Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, December 19, 2014

TỨ KHOÁI - phiếm loạn của Chu Vương Miện




Tứ Khoái 
Chu Vương Miện
Phiếm loạn


Tứ Khoái ở đây xin đừng hiểu lầm sang bộ môn chiến thuật, chiến lược, du kích chiến của họ Mao là "tứ khoái nhất mạn, có nghĩa là 4 nhanh 1 chậm". Ở đây chỉ có nghĩa bình dân, bình thường mà thôi, đại khái là bốn món ăn chơi "Ăn, Ngủ, Ong Bướm, và Ngủ" của con người, không có gì ghê gớm, và chỉ là chuyện thường ngày ở Xã, ở Làng Thôn, nơi Phường Khóm.

1/ Ăn

- Ăn khớp: là cái này lắp vào cái kia hết sức là vừa vặn, không thừa và cũng không thiếu.

- Ăn mày ăn nhặt: là người đứng đầu đường xó chợ xin ăn tụng câu "con lạy ông đi qua, con lạy bà đi lại, con cá nó sống vì nước, con sống vì các ông các bà”, và ai làm rớt cái gì thì nhặt ngay cái đó bỏ vào bị hay vào túi quần túi áo.

- Ăn mắm mút dòi: là ăn uống rất kỹ càng, mút con dòi trong bát nước mắm trước rồi đến mắm sau, ý chỉ những kẻ bủn xỉn bần tiện.

- Ăn mật trả gừng: có nghĩa là ăn mật của thiên hạ rồi đưa trả lại bằng gừng để tiền làm mứt gừng ăn Tết.

- Ăn miếng trả miếng: có nghĩa ai gắp cho ta miếng thịt thì ta gắp trả lại miếng thịt, ai gắp cho ta miếng rau thì ta gắp trả lại miêng rau, còn không ai gắp cho ta miếng nào thì ta khỏi gắp cho thiên hạ.

- Ăn năn: là ăn củ năng luộc. Củ năng thì tròn mà củ ấu thì dài đều là loại thảo mộc sinh sống dưới nước như hồ ao.

- Ăn 1 bát cháo chạy 3 cánh đồng: ở đây nói về các thể tháo gia, ăn 1 bát cháo thôi phải chạy 3 cánh đồng cho nó tiêu hết bát cháo, rồi lại tiếp tục ăn nữa.

- Ăn người: có nghĩa là đói quá phải xơi thịt người để mà sống sót, hoặc là ăn hiếp kẻ yếu, bắt nạt kẻ hèn kém hơn mình.

- Ăn nhậu: là vừa ăn, vừa uống, lại vừa được nói đủ thứ trên trời dưới đất, mà không bị ai vặn vẹo gì cả.

- Ăn như ăn cướp: diễn tả một sự ăn nhanh như gió, ăn ào ào, ăn vội vàng không sợ người khác ăn mất.

- Ăn đòn: là được thiên hạ cho mình ăn đòn gánh.

- Ăn đạn: là nhai cục đạn đến gẫy răng thì thôi!

- Ăn thuốc lào, ăn trầu: đều giống như nhau, ăn trầu thì nhả bã, hút thuốc thì nhả hơi: chả được cái gì!

- Ăn chực: là chờ sẵn, không ai mời cũng nhào vào.

-Ăn đất có nghĩa là ngủ với dun dế, ngoài nghĩa địa không ăn cơm nữa mà chỉ xơi đất mà thôi.

- Ăn cơm Chúa múa tối ngày: có nghĩa là ăn cơm của Chúa Trịnh thì múa cả ngày dù không có Chúa Trịnh ở đó. Tuy nhiên gặp vua Lê thì khỏi cần phải múa, múa là ăn đòn.

- Ăn đụng: là nhiều người trong một Thôn hay Phường chung tiền nhau mua 1 con heo hay một con bê, xả thịt rồi chia đều nhau, phần ai thì mang về nhà nấy.

-Ăn độn: có nghĩa là ngoài tô cơm hay dĩa cơm ăn chán lắm phải độn thêm nửa con gà, hay miếng thịt sườn nướng cho có chất lượng.

-Ăn đút: là ăn một mình không đã, phải có người cầm thức ăn đút thẳng vào mõm mình, mình chỉ có việc nhai, nghĩa đen là ăn của hối lộ.

- Ăn đường: là không cần phải nấu chè, cứ cầm thẳng tán đường, cục đường bỏ thẳng vào trong mồm mà nhai.

- Ăn hại đái nát: có nghĩa là vừa ăn vừa nghĩ mưu kế để hại kẻ cho mình ăn, và vừa đái vừa lấy chân dẫm nát rau cỏ của người khác.

2/ Ngủ

-Ngủ đường ngủ chợ: nghĩa là không cần ngủ ở nhà, mà tiện đâu ngủ đó, gặp đường ngủ đường, gặp chợ ngủ chợ.

- Ngủ nghê: có nghĩa là vừa ngủ vừa mê và ngáy nữa.

- Ngủ gật: là bệnh cao cấp của các vị dân biểu, ngồi họp buồn ngủ quá, đúng sai gì cũng gật.

-Ngủ gà ngủ vịt: là rảnh lúc nào ngủ lúc đó, đứng ngồi chi cũng đặng, cứ huỡn là ngủ ngay tức thì.

- Ngủ gục: ngủ say quá, gục đầu xuống bàn xuống đầu gối mà ngủ say như chết.

- Ngủ nhờ ngủ trọ: là ngủ qua đêm ở nhà trọ mất tiền và ngủ nhờ nhà người quen free [chùa].

3/ Ong bướm

Phần này là phần chính của bài viết, nhưng viết ra thì lại rất khó, vì tập quán phong tục cũng có, vì dân tộc tính cũng có, phần còn lại chính là người viết có khi cũng không rành rẽ chi cho lắm về vấn đề ong buớm.

Tàu với ta nhất trí cao là các văn thi gia rất ít có vị trực tiếp bàn về vấn đề này một cách cụ thể rõ ràng, mà toàn là nói bóng noí gió, dùng những mỹ từ pháp lờ mờ vớ vẩn, khi thì cho là "nợ Vu Sơn", khi thì cho là "cuộc mây mưa", rõ ràng hơn một chút xíu thì là "giao hoan thủ lạc", giao phối, giao cấu, giao kéo, phối ngẫu.

Để tránh ngộ nhận sợ đi tới sai lạc, chúng tôi mạo muội giải thích tàm tàm là vầy:

-Giao hoan thủ lạc: là có nghĩa nhập vào cõi vui vẻ để cùng nhai ăn lạc  rang hay lạc luộc (miền Nam goi là Đậu Phụng), tiếng Tàu là pha xáng.

- Giao phối: là cùng nhập chung vào với nhau để xuất cảng hay sản xuất ra một cái gì đó.

- Giao cấu: là nhập vào rồi tha hồ mà cấu véo nhau cho đã đời, khi nào chán thời thôi.

- Giao kéo [có nghĩa là dao kéo]: người ta không thích mà cứ kéo vào để dao cho bằng được.

- Phối ngẫu: là tình cờ ngẫu nhiên được phân phối đồ nhu yếu phẩm mà mình không bao giò ngờ tới.

Văn chương Ba Tàu thì nói và viết "nói đoạn bèn giao hoan”, văn của cụ Bồ Tùng Linh trong Liêu Trai Chi Dị, còn văn chương của miền Nam trước 75 thi "làm tình làm tội". Trước năm 1975 ở Miền Nam có nhà báo ngoại quốc cắc cớ hỏi nhà văn Việt Nam câu như sau:

-Sao trong tác phẩm của mấy anh, chả thấy tả cảnh nào cởi chuồng và ấy cả? Bộ các anh liệt dương hết cả rồi hay sao?

Trả lời:

-Cái chuyện cởi chuồng thì các dân tộc Miền cao nguyên họ chỉ mặc yen [váy] và đàn ông đóng khố (phía trên để không), còn người vùng đồng bằng khi nào tắm họ cởi chuồng mà tắm  xong thì mặc quần áo. Dân tộc chúng tôi không có thói quen cởi chuồng để biểu diễn nghệ thuật [dù loại hình nghệ thuật phục vụ nghệ thuật], còn vấn đề "ấy" thì là cái chuyện cá nhân, miễn là có thì giờ, thì ban ngày hay ban đêm và có đối tượng [đối voi] là nhào vào “ấy” ngay, cái chuyện “ấy” thì có gì là quan trọng đâu mà phải đưa vào văn chương?

4/ Ị

Giống như bài tiết. Chi tiết thứ tư này ở tự điển tiếng Việt rất là nghèo nàn chỉ có vài từ là ị đùn [tức là ỉa đùn] và ỉa vãi.

Bài viết này rất là "giản đơn" vì tư liệu rất khó kiếm, vậy trong anh em bạn hữu có vị nào viết "giản kép" xin tiếp tay.

                                                       Chu Vương Miện

No comments: