Đảo Cồn Cỏ
Vị trí: Từ bãi biển Cửa Tùng thuộc huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị nhìn ra phía tây ta sẽ thấy một hòn đảo xanh lam nổi lên giữa biển như một chiến hạm đang trấn giữ ngoài khơi; đó chính là đảo Cồn Cỏ, còn có tên gọi khác là đảo Con Hổ, đảo Hòn Mệ.
Đặc điểm: Đảo Cồn Cỏ cách bờ biển Vĩnh Linh khoảng 30km. Đảo như một tiền đồn giữa vĩ tuyến 17 trấn giữ phía đông Tổ quốc. Không chỉ là hòn đảo nổi tiếng kiên cường trong chiến tranh chống Mỹ, Cồn Cỏ còn là một trong những hòn đảo đẹp hiếm có của miền Trung.
Từ đảo Cồn Cỏ nhìn về phía tây ta sẽ thấy rõ màu xanh của rừng dương ven biển Cửa Tùng và bãi cát trắng phau trước thềm địa đạo Vịnh Mốc. Phía tây nam là một dải bờ nam sông Bến Hải, xa nữa là dãy Trường Sơn tím nhạt chạy dài. Chính nhờ vị trí đó mà Cồn Cỏ giữ một ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng trong cuộc đụng đầu lịch sử khi đất nước ta còn chia cắt hai miền Nam- Bắc.
Đảo Cồn Cỏ có hình dạng tương đối tròn, diện tích khoảng 4km², chu vi 8km, độ cao từ 5- 30m so với mặt nước biển, riêng giữa đảo có một đỉnh đồi nhô lên với chiều cao 63m. Tuy chỉ cách đất liền chưa đến 30km, nhưng với các phương tiện thông thường đã không thể ra đảo được khi gặp gió cấp 6 trở lên. Ấy vậy mà trong những năm đánh Mỹ, hàng trăm chiến sĩ tự vệ của Vĩnh Linh đã quên cả hiểm nguy, bằng phương tiện thô sơ đã chở vũ khí, lương thực từ đất liền ra tiếp tế cho đảo. Rất nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi vì gió to sóng lớn hoặc vì bom đạn ác liệt của kẻ thù.
Thực vật trên đảo khá phong phú, đảo nhỏ nhưng vẫn có rừng, có đồi tranh rậm rạp chiếm 3/4 diện tích đảo. Rừng trên đảo có những loài cây lạ mà trong đất liền không có; có cây thân cao vằn vèo nhiều đốt; có cây thân thẳng, da nhẵn như cây ổi nhưng rất to cao, gỗ cứng và nặng, khi bị xây xát nhựa chảy ra có màu đỏ như máu nên gọi là cây “dầu máu”. Lại có loài khoai dại, lá to hơn cả lá chuối, góp phần giúp người che nắng, che mưa. Trên đảo còn có cả những rừng bàng, vào mùa thu, lá bàng đỏ ối cả một vùng như điểm tô cho đảo. Các giống cây ăn trái được thì có đu đủ, chuối, dâu da... Giống nào cũng xanh tốt, vừa cung cấp thực phẩm cho lính đảo, vừa làm nơi trú ngụ cho chim trời về góp vui với họ. Để làm phong phú thêm cảnh vật, môi trường trên đảo và cung cấp thêm nguồn thực phẩm cho đảo, năm 1989, Tỉnh đoàn Quảng Trị đã đem 4.000 cây dừa, tượng trưng cho 4.000 năm dựng nước và giữ nước ra trồng trên đảo. Đến nay, dừa đã xanh tốt và cho trái. Với tinh thần tự lực tự cường, các chiến sĩ canh giữ đảo còn trồng thêm rất nhiều loại rau, hoa và cây cảnh, mùa nào thức nấy, làm cho bộ mặt của đảo ngày càng thêm tươi đẹp.
Thế giới động vật trên đảo tuy không nhiều về chủng loại nhưng cũng khá độc đáo. Trên trời thì có chim cu cườm, chim én thay nhau gửi đến con người những tín hiệu bình yên. Dưới đất thì có loài rắn lục xanh nhỏ nhưng rất độc, có thể dùng làm thuốc. Nhưng nổi tiếng nhất vẫn là loài cua đá to gần bằng bàn tay, là nguồn thực phẩm dồi dào và quan trọng trên đảo. Ngoài biển thì có giống rắn biển, còn gọi là con đẻn, dài khoảng một sải tay, độc không kém rắn lục, rượu ngâm đẻn là loại thuốc chữa đau lưng, nhức mỏi rất được nhiều người ưa chuộng. Dưới biển thì có hải sâm đen, trắng to bằng ngón chân cái, dài bằng gang tay, vừa là vị thuốc quý, vừa là món ăn cao cấp, được xếp ngang với yến sào. Ngoài ra, ở bờ biển Cồn Cỏ còn có loài ốc nón, luộc ăn rất ngon, vỏ ốc có thể tận dụng làm đồ trang sức, mỹ nghệ...
Cảnh quan trên đảo cũng luôn được cải tạo. Từ một hòn đảo nhỏ bị bom đạn cày xới không thương tiếc, đến nay đã có rất nhiều ngôi nhà khang trang, có sân chơi thể thao, có đường cấp phối. Từ đảo có thể liên lạc dễ dàng với đất liền bằng điện thoại. Các hạng mục hạ tầng cơ sở trên đảo đã và đang từng bước được hoàn thiện, đáng chú ý nhất là công trình bến đậu- âu tàu.
Trong nay mai, đảo Cồn Cỏ sẽ đón nhận những công dân đầu tiên từ đất liền ra định cư lập nghiệp để xây dựng Cồn Cỏ thành đảo Thanh niên- huyện đảo của tỉnh Quảng Trị. Cồn Cỏ đã và đang là một hòn đảo trù phú, một điểm du lịch hấp dẫn du khách gần xa.
Nguồn: Tổng cục du lịch Việt Nam
NGÔ MINH
Gặp đảo ở Cửa Tùng
Gửi đảo Cồn Cỏ
Tôi đứng đầu ngọn sóng Cửa Tùng
cuối mũi đất đỏ au màu lửa
tôi hay chính cây dừa đứng đó
tay lá chào biển cả mênh mông
(thân dừa còn găm trăm mảnh đạn bom)
bóng tôi nhoè thấp cao bờ đá
sóng đảo trắng phau từng cánh gió nồm
Bên kia sông những cô gái Cát Sơn
cúi xắn quần đợi đò sang chợ cá
dưới bờ cát trần truồng bầy trẻ nhỏ
đang bày cho sóng nghịch nắng cười
Ôi, ngày thường (dù chỉ vậy thôi)
biết đảo khát hơn là khát nước
và đảo nhiều đêm phải vượt qua nỗi khát
còn cao hơn vượt Cổng Trời !
Một khoảng biển và một khoảng trời
sau vai tôi rừng dương êm ả
vẳng tiếng dịu buồn của một lời ca cũ
trên cỏ mềm mặt đất bình yên
trắng vai đảo xa gió cát ngả nghiêng
và bóng giặc rập rình cơn dông biển
và đá - đá nhân cơn nóng lạnh
giấc mơ quê nhà cũng sóng đánh bốn bên!
Có những ban mai
khi mặt trời bỗng đỏ rựng lên
xóm biển giật mình ngỡ là đảo cháy
Dẫu biết đảo ít nói về mình về những điều như vậy
con sóng kia vẫn kể cùng bờ
gọi đất thêm bận rộn với mùa
Đêm nay
tôi thức dưới gốc dừa
với tiếng trẻ trong veo bờ cát trắng
gió nồm đượm
gió nồm ơi đượm lắm
nắng nỏ nhường kia đảo còn gửi vào đây
và vầng trăng hay đảo nhú chân trời
bay lên trước Cửa Tùng yên tĩnh...
Ngô Minh
Cồn Cỏ xưa sau
Võ Văn Luyến
Sóng vỗ chiêm bao, hồn biển lặng. Con thuyền khói sương gọi đêm nguỵ trang che mắt giặc. Trái tim đảo làm hải đăng toả sáng. Vệt máu loang làm đường tới chiến công. Ai sống cho nhau, ai người ngã xuống. Đất mẹ nẩy mầm xoá vết thương sâu. Chiến hạm xanh, con cua đá nhiệm màu. Phong ba hát khúc ru của gió. Ơi Cồn Cỏ! Nắng mưa gội tóc chiều, lược ngà chải từ xác tàu bay Mỹ. Đêm đứng gác, rầm rì biển kể. Sao trời nghe lấp lánh ánh mắt ngời. Cồn Cỏ xưa sau đâu của riêng ai, mà vọng tưởng như anh nhớ em bỏng cháy. Đêm trú ngụ tim đại bàng thế đấy. Anh hoá vào cây cỏ "một chấm xanh"(1).
Nơi mang đến niềm vui hội tụ, huân chương thơ (2) gắn ngực trẻ yêu tin. Nơi truyền đi ngọn lửa trái tim. Nơi khát vọng ngất trời trán thép. Cồn Cỏ đó, người về trùng điệp. Biển muôn đời ôm trọn một vòng tay.
Võ Văn Luyến
(Trại sáng tác Cửa Tùng, 4/2008)