Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, May 20, 2013

Thơ văn thầy cô giáo Quảng Trị: THẦY TÔI - MỘT BÀI THƠ CHẤT CHỨA NỖI NIỀM - Phan Văn Sơn bình thơ Nguyễn Thúy Quỳnh


Trích từ tập san HOA ĐẦU MÙA số 15 của Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Hải Lăng, Quảng Trị










THẦY TÔI - MỘT BÀI THƠ CHẤT CHỨA NỖI NIỀM
Thơ: Nguyễn Thúy Quỳnh

Lời bình:
PHAN VĂN SƠN
GV Trường THCS Hải Thiện

Ngoài lịch biểu thường nhật, tôi hay dành dụm thời gian lang thang, lục lọi trên Internet. Một hôm tình cờ, may mắn lại gặp “Thầy tôi”.

Một đời tích nghĩa nhân
Thầy đóng đò đưa người qua sông Chữ.
Kẻ thất học đi qua
sau một năm
cầm rìu chặt đò làm đôi
thầy ngậm ngùi đóng con đò mới.

Kẻ tiểu nhân đi qua
sau mười năm
vung búa chặt đò làm ba
thầy dằn lòng đóng con đò mới.

Người tâm phúc đi qua
sau ba mươi năm
trở bút một lần mà đò tan vạn mảnh.

Tôi về tìm thầy
có người bảo lên sông Ngân mà hỏi.
có người bảo thầy vẫn chèo đò đưa thiên hạ qua sông
những mảnh vỡ lặng câm
găm trong ngực.
Sông Chữ ngầu ngầu khóc
- Thầy ơi ...


Tôi vớ lấy. Đọc một mạch. Bài thơ kiệm lời mà ngữ nghĩa dư ba. Đọc xong, tôi như chết lặng. Vẫn biết trên thế gian không hiếm cảnh “qua sông ném... sóng”. Nhưng, khi cách hành xử nghịch tử, phản trắc ấy đi vào thơ bằng các hình tượng nghệ thuật đắc địa, thì nỗi ám ảnh ma mị của nó khiến con tim nhỏ bé của ta đớn đau đến gấp bội phần.

Với “Thầy tôi”, nếu Thúy Quỳnh mở đầu bằng lời kể hâm mộ, chân thành, cung kính, biết ơn bao nhiêu:

Một đời tích nghĩa nhân
Thầy đóng đò đưa người qua sông Chữ.

Thì khi kết thúc, cô trò nhỏ năm nào lại ngỡ ngàng thảng thốt, nghẹn ngào thổn thức bấy nhiêu:

những mảnh vỡ lặng câm
găm trong ngực.
Sông Chữ ngầu ngầu khóc
- Thầy ơi ...

Sao bỗng dưng mà ra nông nỗi này hỡi Thầy?

Ý thơ tăng tiến vùn vụt, chóng mặt, theo chiều dài nghiệp đưa đò miệt mài của Thầy qua sông Chữ: “Một năm”, “Mười năm”, “Ba mươi năm”.

Mức độ phản trắc, sự tàn phá kiểu “Qua cầu rút ván” cũng khủng khiếp đến không ngờ, làm giật mình cả những ai vô tình vô tâm nhất: “Chặt đò làm đôi”, “Chặt đò làm ba”, “Đò tan vạn mảnh”.

Phải có dư tháng năm cho gỗ hóa nên trầm. Phải có đủ thời gian để cây đơm hoa và cho quả ngọt. Làm Thầy cũng vậy thôi. Bao lớp người ra đi, bao lớp người trở lại. Nào có ai ngờ, đắng đót như thế!
Chưa hết, cái cách dùng từ của Thúy Quỳnh cũng thật đắt. 

Đầu tiên, “Kẻ thất học” lại “cầm rìu”, Thầy hơi “ngậm ngùi” như tự trách mình có lỗi. Không có giáo dục, con người vừa thô thiển, vừa khốn cùng, vừa bất hạnh là thế. Cái gì xuất phát từ trái tim sẽ đi đến với trái tim. Thầy lặng lẽ “đóng con đò mới”.

 Tiếp nữa, “Kẻ tiểu nhân” thì “vung búa”, Thầy cố “dằn lòng”, bởi Thầy hiểu lắm. Khổng Tử đúc kết rồi, họa Trời còn cứu được, chứ họa người e đành bó tay. Tiểu nhân thường sống vì tiền, vì lợi, vì danh. Nhưng Thầy là bậc Quân tử. Thầy lại hì hụi “đóng con đò mới”.

 Lần cuối, “ Người tâm phúc” chỉ  “trở bút” khiến Thầy biệt tăm.

 Chữ “trở” thật đắt. Nhưng sao lại là người “tâm phúc” hại Thầy?    Tôi cố tra từ điển. Chữ tâm phúc có nội hàm và ngoại diên khá rộng. Nhưng hiểu giản đơn, nó là nơi lưu giữ và phát xuất của lương tâm, tấm lòng, bao dung độ lượng, nhân ái vị tha; là tính từ, chỉ những người gần gũi, thân thiết, tin cẩn.

Thật là hết biết! “Trồng cây táo lại mọc cây bạch đàn” (Xuân Sách). Thầy lặng lẽ âm thầm từ đó. Chỉ còn “những mảnh vỡ lặng câm”. Chỉ còn “Sông Chữ đang ngầu ngầu khóc”. Vọng giữa thinh không.

“Nào ai có giỏi hơn con kiến, thế mà nó chẳng cần nói một lời nào” (Benjamin Franklin).

May thay, các thế hệ trò cũ của Thầy đâu phải toàn kẻ “có đèn quên trăng”, “qua cầu rút ván”.

Phần kết bài thơ như sự thủy chung đáng quý “Uống nước nhớ nguồn”, sưởi ấm phần nào trái tim bị vò xé đến khánh kiệt của Thầy giữa dòng sông Chữ tái tê: “Tôi về tìm thầy” trong nức nở “-Thầy ơi ...”

Thi phẩm này, tác giả gửi dự thi ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, năm 2008. Chẳng biết về sau có dính giải gì chăng. Nhưng, đâu còn quan trọng nữa, phải không Thúy Quỳnh, khi tính thiên lương, sự vắt kiệt sức  của người Thầy thông qua biểu tượng, ứa lệ, đã thấm vào tế bào, tâm can bạn đọc.

Quảng Trị những ngày đầu tháng 11.2012

P.V.S        

No comments: