Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Saturday, July 23, 2022

RỐI RẮM - Truyện ngắn Vũ Hùng

 

Nhà văn Vũ Hùng

Truyện ngắn 

RỐI RẮM


Cũng do dạy bộ môn Ngữ Văn nên mỗi lần ăn giỗ tui thường hay làm trọng tài cho mấy cụ thi sĩ về lỗi bệnh trong thơ Đường vì ai cũng cho thơ mình là đúng, là hay. Cũng may là các thi lão nghe và tin, thậm chí phục sát đất. Sao không tin được vì những lời nói ra là của ông Quách Tấn chứ tui có nghĩ ra chữ nào, câu nào đâu?

Nói lý thuyết được thì phải làm thơ được mà thơ luật Đường các cụ mới  nể. Thế là tui phải vắt óc như vắt nước chanh để tìm ý tưởng.Nhiều đêm thức trắng để hoàn thành bài thơ khiến mặt mũi tui phờ phạc, mắt sâu hoắm như người bị đau thận giai đoạn cuối. Thơ tui cũng than thân trách phận, cũng mắt liễu mày ngài, cũng phong hoa tuyết nguyệt, cũng lầu son gác tía, cũng chàng nàng, quân tử tiểu nhơn, thực luận cũng đối nhau chan chát có kém ai?

Mụ vợ tui hớn hở, tự hào ra mặt vì có đức ông chồng được làng trên xóm dưới gọi là nhà thơ. Mụ thầm nghĩ mình chưa qua hết lớp hai bình dân học vụ sau giải phóng, ngay cái tên của bản thân viết chưa chắc đã đúng chánh tả mà được làm vợ thầy giáo kiêm nhà thơ chữ nghĩa đầy người là phúc tổ bảy đời chứ không phải chuyện đùa?

Đi đâu, làm gì mụ vợ tui cũng đem cái mác nhà thơ, mác miệng chứ làm gì có giấy chứng nhận - của chồng ra khoe khoang khắp làng khắp chợ, khiến cho con mụ nhà thơ Mông Đê (rút gọn tên hai con đèo Cù Mông và Bình Đê) chỉ mới nghe cái bút danh đã ngạo nghễ và phách lối rồi, lên tiếng chê bai! Vì mụ không muốn ai hơn mình! Mụ rêu rao khắp chốn là bậc thầy của thằng Dũ (tên tui ) mụ là tiến sĩ, là giảng viên của trường Đại học Đông Nam nào đó, thơ văn lừng lẫy, cả nước biết tiếng biết tăm. Lời qua tiếng lại thế nào mà hai mụ nắm tóc đánh nhau một trận ra trò ở chợ Huyện! Kết cục Mụ nhà thơ Mông Đê đi nằm viện để lấy chứng thương còn mụ vợ tui chỉ rách áo, bụng vẫn còn hậm hực:

- Con mẹ Mông Đê mà thơ thẩn cái gì? Học mới đệ lục lưu ban hồi trước 1975 cả làng Tây Trù ai mà không biết ? Chỉ giỏi nổ! Mẹ nó!

Chuyện sẽ chẳng có gì để nói thêm nếu như bữa ấy mấy cụ nhà thơ ăn giỗ nhà anh Trình Mới chẳng bàn luận về cách làm thơ của tui nó không còn giống với các cụ nữa nghĩa là hết dùng những từ ước lệ tượng trưng, những điển tích, điển cố...  mà dùng những chữ nghĩa mộc mạc, nhẹ nhàng như hạt lúa, củ khoai nghe nó quê quê mà tự nhiên lắm! 

Bỗng cụ Hàm hứng lên ngâm nga bài thơ VỀ QUÊ NẪU của tui, đến cặp kết bất chợt đánh đét vào đùi:

- Hay! Hay!

Sáng ghé Gò Găng mua nón ngựa

Để em đội thử có xinh không?

Ngọt hơn đường phải không quý huynh?

Thế là cả buổi chiều hôm đó tui bị mụ vợ tra khảo chẳng khác nào hỏi cung?

- Em là em nào? Ở đâu? Sao phải mua nón ngựa cho nó? Mất bốn năm trăm ngàn chớ ít ỏi gì đâu? Còn tui sao ông không mua?

Mồ hôi trong người tui túa ra như tắm lạnh cả sống lưng chẳng biết trả lời sao cho mụ hiểu đây? Tưởng tượng ư? Hư cấu ư? Mụ có biết gì đâu?!

Mụ tuyên bố dõng dạc:

- Từ nay ông không được làm thơ Đường luật nữa? Chỉ phụ  tui làm nông dân, làm Hai Lúa thôi!

Tui phải xuống nước:

- Cái gì cũng từ từ? Cũng như bỏ hút thuốc lá phải bỏ từ từ! Bỏ cái rột dễ tăng huyết áp dẫn đến đột quỵ lắm!

Mụ vợ thấy tui nói có lý gật đầu tán thành liền.

- Thì làm thơ Đường ít thôi, nửa tháng mươi ngày một bài, không nhớ thương người khác là được? 

- Tui viết lục bát được không?

- Được!

- Truyện ngăn ngắn được không?

- Được luôn!

Thế là tui viết thơ lục bát và truyện ngắn từ bữa đó. Thỉnh thoảng nhớ thơ Đường luật thất ngôn bát cú tui lại viết một bài mà cảm xúc trốn biệt tận mây xanh!

Từ khi chuyển sang viết truyện ngắn trong làng ngoài xóm người ta lại gọi tui là nhà văn. Mụ vợ tui cũng rất tự hào nhưng không còn rêu rao như lúc trước.

- Thầy Dũ nhà chị giỏi thiệt nghen!

- Anh thương mà nói vậy chứ anh Dũ nhà em chỉ viết chơi thôi! Còn dở lắm?

- Dở mà báo đăng rần rần...

Còn tui thì trái lại càng rắc rối vì bị chất vấn bởi những lý do không đâu?

Chiều chủ nhật vừa rồi trong lúc đang ngồi ăn giỗ nhà bác xã Nhiều ở thị xã An Nhơn thì bị cái gã tiếp thị thuốc thú y Thập đầu hói  đến chất vấn:

- Sao ông đưa tên tui vô truyện mà không xin phép?

- Anh là ai mà tui phải xin phép? Tên họ anh là g?

- Trình Ngọc Thập 

- Nhân vật trong truyện của tui là Mười Trình mà?

- Đừng lẻo mép! Thập nghĩa là Mười, là tui, Trình cũng là tui? Đúng chưa?

Tui chẳng hiểu gã này muốn gì? Không lẽ đằng sau cái họ tên có gì bí ẩn chưa được giải mã về cuộc đời hắn?

- Nói như anh những người viết văn chắc ngày nào cũng phải xin phép...

- Đù mẹ thằng nhà văn này thuộc dạng ó đâm...

Cũng may lúc đó có anh Phận đến căn ngăn và kéo gã Thập về bàn của gã chứ nếu không sẽ rối rắm hung.

Nhưng nào có yên, bụng còn đang bực bội vì gã Thập, ngay tối đó lão Cả Ghềnh, bạn học thời phổ thông điện ra cảnh cáo

- Đù má, mày chơi hổng đẹp?

- Hổng đẹp chỗ nào?- Tui hỏi lại ngạc nhiên.

- Mày chơi xấu thằng Phổ, đổi thành Phó, nó bị U dạ dày, bệnh hiểm nghèo ở Sài Gòn trong mùa dịch. Mày không động viên còn viết truyện tào lao châm chọc không sợ nó buồn à?

- Sao ông cứ suy diễn lung tung vậy? - Tui giải thích - Thằng Phố ngoài đời có vợ nhỏ hơn hai tuổi, sanh hai con, chưa gả chồng dựng vợ đứa nào? Còn lão Phó trong truyện bị đau mắt, có bà vợ to như hộ pháp, lớn hơn chín tuổi, mười hai đứa con đã thành gia thất. Thế thì châm chọc chỗ nào? Sao ông không nghĩ người viết có quyền hư cấu?

Cả Ghềnh nói kháy

- Mày đừng lấy cụm từ hư cấu trong lý luận văn học ra nói chuyện với tao làm gì? Tóm lại mày chơi không đẹp!

Nói xong Cả Ghềnh cúp máy cái rẹt!

Cứ nghĩ chắc cũng chẳng ai quấy rầy theo cái kiểu đó nữa? 

Nhưng bỗng dưng sáng nay không phải tưới cây vì đêm qua mưa lớn, tui đang ngồi rung đùi uống tách trà Ô Long Đài Loan, quà của thằng Fao Kiss biếu lúc tui vừa vô Sài Gòn- thơm lừng thật sảng khoái thì tiếng vợ chồng thầy Lữ, chừng 50 tuổi, giáo viên tiểu học nheo nhéo ở ngoài ngõ.

- Ông Dũ có ở nhà không?

Tui đáp:

- Có đây! Cổng không khóa cứ vào!

Vợ chồng thầy Lữ như đôi đũa so le, vợ cao như cây sào còn chồng thì thấp bé cỡ mét bốn lăm, không vào nhà mà đứng giữa sân, đôi tay chống nạnh có vẻ kênh kiệu, hách dịch lắm.

- Sao ông đem đời tư của nhà tui biêu riếu lên truyện làm trò cười cho thiên hạ? Ông không giải thích được là không yên với tui đâu? Tui sẽ kiện ông đi tù, mất luôn mấy đồng hưu cho coi?

Tui bực mình lắm nhưng cố dịu giọng:

- Chuyện đâu còn có đó!  Hai người chỉ cho tui  biết mà sửa chữa?

- Sửa chữa con mẹ gì? Ai không biết cha tui mất sớm vì  trúng gió, mẹ đi bước nữa chứ đâu có lăng nhăng chim chuột mà ông viết quá đà?

- Mẹ chú tên gì?- Tui hỏi lại

- Tên Bẹn!

- Tui chỉ viết về nhân vật mụ Hớng đa tình, lắm chồng chứ có đề cập gì đến bà Bẹn đâu? Cô chú là giáo viên mà nghĩ vậy thì trách chi những người ít học?

- Cả trường đều bảo là ông mỉa mai gia đình tui?

- Mỉa mai điều gì?

- Vợ tui tên là Châu Sắc Chấu, cao đâu kém người mẫu, ông chê có khuôn mặt bọ ngựa và gọi là hoa hậu? Không mỉa mai là gì?

Tui nghe cách lý giải của hắn giống như thằng khùng nhưng vẫn cố nín nhịn.

-Tui cầm tinh con gà, có trang trại nuôi gà, tui giàu có nhất nhì trong làng,  con cái thành đạt ai bằng, nhà cửa khắp nơi, có mấy tỷ gửi ngân hàng? Không mỉa mai là cái gì? Ông phải trả lời cho tui biết?

Mụ vợ tui cầm chổi định quét sân nhưng nãy giờ ngồi im lắng nghe thấy trái khoáy cái lỗ tai.

- Tại sao ông Dũ nhà tui phải trả lời khi hai câu chuyện không có chút gì ăn nhập với nhau? Mời hai người ra khỏi nhà tui ngay?

- Không ra ! Khi nào ông Dũ phải giải thích thỏa đáng đã?

Mụ vợ tui không kiêng dè gì nữa, vụt đứng dậy vung chiếc chổi cau đã cùn về phía trước.

- Hai đứa bay muốn giống lão Gà chớ gì?

Vợ chồng thầy Lữ hốt hoảng bỏ chạy, vừa chạy vừa lấy tay che đầu chẳng khác nào bữa trước lão Gà bị con mẹ bán cá Ba Biện đánh quần lên đầu vậy?

Tách trà Ô Long Đài Loan trên tay tui tự dưng nhạt thếch chẳng còn mùi vị gì nữa? 


Bình Định,12.07.2022

Vũ Hùng

No comments: