Nhà thơ Phạm Đức Nhì |
PHẠM ĐỨC NHÌ
HAI BÀI THƠ MỘT NIỀM TIN
1/
CHẮC NGÀI KHÔNG NGHE THẤY
Hãy xin, sẽ được; hãy tìm, sẽ gặp; hãy gõ cửa, sẽ mở cho
(Mathew 7:7)
Khi siêu bão Haiyan
đang gầm gừ ở hướng đông
đài khí tượng tiên đoán
bão sắp tràn vào Tacloban (1)
Hơn 90 phần trăm dân ở đây
là con Chúa
sấp mình cầu nguyện
xin Chúa xót thương
Khi bão rít trên đầu
sóng biển dâng cao
tiếng kêu cầu càng lớn
càng khẩn thiết
Bão yên, nước rút
cảnh tượng thật kinh hoàng
thành phố tan hoang
xác người nằm xếp lớp
Cha xứ
mở cửa
ngôi giáo đường đổ nát
Chúa Giê-Su vẫn ngoẹo đầu
dang tay trên thánh giá
sợi dây điện
lủng lẳng dưới tai
Ai đó đã đeo cho ngài
một bộ máy trợ thính
Chú Thích:
1/ Thủ phủ của Leyte
“Many of you lost everything. I don’t know what to say to you.
Many have asked, why, Lord?” He said: “All I can do is keep silent.” (Pope Francis said when visited Tacloban on
01/17/2015, 14 months after the Super Typhoon Haiyan.)
“Nhiều người trong số các con đã mất tất cả. Ta không biết
phải nói gì với các con. Nhiều người đã hỏi, tại sao, Chúa ơi?” Rồi ngài nói:
“Tất cả ta có thể làm là im lặng” (Đức Giáo Hoàng Francis nói khi viếng thăm
Tacloban hôm 01/17/2015, 14 tháng sau Siêu Bão Haiyan.)
2/
NGÀI NGHE, THẤY VÀ BIẾT HẾT
Dù người đời nói ngả, nói nghiêng”
tôi vẫn tin
có một Thiên Chúa toàn năng
ngài nghe, thấy, và biết hết
mọi chuyện ở thế gian
“một sợi tóc trên đầu rụng xuống
cũng không ngoài thánh ý của ngài”
Tôi cũng tin
ngài yêu mến loài người
và chính ngài đã tạo nên vũ trụ
những quy luật vận hành của nó
trong đó có quy luật của linh hồn
Tâm trong sáng
ăn ở hiền lành
sẽ sống giữa cảnh thiên đàng
ngay trên mặt đất
khi chết
hồn sẽ bay về chốn an lạc
Lòng dạ tối đen
hành xử nham hiểm, độc ác
sẽ sống giữa lửa thiêu địa ngục
dù giàu có
cửa rộng
nhà cao
và khi từ giã kiếp người
sẽ phải đọa xuống một nơi
rất xa Thiên Chúa.
Ôi Thiên Chúa lòng lành vô cùng
ngài là ngọn đuốc
đưa con người tránh xa địa ngục
hướng đến thiên đàng
Nhưng những chuyện sống chết, thành bại, sướng khổ
của thế gian
chuyển động của đất trời vạn vật
ngài tạo ra quy luật
và để chúng tự vận hành
Những ai rao giảng
rằng cứ tin
cứ thành khẩn cầu xin
là điều gì Chúa cũng sẽ cho toại nguyện
hoặc là họ không “hiểu chuyện”
hoặc là họ phỉnh lừa
ngài đâu phải phù thủy, thầy bùa
có người dâng lễ vật van xin
là “hô phong hoán vũ”
Riêng tôi
đã nguyện tin thờ Thiên Chúa
hàng đêm tâm sự với ngài
những suy nghĩ, lời nói, hành động trong ngày
tôi trải lòng ra
để đúng sai ngài chỉ bảo
Nhưng những chuyện
vợ đẻ con đau
gạo tiền cơm áo
sự nghiệp công danh
thế giới hòa bình hay chiến tranh
núi lửa, bão lụt
sóng thần hay động đất
dĩ nhiên
là ngài biết hết
nhưng như một Quân Vương
chính trực công minh
ngài lặng yên
để quy luật tự nó vận hành
Vì ngài là Thiên Chúa
nhân loại kính mến ngài vì lẽ đó.
Lời Trần Tình
Tình cờ gặp người bạn - một thời làm cùng nghề - có vợ người
Philippines. Anh bạn cho biết đang mua sắm chút ít để vợ về Tacloban
(Phillippines) thăm đứa cháu (con người anh ruột) còn sống sót sau siêu bão
Haiyan. Cả cha mẹ và chị gái cháu đều bị chết thảm trong cơn bão này.
Chị vợ vừa khóc bù lu bù loa vừa nói, giọng trách móc: “Thật
tội nghiệp! Anh chị là con chiên ngoan đạo lại hiền lành, tốt bụng, cả làng ai
cũng quý mến, kính trọng mà lại gặp tai họa khủng khiếp như thế. Trước khi bão
vào anh chị bên ấy và cả tôi bên này hết lòng cầu xin Chúa mà Ngài có chịu nghe
đâu.”
Tôi xúc động rồi nổi hứng, ngay tối hôm ấy đã viết xong bài
thơ.
Chắc Ngài Không Nghe Thấy được viết theo lối Kiếm Tông – chú
trọng cái đẹp của ngôn ngữ, hình tượng, biện pháp tu từ.
Là người thường làm thơ theo lối Khí Tông nên khi chuyển qua
Kiếm Tông ngôn ngữ thơ vẫn rất bình dị, đời thường. Hình thức bài thơ, theo
thói quen, không bị trói buộc. Vần thoang thoảng. Hồn cốt bài thơ được dồn vào
chút “tiểu xảo” ở đoạn kết, nói bóng gió về việc Chúa “không nghe” lời cầu xin
của dân Phi.
Mãi đến khi Đức Giáo Hoàng Francis qua thăm Tacloban rồi tâm
tình về sự bất lực của mình trước câu hỏi “Tại sao, Chúa ơi?” của giáo dân, tôi
mới dám phổ biến bài thơ – nhưng cũng không quên kèm theo phát biểu của Đức
Giáo Hoàng để hy vọng được “an toàn trên xa lộ”
Bài thứ hai - Ngài
Nghe, Thấy Và Biết Hết - được viết để giải thích.
Làm thơ, theo các bạn Mỹ của tôi, (tùy trạng thái tâm của
thi sĩ) có 3 mục đích:
1/ Reason with them: Nói lý lẽ với độc giả
2/ Share your feelings with them: Chia sẻ tâm tình với độc
giả
3/ Get it off your chest: Mở van cho tâm tình, cảm xúc trào
tuôn ra khỏi ngực bạn (để khỏi óc ách)
“Mở van cho tâm tình, cảm xúc tuôn ra khỏi ngực” là thượng
sách. Với tâm trạng này, nếu thể thơ thích hợp, bài thơ có cơ hội là tiếng lòng
chân thật (hồn thơ lai láng).
“Chia sẻ tâm tình với độc giả” sẽ tạo được bài thơ dạt dào cảm
xúc nhưng chưa thể nhiều đến mức có hồn thơ.
“Nói lý lẽ với độc giả” là hạ sách. Làm thơ với tâm trạng
này thì lý trí sẽ nắm quyền lèo lái nên dù kỹ thuật có siêu cách mấy bài thơ
cũng khô cứng, ít cảm xúc, đọc rất chán.
Bài Ngài Nghe, Thấy Và Biết Hết tuy viết theo lối Khí Tông
nhưng mục đích lại để “nói lý lẽ” về đề tài tôn giáo - vừa khó nhai, vừa dễ đụng
chạm – nên tuy tứ thơ chảy thành dòng nhưng toàn lý lẽ, rất ít cảm xúc, đọc như
nhai giẻ rách, rất mệt và rất buồn ngủ.
Với tôi, đây là một trong số những bài thơ thất bại của
mình.
PHẠM ĐỨC NHÌ
No comments:
Post a Comment