩ nhiên thuyền tình đắm
Đã khẳm đầy dối gian
Em về giông bão tới
 Cầu trời… tim còn ngoan!

Qua con sông một mình
Gập ghềnh sóng điêu linh
Như qua xong cuộc tình
Môi bỏng vết phong ba...
 
 
TỜ LỊCH
 
Em gấp tờ lịch lại
Đem cất giữ vào đây
Đánh dấu ngày chia tay
Cả hai còn ngơ ngác...
 
Giờ thì đà tan tác
Hai đứa ở hai nơi
Gặp gỡ dẫu tình cờ
Xin cố cười gượng gạo
 
Len lén nhìn dung mạo
Mắt và môi thuở nào
Bây giờ sao mím chặt
Tất cả đều lạ xa...
 
Năm tháng cũng sẽ qua
Nỗi đau dần vơi dần
Rồi quên đi bao lần
Tiếng yêu ta cùng nói
 
Bây giờ là mây khói
Đôi bàn tay như trói
Nắm chặt rồi nằm im
Không nói lời trái tim...
 
Tình xa… xa vạn dặm…
 
                 Trần Mai Ngân
READ MORE - BÃO!, TỜ LỊCH – Thơ Trần Mai Ngân

THƯỢC DƯỢC ĐẠI ĐOÁ - Chùm ảnh - Chu Vương Miện

 








READ MORE - THƯỢC DƯỢC ĐẠI ĐOÁ - Chùm ảnh - Chu Vương Miện

Wednesday, September 28, 2022

PHÂN BIỆT "SỨA" VÀ "NUỐT", BÚN SỨA VÀ BÚN GIẤM NUỐT – La Thụy sưu tầm và biên tập



Nói đến SỨA nhiều người biết, nhưng NUỐT thì chỉ người dân Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và Hà Tĩnh biết thôi.
 
SỨA và NUỐT đều là những sinh vật biển nhuyễn thể, không xương cùng họ, nhưng có khác nhau về kích thước và vùng sinh sống. Nhiều người cho rằng SỨA và NUỐT đều là một. 

SỨA có kích thước lớn, cá biệt có có con lại dài lên tới 3 mét. Trên xúc tua của sứa có chứa chất độc có thể gây ngứa, thậm chí là bỏng da. SỨA có thể được tìm thấy trên khắp các vùng biển, vì nước là nơi chúng sinh sống nên được coi là nơi sinh sống của chúng khá rộng rãi vì chúng có thể được tìm thấy ở hầu hết các đại dương.
 
NUỐT cùng họ với sứa, nhưng nhỏ hơn nhiều, chỉ bằng khoảng trái tắc. Nhiều người lầm tưởng nuốt là sứa, nhưng không phải vậy. Nuốt lành và ăn ngon hơn sứa rất nhiều. Nuốt chỉ là một loài cùng họ với sứa, nhưng sứa sống trong nước mặn của biển, có quanh năm trên khắp mọi vùng biển; còn con nuốt chỉ hình thành trong vùng nước lợ từ những “bớn” (váng) nước, nhỏ hơn con sứa nhiều, trong xanh và chỉ có một mùa trong năm. Đặc biệt, con nuốt chỉ có ở vùng đầm phá của Huế, vùng đầm Cầu Hai (Thừa Thiên) vì ở đây độ mặn trong nước lợ mạnh hơn, hoặc ở vùng ven biển như Cửa Tùng, Cửa Việt, Gia Đẵng (Quảng Trị), vùng ven biển Quảng Bình và vùng ven biển Hà Tĩnh...

Người Huế đọc và viết là NUỐC (phụ âm cuối C) 

A. SỨA
 
Sứa là một loài động vật nhuyễn thể, không xương, dạng hình dù, thân mềm, xung quanh có nhiều xúc tu dùng để bắt mồi. Trên xúc tua của sứa có chứa chất độc có thể gây ngứa, thậm chí là bỏng da. Khi di chuyển, chúng co bóp dù rồi từ từ đẩy nước ra khỏi lỗ miệng và tiến về phía ngược lại. Sứa sở hữu cơ thể trong suốt, đặc biệt chứa tới 98% cơ thể là nước, thích nghi nhiều nhất ở các vùng biển nhiệt đới trong đó có biển Việt Nam.

             
                 
Sứa là một loài động vật không xương sống với một ngoại hình rong suốt hình vòm kết hợp với các xúc tu của sứa có thể dài lên tới 60m và trong mỗi xúc tu chứa hàng ngàn sợi lông dạng xoắn giống như những chiếc gai có chứa nọc độc.
 
Loài sứa có tên Sea Netle (sứa tầm ma biển)

Cơ thể của loài sứa một số có màu trong, nhưng những loài khác có màu sắc rực rỡ như hồng, vàng, xanh lam và tím, đôi khi còn tiết ra ánh sáng phát quang trông rất sặc sỡ.
 
Bên trong cơ thể của sứa chiếm tới 95% là nước và 5% còn lại là protein cấu trúc, tế bào thần kinh và cơ. Vì vậy nhiều người còn gọi sứa là loài thạch thật.
 
Kích thước của loài sứa có thể thay đổi, tuỳ vào mỗi con có con chỉ lớn hơn ngón tay cái nhưng có con lại dài lên tới 3 mét.
 
Loài sứa lớn với đường kính lên tới 1,2 m cùng xúc tu dài hơn 30 m mới được phát hiện tại vùng ven biển từ bang Maine tới Massachusetts.
 
Đây là loài sinh vật khá đơn giản bởi vì bên trong cơ thể của chúng không có não, máu và cả trái tim. Chúng được cấu thành ba lớp: lớp bên ngoài được gọi là lớp biểu bì, lớp giữa là một chất giày như mực có độ đàn hồi, giống như thạch và trong suốt được gọi là mesoglea, lớp bên trong cùng là lớp ruột.
 

Một hệ thống thần kinh cơ bản, hay mạng lưới thần kinh, cho phép sứa ngửi, phát hiện ánh sáng và phản ứng với các kích thích khác. Khoang tiêu hóa đơn giản của sứa hoạt động như cả dạ dày và ruột của nó, với một lỗ mở cho cả miệng và hậu môn.
 
Mùa hè là mùa sứa, nuốt nổi. Từng thảm sứa di động trên mặt biển trông như vườn hoa sặc sỡ. Sứa, nuốt không có mắt, không có vây, không có tai, không có đuôi và cũng không có xương... Người đi biển gặp thảm sứa thì lấy dây buộc lại và dùng thuyền máy kéo lôi vào bờ. Sứa sẽ được đưa lên bãi cát.
 
B. NUỐT
 
1.   CON NUỐT:   

Nuốt cùng họ với sứa, nhưng nhỏ hơn nhiều, chỉ bằng khoảng trái tắc Nuốt là loại động vật nhuyễn thể, không xương. Ở dưới nước, chúng trong suốt. Vớt ra khỏi nước, chúng đổi sang màu trắng sữa, phớt xanh da trời hay hồng nhạt. Nhiều người lầm tưởng nuốc là sứa, nhưng không phải vậy. Nuốt lành và ăn ngon hơn sứa rất nhiềuNuốt có nhiều nơi vùng đầm phá nước lợ ở Huế và cửa Tùng, cửa Việt (Quảng Trị) 
 

“Con Nuốt thương nhớ ngàn khơi.
Con chim nhớ tổ, con người nhớ tông”
                              (Thơ Mường Mán)

Vào mùa nuốt, từ vùng biển các chị em phụ nữ gánh nuốt lên các chợ ở thành phố để bán. Những con nuốt be bé đựng trong chiếc thùng hoặc thau chứa ngập tràn nước biển để giữ cho nuốt được tươi sống. Người bán hàng thường hay rải trên mặt thùng, thau đựng nuốt những trái ớt chín đỏ, trông rất đẹp mắt. Con nuốt có vị mằn mặn, đủ để gây ấn tượng về mùi vị của biển, khi thưởng thức còn có cảm giác mát, ngọt của loại hải sản tươi sống.
 
Con nuốt là con vật không có mắt, tai, không có xương, có màu trắng trong, phơn phớt xanh. Nuốt có hai phần, nuốt tai và nuốt chân; nuốt tai giòn mềm, nuốt chân giòn tan, nhai sần sật rất khoái khẩu. Món Nuốt đã từ lâu được dân Huế, Quảng Trị, nói đúng hơn là dân miền Trung rất ứa chuộng. Ăn Nuốt ngon miệng và mát cho cơ thể. Tuy nhiên để có món nuốt ngon thì cũng lắm công phu.


Nuốt tai

Ngày hè, tiết trời oi bức, thế gian khát khao sự mát dịu, có lẽ vì thế mà đất trời đã ban tặng cho con người nhiều thức ăn ngon, mát lòng..., một trong những thức ăn đó, nuốt - một loại hải sản đặc sắc của biển đã được con người chế biến thành món giấm nuốt vô cùng hấp dẫn và mát giòn.
 
Nuốt mua về phải được rửa thật sạch vì có nhiều cát bám quanh con nuốt. Nuốt rửa xong thì ngâm với lá ổi ít nhất một giờ vì ngâm lâu nuốt sẽ săn và giòn hơn. Sau đó trộn với rau má, chuối chát (chuối hột), trái vả, hay thân chuối thái mỏng, ăn kèm với rau ngò tây, rau thơm, ngoài ra còn thêm nhiều loại rau khác tùy theo khẩu vị của từng người. Món nuốt này hợp với cay, chát, đắng và mặn.
 
Món Nuốt ăn với rau sống chấm ruốc

Chỉ với con nuốt nho nhỏ, các bà nội trợ có thể chế biến thành các món ăn ngon từ đơn giản, bình thường đến cầu kỳ sang trọng. Món nuốt bình dân đơn giản là nuốt chấm ruốc, nuốt kẹp với rau thơm, vả, chuối chát chấm với ruốc pha chanh, ớt tỏi; khi có đủ vị cay cay, mằn mặn, món nuốt ngon và hấp dẫn vô cùng.
 
                                 Nuốt chân

Nuốt được chia làm hai phần gồm tai và chân. Phần tai rất thích hợp để kẹp rau sống chấm ruốc hoặc làm gỏi. Nhưng đặc sắc phải kể đến chân nuốt, giòn giòn, sần sật - làm nên linh hồn của món trứ danh: Bún giấm nuốt.
 
 2. BÚN GIẤM NUỐT
 
Đặc sắc nhất là giấm nuốt – Nuốt chân mua về ngâm trong nước lạnh và lá ổi để tạo độ giòn. Lúc gần ăn, vớt ra để ráo, càng ráo càng ngon.
 
Món ăn cần nêm nấu công phu, bày biện tỉ mỉ: người ta chuẩn bị nuốt, tôm, cua đều tươi, thịt ba chỉ, cá bống thệ, đậu phộng, bánh tráng, rau sống...; sau đó, ngâm nuốt với nước lá ổi, lá sung để tạo độ giòn cho nuốt, lúc sắp ăn vớt nuốt ra để ráo nước, càng ráo con nuốt càng giòn; tiếp theo, người ta sẽ tiến hành bóc vỏ tôm (nếu được tôm rằn càng ngon và đẹp), sau đó ướp tôm với hành, tiêu, mắm, muối rồi om tôm đã được ướp gia vị với dầu ăn riu riu lửa cho thấm, khoảng ít phút sau là có được món tôm kho vàng ươm, thơm lừng. Nồi nước dùng nêm thêm ruốc, pha nước nhiều - ít tùy vào số lượng người ăn và khẩu vị của thực khách; lúc nước sôi sẽ cho cà chua nhưng phải là cà chua bi mới đúng hiệu; để nồi nước lèo thêm ngon ngọt, có màu hấp dẫn, người ta sẽ cho thêm gạch cua để làm riêu cua, đơn giản hơn có thể lấy trứng gà đánh tan đều cả lòng trắng và đỏ, bỏ vào nồi nhỏ lửa cũng sẽ có được những làn vân đẹp như riêu cua (tất nhiên hương vị và mùi thơm cua - trứng có khác nhau).
 
Giấm nuốt rất cần đến rau sống, bao gồm: bắp chuối sứ xắt mỏng trộn với kinh giới, rau thơm, ngò, giá sống là đủ bộ; phụ gia có thêm đậu phộng rang đãi sạch vỏ, giã dập vừa, bánh tráng gạo nướng chín có vị giòn, mùi thơm; muốn thêm vị đậm đà, phải có nước lèo nấu với gan heo, mè đậu và nếu làm đúng theo bài bản, cần có canh cá bống thệ nấu với thơm hay cà chua.
 
Món bún giấm nuốt khi ăn, bỏ vào tô mỗi thứ một ít, trước hết bỏ một ít bún vào tô, sắp trên mặt bún rau sống, nuốt, tôm kho, thịt ba chỉ, cá bống thệ, đậu phộng, bánh tráng bóp vụn, chan thêm ít nước dùng, muỗng nước lèo, tí tương ớt... trộn đều, ăn nóng rất ngon. Món ăn này thường được dùng vào buổi trưa hè hay chiều hạ, rất mát dạ.
 

Thưởng thức vị ngon này, người ăn hẳn phải trầm trồ khen ngợi, dẫu vậy lòng cũng không khỏi băn khoăn: món ăn không có mùi giấm tại sao gọi là GIẤM NUỐT; phải chăng do vị chua tỏa ra từ cà chua, thơm nên gọi là giấm để thi vị hóa món ăn. Chừng ấy điều tưởng chừng bình thường thôi, thế mà tô bún giấm nuốt đã là món ăn đặc sản Huế, Quảng Trị với đầy đủ hương vị cuộc đời: ngọt của tôm, cay của ớt, chua của cà chua, bùi của đậu phộng, mát giòn của nuốt.
 

Món bún giấm nuốt ngon nhờ vào phần nước lèo. Phần nước này được làm nên từ những con tôm tươi nhảy tanh tách, bóc vỏ, bỏ đầu, chừa đuôi cho đẹp mắt. Nêm nếm đầy đủ gia vị cho thấm. Thịt ba rọi cắt miếng nhỏ vừa ăn, ướp gia vị. Phi dầu với hành cho thơm, gia thêm tí ớt bột, xào thấm tôm thịt. Riu riu trong lửa nhỏ chừng 10 phút cho tôm thịt thấm rồi châm thêm nước dùng xăm xắp. Nêm nước dùng hơi thấm tháp rồi cho cà chua bi vào, sôi vài dạo tắt bếp. Màu cam từ gạch tôm hòa với màu đỏ của cà chua tạo nên một hỗn hợp nước lèo sanh sánh, thấm thía rất riêng.
 
Rau sống ăn kèm gồm một vài loại rau thơm và đặc biệt phải có bắp chuối sứ trắng bào nhuyễn. Ngoài ra, còn phải chuẩn bị thêm đậu phụng rang vàng giã dập, bánh tráng mè nướng, mắm ruốc nêm nếm cho bớt mặn, thêm vài trái ớt xanh mới thật đúng điệu. Món bún ấm nóng, thơm nồng mùi rau thơm, ngọt đậm đà của nước lèo tôm tươi hòa quyện cái beo béo của bánh tránh, đậu phụng, đặc biệt vị ngọt giòn tan của những con nuốt sần sật trong miệng hứa hẹn sẽ là món khó quên.
 
Mùi rau thơm nhè nhẹ, nước sốt ngọt đậm đà của hương vị tôm tươi hòa quyện. Hương vị nuốt chân sần sật ăn cùng bánh tráng giòn tan, vừa kích thích vị giác vừa mang lại những trải nghiệm ẩm thực vô cùng mới mẻ với đầy đủ hương vị cuộc đời: ngọt của tôm, cay của ớt, chua của cà chua, bùi của đậu phộng, mát giòn của nuốt.
 

Món nuốt ngon phải có nước chấm ngon. Nước chấm thường làm từ nước mắm nhĩ, pha thêm ớt, tỏi, tiêu, gừng. Cũng có thể chấm Nuốt với mắm ruốc. Mắm ruốc ăn với nuốt tùy theo độ ăn cay của bạn mà cho thêm tỏi, ớt, chanh hay thêm tí bột ngọt.
 
Mùa hè được ăn món nuốt Huế, Quảng Trị vừa mát vừa giòn vừa cay cay, thơm thơm, quả thật là thú vị. Bạn nào có dịp ghé đến Huế, Quảng Trị vào mùa hè, nhớ bắng mọi cách thưởng thức cho được món nuốt nhé. Chắc chắn sẽ ngon lại tốt cho sức khỏe nữa.
 
C. BÚN SỨA VÀ CÁC MÓN ĂN CHẾ BIẾN TỪ SỨA.

1. BÚN SỨA
 
Bún sứa là món ăn không thể thiếu và là món ăn đặc sản vùng đất Miền Trung từ Phan Thiết trở ra. Nhiều địa phương nổi tiếng với món ăn này như: Bình Định, Phan Rang – Ninh Thuận, Ninh Hòa – Khánh Hòa.
 

Ngư dân dùng dao sắc cắt thân sứa ra làm nhiều miếng nhỏ bằng ngón tay cái, trông giống như nấm hay hình chuông gọi là sứa tai. Còn chân sứa cũng đem cắt nhỏ có dạng sợi dai, màu trắng đục gọi là sứa chân. Sứa tai trong suốt mọng nước, ngả mầu xanh dương trong khi sứa chân trắng đục, giòn như sụn. Sứa chân ngon hơn sứa tai nên được bán với giá đắt hơn. 
  


                              Sứa chân (có chấm)

Sứa vừa bắt lên được ngư dân chà rửa thật sạch phần nhớt khi còn ở ngoài biển, nên sứa ngả màu xanh pha tím rất đẹp. Về nhà người ta giã lá ổi (có chất chát) hoặc phèn chua ngâm vào cho sứa se lại, vài tiếng đồng hồ sau đem ra xả nước lạnh thật kỹ, cắt thành miếng nhỏ thì mới dùng được. Vào mùa sứa, từ khoảng cuối xuân - đầu hạ, sứa biển ở đây có rất nhiều.
 

Rau:
Món bún sứa phải ăn với rau sống đủ loại, như xà lách, giá, rau thơm... thái nhỏ, bên cạnh là các hũ ớt màu, ớt hiểm, chanh...
 
Nước lèo:
Ngoài ra, để chế biến món bún sứa ngon thì việc chọn sứa thì một phần rất quan trọng khác nữa cũng quyết định tới món ăn chính là nước lèo. Nồi nước bún sứa ngon là nồi nước được hầm xương lợn cho thật nhừ. Dùng chảo đun dầu cho nóng vừa rồi đổ vào đó tôm tươi và cà chua (đã bỏ hột) băm nhỏ, sẽ có một thứ nước sệt màu vàng ánh dầu, sau đó đổ tất cả vào nồi nước dùng.
 

Bún:
Bún sứa phải ăn nóng mới ngon. Ở các tiệm, bún đã được chần nước sôi, bỏ vào bát; được xếp lên trên mặt một lớp sứa, nước dùng được chan lên nóng hổi. Khi ăn, bỏ rau sống và giá vào tô, thêm một tí ớt dầu cho thật cay, cắn thêm một trái ớt hiểm thì càng ngon.
 
2. CÁC MÓN ĂN CHẾ BIẾN TỪ SỨA:
 
1. Gỏi sứa hành tây.
2. Sứa xào cần tây
3. Gỏi sứa xoài xanh
4. Gỏi sứa tai heo
5. Gỏi sứa hoa chuối
6. Gỏi sứa dưa hấu
7. Gỏi sứa dưa chuột (dưa leo)
8. Gỏi sứa đu đủ
9. Gỏi sứa đỏ
10. Gỏi sứa ngó sen
11. Sứa xào sả ớt
12. Sứa xào sa tế
 
Quý bạn có dịp ghé về vùng biển miền Trung thưởng thức các món ăn chế biến từ SỨA, NUỐT nhé ! Chúc ngon miệng
                                                            
La Thụy sưu tầm và biên tập

*
 
THAM KHẢO:
 
Quách Tấn – Xứ Trầm Hương – Nhà xuất bản Khánh Hòa
Món Nuốt Quảng Trị - Đồng Hương Quảng Trị.
Các trang web viết về SỨA và NUỐT trên mạng

READ MORE - PHÂN BIỆT "SỨA" VÀ "NUỐT", BÚN SỨA VÀ BÚN GIẤM NUỐT – La Thụy sưu tầm và biên tập

CHÙM THƠ TÌNH MƯA – Phạm Ngọc Thái

    


 
TRONG MƯA


Mưa rơi nhẹ như là tóc ấy
Giống dải lụa mềm quấn nỗi buồn bay
Mưa rơi khẽ như hoa vậy
Vỗ vào đêm hoá các nốt đàn gày

Em có thầm nghe mưa bay ngoài đó
Em có buồn, khi gió thổi đêm đêm
Đứng trong mưa, hồn anh tràn bão tố
Mưa rơi vào anh, tan ra nơi em xa không?

Em bước nhẹ, những tháng năm hoang dại
Về bên anh mái tóc rối tơi bời
Anh hôn mãi những giọt mưa em thuở ấy
Dẫu chỉ thấy còn bong bóng, vỡ đầy môi…

Phạm Ngoc Thái 

 
MƯA BAY TRONG TIẾNG CHUÔNG
 
Chuông chùa thỉnh lên lời cầu nguyện 
Nam-mô-a-di-đà!
Trong khúc mưa bay âm vang trời đất
Nửa tỉnh, nửa mê cũng thể như là…

Vi vút tầng cao con lá rụng
Nghe lao xao sóng vỗ bên hồ
Chân ta bước dưới khuông trời thành phố
Tiếng chuông buồn lại hoá bản nhạc thơ

Thoắt tình đã vào xa vắng
Mình anh với bóng nhớ hoài em
Hồn như cánh chim vô định
Mái tóc em bay, làn mưa mênh mang

Ôi, tiếng chuông gảy lên bao kí ức
Kia không gian thao thiết gót chân mềm
Gió dìu dặt, ánh trăng suông dìu dặt
Bản thơ tình anh vọng giữa mưa đêm
 
   Phạm Ngoc Thái    

 

READ MORE - CHÙM THƠ TÌNH MƯA – Phạm Ngọc Thái

NGÀY MÙA TRÊN XÓM BIỂN - Chùm thơ Lê Thanh Hùng

 




Ngày mùa trên xóm biển


Mưa chiều giăng, vương xõa tóc ai

Tháng bảy mưa ngâu lạnh xóm chài

Con còng gió trầm tư, bãi vắng

Bọt sóng, phân bua cố giãi bày 

                     *

Bến cá chiều nay vào vụ mùa

Cơn mưa giông, gió cũng a dua

Em gánh cá chiều mưa tất bật

Cháy lòng nghe, vọng dấu thẹn thùa

                     *

Biết mưa ngâu tự thuở bế bồng 

Tiếng ru hời trong sóng mênh mông

Vẫn còn đó trời mây tháng bảy

Chuyện hồi nào, sao lại thắt lòng 

                      *

Rất vô tư hào phóng, xanh ngời 

Con sóng xa đua gió lả lơi

Bữa cơm vội, tiếng cười tuổi trẻ

Mà đậm đà hương sắc biển khơi

                     *

Gió mùa lên, biển dậy nồng nàn

Vết mờ trong ngọn gió thời gian

Em lúng liếng, bàn tay bổi hổi

Gánh mùa vui, trắc dọc, trắc ngang…



Em đi trong cơn giông chiều


Em thon thả, nuột nà xiêm áo

Cả đất trời vào độ thu phân

Hoa cứ nở mặc cho giông bão 

Lối em qua, ai đứng bâng khuâng

                     *

Đường đưa dâu, dặm xa lầy lội

Mờ mịt trời áo lụa mà chi

Bão rớt đằng sau, mưa giăng lối

Biết người xưa, nay có nghĩ gì?

                    *

Xao xác gió, cơn giông nước lớn

Mở toang ngày, sấm dội đường xa

Trời quang đãng, cỏ non mơn mởn

Rung rinh chiều theo bước em qua

                     *

Chiều bừng nắng, cơn giông đã tạnh

Rộn rã đường quê, đám rước dâu

Cô dâu mới và nỗi buồn lấp lánh

Tiếng thở dài, không biết từ đâu

                    *

Biết ai còn đứng trong chiều đợi

Mưa còn rơi, giọt giọt âm thầm

Một lời hẹn, không lời nhắn gởi

Để nỗi niềm, đọng lại dư âm …

                                                10/91



Rồi một ngày kia hoa sẽ nở thôi anh!


Lời em nói, nhẹ nhàng như cơn gió thoảng

Cây trong vườn rờ rỡ tươi xanh


Bầy sẻ nâu lích chích đầu cành

Biết có tin được không? Đợi ngày em nói

Nên con chìa vôi vội vàng rớt giọng đành hanh



Có một đôi mắt đen đăm đắm nhìn anh


Nghe sâu thẳm, lung chiều vời vợi

Bên vườn thanh long tím hồng tươi mới


Từng quảng trắng đen, bóng nắng chạy lần quanh

Không một lời hẹn, trong những điều mong đợi

Chấp chới rơi, hoa nắng phủ đầu cành…

Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - NGÀY MÙA TRÊN XÓM BIỂN - Chùm thơ Lê Thanh Hùng