Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, March 11, 2013

ANH EM QUẢNG TRỊ GẶP NHAU TẠI SÀI GÒN - Đinh Thanh Hải


Anh em Quảng Trị tại quán Rất Huế, Sài Gòn


Đang ngồi dự đám cưới thì điện thoại reo lên, bên kia là của nhà văn Nguyễn Đặng Mừng, anh báo là có anh Nguyễn Đức Tùng đang ngồi ở Rất Huế, em thu xếp ghé Rất Huế để anh em gặp nhau tý nhé ... Tôi nói sẽ cố gắng ghé, vì đang ngồi ở tiệc cưới.

Tôi được biết anh qua nhà văn Nguyễn Đặng Mừng, anh là một vị bác sĩ ở Canada - anh không những là một bác sĩ giỏi bên cạnh đó anh còn là một nhà văn, nhà phê bình văn học ... trước tết anh Mừng có tặng tôi cuốn sách "Thơ Đến Từ Đâu" được nhà xuất bản Lao Động in ấn. Cuốn sách đã  được sự đón nhận và phản hồi rất nhiều qua những bài viết của nhiều tác giả văn học, thơ ca trong  và ngoài nước. Tôi đã tặng lại cho ba tôi đọc, cuốn sách đã được chuyền tay ba tôi để đọc, giờ đây ở Khe Sanh, mỗi lần bạn bè của ba tôi gặp nhau họ đều nói về cuốn sách của anh Nguyễn Đức Tùng "Thơ Đến Từ Đâu" ... Cuốn sách hơi sờn cũ vì đã chuyền qua rất nhiều đôi bàn tay mê đọc sách. Hôm nay tôi có kể cho anh Nguyễn Đức Tùng điều này, anh rất xúc động và cảm ơn mọi người đã yêu quý cuốn sách của mình.

Gặp anh trong một đêm tình cờ mà rất vui, anh đã tặng cho chúng tôi cuốn Thơ Đến Từ ĐâuĐối Thoại Văn Chương, cùng cuốn báo Nghệ Thuật Mới - phụ trương của báo người Hà Nội, Hội liên hiệp VHNT Hà Nội ... cuốn báo dành hai trang để nói về anh Nguyễn Đức Tùng. Trong đó có bài của anh Thơ Mới cần những phẩm chất gì? Anh có viết "Để trả lời, cần phải hỏi câu này trước đã: sự cần thiết của thơ mới? Nó sinh ra để làm gì? Nhìn quanh có ai cần nó đâu? Bạn hỏi là vì: hình như thiên hạ thời nay vẫn có thể yêu nhau bằng thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhớ nhau bằng lục bát Phạm Thiên Thư. - Có chết ai đâu? - Không ai chết cả, trừ những người đã biết đến thơ mới, lỡ yêu nó và không có nó không xong. Tôi cho rằng nhiệm vụ quan trọng nhất của thơ mới đường thời - hay là thơ cách tân, thơ đương đại, hiện đại, tân hình thức, hậu hiện đại, các tên gọi ấy tùy lúc thay đổi, có khi nghĩa tương tự nhau, có khi rất khác nhau - nhiệm vụ quan trọng là nó tạo ra một nhu cầu mới. Nhu cầu mới là nhu cầu trước đó hoàn toàn không có, cho đến khi được tạo ra bởi một người hay một nhóm người, nó trở thành một nhu cầu hiển nhiên vì sao trước đó họ không hề nghĩ tới, vốn cũng tự nhiên như ăn uống hay khí trời hay quyền bầu cử tự do. Vào những năm 1930, thơ của Thế Lữ đã xuất hiện như thể trước cái bóng hùng vĩ của thơ cổ điển, thơ Đường. Tôi là người mê phim 007. Xưa nay tôi vẫn tin rằng trong số các diễn viên đóng James Bond chỉ có Pierce Brosnan, kể tiếp Sean Connery, là đống hay hơn cả với vẻ mặt lãnh đạm, phong độ lịch lãm của chàng. Không ai thay thế được. Cho đến khi gặp Daniel Graig dữ dội, quyết liệt, mà vẫn hào hoa phong nhã, trong casino Royale, và Skyfall tiếp theo, thì tôi hiểu rằng tôi có một thần tượng mới. Nói cách khác tôi có một nhu cầu mới, nhu cầu ấy do diễn viên Craig tạo ra ... Như vậy, công việc hàng đầu của thơ hiện nay là tạo ra như cầu mới. Để làm được điều ấy nó cần một số phẩm chất. Trước hết nó phải có ý tưởng mới, suy nghĩ mới. Ai cũng biết thơ là tiếng nói của tâm hồn, là âm thanh bật lên từ các xúc cảm từ sâu xa, trong những hoàn cảnh đặc biệt hay từ xung đột nội tâm ...




 
Tôi được tặng sách và báo.



.

Những dòng chữ ký anh Nguyễn Đức Tùng tặng tôi.

Trong một lần, tôi được đọc một cái notes của nhà báo Lê Đức Dục với tựa đề: “...đất nước dài như khói một nhành hương...” Trong bài anh Lê Đức Dục có nói: “Hôm ni đọc được bài viết của thầy Nguyễn Văn Dũng về một người Quảng Trị ở Canada, anh Nguyễn Đức Tùng, thấy bài thơ “Thư gửi quê nhà” của anh Tùng có câu thơ đọc “nổi ôốc” : “...đất nước dài như khói một nhành hương...”, chỉ là dân Quảng Trị mới nghĩ ra câu thơ nớ, nhìn cái khói hương bay như chữ S mới chộ cả một trời  điêu linh của quê dà trong nớ." 



Nguyễn Đức Tùng cùng Lê Đức Dục.



Hôm nay mặc dù rất bận rộn với công việc, nhưng anh Lê Đức Dục nghe tin anh Nguyễn Đức Tùng đang ngồi ở quán Rất Huế, anh chạy vội ra gặp mặt anh Nguyễn Đức Tùng cùng anh em Quảng Trị tại Sài Gòn ... Anh Lê Đức Dục nói: Trong đời mỗi nhà thơ chỉ cần làm một bài thơ thôi, nhà văn cũng chỉ cần một tác phẩm, nhưng riêng anh Nguyễn Đức Tùng, tôi nghĩ một câu thơ thôi cũng đã đủ để đời, và nó có thể khắc lên tấm bia mộ ... đó là câu: "đất nước dài như khói một nhành hương"


Một đêm vui với người quê xa xứ, nhưng vẫn đau đáu lòng mình về quê hương đất nước.
Sài Gòn đêm 03/03/2013
Đinh Thanh Hải

dinhthanhhaisg@gmail.com


Xin chép tặng mọi người bài thơ của Nguyễn Đức Tùng:


Thư gửi quê nhà

Em có nhớ về thăm Thạch Hãn
Chiều qua đò chắc có mưa thưa
Gió sẽ thổi từ bên tả ngạn
Như lòng anh thổi mãi một tình xưa


Em có nhớ về thăm chợ Sãi
Qua chùa Tỉnh Hội nón nghiêng che
Đi ăn bánh ướt chiều mưa nhỏ
Để thấy môi ai đỏ lối về


Chiếc tráp ngày xưa chị để đâu
Những thư tình cũ có phai màu
Ngọc lan ép giữa hai bài hát
Chắc vẫn còn thơm trong đêm thâu


Anh có nhớ về thăm gác trọ
Hỏi thăm bè bạn những phương nào
Hỏi chí lớn tà dương cháy đỏ
Mộng tường vi mấy đoá rụng ngang đầu


Gõ nhịp mà ca dạ lý hương
Mười năm rồi lại mười năm trường
Những cánh cửa đêm nay vẫn thức
Đất nước dài như khói một nhành hương


Hoa trong hội theo ngày xanh biền biệt
Tình thiên thu còn một bến giang đầu
Em có nhớ mặc áo vàng như nguyệt
Đêm qua đò trăng hỏi tuổi thơ đâu

Nguyễn Đức Tùng

bachnguyen@shaw.ca




No comments: