Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, February 14, 2012

Tìm hiểu ý nghĩa tên làng Hưng Nhơn - Nguyễn Thanh Xuân

     
   Làng ta có ba lần đặt tên:
 
    Lúc các ngài từ đất Hoan Châu, Nghệ An (khoảng những năm 1491-1558) vào lập làng ở đất Câu Hoan (nay là thôn Câu Hoan xã Hải Thọ) đặt tên làng là Vĩnh Phước, sau đó dời vào nơi chúng ta đang ở hiện nay và đặt tên là Vĩnh Hưng. Đến  triều Tự Đức (khoảng những năm 1848-1853), triều đình chỉ dụ bắt phải đổi tên vì trùng tên lăng Vĩnh Hưng (1), làng đổi tên là Hưng Nhơn .
    Vĩnh Phước , Vĩnh Hưng,  Hưng Nhơn (nhơn) là từ Hán Việt :
    Đặt ba lần tên làng có 6 chữ: 2 chữ Vĩnh, 2 chữ Hưng, 1 chữ Phước và 1 chữ Nhơn.

     Nghĩa của những chữ trên:

Tách từng chữ
  + Vĩnh = lâu dài, mãi mãi ( vĩnh viễn, vĩnh cữu…)
  + Phước (phúc) = những sự tốt lành gọi là phúc (phúc đức, phúc hậu, phước lộc song toàn, con nhà có phước…)
  + Hưng = dậy, đứng lên (ở ta khi xướng lễ: đứng dậy xướng là hờờng), hưng thịnh, hưng vượng…, một âm nữa gọi là hứng (hứng thú, cao hứng, cảm hứng…)
  + Nhân (nhơn) = lòng thương người ( nhân nghĩa, nhân đức, nhân đạo, nhân từ, nhân hậu…) ta thường dùng chữ nhơn, nhơn đồng nghĩa với nhân.

Ghép lại thành tên làng:
    Vĩnh Phước: Làng có sự tốt lành mãi mãi.
    Vĩnh Hưng  : Làng luôn luôn vươn lên, luôn thịnh vượng.
    Hưng Nhơn : Làng luôn chủ trọng làm điều nhân đức là đạo lý làm người.  Các ngài khai canh cũng như hậu duệ luôn luôn là đại nho, uyên thâm. Một chí hướng mong cho con dân mãi mãi giữ đạo làm người 

  Cảm nhận

   Như trên đã phân tích ý nghĩa, tên làng đặt đầu tiên là mong muốn là hy vọng (bao hàm cả cầu trời) sao cho con dân sống thương yêu nhau nhờ phước đức của tổ tiên để lại.
    Vĩnh Hưng là muốn con dân phải tự mình vươn lên, đứng lên  làm chủ vận mệnh của mình để làng ta ngày càng thịnh vượng.
    Hưng Nhơn, không dừng ở ý nghĩa đạt được ở tên làng đặt lần thứ hai, nhân lần đổi nầy chúng ta không những ta lo cho ta mà mở rộng lòng nhân ái có nghĩa là thương yêu đồng loại để trọn đạo làm người.
   Được sống với cộng đồng như thế, là một con dân trong làng ai lại chẳng tự hào.
***
    (+) Lăng Vĩnh Hưng thờ bà Chiêu Thánh Hoàng hậu Châu Thị Viên, vợ chúa Nguyễn Phúc Tần, tọa lạc tại làng An Ninh, xã Thuỷ Bằng, huyện Hương thuỷ, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Bà mất ngày 26/12/1684, được truy phong là Từ Mậu Chiêu Thánh Cung Tình Trang Thận Hiếu Tiết Hoàng hậu. Triều vua Tự đức xây lăng và đặt tên trùng với tên làng ta. Thế là vua bắt làng ta phải thay tên khác. Làm vua bất chấp công lý, bởi làng ta đặt tên trước. Lâu nay tôi vốn tôn sùng trí tuệ, nhất là lĩnh vực văn chương của vua Tự
đức thế mà lần khảo cứu nây tôi thấy ông thật kém hay là ông tin vào thượng thư bộ Lễ mà không chú ý. Ai đời đặt tên “mồ” cho người chết mà Vĩnh Hưng (vĩnh hưng là đứng dậy mãi). Tôi mách cho rất dễ thấy: địa điểm xây lăng ở làng An Ninh, sao không đặt là Vĩnh An (vĩnh an là yên giấc ngàn thu). Có đẹp không nào! Bây giờ đổi lại Vĩnh An, làng Vĩnh An cũng không can chi. Thời thế khác rồi. Nói cho bui thế thôi!
                                                          
Nguyễn Thanh Xuân
                                                                   Nhuxuan29@gmail.com

Ảnh minh họa từ trang nguyennhukhoa.blogspot.com 

***

No comments: