Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Thursday, April 11, 2013

Châu Thach - ĐỌC "XIN THƠ" CỦA LÊ ĐĂNG MÀNH

Lê Đăng Mành



XIN THƠ    

Quý Tỵ chắc đây cạn số rồi
Bên bờ ngắc ngoải kiếm bè bơi
Tập mài thư pháp dâng trao bạn
Học chuốt chữ câu kính hỏi người
Còn thở: ngửa vay sương mặt đất
Tắt hơi: cúi trả gió gầm trời
Có  ai thương cảm xin mời họa
Chín suối quảy về ngồi đọc chơi  

Lê Đăng Mành



Châu Thạch và cháu nội


Lời bình:  Châu Thạch

Tôi không biết hoàn cảnh của tác giả Lê đăng Mành ra sao, anh có thật sự đứng trước lưởi hái tử thần hay không, nhưng qua bài thơ của anh tôi thấy một tâm hồn thanh thoát, ngược đời và cởi bỏ được lo buồn trong cơn biến cố.

Hai câu mở đầu của bài thơ cũng bình thường như nhiều bài thơ Đường luật, có khác chăng là ở đây giới thiệu một hoàng cảnh không vui, người trong thơ bi quan cho số mệnh của mình:
  
Quý Tỵ chắc đây cạn số rồi              
Bên bờ ngắc ngoải kiếm bè bơi

Bước qua hai câu trạng là một tư tưởng đột phá, mới lạ và ngược đời nhưng lại vô cùng siêu thoát mà tôi chưa từng thấy ở giữa đời nầy:

Tập mài thư pháp dâng trao bạn              
Học chuốt chữ câu kính hỏi người

Đứng trước lưởi hai tử thần mà không run sợ, âu lo là điều hiếm thấy, cười cợt châm biếm tử thần đã là người can đảm, nhưng ở đây không như thế, mà ngược lại tác giả tập thư pháp để dâng trao bạn, học làm thơ để kính hỏi người là một diều vượt trội, mấy ai dám nghĩ tới đâu. Đó phải chăng là một sự ngược đời? Đúng, đó là một sự ngược đời, trái với tâm trạng bao người đang “Bên bờ ngắc ngoải kiếm bè bơi”. Nhưng chính cái ngược đời ấy chỉ xảy ra ở các bậc chân tu dạt được chân lý và thấu đáo lẽ vô thường. Hơn nữa dầu các bậc chân tu biết trước giờ ra đi họ cũng đều trì niệm, tỉnh tọa an thần chứ có ai còn tập vui chơi thư pháp, chuốt chữ đề câu để dâng trao bạn, kính hỏi người như tác giả “Xin Thơ”. Tôi có viết một bài “Cách tu mới” nói về một cách tu hay hơn tôn giáo. Đó là cách tu “Làm thơ Đường luật”. Đây chỉ là một bài viết vui thôi, nhưng nay đọc hai câu của Lê đăng Mành tôi nghĩ rằng biết đâu nhà thơ cũng có cách “Tu thơ” như thế, mới vô cùng bình thản chơi chữ, chơi thơ trước tử thần.

Qua hai câu luận tác giả mở ra một không gian rộng lớn, trong đó nổi bật hai hình ảnh vừa đẹp vừa trong, bày tỏ cho cái ước nguyện thanh cao trong tâm hồn tác giả:

Còn thở: ngửa vay sương mặt đất                
Tắt hơi: cúi trả gió gầm trời

 - “Sương mặt đất” thể hiện cho vẽ đẹp thanh bai êm dịu, “Gió gầm trời” thể hiện sự nhẹ nhàng có sức mạnh vô biên.

- “Còn thở: ngửa vay sương mặt đất”: Vậy sương mặt đất là nguồn sống, một nguồn sống mong manh dễ dàng tan vỡ.

- “Tắt hơi: cúi trả gió gầm trời”: Gió gầm trời là một năng lực siêu phàm

Vay của sương mặt đất mà trả thì trả cho gió gầm trời nghĩa là sương mặt đất và gió gầm trời là một, cũng chính là quyền lực hay là đấng ban cho và nhận lại. Hai câu thơ nói được cái thân thể, linh hồn nhỏ bé của tác giả kết tụ một phần tinh túy của vẻ đẹp, của sức mạnh vô biên tồn tại giữa đất trời. Lời thơ tuy có vẻ bi quan nhưng ý thơ tôn vinh con người vượt trên cái hữu hạn để hòa nhập vào cái vô hạn cao xa và siêu thoát.

Hai câu kết của bài thơ mang hết cái vẻ đẹp của một tiên ông thong dong và tự tại:             
         
Có ai thương cảm xin mời họa               
Chín suối quảy về ngồi đọc chơi.

Xin hãy đọc bài thơ của Phạm Thái:                 
              
Sống ở dương gian đánh chén nhè                   
Thác về âm phủ cắp kè kè                   
Diêm vương phán hỏi rằng chi đó?                                    
Be!

Đây là một bài thơ ngạo nghễ, mang cái đam mê trần tục xuống địa phủ bằng một dáng vẻ coi thường tất cả mọi sự ở đời. Lê đăng Mành thì khác, mang cái đam mê của thần tiên xuống địa phủ bằng hết thảy sự trân trọng yêu quý của mình. Uống rượu mà “Đánh chén nhè”, “Cắp kè kè” thì chỉ người trần phàm phu mới làm vậy, còn thơ mà “Quảy về” là cốt cách của tiên ông. Hai câu kết của “Xin Thơ” cũng có thể là một sự ngạo nghễ nhưng là sự ngạo nghễ vơi mọi biến động từ bên ngoài tâm hồn để cho mình tự tại dầu bất cứ ở đâu. Đem thơ lên trời để chơi với tiên thì có nhiều, nhưng quảy thơ xuống địa ngục thì xưa nay hầu như không có, và quả thật làm tiên trên trời thì dễ nhưng làm tiên địa ngục thì khó vô cùng. Cho nên có thể gọi là cách mạng ở hai câu kết của “Xin Thơ

Ngày nay thơ Đường được sản xuất rất nhiều, nó như từ trong máy phun ra nên thường giống từ, giống ý, lặp lại những gì đã nói tự ngàn xưa. Bài “Xin Thơ” tôi cho là ngược đời, nhưng tôi thú vị với cái ngược đời như thế.

Chỉ  là viết theo chủ quan với sự dốt nát hời hợt của mình,có gì sai xin lượng tình tha thứ.                                                    

Châu Thạch 


No comments: