Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, January 31, 2016

NHỚ HUẾ ĐẾN NAO LÒNG - Nguyễn Văn Khánh



Tác giả Nguyễn Văn Khánh


Nguyn Văn Khánh

NHỚ HUẾ ĐẾN NAO LÒNG

    Huế đẹp, đó là điều không ai có thể phủ nhận được. Từ xưa đến nay, mỗi khi nói về Huế, nhắc về Huế ta thường nghĩ đến một vùng đất có lăng tẩm đền đài, có sông Hương, núi Ngự. Nơi đó có những điệu Nam ai, Nam bình man mác yêu thương. Với tôi, Huế không phải là quê hương, không phải là nơi tôi sinh ra và khôn lớn trưởng thành, nhưng Huế là nơi đã gắn liền những tháng năm quân ngũ, là nơi gắn với quãng đời sinh viên cơ cực nhưng rất đỗi tự hào của tuổi trẻ của tôi.

    Có một nhà thơ đã viết: “Có người bảo Huế xa xa lắm, nhưng Huế trong tôi Huế rất gần.” Câu thơ thật hay, như nói hộ lòng tôi bao lần với Huế và những ai đã từng đến Huế, yêu Huế và nặng lòng với Huế. Mảnh đất của thi ca, nhạc họa, mảnh đất của những bài ca say đắm lòng người.

   Xa Huế rồi nhưng có ngày nào nguôi quên Huế được. Nhớ lắm, nhớ quay quắt từ những chiều đạp xe trên con đường trong Đại nội, nhớ đến nao lòng thuở cùng bạn bè hàn huyên nơi quán cóc trong chiều mưa rả rích. Cái se lạnh của mùa đông trong không gian yên bình, tĩnh lặng... ngắm những tà áo dài bay bay nơi cuối phố đẹp đến nao lòng. Mấy thằng bạn đố nhau: Đố bay biết nước miềng nơi mô đẹp nhất, mấy đưa loay hoay tìm câu trả lời thì tiếng hát của ca sĩ Vân Khánh vang vang trong quán nhỏ “vẻ đẹp Huế chẳng nơi nào có được nét dịu dàng pha lẫn nét trầm tư”….

   Tôi đến Huế vào một chiều mưa lành lạnh. Chiếc ba lô bạc sờn thời quân ngũ cùng mấy bộ quần áo sờn vai với mấy cuốn sách cũ mèm là hành trang cho quãng đời bút nghiên ở Huế. Cái đẹp không chỉ nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh mà cái đẹp còn phảng phất bởi những con người xứ Huế mộc mạc, đơn sơ và đầy nghĩa tình. Những bữa cơm sinh viên đạm bạc hay những tô bánh canh 1000 đồng đã ấm lòng những sinh viên nghèo như tôi thuở ấy.

    Xa Huế rồi, chỉ mong một ngày trở lại, được đắm chìm trong không gian thơ nhạc, trong quá khứ của thành quách cũ. Những viên đá cũ trên tường, những viên gạch rêu phong khoác màu thời gian âm thầm theo năm tháng  như lưu lại vết tích người xưa… hay những chiều mưa rả rích buồn trong quán cà phê cóc… mấy thằng bạn hàn huyên chuyện đời, chuyện nghề, chuyện văn chương.

   Chiều miền Tây mênh mang sông nước, nhìn những cô thôn nữ chèo ghe đi hái bông điên điển trong mùa nước nổi mà nhớ Huế đến nao lòng. Nhớ ngày mưa bão, nước ngập trắng kinh thành; nhớ dòng sông Hương lững lờ trôi; nhớ núi Ngự vi vút thông reo; rồi bạn bè thuở sinh viên cơ cực…

   Bạn bè ơi một thuở: cho tôi trở về với những năm tháng yêu thương, chan chứa nghĩa tình với những ngày mưa rả rích, nhớ những sẻ chia từng chén cơm đạm bạc… tất cả là hành trang, là kỷ niệm vơi đầy…da diết nhớ hôm nay.

NVK


                                                Nguyễn Văn Khánh
                                        GV Trường THCS Vĩnh Hanh,
                                             Châu Thành, An Giang.
                                                                       


READ MORE - NHỚ HUẾ ĐẾN NAO LÒNG - Nguyễn Văn Khánh

RU TÌNH VÀO XUÂN - thơ Hoàng Anh 79


http://flowersonly.tumblr.com/


RU TÌNH VÀO XUÂN

Ru em vừa mới vào xuân
Lung linh hạt nắng mây lưng chừng đồi
Mang xuân ướp mọng đôi môi
Thơm ngàn hoa cỏ góc trời bình yên

Ru em sợi tóc đen tuyền
À ơi theo gió từ miền xa đưa
Ru em tình khúc giao thừa
Nhớ quên một thuở, như vừa biết nhau

Ru em ánh mắt đa sầu
Trông theo cánh hạc bên cầu gió trăng
Mênh mông sông núi cách ngăn
Sợ tình lạc giữa sương giăng mịt mù

Ru lời yêu đến thiên thu
Để em thánh thiện vô ưu giữa đời
Phù hoa theo áng mây trôi
Tình em muôn kiếp với trời nhớ thương

Xuân về thêm sắc và hương
Lộc xanh biêng biếc con đường em qua
Ru em say giấc ngọc ngà
Thả mơ vào thực lời à ơi ru !


Ngày 22/1/2016
Hoàng Anh 79

CÒN LẠI MÌNH TA

Rượu chảy mềm môi chưa thấy say
Năm qua tháng hết cũng cạn ngày
Tình vỡ tan theo làn khói mỏng
Mây trắng ngàn năm mây trắng bay

Mình đã xa nhau em buồn không
Ta buồn như lá chết mùa đông
Buồn như tháp cổ chiều hiu quạnh
Rượu chảy mềm môi vẫn lạnh lòng

Tình đã chết rồi còn nhớ không
Nhớ em đôi măt buồn như sông
Bạc đầu con nước  chia trăm nhánh
Gió lộng còn không mái tóc bồng

Ta mất đời nhau trong gió mưa
Đêm  đã dần tàn em về chưa
Mưa vẫn bay bay trên đường vắng
Ta bước độc hành trên phố xưa

Mất em còn lại ta với ta
Hoa rụng tơi bời  lối em qua
Còn ly rượu cặn ngày yêu cũ
Tiễn biệt ta đi mấy quan hà !

Ngày 27/01/2016
HOÀNG ANH 79



READ MORE - RU TÌNH VÀO XUÂN - thơ Hoàng Anh 79

BÀI THƠ TẾT CHO EM - thơ Trương Thị Thanh Tâm

 BÀI THƠ TẾT CHO EM 

Trời bây giờ đã chạm ngõ vào xuân
Thương cái nắng trải dài qua góc phố
Sông chảy về đâu vẫn tràn nỗi nhớ
Thuyền yêu xưa có ghé bến đợi chờ?
                       ***
Vườn nhà em có hoa vàng trước ngõ
Đời hắt hiu thương nhớ cũng mênh mông
Bướm quẩn quanh bên nụ hoa mới nở
Anh vô tình lưu lạc ở đầu sông
                         ***
Bầy chim én rủ nhau về mở hội
Đường em qua rực rỡ sắc mai,  đào
Người ta dắt dìu nhau qua phố chợ
Em vẫn buồn nhìn vạt nắng xôn  xao
                          ***
Không có cành hoa cho em ngày tết
Chưa một lần hò hẹn với trăm năm
Anh có biết để lòng mình trăn trở
Một nụ cười xin gởi chốn xa xăm
                          ***
Quà tặng em chỉ là bài thơ tết
Để mùa đi vẫn nhớ nụ mai vàng
Một chút nắng cho bờ môi ngọt mật
Nắng theo về tóc ngủ nhớ mùa trăng
                         ***
Em vẫn đợi anh về dù có muộn
Ta ru tình trên phiến nhớ yêu thương
Vòng tay ấm và niềm tin mở cửa
Xuân năm nay thành phố chắc không buồn!

                              TTTT



 MƯA MÙA ĐÔNG 

Mưa dầm giọt nhỏ như tơ  
Ướt đôi mắt khép lạnh bờ vai thon  
Em về để tóc héo hon  
Chiều mưa bấc lạnh buồn còn vấn vương 
                          ***
Mưa mùa đông lạnh mù sương  
Phất phơ áo mỏng con đường tình xưa  
Bằng Lăng lá úa đong đưa  
Đâu vòng tay ấm buồn mưa lạnh về 
                         ***
Còn đâu ngày tháng đam mê  
Người ta quên mất hẹn thề chung đôi  
Tình yêu giờ quá xa xôi  
Giấc mơ mộng ảo bên trời hư vô 
                       ***
Thì thôi làm kẽ ngây ngô  
Ánh đèn xanh đỏ còn mơ làm gì  
Trả người một mối tình si  
Nhớ thương giữ lại lời thề hẹn xưa.

                  TRƯƠNG THỊ THANH TÂM 
                              (MỸ THO )


READ MORE - BÀI THƠ TẾT CHO EM - thơ Trương Thị Thanh Tâm

NHỠ MỘT NGÀY EM ĐI MÃI KHÔNG VỀ - Nhạc : Mai Hoài Thu - Thơ : Thùy Vân -...

READ MORE - NHỠ MỘT NGÀY EM ĐI MÃI KHÔNG VỀ - Nhạc : Mai Hoài Thu - Thơ : Thùy Vân -...

HOA TUYẾT HOA ĐỜI - thơ Mặc Phương Tử




HOA TUYẾT
HOA ĐỜI 

Hoa Thịnh Đốn
Trời chiều nay
Gió hiu hiu thổi tuyết bay trắng chiều
Tuyết rơi rơi
Miền cô liêu
Rơi vào tâm sự cho hiu hắt lòng.

Mênh mông
Tìm giữa mênh mông
Vết suy tư vẫn nở hồng thời gian
Mây về dệt mộng non ngàn
Tình hoa cỏ nhịp sóng tràn cõi thơ

Mắt ai lạnh bến xuân chờ
Lòng ta se cát bụi bờ lãng du
Bước ai sương khói … mặc dù
Cho màu hoa tuyết trắng mù biển xa… 

Giấc đời
Lả mộng đêm qua
Tim đời ai vỡ bên tòa khói sương
Cuộc đi ai đã trăm đường
Cuộc về còn lại một phương tâm hồng.

Chiều nay
Chiều trôi mênh mông
Giữa dòng nhân ảnh trắng lòng tuyết rơi
Màu hoa tuyết,
Màu hoa đời…
Ngược xuôi viễn khách thay lời mùa hương.

Washington,  26.1.2016.
MẶC PHƯƠNG TỬ.




READ MORE - HOA TUYẾT HOA ĐỜI - thơ Mặc Phương Tử

NGÀY XUÂN TẢN MẠN CHUYỆN TẤT NIÊN - Phan Nam


Cúng thổ thần cuối năm tại đường Đỗ Quang, Đà Nẵng



Phan Nam

NGÀY XUÂN TẢN MẠN CHUYỆN TẤT NIÊN

1. Những ngày cuối năm, ai nấy cũng tất tả hoàn thành những công việc cuối cùng để đón xuân về, Tết đến. Lễ tổng kết, họp mặt tại cơ quan hay tổ chức nơi làm việc là hết sức quan trọng. Trên bàn tiệc tất niên những chuyện vui buồn, trà dư tửu hậu dường như được trao trọn cho nhau trong buổi tiệc trà cuối cùng của năm. Ngày nay, tất niên theo phong cách Tây cũng được người Việt áp dụng theo phương thức hội họp, gặp mặt cuối năm, được tổ chức như một sự kiện để tổng kết, đánh giá những thành tích đã làm được trong năm. Thường thì tất niên tại các cơn quan thường diễn ra sớm, trong không khí thân mật, ấm áp, không gian rộng với sự tham gia của nhiều người, có nhiều món ăn, đồ uống được dọn ra thịnh soạn.

Các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp… đều tổ chức tất niên để gặp gỡ đồng nghiệp, giao lưu gặp mặt, đồng thời cạn chén nâng ly chúc mùa xuân mới, chúc thành công hạnh phúc trong năm mới và bỏ qua những điều chưa may mắn gặp phải trong năm. Có thể hiểu tất niên ở đây có nghĩa là bữa tiệc, buổi liên hoan, chiêu đãi… do cơ quan đứng ra tổ chức theo dạng hội họp, sự kiện. Đây là hình thức tổ chức theo kiểu phương Tây mà bây giờ chúng ta cũng quen gọi là tất niên. Trong buổi tất niên còn diễn ra các hoạt động trao thưởng cho những cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong công tác, lĩnh vực đảm nhận. Ngoài việc trà rượu thoải mái thì những niềm vui cuối năm như thế cũng là phần thưởng xứng đáng cho những ai hoàn thành tốt công việc, nhiệm vụ được giao. Ngày nay tất niên “lớn” thường được sự chào đón của cả tập thể nên được tổ chức khá long trọng, phần thưởng ngoài giấy khen còn kèm theo hiền kim, hiện vật. Tất niên đúng chất của một buổi gặp mặt công việc và vui chơi, tất niên của hạnh phúc, của niềm vui và cho cả những phấn đấu để đạt được nhiều thành công hơn nữa trong năm mới.

Tất niên tổ chức theo gia đình thường diễn ra gần giáp Tết, quy mô cũng nhỏ hơn nhiều. Và chuyện hội họp bạn bè tất niên là dịp để xua tan đi những muộn phiền của năm cũ, nâng ly rượu thay lời cuối năm. Ngoài chuyện tất niên tại cơ quan tổ chức thì tất niên tại gia đình bây giờ cũng rất được chú trọng theo hình thức bữa tiệc tại gia. Tất niên của các gia đình hiện đại tổ chức theo hình thức thường khá phóng khoáng, vui vẻ. Mọi người thường làm theo phong cách bữa tiệc “tự phục vụ” với cón món nướng, món lẩu hoặc hình thức bàn tròn, bày thức ăn ra đĩa như ngày giỗ cưới. Khi đời sống phát triển, con người luôn có nhu cầu làm phong phú hơn các hoạt động để củng cố các mối quan hệ, nhất là tiệc tùng để gặp mặt anh em, bạn bè để chia sẻ mọi tâm tư nỗi buồn trong cuộc sống và cũng như là lời cám ơn sự giúp đỡ, tiếp sức của mọi người đối với gia chủ. Tiệc tất niên theo gia đình thường diễn ra khá muộn khi mọi công việc hầu như cơ bản đã được hoàn tất, hầu như là vào những ngày cuối cùng của năm. Khách mời tất niên gia đình thường là rất thân quen, có mối quan hệ đặc biệt với gia chủ nên tất niên cũng được làm rất tươm tất, khá đầy đủ với nhiều sự chuẩn bị. Ở thôn quê tất niên theo hình thức này rất ít khi diễn ra vì có một lễ nghi quan trọng hơn là “chạp mã” hay “dẩy mã”. Nói chung là vào dịp cuối năm, người dân quê sẽ tranh thủ  “thăm và sửa lại mồ mã tổ tiên” để thắp nén nhang tưởng nhớ, tri ân ông bà, tổ tiên. Sau đó sẽ là tiệc nhẹ của gia chủ, khách mời là họ hàng và bà con lối xóm…

2. Có lẽ bây giờ có thể hiểu tất niên là tiệc, hội hộp cuối năm nhưng theo lễ nghi, phong tục truyền thống của dân tộc thì cúng tất niên diễn ra vào ngày cuối cùng của năm, tức là vào ngày 30 đối với năm đủ, ngày 29 đối với năm thiếu. Theo tư liệu trên wikipedia: “Giữa ngày 30 (hoặc 29) tháng Chạp và ngày Mồng 1 tháng Giêng, giờ Tý (từ 23 giờ hôm trước đến 1 giờ hôm sau), trong đó, thời điểm bắt đầu giờ Chính Tý (0 giờ 0 phút 0 giây ngày Mồng 1 tháng Giêng) là thời khắc quan trọng nhất của dịp Tết, đánh dấu sự chuyển giao năm cũ và năm mới, được gọi là Giao thừa. Để ghi nhận thời khắc này, người ta thường làm hai mâm cỗ. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà mình và một mâm cúng thiên địa ở khoảng sân trước nhà”. Hầu hết những công việc chuẩn bị cho mâm cùng tất niên thường phải xong từ chiều, hương khói nghi ngút chuẩn bị cho việc cúng bái.

Thời khắc cuối năm là thời khắc quan trọng và linh thiêng nên cúng tất niên được bàn thờ cúng trời, đất (một số nơi gọi là “cúng cô bác”) đặt vào một vị trí mặt tiền, thường là trước hiên nhà, bàn thờ tổ tiên cũng được chăm chút cẩn thận, được đặt mâm ngũ quả và hương đèn đầy đủ. Một số người tâm niệm rằng cúng tất niên là “rước ông bà” về xum vầy cùng con cháu trong ba ngày Tết nên lễ cúng phải trang nghiêm, chu đáo. Vì vậy, bàn thờ tổ tiên và tục thờ cúng tổ tiên, hướng về cội nguồn luôn được khắc sâu trong tâm thức của người Việt. Cũng theo một số quan niệm thì “hương và đèn, hương tượng trưng cho tinh tú, sự nối kết giữa âm và dương, đèn tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời”. Nhang khói ngày Tết thực sự không thể thiếu trong phong tục thờ cúng của người Việt. Việc bày biện vàng mã cũng hết sức tinh gọn, chủ yếu nhìn đẹp mắt và thể hiện lòng tôn kính đối với những người bề trên.

Tác giả Phan Nam
 Tóm lại, ngày Tết cổ truyền của dân tộc luôn có những lễ nghi, phong tục tập quán, ngày hội… tốt đẹp của dân tộc. Ngày tất niên dù được tổ chức theo phương thức nào cũng cần tránh mê tín dị đoan, phù hợp với văn hóa, thuần phong mỹ tục, đạo đức của dân tộc. Lễ tiết cần đề cao sự hướng thiện, tưởng nhớ cội nguồn, phát huy bản sắc văn hóa, say mê những việc làm thiết thực. Những sự hồ hởi, mong ngóng, an nhiên trong lòng mỗi người sẽ được cầu phúc trong mùa xuân mới, nhang khói là hư vô nhưng luôn ẩn chứa bao hoài vọng lớn lao. Xin kết bài viết bằng khúc thơ trong bài thơ “Tết này mời bạn ghé thăm” trong chiều tất niên của nhà thơ Lê Huy Mậu (Vũng Tàu): Vợ tôi lục tung cả tháng/ Muối dưa, làm kiệu, cuốn nem/ (Mách nhỏ bạn điều này nhé/ Cứ nhằm dưa kiệu mà khen!)…

                                                                                                          PHAN NAM


READ MORE - NGÀY XUÂN TẢN MẠN CHUYỆN TẤT NIÊN - Phan Nam

Thơ Trúc Thanh Tâm - CHO HƯƠNG CÒN MÃI BAY THEO GIÓ




Thơ Trúc Thanh Tâm

CHO HƯƠNG CÒN MÃI BAY THEO GIÓ

Trái tim còn đập, ta còn sống
Nên vẫn đam mê vẫn yêu đời
Như con sông chảy, vầng trăng sáng
Khề khà bằng hữu lý sự chơi !

Can qua thấy vậy mà truyền kiếp
Đất lành chim đậu, dựng non sông
Mồ hôi, máu đổ và nước mắt
Đánh giặc ngoài, thù có giặc trong !

Ta đốt ngọn đèn tìm chữ nghĩa
Học cái khôn bỏ bớt cái ngu
Cho hương còn mãi bay theo gió
Khi đời ta cộng lẫn trong trừ !

Ta hụt hơi trên đường vạn dặm
Đói nghèo, lụt lội bám vây quanh
Công danh, bổng lộc trên trời rớt
Thì cứ xem như chuyện dỗ dành !

Ta thoát hồn ta về cố xứ
Nhập đời em thơm mộng dưới hoa
Tình tứ reo hò, em thắng trận
Tù binh nầy, một trái tim ta !

Tung hoành nhiều lúc ta túng quẩn
Thánh thần chưa biết đã thẳng ngay
Nên tự nhủ lòng và an ủi
Đời lắm trò khóc mướn, thương vay !

Thôi cứ biết yêu và biết sống
Văn chương hư thực chuyện cỏn con
Thế sự viết hoài chưa hết mực
Lạc hậu như ngày hai bữa cơm !

TRÚC THANH TÂM

( Châu Đốc )
READ MORE - Thơ Trúc Thanh Tâm - CHO HƯƠNG CÒN MÃI BAY THEO GIÓ

TẶNG ANH MÙA XUÂN - Trầm Mặc



http://flowersonly.tumblr.com/


TẶNG ANH MÙA XUÂN

               * Tặng anh PPH.

Én về liệng khắp trời vui
Ngàn hoa khoe sắc thắm tươi giữa đời.
Bước Xuân rộn rã muôn nơi,
Em về ở lại bên trời Xuân xưa!.
Sớm Xuân hồng- pha bụi mưa...
Em qua mùa vội.. áo thưa nắng tràn.

Trầm Mặc

Vỹ Dạ- 28/01/2016.
READ MORE - TẶNG ANH MÙA XUÂN - Trầm Mặc

SẤM TRẠNG TRÌNH - Phiếm luận Chu Vương Miện.





SẤM TRẠNG TRÌNH
Phiếm luận Chu Vương Miện.

Tháng 11 năm 2015, tôi vừa chẵn 75 tuổi. Bên Mỹ. Ở vào tuổi này thì phải đi thi bằng lái xe hơi lại. Chuyện dễ ợt, thế là tôi đi thi cái một. Chuyện gì sẽ xẩy ra? Sau thủ tục đầu tiên là ghi danh đóng lệ phí rồi đến những chỗ (bàn làm việc) liên hệ.  Tôi đến cửa số 4, nộp tiền rồi và bắt đầu thi đọc bảng chữ. Mắt phải rồi mắt trái, mang kiếng rồi bỏ kiếng ra.

Đúng y boong như nhà đại văn hào  Kim Dung tả Vi Tước gia tức Vi Tiểu Bảo là “chữ biết đại nhân chứ đại nhân không biết chữ”, người phụ trách phần vụ  nói với tôi:

-        “Ông về làm kiếng lại rồi đến thi tiếp.”

Qua phần thi tiếp theo là phần thi Bài Test. Bài này đựoc chấm đậu. Nếu cả phần mắt đọc được chữ và phần thi viết  đều past thì kể như xong, có thể lấy bằng lái ra về. Người thư ký nói: “Ông chỉ cần về làm kiếng thì đến đây, chúng tôi sẽ cho ông đậu, thời gian là 1 tuần, quá 1 tuần thì kể như bỏ, ông phải thi lại tất cả từ đầu. Tôi và con tôi ra về, tức tốc tới thẳng bác sĩ làm kiếng. Bác sĩ cho nhìn qua nhìn lại trong máy, nhìn lên trang chữ, rồi hỏi tôi từng chữ một, tôi chịu thua không đọc được một chữ nào.

Cô bác sĩ nói: “Mắt của ông bị cườm khô. Ở đây chúng tôi chỉ đo độ mắt làm mắt kiếng thông thường mà thôi, còn muốn giải phẫu mắt thì lại phải đi bác sĩ chuyên môn về mắt (MD).

Sang bên bác sĩ mổ mắt (lòng dòng giải phẫu đúng 1 tháng và 25 ngày chờ làm kiếng).
Thế là xong, hôm nay đi thi bằng lái xe đậu, và bài viết đầu tiên là “Sấm Trạng Trình”.

*

Về Sấm của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm thì cũng có phần giống thơ của cụ bà Hồ Xuân Hương,  các cụ làm thì ít, thiên hạ sáng tác sáng chế ra, thả vào cuộc đời, không ai dám nhận mình là tác giả, dần dần nó trở thành Sấm của cụ Trạng Trình và cứ hễ bài thơ nào ở vào dạng “đố tục giảng thanh” là y như rằng của cụ bà Chúa thơ nôm.”

Chúng tôi có mang ra bàn thử với vài thân hữu về cái câu được gán ghép là Sấm Trạng Trình:

Mười phần (10) chết bẩy (7)  còn ba (3),

Chết hai (2) còn một (1) mới ra thái bình.

Câu này rất hiện thực (không thuộc loại Sấm Sét gì cả) và cũng không cần phải bàn luận luận bàn chi “dài dòng văn tự” cho nó mất thời gian.

Chết bẩy (7) rồi chết thêm hai (2 ), chết hết ráo, anh sống sót thì bươu đầu sứt trán, gẫy chân gẫy tay, xi cờ ghoe (tàn tật nằm dưỡng thương hết trọi), còn hơi sức đâu mà đánh nữa?
Ví dụ cụ thể là sau thời Ngô Quyền thì loạn 12 Sứ Quân, đánh vung tán tàn, đánh vung xích chó, phần chết phần bị thương,  phần đồng bọn khiêng đi, sau rốt là Đinh Bộ Lĩnh Thống Nhất (không Thống Nhì) và cũng vào thời gian này Nhà Tống bên Chung Quốc, phía tây thì Thổ Lỗ Phồn (tức Tây Tạng) và Tây Hạ, phía nam thi có Nam Chiếu Đại Lý, rồi Nùng Trí Cao ở Lưỡng Quảng, nhà Lý của Đại Việt, phương bắc thì Liêu, Kim, Mông Cổ, phía Đông thì Ngô Việt. Nhà Tống bèn bán cái cho Mông Cổ, Nam chinh Bắc thảo, bá tánh các nước nhỏ chết gần hết, và sau cùng thì Mông Cổ thống nhất, cai trị Chung Quốc 90 năm với tên gọi là nhà Nguyên, lúc đó dân số nhà Tống từ 200 triệu thụt xuống còn 6o triệu.

 Đây chỉ là bài Phiếm Luận (bàn chơi), không có ý chê hoặc khen Sấm của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là đúng hoặc là sai, tuyệt vời hay tuyệt vọng.

CVM




READ MORE - SẤM TRẠNG TRÌNH - Phiếm luận Chu Vương Miện.

TAY NGÀ - thơ Phạm Phan Hòa





TAY NGÀ

               * Tặng nhà giáo NTB.

Em vẽ đường vào
Mai sau,
Mòn
Bảng đen, phấn trắng.
Em gọi nắng
Lên
Ngày mưa rực hồng..
- Đưa à ơi
Ru!
Bàn tay
Xếp
Mộng.

PPH
QN- 27/01/2016.





XUÂN CA

                * Gửi em TM.

Bản giao hưởng ngàn đời chan chứa giọng ve sầu ngân- lắng trầm lời lá bay vàng quyện hương ngày Thu- rả rích giọt sầu rơi.. thôi em hãy đừng về dưới mưa.
 Xuân giao hòa nối vòng xoay vỗ nhịp, anh phải trở về với người- để biết yêu thương!.
 Giọt sầu Đông cũng vỡ tan trên ghềnh đá rêu.. rơi rớt xuống đời lạnh căm.
 Xuân hát vui giọng nắng âm nồng sưởi mưa, dạt dào lời tình trần khe khẻ lá Thu rơi , tiếp Hạ khan sầu râm ran cuối mùa chia tay . Du dương lắng đọng giữa đất trời - tỏa lan theo hương đồng cỏ nội. Xuân ca mùa về đêm cùng thắm tươi .
Anh ôm chiếc đàn nâng bước em rực rỡ dặt dìu hoan ca.

                                                   Phạm Phan Hòa

                                                   QN- 27/01/2016
READ MORE - TAY NGÀ - thơ Phạm Phan Hòa

CHÙM THƠ XUÂN BÌNH THANH - Lưu Lãng Khách



                    Hình xuân Lưu Lãng Khách


DÙ XUÂN HAY LÀ ĐÔNG

Ngày đông sao nghe xuân đòi thơ
Bờ xa lim dim con thuyền mơ
Mây lang thang chim bâng khuâng… chiều sương mờ
Nghe đâu đây âm vang câu hò ơ – Người ơi chờ!...
Mình anh thong dong bên bờ sông
Tình dâng cho xuân hay là đông
Ngoài kia đôi em vành môi hồng
Mi xanh treo nghiêng chùm tơ lòng – Tràn hương nồng
Chèo nào khua vu vơ thanh như thơ
Chiều vào đêm êm êm chưa trăng mơ
Con tim yêu rung lên hồi chuông tàn ưu phiền
Bông hoa xinh lung linh đèn ven đường hư huyền…
Trăng vàng lên mây tầm hoang trôi trôi
Anh nghiêng vai trao vui về phương trời
Dù rằng xuân hay là đông!... Im lời!
Đêm huyền vi ban thơ tao nhân ơi!

     Kỷ niệm sinh nhựt 31/12/2014
                   Lưu Lãng Khách


XUÂN QUÊN

Thiều quang mon men chân trời đông
Hoàng hôn ươm tơ thêu ngà sông
Chuông ngân nga quay cuồng trong vô thường
Lời quên mang tên em còn không?
Người về du xuân anh du ca
Trường Giang! Trường Giang ôi! Yên ba
Ôi! Vô ngần trăng cường toan lời thề nguyền
Gầm trời bình yên treo chung chiêng
Đàn ngân cung thương đau cung mê
Chân nào tha hương vương xuân quê
Em chung trăng chung đường không chung tình
Bình minh quay lưng về bên anh
Phù sinh phù du vui bao lâu
Tình yêu song sanh cùng dòng châu
Tim hoang nghe xuân miên trường thì thào
Chào xuân! Hoang vu miền trong nhau
Từ  phong trần nguôi quen thương đau
Mừng xuân đèn chong vui canh thâu
Không xem em như trăng hiu nằm rìa lòng
Ngàn thu về đi trong vô chung
Mừng xuân! Lòng an nhiên bao dung.

                                  20/01/2015


CHƯƠNG ĐÀI NGÂM
Thương tặng Như Nguyện vợ anh

Giang hồ ai quen người em thương!
Đêm xuân trăng phơi trên cành dương
Muôn hoa tầm hoan hừng đêm trường
Mà lang quân mê đời muôn phương
Chương đài thương mong trang đài hoang
Hoen bờ mi cong đêm hoài lang
Hay người ly hương nguôi hoài hương
Cho thiều quang hao gầy song đường
Đăng trình nam nhi an thê nhi
Cô hoài tin sương chưa nghe chi
Thân mai chơ vơ ngày xuân nồng
Chong đèn tương tư hờn đông phong
Sơn hà rong rêu câu từ ly
Người xa muôn xa. Ôi! Huyền vi
Bao cơn giông lòng dòng châu ròng
Người ơi! Tình ơi! Còn hay không !

                               28/01/2015
                          Lưu Lãng Khách


READ MORE - CHÙM THƠ XUÂN BÌNH THANH - Lưu Lãng Khách