Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 7, 2019

LÀNG CỔ LỘC YÊN VÀ NHỮNG NGƯỜI THỔI HỒN VÀO ĐÁ | Khê Giang

Sông Tiên. Ảnh: Khê Giang


LÀNG CỔ LỘC YÊN 
VÀ NHỮNG NGƯỜI THỔI HỒN VÀO ĐÁ
Khê Giang

Chúng tôi đặt chân đến Lộc Yên vào một ngày trời nắng đẹp, mắt nắng vàng ươm đổ từng vạt trứng xuống đường làng, hàng cau hiền hòa như tần ngần đứng nhìn du khách, vài thửa ruộng bậc thang đang nằm chờ gieo sạ, con mương uốn mình duyên dáng tinh nghịch ngâm mình giữa dòng nước mát sau một mùa khô hạn, vài mạch nước nhỏ từ lòng núi ngập ngừng, mon men qua từng phiến đá rụt rè chảy xuống lòng ao. Chúng tôi bước đi trên những con đường lát đá quanh co, từng phiến đá đan tay nhau trườn vào thôn xóm. Men qua từng con ngõ hẹp, màu cổ tích hiện dần trên từng vách đá, cảm giác con đường như đang cựa quậy, dụi mắt tĩnh dậy sau một giấc ngủ dài.
Hướng dẫn viên của đoàn là một phụ nữ trẻ đẹp duyên dáng, công tác tại ngành văn hóa của địa phương. Ngoài kiến thức uyên thâm về văn hóa làng cổ. Cô còn là nhà thơ, người có giọng hát mênh mang, dễ mềm lòng du khách. Nghe những dòng chảy sóng sánh về quê hương qua lời giới thiệu say sưa của người hướng dẫn viên, hay nhìn cái cách người dân biểu lộ sự chân tình, quý mến đối với cô, chúng tôi dễ nhận ra rằng: trong cái thâm nghiêm,quyến rũ, trong cái cựa mình thức giấc của ngôi làng, luôn có bóng dáng, hơi thở của người phụ nữ duyên dáng tài hoa này.

Không như Phước Tích (Thừa Thiên – Huế), hay Đường Lâm (Hà Nội), được cư trú phẳng phiu giữa chốn bình nguyên. Lộc An tọa lạc giữa một vùng bán sơn địa, chính cái hình thái chênh vênh này đã tạo cho ngôi làng cổ có cái chất đặc trưng. Vùng đất này đã khôn khéo khi chọn địa hình ruộng bậc thang ở Sa Pa làm nền phong thủy, chọn cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang làm cổng rào, chọn Phù Lưu (quê hương nhà văn Kim Lân) làm con ngõ, chọn kiến trúc cung đình Huế làm nhà cửa và chọn đất phương nam để tạo dựng những ngôi vườn…Không dừng lại ở đó, với sự say mê lao động nghệ thuật, họ còn biết chắt lọc, sáng tạo nâng tầm các tác phẩm, các công trình lên một tầm cao mới, đẹp hơn, nhiều sắc thái hơn. Người Lộc Yên không chỉ làm đường để đi hay làm bờ rào để giữ đất mà họ còn biết thổi hồn vào chúng, với nghệ thuật sắp đặt có chủ ý, chủ đề: từ đó mỗi lối đi, mỗi bậc thềm, con ngõ đều trở thành một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, sống động và lung linh.
Những ai đã đặt chân qua và ngưỡng mộ những con đường lát đá của ngôi làng cổ Birury nổi tiếng tại Vương quốc Anh hay có dịp ngắm nhìn những con ngõ xếp đá của làng Chefchaouen bên bờ Địa Trung Hải (một trong bảy làng cổ đẹp nhất thế giới) chắc hẳn cũng phải trầm trồ khi có dịp sóng bước trên những con ngõ hút hồn tại làng cổ Lộc Yên.
Ngoài sắc thái mượt mà của ruộng vườn, đường sá, Lộc Yên còn nỗi tiếng với những ngôi nhà cổ có tuổi đời hàng trăm năm. Những ngôi nhà rường này thường nằm ở độ cao khoảng 5- 10m so với nền đường, với thế dưa lưng vào đồi núi, mặt trông ra thung lũng. Xung quanh được bao bọc bởi những hàng cau cổ thụ, những cây Bòn bon già cỗi, những cây bưởi xanh um trỉu quả.

Chính diện ngôi nhà. 

Không giống với người láng giềng Hội An, nhà cổ tại Lộc yên hoàn toàn khác xa với lối kiến trúc tại phố cổ, nó hao hao giống nhà rường ở Thừa Thiên, Quảng Trị: cũng kèo cong Trính lận, băng đầu vồ, trừ một số đặc điểm: Nhà có dáng vóc cao hơn; phần hậu được thiết kế dạng sàn lững (có tác dụng thông khí). Giữa mỗi băng có một con đội được chạm trổ cách điệu hình trái lựu nối với điểm gặp nhau của hai thanh kèo trông rất ấn tượng. Trên từng ô cửa chính có những lá sách di động, rất tiện dụng khi dễ dàng mở ra vào mùa hè và đóng kín khi đến mùa đông.

Nhà rường Lộc Yên (bên tả)

Những ngôi nhà rường ở đây đa phần được những nghệ nhân làng mộc Văn Hà thi công, đây là một trong ba làng mộc nổi tiếng (Trà Bồng, Mỹ Xuyên, Văn Hà) được triều đình nhà Nguyễn tuyển dụng nghệ nhân phục vụ trong các công trình xây dựng kinh thành Huế. Một chi tiết làm cho ngôi nhà rường ở đây nổi tiếng hơn, đó là có một vị nguyên thủ quốc gia, gốc gác tại Huế, đã hai lần cho người lặn lội vào Lộc Yên để tìm mua một ngôi nhà với số tiền khủng, nhưng cả hai lần chủ nhân ngôi nhà cổ tuyệt đẹp đều lắc đầu... Câu chuyện hết sức thú vị, ngoài thông điệp mang đến cho người nghe về cái đẹp trong ý thức gìn giữ, bảo tồn di sản của cha ông, nó còn khẳng định giá trị, chất lượng về nghệ thuật và tính thẩm mỹ của các ngôi nhà cổ tại đây.

Điều đáng nói, không riêng gì nhà cổ, vườn cổ mà những ngôi nhà mới mọc lên cũng được các chủ nhân trẻ khi thiết kế vẫn giữ nguyên lối kiến trúc của cha ông xưa. Vẫn những tường rào được xếp đặt mềm mại, rong rêu; vẫn những con đường đá được chắt chiu, gài chèn một cách tỉ mỹ, những hàng cây được sắp đặt có hồn. Ý thức gìn giữ, tôn tạo cái đẹp luôn hiện hữu trong lòng mỗi người dân nơi đây, chính sự tiếp sức của những công dân thời @, trong đó có những người cán bộ đúng nghĩa như hướng dẫn viên Nguyễn Kim Thiện, với tình yêu quê hương, họ đã tiếp tục vẽ nên nét đẹp truyền thống của cha ông và làm bịn rịn bất cứ ai khi đã một lần đặt chân đến xứ sở nầy.

Khê Giang

No comments: