Nhà thơ H.Man - Ảnh: DƯƠNG THANH XUÂN
(Từ trang Web: phuyen.com)
H.MAN
THÔNG ĐIỆP TÌNH YÊU
Trên những chặng đường du sinh của mình, tôi đã có nhiều dịp
ngao du về Miền Trung đất Việt!
Người Miền Trung vốn thâm trầm, chân chất, cho nên, những áng
văn của họ như là những viên ngọc tinh, tiềm ẩn trong những tảng đá quý, lặng
sâu ở trong lòng đất vậy.
Tôi may mắm được nghe những ca khúc rất hay của nhiều nhạc sỹ
miền Trung, trong đó có chị Thu Thủy, Đà Nẵng, phổ thơ của H.MAN). Giai điệu trầm
bổng, mượt mà, thanh thoát, du dương. Với ca từ rất sâu lắng đi vào lòng người.
Cách đây mấy tháng tôi được đọc bài thơ “Thu Bồn Ơi! Tôi Khóc” của H.MAN. Bài thơ này
ám ảnh tâm trí tôi, và tôi nghĩ những ai yêu miền Trung nói riêng, và quê hương
VN nói chung cũng cảm thấy tâm hồn mình chùng xuống, mắt rưng cay khi đọc bài
thơ:
THU BỒN ƠI! TÔI KHÓC …
Những đập đá chặn dòng
làm con sông tức nghẹn
Mưa
chỉ làm buồn thêm nỗi buồn Ngọc Linh
Thu Bồn khóc những triền dâu xanh mướt
Ôm sỏi đá trơ vơ loang lở giữa lòng mình …
Trai gái lớn lên rồi bỏ làng đi biệt
Bến lau thưa úp mặt những con đò
Sân đình cũ bóng tiền nhân thấp thoáng
Dăm tiếng cười lạc lõng giữa tàn tro
Thương nước mắt mồ hôi ngày khai hoang vỡ đất
Thương giọt máu thành hoa ngày bám đất giữ làng
Trăng hấp hối trong mắt người thực dụng
Nên đền đài thành quách cũng tan hoang
Cuối tháng Hai em có về trẩy hội
Phấn sáp dày thêm
cố níu tuổi xuânđi
Đời sấp ngữa tóc râu tuồng tích cũ
Áo Chiêm nương em tạo dáng nhu mì
Tôi ra bến sông nhặt vài ký ức
Buồn như con nhện nước đạp thay xe
Thu Bồn khát phù sa nuôi cây trái
Khát giọng hò khoan nhân ngãi những đêm hè …
Cúi xuống mà hôn đất Nà ruộng Thuộc
Nhánh sông quê còn sót gọi: Thu Bồn
Con cò trắng bay trong trời tưởng tiếc
Chở ráng chiều chới với giữa cô thôn .
H.MAN
Dạ thưa,
Khi đọc bài thơ THU BỒN
ƠI! TÔI KHÓC khiến tôi nhớ đến BÀI THƠ KHÔN DẠI của thi huynh CHÂU THẠCH viết
cách đây khoảng bảy, tám năm về trước. Huynh ấy viết bằng nỗi đau xé lòng khi
con người tàn phá Mẹ thiên nhiên không thương tiếc.
Nếu bạn từng yêu quê hương mình qua bài thơ “ Nhớ Con Sông
Quê Hương” của Tế Hanh. Giòng sông ấy dâng đầy sức sống, lai láng tràn chảy vào
tâm khảm mỗi người Tình Yêu đất Mẹ. Thì giờ đây, bạn sẽ không khỏi ngậm ngùi khi đọc bài thơ “Thu
Bồn ơi! Tôi khóc” của nhà thơ H.MAN.
Nhớ lại, cách đây 20 năm, đã có nhiều lần về tôi về thăm Phố
Cổ Hội An, được thả thuyền trôi lững lờ trên hạ lưu sông Thu Bồn: Thật tuyệt! Cũng
như nhiều người, tôi yêu dòng sông này, bởi dòng nước trong xanh, tràn chảy hiền
hòa của nó. Với tôi và nhiều tao nhân mặc
khách khác, thì dòng sôngThu Bồn là dòng sông thi ca của rất nhiều thế hệ.
Tôi Yêu dòng sông Thu Bồn vì nó là huyết mạch sự sống của
vùng quê xứ Quảng. Đời Người và đời Sông
cứ như là một vây. Và tôi ước ao có hôm nào đó tôi sẽ ngược về thượng nguồn
sông Thu Bồn. Chắc hẵn non cao ấy rất nên thơ hùng vỹ, hữu tình ghê lắm!
Thế nhưng hôm nay:
“Những đập đá chặn dòng
làm con sông tức nghẹn
Mưa
chỉ làm buồn thêm nỗi buồn Ngọc Linh
Thu Bồn khóc những triền dâu xanh mướt
Ôm sỏi đá trơ vơ loang lở giữa lòng mình …”
Cảm giác nghèn nghẹn bóp nghẹt trái tim tôi từng hồi, từng hồi
khi tôi hình dung nơi thượng nguồn con sông Thu Bồn (Núi Ngọc Linh) không còn
mang màu xanh nguyên sinh nữa! Lâm tặc đua nhau tàn phá Mẹ Thiên nhiên để trục
lợi.
Núi trơ trụi, lấy cây đâu mà giữ nước? Mưa có về chăng chỉ là
những xối xả xoáy buốt lòng đau!
Lòng chợt bồi hồi nhớ đến câu:
“Nước đi ra bể lại mưa
về Nguồn”
(Tình Non Nước.
Thơ Tản Đà)
Ôi! Nước không thẩm thấu xuống lòng đất, thì mưa có về … còn
có nghĩa gì đâu, nhỉ?
Một khi hệ thực vật bị tổn thương thì nguồn nước dự trữ trong
lòng đất sẽ không còn, hệ lụy hàng năm là sau những cơn lủ quét, tàn phá làng mạc
khi nó băng qua, là dịch bệnh và hạn hán kéo dài. Thế rồi, người nông dân chỉ
còn tìm cách giữ nước bằng những đập đá lạnh lùng, chai sần nhân nghĩa. Buồn
thay!
“Trai gái lớn lên rồi bỏ làng đi biệt
Bến lau thưa úp mặt những con đò
Sân Đình cũ bóng Tiền nhân thấp thoáng
Dăm tiếng cười lạc lõng giữa tàn tro”
Khi mạch sống không còn dồi dào, lẽ thường, cuộc mưu sinh sẽ
đưa đẩy người người ly hương. Chỉ bốn câu thơ thôi mà làm lòng ta xót xa, hoài niệm.
Sẽ chẳng còn bãi lau xanh ngắt với những con đò nhộn nhịp ngược
xuôi, chỉ còn lại khoảng không buồn với những con đò úp mặt, dấu lòng, phơi
lưng trên bến sông vắng ngắt. Hình ảnh con đò úp mặt khiến lòng ta mang mang buồn, trơ gan và thẹn
lòng vì bất lực trước dòng đời thay đổi.
Ở mỗi làng mạc đều có mái đình, là nơi chốn tôn nghiêm, tiềm
tàng hồn thiêng sông núi. Là nơi biểu dương ý chí quật cường của công lý, luân
lý, đạo lý tình làng nghĩa xóm… Thì giờ đây:
"Sân Đình cũ bóng Tiền nhân thấp thoáng
Dăm tiếng cười lạc lõng giữa tàn tro.”
Cảm giác cô liêu ập tới đến chạnh lòng, để rồi từ trong sâu
thẳm, tiếc nuối đắng cay:
“Thương nước mắt mồ hôi ngày khai hoang vỡ đất
Thương giọt máu thành hoa ngày bám đất giữ làng”
Thương, thương sao ánh trăng hiền hòa lơ lửng trong thênh
thang của bầu trời, bỗng tù túng chốn gương soi:
“Trăng hấp hối trong mắt người thực dụng
Nên đền đài thành quách cũng tan hoang”
Thật vậy, càng xa quê, càng ngược xuôi lăn lộn giữa trường đời…
thì người ta càng rưng rức nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình!
Thế nên, khi đọc đoạn thơ sau, sao mà cay đắng, sao mà thương
ghê cô gái tha hương quá thì, trôi nổi giữa dòng đời, vẫn không quên ngày trẩy
hội quê nhà, bất chấp tất cả: sự phong trần và thời gian đã tàn phá đi dung
nhan xuân thì của mình, cô vẫn trở về, để tự sưởi ấm lòng mình, trấn an người
thân và xoa dịu tình người bằng cách hóa trang thành gái nhu mì, dâng lễ làm đẹp
làng quê, những mong giữ được truyền thống uống nước nhớ nguồn! Đẹp thay nghĩa
cử ấy!
“Cuối tháng Hai em có về trẩy hội
Phấn sáp dày thêm
cố níu tuổi xuân đi
Đời sấp ngữa tóc râu tuồng tích cũ
Áo Chiêm nương em tạo dáng nhu mì”
Bạn có cảm thấy lòng mình chùng xuống không? Khi mà tác giả lột
tả sự phủ phàng, đắng cay trong cuộc đời của cô gái quá thì tha phương cầu thực
qua khổ thơ trên?
“Phấn sáp dày thêm” này đi cùng câu:
“Đời sấp ngửa tóc râu tuồng tích cũ”
Có hàm ý mỉa mai không nhỉ? Hay với lòng độ lượng, đồng cảm
mà thỏa hiệp cùng nhau? Ngẫm lại, tác giả thấy chua xót trong lòng, thương cảm
cho phận đời bạc phước của cố nhân?
Tôi đã thực sự khóc thương cho những mảnh đời trôi nổi tha
phương, và thấm buồn khi nhận ra tác giả mang cảm giác hoang liêu, khi từ một
người con được lớn lên từ nguồn nước Thu Bồn bỗng cảm thấy chơ vơ (buồn như con
nhện nước, mà nhện nước thì lủi thủi thu
mình, làm tổ ở những vũng nước đọng, chỉ khi hết dưỡng khi nó mới ngoi lên, lấy
dưỡng khí rồi trở lại ẩn thân vào tổ mà
thôi!).
Anh đi tìm ký ức tươi đẹp của dòng Thu Bồn ngày nào tràn ngập
phù sa màu mỡ, bồi đắp cho mùa màng bội thu, và anh đã mơ về giọng khoan hò
nhân ngãi văng vẵng trên sông.
“Tôi ra bến sông nhặt vài ký ức
Buồn như con nhện nước đạp thay xe
Thu Bồn khát phù sa nuôi cây trái
Khát giọng hò khoan nhân ngãi những đêm hè” …
Rồi ngậm ngùi thương luyến quê xưa.
“Cúi xuống mà hôn đất Nà ruộng Thuộc
Nhánh sông quê còn sót gọi: Thu Bồn”
Phải chăng lòng anh đang thổn thức, đau đáu nỗi niềm…
Trong ráng chiều ảm đạm, anh muốn hóa thân thành cánh cò.
Ơi, cò là một trong những loài vật cần cù, hiền lành, gắn liền
với nông thôn VN. Hình ảnh thân thương đó in đậm trong tâm khảm của mỗi người
chúng ta. Nhưng cò là biểu tượng của người Phụ Nữ VN chịu thương, chịu khó… Ấy
vậy mà tác giả lại muốn mượn hình ảnh này để nói lên tâm trạng của mình? Hay
tác giả muốn nhắc đến những bà, những mẹ, những chị, những em của quê mình? Bởi
vì, họ cũng có chung nỗi niềm tan tác như nhau?
Bỗng nhiên tôi liên tưởng đến giải khăn xô trắng nuốt chấp chới
bay trong tâm tưởng của mình! Và ráng chiều làm bỏng rát trái tim tôi.
“Con cò trắng bay trong trời tưởng tiếc
Chở ráng chiều chới với giữa cô thôn”
“Chới với”: Nghệ thuật tu từ ở đây đạt tới đỉnh cao, cho ta
nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau giữa khoảng không cô liêu.
“Chới với”: Có cái chi đó hụt hẫng, và giữa tột cùng bế tắt,
thảng thốt không làm tác giả mê sảng,
thoái chí, mà vẫn mang khát vọng sống còn.
Tôi không thể diễn đạt được tâm tình sâu lắng trong bài thơ
này, nhưng tôi tin chúng ta có chung nỗi đau, thương về một khúc ruột miền
Trung, vốn không trù phú (như miền Nam) nhưng đã bị lấy mất đi phù sa mầu mỡ và
thanh bình.
Xin cảm ơn nhà thơ đã cho chúng ta những khoảnh khắc quý báu
chung hòa với nỗi niềm thương cảm về Đất Mẹ.
Ước gì bài thơ “Thu Bồn Ơi! Tôi Khóc” trở thành Thông Điệp
Tình Yêu trong mỗi chúng ta!
Lê Liên
Đalạt, ngày 26/06/2018.
No comments:
Post a Comment