Nguyễn Đặng Mừng
ANH TRƯỚC EM SAU
Mỗi tuần nhận ít
nhất một thiệp mời, có tuần đến ba đám cưới. Ở cái thành phố đông dân nhất nước
này dịch vụ nào phát là như nước lũ, cứ cuộn đi mặc cho người cười kẻ mếu. Nhà
hàng đám cưới mọc lên nhan nhản, từ sang trọng đến bình dân, quận nào cũng có.
Trước đây năm bảy năm, mùa cưới được tính từ tháng mười đến tết, thỉnh thoảng
mới có đám tổ chức mùa mưa. Những năm lại đây tháng nào cũng có, thậm chí có
đám tổ chức những ngày đầu năm.
Trân trọng kính mời thường vào lúc 17 giờ 30, nhưng đám nào
sớm nhất cũng phải đến 18 giờ 30, có khi tới 20 giờ mà khách chưa tới đủ. Ai
văn minh lịch sự đi đúng giờ là thiệt thòi, cho nên 19 giờ bắt đầu nhập tiệc là
phổ thông nhất.
Mùa mưa ở Bình Thạnh mà nhận được một thiệp mời tít Tân Phú
là phát ớn. Trước hết phải bỏ phong bì ít nhất hai trăm ngàn. Ngồi tính toán
nên đi xe nào. Tính đi tính lại xe gắn máy là kinh tế nhất, chỉ tốn bốn chục
ngàn tiền xăng, khỏi móc thêm hầu bao ba trăm ngàn nữa nếu đi ta xi. Đi xe buýt
thì phải mất thêm hai tiếng, chuyển ba tuyến,
sau hai mốt giờ cũng phải về ta xi.
Cuối cùng xe gắn máy là chọn lựa
khôn ngoan nhất. Trước khi đi không quên ăn vài miếng cơm lót dạ.
Trời mưa, hai vợ
chồng trùm áo mưa, đội mũ bảo hiểm, xắn quần, dép giày cho vô bao nilon, lên xe
vào lúc năm giờ chiều để đến nơi trước bảy giờ tối. Xe như mắc cửi, nước ngập
nửa bánh, tắt máy là chuyện thường. Ra tới Đinh Bộ Lĩnh là bắt đầu kẹt xe hằng
cây số. Xe máy nhích từng chút, xe hơi gần như đứng ngắt. Theo đoàn xe gắn máy
lách vào hẻm, thoát nạn! Vợ bảo may không đi ta xi. Rồi lại ngã tư Phú Nhuận đến Lăng Cha Cả cùng
cảnh “ Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”!!!
Vừa lạnh vừa run, tự nhủ lòng, chúc cho đôi bạn trăm năm
hạnh phúc, vợ chồng mình có khổ một chút cũng đành lòng, phải không em?! Vợ
nói, “Chắc gì trăm năm, tụi nhỏ bây giờ ly dị là chuyện thường”. Nói chi mà tủi
thân tụi mình thế, em ơi. Thời tụi mình đám cưới chỉ có kẹo quốc doanh và nước
trà đến nay cũng làm lễ vàng lễ bạc như ai. Chuyện trò cho đoạn đường ngắn lại,
ngờ đâu chạm vào cái thời ăn bo bo nuôi con, khắt sữa. Nghĩ mà thương ngày xưa, cái thời sau đêm tân hôn là vác
cuốc ra nông trường, anh cuốc như thế này, em cuốc như thế kia. Cả hai im lặng.
Biết đâu vợ đang khóc sau lưng cũng nên. Vợ tựa cằm lên vai chồng, hai cái mũ
bảo hiểm chạm nhau lục cục. Mưa nhòe cả mắt, hay mình đang khóc đây?!
Đến nơi nhạc vừa trỗi Đêm tân hôn, xớ rớ tìm bàn. Đi đám
cưới cũng có số…phận. Hên thì được gặp vài người bạn nói chuyện đỡ tủi cho đoạn
đường gian nan vừa vượt qua, xui có khi gặp toàn người lạ. Trong bàn mà có mấy
bà trên dưới năm mươi, nửa già nửa trẻ, cười nửa miệng, ăn nhỏ nhẹ, im thinh
thít thì rầu lắm. Mỗi lần bưng ly bia lên mời dzô cho khí thế, mấy bà cứ nhìn
qua nhìn về lấm lét xầm xì làm mình mắc cỡ muốn… về sớm. Bắt chuyện với quý ông dăm ba câu thời sự,
thời tiết, vô thưởng vô phạt, mặt ai cũng trơ trơ. Chỉ thấy những cái miệng mấp
máy, nghe tiếng được tiếng mất. Nhạc inh tai. Lúc lên cao trào rock mà ngồi gần
mấy cái loa thì tốt nhất là … cười.
Thôi tập trung vào
thực đơn. Ga lăng gắp một miếng bỏ vào chén vợ, một cho bà ngồi cạnh. Nhận được
một cái cười nửa miệng và nửa câu cám ơn. Cũng xã giao gật gật, ý tứ, giả lả…một nửa, nửa còn lại cho vợ. Món thứ nhất ăn nhanh, món thứ ba thứ tư chậm
lại một chút. Lại nâng ly, đưa lên để xuống, chạm khẽ cốc thủ tục vài ba lần.
Những món ăn về sau ít ai màng đến.Gắp bỏ vào chén nhau, lại mời, lại từ chối.
Mấy bà bấm nhau, thì thầm. Rồi gật gật, đưa mắt ra hiệu với
nhau ra chiều có gì quan trọng lắm. Quý ông ngờ ngợ nhìn nhau, nhìn theo mấy bà
đi về hướng … toa lét. Hóa ra đi toa lét cũng có hội có nhóm, phải lên kế hoạch,
phải kín đáo, bí mật, nghiêm trọng…
Xin vợ cho đi một vòng chào bạn bè, may ra có người quen. Vợ
dặn, “uống ít thôi, còn tìm ra đường mà về”. Cầm ly bia lách qua từng bàn, từng
bàn xem có bạn bè ai không. À một tay trông quen quen. Hắn gọi ngay tên mình mà
không nhớ ra, cũng trả lời đại: “A, nhớ rồi, có phải Vinh đây không”. “Mày quên
rồi hả, tau là Vịnh, Vịnh tồ, thằng Vinh chết rồi…Thôi dzô trăm phần trăm”. Bạn
chết rồi mà cũng dzô trăm phần trăm! Thôi hẹn gặp nhé, khi nào rảnh ghé chơi.
Cụng cái nữa, chia tay. Lại lách, tìm.
Có bà quen quen, đúng rồi Ngoan người đẹp của… ngày xưa đây mà, chào đại:
“Ngoan đó phải không?” “Không, cháu là con của mẹ Ngoan, mẹ cháu mất rồi. Xin
lỗi chú có phải là chú… chụp chung với
mẹ cháu hồi còn đi thủy lợi Đập Trấm không? Mẹ Ngoan hay nhắc chú lắm”. Thôi
chết, con giống mẹ như đúc, còn già hơn cả mẹ… ngày xưa. Ngoan cũng chết rồi,
nghe mắt cay xè hơn bị tạt nước mưa. Người sống nhắc người chết trong tiệc cưới
có buồn cũng nín nhịn.
Vòng về lại với vợ. Vợ cười cười, “gặp lại người xưa rồi sao
mắt đỏ hoe thế”. Lòng nghẹn đắng, “ừ, có gặp”.
Nửa cuối tiệc là món lẩu. Nước sôi ì xèo. Tôm mực, rau sống
đầy tràn. Để sôi mà nhìn cho vui mắt, chẳng ai đụng đũa. Lại mời, lại từ chối.
Âm nhạc khúc cuối thường là cây nhà lá vườn. Những bài ngày xưa của mấy bà U60,
những con kênh ta đào(1), những da em nâu nâu tươi màu suy nghĩ (2). Tha thiết
đậm đà mà không thấy ai vỗ tay. Những bàn thanh niên ngấm bia bắt đầu dzô dzô
liên tục. Một bài hát thời chiến tranh được một nhóm bạn bè cô dâu chú rể góp
vui: “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”(3). Nhạc hành khúc hùng tráng. Những
khuôn mặt nam nữ đỏ au, nhún nhún “ Năm trái tim năm nhịp đập nhịp nhàng…nổ
máy…”
Đường về mưa ngập đường. Xe tắt máy. Chồng trước vợ sau đẩy.
Biết vầy chiều này đi ta xi cho khỏe. Vợ bảo “Đã nói rồi, tốn tiền khỏi tốn
sức”. Đói bụng, mệt, trông mau về tới
nhà ăn cơm nguội, mì gói.
Đường hết ngập, tốn hai chục ngàn chùi bu ri, xả nước ống
bô. Anh trước em sau, đã lên xe là hai người như một… nổ máy… Vợ lại tựa cằm
lên vai chồng, hai cái mũ bảo hiểm chạm
nhau lào cào. Lục cục lào cào(4). Đi đám cưới còn cực hơn đi dân công. Vợ đấm
đấm vào vai cười mũi, “Thời đi thanh niên xung phong khổ mà vui hơn bây giờ… đi
đám cưới, anh nhỉ”. Ngoan ơi, Vinh ơi,
hai bạn dưới (trên đó) có chở nhau đi đám cưới như tụi mình không.
NĐM
(1) Lời bản nhạc con
kênh ta đào của Ns Phạm Tuyên.
(2)Người Đi Xây Hồ Kẻ
Gỗ Nhạc sĩ: Nguyễn Văn Tý
(3) Nhạc Đoàn Nho.
(4) Một câu trong bài
thơ Phá Đường của Tố Hữu.
Đã đăng trên Báo Nhịp Cầu Đầu Tư
2 comments:
Trong ngoài như nhau, những cái tickets tự dưng nằm chình ình trong thùng thư là tái mặt.
Đọc bài văn hoá cưới thời nay bất chợt lao sao nhớ về những đám cưới ở làng. Trước ngày cưới thì bà con làng xóm đến phụ nhau dựng rạp, đi mượn bàn ghế, chặt lá dừa kết làm cổng, cắt chữ hạnh phúc cùng hình ảnh chim bồ câu - trái tim - đôi ly, đôi nên ... Để chúc tốt đôi. Giàu có thì mổ heo cùng gà vịt : " có ai chê đám ma và ai khen đám cưới "
Đời sống càng nâng cao thì có nhạc hát hò, chơi thâu đêm mới chịu, hát đi hát lại những bài Bolero , hát mãi mê đến mức anh nhạc công nhắc: ra đi cha nội ... Ca sĩ làng quay qua: tìm chưa có đường ra. Ở quê vui dzứt là đêm trước ngày rước dâu, tổ chức cho bà con vui vẻ, các cụ ông thì ngồi bàn giữa, các cụ bà thì ngồi trên giường hay phản làm cau với trầu, chị em thì làm mồi nhậu với nấu nước Chè xanh, đêm vừa tới là thanh niên kéo đến nườm nượp: "không hẹn mà đến, không chờ mà đi" . Một đội tiếp tân được tuyển chọn ra bưng rượu, tiếp mồi, tiếp rượu.
MC thì những ai nói hay và gan thì cứ nhào lên mần, ban nhạc cứ rứa chơi tới ...
Bữa trưa vừa rước dâu vào làm lễ xong, MC bắt đầu chương trình ca nhạc: Kính thưa hai họ với cái lọ lục bình, sau một thời gian hai cháu quần nhau trong khách sạn , công viên, rạp chiếu phim ... Kết tinh lại là con thằn lằn sinh sôi và to dần trong bụng. Ngày xưa cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, nay thì khác rồi, chúng nó dắt mũi đâu cha mẹ theo cùng . Vâng, hôm nay ngày lành tháng tốt, cho chúng tôi hốt lại những gì đã ra đi, xin chúc quý vị luôn vui khỏe, trẻ lâu, đi đâu cũng thú, cá mú đầy bồ, đừng ăn hồ mà ăn cháo, đừng mếu máo mau già, uống trà thay rượu ... Và tiệc rượu xin bắt đầu, nối nhịp cầu bạn trẻ ...
Kts. Đinh Thanh Hải
www.dinhthanhhai.com
www.facebook.com/dinhthanhhai
Post a Comment