Ảnh tác giả |
Phan Nam
THI CA TRONG THỜI KỲ TOÀN CẦU HÓA
Tiểu luận
I. Đặt vấn đề:
1. Thời đại bùng nổ công nghệ thông tin cùng với sự phát triển nhanh chóng của internet và hệ thống mạng xã hội, các tin tức về văn hóa giải trí gần như chiếm lĩnh mối quan tâm, bàn luận. Có thể nói trong bối cảnh thuận lợi đó, thi ca có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển. Bên cạnh những dòng thơ mang tính truyền thống, thơ đương đại có những bước chuyển biến mạnh mẽ hơn, đi sâu hơn, cuốn hút hơn, lôi kéo nhiều tác giả tham gia. Văn hóa phương Tây ngày càng chi phối hệ tư tưởng mới, thơ càng thoát khỏi vòng tròn cổ điển để hội nhập với thế giới. Với sự thuận lợi về ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, các tập thơ song ngữ ra đời ngày càng nhiều và khẳng điệp được tiếng vang trên văn đàn quốc tế. Việc tìm hiểu thi ca Việt Nam trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế đang được quan tâm sâu sắc. Vì thơ là một bộ phận không thể thiếu trong tiến trình hội nhập của đất nước. Đặc biệt, ngày nay thơ càng được nhắc đến nhiều, thoát khỏi phạm trù văn chương để hòa nhập vào hơi thở cuộc sống. Người ta ngủ thơ, thức thơ, ăn, bàn thơ và chú trọng đến sức sống của thơ trong sự phát triển của đất nước.
2. Trong cơ chế kinh tế thị trường, thi ca được xem là món hàng hóa, nhưng đó là “hàng hóa” đặc biệt, có thể tác động đến nhận thức và tư tưởng của bộ phận công chúng tiếp nhận. Thi ca tôn vinh những giá trị đẹp, hướng đến duy trì, bảo vệ bản sắc dân tộc, gìn giữ chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Nhất là sự phức tạp tình hình ở biển đông, sau sự kiện tháng 5-2014, thi ca hướng đến cái “tôi” chung là chủ nghĩa dân tộc, làm thức tỉnh lòng yêu nước đối với chủ quyền biển đảo, đưa dòng thơ biển đảo trở thành dòng thơ chủ đạo, trọng tâm. Sự đa dạng trong bức tranh thơ viết về biển và người lính, có thể kể đến các tác giả: Nguyễn Duy Xuân, Nguyễn Trọng Tạo, Trần Đăng Khoa, Đặng Bá Chiến, Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Phan Quế Mai, Trần Thu Hà, Đặng Huy Giang… Ngoài ra, sự tồn tại thi ca mang khuynh hướng thị trường, với việc tận dụng nhiều công cụ truyền thông để quảng bá, phát hành, các tác phẩm của các cây bút trẻ đã bùng nổ việc bán thành công thơ với số lượng lớn. Điển hình trong số đó có thể kể đến: Nguyễn Phong Việt, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Nồng Nàn Phố, Lan Anh…
3. Xu hướng cách tân thơ ca đương đại được nhắc đến nhiều trong bối cảnh toàn cầu hóa, với việc phá vỡ hoàn toàn thơ truyền thống, thơ ca đương đại đã gây tiếng vang lớn khi rất nhiều tác giả đã thành công với nhiều khuynh hướng sáng tác khác nhau. Trong đó nổi lên hai quan niệm: thơ là “trò chơi” chữ nghĩa và mở rộng quan niệm về thể loại thơ. Thơ ngày nay đã không còn bó buộc vào khuôn khổ mà dường như thơ tồn tại trên văn đàn với nội hàm rất rộng, thơ có thể bao gồm cả văn xuôi và các hình thức thơ biến thể và đặc biệt sôi động ở thể thơ tự do và gần đây là sự xuất hiện của thơ “tân hình thức”. Thơ hoàn toàn thoát ly lớp vở chữ nghĩa, cởi bỏ sự chật chội trong gieo vần, gây ấn tượng người đọc với nhiều trường liên tưởng, có sức gợi, ám ảnh. Theo TS Phạm Ngọc Hiền (trường ĐH Sài Gòn): “đi đôi với đổi mới ngôn ngữ thơ, các quan niệm về thơ cũng thay đổi, thể thơ lục bát được sáng tác nhưng biến thể rất nhiều, thể thơ tự do thể hiện ở lối vắt dòng, ngắt nhịp và tạo hình hài cho bài thơ” (1). Nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp nhận định: “Đọc thơ, suy cho cùng cũng là một cách tiếp cận kinh nghiệm sống, tiếp cận những giá trị tinh thần do nhà thơ sáng tạo nên. Nhưng mỗi nhà thơ đều phải sống trong một thời đại cụ thể, trong một không gian tinh thần cụ thể” (2). Có thể thấy rằng chưa bao giờ tiếp xúc văn hóa diễn ra mạnh mẽ trong thời đại ngày nay, nhất là sau đổi mới thi ca ngày càng thể hiện rõ xu hướng hội nhập, tự đổi mới và làm mới mình. Nhất là thi ca ngày càng đi sâu vào đời sống, phản ánh hiện thực đa chiều, bàn luận sâu sắc những tác động của các tác nhân văn hóa, gieo hi vọng và niềm tin vào một xã hội tốt đẹp hơn.
II. Nội dung:
1. Thi ca bảo tồn những giá trị văn hóa dân tộc
“Ở Việt Nam, nếu trước đổi mới (kể từ 1943 trở đi) những khái niệm quốc hồn, quốc túy, tính dân tộc, bản sắc dân tộc đã được đề cao thì sau đổi mới (từ 1986 đến nay) những khái niệm bản sắc dân tộc hay bản sắc văn hóa dân tộc, tính dân tộc, chất dân tộc,… càng được chú trọng” (3). Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng văn hóa thế giới, văn học Việt Nam, đặc biệt trong địa hạt thi ca càng được chú trọng và đề cao văn hóa dân tộc. Kế thừa nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, các thế hệ những người làm thơ luôn có ý thức bảo vệ và gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dân tộc được cha ông nghìn năm vun đắp. Thi ca luôn nhấn mạnh bề dày lịch sử văn hóa của đất nước, gắn liền với cốt cách tâm hồn người Việt, chắp cánh những nét đẹp văn hóa lên tầm cao mới. Qua đó, giá trị của thi ca cũng được nâng cao đáng kể, góp phần hun đúc tình yêu quê hương đất nước trong lòng mỗi người. “Một tác phẩm có tính dân tộc, trước hết phải nêu ra được các vấn đề của dân tộc, nêu lên được khát vọng của dân tộc, tinh thần, diện mạo văn hóa của dân tộc”, nhà nghiên cứu Phan Thư Soan nhận định (4). Mặc dầu sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức thi ca thời kỳ hội nhập nhưng các tác phẩm thường phác họa một cách rõ nét một khía cạnh, một gam màu, một chi tiết của giá trị văn hóa dân tộc. Có thể nói nền văn minh lúa nước ăn sâu ngàn đời vào máu thịt, cái “tôi” cá nhân của nhà thơ luôn hài hòa với cái “tôi” cộng đồng, cái “tôi” dân tộc, các nhà thơ đã làm mới văn hóa văn nghệ, bảo tồn tôn tạo những giá trị không thể thay thế của cội nguồn văn trong thời kỳ hội nhập. Tác giả Trần Sáng đưa ra quan điểm: “Sáng tạo là một quá trình tìm tòi, khám phá. Trong quá trình văn học xa thẳm ít có nhà thơ nào trung thành một lối viết, một hình thức thể hiện (5). Trong một nền thi ca đang “quẫy cựa” nhưng khuynh hướng thơ cách tân không làm phai màu những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, mà trái lại những giá trị đó càng được chắp cánh bay cao, bay xa hơn. Dấu ấn đẹp đẽ của văn hóa dân gian không còn mượt mà như trong ca dao, êm đềm như trong lời ru của mẹ mà nó đã được khoác lên màu áo mới, sang trọng và hiện đại hơn nhiều. Ta có thể thấy văn hóa dân gian trong thơ Nguyễn Quang Thiều được chứng minh qua đoạn thơ: Những người đàn bà vác dậm đi thành một hàng dọc về phía bên phải sát mép đại lộ/ Người họ bọc kín bởi những lớp vải nâu và đen/ Những chiếc dậm đan bằng tre trên vai họ như vầng trăng khuyết vớt từ bùn lên/ Những cái giỏ bên hông như những cái đầu trọc lắc lư theo nhịp bước/ Bóng họ đổ xuống đường thành những vũng đen. Nhà nghiên cứu Trần Sáng phân tích: “Ở đây không còn sự trắc, bằng, vần điệu, không còn những niêm luật và cũng không còn cả những cách cảm, cách nghĩ cách đặt vấn đề quen thuộc trong thi ca truyền thống, nhưng tính dân tộc vẫn thấp thoáng qua hình ảnh như những người đàn bà vác dậm trên đường, ngọn đèn dầu trong ngõ nhỏ”(6). Đặc biệt, thế hệ những nhà thơ dân tộc ít người đã mang đến luồng sinh khí mới trong thi ca đương đại với việc chọn lọc và tiếp biến một cách thành công, tạo nên những màu sắc tích cực đối với thi ca trong nước. Có thể kể đến những tác giả như: Inrasra, Nông Quốc Chấn, Lò Ngân Sủn, Y Phương, Dương Thuấn, Cầm Vĩnh Ưu, Đoàn Ngọc Minh… Đó là các tác giả am hiểu kiến thức văn hóa dân gian, với cách viết hoàn toàn đổi mới và sáng tạo, đặc biệt là viết thơ bằng nhiều ngôn ngữ, nhiều thứ tiếng khác nhau. Một tác phẩm hay thường để lại những ấn tượng về vẻ đẹp tinh túy trong tâm hồn, hơn nữa khái quát được phong tục tập quán của một số bộ phận dân tộc còn thể hiện giá trị của tác phẩm. Ở đây sự khát quát những nét văn hóa được thể hiện khá rõ trong nhận định của tác giả Trần Sáng: “Đọc Inrasara ta thấy nét trầm ưu bên thoáng rạng rỡ trong lễ hội Kate của người Chàm, vẻ nền nã, dịu hiền của người thiếu nữ Thái vào đêm sạp nhảy tưng bừng, trong thơ Cầm Vĩnh Ưu. Cũng như đọc thơ Y Phương ta thấy hiện lên bóng áo chàm bên chiếc cọn nước đẩu bản người Tày…”(7). Rõ ràng, các tác phẩm có tâm và có tầm luôn đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, bởi đó là cội rễ, là ngọn nguồn trong mạch ngầm thi ca. Các văn nghệ sĩ dẫu có sáng tạo quyết liệt tới đâu đi chăng nữa thì họ luôn có ý thức đưa những nét đẹp ngàn đời của dân tộc mình vào trong tác phẩm, khẳng định sự bền vững của những giá trị tốt đẹp đó thông qua tác phẩm. Các tác giả ít người có điều kiện am hiểu văn hóa dân tộc mình nên giữ gìn ở địa hạt hẹp. Đó là “dân tộc sống trên một địa dư, lãnh thổ nhất định, có sắc thái văn hóa và phong tục tập quán” và “Dân tộc, có thể ở phạm vi nào đó, trùng hợp phần nào hoặc trùng khít với nhân, Tổ Quốc” (8), vì vậy có thể thấy nội hàm của dân tộc rất rộng, bao quát trên phạm vi đất nước, có thể hiểu là những giá trị tốt đẹp về văn hóa trên toàn lãnh thổ Việt Nam. “Tại thời điểm giáp ranh giữa thập niên thứ nhất và thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với thế giới. Tính dân tộc và tính hiện đại của văn học được nhìn nhận ở một vị trí mới khác với tất cả những giai đoạn trước đây: “Tính dân tộc và tính hiện đại là hai thuộc tính căn bản của nền văn hóa dân tộc, xử lý đúng đắn mối quan hệ của chúng có ý nghĩa hệ trọng đối với sự nghiệp xây dựng nền văn hóa mới của chúng ta, đưa dân tộc ta tiến kịp các nước tiên tiến trên thế giới, xử lý không tốt có nguy cơ làm chậm bước phát triển nhiều mặt của văn hóa dân tộc, trong đó có văn học và văn hóa dân tộc” ”(9). Như vậy có thể thấy mối quan hệ khắng khít giữa tư duy đổi mới, sáng tạo văn học nghệ thuật gắn liền với văn hóa dân tộc. Trong địa hạt thi ca đã xuất hiện những dòng chảy phá vỡ cấu trúc thơ truyền thống những vẫn giữ nhiều nét đặc trưng, tiêu biểu của truyền thống dân tộc, nhất là trong tình hình hội nhập văn hóa đan xen đa chiều như hiện nay. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, những phạm trù cũ và mới tồn tại song song có thể có những tranh cãi nhất định, nhưng dù sao chúng ta cũng phải nhìn nhận sự cố gắng của các nhà thơ và sự thành công trong việc cân bằng hài hòa giữa “tính hiện đại” và “tính dân tộc”. Nhà nghiên cứu văn học Yến Nhi khái quát thành tựu của một số tác phẩm đạt được những thành tựu trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc: “Thương lượng với thời gian - thơ Hữu Thỉnh : tình yêu con người thể hiện trong một âm hưởng chân chất mà sâu sắc pha chút hóm hỉnh ảnh hưởng nhiều sắc thái dân gian. Sự mất ngủ của lửa - Nguyễn Quang Thiều, một cái nhìn xuyên thời gian về nỗi đau cũng như sức sống dân tộc. Lôlô- Ly Hoàng Ly, Gửi VB - Phan Thị Vàng Anh, những cảm nhận về đời thường nhưng đầy sức khái quát về một chủ nghĩa nhân văn mới đang hình thành trong cuộc sống đương đại. Rồi trường ca Đổ bóng xuống mặt trời, Ngày đang mở sáng - Trần Anh Thái, Metro - Thanh Thảo là những suy tưởng, những cảm nhận về con đường dân tộc trải qua trong gần thế kỷ với bao thăng trầm âm ỉ và đột biến vượt lên đau thương mất mát để “rũ bùn đứng dậy sáng loà” sánh vai cùng bè bạn năm châu đi trên con đường mới. Và gần đây trong cuộc hội thảo về thơ Mai Văn Phấn - Đồng Đức Bốn ở Hải Phòng, nhiều tác giả đã nhận thức khá rõ vấn đề đặt ra cho thơ ca đương đại: từ “chưng cất các giá trị truyền thống” để qua đó thấy các “chân trời thơ ca mới”, “mở rộng biên độ sáng tạo không ngừng”… (10). Ta còn có thể nhận thấy mạch ngầm văn hóa Tây Nguyên qua các tác phẩm Cùng đi qua mùa hạ, Phía bên kia cây cầu, Ngày linh hương nở sáng của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy. Với cách viết sáng tạo, mở rộng biên độ thi ca, cội nguồn văn hóa miền dã quỳ thấm sâu vào những dòng thơ của tác giả và đạt được những thành công nhất định. Ngoài ta, với sự giao lưu ngày càng được tăng cường từ khi nước ta mở của hội nhập từ năm 1980, hiện tượng thơ song ngữ được phổ biến hơn. Đây là điều kiện thuận lợi để quảng bá văn hóa dân tộc toàn diện hơn, sâu rộng hơn. “Nhiều nhà thơ dân tộc thiểu số dịch tác phẩm của mình ra tiếng Việt, như Bàn Tài Đoàn, Lò Ngân Sủn, Y Phương, Vi Hoàng Nhân, Triệu Lam Châu… Thứ hai những tác giả người Việt dịch thơ mình ra các thứ tiếng Nga – Anh – Pháp… Chẳng hạn như Thái Bá Tân, Lê Trọng Bổng, Nguyễn Văn Âu, Đào Văn Kha, Vi Thùy Linh… (11). Thông tin mới nhất, có thể kể đến năm 2015 tác phẩm của nhà thơ Ý Nhi đạt giải thưởng văn học Thụy Điển Cikada và mới đây nhất tác giả trẻ Huyền Thư (quê Đông Hưng, Thái Bình, hiện là du học sinh New zealand) đạt giải thưởng cuộc thi thơ trẻ New zealand 2016 trao cho 10 nhà thơ trẻ xuất sắc, trong đó có tác giả Việt Nam. Tác giả Huyền Thư đã tự dịch thơ mình ra tiếng Anh và nhận được đánh giá cao của hội đồng giám khảo. Tóm lại, sức sống của thi ca Việt ngày càng được khẳng định trong thời kỳ toàn cầu hóa, hội nhập sâu rộng văn hóa thế giới. Thi ca nâng tầm văn hóa lên tầm cao mới và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn học nghệ thuật trong thời đại mới.
2. Thi ca hướng về biển đảo chiếm vị trí quan trọng
“Sau 1975, đất nước được hòa bình, thơ Việt Nam đã quay trở lại cảm hứng đời tư đã có từ trước đó nhưng dĩ nhiên, có sự cách tân đổi mới trên nhiều phương diện” (12). Theo quan điểm của TS Phạm Ngọc Hiền: thi ca đương đại “thiên về bộc lộ cảm xúc đời tư của cái tôi cá nhân phức tạp, bí ẩn, vô thức” (13). Dẫn chứng như vậy để thấy sự đổi mới trong thi ca là tất yếu, nếu như trước năm 1975 thi ca mang khuynh hướng sử thi thì sau này trở lại với cảm hứng thế sự, đời tư và phi sử thi. Tuy nhiên, thi ca viết về biển đảo đã xuất hiên trước năm 1975 với “hàng loạt các nhà thơ tên tuổi đều đã có những vần thơ hay về biển đảo quê hương. Nhà thơ Huy Cận có bài Đoàn thuyền đánh cá, Xuân Diệu có Biển, Văn Cao có Đảo, Hoàng Trung Thông có Biển…” (14). Có thể nhận thấy những dòng thơ về biển đảo quê hương trong khoảng thời gian này xuất hiện riêng lẽ, chủ yếu khắc họa cái tôi trữ tình của thi sĩ, mặc dầu mang những dấu ấn nhất định trong lòng công chúng những những tác phẩm trên chưa thật sâu, chưa thật nhiều những vần thơ mang cảm hứng dân tộc. Phải đến sau năm 1975, dòng thơ hướng về biển đảo mới phát triển mạnh, tồn tại song hành với cảm hứng thế sự đời thường, tiêu biểu nhất phải kể đến trường ca Những người đi tới biển của Thanh Thảo (1977), trường ca Biển của Hữu Thỉnh (1994), Hạ thủy những giấc mơ của Nguyễn Hữu Quý (2013)… “Những bài thơ tiêu biểu giai đoạn này như: biển nỗi nhớ và em của Hữu Thỉnh; tháng tư, Trường Sa của Nguyễn Khoa Điềm; thuyền và biển của Xuân Quỳnh, thơ tình người lính biển của Trần Đăng Khoa; tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến; tổ quốc gọi tên của Nguyễn Phan Quế Mai, trong đó nhiều bài đã được phổ nhạc” (15). Trong 6 chương của trường ca biển, có đoạn viết: Biển có đảo biển đỡ lặp lại mình/ Đảo có lính cát non thành Tổ quốc/ Đảo nhỏ quá nói một câu là hết/ Có gì đâu chỉ cát với chim thôi/ Cát và chim và thêm nữa chúng tôi…, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha nhận xét: “Bằng chủ thể “cát” tác giả đã triển khai mọi nỗi nhọc nhằn, mọi sức chịu đựng phi thường của người lính đảo trên tất cả các cung bậc cảm xúc. Cát được nhân cách hóa như một người đồng hành cùng người lính Trường Sa cô đơn giữa biển biếc” (16). Nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng viết bài thơ rất nổi tiếng hào phóng thềm lục địa vào tháng 6 - 2008 trong đó có đoạn trích: Những tiện nghi những ngôn từ những điều kiện sinh tồn tối thiểu của đời người/ Các anh cứ giản lược hồn nhiên/ Quen việc căng thân mình đầu sóng gió/ Quen cơn bão đánh tên bằng con số/ Tít một xóm làng còn có mẹ cha/ Những tóc bạc lặng thầm mỗi đêm giao thừa mỗi ngày kỵ giỗ/ Người vợ trên đất liền của anh phải biết cách làm thế nào để không hóa đá/ Đứa con trên đất liền của anh phải học cách chống chọi với sự trống trải của căn nhà thiếu đàn ông trước khi học chữ/ Người yêu trên đất liền của anh bần thần trước chiếc nhẫn đính hôn..., nói về bài thơ này, nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhận xét: “Nguyễn Thanh Mừng sau những thao thức, rung động về sự hy sinh của người lính hải quân thời bình đã dựng lên bài thơ Hào phóng thềm lục địa dài 110 câu, mang vóc dáng trường ca. Bài thơ Hào phóng thềm lục địa sau đó cũng đã nhận được giải thưởng giải A cuộc vận động sáng tác 5 năm về biển đảo do bộ tư lệnh quân chủng hải quân trao tặng năm 2011. Hình ảnh người chiến sĩ hải quân và những người thân của họ hiện lên thật sinh động và sáng đẹp” (17). Trường ca Tổ Quốc, đường chân trời (2010) của Nguyễn Trọng Văn cũng được đánh giá cao với cảm hứng đất nước dạt dào. Những tác phẩm từ năm 1975 đến sau thời kỳ đổi mới, hầu hết các tác phẩm viết về biển đảo đều mang dáng dấp sự thi, cảm hứng đất nước mạnh mẽ. Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý nhận xét: “theo tôi, thơ về biển đảo vừa qua phần lớn khai thác yếu tố sử thi và chất lãng mạn từ biển” và “người ta tạm quên đi những riêng tư, bức xúc phiền muộn của cuộc sống đời thường để hướng tới cái chung dân tộc, cộng đồng mà cốt lõi là lòng yêu nước, sự chia sẻ với những người lính người dân đang trực tiếp bám biển đảo, giữ biển đảo, phần chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc” (18). Sau sự kiện Trung Quốc ngang ngược hạ đặt giàn khoan HD 981 ở thềm lục địa nước ta (5 -2014), các tác giả đã viết rất nhiều tác phẩm đã ra đời nhằm mục đích cổ vũ tinh thần yêu nước, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ Quốc. Có thể điểm qua hàng loạt bài thơ như: Uống rượu trước biển của Nguyễn Trung Nguyên; Ta nghĩ về đất nước ta của Mặc Phương Tử; Mẹ vẫn ngồi bên bờ biển đông, Thơ tình người lính biển của Nguyễn An Bình; Lời người ra đảo của Lâm Trúc; Dáng đứng, Khi những đứa con hóa sóng mặt trời của Trần Thu Hà; Lá thư viết bằng gió biển của Nguyễn Phan Quế Mai; X-men lính đảo của Nguyễn Thị Mai; Tiếng chuông chùa ở Trường Sa của Nguyễn Hưng Hải; Nhớ biển, Những khay rau ở đảo Đá Nam của Lưu Thị Bạch Liễu; Cát vọng phu, Khúc ca ngư dân, Điểm tựa của Nguyễn Quang Hưng; Anh là biển số, Nhớ anh, Hoa đồng hồ trên đảo Cô Lin của Bình Thanh; Lời Tổ quốc vọng giữa Trường Sa của Vũ Thế Bôn; Giọt máu đào trên hải đồ Tổ quốc, Trước ngôi mộ trên đảo Nam Yết, Ngủ hộ anh được không của Viễn Hải; đảo của Hoàng Vũ Thuật; Nhớ biển, Những khay rau ở đảo Đá Nam của Lưu Thị Bạch Liễu; Lính trẻ, Tổ quốc mặn chát mồ hôi của Lê Hòa; Hoàng Sa đất nước ta ơi của Bùi Khắc Phúc; Ôi Tổ Quốc Lạc Long của Nguyễn Thánh Ngã, Những ngọn sóng tỏa hương của Trần Mai Hường; Lời nhắn gửi từ biển của Bùi Công Minh .v..v... Ngoài ra, có thể kể đến tập thơ Thơ biển, Đảo và tình yêu người lính (2015) của Bùi Văn Bồng đã được phát hành rộng rãi, mở ra không gian biển đảo gần gũi, thân mật hơn bao giờ hết; trường ca biển mặn (2015) của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo được in với số lượng 4000 bản với những khúc ca đầy ám ảnh: Nhặt lên viên sỏi tuổi thơ/ Ném ra biển cả nào ngờ sóng dâng/ Mọc lên lớp lớp tầng tầng/ Đảo chìm đảo nổi đá ngầm san hô/ Những vùng biển đẹp như mơ/ Trường Sa cát trắng/ Hoàng Sa cát vàng…/ Nhặt lên hạt muối, thưa rằng:/ Một phần biển mặn. Mấy phần máu xương… Đặc biệt, lấy cảm hứng biển đảo dạt dào, nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú đã cho ra đời các trường ca như: vọng biển (2014), Biển và tôi (2014), Con đường thức (2015)… Như vậy, có thể khẳng định trong bối cảnh toàn cầu hóa, nhất là sau đổi mới 1986, đất nước ta đã hội nhập sâu rộng với quốc tế những thi ca viết về Tổ Quốc, biển đảo vẫn là mạch chủ lưu trong dòng chảy thi ca dân tộc. Qua đây, có thể thấy thi ca hòa nhập với thế giới nhưng không quên sứ mệnh cao cả của mình, đó là phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước.
3. Xu hướng cách tân thi ca đang diễn ra mạnh mẽ
Lấy mốc thời gian đất nước ta tiến hành đổi mới 1986, thi ca đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng lẫn chất lượng. Các khuynh hướng thi ca thường đào sâu cái tôi cá nhân, cái tôi thế sự, cái tôi siêu thực… ở đó các nhà thơ quan niệm “thơ là trò chơi chữ nghĩa”, thơ như một ma trận buộc người đọc phải đi khám phá và tìm câu trả lời. “Công cuộc đổi mới đã mở rộng cánh cửa giao lưu, hội nhập với thế giới, và thơ ca, trước vận hội này, không thể nằm yên trong mô hình nghệ thuật cũ. Bắt đầu xuất hiện những giọng thơ lạ, đậm chất “Tây” (19). Sự đổi mới thi ca đã gây ra những tranh cãi nhưng cũng gây tiếng vang và ảnh hưởng lớn đến đời sống văn chương trong nước, khi tình hình giao lưu văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, các luồng tư tưởng mới, hiện đại đang dần chi phối thi ca. Trước hết, theo nhận định của PGS. TS Nguyễn Đăng Điệp là xu hướng “nới lỏng cấu trúc thể thơ truyền thống”. Ta có thể nhận thấy sự biến thể của thể thơ lục bát là một minh chứng rất rõ ràng, ngoài ra xu hướng phá vỡ bố cục bài thơ, cách gieo vần cũng đang dần không tuân theo khuôn khổ. Ngoài ra, các tác giả thơ đương đại đang làm thơ theo khuynh hướng siêu thực và đưa vào thể thơ lục bát, theo nhận định của nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp là “có khả năng biểu đạt những tâm thức sâu thẳm của người hiện đại”. Sự mở rộng biên độ của thi ca mà đặc biệt là xu hướng cởi mở trong cách viết lối viết, quan niệm thơ không bó buộc bởi số chữ, số câu, số dòng đã biến thơ hoàn toàn tự do, nhiều lúc thơ gần giống văn xuôi. Trong tập thơ ngày Linh hương nở sáng (2011), nhà thơ Đinh Thị Như Thúy viết: Từ đó nàng tập nói bằng mắt bằng hơi thở bằng những cọng tóc mai cứ chực xoã bung khi bị kích động, từ đó nàng tập nuốt những suy nghĩ xuống bụng và vùng bụng dưới của nàng luôn căng tức nóng ran, chỉ một thời gian sau nàng đã có cái vẻ nặng nề chậm chạp ưu tư của môt thiếu phụ mang thai đang chờ ngày sinh nở, trích trong bài thơ “ngày nhiễm độc”. Như vậy, thi ca đương đại hoàn toàn đương đại phá vỡ mọi đường biên thể loại, ở đó nhà thơ chú ý nhiều hơn đến hình ảnh và cấu trúc bài thơ. TS Phạm Ngọc Hiền khái quát: “sau đổi mới, thơ văn xuôi mới phát triển mạnh mẽ và có rất nhiều hình thức tồn tại rất đa dạng. Mỗi nhà thơ sáng tạo cho mình một hình thức thơ văn xuôi không giống ai: Nhân chứng của một cô gái chết (Nguyễn Quang Thiều), Ô mai (Đặng Đình Hưng), Bài thơ hai từ (Trần Tiến Dũng), Mười bài tập mùa xuân (Mai Văn Phấn), Phóng đãng trí nhớ (Nguyễn Quốc Chánh)… (20). Nhà nghiên cứu Nguyễn Thanh Tâm khái quát: “Bên cạnh đó là xu hướng tương trưng siêu thực đang khuynh đảo thi ca, các nhà thơ viết theo dòng thơ siêu thực ngày càng nhiều. Trong nhiều sáng tác của Lê Đạt, Dương Tường, Hoàng Hưng, Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Thanh Thảo, Trương Đăng Dung, Phan Huyền Thư, Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Lãng Thanh, Nhụy Nguyên, Nguyễn Lãm Thắng, một ít ở Nguyễn Phan Quế Mai, Nguyễn Bảo Chân, Đinh Thị Như Thúy, Đỗ Doãn Phương... có thể nhận thấy một lối liên tưởng, tưởng tượng, sáng tạo thi ảnh, kết hợp ngôn từ hết sức xa lạ” và nhận định: “Điều đó diễn tả những xúc cảm, trực nhận của con người đương đại trong sự thúc ép gay gắt của cuộc sống, ý thức, vô thức và tiềm thức. Những giấc mơ, ảo ảnh, những liên hệ ngầm ẩn mang ý nghĩa nhân sinh, thẩm mĩ hiện về trong cấu trúc ngôn từ có vẻ rời rạc, phi logic, đầy bất ổn: Bầy em én/ tin xuân/ tròn mẩy áo/ Hội kênh đầy/ chân trắng ngấn sông quê/ Nắng mười tám/ má bờ đê con gái/ Cây ải cây ai/ gió sải tóc buông thề (Sông quê – Lê Đạt)” (21). Những người làm thơ theo khuynh hướng siêu thực chịu ảnh hưởng bởi tư duy “phóng khoáng”, “tự do” của lối sống phương Tây, ảnh hưởng đậm chất bởi cái “tôi” cá nhân, cái “tôi” sáng tạo và bảo lưu quan điểm. Nói như vậy không có nghĩa những nhà thơ theo khuynh hướng siêu thực hoàn toàn tách rời ra khỏi đời sống xã hội mà ở đó sự đồng điệu của tâm hồn được đặt ra cho độc giả là sự tìm tòi, khám phá, đánh giá, nhận định cũng như thẩm thấu tác phẩm qua thời gian. Nhà thơ Phan Hoàng, một đại diện nổi bật thế hệ thơ cách tân đương đại với các thi phẩm: Tượng hình (1995), Hộp đen báo bão (2002), Chất vấn thói quen (2012), Cơn bão ký tự mới (2015) đã cho thấy: “Ý thức về sự đổi mới thi pháp và thay đổi điểm nhìn nghệ thuật trong sáng tạo thi ca đã tạo cho Phan Hoàng một quyết tâm chống lại căn bệnh sáo mòn, bảo thủ của nếp tư duy già nua để vươn đến một khát khao sáng tạo” (22). Về bản chất, đổi mới thơ ca là một hành trình sáng tạo khó khăn, lâu dài và phức tạp, ở đó sẽ có những tranh cãi và những bình phẩm khác nhau. Hiện nay, có rất nhiều bài thơ mới ra đời chịu ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài đậm nét, điển hình trong hình thức thể hiện, đó là xu hướng đưa thêm Anh ngữ, Pháp ngữ vào thơ Việt, các hình thức biến thể của ngôn ngữ ngày càng diễn ra sâu rộng và đậm nét. Trong thi phẩm đầu tay “gặp tôi ngày mê sảng” (2016), nhà thơ trẻ Kai Hoàng viết: Chạy qua giấc ngủ li ti/ nỗi buồn cũng biết invisible/ thử làm chiếc lá rụng khô/ để xem the past cởi đồ khỏa thân, trích trong bài thơ “hỏi”, rõ ràng đây là một xu hướng táo bạo trong thi ca, nhất là ở thể thơ lục bát truyền thống. Ở một bài thơ khác, nhà thơ Vi Thùy Linh viết: El Nino khứ hồi hay cuộc nổi giận của tạo hoá/ Trái đất đã - vẫn đang kêu cứu, những báo động có không nhiều hồi âm/ Thống kê nào về số công dân sợ trái đất lâm chung?, trích bài thơ “mùa khát”, lối viết theo xu hướng hiện đại giải thích cho hiện tượng El Nino thật đắt giá, và nó cũng chứng minh một điều ngôn ngữ nước ngoài hiện diện ngày càng nhiều trong thơ Việt. Một khuynh hướng cũng gây tranh cãi gay gắt đó là tính dục trong thi ca, tiêu biểu cho dòng thơ này có thể kể đến các tác giả như Văn Cầm Hải, Vi Thùy Linh, Nồng Nàn Phố, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Hữu Hồng Minh… Trong bài thơ “biển bốc cháy” của Vi Thùy Linh, các biểu tượng biển, núi gợi lên những hình ảnh tính dục: biển bốc cháy/ những núi vú ưỡn lên nóng bỏng/ những núi vú non tơ sáng rực/ định hướng lại mọi luồng hải đăng (23)... Tính dục trong thi ca gợi lên nhiều chuyển biến trong suy nghĩ và cách bày tỏ cảm xúc của người làm thơ, đặc biệt là thế hệ thơ trẻ hôm nay, khi mà văn hóa phương Tây tác động đến phong cách và tư tưởng tình cảm. Thơ tình với các hình ảnh quen thuộc đã được sử dụng đến mòn nhẵn, mất hết sức sống đã được thay thế bằng những sự đổi mới sáng tạo, qua những cách thể hiện rất đa dạng và phóng khoáng. Tóm lại, thi ca trong thời đại toàn cầu hóa đang diễn ra xu hướng cách tân mạnh mẽ với nhiều cách tiếp cận khác nhau đã tạo nên sự đa dạng, muôn màu muôn vẻ của thi ca. Dẫu còn có những ý kiến trái chiều, những các khuynh hướng đang gây được tiếng vang lớn trong đời sống văn học nghệ thuật, đòi hỏi công chúng phải chú ý. Nhất là trong thời kỳ hội nhập, đời sống thi ca luôn được tiếp nhận và chuyển biến mạnh mẽ.
III. Kết luận:
Sự tồn tại của nhiều dòng, nhiều xu hướng đã tạo nên bức tranh sôi nổi, đa sắc màu trong thi ca hiện nay. Quá trình thu nhận và tiếp biến nhiều luồng văn hóa trong thời kỳ toàn cầu hóa, thi ca chính là lĩnh vực đi tiên phong trong các thử nghiệm truyền bá văn hóa mới đến cộng đồng. Thơ ca chú trọng đến việc bảo tồn văn hóa dân tộc, bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương trong tình hình mới và cách tân đổi mới trong các chiều hướng tiếp nhận khác nhau. Đời sống thi ca sôi nổi thúc đẩy sự nhìn nhận và đánh giá lại các giá trị văn hóa trên cơ sơ khách quan và khoa học nhất. Ở đó, sự thẩm định của người đọc chính là chìa khóa vạn năng đưa thi ca phát triển, hội nhập với đời sống văn chương thế giới.
PHAN NAM.
(Sinh viên lớp 13 CBC, trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng)
Chú thích:
(1). Phạm Ngọc Hiền, Mấy đặc điểm thi ca Việt Nam, trang web: http://vifolac.vn/trang-tin/may-dac-diem-cua-tho-viet-nam-sau-1975
(2). Nguyễn Đăng Điệp, Thơ Việt Nam sau 1975 - từ cái nhìn toàn cảnh, trang web: http://vannghequandoi.com.vn/Phe-binh-van-nghe/Tho-Viet-Nam-sau-1975-tu-cai-nhin-toan-canh-4842.html
(3). Cao Thị Hồng, Về tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học nghệ thuật từ thời kỳ Đổi mới đến nay, trang web: http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/ve-tinh-dan-toc-va-tinh-hien-dai-trong-van-hoc-nghe-thuat-tu-thoi-ky-doi-moi-den-nay-8095.html
(4). Phan Thư Soan, Tính dân tộc trong văn học, trang web: http://www.tapchicuaviet.com.vn/DuLieu/index.asp?main=ndd&TL=VHTD&ID=7007
(5), (6), (7). Trần Sáng, Thử tìm hiểu tính dân tộc trong thơ hôm nay, trang web: http://vietvan.vn/vi/bvct/id393/Thu-tim-hieu-tinh-dan-toc-trong-tho-hom-nay/
(8). Phan Thư Soan, Tính dân tộc trong văn học, trang web: http://www.tapchicuaviet.com.vn/DuLieu/index.asp?main=ndd&TL=VHTD&ID=7007
(9). Cao Thị Hồng, Về tính dân tộc và tính hiện đại trong văn học nghệ thuật từ thời kỳ Đổi mới đến nay, trang web: http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/ve-tinh-dan-toc-va-tinh-hien-dai-trong-van-hoc-nghe-thuat-tu-thoi-ky-doi-moi-den-nay-8095.html
(10). Yến Nhi, Tính hiện đại và bản sắc dân tộc không phải là cái áo khoác trong thơ, trang web: http://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=15964
(11), (12), (13). Phạm Ngọc Hiền, Mấy đặc điểm thi ca Việt Nam, trang web: http://vifolac.vn/trang-tin/may-dac-diem-cua-tho-viet-nam-sau-1975
(14), (15). Đỗ Ngọc Yên, Đề tài biển đảo trong thơ ca Việt Nam, trang web: http://vanhocquenha.vn/vi-vn/113/49/de-tai-bien-dao-trong-tho-ca-viet-nam-/124101.html
(16). Nguyễn Thụy Kha, Đọc “trường ca biển” của Hữu Thỉnh, trang web: http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/doc-truong-ca-bien-cua-huu-thinh-113279.bld
(17). Nguyễn Hữu Quý; Biển đảo, nguồn cảm hứng thi ca, trang web: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2012/8/296596/
(18). Nguyễn Hữu Quý, Thơ về biển đảo cần một độ sâu hơn, trang web: http://www.nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/nghien-cuu-phe-binh/tho-ve-bien-dao-can-mot-do-sau-hon.html
(19). Nguyễn Đăng Điệp, Thơ Việt Nam sau 1975 - từ cái nhìn toàn cảnh, trang web: http://vannghequandoi.com.vn/Phe-binh-van-nghe/Tho-Viet-Nam-sau-1975-tu-cai-nhin-toan-canh-4842.html
(20). Phạm Ngọc Hiền, Mấy đặc điểm thi ca Việt Nam, trang web: http://vifolac.vn/trang-tin/may-dac-diem-cua-tho-viet-nam-sau-1975
(21). Nguyễn Thanh Tâm, Yếu tố siêu thực trong thơ Việt Nam đương đại, trang web: http://vannghequandoi.com.vn/Binh-luan-van-nghe/yeu-to-sieu-thuc-trong-tho-viet-nam-duong-dai-7857.html
(22). Trần Hoài Anh, Hành trình thơ Phan Hoàng, trang web: http://nhavantphcm.com.vn/tac-pham-chon-loc/nghien-cuu-phe-binh/tran-hoai-anh-hanh-trinh-tho-phan-hoang.html
(23). Phạm Ngọc Hiền, Mấy đặc điểm thi ca Việt Nam, trang web: http://vifolac.vn/trang-tin/may-dac-diem-cua-tho-viet-nam-sau-1975
Ngoài ra có tham khảo một số bài viết khác ở các trang web:
No comments:
Post a Comment