Nguyễn Ngọc Kiên
NHÂN ĐỌC BÀI “ĐỌC THƠ HỒNG THANH QUANG”
CỦA NHÀ THƠ NGUYỄN KHÔI
Khi đọc bài của Nguyễn Khôi “Đọc thơ Hồng Thanh Quang” viết về chuyện Hồng Thanh Quang in cái gọi là thơ trên tờ TINH HOA (phụ san báo Đại Đoàn Kết của MTTQ Việt Nam), chúng tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Nguyễn Khôi, nhưng xin nhà thơ nên cảm thông với Hồng Thanh Quang vì theo chúng tôi biết, người đầu tiên “phát minh” ra việc làm này là ông Hữu Ước – người trước kia vừa là thủ trưởng vừa là thầy thơ của ông Hồng Thanh Quang. Bốn câu thơ nhà mà Nguyễn Khôi muốn chia sẻ với Hồng Thanh Quang, nguyên văn như sau:
Sợ không có độc giả
Báo mình in Thơ mình ?
-Đồng Văn...tim hóa đá
tự đá vào Trời xanh...
Chúng tôi xin mạo muội sửa lại câu đầu thành:
Sẽ không có độc giả
Báo mình in Thơ mình ?
-Đồng Văn...tim hóa đá
tự đá vào Trời xanh...
Bốn bài gọi là thơ in trên tờ TINH HOA đã biến tờ báo này thành báo lá cải! Chúng không thể gọi là thơ được bởi cả tất cả đều vô hồn, đều là làm xiếc chữ của một nhà ảo thuật có nghề. Bài “Từ chối Khau Vai” chứng tỏ ông không hiểu gì về bản chất của phiên chợ này. Chợ Khau Vai là một nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Tây Bắc. Ở đây người đọc thấy Khau Vai chỉ là nơi mọi người đến để …ngoại tình!
Chẳng tới Khau Vai đâu
Tình yêu e thẹn lắm
Ta cùng vào rừng sâu
Suối thơm cùng nhau tắm.
Theo chúng tôi, đọc xong bốn câu mở đầu trên chỉ nên đưa nhau vào … nhà nghỉ. Khổ 2, thể hiện tình yêu của một kẻ từng trải, lão luyện:
Ta sẽ giấu nụ hôn
Vào từng viên sỏi trắng
Em rạng rỡ nhìn anh
Qua bảy màu của nắng.
Khổ 4 cho thấy Hồng Thanh Quang từng trải qua rất nhiều cuộc tình “từng bắt mình quắt quay” và nó đã cho ông những kinh nghiệm để không sợ hậu quả những cuộc tình sau:
Tạ ơn những người trước
Từng bắt mình quắt quay
Giọt rượu thời quá vãng
Giúp mình không hãi say.
Bài “Đêm Đồng Văn” phảng phất Đường thi:
Tôi ngồi như đá rồi tôi đá
Không có gì mới lạ! Hình ảnh giống như trong bài “Đợi” của Hoàng Trần Cương:
Mặt tôi buồn như đá
Ai vần ra ngoài đồng
Đọc kĩ, nó lại có nét giống “Tạm biệt Huế” đã rất nổi tiếng của Thu Bồn:
tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
anh trở về hoá đá phía bên kia.
Hay trò làm xiếc chữ kiểu như trẻ con vẫn đố nhau: “Con ngựa đá đá con ngựa đá”. Ở đây, “tôi ngồi hóa đá rồi tôi đá” thì sao mà (đá) “nỗi buồn lên bám mảnh trăng trôi” được? Qua đây có thể thấy sự bế tắc về việc tìm tòi hình ảnh và câu chữ của Hồng Thanh Quang.
Trong bài “Đồng Văn” có những câu:
Gặp em muốn gọi là con
Để vòng tay siết chỉ còn nâng niu
Chắc là muộn quá tình yêu
Thôi đành nắng quái chẳng thiêu đốt tình.
Nâng niu gì khi gọi người yêu là con. Đúng là đầu óc của một kẻ ấu dâm! Đọc đến đây, người viết bỗng nhớ đến bài Hát Karaoke của lão thi sĩ xứ Thanh, ông vua lục bát Lê Đình Cánh:
Ấy đừng gọi bố xưng con
Đôi hàm răng giả vẫn còn hát hay!
Còn ở đây:
Muốn hôn vẹt đá tai mèo
Tuổi thơ vất vả đói nghèo vắng anh.
Câu thơ hết sức ngớ ngẩn! Thảo nào trẻ con bây giờ phát dục quá sớm!
Bài thơ “Phố núi”:
Phố núi qua cầu em sớm mai
Có nghe thung vắng thở hơi dài
Em đi bước bước lưng chừng gió
Để đúng tôi thành như vẫn sai.
Bài này cũng có hơi hướng của Đường thi. Nhưng ông lại biến nó thành đường… hóa học mất rồi! Câu cuối “Để đúng tôi thành như vẫn sai” thật tối nghĩa, đánh đố người đọc. Phải chăng thơ phải bí hiểm, không ai hiểu gì mới là … thơ Hồng Thanh Quang!
Tóm lại:
- Hồng Thanh Quang đang tập làm thơ Đường. Chúng tôi rất lo ngại về vốn Hán Nôm của ông, nên ông đã biến Đường thi thành … đường hóa học.
- Theo thiển ý, ông nên gửi những bài in trong TINH HOA cho HỘI NGƯỜI CAO TUỔI !
Làng Mọc Nhân Chính, 26/3/2017
Nguyễn Ngọc Kiên
1 comment:
Nhận xét hay quá, đọc hay và cảm xúc lắm luôn, cảm ơn tác giả...
Post a Comment