Đông Hà
READ MORE - ĐÔNG HÀ
Những lá thư tình
Những lá thư tình như những nhát dao
Chuôi dao đã tuột về quá khứ
nhiều khi trong cơn mê ngủ
tôi bàng hoàng
Những thư tình viết từ thuở hồng hoang
Có yêu thương cuồng điên thời trẻ tuổi
( Yêu như thể không yêu là chết mất
chẳng hiểu sao lại sống dậy trong lòng )
Những lá thư tình như những nhát dao
Chuôi dao đã quay về quá khứ
cầm sao không chảy máu bây giờ???
CHUYỆN ĐỜI XƯA
TRONG NHÀN ĐÀM HOÀNG PHỦ
ĐÔNG HÀ
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những cây bút ký tiêu biểu của Huế và cả nước. Anh tung hoành trên nhiều dải đất khác nhau của đất nước nên những trang viết của anh ngồn ngộn chất sống cộng thêm với sự uyên bác vốn có khiến giọng văn của anh càng thêm sang trọng. Anh không chỉ tài hoa trong thể ký mà còn thành công trong lĩnh vực thi ca bởi đây là một người không hề dễ dãi với con chữ chút nào. Với thể loại thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường là người làm thơ luôn bị ám ảnh bởi “cõi chết”. Thân phận và Con Người, Tình yêu và Cái chết luôn xuất hiện trong thơ anh như trực quan về cuộc sống của riêng mình. Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đẹp như nỗi buồn đọng lại. Ở đấy, người ta thấy thơ anh đã được sinh ra giữa sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi buồn, giữa cái cô đơn ầm ào tuyệt vọng. Những câu thơ hay của anh thường buồn tha thiết “Mai kia rồi cũng xa người/ Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa/ Có nàng xoã tóc tiên nga/ Quỳ hôn cát bụi khóc oà như mưa”. Buồn đến dại khờ, đến đê mê đắm đuối. Nhưng khi đến với Nhàn đàm, dường như anh lại tỉnh táo bình tĩnh đến không ngờ. Vẫn giọng điệu tài hoa sang trọng nhưng bình tĩnh, khác hẳn cái chất giọng đa tình của thể thơ và hoài mang của thể ký.
Đến bây giờ có thể nói người viết nhàn đàm trong văn học Việt Nam chưa nhiều, đây vẫn là một lĩnh vực mới mẻ trong khi trên thế giới thể loại này đã khá phổ biến. Giả Bình Ao ở Trung Quốc đã rất thành công ở thể này. Ở Việt Nam, người viết Nhàn đàm có thể kể ra một vài người tiêu biểu như Thanh Thảo, Tiêu Kim Thuỷ… Và nổi trội, viết đều đặn, đầy tay hơn cả vẫn là nhà thơ, nhà văn Hoàng Phủ.
Nếu trong thơ, Hoàng Phủ làm thơ như thể “viết di chúc để mà chết” theo nhận xét của Nguyễn Trọng Tạo, viết tuỳ bút như để “trằm” cả gương mặt mình vào đất Thần kinh như lời của Tô Hoài thì trong Nhàn đàm anh lại bình tĩnh “lẩy” lên từng hạt cát của cuộc đời để chiêm nghiệm, trở trăn. Những bài Nhàn đàm nhỏ bé, xinh và giàu chất suy tư trăn trở với cuộc phù sinh. Đôi khi chỉ là một điều rất giản đơn nhưng Hoàng Phủ đã khiến người đọc phải giật mình ngẫm ngợi. Và hình như để đạt được cái “ vỗ vai” đầy thâm hậu ấy, thấp thoáng trong những trang viết của mình, nhà văn đã rút tỉa những chất liệu có từ khởi thuỷ xa xưa để nhắc nhớ con người ngày nay, đó là chất liệu đã hàng nghìn năm tích tụ từ kho văn học cổ Trung Quốc.
Điều dễ nhận thấy là trong rất nhiều bài Nhàn đàm của anh thường xuất hiện các tư tưởng triết học phương Đông, mà điển hình vẫn là tư tưởng triết học Nho- Phật – Lão của Trung Quốc. Vốn là một giáo sư triết học nên việc vận dụng những tư tưởng triết học trong những bài viết của mình là điều dễ hiểu. Ngay trong những sáng tác ở thể loại ký, cũng chính chất triết lý sâu xa ấy đã làm nên tầng vỉa lớp mạch cho tác phẩm của anh.
Với Nhàn đàm cũng vậy, cũng những câu chuyện triết học nhưng ngắn gọn vô cùng, đôi khi câu chuyện có thể chiêm nghiệm cả một đời lại nằm vỏn vẹn trong đôi câu nhẹ nhàng quá thể. Bàn về triết học Khổng Tử đôi khi với Hoàng Phủ chỉ là sự tình cờ “Ngẫu Hứng”: “Trải gần suốt đời người dâu bể, thú thật cho tới nay, tôi vẫn chưa đi hết cuộc chuyện trò ngẫu hứng của thầy trò họ Vương trong buổi chiều xa xôi ấy nơi sườn núi. Có ai giúp tôi hiểu tường tận cái Tâm là gì? Có lẽ cũng chỉ cách thô sơ ấy thôi, như lời thầy Nguyễn Đăng Thục, đêm khuya nằm thật yên, nghiêng tai trên gối và nghe tiếng đập trong lồng ngực”. Lời của triết nhân từ xa xưa vọng về, đi hết cuộc đời dâu bể vẫn chưa “ngộ” được đạo, mà giản đơn chỉ lắng nghe tiếng đập của trái tim mình, ấy là đạo. Thuyết Tâm học của Dương Vương Minh sao phải đi dài đến thế khi lại gần ta trong gang tấc đến thế, phải chăng nhà văn đã tìm ra con đường ngắn nhất giúp người đọc “ngộ đạo” khi bản thân mình đã đi suốt chặng đường dài nhân thế?
Hay trong một bài Nhàn đàm khác, nhan đề tưởng chừng vu vơ tính tình tang “Ai đem con sáo sang sông”, anh lai lấy tích xưa của thầy trò Tam Tạng về chuyến qua sông luỵ dò, luỵ đò xong lại quên ngay đấy. Phải chăng đó là một tâm tính xấu con người hay mắc phải? Người đời gọi đó là “qua cầu rút ván”. Còn Hoàng Phủ lại thấy cái ông “Ngô Thừa Ân là một nhà văn thâm Nho”. Quả thế thật, nhân tình thế thái, ở đâu mà chẳng giống nhau, thời nào mà chẳng mang tâm tính con người. Đã là tâm tính, khó có gì lay chuyển nổi. “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời”. Nhưng câu chuyện Đường Tăng nợ con rùa trên chuyến sang sông kia vẫn còn đó, gieo cho người đời một nỗi hoài nghi về thế thái nhân tình. Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, Hoàng Phủ đã gieo vào lòng người đọc một nỗi niềm bâng khuâng pha lẫn cái gì đó chát chua khó tả.
Cũng lại mượn tích xưa, câu chuyện Trang Tử mổ rồng, hoá ra Rồng có đâu mà mổ? Con người ta thường tự huyễn hoặc mình bằng những điều vu vơ kỳ quặc. Và tin như thể đó chính là cứu cánh của cuộc sống. Tự đánh lừa mình, hay cũng là đánh lừa nhân thế. Hoàng Phủ đành thú thật, một sự thật dễ làm “mệt tim” những người đa đoan trót đam mê nghiệp dĩ “Tưởng rằng đọc Trang Tử để tìm chút thư nhàn. Hoá ra vẫn thế, ngọn đèn khuya, trang sách cũ, và mái tóc hoa râm rối bời…” ( Sát Long chi bối). Hoá ra con người từ truyền kiếp, vẫn hay mơ tưởng chuyện xa xôi, khi giật mình tỉnh lại, vẫn là thực tại cũ, những niềm hụt hẫng cũ, những nỗi niềm chát chua xưa cũ… Vậy mà sao vẫn đi tìm, vẫn huyễn hoặc mình dù biết đó là điều không có thật? Hoàng Phủ là người biết điều ấy, khổ thay lại biết điều mà con người ta bao lâu nay không thể nào tránh khỏi, cả khi biết rồi cũng không thể nào tránh khỏi, nên chuyện cũ tích xưa vẫn còn nguyên, mới rợi.
Hay một câu nói của người xưa, “xích tử chi tâm”. Có lẽ, khi Mạnh Tử chiêm nghiệm điều này, hẳn Ngài cũng không ngờ hậu thế lại cứ mãi trở trăn muộn phiền đến thế đâu. Vậy nhưng với Hoàng Phủ, dường như trong con người này, lúc nào đụng đến chữ “Tâm”, lại như không hề yên ổn. “Thế giới mãi trầm luân trong lửa và máu, chính bởi con người đã đánh mất “ xích tử chi tâm”, để đổi lấy hận thù làm quyền sống” (Bài học vỡ lòng của tôi). Trái đất ngày một nóng lên, bởi môi trường, bởi bầu khí quyển, bởi vòng xoay ngày một vội vã, và cả bởi chiến tranh. Quyền lực, tiền bạc, tham vọng, mưu đồ…tất cả như trộn lẫn, nhào nặn lên làm thành một khối “hận thù” để đổi lấy hai chữ Hoà Bình. Cổ nhân đã từng thấy điều đó, đã “khuyến cáo” chúng ta điều đó, vậy tại sao lại quên khi lẽ ra không được có quyền quên? Hoàng Phủ đã chỉ ra cho chúng ta điều ấy, liệu mấy ai trên thế gian này một lần nữa lĩnh hội ra? Khi mà quyền lực, đồng tiền vẫn còn ở ngôi vì thống lĩnh?
Kinh Dịch vốn là kho tàng thi liệu, văn liệu tuyệt vời và bất tận cho các văn nhân đời sau khai thác. Cũng từ kho báu chữ nghĩa đó, Hoàng Phủ đã khai phá cho người đọc những cơ hội lĩnh hội diệu kỳ. “Quẻ Vị Tế” là một trong những điều kỳ diệu đó. Bàn về Kinh Dịch, không cao tay sẽ rơi vào sự sợ hãi về chữ nghĩa. Nhưng với Hoàng Phủ, người đọc “ngộ” ra những điều thật sâu sắc mà lại đơn giản vô cùng, Vị Tế là một thông điệp vĩnh hằng về phận người: “Hỡi người, người sinh ra không phải để yên nghỉ mà lên đường, lên đường bằng tất cả âu lo của kẻ vượt sông”. Tất cả những lời giải trình về thân phận con người dường như chỉ vỏn vẹn trong chuyến vượt sông đầy định mệnh ấy. Có người đã nói rất buồn rằng “Đời người là quán trọ/ Ung dung nào mấy ai”. Nói về thân phận cuộc đời, không hiểu sao thường ám ảnh về một dòng sông. Heraclit có câu nổi tiếng “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Sau này, những chuyến đi của con người cũng trên dòng sông. Mà có phải ai cũng biết bơi và bơi giỏi đâu. “Lỡ bước sang ngang” thôi mà. Nên hầu như đã là người, chuyến sang sông nào mà không thấm đẫm âu lo? Đến bây giờ, nhân loại vẫn từng phút giây chen chúc nhau sang sông, trên chuyến đò Bát Nhã. Và quẻ Vị Tế kia, như Hoàng Phủ đã chỉ ra, rằng đời người là một cuộc hành trình không ngơi nghỉ, còn ôm theo nỗi thắc thỏm của kẻ vượt sông…
Không hiểu sao, ở thể ký nhiều lúc giọng văn Hoàng Phủ còn có chỗ tươi, thì trong thơ lại buồn đến đứt ruột, và ở Nhàn đàm cũng vậy, những bài viết ngắn chút xíu, vậy mà vẫn lộ ra giọng buồn da diết. Cái “tạng” nó thế, hay bởi những câu chuyện anh viết thường buồn? Có lẽ tại cả hai. Như câu chuyện “ Cừu Dolly và câu chuyện kiếp sau”. Bàn về công nghệ sinh học hiện đại hẳn hoi, vậy mà trong anh vẫn mang mang câu chuyện cổ xa xưa từ … Trung Hoa cổ đại, rằng “nếu có một kẻ tình si nào đó bị buộc phải chia lìa trong cõi đời này (thí dụ như anh Trương Chi chẳng hạn), thì vào đêm trước khi chết, chàng xin được uống nước sông Hoàng Hà, để kiếp sau gặp lại, chàng sẽ nhớ và nhận ra người yêu dấu của mình trong tiền kiếp. Phút “nhận mặt người quen” đó thường xảy ra trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, bằng một sức mạnh làm choáng váng, gọi là “tiếng sét ái tình” (Coup de foudre)”. Những cuộc tình đẹp trên thế gian thường là những cuộc tình buồn. Nhưng điều an ủi giúp những kẻ buồn tình ấy là khái niệm về “kiếp sau”. Có lẽ, ảo vọng về cái kiếp sau ấy giúp họ sống tốt hơn ở kiếp này khi đã trót có cuộc đời buồn đến thế chăng? Trịnh Công Sơn cũng đã từng quan niệm về cuộc đời chỉ là thân phận của con chim di, con phù du bay ngang cõi trần thế, chỉ là “ở trọ’ thôi mà. Bàn về cái mới nhưng lúc nào tâm trạng Hoàng Phủ cũng vấn vương những điều muôn năm cũ…
Trong “Một chuyến tàu” cũng vậy,“Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ” (Đừng buồn rằng con đường trước mặt không có ai là người tri kỷ). Những chuyến tàu xuôi ngược ngang qua, thật khủng khiếp nếu đó chỉ là chuyến đi đơn độc. “Những chuyến tàu từ Đông sang Tây, từ Tây sang Đông” quả thật khiến “Một ngày dài hơn thế kỷ”. Từ xưa, cổ nhân đã cần người tri kỷ, bây giờ con người vẫn cần điều ấy hơn hết, khi mà ngồi trong căn phòng tiện nghi, chỉ một cái nhấn nút có thể với tay ôm cả thế giới vào lòng, nhưng lại bơ vơ vô cùng khi muốn chia sẻ một điều gì đơn giản, khó đến đau lòng.
Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, khó ai có thể tài tình khéo léo như Hoàng Phủ. Những triết luận về cuộc đời từ những câu chuyện cổ được anh giãi bày thật nhẹ nhàng mà mang sức nặng ngàn cân của con chữ. Vì vậy văn phong anh ngắn gọn mà cô đọng hàm chứa biết bao điều.Thiết tưởng không phải ai cũng có được một “nội công thâm hậu” ấy, nhất là khi đang ở trong cơn bạo bệnh tưởng chừng không thể nào gượng lên được. Vậy mà anh không chỉ “gượng” qua cơn bệnh, hơn thế nữa, với những gì anh làm từ con chữ, chúng tôi gọi đó là một sự “tái sinh”, như thể cuộc đời anh là hai kiếp người cộng lại, bây giờ anh đang sống tiếp kiếp thứ hai của mình. Nên văn chương anh vẫn mới mẻ, tràn đầy ngữ nghĩa trong mỗi câu chữ anh góp nhặt để lại cho đời, như con chim oanh vũ mỗi sáng tinh khôi vẫn tha về từng hạt gội, nhảy nhót tưng bừng trong “thành phố vườn” thơ mộng của anh.
ĐÔNG HÀ
Những lá thư tình như những nhát dao
Chuôi dao đã tuột về quá khứ
nhiều khi trong cơn mê ngủ
tôi bàng hoàng
Những thư tình viết từ thuở hồng hoang
Có yêu thương cuồng điên thời trẻ tuổi
( Yêu như thể không yêu là chết mất
chẳng hiểu sao lại sống dậy trong lòng )
Những lá thư tình như những nhát dao
Chuôi dao đã quay về quá khứ
cầm sao không chảy máu bây giờ???
CHUYỆN ĐỜI XƯA
TRONG NHÀN ĐÀM HOÀNG PHỦ
ĐÔNG HÀ
Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những cây bút ký tiêu biểu của Huế và cả nước. Anh tung hoành trên nhiều dải đất khác nhau của đất nước nên những trang viết của anh ngồn ngộn chất sống cộng thêm với sự uyên bác vốn có khiến giọng văn của anh càng thêm sang trọng. Anh không chỉ tài hoa trong thể ký mà còn thành công trong lĩnh vực thi ca bởi đây là một người không hề dễ dãi với con chữ chút nào. Với thể loại thơ, Hoàng Phủ Ngọc Tường là người làm thơ luôn bị ám ảnh bởi “cõi chết”. Thân phận và Con Người, Tình yêu và Cái chết luôn xuất hiện trong thơ anh như trực quan về cuộc sống của riêng mình. Thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường đẹp như nỗi buồn đọng lại. Ở đấy, người ta thấy thơ anh đã được sinh ra giữa sự sống và cái chết, niềm vui và nỗi buồn, giữa cái cô đơn ầm ào tuyệt vọng. Những câu thơ hay của anh thường buồn tha thiết “Mai kia rồi cũng xa người/ Tôi về ngủ dưới khung trời cỏ hoa/ Có nàng xoã tóc tiên nga/ Quỳ hôn cát bụi khóc oà như mưa”. Buồn đến dại khờ, đến đê mê đắm đuối. Nhưng khi đến với Nhàn đàm, dường như anh lại tỉnh táo bình tĩnh đến không ngờ. Vẫn giọng điệu tài hoa sang trọng nhưng bình tĩnh, khác hẳn cái chất giọng đa tình của thể thơ và hoài mang của thể ký.
Đến bây giờ có thể nói người viết nhàn đàm trong văn học Việt Nam chưa nhiều, đây vẫn là một lĩnh vực mới mẻ trong khi trên thế giới thể loại này đã khá phổ biến. Giả Bình Ao ở Trung Quốc đã rất thành công ở thể này. Ở Việt Nam, người viết Nhàn đàm có thể kể ra một vài người tiêu biểu như Thanh Thảo, Tiêu Kim Thuỷ… Và nổi trội, viết đều đặn, đầy tay hơn cả vẫn là nhà thơ, nhà văn Hoàng Phủ.
Nếu trong thơ, Hoàng Phủ làm thơ như thể “viết di chúc để mà chết” theo nhận xét của Nguyễn Trọng Tạo, viết tuỳ bút như để “trằm” cả gương mặt mình vào đất Thần kinh như lời của Tô Hoài thì trong Nhàn đàm anh lại bình tĩnh “lẩy” lên từng hạt cát của cuộc đời để chiêm nghiệm, trở trăn. Những bài Nhàn đàm nhỏ bé, xinh và giàu chất suy tư trăn trở với cuộc phù sinh. Đôi khi chỉ là một điều rất giản đơn nhưng Hoàng Phủ đã khiến người đọc phải giật mình ngẫm ngợi. Và hình như để đạt được cái “ vỗ vai” đầy thâm hậu ấy, thấp thoáng trong những trang viết của mình, nhà văn đã rút tỉa những chất liệu có từ khởi thuỷ xa xưa để nhắc nhớ con người ngày nay, đó là chất liệu đã hàng nghìn năm tích tụ từ kho văn học cổ Trung Quốc.
Điều dễ nhận thấy là trong rất nhiều bài Nhàn đàm của anh thường xuất hiện các tư tưởng triết học phương Đông, mà điển hình vẫn là tư tưởng triết học Nho- Phật – Lão của Trung Quốc. Vốn là một giáo sư triết học nên việc vận dụng những tư tưởng triết học trong những bài viết của mình là điều dễ hiểu. Ngay trong những sáng tác ở thể loại ký, cũng chính chất triết lý sâu xa ấy đã làm nên tầng vỉa lớp mạch cho tác phẩm của anh.
Với Nhàn đàm cũng vậy, cũng những câu chuyện triết học nhưng ngắn gọn vô cùng, đôi khi câu chuyện có thể chiêm nghiệm cả một đời lại nằm vỏn vẹn trong đôi câu nhẹ nhàng quá thể. Bàn về triết học Khổng Tử đôi khi với Hoàng Phủ chỉ là sự tình cờ “Ngẫu Hứng”: “Trải gần suốt đời người dâu bể, thú thật cho tới nay, tôi vẫn chưa đi hết cuộc chuyện trò ngẫu hứng của thầy trò họ Vương trong buổi chiều xa xôi ấy nơi sườn núi. Có ai giúp tôi hiểu tường tận cái Tâm là gì? Có lẽ cũng chỉ cách thô sơ ấy thôi, như lời thầy Nguyễn Đăng Thục, đêm khuya nằm thật yên, nghiêng tai trên gối và nghe tiếng đập trong lồng ngực”. Lời của triết nhân từ xa xưa vọng về, đi hết cuộc đời dâu bể vẫn chưa “ngộ” được đạo, mà giản đơn chỉ lắng nghe tiếng đập của trái tim mình, ấy là đạo. Thuyết Tâm học của Dương Vương Minh sao phải đi dài đến thế khi lại gần ta trong gang tấc đến thế, phải chăng nhà văn đã tìm ra con đường ngắn nhất giúp người đọc “ngộ đạo” khi bản thân mình đã đi suốt chặng đường dài nhân thế?
Hay trong một bài Nhàn đàm khác, nhan đề tưởng chừng vu vơ tính tình tang “Ai đem con sáo sang sông”, anh lai lấy tích xưa của thầy trò Tam Tạng về chuyến qua sông luỵ dò, luỵ đò xong lại quên ngay đấy. Phải chăng đó là một tâm tính xấu con người hay mắc phải? Người đời gọi đó là “qua cầu rút ván”. Còn Hoàng Phủ lại thấy cái ông “Ngô Thừa Ân là một nhà văn thâm Nho”. Quả thế thật, nhân tình thế thái, ở đâu mà chẳng giống nhau, thời nào mà chẳng mang tâm tính con người. Đã là tâm tính, khó có gì lay chuyển nổi. “Non sông dễ đổi, bản tính khó dời”. Nhưng câu chuyện Đường Tăng nợ con rùa trên chuyến sang sông kia vẫn còn đó, gieo cho người đời một nỗi hoài nghi về thế thái nhân tình. Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, Hoàng Phủ đã gieo vào lòng người đọc một nỗi niềm bâng khuâng pha lẫn cái gì đó chát chua khó tả.
Cũng lại mượn tích xưa, câu chuyện Trang Tử mổ rồng, hoá ra Rồng có đâu mà mổ? Con người ta thường tự huyễn hoặc mình bằng những điều vu vơ kỳ quặc. Và tin như thể đó chính là cứu cánh của cuộc sống. Tự đánh lừa mình, hay cũng là đánh lừa nhân thế. Hoàng Phủ đành thú thật, một sự thật dễ làm “mệt tim” những người đa đoan trót đam mê nghiệp dĩ “Tưởng rằng đọc Trang Tử để tìm chút thư nhàn. Hoá ra vẫn thế, ngọn đèn khuya, trang sách cũ, và mái tóc hoa râm rối bời…” ( Sát Long chi bối). Hoá ra con người từ truyền kiếp, vẫn hay mơ tưởng chuyện xa xôi, khi giật mình tỉnh lại, vẫn là thực tại cũ, những niềm hụt hẫng cũ, những nỗi niềm chát chua xưa cũ… Vậy mà sao vẫn đi tìm, vẫn huyễn hoặc mình dù biết đó là điều không có thật? Hoàng Phủ là người biết điều ấy, khổ thay lại biết điều mà con người ta bao lâu nay không thể nào tránh khỏi, cả khi biết rồi cũng không thể nào tránh khỏi, nên chuyện cũ tích xưa vẫn còn nguyên, mới rợi.
Hay một câu nói của người xưa, “xích tử chi tâm”. Có lẽ, khi Mạnh Tử chiêm nghiệm điều này, hẳn Ngài cũng không ngờ hậu thế lại cứ mãi trở trăn muộn phiền đến thế đâu. Vậy nhưng với Hoàng Phủ, dường như trong con người này, lúc nào đụng đến chữ “Tâm”, lại như không hề yên ổn. “Thế giới mãi trầm luân trong lửa và máu, chính bởi con người đã đánh mất “ xích tử chi tâm”, để đổi lấy hận thù làm quyền sống” (Bài học vỡ lòng của tôi). Trái đất ngày một nóng lên, bởi môi trường, bởi bầu khí quyển, bởi vòng xoay ngày một vội vã, và cả bởi chiến tranh. Quyền lực, tiền bạc, tham vọng, mưu đồ…tất cả như trộn lẫn, nhào nặn lên làm thành một khối “hận thù” để đổi lấy hai chữ Hoà Bình. Cổ nhân đã từng thấy điều đó, đã “khuyến cáo” chúng ta điều đó, vậy tại sao lại quên khi lẽ ra không được có quyền quên? Hoàng Phủ đã chỉ ra cho chúng ta điều ấy, liệu mấy ai trên thế gian này một lần nữa lĩnh hội ra? Khi mà quyền lực, đồng tiền vẫn còn ở ngôi vì thống lĩnh?
Kinh Dịch vốn là kho tàng thi liệu, văn liệu tuyệt vời và bất tận cho các văn nhân đời sau khai thác. Cũng từ kho báu chữ nghĩa đó, Hoàng Phủ đã khai phá cho người đọc những cơ hội lĩnh hội diệu kỳ. “Quẻ Vị Tế” là một trong những điều kỳ diệu đó. Bàn về Kinh Dịch, không cao tay sẽ rơi vào sự sợ hãi về chữ nghĩa. Nhưng với Hoàng Phủ, người đọc “ngộ” ra những điều thật sâu sắc mà lại đơn giản vô cùng, Vị Tế là một thông điệp vĩnh hằng về phận người: “Hỡi người, người sinh ra không phải để yên nghỉ mà lên đường, lên đường bằng tất cả âu lo của kẻ vượt sông”. Tất cả những lời giải trình về thân phận con người dường như chỉ vỏn vẹn trong chuyến vượt sông đầy định mệnh ấy. Có người đã nói rất buồn rằng “Đời người là quán trọ/ Ung dung nào mấy ai”. Nói về thân phận cuộc đời, không hiểu sao thường ám ảnh về một dòng sông. Heraclit có câu nổi tiếng “Không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Sau này, những chuyến đi của con người cũng trên dòng sông. Mà có phải ai cũng biết bơi và bơi giỏi đâu. “Lỡ bước sang ngang” thôi mà. Nên hầu như đã là người, chuyến sang sông nào mà không thấm đẫm âu lo? Đến bây giờ, nhân loại vẫn từng phút giây chen chúc nhau sang sông, trên chuyến đò Bát Nhã. Và quẻ Vị Tế kia, như Hoàng Phủ đã chỉ ra, rằng đời người là một cuộc hành trình không ngơi nghỉ, còn ôm theo nỗi thắc thỏm của kẻ vượt sông…
Không hiểu sao, ở thể ký nhiều lúc giọng văn Hoàng Phủ còn có chỗ tươi, thì trong thơ lại buồn đến đứt ruột, và ở Nhàn đàm cũng vậy, những bài viết ngắn chút xíu, vậy mà vẫn lộ ra giọng buồn da diết. Cái “tạng” nó thế, hay bởi những câu chuyện anh viết thường buồn? Có lẽ tại cả hai. Như câu chuyện “ Cừu Dolly và câu chuyện kiếp sau”. Bàn về công nghệ sinh học hiện đại hẳn hoi, vậy mà trong anh vẫn mang mang câu chuyện cổ xa xưa từ … Trung Hoa cổ đại, rằng “nếu có một kẻ tình si nào đó bị buộc phải chia lìa trong cõi đời này (thí dụ như anh Trương Chi chẳng hạn), thì vào đêm trước khi chết, chàng xin được uống nước sông Hoàng Hà, để kiếp sau gặp lại, chàng sẽ nhớ và nhận ra người yêu dấu của mình trong tiền kiếp. Phút “nhận mặt người quen” đó thường xảy ra trong một cuộc gặp gỡ tình cờ, bằng một sức mạnh làm choáng váng, gọi là “tiếng sét ái tình” (Coup de foudre)”. Những cuộc tình đẹp trên thế gian thường là những cuộc tình buồn. Nhưng điều an ủi giúp những kẻ buồn tình ấy là khái niệm về “kiếp sau”. Có lẽ, ảo vọng về cái kiếp sau ấy giúp họ sống tốt hơn ở kiếp này khi đã trót có cuộc đời buồn đến thế chăng? Trịnh Công Sơn cũng đã từng quan niệm về cuộc đời chỉ là thân phận của con chim di, con phù du bay ngang cõi trần thế, chỉ là “ở trọ’ thôi mà. Bàn về cái mới nhưng lúc nào tâm trạng Hoàng Phủ cũng vấn vương những điều muôn năm cũ…
Trong “Một chuyến tàu” cũng vậy,“Mạc sầu tiền lộ vô tri kỷ” (Đừng buồn rằng con đường trước mặt không có ai là người tri kỷ). Những chuyến tàu xuôi ngược ngang qua, thật khủng khiếp nếu đó chỉ là chuyến đi đơn độc. “Những chuyến tàu từ Đông sang Tây, từ Tây sang Đông” quả thật khiến “Một ngày dài hơn thế kỷ”. Từ xưa, cổ nhân đã cần người tri kỷ, bây giờ con người vẫn cần điều ấy hơn hết, khi mà ngồi trong căn phòng tiện nghi, chỉ một cái nhấn nút có thể với tay ôm cả thế giới vào lòng, nhưng lại bơ vơ vô cùng khi muốn chia sẻ một điều gì đơn giản, khó đến đau lòng.
Mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, khó ai có thể tài tình khéo léo như Hoàng Phủ. Những triết luận về cuộc đời từ những câu chuyện cổ được anh giãi bày thật nhẹ nhàng mà mang sức nặng ngàn cân của con chữ. Vì vậy văn phong anh ngắn gọn mà cô đọng hàm chứa biết bao điều.Thiết tưởng không phải ai cũng có được một “nội công thâm hậu” ấy, nhất là khi đang ở trong cơn bạo bệnh tưởng chừng không thể nào gượng lên được. Vậy mà anh không chỉ “gượng” qua cơn bệnh, hơn thế nữa, với những gì anh làm từ con chữ, chúng tôi gọi đó là một sự “tái sinh”, như thể cuộc đời anh là hai kiếp người cộng lại, bây giờ anh đang sống tiếp kiếp thứ hai của mình. Nên văn chương anh vẫn mới mẻ, tràn đầy ngữ nghĩa trong mỗi câu chữ anh góp nhặt để lại cho đời, như con chim oanh vũ mỗi sáng tinh khôi vẫn tha về từng hạt gội, nhảy nhót tưng bừng trong “thành phố vườn” thơ mộng của anh.
ĐÔNG HÀ