Đến Quảng Trị, về làng Bích Khê
Thạch Thảo Phạm Lê
Nằm bên cạnh dòng
sông Thạch Hãn, làng Bích Khê từ lâu được biết đến như một làng cổ trên đất Quảng
Trị. Làng quê hiền hòa giữa vùng đồng bằng Triệu Phong qua mấy trăm năm tuổi vẫn
bâng khuâng gợi cội nhớ nguồn.
Nhóm cổ nhạc làng Bích Khê.
Nói đến Bích Khê là nói đến một vùng quê con người trung hậu,
can đảm, hiếu học, tài hoa. Chúng tôi đến thăm ngôi nhà ông Đỗ Văn Thiện, một
nghệ nhân cổ nhạc đã ngoài 80 mươi tuổi.
Nghề nhạc Bích Khê lưu truyền đã được gần mười đời, được mọi
người gần xa biết đến. Âm nhạc truyền thống đã thấm đẫm vào tình người, tình
quê. Sau những thời gian hành nghề, họ ngồi lại với nhau ôn luyện từng bản nhạc
để rèn luyện tay nghề ngày thêm thành thục.
Nhìn họ tập luyện và biểu diễn say sưa, người xem có thể cảm
nhận lòng yêu nghề, tâm huyết của các nghệ nhân. Họ diễn xướng không chỉ bằng
bàn tay điêu luyện, đôi tai nghề nghiệp mà còn bằng cả tấm lòng giữ lại những
gì tinh túy của cha ông. Điều đó đã làm nên một bản sắc độc đáo của một Bích Khê văn nghệ, tài hoa.
Điều đáng nói là trong cuộc sống hiện đại hôm nay, nghề nhạc
cổ truyền từ chiếc nôi này vẫn luôn được gìn giữ, thăng hoa vì thoải mái hành
nghề, sống được nhờ nghề. Ông Đỗ Văn Thiện hào hứng kể về nghiệp tổ lưu truyền
cho đến ngày nay được cháu con gìn giữ làm rạng danh tổ tiên, làng mạc.
Nhưng nói gì thì nói không thể không nhắc đến họ Hoàng Bích
Khê. Họ tộc này quả thực đã đóng góp nhiều cho quê hương đất nước. Ngày xưa họ
này nổi danh khoa bảng, học hành giỏi giang, đỗ đạt làm quan đến chức thượng
thư cũng vào hàng khanh tướng.
Như trường hợp gia tộc ông Hoàng Hữu Xứng. Sau này những tên
tuổi lừng danh trong văn học nghệ thuật như nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, nhà văn
Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ông Hoàng An, trưởng tộc họ Hoàng Bích Khê tâm sự :”Cho
dù con cháu mỗi người mỗi nghề nhưng luôn biết nhớ về tổ tiên, nhớ về bề trên
trong mọi sinh hoạt của họ tộc. Đó là điều quý giá được lưu truyền từ xưa đến
nay.”
Chính họ trong cuộc sống hàng ngày, trong những câu chuyện của
bà con lối xóm vẫn được người dân làng Bích Khê trân trọng và tôn vinh đúng mực,
tự hào về một vẻ đẹp văn hóa của làng quê.
Ông Đỗ Xuân Hiệu, chi hội trưởng chi hội người cao tuổi Bích
Khê thay mặt dân làng ghi nhận họ Hoàng làng Bích Khê là một dòng dõi có truyền
thống học hành, làm được nhiều điều có ích cho làng, cho nước. Đó là cống hiến
đáng kể của họ Hoàng Bích Khê từ ngày xưa cho đến ngày nay.
Họ Hoàng như đã nói có tiếng khoa cử. Ông Hoàng Hữu
Bính từng đỗ tiến sĩ hoàng giáp dưới triều
vua Thành Thái năm 1889. Đang làm quan tuần phủ, chán ghét giặc Pháp nghênh
ngang, ông từ quan về làm việc ở Quốc tử giám.
Được một thời gian thì cũng bỏ về làng sống chờ đợi thời cơ
kháng Pháp. Bích Khê lúc ấy được coi là vườn đào tụ nghĩa tập hợp những người
chống giặc ngoại xâm.
Không may ông bị bệnh rồi mất tại quê nhà. Còn ông Hoàng Hữu
Xứng học hành đỗ đạt làm quan đến chức Thượng thư Bộ Lễ, giám khảo các kỳ thi
hương, thi hội.
Trải qua những lận đận quan trường khi vận nước rối ren, ông
vẫn được nhìn nhận là một ông quan mẫn cán, thanh liêm, nặng lòng với dân với
nước. Ông để lại cho đời sau cuốn sách quan trọng về bản đồ đất nước: “Đại Nam
quốc cương giới vựng biên” do ông đứng ra tổ chức biên soạn và Nghĩa Trũng Đàn,
một nghĩa cử sáng ngời sau hơn cả trăm năm.
Nghĩa Trũng Đàn mới vừa nhắc đến là một nghĩa trang đặc biệt do ông Hoàng Hữu Xứng
và gia đình tự bỏ tiền mua đất rồi quy tập những thi hài không nơi nương tựa.
Đó là nơi yên nghỉ của hàng ngàn linh hồn phiêu dạt tại làng
Thạch Hãn gần Thành cổ Quảng Trị. Việc nghĩa này thật đáng trân trọng xiết bao.
Qua hơn một thế kỷ binh đao tao loạn, nghĩa trang này đã được nhà nước công nhận
là di tích lịch sử, được bà con Bích Khê đến khói hương, tưởng vọng những người
thiên cổ.
Những dịp lễ tết, những ngày đại sự Nghĩa Trũng Đàn đã đón
những khách gần xa, để cho tâm nguyện vị tha bừng sáng, lan tỏa một tinh thần,
đạo lý Việt Nam: thương người như thể thương thân trong tình nghĩa đồng bào.
Còn đây văn bia do hậu duệ Hoàng Phủ Ngọc Tường phụng soạn ngợi ca tấm lòng của
tiền nhân đối với người đã về với cát bụi. Những tấm lòng nhân như thế dù khởi
thủy từ xưa vẫn sẽ còn lại mãi mãi với muôn sau.
Đạo nghĩa mà làng Bích Khê dày công tô bồi và trong đó họ
Hoàng cũng góp phần bao đời vun đắp hiển hiện trong những nhà thờ họ, thờ chi của
họ này. Trước một ngôi nhà thờ Hoàng tộc Bích Khê có hai câu đối nhắc nhở con
cháu và mọi người về lẽ sống : “Tri túc tâm thường lạc. Vô cầu phẩm tự cao”, tạm
dịch: Biết đủ tâm sẽ vui vẻ, không cầu cạnh, phẩm giá mình tự cao. Thật đáng để
đời nay suy ngẫm.
Ông Hoàng Hữu Cương hậu duệ Hoàng tộc làng Bích Khê tâm đắc
với chuyện họ Hoàng dù khi còn hàn vi hay thành đạt luôn lấy đạo đức làm đầu.
Đó chính là vốn quý của dòng họ qua mấy trăm năm.
Dạo quanh làng sẽ thấy dấu ấn của họ Hoàng làng Bích Khê. Hầu
như vẫn còn nhiều hình ảnh và tư liệu được lưu giữ ở những nơi thờ phụng trang
nghiêm.
Người đến đây sẽ có dịp hiểu thêm về một dòng tộc từ xưa đến
nay nổi danh trong thiên hạ. Hầu như đời nào từ cổ chí kim họ này cũng có người
thành đạt và quan trọng hơn là có đóng góp cho quê hương đất nước.
Qua hàng trăm năm thế gian biến cải, dòng họ này vẫn giữ được
phong độ của mình góp nhân tài vật lực vào công cuộc hộ quốc an dân. Dù làm ruộng
hay làm quan, dù ở làng hay xa xứ ai nấy đều giữ được gia phong, tự hào về truyền
thống dòng họ của mình ngõ hầu nuôi chí lập thân, lập nghiệp. Đây chính là điểm
đặc sắc của Hoàng tộc Bích Khê.
Về Bích Khê không thể không đến thăm nhà lưu niệm bà Hoàng
Thị Ái, một bậc tiền bối cách mạng, suốt đời tận hiến cho Tổ quốc, nhân dân được
đồng bào, trong đó có các Tổng Bí thư Đảng như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu dành cho
nhiều tình cảm đặc biệt.
Ngày bà tạ thế, dù được mai táng ở nghĩa trang Mai Dịch tận
thủ đô Hà Nội nhưng con cháu họ Hoàng và dân làng Bích Khê vẫn nghiêng mình tưởng
nhớ một người con tận trung chí hiếu của quê hương Quảng Trị. Sự tưởng niệm những
người yêu nước như Hoàng Thị Ái, Hoàng Hữu Chấp sẽ vĩnh hằng ở làng quê
như Bích Khê và không chỉ Bích Khê.
Thạch Thảo Phạm Lê
No comments:
Post a Comment