Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 30, 2010

NHẠC SĨ NGUYỄN HỮU BA






Tiểu sử Nhạc sư Nguyễn Hữu Ba
(1914-1997)

Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, nhà nghiên cứu cổ nhạc và là bậc nhạc sư về ngành cổ nhạc Việt Nam, bút hiệu Đạo Tâm, quê làng Đạo Đầu, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Thuở nhỏ ông học ở Huế, đến năm 8 tuổi bắt đầu học đàn. Năm 16 tuổi (1930), ông đã hoà nhạc cổ truyền vào dĩa hat Beka của Đức phát hành rộng rãi tại Việt Nam thời đó. Năm 1932, ông lại áp dụng hệ thống ký âm pháp Tây phương vào cổ nhạc Việt Nam được giới âm nhạc tại Huế rất tán thưởng.

Năm 1938 ông đoạt giải nhất đàn nhị huyền tại Hội chợ Huế.Năm 1940, ông viết cuốn "Tự học đàn nguyệt". Ông tiếp tục nghiên cứu và từng bước hoàn chỉnh ký âm pháp Việt Nam.

Năm 1938, ông đậu Thủ khoa về đàn nhị, được triều đình Huế tặng thưởng Huy chương Long Bội Tinh và vinh tặng Hàn Lâm viện Đãi chiếu vào năm 1950.

Là người yêu nước, Nguyễn Hữu Ba ra vùng căn cứ sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta lần thứ hai.

Sau Việt Minh lên nắm chính quyền vào tháng 8-1945, ông đã lui về sống ở Quảng Trị cho đến năm 1950 thì vào lại Huế lập Viện Tỳ Bà nhằm phục hưng nền quốc nhạc Việt Nam.


Ngày nay, những nghiên cứu của ông được dùng giảng dạy ở các nhạc viện và được phổ biến ở nhiều nước .

Một thời gian sau, ông được phép trở lại nội thành Huế, tiếp tục hoạt động âm nhạc . Năm 1948 ông thành lập "Tỳ bà Viện" và được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm phục hưng Quốc nhạc Việt Nam.

Ở Huế, ông dùng nhạc phẩm làm vũ khí đấu tranh và động viên lòng yêu nước của nhân dân vùng bị giặc chiếm. Bài Thu khói lửa, tiếp theo là một loạt bài , trong đó có bài Tình người miền Nam tiễn đưa người ra Bắc tuyên truyền động viên và kêu gọi đồng bào miền Nam đấu tranh đòi nguỵ quyền thi hành Hiệp định Geneve, hiệp thương tổng tuyển cử, thống nhất đất nước. Vì những bài hát "Tuyên truyền" ông bị bắt vào nhà tù hai lần (1952 và1955).

Từ năm 1960, ông giảng dạy tại trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Ông tham gia phong trào hoà bình ở Sài gòn - Chợ Lớn do các trí thức Nam Bộ thành lập.

Tại Sài Gòn, ông là Trưởng khoa ngành Quốc nhạc tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn (1957), hợp tác với nhạc sĩ Trần Văn Khê thực hiện đĩa nhạc dân tộc Việt Nam cho UNESCO (1969). Ông giảng dạy lý thuyết âm nhạc tại các Viện Đại học Huế, Sài gòn, Vạn Hạnh.

Trong thời kỳ chống Mỹ, ông là Ủy viên Ủy ban Trung ương mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam (với tên là Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tứ). Năm 1966, ông là thành viên Ban Chủ tịch Lực lượng Bảo vệ văn hoá dân tộc, giảng dạy âm nhạc tại Nhạc viện Thành phố cả sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, tổ quốc thống nhất. Ông là cố vấn của Ban Khoa giáo Thành uỷ về giáo dục âm nhạc trong trường học. Nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba được nhà nước tặng thưởng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú.



Nguyễn Hữu Ba là một vị nhạc sư bậc thầy, một nhà nghiên cứu âm nhạc cổ truyền Việt Nam sắc nét, ông đã sử dụng nhuần nhuyễn 2 loại tân nhạc và cổ nhạc, tác phẩm của ông đều có giá trị nghệ thuật sâu sắc.

Ông mất ngày 14-7-1997, thọ 83 tuổi. Các tác phẩm chính của ông có thể được liệt kê như sau:

-Tự học đàn nguyệt (tự xuất bản 1940);
-Bản đàn tranh (cổ nhạc), Viện Tỳ Bà xuất bản, 1951;
-Vài thiên kiến về âm nhạc (lý thuyết), Viện Tỳ Bà xuất bản, 1950;
-Nhạc pháp Quốc học, Viện Tỳ Bà xuất bản, 1960;
-Bản đàn tranh, Viện Tỳ Bà xuất bản, 1962;
-Đàn Tỳ Bà, Viện Tỳ Bà xuất bản, 1962;
-Đàn độc huyền, Viện Tỳ Bà xuất bản, 1962;
-Đàn nhị huyền, Viện Tỳ Bà xuất bản, 1962;
-Bài ca Huế, Viện Tỳ Bà xuất bản, 1962;
-Phương pháp học đàn tranh, Viện Tỳ Bà xuất bản, 1962;
-Dân ca Việt Nam, BQGGD xuất bản, 1961;
-Dĩa nhạc Việt Nam I, UNESCO thu âm và phát hành, 1969;

Loại tân nhạc:
-Quãng đường mai, tự xuất bản, 1940;
-Xuân xuân, Viện Tỳ Bà xuất bản, 1947;
-Lửa rừng đêm, Viện Tỳ Bà xuấn bản, 1947;
-Thu khói lửa, Tinh Hoa xuất bản, 1950;
-Tiếng hát quân Nam, Viện Tỳ Bà xuất bản, 1950;
-Ánh dương trời Nam, Viện Tỳ Bà xuất bản, 1951
..........................


Một trong những hoạt động của những đoàn thể học sinh, sinh viên, thanh niên, hướng đạo... Khi đi cắm trại với nhau, là được tham dự những đêm họp mặt quanh đống lửa. Không có gì thích hơn, tất cả anh chị em tụ họp với nhau ca hát, ngâm thơ, kể chuyện, bàn luận...

Thường những trại lửa là một dịp để mọi người quây quần:
Bạn cùng ta, nắm tay múa ca
Cho đời bừng sống dưới màn sương đông
Máu nồng thêm hăng, bên lửa đêm bập bùng
Tùng tùng tịnh tùng
Bình bùng bình bùng, tang tình tang tình tình...

Ðó là phần mở đầu của bài hát Lửa Rừng Ðêm viết theo điệu Rumba của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba. Cách đây hơn một nửa thế kỷ, nhạc sĩ Ba đã sáng tác những bài Tân Nhạc kêu gọi lòng yêu nước, dấy động ý chí quật cường, khuyến khích hoạt động thanh niên Việt Nam.

Tiến, một bản Tân Nhạc khác của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba, được viết như một câu chuyện. Vào đoạn mở đầu là tiếng kèn thúc quân, qua đoạn giữa với lời người chỉ huy và đoạn cuối cùng khi quân dân cùng tiến bước ra sa trường.

Một bản nhạc khác, Tiếng Hát Quân Nam, nguyên là bài Liên Hườn, một khúc hành quân xưa trầm, hùng được ông Ba đặt lời mới và thêm vài cung cho hợp với nhạc cụ Tây Phương.

Ða số những người Việt Nam biết đến Nguyễn Hữu Ba vì Quảng Ðường Mai (lời của Sơn Tùng) và Lửa Rừng Ðêm, hai bản Tân Nhạc nổi tiếng nhất của Nguyễn Hữu Ba. Hai bản nhạc này đã được ghi âm vào đĩa hát 78 vòng ở Paris, do hãng đĩa ORIA phát hành ở Sài Gòn thập niên 1950. Ca sĩ Hải Minh tức nhạc sĩ Trần Văn Khê, người sau trở thành giáo sư tiến sĩ âm nhạc của trường Ðại Học Sorbonne ở Paris, đã trình diễn hai bản nhạc của nhạc sĩ Ba.

Nhưng di tặng (legacy) lớn lao của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba lại ở Cổ Nhạc Việt Nam.

Thông thạo nhạc cổ truyền, Nguyễn Hữu Ba có tiếng về tiếng đàn nhị tại Huế. Thêm nữa, ông chuyên cả độc huyền cầm và đàn tỳ bà. Chính nhạc sĩ Ba đã dùng tài nghệ trình diễn những loại đàn dân tộc này, để mưu sinh trong một thời gian ở Ðất Thần Kinh.

Ðộ một năm sau Hiệp Ðịnh Genève 1954, ông vào miền Nam trở thành giáo sư Cổ Nhạc ở trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài Gòn, cho đến khi ông quay lại miền sông Hương núi Ngự làm giám đốc viện Âm Nhạc Huế. Tỳ Bà Trang của Nguyễn Hữu Ba có tàng trữ rất nhiều cây đàn cổ nhạc Việt Nam quý giá và những tài liệu thu thanh, cũng như sách vở về âm nhạc.

Giáo sư nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba có công rất lớn trong việc bảo lưu nhạc cổ truyền dân tộc nhất là nhạc Miền Trung và Dân Ca Việt Nam. Công trình về Cổ Nhạc Việt Nam của ông có thể chia thành sáu phương diện khác nhau: trình diễn, khảo cứu, sáng tạo, cổ động và giáo dục. Học trò âm nhạc của ông rất nhiều và rất nhiều nhiều người ngày nay đã thành danh như các nữ nhạc sĩ Phạm Thúy Hoan (Sài Gòn), Phương Oanh (Paris), Quỳnh Hạnh (Paris)...

Những nét đại cương về thành quả của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba như sau:

* 1940: xuất bản quyển sách Tự Học Ðàn ở Huế.
* 1950: xuất bản quyển Vài Thiển Kiến Về Âm Nhạc tại Huế. Quyển sách này viết về sự thành lập Tỳ Bà Trang và quan niệm, hoài vọng cùng lý tưởng đối với tiền đồ nhạc Dân Tộc.
* 1956: viết quyển Ca Huế Cổ Truyền có ghi ký âm cho 10 bài Ngự, còn gọi là Thập Thủ Liên Hoàn, theo ký âm nhạc Tây Phương trên khuôn nhạc 5 dòng.
* 1961: viết quyển sách Nhạc Pháp Việt Nam.
* 1963: xuất bản các tập nhạc nhỏ về bài bản đàn tranh, bài tập cho đàn độc huyền, đàn nhị và tập nhạc Pháp cùng nhạc Việt Nam.
* 1966: thu thanh tài liệu Nhạc Huế (các loại Nhạc Cung Ðình và Nhạc Phật Giáo), Ca Huế để giao cho cơ quan UNESCO thực hiện thành đĩa 33 vòng VIETNAM 1. Ðĩa nhạc này kèm theo bài viết do giáo sư Trần Văn Khê khảo cứu biên soạn bằng 3 thứ tiếng Pháp Anh Ðức chú trọng về phân tích âm nhạc đã được hãng đĩa Barenreiter Musicanhon phát hành năm 1969. Ðĩa nhạc VIETNAM 1 đoạt giải thưởng Deutscher Schallplatten Preis và thêm giải Academie du Disque Francais.
* 1971: đĩa VIETNAM 2 xuất bản, cũng do nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba cung cấp tài liệu.
* 1998: cả hai đĩa VIETNAM 1 và VIETNAM 2 được hãng đĩa Rounder Records ở Hoa Kỳ tái bản dưới hình thức CD.

Hai đĩa nhạc VIETNAM là công trình rất to tát, rất có giá trị của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba.

Giáo sư Nguyễn Hữu Ba, người nhạc sĩ đã hiến dâng gần như trọn cuộc đời mình cho Cổ Nhạc Việt Nam, đã âm thầm từ giã cõi đời, vài năm trước năm 2000.

Theo Phạm Anh Dũng (dactrung.net)


LỬA RỪNG ĐÊM
READ MORE - NHẠC SĨ NGUYỄN HỮU BA

Thursday, March 25, 2010

LÊ THIÊN MINH KHOA



LÀ TÔI


Có khi như là dã thú
Dẫn nhau về chốn đồi hoang
Cắn nhau như nhai thịt sống
Nuốt nhau như uống sữa tươi

Có khi như là Phật sống
Nói năng như một hiền nhân
Ăn uống như tu khổ hạnh
Đứng ngồi ra dáng thanh cao

Có khi cũng là tác giả
Làm thơ viết truyện lung tung
Có mấy bài thơ cọc cạch
Học trò phải học thuộc lòng

Là tôi, trong ngoài có vậy
Khuyết điểm: là không có ưu
Ưu điểm: biết mình nhiều khuyết
Suốt đời, tìm mình không ra.

Bà Rịa, 01/2006
L.T.M.K



EM ĐI LÀM GAÍ

Bố đi rồi em đi làm gái
Thức bán đêm dài cho khách chơi
Hiên nhà mẹ chong đèn đứng đợi
Cái điếm em thua điếm sự đời!

Nhà khổ quá em đi làm gái
Tiền trao cháo múc cháo thịt người
Xẻo thịt ra mua quà gởi bố
Mua tặng năm em những tiếng cười

Người đi ngủ em đi làm gái
Lúc đêm về điểm phấn tô son
Trần thân cho đâm ngang xẻ ngược
Để mai về xác mỏi thân mòn

Nghe kể chuyện em đi làm gái
Bán sự đời mua cái sự đời
Thôi em!
Hãy mặc xiêm y lại !
Về!
Kẻo em chờ!
Kẻo mẹ trông!


NGỌN ĐÈN DẦU

(Kính tặng quí thầy cô vùng sâu)

Ngọn đèn dầu lập lòe soi đêm Ch’ro
soi lối mòn cho em đến lớp
soi mắt học viên long lanh giờ tập viết
soi lòng em thương dân Ch’ro …

Ngọn đèn dầu đo sớm, đo khuya
thức cùng em mòn đêm rừng im vắng
trang giáo án cũng từ trang giấy trắng
có dáng thân thương nho nhỏ ngọn đèn dầu

Cái xã miền rừng đêm ở rất lâu
cái mầm sáng mọc lên từ bóng tối
ơi mầm sáng đã bao năm chờ đợi
sống trong lòng người dân Ch’ro…

Lửa trại bập bùng soi đêm Ch’ro
trong “Hội xóa mù” sao mắt em lại ướt?
điệu la-vân(*) mượt mà trai gái hát
em có biết là để tặng riêng nhau?

Trong lửa trại bập bùng soi đêm Ch’ro
có dáng thân thương nho nhỏ ngọn đèn dầu..


(Cánh buồm ngược gió, biên khảo, Nguyễn Bá Hoàn, NXB Văn Hóa SG, 9.2008, p.306-307)

(*) la-vân (tiếng Ch ro): hát giao tình



TRONG QUÁN CÀ PHÊ

Trong quán cà phê chúng tôi nói chuyện đời thường
vợ mang nặng đẻ đau chuyện về thời quá độ
chuyện thời giá, đồng lương
chuyện người ta bỏ xứ
xen chuyện trời nắng, trời mưa…

Trong quán cà phê chúng tôi nói chuyện tâm tình
người bạn nghèo cứ hẹn dần với người yêu ngày cưới
người bạn vong niên đàn con thơ dại
chiếc quần dài cắt tả lót cho con

Trong quán cà phê chúng tôi nói chuyện cuộc đời
có người hỏng thi, có người thành đạt
đời vẫn thế, cứ là phức tạp
giản đơn thôi đâu gọi là đời!
người bạn nhà thơ như tay già thợ mộc
giấu sự đời sau rối nét hoa văn
người họa sĩ vẽ chân dung kiếm sống
những bức tranh úp mặt vào vách
những bức tranh ngửa mặt lên trời –
nhà giáo chín chắn nói ra điều mình chưa từng suy nghĩ
và có cuộc đời cứ “mòn đi rĩ ra”

Trong quán cà phê chúng tôi góp chuyện ngắn thành dài
và chuyện dài rồi cũng ngắn
khi người chủ nhắc khéo giờ đóng cửa
vuốt đồng trinh lại băn khoăn giá cả
dù càphê mới uống có hôm qua

Câu chuyện trong quán cà phê
không dứt được cả trong giấc ngủ
sớm mai lại lao vào công việc
để gặp lại mỗi ngày
trong quán cà phê.


Sài Gòn_ Bà Rịa, 1980.
(Người Và Việc: Những Người Nổi Tiếng, Tập1, NXB Hội Nhà Văn, 2006, p.260 - 262)



THỊ TRẤN TÔI

Bên núi bên sông bên biển cả.
Cũng ồn ào suốt ngày Vắng lặng canh khuya
Đằng sau vài ba dãy phố
Là cánh đồng êm ả cò bay...

Thị trấn tôi những hàng cây không cao
bình thường như người dân ở đó.
những cánh chim từ rừng những cánh chim từ bể
sóng gió bạt ngàn lặng lẽ về đây.

Con đường bò giữa hai hàng cây
mặt sỏi đá từng xước da em nhỏ
cứa bàn chân mẹ lưng còng gánh nặng
trăn trở oằn cong khuất nếp ngói xưa

Thị trấn tôi đêm đêm
những chiếc xe bò đóng bánh xe hơi lăn qua
mèo hoang khóc giữa đám dân hè phố
khấp khểnh vào đêm, khấp khểnh tìm ngày

Sông núi là vợ chồng tên gọi trùng nhau
chồng là núi chiều đỏ gay men rượu
hai bên sườn xương xẩu xanh xao
vợ là sông khi trong khi đục(*)
khi mặn nồng, khi ngọt, khi chua

Thị trấn tôi là nơi tôi ở
tất tả bao cuộc đời xuôi ngược lướt qua
thị trấn tôi như là quán trọ
mà tôi xa lại gọi tôi về...


(*)DỊ BẢN: Khi dạy trong trường Phổ Thông:
vợ là sông khi ròng khi rặc


GẶP HAI LOÀI HOA Ở ĐÀ LẠT

Tím bìm bìm hoang dại
Lặng lẽ chốn phồn hoa
Tím ti-gôn quý phái
Lạc bên suối hoang sơ.


MÙ SƯƠNG

Suối lặng lẽ chảy vào mù sương
Sương lững lờ trôi theo gió thổi
Anh lặng lẽ chảy về em mòn mỏi
Em thành mù sương, em trôi…


THẾ THÔI!


Ta yêu nhau đâu phải chuyện vô tình

Mà gặp nhau sao tình cờ đến thế

Khi hiểu ra anh là người đến trễ

Và ngày xưa đến sớm, thế thôi!




Và ngày xưa đời thong thả trôi

Đâu biết được lòng ai e thẹn

Đâu biết được đời không hò hẹn

(muốn hẹn hò có dám nói ra đâu!)




Chuyện ngày xưa nhắc lại thêm đau

Rồi ngày mai, ngày sau vẫn thế!

Khách đến sớm còn tàu thì trễ

Tàu vào ga, khách đã bỏ đi rồi...

Để giờ đây giữa vắng vẻ ga đời

Tàu vẫn đợi người khách xưa trở lại.




VỀ XƯA


Thế rồi mưa nắng dâng cao

Hình như còn đó ngọt ngào xa xưa

Ngoảnh nhìn lối cũ đong đưa

Tóc mây mấy lọn ngẩn ngơ em về.






ĐỌC TIẾP :

Nhà Thơ-Nhà giáo Lê Thiên Minh Khoa- Cây rụng lá để nở muôn hoa


Nỗi niềm hoài hương Quảng Trị trong thơ LTMK


Phỏng vấn LTMK về nghề Thơ


Phỏng vấn LTMK về nghề dạy học

READ MORE - LÊ THIÊN MINH KHOA

Wednesday, March 24, 2010

HOÀNG NGUYÊN



Hoàng Nguyên (1932 - 1973) là một nhạc sĩ tên tuổi, tác giả các ca khúc nổi danh như Ai lên xứ hoa đào, Cho người tình lỡ.

Ông tên thật là Cao Cự Phúc, sinh 3 tháng 1 1932 tại Đông Hà, Quảng Trị. Lúc nhỏ theo học trường Quốc học Huế. Đầu thập niên 1950, Hoàng Nguyên có tham gia kháng chiến nhưng rồi từ bỏ quay về thành phố.

Lên ở Đà Lạt, Hoàng Nguyên dạy học tại trường tư thục Tuệ Quang, thuộc chùa Linh Quang, khu số 4 Đà Lạt, do Thượng tọa Thích Thiện Tấn làm Hiệu trưởng. Thầy giáo Cao Cự Phúc dạy Việt văn lớp đệ lục. Trong ở đó, ông là thày giáo dạy nhạc cho Nguyễn Ánh 9, người sau này trở thành một nhạc sĩ nổi tiếng đồng thời là nhạc công chơi đàn dương cầm.
Năm 1956, trong một đợt lùng bắt ở Đà Lạt, do trong nhà có cả bản Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao, người mà Hoàng Nguyên rất ái mộ, Hoàng Nguyên bị bắt và đày ra Côn Đảo khoảng năm 1957.

"... Ở Côn Sơn, thiên tình sử của người nghệ sĩ Hoàng Nguyên mở đầu với cảnh tình éo le và tan tác. Là một tài hoa đa dạng, người tù Hoàng Nguyên được vị Chỉ Huy Trưởng đảo Côn Sơn mến chuộng nên đã đưa chàng ta về tư thất dạy Nhạc và Việt văn cho ái nữ ông, tên H. năm đó khoảng 19 tuổi... Mối tình hai người nhóm lên vũ bảo. Trăng ngàn sóng biển đã là môi trường cho tình yêu ngang trái nầy nẩy nở.

Chợt khi người con gái của Chúa Đảo mang thai. Mối tình hai nhịp so le bị phát giác. Để giữ thể thống cho gia đình. Vị Chúa Đảo giữ kín chuyện nầy và chỉ bảo riêng với người gây ra tai họa là nhạc sĩ Hoàng Nguyên: ông ta đòi hỏi Hoàng Nguyên phải hợp thức hóa chuyện lứa đôi của hai người với điều kiện vận động cho người nhạc sĩ được trả tự do..." (Lâm Tường Dũ - Tình Sử Nhạc Khúc).
Hoàng Nguyên được trả tự do, trở về Sài Gòn, tiếp tục sáng tác và dạy học ở trường tư thục Quốc Anh. Năm 1961, Hoàng Nguyên theo học tại Đại học Sư Phạm Sài Gòn, ban Anh văn. Trong thời gian theo học đại học, Hoàng Nguyên có quen biết với ông Phạm Ngọc Thìn, thị trưởng thành phố Phan Thiết. Bà Phạm Ngọc Thìn là nữ diễn viên Huỳnh Khanh, mến mộ tài năng của Hoàng Nguyên đã nhận ông làm em nuôi. Hoàng Nguyên dạy kèm cho Ngọc Thuận, con gái ông bà Phạm Ngọc Thìn. Hai người yêu nhau và Hoàng Nguyên trở thành con rể ông bà Phạm Ngọc Thìn. Trước đó Hoàng Nguyên có ý định quay lại với cô gái ở Côn Sơn, nhưng cô đã đi lấy chồng. Ca khúc Thuở ấy yêu nhau ra đời trong khoảng thời gian đó.
Năm 1965, Hoàng Nguyên bị động viên vào Trường Bộ Binh Thủ Đức. Sau đó chuyển về Cục Quân Cụ, dưới quyền của Đại tá nhạc sĩ Anh Việt Trần Văn Trọng và được giao quản lý ban nhạc Hương Thời Gian của Anh Việt. Hương Thời Gian xuất hiện trên truyền thanh và truyền hình Sài Gòn đã thu hút khá đông khán thính giả.

Ngày 21 tháng 8 năm 1973 ở Vũng Tàu, Hoàng Nguyên mất do một tai nạn xe hơi.


Tác phẩm

Ai lên xứ hoa đào
Anh đi mai về
Anh đi về đâu
Bài tango cho riêng em
Bài thơ hoa đào
Cho người tình lỡ
Đường nào em đi
Đường nào lên Thiên Thai
Duyên nước tình trăng
Em chờ anh trở lại
Lá rụng ven sông
Lời dặn dò
Lời người ở lại
Sao em không đến
Tà áo tím
Thuở ấy yêu nhau
Tiếng hai đêm
Nguồn: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia


HOÀNG NGUYÊN – Cung Đàn Tài hoa Bạc mệnh
Nguyễn Ánh 9


Hoàng Nguyên vĩnh viễn ra đi đã gần phần tư thế kỷ, gửi lại cho đời không ít những tác phẩm đáng trân trọng, bởi nét nhạc tài hoa và ca từ thấm đậm, buồn man mác. Có lẽ trong long những người yêu nhạc sẽ mái mái vang vọng những giai điệu đầy kỷ niệm của thời kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp … “Nếu hiểu rằng anh đi vì lũ giặc tham tàn, thì em ơi, em chớ sầu thương chi ! Em thấy chăng khói súng của giặc thù còn mịt mùng và còn che khuất mờ …”. Nhạc sĩ Hoàng Nguyên đã viết ca khúc Anh Đi Mai Về này ở tuổi 20 tràn đầy nhiệt huyết trong bối cảnh cả dân tộc đang trường kỳ kháng chiến. Bài hát tức khắc được đón nhận nồng nhiệt và phổ biến rộng khắp. Hiếm có những nhạc sĩ trẻ xưa nay tìm được thành công dứt khoát ngay tác phẩm đầu tay của mình và nhanh chóng thành danh như anh.
Với tôi, Hoàng Nguyên như vẫn còn ở đâu đó quanh đây và những kỷ niệm với anh còn như mới hôm qua … Anh Hoàng Nguyên – Cao Cự Phúc của tôi. Tôi gặp anh lần đầu tiên cách nay hơn 40 năm, khi đang học Trường Yersin ở Đà Lạt, thành phố thơ mộng sau này đã đi vào các tác phẩm vượt thời gian của anh. Dạo đó, biết tôi là một chú học trò mê âm nhạc có chút năng khiếu, Hoàng Nguyên đã để tâm chăm sóc. Chủ Nhật hàng tuần, anh vào trường nội trú đón tôi ra ”nhà” anh chơi và ân cần truyền đạt cho tôi những kiến thức ban đầu về âm nhạc. “Nhà” anh ở thật ra chỉ là một căn phòng đơn sơ, trong khuôn viên Trường Bồ Đề Đà Lạt, nơi anh đang dạy Anh văn cho các lớp trung học. Một chiếc giường đơn, một bàn viết bằng gỗ thông và một cây đàn guitar treo trên vách. Thời gian đó, Hoàng Nguyên còn phụ trách các buổi phát thanh của Hội Phật giáo trên làn sóng Đà Lạt. Một hôm, tôi rất bất ngờ và hạnh phúc được anh “mời” tham gia ban nhạc phát thanh của anh. Đó là lần đầu tiên tôi bước vào “nghề ca nhạc”, năm 1956.
Năm đó, Hoàng Nguyên đang phác thảo ca khúc Bài Thơ Hoa Đào:
“Chiều nào dừng chân phiêu lãng,
Khách đến đây thấy hoa đào vương lối đi…”


Tôi hân hạnh là người ái mộ đầu tiên được anh đàn và hát cho “nghe thử” những âm điệu lời ca lãng đãng sương khói núi đồi của Bài Thơ Hoa Đào. Tôi vẫn nhớ như vừa ra khỏi giấc mơ còn tươi rói: chúng tôi ngồi co ro trong căn phòng nhỏ của anh; bên ngoài trời cao nguyên xam xám và mưa nhỏ. Đằng kia, những cánh hoa đào vừa lìa cành theo cơn gió bất chợt … Hỏi “Chắc anh đã chọn Đà Lạt làm quê hương ?”. Đôi mắt u hoài sau cặp kính trắng của anh hình như chợt xa khuất hơn: “Không, anh chỉ ghé chân để tạm mưu sinh và tìm cảm hứng …”.
Vâng, Hoàng Nguyên chỉ “ghé chân” – như anh viết “dừng chân phiêu lãng” nơi phố núi mù sương này một quãng thời gian ngắn nhưng cũng đủ để anh viết nên hai ca khúc tiêu biểu về một vùng đất thơ mộng dễ yêu: Bài Thơ Hoa Đào và Ai Lên Xứ Hoa Đào, hai ca khúc bất hủ đã làm rung động trái tim nhiều thế hệ người yêu nhạc, mãi mãi gắn chặt nghệ danh của anh với địadanh nổi tiếng này.
“Ai lên xứ hoa đào, dừng chân bên hồ nghe chiều rơi.
Nghe hơi giá len vào hồn người, chiều Xuân mây êm trôi.
Thông reo bên suối vắng, lời dìu dặt như tiếng tơ …”


Bẵng đi một thời gian, chúng tôi gặp lại nhau ở Sài Gòn khảng đầu thập niên 70. Lúc ấy, tôi đã đi vào lĩnh vực ca diễn và Hoàng Nguyên đã bị động viên vào binh chủng Quân cụ chế độ cũ. Như một số các nghệ sĩ khác cùng thời, buổi sáng anh thường đến uống cà phê ở nhà Thanh Thế, đường Nguyễn Trung Trực. Nghe nói dạo đó tình cảm gia đình anh gặp chuyện không vui. Anh trở nên u uất hẳn và có lẽ vì thế anh đã rất thích bài hát Summertime có âm sắc blues-jazz trầm mặc đang thịnh hành và được phát thường xuyên ở nhà hàng Thanh Thế. Tác phẩm Cho Người Tình Lỡ của anh ra đời khoảng thời gian đó, chịu phần nào âm hưởng khắc khoải của Summertime.
“Nhớ mà chi, đau thương qua rồi
Thương mà chi, xót xa cũng đắng cay …”


Năm 70, bài Không của tôi được Khánh Ly thu vào đĩa 45 vòng do Hàng đĩa Tình Ca Quê Hương sản xuất, mặt sau có bài Cho Người Tình Lỡ do Thanh Lan hát. Ngày hãng đĩa trao tặng đĩa hát nói trên cho chúng tôi, Hoàng Nguyên thân mật vỗ vai tôi, thì thầm:”Mau quá Ánh hỉ ? Mới ngày nào ở Đà Lạt, anh em mình nói chuyện âm nhạc nhập môn, bây giờ Ánh đã có bài thu đĩa với anh…”. Vẫn là ngôn phong của một người anh ân cần, trìu mến !
Hoàng Nguyên còn để lại một tác phẩm khác, được yêu mến không kém các ca khúc đã có của anh, mà anh viết về xứ Huế, quê anh: Tà Áo Tím.
“Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang
Tôi đã gặp một tà áotím, nhẹ thấp thoáng trong nắng vương
Mầu áo tím sao luyến thương …”



Hoàng Nguyên đột ngột chia tay với không gian âm nhạc của chúng ta một buổi sáng năm 1973 trong một tai nạn giao thông khi anh từ Vũng tàu trở về Sài Gòn. Ở độ tuổi 50 chín muồi rung động và từng trải cuộc đời.
Tôi thầm nghĩ, nếu Hoàng Nguyên chưa vội ra đi chắc chắn ca mục của anh sẽ còn nối tiếp bằng những ca khúc dịu dàng, thanh thoát trong đó nỗi u hoài được nâng lên thành những vần thơ trong vắt …


Nguồn: Tuổi Trẻ Chủ Nhật 1995

NGHE CA KHÚC CỦA HOÀNG NGUYÊN


AI LÊN XỨ HOA ĐÀO

ANH ĐI VỀ ĐÂU

BÀI TANGO CHO RIÊNG EM

CHO NGƯỜI TĨNH LỠ

TÀ ÁO TÍM
READ MORE - HOÀNG NGUYÊN

Sunday, March 21, 2010

LINH ĐÀN - BÀI THƠ ĐIỆP TỪ


BÀI THƠ ĐIỆP TỪ

Linh Đàn


Trên con đường xuyên Việt , đèo Hải Vân là đề tài bất tận muôn thuở của thơ ca, tản mạn trong nhân gian, chắc hẳn rằng cảnh quan ở đây cũng tương xứng với một núi thơ, một biển thơ, một trời thơ, không chỉ của người Việt Nam, mà còn cả người ngoại quốc, thi nhân hay người yêu thơ qua đây không nhiều thì ít cũng để lại cho đời những vần thơ, trong đó có nhà nho Nguyễn Hy Lượng (1882 – 1953), quê ở Lan Đình, Gio Linh, Quảng Trị, nhân chuyến đi thăm con trai làm việc ở sở hỏa xa Đà Nẵng, vào năm 1950 lần đâu tiên qua đèo Hải Vân, Cụ có cảm tác bài thơ :

QUÁ HẢI VÂN SƠN

Sơn sơn liên hải, hải liên thiên
Sơn xuyết thanh thiên, thiên đới* thuyền
Lộ tự trường xà - xa tự điểu
Vân yên tà tịch – nịch vân yên

Nguyễn Hy Lượng
*(đới là đội = âm Bắc gọi là đái)


Chỉ bốn câu thơ điệp từ thôi, mà không có bút mực nào tả hết cái sơn cùng thủy tận của bài thơ thất ngôn tứ tuyệt, tuy là thơ chữ Hán, nhưng những âm Hán ấy đã Việt hóa, rất gần gũi với văn chương Việt Nam.


Chúng ta thử cùng đi sâu vào từng câu một của bài thơ

Sơn sơn liên hải hải liên thiên : chúng ta thấy núi non chồng chất, biển trời bát ngát mênh mông, cảnh vật bao la trùng điệp, non sông cẩm tú lạ thường, nếu là văn xuôi, chúng ta tả cảnh đèo Hải Vân, cho tương xứng câu thơ trên cũng phải mất khoảng vài trăm từ ngữ trở lên, để có độ trùng điệp cân bằng như thế, nhưng xét về mặt hình thức, thì nó không phải cầu kỳ, nắn nót công phu, câu thơ rất tự nhiên. nhưng chỉ vỏn vẹn có bảy chữ thôi, mà ta thấy và thâu suốt luôn cái hùng vĩ của cảnh quan, đúng thế : thơ chính là ở “ý tại ngôn ngoại”.

Sơn xuyết thanh thiên thiên đới thuyền : từng ngọn núi cao chọc trời xanh, mắt nhìn ra xa xa giống như trời đang đội ghe thuyền trên biển cả, câu thơ nầy Lê Đình Lộng Chương hồi ở Bà Rịa có nhận xét : Qua đèo Hải Vân vào buổi chiều, lúc nắng yếu, sương chiều quyện vào mây, biển trời liền nhau, hình ảnh trời đội ghe thuyền, đúng là tác giả có mắt nhìn, hồi đó Lộng Chương không đồng ý chữ “ sơn triệt thanh thiên thiên đới thuyền” và nói với tôi anh phải nhìn lại chữ triệt, sau tôi về Đà Nẵng, ông Nguyễn Duy Ngân (con ông Nguyễn Hy Lượng) cho xem bản chính là chữ xuyết, khi đó mới biết Lộng Chương với kiến thức Hán Văn uyên bác, và từ đó đến nay cũng chưa nói được điều gì với Lộng Chương

Lộ tự trường xà - xa tự điểu : đường quốc lộ ngoằn ngoèo như rắn lượn, xe cộ giống như chim bay bên sườn núi, thật là ngoạn mục,

Vân yên tà tịch - nịch vân yên : mây khói bóng chiều lãng đãng trôi, cùng phản chiếu xuống nước, thật là cảnh vật lênh đênh huyền ảo.

Chúng ta còn phát hiện thêm câu đầu của bài thơ có 2 chữ “HẢI” và câu kết có 2 chữ “VÂN”, như thế ta tin chắc chắn rằng : tác giả không phải tả một cảnh nào khác rồi gán ghép cho Hải Vân,……. và thêm một điều lý thú nữa là cách thả vần lững hết sức độc đáo trong mỗi câu thơ, chữ thứ 4 và chữ thứ 5 đồng âm : câu 1 (2 chữ hải), câu 2 (2 chữ thiên) đồng vần : câu 3 (xà, xa),câu 4 (tịch, nịch) mà chúng ta thấy đó cũng là một nghệ thuật rất riêng, rất tài tình của tác giả.

Xét về hình thức thơ điệp từ, xưa nay người ta chỉ làm một hay vài câu trong một bài thơ, hoặc tự nhiên mạch thơ phải đi như thế, phần nhiều là thơ chữ Hán mà chúng ta thường bắt gặp trong những câu thơ tuyệt tác …như vài thí dụ dưới đây :

Dương Tử giang đầu dương liễu xuân,
Dương hoa sầu sát độ giang nhân.....
Quân hướng Tiêu Tương thiếp hướng Tần
.........của Trịnh Cốc (?).

Yên lung hàn thủy nguyệt lung sa......... của Đỗ Mục,

Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ.
Phương thảo thê thê anh vũ châu
..... của Thôi Hiệu, chẳng hạn. còn trong Chinh Phụ Ngâm của Đặng Trần Côn vừa trùng từ vừa điệp từ thì không sao kể hết như :

Lang cố thiếp hề Hàm Dương
Thiếp cố lang hề Tiêu Tương
Tiêu Tương yên cách Hàm Dương thụ
Hàm Dương thụ cách Tiêu Tương giang
Tương cố bất tương kiến
Thanh thanh mạch thượng tang
Mạch thượng tang, mạch thượng tang
Thiếp ý……………

Đoàn Thị Điểm dịch :

Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mây ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng…….

Hoa tiền nguyệt chiếu nguyệt tự bạch.
Nguyệt hạ hoa khai hoa tự hồng
Nguyệt hoa hoa nguyệt hề ảnh trùng trùng
Hoa tiền nguyệt hạ hề tâm sung sung

Hoa giãi nguyệt nguyệt in một tấm
Nguyệt lồng hoa hoa thắm từng bông
Nguyệt hoa hoa nguyệt trùng trùng
Trước hoa dưới nguyệt trong lòng xiết đau…..VV

Nói về bài thơ qua đèo Hải Vân của cụ Nguyễn Hy Lượng, thì chắc rằng chẳng mấy ai biết tới, vì tác giả làm ra thơ rồi bỏ trong rương khóa lại, 60 mươi năm dài đằng đẳng trôi qua bài thơ vẫn chưa được chào đời. thì nói gì chê khen phân tích, nhưng chúng ta thấy phần nhiều có “đèo là có thơ điệp từ” ví như bài Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan : Cỏ cây chen đá lá chen hoa,…Một mảnh tình riêng ta với ta. Hay Qua đèo Ba Dội của Hồ Xuân Hương : Một đèo, một đèo…lại một đèo, thì bài thơ của cụ Khóa Lượng cũng có cái giá riêng về mặt điệp từ của nó.

Vào thời gian 1950 người làm thơ chữ Hán được gọi là hiếm. thơ Đường Luật chỉ còn thoi thóp của những nhà khoa cử còn sót lại, nên bài thơ nầy cũng ở vào thời kỳ suy vong của thơ luật, nhưng chính nó có một hình thái như thời cực thịnh của thơ Đường.

Xét về cảnh quan để có thơ cũng không phải nơi nào cũng có được, ai cũng hiểu rằng từ cảnh quan nhập vào nhãn quan để rồi phát ra tiếng ra lời, ngôn từ của người ban tặng cho thiên nhiên, chắc có khác thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan để có ngôn từ, ở đây cả hai đều hội ý, phần xác và phần hồn cái nào cũng hòa quyện lẫn nhau, vì thế nó tự đào thải những ngôn từ thiếu trung thực ra ngoài, còn lại cái cốt lõi của chữ nghĩa là công bằng, là bản năng của hiện thực, nhưng phần nghệ thuật bài thơ nầy lại vượt quá xa, tác giả đã làm được điều đó.

Nhưng dù sao lớp người sau, phần hiểu thơ chữ Hán vẫn không được như người xưa, hơn nữa đây là một bài thơ điệp từ, nên chúng tôi rất mong được sự góp ý, phê phán chân tình của độc giả, để chúng ta thấy thêm nét đẹp của thơ chữ Hán, mà hồi xưa nó chiếm địa vị độc tôn của nền văn học Nước Nhà. Và nét đẹp riêng của dòng thơ điệp từ mà xưa nay vẫn cho là của hiếm.


LINH ĐÀN
Saigon đầu năm Canh Dần 2010
-------------------------------------------------------------------------------------
Xin tạm dịch Thơ:

Bài dịch 1

QUA ĐÈO HẢI VÂN

Núi liền biển – biển liền trời
Núi đâm trời thủng cho trời đội ghe
Đường là rắn – chim là xe
Khói mây bóng xế nước đè khói mây

LINH ĐÀN

Bài dịch 2


Núi non liền biển, biển liền trời
Núi chọc lên trời, thuyền đẩy trôi
Xe chạy giống chim, đường giống rắn
Chiều tà biển cuốn, khói mây vùi

HOÀNG ĐẰNG

READ MORE - LINH ĐÀN - BÀI THƠ ĐIỆP TỪ

Friday, March 5, 2010

HỒ SĨ BÌNH - NHỪNG CUỘC "CHƠI CHO VUI"

Họa sĩ Võ Xuân Huy
Photo từ trang: www.thethaovanhoa.vn


Tạp bút



Vừa rồi tôi có về dự một cuộc triển lãm sắp đặt với chủ đề Tháp lúa của hoạ sĩ Võ Xuân Huy tại Thành Cổ, Quảng Trị. Huy vốn là trưởng khoa sơn mài của Đại học mỹ thuật Huế, từng triển lãm rất nhiều nơi trong, ngoài nước và đã có nhiều giải thưởng. Một hoạ sĩ của đất Quảng Trị đã thành danh .Tranh của Huy dù ở những chất liệu nào cũng là sự hoà hợp và kết tinh giữa trí tuệ và cảm xúc được thể hiện bằng một ngôn ngữ hội hoạ hiện đại của trào lưu trừu tượng. Nói như thế để hiểu rằng, lượng người xem để có thể đồng cảm ắt là hạn chế trong khi cái mặt bằng văn hoá trên đất Quảng Trị vẫn còn khiêm tốn. Thế nhưng trong vòng nửa tháng, Huy đã tổ chức 2 cuộc triển lãm ngay trên mảnh đất nhau rốn của mình, trước đó đã cùng những nông dân bày biện, sắp đặt trên những cánh đồng ở Vĩnh Linh, quê anh. Những cuộc chơi mà đối với những người tính toán hơn thiệt, có thể cho là mất công tốn kém, vô ích chẳng đem lại một lợi lộc nào cả. Theo cách nói của những người trong nghề là chơi cho vui. Đúng là chơi cho vui vì chẳng để mang lại điều gì cả. Thế nhưng thật lạ lùng, đã có những cuộc chơi nghệ thuật cho vui như thế đã diễn ra trên mảnh đất Thành Cổ này. Hoạ sĩ Trương Bé sau khi nghỉ hưu cũng về đây triển lãm tranh trừu tượng. Nhà danh hoạ Lê Bá Đảng sau gần 70 mươi năm xa xứ, lần trở về Việt Nam đầu tiên cũng bày biện tranh và đá ngay tại đình làng Bích La. Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cũng thế, khăn gói ra Thành Cổ, tổ chức một tạp chí Cửa Việt đình đám ngay trên mảnh đất còn bời bời cỏ tranh. Nghe nói nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ những ngày trước khi mất cũng muốn một lần tổ chức đêm nhạc của mình trên ngôi làng Bích Khê, nơi sinh thành dòng nhạc dân tộc trữ tình Gạo trắng trăng thanh ngày xưa.

Cả đạo diễn Lê Cung Bắc cũng thế, ao ước một đời làm đạo diễn là được thực hiện một bộ phim máu thịt trên vùng đất này… Và còn nhiều người nữa cũng mang một mong ước như thế. Ai cũng muốn cơm đùm gạo bới lặn lội về quê để làm một cái gì đó ra mắt với bà con, gặp gỡ giao lưu với anh em văn nghệ ở cố hương. Xâu chuổi tất cả những cuộc chơi cho vui ấy mới thấy rằng tất cả những người hoạt động nghệ thuật sinh ra trên vùng đất khắc nghiệt này đều có chung một khát vọng có tính chung thẩm là được trở về dù một lần trong đời đem những tác phẩm của mình về với công chúng quê nhà. Có thể những gam màu trong biến thể của Huy, những vỏ trứng, sơn ta trong sơn mài của Trương Bé, đá, cát, bột cưa…trong tác phẩm của Lê Bá Đảng chưa hẳn đã hấp dẫn đông đảo người xem, nhất là đối với mảng nghệ thuật mang hơi hướm hiện đại nhưng tất cả đều có chung mong ước cháy bỏng. Ai cũng biết người già thường sống bằng ký ức nhưng đối với những người hoạt đông nghệ thuật thì ký ức và cảm thức quy hồi luôn là một ám ảnh bức bối đến thao thiết.

Gần đây tôi có đọc một bài phỏng vấn và tranh luận của anh Nguyễn Hữu Liêm với một số nhà văn, bạn đọc ở hải ngoại. Anh Liêm là tiến sĩ triết học, từng chủ biên một tạp chí triết học ở hải ngoại, là luật gia, hiện là chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Mỹ. Vì thế nên đã có nhiều người gọi anh là triết gia theo nhiều ý nghĩa. Trong những ý kiến phát biểu và đối thoại kể trên, dù cách nhìn nhận vấn đề có thể còn khoảng cách nhưng đằng sau những đóng góp để xây dựng đất nước đều có một tâm ý cùng nhau trở về. Tôi thực sự xúc động khi đọc những dòng cuối của anh, đại ý : Có lẽ sẽ có lúc tôi bỏ hết trở về dựng nhà bên sông Thạch Hãn chỉ để nửa đêm …nghe tiếng gọi đò. Với một người mà cả đời đắm mình trong những suy tưởng đa đoan của triết học, đầu óc thiên về thuần lí thế mà sâu thẳm trong tâm thức lại nặng nghĩa nặng tình với quê nhà như thế thì không còn là cuộc chơi cho vui nữa rồi.Và hình như, với những người lưu xứ nơi đất khách, trong tâm hồn luôn trầm sâu đối diện với một ý thức vô trú nhiều khi đến nghẹt thở.

Trong đề dẫn khai mạc triễn lãm của Huy, tác giả lấy lại cái phát biểu của một nhà văn Nga : nếu đi tận cùng cái làng của mình sẽ bắt gặp nhân loại. Có lúc, trước những cuộc chơi nghệ thuật trên chính quê nhà của những người đã thành danh ở nước ngoài hay trong nước, tôi chợt muốn thêm một vế trong câu nói của nhà văn Nga, rằng nếu đi hết thế gian, ta sẽ gặp lại ngôi làng của ta .Vâng nơi ấy ta sẽ gặp lại chính mình vì nghệ thuật là một cuộc hành trình không hề mệt mỏi để lên đường và trở lại của đời người. Điều đó giải thích về những cuộc chơi cho vui để trở về trên con đường sáng tạo ấy là một cách tạ ơn với nơi chốn sinh thành mà đối với những người hoạt động nghệ thuật đều trở thành khát vọng. Cho dẫu chỉ một lần, những cuộc chơi nghệ thuật …cho vui ấy mà.

READ MORE - HỒ SĨ BÌNH - NHỪNG CUỘC "CHƠI CHO VUI"