Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, December 16, 2016

BÀN THÊM VỀ BÀI THƠ TẶNG UÔNG LUÂN CỦA LÝ BẠCH - Nguyễn Ngọc Kiên


 

 BÀN THÊM VỀ BÀI THƠ TẶNG UÔNG LUÂN 
                            CỦA LÝ BẠCH

贈汪倫
李白乘舟將欲行,
忽聞岸上踏歌聲。
桃花潭水深千尺,
不及汪倫送我情!
.
Phiên âm:
.
Tặng Uông Luân
.
Lý Bạch thừa chu tương dục hành,
Hốt văn ngạn thượng đạp ca thanh.
Đào hoa đàm thuỷ thâm thiên xích,
Bất cập Uông Luân tống ngã tình.
.
Dịch nghĩa:
.
Tặng Uông Luân
.
Lý Bạch cưỡi thuyền sắp sửa ra đi
Bỗng trên bờ giếng có tiếng chân nhảy nhịp và hát
Nước đầm đào hoa sâu hàng ngàn thước
Không bằng tình Uông Luân tiễn ta.
.
Dịch thơ:
.
Tặng Uông Luân
.
Lí Bạch xuống thuyền sắp sửa xa
Bỗng nghe điệu nhảy quyện lời ca
Đầm Đào hoa thẳm sâu ngàn thước
Sao sánh tình Uông tiễn biệt ta!
(Bản dịch của Nguyễn Ngọc Kiên)
.
Về xuất xứ bài thơ, giai thoại kể rằng, vào năm 754 (năm Thiên Bảo thứ 13) đời nhà Đường, có Uông Luân là một Hào sĩ ở Kinh Xuyên, tuy tài năng không thể so sánh với Lý Bạch, nhưng ông cũng là dòng dõi hào kiệt. Ông từng làm Huyện Lệnh ở Kinh huyện, nay thuộc tỉnh An Huy, rất thích giao du với các danh sĩ, vô cùng hâm mộ Lý Bạch. Một lần nghe nói Lý Bạch sắp đi chơi qua đây, Uông Luân bèn gửi thư đón mời, trong thư có nói rằng: “Trộm nghe thơ, mỗ ngưỡng mộ tiên sinh đã lâu. Biết tiên sinh vốn yêu thích những nơi phong cảnh đẹp, lạ lùng, kỳ thú. Nếu tiên sinh không quản đường xa hiểm trở mà tới hàn gia, tại hạ sẽ đưa tiên sinh ghé một vạn tửu lầu, cùng tiên sinh cưỡi sóng ngắm hoa đào giữa tiết thu. Xin chắp tay đứng chờ trước cửa.”
.
Lý Bạch háo hức, vui vẻ đến, Uông Luân bèn nói thật rằng : “Xin tạ tội cùng tiên sinh! Tại hạ đã dùng xảo ngôn để dụ rước tiên sinh về đây chứ thực ra ở nơi thôn quê hẻo lánh này cả xóm chỉ có duy nhất một quán rượu cóc nhà lão Vạn, còn cái đầm trước mặt nhà có tên là đầm Mực nước sâu không thấy đáy, dân sính chữ trong thôn gọi là đầm Đào hoa, tại hạ từ nhỏ tới giờ chưa một lần dám bơi ra giữa đầm. Chỉ có tấm tình ngưỡng mộ, quyến luyến nhau là thật mà thôi!”
.
Lý Bạch nghe xong cả cười, ở lại chơi với Uông Luân vài ngày.
.
Họ nói với nhau những gì không thấy sách nào nhắc đến. Sau đó, Uông Luân tặng 8 con ngựa và 10 cuộn gấm đẹp rồi đích thân tiễn biệt Lý Bạch.
.
Buổi tiễn đưa là một sớm mùa thu ảm đạm. Hơi lạnh lảng bảng trong màn sương mỏng giăng giăng trên mặt nước, trên tấm vải buồm bạc thếch quấn quanh mép thuyền. Con thuyền từ từ rời bờ, trông ra chỉ thấy một ông lão mặc áo bông cũ , mắt dõi theo, giậm chân hát mà từ biệt. Phía sau lưng là bờ lau bời bời trắng xóa.
.
Lý Bạch cảm kích vì tấm lòng chân thành của Uông Luân nên đã hạ bút xuất thần làm bài tuyệt cú tuyệt cú “桃花潭” (Đầm Đào hoa) đề “Tặng Uông Luân” mà nghìn năm sau vẫn làm xúc động lòng người.
.
Đây là bài thơ được nhiều người yêu thích và thuộc lòng. Câu 1 tác giả tự nói về mình, ba chữ “將欲行” [tương dục hành] diễn tả cảnh lưu luyến, bịn rịn lúc chia tay. Câu 2, miêu tả cảnh tượng lúc lên đường, chữ [hốt] (bỗng nhiên, đột nhiên, hốt nhiên) dùng ở đây quả là có thần. Khi dịch sang tiếng Việt, Trần Trọng San đã chuyển chữ này thành “chợt”: “Chợt nghe trên bến có người hát ca.”
.
Một số dịch giả khác khi dịch đã lược mất chữ này. Chẳng hạn:
.
Trên bờ chân giậm, nghe liền tiếng ca. (Tản Đà)
.
Trên bờ nhịp nhảy rộn lời ca (Ngô Văn Phú)
.
Trên bến nghe bài hát “Dậm chân”, (Lê Nguyễn Lưu)
.
Cũng trong câu 2, tác giả miêu tả chủ nhà với động tác “踏歌” [đạp ca], một lối hát nhiều người cùng dang tay giậm chân làm nhịp. Chữ “” [thanh] chỉ âm thanh mà tác giả – người được tiễn, nghe được lúc lên thuyền.
.
Cũng cần nói thêm rằng, Lí Bạch rất thích khoa trương(*) – một thủ pháp tu từ nói quá sự thật – đôi khi đến mức không thể tin được. Cái đích người nói hướng tới người nghe không phải là điều “nói ra” mà là điều “nói lên”. Khoa trương trong thơ Lí Bạch hết sức đa dạng, phong phú. Trong hai câu 3 và 4 của bài thơ này, tác giả sử dụng thủ pháp tỉ dụ khoa trương, ví tình cảm của Uông Luân đối với Lí Bạch như nước đầm Đào Hoa sâu tới ngàn thước; trên thực tế, ai cũng hiểu rằng đầm Đào Hoa không sâu đến như vậy. Cụm từ “千尺” (ngàn thước) ở đây không phải là con số cụ thể, chính xác như trong toán học mà là con số ước lượng chỉ “rất nhiều thước”, ý nói đầm rất sâu; đó mới chính là điều “nói lên”. Từ ngữ so sánh “不及” (bất cập, không sánh kịp) dùng rất độc đáo biểu thị tình cảm giữa hai người là vô cùng sâu sắc và quý giá, khiến người đọc có thể tưởng tượng ra được nó sâu đậm đến mức nào. Hơn thế nữa, cách lựa chọn hình ảnh “đầm Đào Hoa” cũng rất tinh tế và đầy ý nghĩa; màu hoa đào đỏ rực, còn nước đầm sâu thì trong vắt, những hình ảnh này được dùng để so sánh với tình bạn khiến ta liên tưởng tới tình bạn đẹp, ấm áp thuần khiết. Cái hay của bài thơ này là ở chỗ, nó vô cùng giản dị, câu chữ không hề “đao to búa lớn”, nhưng nhờ có thủ pháp khoa trương mà đã nêu bật tình cảm chân thành thân thiết giữa Lý Bạch và Uông Luân. Chẳng thế mà hơn một ngàn năm nay, người đời đã tốn khá nhiều giấy mực để bình luận về bài thơ này. Đặc biệt là hai chữ “tương” và “hốt” nổi bật là dạng “nhãn tự” (chữ mắt) như có thần tỏa sáng cả bài thơ.
.
Thế mới biết, cái sự quyến luyến đâu chỉ là tình cảm giữa nam và nữ; đúng như Tú Xương đã viết “Tương tư lọ phải là trai gái”. Qua bài thơ, có người còn suy rộng ra, kiếp con người cũng thật cô đơn giữa bao nhiêu đồng loại!
.
Truyện Sử còn kể tiếp, đến đời Thanh (Khang Hy thứ 55) trở đi, Viên Mai đã chép: “今潭已壅塞” (Ngày nay thì Đầm Đào hoa đã cạn, đường qua đây đã tắc nghẽn). Nhà thơ Trương Tinh Trai (张惺斋) đã cảm thán rằng:
.
蝉翻一叶坠空林,
路指桃花尚可寻。
莫怪世人交谊浅,
此潭非复旧时深。
.
Phiên âm:
.
Thiền phiên nhất diệp truỵ không lâm
Lộ chỉ đào hoa thượng khả tầm
Mạc quái thế nhân giao nghị thiển
Thử đàm phi phục cựu thời thâm.
.
Dịch thơ:

.
Rừng vắng ve chuyền chiếc lá rơi
Đào Hoa nẻo ấy dễ tìm thôi
Lạ gì tình bạn nay hời hợt
Đầm cũ xem ra cạn khác rồi.
(Bản dịch của Trương Đình Chi)
.
Bài thơ “Tặng Uông Luân” của Lý Bạch thật mộc mạc, giản dị nên dễ nhớ dễ thuộc, nhưng nó xứng đáng được xếp vào danh sách những bài thơ bất hủ của Lí Bạch nói riêng, thơ Đường nói chung và trường tồn với thời gian.

                                                                     Nguyễn Ngọc Kiên
.
(*) Xem thêm: “Khoa trương trong thơ Lí Bạch”, Nguyễn Ngọc Kiên, Ngôn ngữ và Văn học (Kỉ yếu Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc năm 2013).

No comments: