Tác giả Phạm Đức Nhì
NGHE
VÀI CA SĨ HÁT “ĐỂ GIÓ CUỐN ĐI”
Lời
Nói Đầu
Trong thời gian viết bài Bàn Về Chữ “Buông” Của Trịnh Công
Sơn Trong “Để Gió Cuốn Đi” (1), để có thể thấm và phần nào hiểu ý của nhạc sĩ,
tôi đã vào Google nghe đi, nghe lại bản nhạc được nhiều ca sĩ khác nhau hát. Với
bài viết ngắn này tôi không có ý định bàn đến sự hay dở của chất giọng cũng như
khả năng thể hiện của ca sĩ mà chỉ bàn đến hai trường hợp thay đổi lời ca và
vài trường hợp chọn cách kết thúc bản nhạc hơi khác thường. Mục đích để tìm hiểu
xem là làm như vậy ca sĩ đã đến gần hay đi xa - thậm chí “đi lạc” – ý chính của
bản nhạc.
Do chỉ chọn một số ca sĩ rất ngẫu nhiên khi gõ “để gió cuốn
đi” trên Google, những ca sĩ khác, cũng ở vào trường hợp tương tự nhưng không
được (bị) chọn là ngoài ý muốn của người viết.
Tóm
Tắt Ý Của Bản Nhạc
Bản nhạc có thể chia làm 4 đoạn nói đến chữ “buông’ của trạng
thái tâm con người.
1/ Với “tấm
lòng”: Hãy “để gió cuốn đi”. Nếu không, nó sẽ làm mờ mắt ta, trái tim ta sẽ
thành “chiếc bóng” của nó “đi rao lời dối gian”
2/ Với hạnh phúc
(tiếng cười): Hãy để nước cuốn trôi
3/ Với khổ đau, bất
hạnh: Hãy mở cửa trái tim để “con chim đau, mang vết thương sâu” bay đi.
4/ Khi gió cuốn
đi hết - cả “cái tôi” (bản ngã) của ta (“vắng bóng ai”) - ta sẽ vui sống, an lạc.
“Tấm lòng” là bản tâm, là toàn thể những gì chất chứa trong
tim. Trong thực tế, gió không thể một lúc cuốn trôi “tấm lòng” đi được. Vì thế,
TCS đã chia những gì chất chứa trong “tấm lòng” thành 2 loại - hạnh phúc và khổ
đau. Khi tất cả những tiếng cười (hạnh phúc) được nước cuốn trôi, những “con
chim đau, mang vết thương sâu” (khổ đau) vỗ cánh bay đi hết, “tấm lòng“sẽ hoàn
toàn được gió cuốn đi. Lúc đó bản tâm chỉ là một khoảng không, “cái tôi” (bản
ngã) đã “vắng bóng”
Với cách hiểu như thế, nghe các ca sĩ hát, tôi nổi hứng đưa
ra mấy lời bàn. Đây chỉ là nhận xét cá nhân. Sẵn sàng đón nhận những ý kiến
trái chiều, khác hướng.
Ca
Sĩ Thùy Chi Đổi Chữ “Tan” Thành “Vang”
Không biết vì lý do gì khi trình bày bản nhạc Để Gió Cuốn Đi
nữ ca sĩ Thùy Chi (2) đã đổi chữ “tan”
của nguyên bản trong câu hát “và tiếng
hót tan trong trời gió lên” thành chữ “vang”.
Câu hát trên nằm trong đoạn nhạc nói về sự buông bỏ những nỗi
khổ đau, được tác giả diễn tả bằng hình tượng “con chim đau mang vết thương
sâu”.
Khi “con chim đau mang
vết thương sâu” vỗ cánh bay khỏi trái tim, “và tiếng hót tan trong trời gió lên” - chữ “tan” cho độc giả cái cảm giác về sự buông bỏ hoàn toàn, không còn
tơ vương gì đến những cay đắng, khổ đau nữa. Âm thanh từ tiếng hót của con chim
và dĩ nhiên, cả bóng hình của nó, đã tan biến trong bầu trời, không còn một dấu
tích gì.
Đổi “tan” thành “vang” thì trong câu “và tiếng hót vang trong trời gió lên” tiếng
hót của con chim còn vọng lại, nghĩa là chưa tan biến hoàn toàn, sự buông bỏ
chưa trọn vẹn.
Hát như thế, ca sĩ Thùy Chi - về mặt ý nghĩa- đã làm giảm
cái hay, cái đẹp, cái sâu sắc của đoạn nhạc.
Ca
sĩ Phạm Anh Khoa đổi “chiếc bóng” thành “đôi cánh”
Trong Chương Trình 12 Con Giáp Năm 2018 nam ca sĩ Phạm Anh
Khoa (3) khi thể hiện nhạc phẩm Để Gió Cuốn Đi đã thay 2 chữ “chiếc bóng” từ nguyên bản thành “đôi cánh”.
Anh hát:
“Ôi! Trái tim đang bay theo thời gian
Làm ‘đôi cánh’ đi rao lời dối gian”
Câu hát đó thiếu tính logic. “Làm đôi cánh” thì “đôi cánh”
chỉ có thể là phuơng tiện di chuyển chứ không thể “đi rao lời dối gian” được. Còn trong nguyên bản:
“Ôi! Trái tim đang bay theo thời gian
Làm ‘chiếc bóng’ đi rao lời dối gian”
thì nếu “tấm lòng”
chưa được gió cuốn đi, trái tim sẽ làm “chiếc
bóng” của nó - tức là “chiếc bóng”
của ta, thay mặt ta đi loan truyền những điều tốt đẹp về ta, còn những điều xấu
xa thì che giấu – nghĩa là “đi rao lời dối
gian” giùm ta. Trường hợp ta dám và có thể để gió cuốn “tấm lòng” đi được
thì “chiếc bóng” cũng không còn nữa.
Bản ngã – tức là “hình bóng ai” trong
ta biến mất, tâm của ta sẽ ở trạng thái vô ngã - chỉ có ở những vị tu hành đạt
đạo.
Đây là chiếc cầu để dẫn độc giả đến - và có thể hiểu - cụm từ
“vắng bóng ai” ở đoạn kết:
Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai
Thay “chiếc bóng”
bằng “đôi cánh” ca sĩ Phạm Anh Khoa
không những làm câu hát mất tính logic mà còn chặt chiếc cầu liên tưởng, khiến
độc giả chới với, dù có được giải thích, cũng khó vỡ nghĩa (make sense) được cụm
từ “vắng bóng ai”.
(Theo
link ở mục Chú Thích tôi đã nghe ca sĩ Phạm Anh Khoa hát Để Gió Cuốn Đi cả chục
lần. Nhưng mới đây khi bấm vào link để check lại lần cuối thì phần trình bày của
anh đã bị xóa)
Sau đây là vài cách kết thúc bản nhạc.
1/
Giữ Nguyên Lời Và Ý Của Tác Giả
Thông thường các ca sĩ kết thúc bằng cách lập lại (hoặc ngân
dài) những chữ cuối, hoặc câu cuối của bản nhạc. Trong trường hợp Để Gió Cuốn
Đi câu cuối sẽ là “dù vắng bóng ai”. Các ca sĩ Khánh Ly (4), Trường Thanh (5),
Bé Hoàng Ngân (6) đã dùng cách kết thúc này - lập lại nhiều lần câu “dù vắng
bóng ai”.
Đây là cách kết thúc an toàn nhất. Dù tác giả có vô ý hoặc
“yếu cơ” để những chữ cuối hoặc câu cuối ở vị trí quá xa với ý chính của bản nhạc,
hát lên nghe lạc lõng hoặc nhạt nhẽo, không lưu lại ấn tượng thì cũng không phải
là lỗi của người hát.
Trong trường hợp Để Gió Cuốn Đi, khi “tấm lòng” được gió cuốn
đi hết, tâm của con người sẽ ở trạng thái “không”, nghĩa là tuyệt đối vắng lặng,
tuyệt đối thanh tịnh. Bản ngã, hay “cái tôi” sẽ “vắng bóng”. Cho nên ca sĩ kết
thúc bản nhạc bằng cụm từ “Dù vắng bóng ai” là hợp lý, là đúng ý của tác giả.
2/
Kết Thúc Bằng Câu “Để Gió Cuốn Đi”
Ca sĩ Quang Dũng (7) đã chọn cách kết thúc này.
Đây là cách kết thúc khác thường. Ca sĩ đã lấy tựa đề – cũng
là câu hát quan trọng nhất, gói trọn ý của bản nhạc, coi như một CODA của riêng
mình - để kết thúc. Theo tôi, so với cách kết thúc thường lệ ở trên, cách này
hiệu quả hơn, để lại ấn tượng mạnh hơn.
3/
Kết Thúc Bằng Cả Đoạn
Ca sĩ Hồng Nhung (8) đã chọn đoạn quan trọng nhất, coi như một
CODA để kết thúc.
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết
không?
Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi.
Và lập lại:
Để gió cuốn đi. Để gió cuốn đi.
Cách kết thúc của Hồng Nhung – lý giải ý chính của bản nhạc
một lần cuối - theo tôi, để lại ấn tượng mạnh hơn của Quang Dũng.
4/ Cách Kết Thúc Hay Nhất
Thùy Chi (2) cũng kết thúc bằng đoạn của Hồng Nhung nhưng bỏ
câu “Để làm gì em biết không?” Với
tôi, câu “Để làm gì em biết không?”,
về mặt ý nghĩa là một câu thừa, do cấu trúc của dòng nhạc phải đưa vào để lấp
chỗ trống. Ca sĩ trẻ Thùy Chi đã “tinh”
hơn Hồng Nhung, bỏ câu ca từ thừa thãi ấy đi, để chỉ còn:
Sống trong đời sống cần có một tấm lòng.
Để gió cuốn đi.
Thùy Chi cũng bỏ bớt một câu “Để gió cuốn đi” (không lập lại), nhưng thay vào đó cô ngân dài để
âm vang của câu ấy thấm vào lòng người nghe nhạc. CODA của Thùy Chi vừa gọn, vừa
chắt lọc, vừa gói trọn ý của tác giả, để lại ấn tượng rất sâu sắc.
Theo tôi, đây là cách kết thúc hay nhất.
5/
Kết Thúc Bản Nhạc Bằng Ý Phụ
Ca sĩ Hồ Quỳnh Hương (9) và hai ca sĩ song ca Hiền Thục, Đức
Tuấn (10) có lẽ thích hình tượng “con chim đau mang vết thương sâu” nên đã lấy
nửa sau của đoạn 3 để kết thúc bản nhạc.
“Trong trái tim con chim đau nằm yên
Ngủ dài lâu mang theo vết thương sâu
Một sớm mai chim bay đi triền miên
Và tiếng hót tan trong trời gió lên”
Độc giả coi lại phần Tóm Tắt Ý Của Bản Nhạc sẽ thấy đoạn 3 – con chim đau mang vết thương sâu - chỉ
là một trong hai ý phụ của bản nhạc - hạnh phúc và khổ đau. Các ca sĩ Hồ Quỳnh
Hương, Hiền Thục và Đức Tuấn lấy một trong hai ý phụ để kết thúc bản nhạc là đã
hành xử không đúng đối với đoạn kết.
6/
Kết Thúc Sai Nhất, Dở Nhất
Don Hồ và Thanh Hà (11) lại kết thúc Để Gió Cuốn Đi bằng câu
“Sống trong đời sống cần có một tấm
lòng”. Đúng là theo Theo Trịnh Công Sơn thì “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”, nhưng điều quan trọng
hơn là phải “Để gió cuốn đi”. Nếu chỉ
biết o bế “tấm lòng” thì trái tim con
người sẽ thành “chiếc bóng đi rao lời dối
gian”. Hát như vậy, Don Hồ và Thanh Hà chưa “bắt’ được ý chính của bản nhạc.
Trong số những ca sĩ thể hiện Để Gió Cuốn Đi, cách kết thúc
của Don Hồ và Thanh Hà sai nhất và dở nhất.
7/
Kết Thúc Bằng Thế Trận
Đây là cách kết thúc của nữ ca sĩ Thùy Dung (12). Chị lập lại
cụm từ cuối của bản nhạc (dù vắng bóng ai) một lần nữa rồi hát lại lần lượt những
cụm từ chính của mỗi đoạn (cùng âm và nhịp điệu):
“Để buốt trái tim, rồi nước cuốn trôi, để gió cuốn đi”
Với cách dàn quân như vậy người nghe sẽ dễ “bắt” được ý
chính của toàn bài. Rất tiếc ở đây ta lại gặp khuyết điểm về thế trận của chính
tác giả. Lẽ ra phải chọn cụm từ đồng nghĩa với “để chim bay đi” thì TCS lại đưa vào “để buốt trái tim” nên thế trận không đồng bộ, làm người nghe ngờ
ngợ, thiếu tự tin vào cảm nhận của mình.
Dù sao cũng xin ghi nhận cách suy nghĩ đầy sáng tạo của Thùy
Dung.
Kết
Luận
Để Gió Cuốn Đi là bản nhạc có ca từ nặng chất suy niệm, với
tới được chỗ sâu kín nhất của tâm hồn con người.
Chỉ riêng về tính tư tưởng, nó đã xứng đáng đứng riêng một
góc trời để mọi người ngắm nghía, chiêm nghiệm.
Trịnh Công Sơn đã phạm một vài lỗi kỹ thuật. Trước hết, ông
quá coi trọng nghĩa bóng, không chăm chút đúng mức cho phần nghĩa đen. Về thế
trận thì cấu trúc của phần nhạc và phần ca từ không song song, đồng bộ gây khó
khăn cho sự cảm nhận và nắm bắt ý chính của toàn bài.
Dù sao đi nữa, nó cũng là một bản nhạc hay. Bài viết Hiểu Đúng Nghĩa Câu Hát Của Trịnh Công Sơn
Như Thế Nào? (13) của giáo sư Hoàng Đằng, với tôi, là cái “duyên” để bước vào một cuộc trao đổi
văn học lý thú về một đề tài đậm nét nhân bản.
Xin cám ơn các ca sĩ – dù được khen hay bị chê – đã cho tôi
cơ hội được góp mấy lời bình phẩm để làm rõ nghĩa hơn một ca khúc độc đáo của
Trịnh Công Sơn.
Nếu thấy bài viết có gì sai sót, xin độc giả, nhất là các bậc
trưởng thượng, hạ cố cho ý kiến, phê bình, chỉ bảo. Hãy giúp cho chữ “buông” được sáng tỏ trước khi “Để Gió Cuốn Đi”.
Texas
7 tháng 1 năm 2019
Phạm Đức Nhì
CHÚ
THÍCH:
1/
http://phamnhibinhtho.blogspot.com/2018/12/ban-ve-chu-buong-cua-trinh-cong-son.html
2/ Thùy Chi
https://www.youtube.com/watch?v=vIclAOi3Hc0
3/ Phạm Anh Khoa
https://vtvgo.vn/kho-video/de-gio-cuon-di-pham-anh-khoa-115087.html
4/ Khánh Ly
https://www.youtube.com/watch?v=71mJcOlBc2c
5/ Trường Thanh
http://lyric.tkaraoke.com/19455/de_gio_cuon_di.html#playMp3
6/ Bé Hoàng Ngân - Nhật Ngân và các ca sĩ
https://www.youtube.com/watch?v=-wfn1l5CcSE
7/ Quang Dũng,
https://www.youtube.com/watch?v=Q8ne2s3lfuE
8/ Hồng Nhung
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/de-gio-cuon-di-hong-nhung.FxmHI9xKV2.html
9/ Hồ Quỳnh Hương
https://www.youtube.com/watch?v=Q28tTJYPgrw
10/ Hiền Thục - Đức
Tuấn
https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/de-gio-cuon-di-hien-thuc-ft-duc-tuan.5oOICAlKEL.html
11/ Don Ho - Thanh Hà
http://lyric.tkaraoke.com/19455/de_gio_cuon_di.html#playMp3
12/ Thùy Dung
http://lyric.tkaraoke.com/19455/de_gio_cuon_di.html#playMp3
13/ Hoàng Đằng
https://vannghequangtri.blogspot.com/2018/11/hieu-ung-nghia-cau-hat-cua-trinh-cong.html
PHỤ
LỤC:
Sau đây là bình luận của một “Facebooker” và sau đó là trả lời
của tôi. Thấy có liên quan đến ý chính của bản nhạc nên xin đưa vào phần Phụ Lục
để độc giả tham khảo.
Facebooker X:
“Ý
của mình thì có phấn giống với anh, đó là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cũng nói về chữ
Buông khi viết "... cần có một tấm lòng". Tấm lòng ở đây mình hiểu là
Tâm, cái Tâm này nó không chứa sự vị tha, nó không chứa nhân ái, nó không có gì
là cao thượng... Tâm này rỗng rang, nó chẳng vướng víu cái gì cả, Tâm không chấp
cái tà ác, thế nên không có gì gọi là vị tha. Tâm không đo đếm mình đã cứu giúp
bao nhiêu người, vậy nên chẳng chứa nhân ái. Tâm không có kẻ thù, vậy nên cũng
không cần phải nghĩ đến sự cao thượng.
Phật
khi xưa từng thuyết: ‘Diệc độ vô số chúng sanh, nhưng không có chúng sanh nào
được diệc độ’.
Có
thể mình diễn giải không suông lắm, nhưng tựu trung mình hiểu chữ Buông là như
vậy.”
NhiPham trả lời:
“Cám
ơn bạn X đã đưa ra sự khác biệt.
“’Tấm
lòng’ tôi nói đến là ‘tấm lòng’ trước khi ‘để gió cuốn đi’. Lúc đó tùy môi trường,
hoàn cảnh, căn cơ, mỗi người tự tạo cho mình một mẫu người, xây cho mình một tượng
đài để vươn tới.
Tượng
đài của con tôi khác tượng đài của con Donald Trump hoặc tượng đài của con Bố
Già Victor Corleon. Theo tôi, đó cũng là ‘tấm lòng’ hay tượng đài Trịnh Công
Sơn muốn nói đến.
‘Tấm
lòng’ bạn X đưa ra là những gì còn lại trong tim (tâm) sau khi ‘tấm lòng’ đã ‘để
gió cuốn đi’. Đó là trạng thái lý tưởng của tâm mà TCS chỉ ‘thấy’ và ‘nói đến’
chứ chưa trải nghiệm, chưa vươn tới được. Tôi cho rằng nhạc sĩ của chúng ta chỉ
có lý, chưa có sự là như vậy.
Không
phải cứ trải lòng ra rồi gật đầu là gió sẽ cuốn đi hết khổ đau, hạnh phúc, dục
vọng của mình. Khó lắm bạn hiền ơi. Nếu bạn đã từng hành thiền, muốn xua đi một
hình bóng cũ, một kỷ niệm xưa, một tâm sở bất thiện không phải dễ. Ngay cả những
bậc tu hành, phải mất cả tháng, có khi cả vài tháng mới thành công. Mà trong
tim ta đâu phải chỉ có một hình bóng cũ, một kỷ niệm xưa, một tâm sở bất thiện.
Cho
nên nghe đoạn cuối của ca khúc Để Gió Cuốn Đi:
‘Hãy yêu ngày tới dù quá mệt kiếp người
Còn cuộc đời ta cứ vui
Dù vắng bóng ai, dù vắng bóng ai’
tôi
biết ngay là TCS chỉ ‘thấy’, ‘nói’ chứ chưa làm. Tại sao? Vì người đã ‘buông’ tới
mức mất hẳn hình bóng cái tôi của mình sẽ thanh thản, vui vẻ, hạnh phúc khi được
sống kiếp người chứ không ai nói:
‘Hãy
yêu ngày tới DÙ QUÁ MỆT KIẾP NGƯỜI’ như vậy.
Cám
ơn bạn X đã trao đổi với phong thái rất lịch sự.”
No comments:
Post a Comment