Lê Văn Trạch
Tháng 10 năm 1558 (Mậu Ngọ), Thái Úy Đoan Quốc Công Nguyễn Hoàng xuôi nam trấn nhậm vùng Thuận Hóa, đặt dinh trấn tại Ái Tử. Sau khi hoàn thành việc tổ chức hành chánh, tạo thế vững chắc về an ninh, quân sự, nhà Chúa nghĩ ngay đến việc phát triển kinh tế.
Do điều kiện địa lý đặc biệt, khí hậu khắc nghiệt, ít đồng bằng, lắm rừng núi, nông nghiệp không có thế mạnh như Đàng Ngoài, cho nên việc trao đổi hàng hóa là phương tiện quan trọng để vươn lên... Chính quyền và cư dân đã biết tận thu các nguồn hàng từ vùng cao đổ về đồng bằng, khi nội địa được phân phối nhịp nhàng thì cũng là lúc những mặt hàng giá trị được tập trung lại nhiều hơn để phục vụ xuất khẩu. Mạng lưới thu mua đường sông ra biển là dịp thương nhân ngoại quốc biết được các mặt hàng tốt, quý, hiếm xuất phát từ núi rừng... Thời điểm này, người Tây phương cũng đang tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm kỹ nghệ, đồng thời thu mua tơ sợi và hương liệu cho châu Âu. Nói tóm lại, thương nghiệp chủ yếu là ngoại thương đã trở thành yếu tố phát triến ở Đàng Trong giúp nhà Nguyễn xây dựng một cách nhanh chóng vùng đất ít nhân lực, không được thiên nhiên ưu đãi để có thể đương đầu với một vùng đất có tiềm lực gấp nhiều lần ở Đàng Ngoài.
Lẽ
dĩ nhiên, trước khi đến với các thương nhân nước ngoài, các sản phẩm từ miền
núi này phải qua tay người Kinh. Nói cách khác, song song với hệ thống thương cảng
sôi động, hoạt động mua bán trong nội địa giữa người Kinh và người Thượng cũng
không kém phần nhộn nhịp, mà hệ thống chợ phiên chính là những trạm trung chuyển
nguồn hàng từ miệt rừng xuống, từ miền biển lên.
Có
rất nhiều nguyên nhân cho sự xuất hiện của loại hình chợ khá đặc thù: Chợ Phiên,
tuy nhiên, những lý do phổ biến thường được đề cập: xuất phát từ những khó khăn
trong điều kiện giao thông buổi đầu, hàng hóa khan hiếm, cần có thời gian để
tích lũy và vận chuyển nguồn hàng. Trong quá trình trao đổi, buôn bán, đội ngũ
thương nhân thường ngầm quy định với nhau về thời điểm gặp gỡ, lịch họp chợ về
sau … Đây cũng chính là khoảng thời gian cần thiết để vận chuyển và tập trung
hàng đối lưu. Không xuất hiện các hiệu buôn lớn như phố thị, hình ảnh chợ phiên
thường chỉ là những lều quán tạm bợ, nhóm họp ở một số vị trí thuận lợi cho cả
kẻ bán lẫn người mua, mà địa điểm của trung tâm hành chính, khu vực đông dân
cư, hoặc điểm giao nhau trong mạng lưới giao thông thủy, bộ luôn là những chọn
lựa mang tính điển hình.
Trong bối cảnh như thế, Chợ Phiên Cam Lộ được hình thành: Chợ nằm cuối
làng, cách sông Hiếu (Cầu Đuồi) khoảng 400 m. Nguyên xưa, chợ được nhóm ở cạnh
bờ sông xóm Đông Định (Khu Bến Bàng - Tằm Tang), do bị hỏa hoạn và ngập lụt nên
chợ chuyển về trước mặt Đình Làng và tồn tại đến ngày nay. Vào thập niên 30, có
những thế lực cường hào trong làng muốn dời chợ lên Trào Ba (cách chợ cũ khoảng
400m về hướng Tây Nam đường 71 trước xóm Đông Định). Triều đình phải cử các
quan ra phân xử, quyết định để lại vị trí cũ.
Giang sơn thổ võ cũng linh
Bô tư ra tỉnh: Chợ Đình như xưa
Trong thời Pháp thuộc, đã có lần chợ phải
dời lên làng Tân Tường, xã Cam Tuyền, nhưng sau đó cũng trở lại chỗ cũ.
Lúc
đầu chỉ là chợ địa phương, nhưng do ngày càng phát triển và để thuận tiện cho
khách thương từ các tỉnh Bắc - Nam đến mua bán nên được quy định nhóm vào các
ngày mồng ba, mồng tám, mười ba, mười tám, hăm ba, hăm tám âm lịch. Chợ nằm
ngay trước đình làng với những tán cây sanh, bàng, nhãn, ngô đồng che mát, tạo
nên một cảnh quan rất thông thoáng. Ba phía khác là dãy phố khang trang bán vải
vóc, tạp hóa, đường 71 đi ngang phía trước chợ.
Theo sử liệu thì từ rất sớm các chúa Nguyễn đã có một tầm nhìn chiến lược về
kinh tế, thương nghiệp. Nhà Chúa đã cho mở một loạt chợ như chợ Kênh, chợ Cạn,
chợ Ngô Xá, chợ Sải, chợ Sòng, chợ Cầu, chợ Huyện, chợ
Phiên Cam Lộ.
Thời
kỳ này, Cửa Việt trở thành cảng biển của Đàng Trong, tàu buôn các nước Trung
Quốc, Nhật, Bồ Đào Nha tấp nập ra vào biến thành một nơi đô hội lớn. Tàu nước
ngoài bán các loại gươm, giáo, áo giáp, diêm sinh, đồ sắt, đồ đồng, vải v.v...
và mua trầm hương, ngà voi, sừng tê giác, quế, hồ tiêu, tơ, dứa, mít, gỗ quý,
chai phà, cánh kiến... Vì thế, chuyện trao đổi mua bán thu hút đông đảo người
Kinh, người Thượng, người Lào trên lối mòn qua núi, trên sông Hiếu, đến chợ
Phiên Cam Lộ.
Các Chúa Nguyễn cũng có thái độ
rất cởi mở đối với việc buôn bán qua Lào. Trong sách Phủ Biên tạp lục, Lê Quý Đôn chép: “Họ Nguyễn trước thường sai người đem cho
nước Lạc Hoàn và nước Vạn Tượng các đồ dùng. Họ vui lòng đổi chác, tùy thời
dâng đồ cống, thông mua bán, công tư được đầy đủ. Người buôn ở các xã thường mang muối, mắm, cá khô, đồ sắt, đồ đồng, hoa
xuyến, thoi bạc và các đồ lặt vặt đến người Man (Lào) đổi lấy các hàng hóa như
thóc, gạo, gà, trâu, gai, sáp, mây, dó,vải Man (thổ cẩm). Cũng có một phiên chợ
Cam Lộ, (người Lào) lùa tới 300 con trâu đến bán, giá một con trâu không quá 10
quan tiền, giá một con voi chỉ hai hốt bạc và một khẩu súng nhỏ (2 hốt bạc = 50
quan tiền). Ngay cả những vùng ở Trung Lào như Trấn Minh, Qui Hợp cũng vào.”
Phần lớn khách buôn đi bộ, gùi, cõng,
gánh, hoặc lùa (đối với trâu). Người Lào cưỡi voi chở hàng vượt núi về Chợ
Phiên. Một con voi chở được 30 gánh, mỗi gánh 20 bát. Nói chung, voi vừa là
phương tiện đi lại, vừa là mặt hàng mà nhà Nguyễn rất cần.
Đây
cũng là nơi quy tụ hàng hóa, nhu yếu phẩm: Hàng từ Huế ra theo đường ven biển,
ngược sông Hiếu lên chợ Phiên Cam Lộ thường mang theo nón bài thơ, đường phèn,
đường phổi, thuốc bắc, gia vị... Hàng từ Quảng Bình vào có trứng vịt, đồ gốm,
hàng đan lát.
Nói
chung, chợ Phiên Cam Lộ là một thị trường đa dạng.
Hàng hóa miền ngược: Ngà voi, lông đuôi
trĩ, trầm hương, hương nén, da trâu, sáp ong, mật ong, sừng trâu, sừng tê, nhựa
thông, da hươu, nhung hươu, lông đuôi công, tộc hương, hồ tiêu, sa nhân, đậu khấu,
mây, song, ngựa, trâu, vải hoa làm màn, bạch mộc hương, gai, da thú, cùng các
thứ thổ cẩm hoa trắng, vải bông trắng, vải bông xanh, lá nón, bí xanh, nếp,
thóc đen mây, song tre, mai rùa, nhung nai, gạc nai, thuốc lá, bạc, heo, gà.
Hàng
hóa miền xuôi: mắm, muối, cá khô, nước mắm, nồi đồng, chiêng, ché, gốm, mã não,
bạc, thoa, xuyến, rìu, rựa, dao, cuốc, áo quần, trang sức, chén bát, soong nồi
nhôm, rượu, bật lửa, giày đen, xà phòng, dầu hỏa, nón, mũ, các loại thực phẩm,
hải sản, bún bánh... Dân địa phương thì có rau quả, nông sản... Chợ Phiên được
xem như ngày hội của dân trong vùng. Ngoài các nơi xa đến bằng đò xe, cư dân
trong vòng bán kính 7- 10 cây số thường gánh gồng đi bộ. Dân địa phương hầu như
nhà nào cũng đi, đôi lúc chỉ vào xấp lá chuối, mụt măng.
Đặc biệt, các
thương lái người Kinh đã thấy được muối là nhu cầu thiết thân của người Thượng
nên họ đã chọn muối là một trong những mặt hàng chiến lược để giao thương với
người miền Ngược. Thực tế, muối đã đem lại cho họ những khoản lợi nhuận bằng hiện
vật hết sức khổng lồ.
Muối
ăn, đối với đa số người Thượng là hết sức quý hiếm. Họ phải đổi với giá rất đắt:
một con gà trống to chỉ đổi được một chén uống nước muối, một con trâu to cũng
chỉ đổi được bốn gùi muối (khoảng 40 kg). Nhà nghèo, cả năm rất ít khi được ăn
muối biển.
Trong một cách hiểu nào đó, muối là một thứ “tiền trắng” có giá trị cao của người Kinh. Giá trị ấy có được không chỉ bởi sự thiếu thốn hạt muối biển của các cộng đồng miền ngược, mà còn bởi những tộc người này có thể dễ dàng khai thác nguồn lâm thổ sản có sẵn của núi rừng.
Cầu Đuồi
Có
một vị trí nhỏ ít ai nhắc đến nằm trong hệ thống với chợ Phiên là chợ Bến Đuồi,
sát bờ sông bên cạnh Cầu Đuồi, cách Chợ Phiên khoảng 300m được nhóm trước Chợ
Phiên một ngày: Ở đây chủ yếu bán gia súc, gia cầm, vật liệu xây dựng, nông cụ,
than củi... Những hàng này sau khi mua được sắp xếp gọn vào thuyền bè trong
đêm, đến sáng thương nhân mới lên chợ Phiên để mua bán những mặt hàng gọn nhẹ.
Thông qua việc trao đổi buôn bán giữa
các vùng miền trong nước và quốc tế, Chợ Phiên Cam Lộ đã trở thành một trung
tâm buôn bán tấp nập nhờ có ưu thế giao thông thủy bộ... trên bến dưới thuyền với
nhiều cửa hiệu sầm uất. Luồng thương nghiệp mạnh mẽ này đã tạo điều kiện để
hình thành “con đường hương liệu",
cũng có nhà nghiên cứu nói đến "con
đường hồ tiêu", "con đường
muối" khai mở cho một hành lang
kinh tế năng
động trên Quốc lộ 9 sau này.
Luồng buôn bán mạnh mẽ hai miền xuôi ngược qua
Chợ Phiên đã tạo nên sự giao lưu văn hóa, tiếp nhận sớm những văn minh tiến bộ
từ các phố thị, đồng thời tạo nên sự đồng cảm dân sinh giữa người Việt, các dân
tộc thiểu số và các bộ lạc Lào. Sự phồn thịnh của Chợ Phiên đã kéo theo những
phát triển hài hòa các mặt khác, tạo cho Cam Lộ có một khuôn dáng rất đặc biệt
so với các vùng quê Quảng Trị, bởi thế, trong thập niên 30, nhà thơ dân gian Lê
Cặn đã mạnh miệng bảo rằng:
Cam Lộ là tiểu Trường An
Thượng thành, hạ thị, thương gia, học đường
Ngày
nay, trong điều kiện kinh tế toàn cầu hóa, một số nhu yếu phẩm đã được thương
nhân đưa đến tận các bản làng xa xôi, chợ Phiên lại nằm sát xa lộ Xuyên Á và xa
lộ Trường Sơn, nhưng dân chúng địa phương vẫn giữ truyền thống tốt đẹp tổ tiên
đã kiến tạo.
Chợ
Phiên đã thấm sâu vào máu thịt quần chúng. Với người dân làng Cam Lộ, nhắc tới
chợ Phiên, ai ai cũng tự hào, lòng dâng lên nỗi bâng khuâng, xao xuyến vì đây
là một di sản văn hóa huyết thống có tính đặc thù đã đi vào sử sách.
Lê Văn Trạch
No comments:
Post a Comment