Ảnh từ trang casicamtu.wordpress.com |
(Thương
Trương Minh Tú, người bạn thời thanh xuân,
nuôi
mộng văn chương thơ phú, nhưng bất hạnh của tôi)
Tuấn
và Minh đang ngồi dưới tàng cây trứng cá trên sân nhà nơi Tuấn
trọ học nói chuyện tầm phào. Hai người là bạn cùng lớp, thân thiết
nhau nhất trong số bạn bè cùng lớp tại trường Bán Công Huế từ năm đệ
tam, đến nay đã gần nửa năm đệ nhị. Minh kèm trẻ gần nơi em gái trọ học ngay
trước mặt nhà Tuấn nên thường lui tới vừa để thăm em gái, vừa để trò chuyện với
Tuấn. Hai người trao đổi chuyện bài vở, chuyện gia đình, chuyện bạn bè, chuyện
tương lai, chuyện văn chương thơ phú, không điều gì của người này mà người kia
không biết, không chỉ biết sơ qua mà biết tận tường nguồn ngọn còn hơn anh em
ruột sống chung một nhà.
Đang rôm rã câu chuyện, đột nhiên Tuấn ngồi lặng im mơ màng như
đang đi vào một thế giới khác quên mất sự hiện diện của Minh bên cạnh. Không
ngạc nhiên vì thái độ như vậy của Tuấn không phải mới xẩy ra lần đầu, Minh mỉm
cười khều khều bạn, hỏi:
“Tau không biết răng mi lúc mô cũng mơ mơ màng màng như thi sĩ
thất tình rứa?”
Tuấn quay lại nhìn Minh, nói:
“Xin lỗi, tau đang mơ mộng.”
“Chắc lại nhớ con nào?”
“Không mô. Tau đang nghĩ hết năm đệ nhất đậu tú tài toàn xong, nên
theo học ngành nào trên đại học.”
“Chà, cái thằng, chưa thi bán đã nghĩ đến toàn. Rứa mà tau
nghĩ mi đang mơ màng đến con nào.”
Tuấn cười ghẹo Minh:
“Bộ mi không mơ mơ màng màng răng? Tau biết mi thương con Trâm Anh
lắm. Khi mô gặp con nớ là mặt mi dài ra, coi tội nghiệp và … ngu lắm tê.”
Trâm Anh, nữ sinh đệ tứ Đồng Khánh, em Hoàng học cùng
lớp với Tuấn và Minh. Nhà hai anh em này ở cạnh
chợ Tịnh Tâm. Minh hừ một tiếng rồi cúi đầu xuống giữa hai đầu gối, tay
cầm một cọng cây vẽ vẽ gì đó trên mặt đất, miệng chõ xuống nói như gầm gừ trong
cổ họng:
“Cái thằng. Ừ, thì tau mê con Trâm Anh đó….”
Minh nói ra hai tiếng Trâm Anh nghe dịu dàng êm đềm như thể Trâm
Anh đang ngồi gần đâu đó, rồi ngẩng đầu lên bảo Tuấn, mắt cười có khoé:
“Mà mi coi, không mê răng được? Cứ nhìn thấy hai lúm đồng tiền
trên đôi má và cái răng khểnh của hắn là tim tau cứ cuộn lên nhảy đồm độp, làm
tau ngơ ngẩn.”
“Rứa mi không nói phứt ra là mi thương hắn? Mi với tau vẫn thường
lui tới nhà thằng Hoàng…. Hay bữa mô tau tìm cách kéo thằng Hoàng đi chỗ khác
để mi lại một mình với con Trâm Anh cho mi nói thực với hắn?”
Minh lắc đầy quầy quậy:
“Không được mô, dị òm à. Tau sợ nói mà hắn không chịu thì dị
chết.”
Rồi Minh nhìn ra xa, nói như nói một mình:
“Mà mi coi, nói làm răng được? Nhà tau thì nghèo, công chưa thành
danh chưa toại. Tau hai bàn tay trắng kiếm chưa đủ cơm bỏ miệng tau.”
Tuấn cười ha hả:
“Con trai con lứa chi như mi. Chẳng phải mi sợ chưa công thành
danh toại chi mô mà chỉ tại mi nhát gái thôi. Học đệ nhị rồi chơ nhỏ nhít chi
nữa mà thương gái không dám nói?”
Minh ngẫm nghĩ một chút, rồi bảo Tuấn:
“Mà Tuấn nì, tau thương con Trâm Anh thiệt rồi. Cứ khi mô nghe
nó noái kéo dài giọng
ra là tau thấy nó dễ thương dễ sợ, dễ thương chết luôn.”
Tuấn cười lớn, bảo Minh:
“Dễ thương mà dễ sợ rồi chết luôn thì thương làm chi? Mà mi chết
hay hắn chết luôn?”
Ngưng một chút, Tuấn lấy lại nghiêm trang bảo Minh:
“Bữa mô mi nói đại đi. Cần yểm trợ thì cho tau biết, tau nói vô
cho. Mi mà không nói bữa mô hắn đổ ra thương tau thì ráng chịu đó nghe…. Thôi,
tụi mình ra ngõ Âm Hồn ăn chè đi.”
Minh trợn mắt:
“Mi mà tán hắn tau đập chết cha mi. Tán đứa mô cũng được nhưng mi
phải chừa chỗ nớ cho tau….”
Rồi Minh đổi giọng, hỏi Tuấn
“Mi còn tiền ăn chè?”
“Tiền lúc mô tau mà không có. Ba mạ tau lúc nào cũng đưa sẵn cho
anh chị tau giữ, cần bao nhiêu tau cứ lấy.”
Chị chủ nhà Tuấn trọ nghe hai anh em trò chuyện,
từ trong phòng hỏi với ra:
“Hai cậu ni răng không vô nhà? Ngồi ngoái nớ coi chừng muỗi cắn
đó. Mà nói chuyện chi nghe vui dữ rứa?”
Minh trả lời thay Tuấn:
“Hai đứa em nói chuyện chơi thôi chị. Em cũng sắp về rồi, để tụi
em ngồi ngoài ni chút nữa cũng được.”
“Ừ, thì tùy ý. Chị chỉ sợ muỗi cắn hai đứa thôi.”
Minh quay qua hỏi nhỏ Tuấn:
“Ê Tuấn, anh chị ni là anh chị ra răng của mi rứa?”
“Anh chị không bà con. Anh nớ là con đỡ đầu của ba tau, chơ không
máu mủ chi cả.”
Minh tò mò:
“Con đỡ đầu là răng?”
“Là anh muốn lấy chị, mà chị có đạo Công giáo nên anh phải theo
đạo gia đình chị mới chịu gả. Mà theo đạo thì phải có người đỡ đầu, kiểu như
người bảo trợ rứa đó mà.”
“Ra rứa.... Hay là ri nì Tuấn, để dành tiền, tối tau với mi ra
Thương Bạc ăn chè đút vui hơn?”
Tuấn chọc Minh:
“Thằng ni, bộ lại mê con mô bán chè ngoài nớ rồi răng?”
“Có mô, mi thì có. Tau chộ mi tán con Lan sít rịt…. Mà con Lan
cũng dễ thương chơ mi?”
Tuấn đấm vào lưng bạn, nói:
“Ừ thì tối đi ăn chè đút…. Con Lan dễ thương thì tau tán cho vui
chớ bồ bịch chi với hắn được, đâu ngang trang vừa lứa với tụi mình. Mà mấy con
bán chè đút coi rứa chơ cũng khó đụng tới lắm, không dễ chi dụ được tụi nó mô.”
“Bộ mi đụng tới rồi răng biết khó dụ?”
“Cũng cọ quẹt sơ sơ, mà hắn kĩ lắm…. Ngoài miệng tụi hắn ngọt xớt
rứa chơ không nghe lời dụ mô. Có lẽ tụi hắn cũng biết không ngang trang vừa lứa
với tụi mình, lỡ dại dột nghe theo thì chỉ mang hận mà thôi.”
Minh cười:
“Mi nói mang hận
mà thôi nghe cải lương quá sức.”
Tuấn cười theo nói:
“Thì nói cho vui rứa mà. Chừ mi ở đây học bài với tau hay về
rồi tối tới?”
“Tau về kẻo mấy đứa nhỏ tau kềm tụi nó trông. Về cho tụi nó học
bài, tối tau đạp xe qua.”
Minh đi rồi, Tuấn quay vào bàn học. Trời đã mờ mờ
nhưng Tuấn không mở điện. Điện còn đắt đỏ lắm, nhà nào cũng dè dặt khi
phải mở đèn dù chỉ là một bóng tròn chiếu ánh sáng vàng vọt không soi tỏ một
căn phòng. Thường thường mọi buổi chiều khi trời không mưa, Tuấn nhảy phóc lên
tàng cây trứng cá trước nhà, nằm giữa chạc bốn chạc năm của cây vừa hưởng gió
mát vừa học bài. Cây trứng cá này người anh con đỡ đầu của ba Tuấn đã trồng đâu
từ khi mới cất căn nhà này, lớn nhưng không cao, tỏa bóng mát nguyên sân trước
nhà. Nếu cây không đổ quá nhiều lá lúc đến mùa lá rụng và trái cây khi chín rộ
không rớt đầy trên sân rủ ruồi kiến đến, bóng mát cây trứng cá là lí tưởng cho
sân nhà tại thành phố Huế hai mùa mưa nắng này. Huế thơ mộng vì hồ Tịnh Tâm sen
đua chen nở, vì dòng sông Hương êm đềm vọng tiếng hò khoan, vì núi Ngự Bình
bình phong che chắn, vì chùa Thiên Mụ trang trọng linh thiêng, vì đài Nam Giao
ghi dấu vua quan võng lọng, và vì bao nhiêu cảnh đẹp làm xiêu lòng người khác,
nhưng cũng là nơi của khí hậu khắc nghiệt chỉ có hai mùa mưa nắng. Mùa nắng
đến, ve Kim Long kêu râm ran, nóng bức đến trong nhà chỉ muốn ở trần, ra ngoài
nắng cháy da thịt. Mùa mưa về, mưa dầm dề có khi tuần lễ liên miên không thấy
ánh mặt trời. Gặp trời mưa, đạp xe đạp trên đường đến trường ngang qua cầu
Trường Tiền lộng gió, Tuấn phải chịu đựng cái rét khắt khe mà ba lớp quần áo
vẫn còn thấy lạnh. Cuối mùa mưa dầm sẽ là những ngày mưa lất phất. Nếu không có
mai vàng, chắc chẳng ai biết mùa xuân đang đến. Tự nhiên, Tuấn lẩm nhẩm hát đi
hát lại một câu trong bài Đồn
vắng chiều xuâncủa Trần
Thiện Thanh:
Nếu mai chưa nở, anh đâu biết xuân về hay chưa.
Căn nhà Tuấn ở trọ thoạt mới nhìn vào tưởng tường xây nhưng
thực sự không phải. Cốt bên trong vách được ghép lại bằng những thanh tre bề
ngang chừng ba phân gài chéo qua nhiều trụ cũng bằng tre đứng dựng song song
với các cây cột nhà bằng gỗ vuông vức. Khi đã hoàn thành phần tre, người ta
dùng xi măng đắp lên lớp trong lớp ngoài, kiểu đắp đất vách nhà ở thôn quê ngày
trước. Tuấn nghĩ đây là một sáng kiến độc đáo của người anh con đỡ đầu của ba
Tuấn vì chẳng thấy nơi nào khác có một căn nhà như vậy.
Anh chị sinh một lèo ba đứa con gái, hai năm một, nên rất ao
ước có được một đứa con trai. Có lần vui miệng, chị than phiền với Tuấn:
“Cậu Tuấn này, chị mong có con trai nhưng chắc khó quá.”
Mặc dù Tuấn liên hệ với anh không với chị, nhưng anh
chị muốn mấy đứa cháu gọi Tuấn bằng “cậu” thay vì bằng “chú” chỉ
vì các cậu ruột của các cháu ở xa hơn, còn các chú ruột thì ở cạnh nhà để tránh
“lầm lẫn.” Tuấn chẳng quan tâm được gọi bằng gì, vì chẳng phải bà con cật ruột.
Nghe chị nói, Tuấn ngạc nhiên hỏi:
“Răng rứa chị?”
Chị nhăn răng cười, nói huỵch toẹt:
“Tại anh cậu cứ như … gà đó!”
Thoạt nghe, Tuấn chưa hiểu chị muốn nói gì vì Tuấn
mới đến tuổi học lớp đệ nhị, biết yêu đương nhưng chưa thực
sự biết đến chuyện vợ chồng. Tuổi trẻ của Tuấn yêu nhau
bằng mồm theo nghĩa bóng. Thư từ viết thì nghe
yêu đương ghê gớm lắm, những yêu
em tha thiết, những hôn em
ngàn cái, nhưng thực sự chẳng bao giờ biết hôn em là gì cả. Hò hẹn nhau cũng chỉ đi
xinê, đi ngắm cảnh, đi ăn bún ăn phở ăn chè mà ăn chè là thường hơn cả. Có hôn
nhau thì cũng chỉ mới dám hôn phớt lên má lên mắt, dạn lắm mới dám hôn tí chút
lên môi. Thế đấy nhưng với bạn bè thì Tuấn thuộc lớp dày dạn lắm rồi. Như Minh đó, yêu con Trâm Anh
đến ngẩn ngơ mà chẳng dám hé môi mở miệng. Nó phục Tuấn lắm khi Tuấn một lúc
được đến hai ba đứa con gái yêu thương, tuần này hẹn con này tuần sau hẹn con
khác, có ngày Chúa nhật sáng đi chơi với con này chiều với con khác. Nó tự thấy
không bằng Tuấn được về nhiều phương diện: Tuấn con “nhà giàu,” học giỏi, đẹp
trai, đủ ba yếu tố cần thiết để nghễ gái và cua gái. Minh cha đã chết, nhà nghèo.
Trước kia, cha Minh cũng là quan huyện thời Bảo Đại nhưng không may thất lộc
sớm. Mạ Minh là thiếp nên chính Minh cũng không được kêu bằng mạ mà phải kêu bằng dì, dành tiếng mạ để gọi người
không phải thực sự là mạ của Minh, tức bà vợ chính của cha
Minh. Vì là thiếp nên khi cha Minh chết đi, dì Minh chỉ được hưởng một phần gia
tài rất nhỏ, gồm một ngôi nhà ngói ba gian đến nay ngày càng rêu phong sụp nát,
một mảnh vườn bao quanh nhà, và vài sào ruộng. Dì Minh, Minh, anh và em gái Minh,
gia đình bốn người sống nhờ vào đó. Lúc còn nhỏ thì đủ cung cấp, nhưng khi anh
em Minh lớn lên bắt đầu học trung học, tiền kiếm ra không đủ cho Minh và em gái
Minh đóng tiền học và chi tiêu ở Huế. Địa phương chỉ đến hết cấp tiểu học là
hết, muốn học tiếp phải vào Huế. Anh Minh lớn hơn Minh vài ba tuổi phải bỏ học,
vẫn chưa kiếm được việc làm nào thích hợp để có tiền chu cấp thêm cho gia đình.
Tuổi tác giữa mạ và dì rất cách biệt. Con gái đầu lòng
của mạ cũng đã hơn tuổi dì. Vì thế dù tuổi còn nhỏ, Minh đã có
cháu gọi bằng ông cậu ruột,
cháu ngoại của chị lớn. Đứa cháu gái gọi Minh bằng ông cậu cũng xấp xỉ tuổi Minh. Có lần theo
Minh về quê ăn giỗ, Tuấn đỏ mặt khi cô cháu gái của Minh nhỏ hơn Tuấn vài tuổi
đã gọi Tuấn bằng ôông ngọt xớt. Lễ phép của người Huế là
thế. Tuấn là bạn Minh nên cháu Minh cũng là cháu Tuấn, cho dẫu chờ vài năm nữa
Tuấn có thể hỏi cưới cô cháu gọi Tuấn bằng ôông đó làm vợ! Làng Hạ Lang, quê Minh,
nằm dọc bờ một dòng sông nhỏ dễ thương có cái tên cũng rất dễ thương, sông Bồ.
Sông Bồ hẹp nhưng nước trong veo. Trên bờ về phía Hạ Lang rải rác một vài
tàng cây đề cổ thụ rủ cành lá la đà chạm xuống mặt nước như mái tóc các cô gái
trong làng đang tắm gội tại bến sông. Từ Hạ Lang đi một đoạn đường chênh chếch
theo hướng đông qua khỏi đồng ruộng Bát Vọng là đến Sịa, đi thêm đoạn nữa là
đến phá Tam Giang mà ai cũng biết qua câu ca dao Thương em anh cũng muốn vô, Sợ
truông nhà Hồ, sợ phá Tam Giang. Đã
đến chợ Sịa thì phải ăn cháo lòng heo, chẳng phải vì cháo ngon đặc biệt mà vì
đó là đặc sản của địa phương này. Làng Hạ Lang hẹp bề ngang và ngắn bề dài,
nhưng lại là làng phát quan văn quan võ. Quan văn như cha Minh ngày trước; quan
võ như một ông đại tá sau này từ một người lính thời Pháp, từ từ lên đến cấp
đại tá dưới thời Cộng hòa cố Tổng thống Diệm. Không cách nào để nói ông đại tá
thăng quan tiến chức không nhờ vào mả
phát cách nào đó. Nếu không
nhờ thế, ông không thể nào lên đến chức cao quyền trọng như vậy được. Ông không
biết chữ, dù chữ Nho, chữ Tây, hay Quốc ngữ. Tiếng Tây ông chỉ biết nói bồi, a lê hấp, cu soong. Tất cả chữ Quốc ngữ ông viết được
là kí lăng quăng cái tên ông để lãnh lương và trên giấy tờ vì chức vụ ông phải
kí. Ông có một vài đệ tử trung thành, được ông chiều chuộng mọi mặt, chỉ để ông
đủ tin tưởng khi nghe đọc các văn thư mà ông phải kí tên vào. Ông cũng chẳng
che giấu gì sự dốt chữ của ông, tự hào nữa là khác. Ông thường nói:
“Tụi bay coi. Tau đâu cần học hành chi cho mệt mà chừ cũng
mang lon như người ta.”
Nói thì nói vậy nhưng ông bắt con cái ông đi học dữ lắm. Ông
nhiều con vì có đến bốn năm bà vợ. Bà vợ cuối cùng đẻ cho ông một đứa con trai
là một bà còn rất trẻ, chưa chừng còn nhỏ hơn tuổi con đầu lòng của ông. Bà này
trước khi lấy ông đã có một đứa con với ai đó theo Việt Minh tập kết hồi năm
tư. Thời đó, rất nhiều người theo Việt Minh để chống Pháp, chống thực dân đã
gây ra thảm cảnh cho đất nước, mà Huế là nơi đã chịu nhiều tang thương kể từ
ngày Tây chăng dây thép họa
địa đồ nước Nam. Có lần Tuấn hỏi người anh của Minh:
“Làng Hạ Lang mình trước đây quan quyền như rứa, răng đến chừ
chẳng thấy ai làm nên chi được rứa anh?”
Anh của Minh còn trẻ, chỉ hơn Minh chừng vài ba tuổi, nhưng chậm
rãi và chững chạc như một ông cụ đồ nho. Anh thong thả trả lời:
“Tại làng mình đứt long mạch.”
Tuấn trố mắt hỏi lại:
“Là chi rứa anh? Mà răng anh biết?”
“Như ri nì. Trước tê có thầy địa lí nói làng mình phát quan là nhờ
vùng cánh đồng bọc sau làng có long mạch, đừng ai đụng đến làm đứt đi.”
“Rứa ai làm chi mà đứt?”
“Là lúc đào hào làm hàng rào ấp chiến lược. Mấy ông già trong làng
đã nói không được đào chỗ nớ nhưng lính mô có nghe. Họ đào đến chỗ mô, nước đỏ
ngập đến chỗ nớ. Mấy ông già than lắm, nói là long mạch đứt nên nước đỏ như
máu.”
Anh suy nghĩ một chút rồi nói tiếp:
“Ong thầy địa lí cũng nói rứa là long mạch đứt rồi.”
Thầy địa lí còn cho biết hậu quả là Hạ Lang sẽ không
bao giờ có người làm được nên quan văn quan võ cho đáng tỏ mặt nữa. Ngoài ra,
không được xây mộ cho người chết, gia đình nào xây sẽ tuyệt tự. Từ đó, trong
làng tin hay không tin cũng chẳng ai dám xây mộ xây lăng cho người chết như
trước nữa, luận rằng giả như không tin mà cứ xây rồi tuyệt tự thật thì làm sao?
Vì thế, thấy ngôi mộ nào đã xây biết ngay là mộ đời xưa còn lại.
Chiều hôm đó, anh dẫn Tuấn và Minh đến xem nơi long mạch bị đứt.
Đó là một đường hào dài chừng mười mét, rộng hơn một mét, sâu chừng hơn một mét
theo lời anh nói, chứa nước đỏ ngầu đặc sệt. Tuấn ngẫm nghĩ trong lòng nhưng
không dám nói ra, cho rằng nước đỏ chỉ vì chảy qua vùng đất đỏ núi lửa. Toàn
làng Hạ Lang dẫu đất pha cát xám nhưng con đường từ Văn Xá dẫn vào làng lại là
đất đỏ chứng tỏ vùng này có một lạch đất đỏ núi lửa chạy qua. Con đường này vào
mùa mưa trơn trợt và lầy lội, đi bộ hoặc đi xe đạp xe gắn máy đều có thể xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài không cưỡng lại được. Coi xong hào
“đứt long mạch,” anh Minh còn dẫn hai đứa vòng qua nghĩa trang cũng gần đó, chỉ
cho thấy các ngôi mộ chỉ đắp đất mà không một mộ nào xây lăng.
* * *
Cơm
nước vừa xong, nghe tiếng Minh gọi trước cửa, Tuấn vội thay đồ, xin phép anh
chị đi chơi với Minh rồi dắt xe đạp ra. Lúc Tuấn mới về trọ, anh chị hễ thấy
Tuấn đi chơi đêm là không vừa lòng. Chẳng phải anh chị sợ gì nhưng chỉ sợ Tuấn
không học xong bài vở làm anh chị có lỗi với ba Tuấn. Nhưng rồi Tuấn đem học bạ
về cho thấy tháng nào cũng đứng nhứt nhì ba tư trong lớp nên anh chị không còn
lo lắng nữa, biết Tuấn lúc nào cũng lo học bài trước khi đi đây đi đó. Chị hỏi
Tuấn:
“Em cần tiền không?”
“Dạ, không chị. Tiền chị đưa bữa trước em còn nhiều. Em
chỉ đi loanh quanh với Minh thôi, chẳng tiêu pha chi nhiều mô.”
Anh chị biết thế. Tuấn có tiền của ba mạ gửi trước
nhưng không tiêu pha phá phách như những đứa khác. Dẫu vậy,
số tiền Tuấn chi dùng mỗi tuần cũng đã cao hơn đám bạn Tuấn
như Minh chẳng hạn.
Chuyện kết thân giữa Tuấn và Minh cũng lạ lắm, nhưng
chẳng ai biết ngoại trừ hai người và về sau gia đình Minh. Tuấn và Minh nhập
học trường Bán Công Huế, ngay năm đầu tiên trường mới mở ra. Trường do
thầy Nguyễn Văn Hai, Giám đốc nha Học chánh Trung phần giữ chức hiệu
trưởng và cũng là người bỏ tiền ra xây dựng, nằm gần cầu Trường Tiền, cạnh
Morin. Hai người học cùng lớp đệ tam C1, ngồi gần nhau nhưng chẳng ai biết ai
vì trước đó mỗi người học một trường khác nhau. Tính Tuấn ít thích giao du đàn
đúm, thường chọn bạn rất kĩ. Sau tháng đầu tiên học phí phải đóng trước khi
nhập học, tháng nào thầy quản lí cũng xách sổ đến từng lớp gọi tên các học sinh
quá hạn chưa đóng học phí. Và tháng nào Tuấn cũng nghe gọi tên Minh. Học phí
trường tư lúc đó cao lắm, mỗi tháng bốn trăm, hơn phân nửa tiền lương của một
người lính binh nhì mỗi tháng 750 đồng. Từ tháng thứ hai trở đi, Tuấn là thành
phần học sinh xuất sắc nên nhà trường tự động bớt phân nửa học phí, không cần
xin xỏ. Nghe đọc tên Minh lần đầu, Tuấn không chú ý gì đến. Tháng kế tiếp và
vài ba tháng sau đó, tháng nào Tuấn cũng nghe đọc tên Minh và còn nhấn mạnh đến
tháng trước tháng trước nữa vẫn chưa đóng tiền học. Dù một vài học sinh trễ nải
tiền học như thế, không biết các trường tư khác thế nào nhưng trường Bán Công
vẫn không đuổi, chỉ gọi tên nhắc nhở. Thầy hiệu trưởng có bụng lân tài cách
riêng, phần biết hoàn cảnh khó khăn của học sinh, phần muốn họ vẫn có thể tiếp
tục học hành chuẩn bị tương lai không riêng chỉ cho họ mà còn cho xã hội đất
nước.
Tìm hiểu gia cảnh của Minh, Tuấn biết được gia đình Minh không đủ
tiền cho Minh ăn học, Minh phải kèm trẻ để có chỗ ăn ở và có tiền. Gia đình
nhận Minh vào dạy kèm con cái họ cũng chỉ là công chức ba đồng ba cọc, bao bọc
Minh có lẽ vì tình quen biết sao đó hơn là vì thực sự cần người kèm con cái họ.
Ngoài việc ăn ở trong nhà không mất tiền, Minh không được trả bao nhiêu tiền
công và chủ nhà cũng chẳng đặt vấn đề ưu tiên phải trả tiền đều đặn hàng tháng
cho Minh. Vì thế, tháng nào Minh cũng vẫn không có tiền đóng học phí dù đã được
giảm nửa phần vì là học sinh nghèo theo đơn xin. Mà cho dẫu được chủ nhà trả
tiền, Minh cũng không thể có đủ đóng cho các tháng còn nợ. Minh học trung bình,
không được như Tuấn. Nếu được như Tuấn, có lẽ Minh chẳng phải đóng đồng nào vì
được bớt phân nửa do hoàn cảnh gia đình thêm phân nửa vì học giỏi.
Một hôm, Tuấn đến trường sớm hơn thường lệ, lúc sân trường
còn vắng hoe chỉ lác đác vài học sinh. Đi thẳng vào văn phòng gặp thầy quản lí,
Tuấn đưa tiền đóng hết học phí Minh còn thiếu, và xin thầy đừng bao giờ cho
Minh hoặc bất cứ ai biết kể cả thầy hiệu trưởng. Từ đó, hàng tháng, Tuấn đóng
luôn hai phần học phí cho hai người, trừ tháng nào Minh đã có tiền đóng. Minh
bắt đầu ngạc nhiên vì không nghe gọi tên thiếu tiền học nữa, nhưng không hề
nghĩ đã có người đóng giúp. Khi được gia đình kèm trẻ trả cho ít tiền, Minh đem
vào đóng thì được thầy quản lí cho biết học phí đã đóng rồi. Minh hỏi thầy quản
lí:
“Phiền thầy xem lại, có lầm lẫn chi không thầy? Em chưa đóng tiền
mà?”
Thầy cười cười, bảo Minh:
“Thầy nói là tiền học của em đã đóng đủ rồi, em đừng lo nữa.”
Mình gặng hỏi:
“Răng lạ rứa thầy? Bộ có ai đóng cho em? Thầy cho em biết ai rứa,
được không thầy?”
Thầy vẫn cười cười, trả lời Minh:
“Thầy có biết ai đóng cho em mô, chỉ thấy trong sổ ghi em đã đóng
đủ.”
Nhiều tháng trôi qua. Minh vẫn không biết ai đã đóng tiền học cho
mình và bắt đầu nghi ngờ rình rập. Đến kì phải đóng học phí, Minh thập thà thập
thò chỗ cửa sổ học sinh xếp hàng bên ngoài đưa tiền cho thầy quản lí ngồi bên
trong, nhưng chẳng thấy một ai đóng nhiều hơn số tiền phải đóng. Học sinh nào
đưa tiền cũng nói tên, lớp, và số tiền cho thầy quản lí trước khi thầy đếm lại
ghi vào sổ. Minh cũng ngạc nhiên không thấy tháng nào Tuấn đóng tiền ở cửa sổ
như mọi học sinh khác. Hỏi Tuấn, Tuấn cười bảo Minh:
“Tau đóng một lúc mấy tháng liền nên mô cần phải đứng trước cửa
sổ.”
Minh tin là thật, làm sao biết được Tuấn đã
có giao hẹn với thầy quản lí nên tháng nào cũng đóng riêng với
chỉ một mình thấy vào lúc học sinh chưa đến.
Một sáng sớm, Minh có chuyện phải vào văn phòng gặp thầy quản lí,
đúng lúc Tuấn đang đưa tiền cho thầy và nhìn thấy rõ ràng thầy đang ghi sổ số
tiền Tuấn đóng vào chỗ tên Minh. Biết không còn cách nào giấu nhẹm, Tuấn bảo
Minh:
“Mi đã biết rồi, tau không giấu được nữa. Chuyện ni chỉ thầy quản
lí, tau và mi biết, đừng bao giờ nói với ai. Mi cũng đừng mặc cảm. Tau với mi
thân thiết nhất, gia đình tau có tiền, tau chỉ muốn giúp mi một chút để mi bớt
phần lo lắng xao lãng việc học.”
Minh giữ lời không nói với ai ngoại trừ dì và anh của Minh. Sở dĩ Minh cho gia
đình biết trước hết vì không thể che giấu một chuyện quan trọng như vậy, sau
nữa muốn dì và anh của Minh đối xử với Tuấn không chỉ như là bạn của Minh mà
phải còn có gì hơn thế nữa, chẳng khác con cái trong nhà.
* * *
Hai
người đạp xe đạp từ nhà Tuấn thuộc khu Canh Nông phía sau hồ Tịnh Tâm ra cửa
Thượng Tứ để đến Thương Bạc. Tuấn cố tình dẫn Minh đi theo con hẽm ngang qua
nhà Trâm Anh bên cạnh chợ. Nếu không vì cố tình, Tuấn có thể dẫn Minh đi con
đường khác ngắn hơn. Tuấn nói:
“Hay tụi mình vô gặp Trâm Anh rủ hắn đi ăn chè luôn? Rủ luôn hai
anh em hắn?”
Minh lắc đầu la bai bãi:
“Không được mô mi, không được mô.”
Tuấn được nà trêu tiếp:
“Chơ răng mà không được? Rủ tụi hắn đi cho mi có dịp tâm sự. Mi
cũng đẹp trai như ai chơ bộ. Mi thương hắn thì tìm dịp mà nói cho hắn biết.”
Minh nói:
“Răng rủ Trâm Anh đi ăn chè đút được? Hắn nghĩ tau bậy bạ với con
mô ngoài nớ thì tan hoang hết.”
Tuấn cười, ghẹo Minh:
“Cái thằng, chưa chi mà đã sợ vợ.”
Minh gò lưng đạp xe, không nói gì. Lòng Minh đang rộn
lên vì hình ảnh của Trâm Anh. Hoàng, anh của Trâm Anh, học chung lớp với Minh
và Tuấn. Thực sự Hoàng không phải là anh ruột mà là anh con bạn dì với Trâm
Anh. Cha mẹ Trâm Anh vì lí do nào đó không thể sinh con nữa khi Trâm Anh còn
nhỏ. Chắc chắn không thể có con trai nối dõi, ông bà xin vợ chồng em gái bà cho
nhận một trong các con trai của họ làm con thừa tự, đổi theo họ ông. Cha mạ
Hoàng, đúng ra là cha mẹ nuôi nguyên dì dượng, ở vào hai thái cực hoàn toàn khác
biệt nhau về vóc dáng. Cha Hoàng cấp thượng sĩ còn tại ngũ, gầy ốm và cao, dáng
người điềm đạm nghiêm khắc. Mạ Hoàng trái lại to mập và thấp, chưa thấy mặt đã
nghe tiếng. Hình dáng to mập của bà nổi danh và trở thành tiêu biểu đến nỗi
người Huế khi nói đến người mập đều đưa bà ra so sánh. Họ nói mập như mụ Liến hoặc hơn thua mụ Liến một chút là người nghe hiểu ngay mập đến cỡ
nào không cần giải thích thêm. Liến là tên mạ nuôi mà cũng là dì, chị của mạ
ruột Hoàng. Bà mập đến nỗi ghế ngồi của xe xích lô không thể nào chứa hết vòng
mông của bà. Các chú các bác chạy xe khi nghe bà gọi đều, thứ nhất phải lên
giá, thứ hai phải thận trọng khi bà lên xuống, và thứ ba phải thận trọng ngay
cả khi đạp xe. Thận trọng là vì xe dễ lật do sức nặng của bà, một khi xe nghiêng
rất khó lấy lại thăng bằng. Để ngồi lên xe, bà phải lựa chiều lắc mông thế nào
đó cho mông lọt được xuống ghế.
Hoàng được cha mạ nuôi cưng chiều hết mực. Tuy là bạn học
cùng trường cùng lớp cùng đường đi nhưng sau vài lần thử, Tuấn không còn dám
đến rủ Hoàng đi chung nữa. Sáng nào Tuấn đến cũng phải đợi Hoàng ăn sáng. Hoàng
rất khó khăn trong việc ăn uống và mọi việc, mặc dù gia đình chẳng giàu có gì
cho lắm, có lẽ vì biết giá trị con
cầu con khẩn của chính mình.
Khi thức dậy, Hoàng không chịu đánh răng rửa mặt nếu trên bàn chải không có sẵn
kem đánh răng, không có thau nước trên giá, và không có khăn lau mặt giặt thơm
tho để sẵn. Huế chưa có nước phông ten và chậu rửa mặt. Người ta đóng một cái
giá ba chân có vị trí để chậu nước ở tầm cao quá thắt lưng một vài tấc. Vị trí
để chậu nước do ba cây ngang hợp thành chữ T. Cạnh ngang của chữ T dài gấp đôi
cạnh đứng khớp mộng vào hai trụ trước. Cạnh đứng khớp một đầu vào trung điểm
cạnh ngang, đầu kia vào trụ sau. Hai trụ trước tiếp tục nhô cao lên chừng hơn tấc
để giữ chậu thau. Trụ sau cao lên thêm nữa, hợp với một thanh ngang khác làm
thành giá vắt khăn mặt. Rửa mặt xong, Hoàng ngồi vào bàn dùng thức ăn sáng đã
dọn sẵn. Nếu là xôi, phải được ép lại thành như một cái bánh to chừng cái đĩa
nhỏ, chiên vàng hai mặt. Chiên không đủ vàng hoặc quá lửa Hoàng đều không ăn.
Nếu là bánh ướt, phải có nhân tôm chấy bên trong và thịt hoặc lòng heo luộc đi
kèm. Nếu là bún phở phải mua ở hàng ăn ngon nhất tại khu chợ, khác mùi vị là
Hoàng không động đũa. Hoàng nhõng nhẽo dù đã học đến đệ nhị khiến chính Trâm
Anh là con gái ruột cũng phải lắc đầu. Nếu không phải vì Trâm Anh, chắc chắn
Tuấn và Minh chạy mặt không dám kết bạn với Hoàng.
Khi hai người chạy xe ngang qua nhà Trâm Anh, Minh cúi mặt xuống
không dám nhìn vào nhà. Trời đã tối nhưng anh chàng vẫn sợ lỡ bắt gặp ánh mắt
Trâm Anh nhìn ra sẽ rụng rời tay chân luống ca luống cuống làm dịp cho Tuấn
trêu chọc. Minh không bao giờ dám đến nhà Trâm Anh mà không có Tuấn đi kèm.
Trăm lần như một, ngoài đường cũng như trong nhà, cứ thấy bóng dáng Trâm Anh là
Minh ngẩn người, thậm chí có lúc cha mạ Trâm Anh hỏi đến cũng trả lời lúng ta
lúng túng. Nhiều lần Tuấn phải trả lời thay Minh. Cha mạ Trâm Anh và Hoàng đều
biết Minh để ý Trâm Anh mà chưa dám thổ lộ. Chính Trâm Anh cũng biết dù vẫn làm
như không biết gì. Phong cách e dè của con gái Huế không cho phép để tình cảm
riêng tư lộ ra bên ngoài. Cô gái Huế nào để lộ tình cảm ra ngoài sẽ không thoát
khỏi lời gièm pha chế diễu của người chung quanh:
“Cái con nớ đĩ lắm.
Đồ gái thúi theo trai, trâu
chưa đi tìm cọc mà cọc đã đi tìm trâu. Thằng mô bạc phước lấy con nớ không
cách mô không bị mọc sừng.”
Con gái Huế vì thế dù có thương ai cũng
chỉ giấu kín trong lòng. Nhiều khi cha mẹ nhận lời người khác không phải
người mình thương, hỏi ý kiến cũng không dám đi ngược lại ý cha mẹ. Nếu đã để
tình cảm quá đậm đà, thường thường con gái Huế đi đến phản ứng tiêu cực, nổi
cơn điên loạn hoặc tự hủy hoại tấm thân.
Qua nửa chừng nhà Trâm Anh, Tuấn đùa Minh:
“Con Trâm Anh ngồi giòm ra đó, mi chộ không?”
“Chộ chi mô?”
“Cái thằng, hắn ngồi thù lù một đống ngay bàn phía trước dưới bóng
điện mà mi không chộ răng được?”
Tuấn cười. Tuấn chỉ chọc Minh thôi chứ nào đâu thấy bóng dáng Trâm
Anh. Trong khi đó, Minh lại tưởng thật, liên hồi hỏi Tuấn:
“Thiệt không mi? Hắn chộ tụi mình đi qua không? Hắn đẹp không mi?”
Tuấn cười thành tiếng:
“Thiệt, hắn ngồi nhìn ra, tóc xỏa, mắt mơ màng, đẹp như cô gái
liêu trai!”
Minh chẳng hề thắc mắc sao chỉ thoáng qua rất nhanh
mà Tuấn biết được mắt Trâm Anh đang mơ màng. Tuấn trái lại mỉm cười một
mình, biết chắc đêm nay thế nào Minh cũng ôm hình bóng cô gái liêu trai vào
giấc mộng. Hai đứa chạy ra khỏi hồ Tịnh Tâm đến đường Đoàn Thị Điểm. Hồ Tịnh
Tâm mơ hồ dưới ánh trăng đầu tháng, rờn rợn trong sương như đang thấp thoáng
các công chúa công nương xiêm áo phất phơ dạo chơi cùng cung tần thị nữ. Hơi
bùn tanh tanh bốc lên như cố làm hại hương sen thơm ngát đang nở rộ. Qua khỏi
ngã ba Mai Thúc Loan hướng ra cửa Đông Ba, bên trái đường, trước khi rẽ phải đi
ra cửa Thượng Tứ, đường Âm Hồn khuất dưới các tàng cây. Minh đạp xe lên ngang
Tuấn, chỉ về phía tay trái, hỏi:
“Tại răng con đường ni người Huế lại kêu bằng đường Âm Hồn, mi
biết không?”
“Tau không rành lắm, nhưng có lẽ tại có miếu Âm Hồn ở chỗ đường
Mai Thúc Loan.”
“Răng có miếu Âm Hồn?”
“Miếu nớ để thờ các vong linh bị chết tức tưởi ngày 23 tháng 5 âm
lịch năm Ât Dậu tức năm 1885 lúc Tây đánh vô đại nội.”
Cứ đến ngày 23 tháng 5 âm lịch hàng năm, người Huế nhà nhà bày bàn
lễ vật trước sân ngoài đường cúng vái các âm hồn đã chết oan khuất dưới tay
người Pháp, gọi là cúng âm hồn.
Nhà nào cũng cúng dù có hay không có thân nhân đã bị thực dân Pháp giết chết
trong ngày Pháp tấn công vào thủ đô Huế của nhà Nguyễn đặt ách đô hộ lên dân
nước Việt Nam.
Minh ngẫm nghĩ rồi hỏi tiếp:
“Răng tụi Tây đánh mình rứa?”
Tuấn cười, nói:
“Cái thằng. Mi cũng học cùng lớp như tau mà răng mi không nhớ chi
hết, cái chi cũng hỏi rứa?”
Minh cười giả lả:
“Mi biết tau rồi mà. Đầu óc tau mô có được như mi. Nói cho
tau nhớ chút, lỡ bữa mô thi oral bị hỏi.”
“Tại trước đó vào tháng hai, De
Courcy hạnh hoẹ với vua Hàm
Nghi, đòi vua phải cống hàng vạn lạng vàng làng bạc và hàng vạn quan tiền. Tụi
hắn còn kéo quan quân binh lính đòi phải để cả bọn đi vào điện Thái Hòa qua cửa
Ngọ Môn là cửa theo phép nước chỉ có vua mới được đi qua, rồi bắt vua phải
xuống ngai tiếp đón.”
“Rồi răng nữa?”
“Hàm Nghi giận quá sai Tôn Thất Thuyết đem quân đánh đồn Mang Cá
tối 22 tháng 5.”
“Mang Cá là đồn chừ vẫn còn trong Cầu Kho đó, phải không?”
“Đúng rồi, chỗ nớ đó. Lúc đó đồn do lính Tây đóng. Quân mình
thua vì gươm giáo không thể nào địch lại được súng đạn. Sáng hôm sau, tụi Tây
phản công đánh vào đại nội. Quan quân dân kéo nhau chạy loạn, bị Tây tàn sát ở
cửa Đông Ba góc đường Mai Thúc Loan với đường Ông Ích Khiêm, chỗ có miếu Âm Hồn
đó.”
“Mi nói tau mới hiểu lí do dân Huế mình cúng âm hồn.”
Minh ngưng một chút rồi hỏi tiếp Tuấn:
“Cái tên Ông Ích Khiêm nhắc tau nhớ một câu nói chi mà tau nhớ
không nỗi.”
“Chắc mi cố nhớ câu lớn
bé đều là chó cả, phải không?”
“Đúng rồi, mà răng có câu nớ rứa mi?”
“Là tại như ri. Tự Đức chết không có con ruột, nuôi ba đứa
cháu con của hai người em ruột làm con nuôi, đổi tên người lớn nhất Ưng Ái
thành Ưng Chân, hai người kia là Ưng Đăng và Ưng Lịch vốn là hai anh em ruột.
Khi Ưng Chân lên 31 tuổi, Tự Đức sắp thăng hà, di chiếu đặt Ưng Chân lên nối
ngôi. Ưng Chân lên ngôi chỉ được ba ngày chưa kịp đặt
niên hiệu, Dục Đức chỉ là mượn tạm tên ngôi nhà Tự
Đức xây lên đặt tên là Dục Đức
đường để làm nơi dạy dỗ Ưng
Chân. Trần Tiễn Thành,
Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết được phong làm quan phụ chính.”
“Răng chỉ làm vua được có ba ngày rứa?”
“Trong di chiếu, Tự Đức viết rõ Ưng Chân chỉ còn một mắt
lại hoang dâm nên lo ngại sẽ không trở thành minh quân được, đặt lên nối ngôi
chỉ vì hai con kia còn quá nhỏ tuổi. Khi đọc di chiếu, Ưng Chân đọc thoáng
nhanh đoạn này. Nguyễn Văn Tường viện cớ đó cho là Ưng Chân sửa đổi di chiếu, được sự ủng hộ củaHoàng
Thái hậu Từ Dũ và Hoàng hậu Lệ Thiên Anh, phế Dục
Đức, tôn Hồng Dật con út của Thiệu Trị lên ngôi hiệu
là Hiệp Hòa. Bốn tháng sau, Tường phế Hiệp Hòa,
tôn Ưng Đăng mới 14 tuổi lên làm vua lấy hiệu là Kiến Phước. Ba ông này đều thay
nhau làm vua năm 1883. Sáu tháng sau, Tường phế Kiến Phước, tôn Ưng Lịch mới 12 tuổi lên ngôi hiệu là Hàm Nghi năm 1884.”
“Rứa ông phụ chánh Trần Tiễn Thành mô rồi?”
“Ông nớ bị Tường và Thuyết giết chết rồi vì không cùng phe cánh.”
“Rắc rối dữ. Rồi răng nữa?”
“Sau đó, triều đình kí Hòa ước Patenôtre tức Hòa
ước Giáp Thân tháng 6 năm
1884, công nhận quyền Pháp bảo hộ nước mình.”
“Rứa có liên hệ chi đến Ông Ích Khiêm mô?”
“Ông Ích Khiêm là võ quan có công lớn thời Tự Đức, chống lại Tường
và Thuyết lạm quyền nên bị bỏ tù. Trong tù, ông viết hai câu thơ, Nhất giang lưỡng quốc nan phân
thuyết, Tứ nguyệt tam vương thậm bất tường.”
“Nghĩa là chi mi?”
“Nghĩa là một con sông có hai nước khó mà bàn cho ra
chuyện, Bốn tháng có ba ông vua là điềm hết sức không tốt. Hai câu thơ có chữ cuối là tên của
Thuyết và Tường, ý nói đến chuyện đất nước có hai chủ cả Việt cả Pháp, và
chuyện thay vua của Tường Thuyết.”
“Vẫn chưa có chi về chó cả.”
“Chưa, đừng nóng. Ông Ích Khiêm buồn vì quan lớn quan nhỏ chỉ biết
vâng dạ, chẳng ai dám đứng lên lo cho nước nhà, nên mời các quan đến dự tiệc.
Cỗ bàn dọn ê hề, nhưng các quan chẳng ai nhận ra món ăn nấu bằng thịt con vật
nào. Được hỏi, Ông Ích Khiêm đứng lên vòng tay trả lời, Bẩm các quan, có chi mô. Lớn bé đều
là chó cả.”
Minh cười:
“Ông quan ni sâu sắc thiệt.”
“Chưa hết. Tiệc tàn, ông không cho đưa trà nước lên như thường lệ.
Các quan gọi nước uống. Khiêm mắng người nhà, Lũ
bay toàn bọn ăn hại, chỉ có chuyện nước mà cũng chẳng biết lo.”
Minh cười rúc rích:
“Hay thiệt, hay thiệt. Cái ông Ông Ích Khiêm này thâm thúy và cay
độc thiệt.”
Hai đứa vừa trò chuyện vừa ra khỏi cửa Thượng Tứ. Minh lại
hỏi Tuấn:
“Rứa mi có biết tại răng người Huế mình kêu mấy mụ đàn bà
chằng là ngựa Thượng Tứ, còn mấy đứa con gái mất nết thì nói là cho ngựa Thượng
Tứ giày không?”
“Cái đó dễ ợt. Gần cửa Thượng Tứ cũng gọi là cửa Đông Nam có
một nơi nuôi ngựa cho vua nhà Nguyễn ngày trước gọi là viện Thượng Tứ. Thượng
để chỉ cái chi thuộc về nhà vua, ví như hoàng thượng. Tứ là giống ngựa Tứ, để
chỉ con ngựa hay ngựa giỏi như trong câu nhất
ngôn kí xuất, Tứ mã nan truy.”
“Rứa chữ tứ trong
câu nớ không có nghĩa là bốn răng?”
“Không mô, Tứ là tên một giống ngựa tốt. Có người cho rằng chữ tứ
ni viết bên trái bộ mã là ngựa, bên phải chữ tứ là bốn, gộp lại có nghĩa là
chiếc xe do bốn ngựa kéo. Tau chưa tận mắt đọc được cách viết đúng của câu ni
nên chẳng dám quyết, chỉ nói theo người khác thôi.”
Minh cười hì hì:
“Bộ mi cũng ‘háng rộng’ răng mi?”
Tuấn cười theo, nói:
“Cái thằng, mi chọc tau. Tau chỉ biết chút chút.”
“Rứa chữ tứ nghĩa
là con ngựa giống Tứ như mi nói đó viết ra răng?”
“Tau chưa tìm ra. Bữa mô tìm được tau nói mi nghe.”
“Rứa răng gọi mấy mụ bà chằng là ngựa Tứ?”
“Thì tại ngựa được nuôi ở chuồng ngựa của vua là loại ngựa chiến,
hung dữ lắm, giống như mấy mụ đanh đá hung dữ.”
“Còn tụi con gái mất nết?”
“Thì tại ngày xưa người phạm trọng tội có khi bị xử chết bằng voi
giày ngựa xéo, như kiểu Minh Mạng giết người có đạo Thiên Chúa tại Trường Voi
đó. Tại rứa, người Huế mình nói tụi con gái mất nết đáng đem ra cho ngựa Thượng
Tứ giày xéo chết hết khuất mắt.”
“Chi dữ rứa? Tụi nó mất nết thì đập vô đít, chơ giết chết hết rồi
lấy con gái mô cưới làm vợ?”
“Cái thằng. Bộ mi cho con gái đứa mô cũng mất nết hết răng?”
Hai đứa băng qua đường đến Thương Bạc. Thương Bạc là nơi nhà
Nguyễn thời Tự Đức dùng làm công quán để tiếp đón các phái đoàn nước ngoài.
Trước khi có Thương Bạc, thời Minh Mạng, Mang Cá được dùng vào việc này, gọi là
Cung Quán. Vườn Thương Bạc nằm gần Phu Văn Lâu, nơi truyền lô xướng danh tử sĩ
hoặc lệnh vua ban ra. Đặc biệt trong vườn Thương Bạc, ngoài các loại cây thông
thường, có một cây cao hơn bốn năm mét, lá lớn như lá xoài, cành không vươn ra
như các tàng cây khác. Nhìn từ xa, hình dạng cây trông giống loại cây thông
quen thấy trên các thiệp Giáng Sinh, nhọn trên đầu rồi rộng dần ra bên dưới
theo hình chóp nón nhọn. Cành cây này không tỏa ra mà xếp gọn cùng kiểu cách
với cây thông tuy không gọn gàng và thẳng băng như thế. Huế nói chung cây không
rụng lá vào mùa thu, vì Huế thực sự chẳng có mùa thu hay mùa đông mà chỉ có hai
mùa mưa nắng rõ rệt. Riêng cây này, vào chớm thu, lá vàng dần, đợi khi có trận
gió lớn, cây trút hết lá xuống cùng một lúc phủ ngập gốc
cây.
Ban ngày khu vực này chỉ là vườn cây nhưng ban đêm
là nơi buôn bán các thức ăn bình dân và không kềnh càng
như trứng vịt lộn, chè cháo, và đặc biệt là chè đút.
Chè đút không phải là loại chè gì đặc biệt trong cách nấu hoặc trong vật liệu
để nấu mà đặc biệt trong cách ăn. Mà cũng chẳng phải đặc biệt trong cách ăn vì
ăn thì ai cũng cho vào miệng nhai nuốt. Cái đặc biệt chính là cách đưa vào miệng.
Khách ăn chè đút nằm trên một chiếc ghế vải loại ghế thường dùng nghỉ ngơi
thoải mái ở bãi biển. Khách tùy ý chọn món chè mình thích, do nhiều gánh khác
nhau bán. Đủ loại chè: chè đậu xanh đánh, chè đậu xanh hột, chè hoa cau, chè
đậu đỏ, chè đậu đen, chè đậu ván, chè bột lọc, chè bột lọc thịt quay, chè bột
lọc đậu phụng, chè hột sen, chè khoai tía, chè khoai môn, chè bắp…. Có lẽ chỉ
một thứ chè không thấy góp mặt, đó là chè kê, không biết có phải vì chè này khó
nấu hay không.
Khách chọn chè xong, người bán múc ra chén. Sau đó là cái
khoái của người nằm ăn. Một cô gái trẻ trên dưới mười
tám đôi mươi bưng chè lại, bắc một chiếc ghế nhỏ ngồi bên cạnh khách. Cô gái
múc chè, nhẹ nhàng đưa muỗng lên miệng khách. Khách chỉ làm việc còn lại, há
miệng ra, nhai chè và nuốt. Nuốt xong muỗng chè, khách và cô gái có thể trò
chuyện tâm tình giỡn hớt trước khi ăn muỗng khác, nhưng chớ mó máy dù hai tay
rảnh rỗi không phải bưng chén không phải múc chè. Giỡn hớt gì cũng có thể được
tùy thân sơ, nhưng mó máy thì đừng hòng. Gặp khách lạ táy máy, các cô sẽ nghiêm
trang mắng vào mặt khách. Nếu có lần nào khách quay lại và nếu nhớ mặt, chẳng
cô chịu tiếp. Gặp khách quen và nhất là khách xộp, đùa giỡn tí chút nhưng không
quá sỗ sàng thì không sao, quá đáng cũng sẽ bị phản ứng không thuận lời và chạy
mặt lần sau. Dĩ nhiên, mỗi gánh chè không phải một mà nhiều cô, mỗi cô chỉ tiếp
một khách, không chạy bàn như vũ nữ. Các cô phần lớn không phải là người nhà
của chủ gánh chè mà chỉ là nhân
viên chuyên nghiệp tụ tập
hàng đêm tại đó. Chẳng biết các cô nhận được tiền công từ ai, vì thời đó không
có thói quen cho tiền thưởng pourboire gọi theo tiếng Pháp hay tiền tip theo tiếng Anh, mặc dù khách quen
xộp cũng có lúc cho, thường là số tiền còn lại các cô không cần phải thối.
Tuấn dẫn Minh đến chỗ Lan quen thuộc. Thấy hai người đến, Lan
cười duyên rồi vồn vã hỏi:
“Anh Tuấn với anh Minh ăn chè chi để em kêu múc?”
Tuấn cười, đưa tay nắm lấy tay Lan, ghẹo:
“Anh muốn ăn chè em.”
Lan véo lên tay Tuấn, cười nói:
“Chè em là
chè chi rứa? Để em hỏi bà bán
chè coi có không vì thứ chè ni lạ hoắc.”
Tuấn cười:
“Chè nớ chỉ có em có thôi, bà bán không có mô.”
“Anh ni kì. Em có nấu chè bán mô. Mà có nấu cũng chẳng bán
chè em.”
Tuấn bầy trây:
“Chừ anh chỉ ưng ăn thứ chè em đó thôi, em bán không?”
Lan biết nói không lại Tuấn nên quay qua hỏi Minh:
“Còn anh Minh ăn chè chi?”
Minh cũng làm dạn, theo Tuấn ghẹo Lan:
“Anh Tuấn ăn chi anh ăn nấy. Anh nớ ăn chè em anh cũng rứa!”
Lan chịu thua, đi đến chỗ bà bán chè bảo múc
hai chén không đợi hai người cho biết muốn ăn chè gì. Cô đã thuộc lòng hai
người khách quen thuộc này thích ăn gì, và nhất là biết hai người sẽ không từ
chối nếu cô đem lại không đúng ý. Nói thế nhưng mười lần hết chín, Lan đều đem
lại đúng ý hai người: chè bông cau rồi theo sau là chè bột lọc thịt quay.
Chè gọi là bông cau không phải nấu bằng hoa cây cau,
vì hoa này dù thơm dễ chịu nhưng không ăn được. Đó
là chè nấu bằng đậu xanh bỏ vỏ không cà, nghĩa là không làm bể hạt
đậu ra. Nấu loại chè này phải có một kĩ thuật cao, thế nào để hạt đậu chín mềm nhưng
không nát không bở, nở xoè trông giống hoa của cây cau thường nằm gọn trong tàu cau thành từng chùm màu vàng nhạt. Đậu
nở xong, cho đường phèn vào để trong nước và ngọt thanh. Ở Huế nhiều người bán
chè bông cau, nhưng nổi tiếng nhất chỉ có một bà gánh bán ngày mấy giờ quanh
vùng Bến Ngự trước nhà thờ Phủ Cam. Bà này lúc trước chuyên nấu chè cho vua ăn
trong hoàng cung đại nội. Nhà nào hôm nào có ý định ăn chè hoa cau đều ngóng
đúng giờ giấc bà gánh ngang qua. Vì vậy, gánh chè của bà chỉ vài giờ sau là
hết. Không thiếu người hụt ăn vì gặp ngày có quá nhiều khách ăn chè của bà.
Chè bột lọc thịt quay có lẽ là thứ chè độc
đáo của Huế, chẳng thấy nơi nào khác. Bột lọc tức tinh bột khoai mì, sú nước
nhồi lên như nhồi bột làm bánh mì, rồi vo tròn thành viên nhỏ li lai đầu ngón
tay, rắc mè nguyên hạt bên ngoài. Chè này cùng kiểu với chè trôi nước, chỉ khác chè trôi
nước làm bằng bột nếp và viên lớn gấp ba gấp bốn lần chè bột lọc. Nếu chỉ có
thế thì gọi là chè bột lọc, nếu bên trong có nửa hạt đậu phụng rang thì gọi là
chè bột lọc đậu phụng, còn bên trong có một miếng thịt heo quay cũng cỡ nửa hạt
đậu phụng thì gọi là chè bột lọc thịt quay. Chè bột lọc thịt quay ăn có mùi vị
lạ, vừa ngọt vừa mặn vừa béo, lại thêm mấy hạt mè nổ lụp bụp trong miệng.
Lan đút cho Tuấn, một cô khác đút cho Minh. Đút xong một
muỗng cho Tuấn, Lan trầm trồ kể Tuấn nghe chuyện xẩy ra mấy hôm
trước:
“Anh Tuấn nì, mấy ông lính chơi ác thiệt.”
“Chuyện chi rứa em? Bộ họ phá em răng?”
“Không mô, họ mô phá em. Họ phá cái chị bán trứng lộn chỗ tê tề.”
Lan đưa tay chỉ ra ngoài bìa chỗ gần bờ sông Hương.
Thấy Tuấn nhìn theo tay, Lan nói tiếp:
“Đó, cái chị nớ đó.”
“Rứa họ tới đây phá răng?”
“Mô có. Mấy bữa trước đây trời mưa bất ngờ, chỗ ni vắng hoe. Chị
nớ bưng rỗ trứng đi bán rao lòng vòng cũng ế, cho đến khi đi ngang qua đồn lính
canh trên cửa Thượng Tứ.”
“Rồi răng nữa?”
“Nghe chị rao, hai ba ông lính ra kêu chị vô đồn. Trời mưa
nên chị muốn ngồi ngoài cũng không được. Mấy ông lính nói sẽ mua hết thúng
trứng nếu chị nớ chịu … i … i….”
Tuấn cười, nhìn Lan nói:
“Chịu i … i là chịu mần răng?”
Lan đặt chén chè lên ghế, đập nhẹ vào đùi Tuấn:
“Anh ni kì. I … i là làm rứa đó, làm chuyện nớ đó.”
Tuấn ghẹo tới:
“Làm rứa làm chuyện nớ là làm chuyện chi, răng anh biết em muốn
nói cái chi?”
Lan cười rồi làm bộ ngúng nguẩy bảo Tuấn:
“Anh kì thiệt, bộ bắt em nói toạc ra răng? Nói không được mô.”
Minh ngồi gần đó ăn chè do cô gái khác đút nhưng chẳng dám mở lời
trò chuyện. Nghe Tuấn và Lan trêu nhau, Minh nói góp lời:
“Anh Tuấn nói đúng đó. Lan không nói rõ ai mà biết làm chuyện
chi?”
Lan cười lớn:
“Cả anh Minh ni nữa. Rành lắm mà còn làm bộ không biết.”
Minh cười:
“Rành là rành cái chi? Mà bộ em cũng rành lắm răng?”
Lan e thẹn nói:
“Có mô, có mô. Em mô biết mấy chuyện nớ. Nói ra trẽn lắm, nói không được mô.”
Tuấn cười, không dám làm cô gái mắc cỡ thêm nữa, nên bàn
ngang:
“Thôi rứa được rồi, anh hiểu rồi. Rứa mà anh tưởng em cũng chai lắm chơ.”
Lan cười khúc khích:
“Anh thì thôi, em mần răng mà chai được. Em có biết chi mô.”
“Thôi được rồi. Rồi răng nữa?”
“Mấy anh lính dụ hay ép buộc răng đó mà chị nớ chịu.”
Tuấn cười:
“Chịu i … i … phải không? Chắc chẳng ép buộc chi mô. Cái chi chớ i
… i … thì chị nớ chịu là cái chắc.”
Lan cười:
“Răng anh biết chị nớ chịu?”
“Không chịu mà ở đó không chạy đi? Mà đã chịu thì có chi
mà nói?”
“Không phải nói chuyện nớ mà chuyện ni nì. Mấy anh nớ chơi ác,
giấu mất cái quần của chị rồi gần sáng kéo nhau đi mô mất.”
“Chưa làm chi hết mà kéo nhau đi răng được? Bộ chị nớ ngủ như chết
hay răng mà không biết họ bỏ đi?”
“Có mô. Mấy anh nớ, anh mô xong rồi mới bỏ đi. Hai anh đi trước,
còn anh cuối cùng nói với chị là ra ngoài đi tiểu rồi cũng mất tiêu không vô
nữa.”
Tuấn và Minh cười vang khi nghe đến đó. Minh hỏi:
“Rứa làm răng mà chị nớ đi về nhà? Mà chị nớ chồng con chi chưa?”
“Chưa chồng. Mấy anh nớ để lại cho chị một cái quần sọọc kaki của lính. Chị hết cách đành mặc
cái quần rộng thùng thình nớ đi về nhà. Cũng may mà trời chưa sáng hẵn nên
không nhiều người thấy. Mà có thấy cũng chẳng biết chuyện chi đã xẩy ra.”
“Rứa mấy anh lính có trả tiền cho chị nớ không?”
“Có chơ, trả đủ cả. Cả tiền trứng và cả tiền chuyện nớ.”
“Răng mà em biết rõ ràng rứa? Bộ em cũng ở đó răng?”
“Mô có, em mô có ở đó. Chị nớ kể lại cho tụi em nghe qua bữa sau,
coi như kinh nghiệm tụi em phải coi chừng.”
“Rứa em học được kinh nghiệm nớ chưa? Hay bữa mô thử với anh đi?”
Lan đập mạnh vào tay Tuấn:
“Anh ni bầy trây quá, em không nói chuyện nữa mô. Em
giận chừ nì.”
Tuấn làm bộ xin lỗi xin phải, nhưng cũng biết Lan hơi đâu mà giận người dưng.
Ngược lại, Lan cũng biết Tuấn chỉ đùa, và nếu giận Tuấn thì mất đi một người
khách tốt, chẳng được lợi ích gì.
* * *
Trước
khi về nghỉ Tết, Tuấn đi với Minh đến nhà Hoàng, gọi
là để chia tay và chúc tết cha mạ Hoàng trước nhưng thực
sự là để Minh có cơ hội giả từ Trâm Anh. Dù Tuấn
đã vẽ đường chỉ lối, đến nhà Trâm Anh, Minh vẫn cứ cuống qua cuống quít không
nói được điều gì đáng nói. Trâm Anh trái lại líu ta líu tíu, miệng cười thật
tươi khoe má lúm đồng tiền và cái răng khểnh:
“Rứa thì hai anh phải lì xì em trước.”
Tuấn cười, trêu Trâm Anh:
“Anh không lì xì em mô. Em đòi anh Minh đó.”
Trâm Anh biết Minh đang hồi hộp vì có mặt cô, nên làm
tới bảo Minh:
“Anh Tuấn nói rồi đó. Anh Minh lì xì em đi.”
Tuấn cũng thúc giục Minh:
“Mi lì xì Trâm Anh đi, còn chờ chi nữa?”
Minh lúng ta lúng túng móc ví, miệng nói không ra lời:
“Trâm Anh đòi lì xì bây chừ, làm răng có phong bao?”
Trâm Anh làm tới:
“Em không cần phong bao. Anh cứ lì xì nhiều nhiều vô là em đồng ý
cái rụp.”
Tuấn lợi dụng câu nói, chuyển hướng theo ý khác, cười bảo Minh:
“Trâm Anh nó nói rồi đó mi. Mi cứ đưa nhiều nhiều tiền là
nó đồng ý mi cái rụp đó.”
Trâm Anh biết mình lỡ lời nên đỏ mặt, đấm vào lưng Tuấn:
“Anh Tuấn, em có nói rứa mô?”
“Thì em nói rõ ràng tê, cả Hoàng cũng nghe đó, phải không Hoàng?”
Hoàng chỉ nhìn hai người cười, không nói gì. Minh e thẹn đỏ
mặt tía tai, tay cầm tiền đưa cho Trâm Anh, miệng nói:
“Anh lì xì Trâm Anh. Chúc Trâm Anh tết vui vẻ hạnh phúc.”
Minh nói với hết giọng nói dịu dàng có thể được nhất là hai
tiếng Trâm Anh nhưng không giấu được run run. Trâm Anh cũng vừa lỡ lời nên e
thẹn giựt tiền trong tay Minh rồi lãng ra chỗ Tuấn, vòi Tuấn lì xì. Tuấn cầm
tiền lom lem trước mặt Trâm Anh, ghẹo:
“Mô phải tự nhiên lì xì như rứa được. Em phải khoanh tay lại mừng
tuổi và chúc tết, anh mới lì xì.”
Với Tuấn, Trâm Anh vẫn coi như anh Hoàng của cô nên
chẳng chút ngại ngùng. Cô bảo Tuấn:
“Không được mô, anh lì xì trước, rồi em mừng tuổi sau.”
“Răng rứa?”
Trâm Anh cười tươi như hoa:
“Để anh không xí gạt em. Em mừng tuổi rồi anh cất tiền chạy mất là
em lỗ vốn. Anh Minh có bắt em mừng tuổi mô?”
“Anh Minh khác, anh khác. Nào, mừng tuổi đi nào.”
Trâm Anh bí quá, muốn có lì xì nên khoanh tay
nói:
“Em mừng tuổi anh năm mới.”
Tuấn làm tới:
“Thứ nhất là chưa tới năm mới. Thứ hai là mừng suông thôi, không
chúc anh cái chi cả răng?”
Trâm Anh cười:
“Rứa để em mừng lại. Em mừng tuổi anh Tuấn chưa tới năm mới. Chúc
anh nhiều bồ nhiều bịch, cô ni chưa đi cô tê đã tới, tiền của không tiêu thì
còn, hạnh phúc không ít thì nhiều, học hành không dỡ thì giỏi.”
Trâm Anh ê a mấy câu cuối như nhà sư tụng
kinh, rồi cười nghiêng cười ngã. Minh nhìn miệng Trâm Anh cười tươi như hoa,
lòng xao xuyến bồi hồi, ước gì dạn dĩ được như Tuấn. Tuấn quay qua bảo Hoàng:
“Hoàng, mi là anh, nghe hắn mừng tuổi rứa được chưa?”
Hoàng vẫn không nói gì như thường lệ, chỉ mỉm cười
trong đôi mắt nhiều hơn trên nét mặt. Trâm Anh phụng phịu:
“Em mừng tuổi rồi, anh Tuấn mà xí gạt em, em khóc bây chừ nè.”
Tuấn vội nói:
“Thôi đừng khóc, em mà khóc anh Minh hành tội anh. Anh lì xì đây.”
Tuấn đưa tiền ra. Trâm Anh đưa tay lấy thì Tuấn thu tiền
lại. Trâm Anh rụt tay lại thì Tuấn đưa tiền ra. Cứ thế hai người thậm thà thậm
thụt cho đến khi Trâm Anh khóc thật. Tuấn cười, đưa tiền đến tận tay Trâm Anh,
nói:
“Ê, con nít khóc nhè.”
Chỉ chờ có thế, Trâm Anh giựt tiền trong tay Tuấn
rồi cười hí hửng. Tuấn nói:
“Ê, xấu nghe. Vừa khóc vừa cười ăn mười cục….”
Trâm Anh bỏ chạy vào phòng. Tuấn và Minh ngồi lại
trò chuyện với Hoàng một lát, đợi cha mạ Hoàng về để chúc tết:
“Hai đứa con mừng tuổi hai bác, chúc hai bác an khang phát tài.
Mai tụi con về quê ăn tết, sau tết mới vô học lại.”
Cha Hoàng hỏi:
“Minh thì ở Hạ Lang gần đây, bác biết rồi. Còn Tuấn ở chỗ
mô?”
“Dạ, gia đình con ở tận Hội An.”
“Răng lạ rứa? Ba mạ con cũng người mình mà?”
“Dạ, ba mạ con quê quán Quảng Trị. Ba con đổi vô trong nớ nên gia
đình con vô theo.”
Hai người đứng dậy chào về. Cha Hoàng gọi với Trâm Anh:
“Trâm Anh ra chào hai anh đi về nghe con.”
Trâm Anh dạ một tiếng nhưng không đi ra, chỉ nói vói
theo:
“Hai anh đi bằng yên, sau tết gặp lại. Em mắc làm bếp với mạ.”
Chỉ nghe bấy nhiêu cũng làm Minh sáng rỡ đôi mắt, cứ
như lời chào đó dành riêng cho mình.
* * *
Thời
gian nghỉ tết, Tuấn xin phép ba mạ cho dọn đi ở trọ nơi khác. Trước đó,
Tuấn đã liên lạc với một người bạn có bà cô chuyên môn cho học sinh trọ học gần
nhà thờ Phủ Cam, trước Bến Ngự. Ba mạ Tuấn hỏi lí do tại sao lại muốn dọn đi
không ở nhà anh chị nữa, Tuấn chỉ một mực nói vì ở nhà anh chị xa quá, đi về
mất cả hai tiếng đồng hồ. Ba mạ Tuấn biết có chuyện gì đó xẩy ra nhưng gạn hỏi
cách mấy Tuấn cũng không nói. Trong thâm tâm, Tuấn cũng muốn nói cho ba mạ rõ
nhưng ngại ngùng vì chuyện quả thật khó nói. Một buổi sáng chưa tới giờ học,
Tuấn mình trần mặc quần đùi ngồi học bài, bỗng nghe tiếng người chị gọi từ
phòng riêng của anh chị:
“Cậu Tuấn qua chị nhờ một chút.”
Tuấn bỏ tập xuống, đứng dậy vừa đi vừa trả lời:
“Chi rứa chị? Em qua đây.”
Đến cửa phòng chị đang khép hờ, Tuấn lên tiếng:
“Em đây, chuyện chi rứa chị?”
“Em đẩy cửa vô đi, chị không khóa.”
Mở hé cửa, Tuấn giật mình. Chị ngồi trên giường không
mặc áo, quay lưng ra cửa. Chị không gài khóa nịt ngực phía sau lưng, hai cọng
dây màu đen thòng ra hai bên. Biết Tuấn đang ngập ngừng, chị bảo:
“Em vô đi, chị nhờ chút.”
Chẳng biết phải làm sao cho đúng, Tuấn bước vào phòng. Chị
nói:
“Em đóng cửa lại, gài giúp chị cái nịt ngực.”
Tuấn đóng cửa bước lại gần, lòng phân vân, đưa hai tay ra
định gài nịt ngực như chị nhờ. Bất ngờ, chị quay ngoắt lại ôm chầm lấy Tuấn.
Nịt ngực tuột xuống để lộ ngực trần với đôi vú thỗn thện. Chị ấn Tuấn xuống
giường, nằm đè lên trên, áp sát ngực chị vào ngực Tuấn, tay mân mê Tuấn, miệng
thở hỗn hễn, nói:
“Tuấn ơi, chị muốn em. Anh của em cứ như gà, chẳng ra sao cả.”
Tuấn động lòng nhưng kinh hãi. Ở vào tuổi Tuấn, chuyện này
xẩy ra quá đột ngột. Tuấn chưa hề có kinh nghiệm về đàn bà, cũng chưa hề tiếp
xúc gần gủi thực sự với đàn bà. Ngoài miệng, Tuấn dạn dĩ lắm, từng trải lắm,
nhưng thực chất bên trong vẫn chỉ là một cậu học trò nhút nhát thơ ngây. Tuấn
cựa quậy, vùng đứng dậy được, bước vội ra khỏi phòng, đóng cửa phòng lại. Không
dám ở nhà tiếp, Tuấn thay đồ lấy cặp tập vở đạp xe đến trường dù chưa tới giờ
học. Chiều về, Tuấn giữ mặt nghiêm trang, còn chị cũng làm như chẳng có chuyện
gì đã xẩy ra. Nhưng trong lòng Tuấn đã đi đến quyết định, biết không thể nào
tiếp tục ở trong nhà anh chị nữa. Còn dây dưa, Tuấn sợ nếu xẩy ra lần nữa sẽ
không còn giữ được lòng mình. Chuyện như thế, làm sao Tuấn có thể nói rõ cho ba
mạ biết, nhất là ba Tuấn? Tính ba Tuấn nghiêm nhặt đạo đức. Nghe chuyện, thế
nào ông cũng làm cho ra phải ra trái với anh chị, và lúc đó thì hết tình hết
nghĩa.
Từ Hội An, Tuấn gửi một bức thư cho anh chị, báo tin
đã được ba mạ cho phép dọn đến ở nhà trọ khác
gần trường để khỏi mất nhiều thì giờ đi lại, hẹn tuần sau khi nhập
học sẽ đến chào anh chị và các cháu. Về Huế trở lại, Tuấn đi ngay đến nhà trọ
mới vào tối trước ngày nhập học, bận rộn thu xếp chỗ ở nên không qua gặp Minh
ngay như trước kia vẫn thường làm. Sáng thứ hai, ngày nhập học lại đầu tiên sau
tết, Tuấn không thấy Minh vào lớp. Chờ đến hết ngày học cũng không thấy Minh,
Tuấn xuống văn phòng hỏi nhưng không ai biết tại sao. Tuấn không về nhà trọ,
đạp xe ngay đến chỗ Minh kèm trẻ. Chủ nhà cũng không biết lí do tại sao không
thấy Minh lên. Tức tốc đạp xe vào gặp em gái Minh ở gần nhà trọ lúc trước, Tuấn
bàng hoàng được em gái Minh cho biết tin không hề mong đợi: Minh đã chết sau
tết mấy ngày. Nước mắt trào ra, Tuấn đưa em gái Minh ra quán nước để hỏi rõ đầu
đuôi. Em Minh khóc ngất thuật cho Tuấn nghe cái chết của Minh:
“Anh em về tới nhà nghỉ tết thì lên cơn nóng sốt. Dì tưởng anh em
bị cảm sốt nên cạo gió rồi cho uống mấy thang thuốc nam. Anh biết làng quê em
rồi, mô có bác sĩ bác sơ chi mô.”
Tuấn an ủi:
“Đừng nói quê em mà cả Huế cũng chỉ một hai bác sĩ trên đường Trần
Hưng Đạo.”
Em gái Minh nói Minh cho biết đã bị nhức đầu
khó chịu cả tuần rồi lúc còn ở Huế trước khi về nhà nhưng cứ
tưởng nhức đầu và ho bình thường. Tuấn cũng đã nghe Minh than nhức đầu và húng
hắng ho, nhưng Minh vẫn ráng đến trường không bỏ buổi học nào trước tết để thi
cho xong học kì. Uống thuốc nam không bớt, Minh bắt đầu sốt rất cao, li bì mê
sảng, rồi bắt đầu tiêu chảy ra phân xanh hôi thối. Trong lúc mê sảng, Minh
không ngớt gọi tên Trâm Anh mà cả nhà không ai biết là người nào. Mời thầy
thuốc bắc tới. Thầy bắt mạch sờ đầu, thấy Minh mê sảng và có chấm đỏ xuất hiện
trên ngực và bụng, nghe nói Minh đi tiêu ra phân xanh hôi thối nên định là Minh
bị thương hàn nhập lí. Thầy cắt thuốc cho sắc uống, dặn dò phải cữ ăn đồ cứng,
cữ uống trà rượu, chỉ được uống nước cháo. Qua tuần sau thì anh không còn sốt
li bì nữa. Thấy đã trúng bệnh hợp thuốc, thầy tiếp tục cho thuốc, dặn người nhà
có thể bắt đầu cho ăn cháo loãng, rồi gia tăng đặc thêm từ từ, vẫn chưa cho ăn
đồ cứng.
Tuấn rút khăn lau nước mắt cho em gái Minh, rồi hỏi:
“Như rứa là đang lành bệnh, răng Minh lại chết?”
Em gái Minh lại òa ra khóc:
“Rứa mới cơ khổ. Anh em bắt đầu mạnh lại, đã ăn được cháo trắng
hơi đặc. Dì vẫn chưa dám cho ăn thịt thà gì dù anh em thèm lắm. Nghe anh em nói
thèm ăn, cả nhà xúm lại khuyên nhủ rầy la, bảo anh ráng thêm ít bữa nữa.”
Tuấn góp lời:
“Hết bệnh thèm ăn là chuyện thường, huống chi bệnh thương hàn phải
nhịn đói cả mấy tuần.”
Qua mấy ngày tết, Minh khỏe trở lại, đã ngồi dậy đi lại được. Mồng
ba dì cúng. Minh nhìn đĩa xôi, năn nỉ dì:
“Con thèm quá dì ơi. Cho con ăn một miếng thôi, được không
dì?”
Dì và anh của Minh nhất định không cho. Nhưng rồi hôm
sau hôm sau nữa, nghe Minh năn nỉ mãi động lòng, với lại thấy Minh đã gần như
khỏe hẵn, dì thương tình lấy cho Minh một góc đĩa xôi. Mừng quá, Minh vồ lấy ăn
ngay. Ăn vừa xong, Minh nằm lăn ra than đau bụng, rồi quằn quại thở không ra
hơi. Lại mời thầy đến. Thầy bắt mạch, hỏi người nhà và được biết đã cho Minh ăn
mấy miếng xôi nên lắc đầu, nói:
“Chắc khó qua khỏi rồi. Bệnh này chưa dứt hẵn mà ăn đồ ăn
cứng vào là đứt ruột, hết đường chữa.”
Minh đau đớn rên la quằn quại, miệng không ngớt lảm nhảm gọi tên
dì, tên anh em Minh, và gọi Trâm Anh, rồi qua hôm sau tắt thở. Dì ân hận thương
khóc, tự oán trách đã làm hại con, đòi chết theo con. Anh em Minh và bà con
quen biết xúm lại dỗ dành hết lời dì mới nguôi ngoa, ai cũng nói chẳng qua chỉ
tại số kiếp.
Nghe kể đến đó, Tuấn không cầm được nước mắt, bảo em gái Minh:
“Tối rồi, anh phải về. Nhà trọ mới của anh tận bên Bến Ngự. Thứ
bảy, anh qua đưa em về thăm mộ Minh. Mấy giờ em đi được?”
“Chiều thứ sáu bốn giờ là em hết lớp rồi. Sau giờ đó, lúc nào cũng
đi được. Mình đi xe đò hay xe đạp, anh?”
“Đi xe đò nhưng đem xe đạp theo để về nhà em. Mùa này đường còn
trơn trợt, mình đi tuốt ra PK đít
xết rồi đạp xe về. Hay mình
đi chiều thứ sáu chuyến xe chót, ở lại đến Chúa nhật về?”
“Tùy anh, anh đến giờ mô em đi với anh giờ nớ.”
Tuấn đưa em gái Minh về nhà, rẽ vào chào anh chị đã ở trọ lúc
trước một lát, rồi cáo từ vì trời đã tối. Chạy xe ngang qua nhà Trâm Anh, Tuấn
bụng bảo dạ nếu nhà còn thức sẽ ghé vào báo cho Trâm Anh biết. Cửa mở, Hoàng
ngồi một mình trên bàn, hình như đang học bài. Thấy Tuấn ghé chơi vào giờ này
khác với lệ thường lại không có Minh đi theo, cộng thêm hôm nay không thấy Minh
vào học, Hoàng đoán chắc có chuyện gì không may đã xẩy ra cho Minh nên đứng dậy
đón Tuấn ở cửa:
“Có chuyện chi mi đến tối rứa?”
Tuấn nói ngay:
“Thằng Minh chết rồi!”
Hoàng rụng rời hỏi lại:
“Răng rứa? Trước tết hắn còn khỏe mạnh mà?”
Trâm Anh và cha mạ Hoàng nghe nói cũng từ trong
nhà đi ra. Tuấn tóm tắt cái chết của Minh cho cả nhà nghe. Nghe Tuấn kể
Minh luôn miệng gọi tên cô lúc mê loạn và trước khi tắt thở, Trâm Anh bưng mặt
òa khóc:
“Răng kì rứa anh Minh? Anh thương em răng không chịu nói? Chừ ra
ri rồi còn chi nữa mô!”
Tuấn bàng hoàng nghe Trâm Anh nói, mặc dù từ lâu đoán biết
Trâm Anh đã có cảm tình với Minh. Nhưng, một đứa con gái Huế cả gan thổ lộ tâm
tình riêng tư trước mặt cha mạ và cả nhà là một điều khó thấy xẩy ra nếu không
phải vì giờ đây Minh không còn trên thế gian này nữa. Trâm Anh quên cả e thẹn
ngại ngùng, ôm chầm lấy Tuấn khóc nức nở:
“Anh Tuấn ơi, tội nghiệp anh Minh quá. Em tức ghê thôi, răng anh
nớ không chịu mở miệng nói là anh ấy thương em? Răng rứa anh Tuấn? Chừ anh nớ
chết rồi, còn chi nữa mô?”
Ngưng lại một chút, Trâm Anh nói với Tuấn nhưng cũng để cho cả nhà
nghe biết:
“Lạ lắm anh Tuấn. Mấy hôm sau tết, đêm mô em cũng nằm mơ thấy anh
Minh tới, khi thì khóc, khi thì cười với em. Em cứ tưởng tại em cũng để ý đến
anh nớ nên mới sinh mộng mị như rứa. Đâu ngờ anh nớ đã đi mất rồi.”
Tuấn chẳng biết khuyên bảo Trâm Anh thế nào, vì nói
gì cũng không được, chỉ biết vỗ về như đã vỗ về em gái Minh hồi chiều:
“Thôi em, số kiếp, số kiếp cả!”
Trâm Anh vẫn nức nở, nói:
“Số kiếp, số kiếp chi mà lạ rứa? Thương người ta mà không chịu
nói, để chừ chết rồi làm răng!”
Tuấn nói:
“Thế mới là số kiếp….”
Đợi Trâm Anh nguôi ngoa, Tuấn nói:
“Anh định thứ bảy ni đi về quê thăm mộ Minh.”
Trâm Anh chạy ngay đến bên cha mạ, quì xuống năn nỉ:
“Cha mạ cho phép con đi với anh Tuấn thăm mộ anh Minh. Được không
cha mạ?”
Hai ông bà nhìn nhau chẳng biết phải giải quyết thế
nào. Không cho con đi thì không đành đoạn, mà cho con đi
thì sợ tai tiếng dị nghị. Trâm Anh quì bên cha mạ, đưa đôi mắt
đẫm nước nhìn cha mạ cầu khẩn van xin. Cha cô thở dài, bảo Tuấn:
“Thôi thì bác gửi em con cho con nghe Tuấn. Con đem em theo cho nó
trọn tình.”
Tuấn không ngờ cha Trâm Anh bề ngoài trông nghiêm khắc khô khan mà
trong lòng khoáng đạt và tình cảm đến thế. Anh lên tiếng thay Minh:
“Con không biết nói răng để cám ơn hai bác. Hai bác chắc đã đoán
biết thằng Minh thương con Trâm Anh lắm mà chẳng dám nói ra. Hắn sợ phận hắn
nghèo, chưa danh chưa nghiệp, nói ra sợ hai bác và Trâm Anh không chấp thuận.”
Hai ông bà không nói gì, nhưng Trâm Anh nói ngay:
“Em có khi mô chê anh nớ nghèo mô? Chỉ tại anh nớ không chịu nói
ra chơ bộ. Chẳng lẽ bắt em nói trước?”
* * *
Vừa
vào nhà chào hỏi và giới thiệu sơ qua Trâm Anh, Tuấn và Trâm
Anh được dì và anh em Minh đưa ngay ra thăm mộ Minh. Ngôi mộ đắp đất chưa ráo,
và sẽ là đất không bao giờ được xây. Tuấn cầm nắm nhang do anh Minh vừa đốt đưa
cho, chia lại ba thẻ cho Trâm Anh. Không màng đất ướt dơ bẩn, Trâm Anh quì phục
xuống lạy mồ Minh, nước mắt giàn giụa, khiến dì và anh em Minh cũng vừa òa khóc
vừa phủ phục lạy trả. Dì than van tru tréo:
“Ngộ ơi, răng
con bỏ đi rứa con? Bạn bè con thương con đến rứa đó mà con đành đoạn bỏ đi răng
con?”
Ngộ là cách người Huế gọi trại con cái hoặc
người thân bạc phận vắn số. Tuấn cũng tràn nước mắt, đến đỡ Trâm Anh dậy, dịu
dàng nói:
“Thôi, dậy đi em. Số kiếp cả, chỉ tại số kiếp cả.”
Quay lại nhà Minh, em gái Minh đưa tạm áo quần cho Trâm Anh thay
đổi, cấp thời giặt sạch và ủi khô bộ quần áo vấy bùn của Trâm Anh để Trâm Anh
kịp quay về Huế. Tuấn không thể ở lại qua đêm như dự định vì không tiện cho
Trâm Anh. Hoàn hồn lại, Trâm Anh vâng lời dì ăn uống qua loa rồi đến ngồi nhìn
đăm đăm lên bức hình Minh đặt trên bàn thờ, không ngừng khóc rưng rức:
“Anh Minh, răng anh không chịu nói rứa anh? Chừ trễ quá rồi, mần
răng chừ.”
Tuấn ngồi trò chuyện với dì và anh em Minh, để Trâm
Anh ngồi một mình, vì biết chỉ có thế mới mong giúp Trâm Anh khuây khỏa được
phần nào. Dì vuốt ve cánh tay Tuấn, mặt u sầu, nói:
“Dì thương thằng Ngộ quá. Số kiếp nó sao vắn vỏi trong khi
bạn bè thương yêu nó biết chừng nào.”
Tuấn trìu mến nhìn dì, an ủi dì. Dì nói tiếp:
“Tuấn nì, dì muốn coi con như là thằng Ngộ, được không con?”
Tuấn cảm động ôm dì:
“Dì, dì là mạ con.”
Dì khóc, kéo Tuấn đến trước bàn thờ Minh, đốt nhang vái
vái. Tuấn cũng châm mấy nén nhang vái vái Minh. Trâm Anh chẳng hiểu chuyện gì,
cũng châm mấy nén nhang rồi phục xuống trước bàn thờ Minh lạy bốn lạy. Dì và
anh em Minh bất ngờ cũng phục xuống lạy trả. Quay qua nhìn dì, Trâm Anh nói:
“Dì cho con kêu dì bằng dì,
được không dì?”
Dì bật khóc, ôm choàng lấy Trâm Anh. Em gái Minh cũng ôm
choàng Trâm Anh, nói:
“Em chào chị.”
Tuấn đứng lặng nhìn Trâm Anh, nhìn ba người, rồi bước lại
nói:
“Thôi em, mình chào đi về kẻo trễ xe.”
Dì và em gái Minh lại ôm chầm lấy Trâm Anh như không
muốn rời. Trên đường về, cả lúc ngồi trên yên sau xe đạp Tuấn chở, cả lúc ngồi
trên xe đò về Huế, Trâm Anh lặng câm như hến, chỉ thỉnh thoảng nói như tự hỏi:
“Số kiếp, số kiếp chi lạ rứa anh Tuấn?”
Trần Hữu Thuần
jbtranthuan@hotmail.com
No comments:
Post a Comment