Tôi
quen với Phước từ thời còn ở Đại học Sư phạm Huế, cùng một khóa nhưng
khác khoa, anh học toán và sau này anh lấy bằng tiến sĩ toán học, có
nhiều công trình nghiên cứu về khoa học thuộc ngành giáo dục và hàng
không. Cứ ngỡ là anh theo nghiệp toán thì rất xa lạ với thơ. Thế nhưng
sau nhiều năm gặp lại, không ngờ anh lại xuất bản trong vòng mấy năm 2
tập thơ : Gió mùa (Nxb Hội Nhà văn) và Chạm bóng (Nxb Văn học )
-Tác phẩm đạt Giải thưởng Thơ 2009 của Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam và mới đây là n bài thơ ngắn.
Khác với 2 tập thơ trước, tập thơ mới
nhất nghe cái tên không đã gợi lên hình ảnh cái chất toán ở con người
tác giả. Nói đến toán là người ta nghĩ đến tư duy logic, thiên về trí
tuệ, lý tính mà thơ lại thiên về cảm xúc. Đọc n bài thơ ngắn,
bỗng dưng 2 cái thuộc tính tưởng như đối lập đấy lại trộn lẫn giao hòa,
tạo ra những liên tưởng bất ngờ thú vị. Nói là ngắn, tưởng là gọn nhưng
lại không gọn, giản dị mà không hề giản lược bởi vì thơ anh ý tại ngôn
ngoại buộc người đọc phải trầm tư nghĩ ngợi, đào sâu tự vấn của một kiểu
thơ có lượng từ rất ít ỏi mà chiều kích thông tin thì trải rộng. Tác
giả như mời gọi người đọc tiếp tục suy ngẫm theo cảm nhận của riêng
mình.
Nhiều bài thơ vang vọng một âm hưởng
thiền, nói mà như tịnh không, không mà như nói, dửng dưng nhẹ nhàng mà
khơi gợi thâm thúy. Thơ thiền xưa Vương Duy viết : Sơn lộ nguyên vô vũ / Không thủy thấp nhân y (Đường núi vốn không có mưa / Chỉ màu xanh hư không ướt áo người).
Tại sao trời không mưa mà ướt áo người. Chỉ với tinh thần tánh không,
trung quán bao la mới thấy màu xanh hư ảo là chốn trần ai, chở nặng thân
phận con người. Nhặt đâu đó trong thơ Phước, phong vị thiền vẫn ẩn hiện
như con nhện nước / lăn tăn / chiều giông gió (Bài 29). Chiều giông gió
phải chăng là khổ nạn trần thế đầy âu lo bất trắc mà con người bé nhỏ
như con nhện nước loay hoay tất tả xuôi ngược. Tất cả như giấc mộng
huyễn hóa, như bọt nước lăn tăn trong dòng nghiệp lực. Bài thơ đầy ấn
tượng, thiết tha với đời mà không bám víu, giải thoát mà không lìa bỏ.
Tập thơ gồm 101 bài, phần lớn sử dụng
thủ pháp nghệ thuật ẩn dụ, trường dụ và đối lập. Miêu tả hình ảnh hiện
thực, cụ thể để biểu đạt liên tưởng đến một ý tưởng khác, tả cái cụ thể
để nói đến cái trừu tượng. Và để khắc họa hình ảnh một cách ấn tượng sâu
sắc là những kết thúc bất ngờ gần như đối lập:
thẻ tôi đeo
tôi sửa
lại lật trái, tôi không sửa (Bài 99)
n bài thơ ngắn, là con
số nguyên tự nhiên bất kỳ trong tập hợp từ 1 đến 10, 100, 1000… nên phải
hiểu 101 bài thơ ngắn là một chặng đường thơ với những nghĩ suy bất
chợt, những phát hiện tình cờ. Tác giả không hề có ý thức lập ngôn gì to
tát nên trong thơ không thiếu những hình ảnh rất gần gũi, quen thuộc
nhưng thật là se buốt tâm can. Chỉ là ký ức sống dậy của chim chèo bẻo /
cánh đồng vừa
gặt / tuổi thơ (Bài 32); là nỗi cô đơn trên đường về với Đom đóm khuya / lạnh ngắt/ lối về (Bài 31) là Nắng trẻ con / trên mặt sông / long lanh và nhẹ; là ngọn tre / cánh cò / mong manh chiều gió (Bài 94), là động đậy cánh sen /có gì / tan loãng (Bài 18). Những hình ảnh đan xen của nhiều tâm trạng, khi bồi hồi bổi hổi, khi nhẹ lòng một chút niềm vui, khi dùng dằng nỗi nhớ… nhưng có điều tất cả đều mong manh, đìu hiu nhuốm màu phai nhạt. Những tứ thơ nhiều khi bất chợt nhặt vội trên đường của một tâm hồn lắm đa đoan trần thế lại dạt dào cảm xúc. Con người ấy luôn hé lộ trong thơ sự giằng xé nội tâm nhiều khi đầy mâu thuẫn, xung đột, mà biết đâu thơ đã làm tâm hồn anh cảm thấy cân bằng hơn.
gặt / tuổi thơ (Bài 32); là nỗi cô đơn trên đường về với Đom đóm khuya / lạnh ngắt/ lối về (Bài 31) là Nắng trẻ con / trên mặt sông / long lanh và nhẹ; là ngọn tre / cánh cò / mong manh chiều gió (Bài 94), là động đậy cánh sen /có gì / tan loãng (Bài 18). Những hình ảnh đan xen của nhiều tâm trạng, khi bồi hồi bổi hổi, khi nhẹ lòng một chút niềm vui, khi dùng dằng nỗi nhớ… nhưng có điều tất cả đều mong manh, đìu hiu nhuốm màu phai nhạt. Những tứ thơ nhiều khi bất chợt nhặt vội trên đường của một tâm hồn lắm đa đoan trần thế lại dạt dào cảm xúc. Con người ấy luôn hé lộ trong thơ sự giằng xé nội tâm nhiều khi đầy mâu thuẫn, xung đột, mà biết đâu thơ đã làm tâm hồn anh cảm thấy cân bằng hơn.
Nói là nhặt vội trên đường nhưng thơ
của Đinh Tấn Phước có khi mang một tính khái quát cao. Những hình ảnh
nặng lắm lòng người, đầy thương cảm, như tiếng vọng kêu gào : tiếng sóng
/ chạm bát cơm dân chài / mặn chát (Bài 2), hay vẩn vơ triết lý đậm
chất suy tưởng : chỉ có kiến là giỏi / bò qua đêm thâu / ngủ ở linh hồn
(Bài 11); là nỗi cô đơn khủng khiếp của thi nhân trước trang giấy : mang
câu thơ / đi qua một câu thơ / chiều sa mạc (Bài 19).
n bài thơ ngắn đầy chất
ngẫu hứng. Ngôn ngữ thơ được nén lại như không thể dồn nén hơn được
nữa, gần như vô ngôn thiền định, nhưng có lẽ đánh thức nơi tâm hồn người
đọc bởi một thế giới nội tâm đa cảm và đầy bất an của nhà thơ. Chọn cho
mình một kiểu thức thể hiện trong thơ một cách khiêm cung nhưng chứa
đầy sự an nhiên tự tại của một con người nhiều từng trải suy nghiệm, thơ
của anh là thơ của một người nhìn ra mọi sự phù du của thế sự.
Hồ Sĩ Bình
hosibinh@gmail.com
dinhtanphuoc1@yahoo.com.vn