Thật là lạ lùng, mỗi khi lần giở những trang thơ của nhà thơ Khúc Thụy Du, tâm thức tôi lại có cái gì đó âm vang như từng giọt dương cầm thánh thót rơi rơi trong đêm nến hồng ấm áp. Dường như là thanh âm từ tiếng xưa trăm năm vọng về, hay từ giấc mơ nào xa thẳm mới vừa bị đánh thức? Lãng đãng giữa không gian êm đềm huyền thoại ấy, hồn thơ ai khuấy động làn ánh sáng lung linh, rồi hòa cùng giọt đàn mộng mị, tan loãng vào đêm sâu. Nếu tôi có mơ, thì chắc hẳn đây cũng là một giấc mơ đẹp giữa những bộn bề.
Không lặn lội vào cõi thơ ai đó thì làm sao thấu cảm tâm hồn một thi nhân? Du theo hồn thơ, ta lặng lẽ đạp bóng thi nhân đi sâu đi mãi vào miền hoang vu nội cảm điệp trùng. Lắng lòng với ý thơ bất tuyệt, ta bàng hoàng thấu tỏ bao điều dấu kín trong vô vàn ẩn dụ của mật ngôn thí tứ.
1. GIẤC THỤY DU,
Huyền ảo một tình yêu
Hãy lắng nghe Khúc Thụy Du tâm sự ở khúc dạo đầu, thay cho lời tựa:
“Trong đêm tĩnh mịch, trong đêm u hoài tôi luôn thầm gọi yêu dấu. Tôi cũng tự hứa với yêu dấu là tôi sẽ mãi yêu thương người đến muôn nghìn năm sau dù người không hề hay biết”.
“Trong đêm như thế tôi làm thơ những bài thơ vắt bằng cạn kiệt của con tim hy vọng và cũng đầy thất vọng”.
Chỉ bấy nhiêu dòng với cả tâm tình hiến dâng, Khúc Thụy Du đã tự mình khẳng định cái chân lí muôn đời yêu là cho đi. Và thơ chị là một chuỗi yêu thương âu yếm dệt xâu từng đêm từng đêm lặng thầm gởi trao cho người yêu dấu. Chàng là ai? người diễm phúc nhất trên cõi đời này, chẳng biết đến giờ đây đã mở cửa trái tim đón nhận những vần thơ thi nhân trao gởi, hay dấu yêu cũng chỉ là hình bóng ảo huyền muôn đời không có thật:
Em biết
Trong khúc quanh đồng vọng
Dư âm của dấu yêu
Dù rất rõ một điều
Là không hề có thật…
(Khúc Thụy Du)
Đêm của nhà thơ mãi là đêm mộng du, đêm của chơi vơi từng giọt nhớ thương, đêm của lệ nến vơi đầy, mỗi khúc thơ cũng là một khúc nhạc du dương, ta nghe như từng giọt đàn thánh thót rơi trong khuê phòng yên ắng:
Hằng đêm…
Nghiêng rơi chơi vơi
Cung trầm ảo vọng một lời
Gọi tên ai trên đôi môi
Thụy du khúc – buồn xa xôi!
(Đêm mộng du)
Không biết vô tình hay hữu ý, nhà thơ sử dụng thể thơ lục ngôn độc vận buồn não nuột, xao xuyến lòng tôi.
Thơ của Khúc Thụy Du như làn sương khói lung linh trong đêm thắp nến, chị ươm trong cõi thơ mình từng vần điệu, từng thi ngôn thi ảnh mơ hồ, như người yêu dấu trăm năm của chị xa vời tựa “một làn khói trắng, ru đời vào quên lãng…”:
Ta như hoa – người như sương đêm
Phủ ngộp trong nhau – giấc nghê thường
Tan cùng cung bậc hương đêm nguyện
Hòa trộn nhịp nhàng với tiếng khuya.
(Sương và hoa)
Hình như trong thơ và qua thơ Khúc Thụy Du, tất cả hiện hữu đều huyền ảo, tình yêu chị nồng nàn là thế, dâng hiến là thế mà rồi cũng chỉ như một thoáng phù du, mê hoặc:
Bến mê ai lạc lối vào
Lịm trong một giấc ngọt ngào huyền không
Mênh mông chỉ thấy mênh mông
Tình tôi xa vắng vọng vào vách ngân!
(phù du)
Ngay cả cánh chuồn của tuổi thơ yêu dấu cũng là những vòng bay lượn nhạt nhòa trong tâm thức, đến nỗi đôi cánh mỏng đã trượt chân tội tình vào ngang trái:
Chuồn chuồn cánh mỏng ru tình
Ru mây ru gió ru mình à ơi
Ngày xưa không thốt nên lời
Ngày nay cánh mỏi một đời vẫn xa…
(chuồn chuồn bay)
Để đêm của thi nhân là những đêm dài nuối tiếc, linh hồn nàng bay lượn trong bóng đêm, hụt hẫng, bơ vơ, mất mát, để nỗi buồn lặng lẽ vò xé không gian, nỗi buồn rơi vãi, nỗi buồn lững lơ, nỗi buồn không định hình vây chụp lấy nỗi cô đơn, nỗi riêng một mình lẻ bóng khi người yêu dấu của thi nhân đã vẫy tay:
Đêm nguệch ngoạc nỗi buồn
Vẽ vành khăn sô trắng
Để tang lời chia tay
Ngại ngùng trên môi ai.
(Đêm vẽ)
Thế cho nên, nhà thơ dạo bước bên hiên chùa thanh vắng, hay khi nghe tiếng chuông giáo đường leng keng trong chiều hoang phế, chị ngoan ngoãn chắp tay “xin chút nhiệm mầu”. Âu là vậy, trong mất mát, khổ đau con người thường vịn vào bàn tay thượng đế nâng đỡ niềm tin và linh hồn:
Nhiệm mầu xin đến một lần
Cho bàn tay chạm thật gần bàn tay
Cho đêm tiếp nối đêm dài
Để ta nương tựa những ngày có nhau…
(Xin chút nhiệm mầu)
Có chăng một lần tan vỡ trong cuộc đời nhà thơ ? Có chăng một lần “tình yêu vỗ cánh bay xa”, hay có chăng một lần người ấy ra đi vĩnh viễn, bỏ lại bên trời kỉ niệm một nhan sắc mặn mà với một tình yêu bất tuyệt, cho đi mà không hề mong nhận lại? Thật lòng, tôi không đủ can đảm đặt câu hỏi vẩn vơ này với Khúc Thụy Du, chỉ xin cảm nhận chứ không là thức nhận, khi viết về những vần thơ nhân chứng cho nét đẹp tình yêu cao thượng trong tâm hồn thi sĩ.
2. DƯ ÂM NGHÌN TRÙNG, trọn vẹn một tình yêu dâng hiến
Đi sâu vào tập thơ dư âm nghìn trùng, tôi lại càng cảm nhận sâu sắc thế nào là một tình yêu vĩnh cửu, tình yêu cho đi. Trong khung trời diễm mộng ấy, thi nhân ôm ấp hoài niệm dấu yêu cho cả cuộc đời mình, trong suốt hành trình thơ, mãi mãi tôn thờ sự rung động ban đầu mà chính nàng thơ bắt gặp, và thơ, như là một phương tiện giao cảm với chàng ở tận một nơi xa vời nào đó.
Với dấu yêu!
Đơn giản là em yêu anh
Đơn giản là em chỉ muốn khi mình từ biệt cuộc đời thì những bài thơ này, những tứ thơ này đã được ghi tên tặng anh, tặng cuộc tình của chúng mình, một cuộc tình huyền ảo có thật mà em đã đặt tên là GIẤC THỤY DU.
Này đây, nồng hương nụ tình trong phút giây hai người bên nhau, trái tim nhà thơ cháy bỏng lửa yêu đương mặn nồng, Khúc Thụy Du không hề giấu diếm phút giây tận hiến cho hạnh phúc lứa đôi:
Nữa đi anh… thật sâu và thật chắc
Hơi ấm nồng rạo rực dấu đôi tay
Nụ hôn sâu trượt xuống thật là dài
Vào ngực tối miên man vùi chăn gối.
(Ơn anh)
Khi yêu đương, bao nhiêu cho đi cũng là chưa đủ, đêm ngà ngọc đắm say, ngày hơi thở nồng nàn dồn dập, vậy mà nàng thơ luôn khát khao một tình xuân trọn vẹn, nên mãi miết ngơ ngẩn lòng hỏi lòng, hỏi mãi với người yêu dấu:
Ngực trầm hương thở vội
Yêu dấu ơi sao vừa
Xuân non cành lộc biếc
Ta có mùa xuân chưa.
(Gọi xuân)
Thời gian của yêu đương là thời gian không trôi. Giấc mơ của yêu đương là giấc thụy du miên viễn. Cho đến khi bàn tay ta chạm vào cuộc sống ác nghiệt, linh hồn ta chạm vào nỗi trống vắng não nề, đó là lúc ta nhận ra mình chơi vơi trong đêm say mèm ân ái chỉ còn là ảo giác, không gian quanh nhà thơ chỉ còn đêm hoang lạnh, đêm hắt hiu:
Đêm nay đêm của lặng thinh
Cuồng si thuở ấy bóng hình nơi đâu
Dấu tay vết bấu còn sâu
Ngát trên da thịt một màu hư vô.
(Đêm là hư vô)
Cứ thế, cuộc đời trôi như dòng sông trôi, chỉ có tình yêu ở lại. Thấp thỏm từng ngày, bơ vơ từng đêm, triền miên xa, triền miên nhớ, thanh tân nay đã héo khô, tình non nay đã già, chỉ có ân tình vẫn trọn vẹn thủy chung, ươm đầy hy vọng:
Dẫu mấy mươi, dẫu tóc đã phai màu
Ta nhuộm lại xuân thì muôn năm cũ
Những mộng mơ mà em anh ấp ủ
Sẽ như hoa, như trái chín thơm lừng
(Tình già)
Với một tình yêu thương mênh mông như thế, ta không ngạc nhiên khi nàng thơ độc thoại, mà như giao bôi cùng người tình trăm năm của linh hồn nàng. Tôi hiểu và tôi xót xa. Tôi chia sẻ và tôi ngưỡng mộ, tôi kính trọng và tôi khóc thầm:
Hư vô đầy một chén
Tôi mời mình đêm nay
Ta cùng cạn và say
Tôi gọi mình quắt quay.
(Mình à)
Trước mắt tôi, giai nhân bày cuộc rượu, độc ẩm mà đối ẩm, đối ẩm với hình bóng xa xăm. Trong cơn say, thơ là thực, thơ là chứng nhân, thơ là phút giây hiện hữu, “Tôi mời mình đêm nay”. Tôi thấm cái từ tôi mà không là em như đã từng ngọt ngào, và rồi, “mình ơi mình có hay”. Những uẩn khúc của nội tâm chuyển biến kì ảo, giữa xót xa và dịu dàng, giữa cay đắng và thiết tha, được nhà thơ thể hiện tinh tế mà chân thực quá. Tôi tin Khúc Thụy Du trong phút giây này là Khúc Thụy Du của tình yêu.
Viết mãi, với thơ tình Khúc Thụy Du thì tôi nghĩ không bao giờ cạn. Thơ chị chính là tình yêu. Và tình yêu là lời của yêu thương trong tâm hồn chị, và tôi tin, người ấy cũng yêu chị như chính chị yêu người, dù hai người giờ đây không còn là của nhau trên cuộc đời này.
Tôi xin trích dẫn một đoạn thơ tình bất hủ của Tagore:
“Đôi mắt âu lo của em buồn
Em muốn nhìn vào tâm tưởng của anh
Như trăng kia nhìn sâu vào biển cả,
Em đã biết cõi đời anh
Anh không giấu em một điều gì cả,
Chính vì thế mà em không bao giờ hiểu biết hết về anh”
( Bài số 28)
Phải chăng, tình yêu là sự đồng điệu trong cảm thụ, sự giao hòa trong gần gũi, là dâng hiến trong tâm hồn. Nhưng trái tim con người, thế giới nội tâm con người lại mãi là một cõi bí mật vô cùng. Chỉ có thể lí giải như thế khi nhà thơ Khúc Thụy Du phải “Để tang lời chia tay/ Ngại ngùng trên môi ai” cho cuộc tình duy nhất, chung thủy, vẹn nguyên của cuộc đời chị.
Chúc cho con đường thơ trước mặt của Khúc Thụy Du vươn tới bao điều tốt đẹp, như là một đại biểu cho những khúc thơ tình tinh khôi, diễm mộng. Độc giả vẫn rất cần những tia sáng lấp lánh đó giữa những bầm dập tai ương của xã hội thời @
Bà Rịa 17-8-2020
Nguyên Bình
No comments:
Post a Comment