Nhà thơ Võ Văn Hoa và nhà bình thơ Châu Thạch
ĐỌC
THƠ VỀ CHỢ QUÊ QUẢNG TRỊ CỦA VÕ VĂN HOA
Châu Thạch
Tôi có người bạn văn viết về chợ thật là độc đáo, đó
là ký giả Lương Minh với quyển sách “Chợ
Tỉnh Chợ Quê” có một không hai giữa thời này. Tôi có người bạn làm bài thơ
về chợ cũng tuyệt vời, đó là nhà thơ Lê Đình Hạnh với bài thơ “Kẻ Chợ” mà mỗi lần
anh đọc lên thì bạn bè lắng nghe thích thú. Tôi cũng yêu 10 bài thơ viết về chợ
của Anh Thơ, một nữ sĩ của thập niên 40 thế kỷ trước. Ngoài ra còn rất nhiều
bài thơ về chợ khác xưa nay có thể làm cho ta thú vị.
Lần nầy, tôi lại khám phá thêm chùm thơ về chợ quê của
một tác giả mà tôi đã mến mộ từ lâu, chùm thơ viết về các chợ quê ở tỉnh Quảng
Trị, nơi quê hương thân yêu mà tôi đã gắn bó một thời tuổi trẻ. Chùm thơ
đã đem đến cho tôi những cảm xúc dạt
dào. Đó là bốn bài thơ của nhà thơ Võ Văn Hoa, một thi nhân đang ở ngay trên
quê hương Quảng Trị của mình:
Đầu tiên ta hãy đọc bài thơ “Chợ Quê”. Bài thơ không nói chợ quê nào nhưng ai đọc cũng dễ biết
rằng, tác giả nói về các chợ quê Quảng Trị. Thế nhưng bài thơ đã phát họa những
nét đặc trưng chung của chợ quê nước ta, mộc mạc, giản dị, thấm đượm hồn người
dân quê nước Việt:
CHỢ
QUÊ
"Người
ơi buông áo em ra
Để
em đi chợ kẻo mà chợ trưa..."
Đi vô trong Huế trong Hàn
Ghé qua siêu thị vội vàng
rồi ra
Ta về đi chợ quê ta
Hàng rau rau sạch... hàng
quà bến sông
Đi mau kẻo chợ hết đông
Trầu têm cánh phượng ới
chồng... chồng ơi!
Chợ quê đi suốt cuộc đời
Người quê buông áo nói lời
tình chung
Chợ quê muôn nẻo tơ
chùng!
Võ Văn Hoa
Bài thơ chỉ có chín câu, nhưng tác giả nhắc ta biết sự
thoải mái khi dạo chợ quê, sự tinh khiết của nông sản bán ở đó cũng như địa diểm
mà dân quê thường họp chợ ở gần bến sông, gần cây cầu hay dưới một gốc đa già.
Các câu thơ “Ghé qua siêu thị vội vàng rồi
ra”, “Hàng rau sạch.. hàng quà bến sông”, “Trầu têm cánh phượng ới chồng… chồng ơi” đánh động tâm hồn ta tưởng
tượng được một khung cảnh họp chợ bán buôn đơn sơ, bình dị và đầy sự luyến ái
trong tâm hồn. Nhà thơ thật độc đáo khi để tiếng người vợ vui mừng gọi chồng vọng
lên khi thấy“Trầu têm cánh phượng”.
Chỉ một câu thơ mà lột tả hết sự chơn chất của người vợ, có thể xem như đại diện
cho người phụ nữ nông thôn, người phụ nữ ấy thật hồn nhiên khi cất tiếng gọi to
chồng mình vì vui mừng thấy có trầu tem cánh phượng. “Têm cánh phượng” cũng đại diện cho hình ảnh tình yêu trong lễ nghi
đẹp vô vàn qua phong tục miền quê còn sót lại.
Phần cuối bài thơ, nhà thơ mượn chữ “buông” trong câu ca dao “Người ơi buông áo em ra / Để em đi chợ kẻo
mà chợ trưa” để lấy chợ diễn đạt nhưng khối tình chung, những mối tình
vương vấn suốt đời của trai gái nông
thôn. Những mối tình ấy, chợ đã mang ít nhiều dấu ấn kỷ niệm trong cuộc tình của
họ.
Qua bài thơ thứ hai, tác giả viết về chợ Cầu:
CHỢ
CẦU
"Mua
vôi chợ Quán chợ Cầu"
(Ca dao)
Hai đêm nằm ở đất Gio Châu
Chẳng thấy cầu đâu lại chợ
Cầu
Thấp thóang bóng chiều
rơi tóc trắng
Niềm mong như thể đã xanh
lâu
Vôi trắng nghìn năm lời ước
hẹn
Đỏ au cổ tích chẳng nhòa phai
Chợ Cầu giao cảm cùng
sông núi
Viên mãn cho người một sớm
mai.
Võ Văn Hoa
“Ru em em ngủ cho muồi / Để mẹ đi chợ mua
vôi ăn trầu / Mua vôi chợ Quán chợ Cầu / Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh”:
Đó là câu ca dao ở vùng đất Quảng Trị có đề cập đến chợ Cầu. Chợ Cầu như một địa
danh gần gũi, đã đi vào câu hát, nuôi lớn bao tâm hồn trên mảnh đất Gio Linh tỉnh
Quảng Trị. Có lẽ nhà thơ Võ Văn Hoa đã ở lại hai đêm tại di tích của chợ Cầu
ngày xưa. Chợ Cầu ngày xưa ở phía đông thị trấn Gio Linh, cách quốc lộ 1A chưa
đầy 1km, kế bên di tích quốc gia đình làng Hà Thượng. Chợ Cầu ngày nay đã được
dời lên phía tây quốc lộ 1A, là trung tâm trao đổi hàng hóa lớn nhất của Huyện
Gio Linh, sầm uất và khang trang chớ không “Vôi
trắng nghìn năm / Đỏ au cổ tích” như trong thơ của tác giả.
Bài thơ “Chợ Cầu” của Võ Văn Hoa là một bài thơ
hoài cổ, giống như bà Huyện Thanh Quan thấy “Lối
xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” trong bài thơ “Thăng Long Thành Hoài Cổ”. Khác với bà
Huyện Thanh Quan thấy “Cảnh đó người đây
luốn đoạn trường” thì nhà thơ Võ Văn Hoa Tích cực hơn. Nhìn di tích lịch sử
tuy u trầm nhưng nhà thơ đã khám phá được một sợi dây kết hợp từ quá khứ đến hiện
tại và tương lai. Đó là niềm mong ước bao điều tốt đẹp lưu truyền qua bao thế hệ
vẫn xanh màu đá “như thể đã xanh lâu”.
Đó là những ước hẹn, hay nhưng lời thề non nước từ xưa đến nay còn trường tồn
như “vôi trắng nghìn năm”. Đó là những
cảo thơm mang hồn dân tộc vẫn “Đỏ au cổ
tích chẳng phai nhòa”
Nhà thơ Võ Văn Hoa nguyên là một nhà giáo, với tư duy
nầy đem vào bục giảng, tôi nghĩ những thế hệ học sinh của thầy sẽ có cái nhìn mới
tốt đẹp hơn, khám phá những chúc thư mà cha ông viết trong đá, trong gạch,
trong kiến trúc của đền đài, lăng tẩm, gởi lại cho hậu thế những lời giáo huấn
nghiêm khắc, những trách nhiệm với non nước mà con cháu phải làm.
Bài thơ thứ ba là bài thơ “Qua Chợ Kẻ Diên Xưa”:
QUA
CHỢ KẺ DIÊN XƯA
Còn ngôi đình chứng tích với thời gian
Cây sanh cổ kể bao điều kỳ tích
Người ở dưới nôốc lên
Người từ miền trên lại
Chợ gạo cá, bốn mùa hoa trá
Cứ vây quanh Khu chợ thập thành
Tôi như người cổ sơ
Đi chân đất đầu
trần qua chợ
Thấy tráng sĩ dừng ngựa
Thấy nho sinh ghé trạm dừng chân
Cho hành trình vượt cây đa vào kinh ứng thí
Chợ Kẻ Diên xưa Vang bóng một thời
Chợ Kẻ Diên xưa Người tuyệt vọng vẫn còn đường hy vọng
“Còn da lông mọc
còn chồi nảy cây”
Chợ Diên Sanh hôm nay Người qua chợ có vô tình như thể
Tôi xót đắng – cây Sanh chiều tuổi xế
Như lãng quên năm tháng ở quanh mình
Võ Văn Hoa
Trong kho tàng ca dao tục ngữ của VN, bài ca dao chục
trứng (hay bài ca dao về con gà Kẻ Diên)
được xem là một trong những bài ca dao hay nhất nói về niềm lạc quan và hi vọng.
Nhưng không phải ai cũng biết địa danh 'Kẻ Diên' trong bài ca dao này ở chỗ nào.
“Tháng
giêng tháng hai / Tháng ba, tháng bốn / Tháng khốn tháng nạn / Đi vay đi tạm được
một quan tiền / Ra chợ Kẻ Diên mua con gà mái / Về nuôi, hắn đẻ ra chục trứng /
Một trứng: ung / Hai trứng: ung / Ba trứng: ung / Bốn trứng: ung / Năm trứng:
ung / Sáu trứng: ung / Còn ba trứng nở ra ba con / Con diều tha / Con quạ bắt/ Con mặt cắt xơi / Chớ than phận
khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây”
Theo nhà báo Phạm Xuân Dũng (Ban Văn nghệ chuyên đề, Đài PT-TH Quảng Trị) thì từ “kẻ” là một từ
cổ, giờ không còn dùng nữa nhưng có nghĩa nôm na là một vùng đất, một làng quê.
Ở Quảng Trị có Kẻ Lạng thuộc xã Hải Sơn, Kẻ Văn thuộc
xã Hải Tân, Kẻ Vịnh thuộc xã Hải Hòa (cùng thuộc Huyện Hải Lăng). Còn Kẻ Diên
được nhắc tới trong bài ca chính là Diên Sanh ngày nay, thuộc xã Hải Thọ (Huyện
Hải Lăng, Quảng Trị).
Nhà thơ Võ Văn Hoa qua chợ Diên Sanh hôm nay nhưng tâm
trí lại nghĩ về ngôi chợ tại đây mấy trăm năm về trước có tên là Kẻ Diên. Khác
với chợ Cầu, chợ Kẻ Diên chỉ thay tên nhưng vẫn họp chợ trên nền đất cũ. Do đó
nhà thơ được nhìn những di tích xa xưa như ngôi đình, như cây sanh còn sót lại.
Từ nhưng di tích đó, gợi cho tâm hồn thi nhân lãng mạn, đã tưởng mình quay lại
tiền kiếp “như người cổ sơ / Đi chân đất
đầu trần qua chợ”. Bài thơ hay ở chỗ đó, hay ở chổ tưởng tượng và hư cấu
tuyệt vời. Chợ Diên Sanh ngày nay như bao ngôi chợ khác không có gì đáng nói.
Thế nhưng, nhìn ngôi chợ Diên Sanh ngày nay để kéo ngược thời gian, sống vào
quá khứ, đứng giũa chợ Kẻ Diên ngày xưa để “Thấy
tráng sĩ dừng ngựa/ Thấy nho sinh ghé trạm dừng chân” là một cơn mơ như hiện
thực, là một ý thơ trên cả ý thơ, kéo đất kéo trời của quá khứ về trong hiện tại,
đưa không gian hiện tại về quá khứ, truyền cảm xúc đến người đọc thơ thấy hiển
hiển trong trí mình những hình ảnh sống, thực hơn phim.
Trong bài thơ “Qua
Chợ Kẻ Diên” nhà thơ Võ Văn Hoa có bày tỏ một nỗi niềm “Xót đắng” vì nhà thơ nhìn “cây
sanh chiều tuổi xế/ Như lãng quên năm tháng ở quanh mình”. Đó chỉ là một sự
u hoài thoáng qua khi cảm động sự phôi pha, già cỗi đứng trước sự rộn ràng, sầm
uất của sinh hoạt chợ ngày nay. Thật ra trong tâm hồn nhà thơ, một niềm hy vọng,
một sự lạc quan yêu đời, tin tưởng vào tương lại luôn luôn đầy ắp. Vì sao ta biết?
Vì câu thơ “Chợ Kẻ Diên vang bóng một thời
/ Chợ Kẻ Diên Người tuyệt vọng vẫn còn đường hy vọng” khẳng định nhà thơ thấy
được sự vượt qua, sự phục hưng, sự sống lại của ngôi chợ qua bao nhiêu thế hệ.
Rồi câu ca dao “Còn da lông mọc còn chồi
nảy cây” mà tác giả đưa vào thơ là một câu ca dao có chứa đựng yếu tố của
tư tưởng triết học thường gọi là “triết
ly dân gian” hay “triết học của nhân
dân lao động” phát hiện ra bản chất, quy luật của sự sinh tồn, hiện tượng tự
nhiên của cuộc sống, khẳng định thêm nhà thơ có tâm hôn lạc quan. Bài thơ cho
ta quay lại một quá khứ thanh bình và nhìn về một tương lai với niềm hy vọng tốt
đẹp.
Bài thơ thứ tư là bài thơ “Chợ Hôm”:
CHỢ
HÔM
Gánh cá chiều chạy từ biển
lên
Đòn gánh cong đời mẹ
Người phu già khuân miền
dâu bể
Điếu thuốc Lào phả khói
hoàng hôn.
“Gái thương chồng đang
đông buổi chợ...”
Chợ Hôm có còn gì không?
Người về chợ không còn thủng
thẳng
Tranh mua từng mớ cá, ngọn
rau...
Đất nước có nhiều phiên
chợ lạ
Có người đến thấy lòng
mình thanh thản
Có người đến thấy phận
mình xót đắng
Chợ Hôm đắt ít, rẻ nhiều.
Tôi về chợ Hôm một chiều
Nắng nhạt nhòa vàng Kim
Long mỹ tửu
Chợt nghĩ về dòng đời
vĩnh cửu
Có người con gái đi ra
từ phía
rìa làng
Võ
Văn Hoa
Chợ
Hôm: Di tích xếp hạng cấp tỉnh (14/04/2016)
Địa
điểm này nằm bên bờ sông Thạch Hãn, thuộc làng Lập Thạch, phường Đông Lễ, thành
phố Đông Hà; cách trung tâm thành phố khoảng 1,5km về phía đông nam. Đây là một
chợ làng được hình thành khá sớm trong lịch sử; là nơi trao đổi hàng hóa, buôn
bán của một số làng ở phía nam thành phố Đông Hà và nhiều làng ở phía Đông bắc
Triệu Phong.
Bài thơ “Chợ
Hôm” được mở đầu bằng một hoạt cảnh sống động. “Gánh cá chiều chạy từ biển lên / Đòn gánh cong đời mẹ”. Cụm từ “đòn gánh cong đời mẹ” khiến cho hoạt cảnh
không phải chỉ xảy ra trong chốc lát mà kéo dài thời gian suốt một đời mẹ. “Người phu già khuân miền dâu bể/ Điếu thuốc
lào phả khói hoàng hôn” là câu thơ trùm lên mọi biển động của cuộc đời và u
uẩn khói thuốc lan tỏa cả không gian.
Tác giả mượn một trong hai câu ca dao “Gái thương chồng đương đông buổi chợ / Trai
thương vợ nắng quái chiều hôm” để tán dương tình yêu thương, sự hy sinh của mẹ, lặn lội ở chợ trong cả mùa đông lạnh vì
chồng vì con mình.
Ngược với những bài thơ trước, bài thơ nầy tác giả có
những nỗi ưu tư khi nhìn thấy “Người về chợ không còn thủng thẳng / Tranh
mua từng mớ cá ngọn rau” mà mớ cá ngọn rau ấy “Đắt ít, rẻ nhiều”.
Nhà thơ về chợ Hôm một chiều, ánh nắng nhạt nhòa chiếu
trên những chai rượu ngon đặc sản có nhản hiệu Kim Long, làm cho tác giả chợt
nghĩ về qua khứ xa xôi, chợt thương những người con gái bỏ làng ra đi vì hệ lụy,
vì hôn nhân, vì muốn đi tìm một bến đậu tốt hơn.
Bài thơ “Chợ
Hôm” se thắt một nối buồn. Buồn vì có lẽ tên chợ là Hôm, có nghĩa là tối,
và tác giả đến đó trong một buổi chiều vàng vọt. Thế nhưng cọng với những bài
thơ trên, ta thấy được tâm hồn tác giả là một sợi dây rung lên được lắm cung
đàn. Đọc “Chợ Hôm” ta thấy con tim
mình trầm lắng. Một chút xót thương cho mẹ, một chút ưu tư vì cảnh nghèo, một
chút nhớ nhung xa vời về thân phận những người con gái đi về “tứ phía, rìa làng” cho ta thứ cảm xúc
sâu lắng, xa vời. Đắng của cuộc sống và ngọt của tiếng thơ hòa quyện trong lòng
ta sắc màu thi vị,
Có lẽ tôi không nói thêm nữa đề bài thêm dài ra vô
ích. Thiết tưởng bốn bài thơ về “Chợ Quê
Quảng Trị” của nhà thơ Võ Văn Hoa có viết mấy thì cũng nói được một phần rất
nhỏ mà thôi. Mục đích của người viết là chỉ giới thiệu thơ, để người đọc đọc
nó, sẽ tự thấy cai hay bằng đồng cảm, bằng cảm nhận trực tiếp, thì sẽ thẩm thấu
vào tâm hồn mình hương hoa, thi vị được ẩn chứa trong thơ mà lời nói trở nên vô
dụng. Thơ Võ Văn Hoa là một thứ thơ trầm lắng, nhìn thấy nó như nhìn chất ngọc
óng ánh dưới sông sâu trong dòng nước trong rất trong, nhưng phải chịu nhìn mới
thấy!!!
Châu Thạch
No comments:
Post a Comment