Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, March 24, 2009

Thái Đào


THÁI ĐÀO

TRĂNG ĐÃ ĐỘ RẰM


Không phải tình cờ gió theo mây
Tri ân em mở rộng lòng này
Cho hoa vô hướng thơm ngàn núi
Cho biển trùng dương dội sóng gào.

Không phải tình cờ hạc bay xa
Bỏ đình trơ vắng cảnh chiều tà
Ngàn năm bỡi lụy cơn dấu ái
Gió cuốn về trời em xót xa.

Mưa vẫn màu mưa ngàn năm cũ
Mà nghe thân lạnh buốt đường về
Chân vênh bờ cõi mùa trăng động
Lá lót em nằm tự cỗ xưa…

Ta tạ ơn nhau đến vạn lần
Vạn lần môi tím với cơn đau
Không phải tình cờ mà em tới
Em tới bởi trăng đã độ rằm.



CHỢ VÃN CHIỀU TÀN

Bên kia có dòng sông thức suốt
ta bạc đầu ngồi đợi ánh trăng
em son phấn đi về phố chợ
bao năm rồi vàng đá nát tim.

Bao năm rồi câu thơ phiền muộn
lưng chừng đời
em bỏ tôi đi
mưa hạnh phúc
đôi tay núng nính
lưng chừng đời một trái tim khô.

Mù con mắt
phương nào để nhớ
áo phong sương phô với ngày dài
phô suốt kiếp bờ hoang ảo mộng
em ơi em…tình đã trần ai!

Bên kia có dòng sông thức suốt
tháng năm rồi cuộn những cơn đau
tháng năm rồi …
chợ chiều vãn khách
vãn câu hò
vãn chuyến sang sông
vãn cuộc tình lao đao – lận đận
em qua sông
không có ngày về.

Em qua sông
đời tôi đã bạc
cuộc bán buôn đến độ cao trào
tôi chỉ có tim khô nguội lửa
bán cho ai…
chợ vãn
chiều tàn


THÁI ĐÀO












READ MORE - Thái Đào

Thơ Võ Thị Quỳnh



VÕ THỊ QUỲNH
TỰ BAO GIỜ EM ĐÃ YÊU QUẢNG TRỊ?


Em đã yêu Quảng Trị tự bao giờ?
Một tình yêu – nhạc không lời đầy biến động
Có đá đỏ mồ hôi ngàn năm dòng Thạch Hãn
Có ngàn mai kiên cường thành mai Lĩnh núi non

Em từng yêu Quảng Tri tự bao giờ
Một tình yêu – tranh phối màu đen trắng
vô cùng nhiều phiên bản của sự sống
hồi sinh vô lường trong và ngoài cõi âm dương

Em đã yêu Quảng trị tự bao giờ?
Một tình yêu hơn gió Lào riết róng
Một tình yêu mịn sa mạc cát trắng
Chân chất, mặn nồng, đằm thắm
diết da, cay đắng, ngọt bùi
hóa thân mưa nắng đời vui

Em đã yêu Quảng Trị tự bao giờ?
Một tình yêu – không hằn chia cắt
trái tim run bần bật
Giọt lệ loang nụ cười trên mắt nhỏ xuống đôi môi
Tự hỏi:
đã bao giờ em yêu Quảng trị của tôi
VÕ THỊ QUỲNH
READ MORE - Thơ Võ Thị Quỳnh

Saturday, March 21, 2009

Trang thơ Lê bá Lư

Lê Bá Lư


LÊ BÁ LƯ

T R Ư Ờ N G H À N H C A


Ước gì ta như chim trời phiêu bạt
Bước giang hồ lưu lạc khắp mười phương
Chỉ mang theo hành lý: Tình Thương
Và trước mắt đường trường không giới hạn
Đời dâng trọn cho quê hương bè bạn
Thiệt hơn chi, không mặc cả với đời
Ôi trăm năm thân phận kiếp người
Những luật lệ trần gian đâu nghĩa lý

Ta khao khát một bạn đường tri kỷ



Bước song hành trên những nẻo quan san
Sẽ cùng ta vượt suối băng ngàn
Tìm lẽ sống chốn núi rừng hiu quạnh
Tìm hạnh phúc những đêm dài mưa lạnh
Bên lửa hồng cùng sơn nữ hoà ca
Những bình minh nắng đẹp bao la
Đùa giỡn với hươu nai khỉ vượn
Ta sẽ tắm những suối khe lý tưởng
Ngâm nga cùng hoà khúc thiên nhiên
Chốn núi rừng hoan lạc vô biên
Ta đã có tiền duyên kiếp trước…

Rồi sẽ một hôm nào tiếp bước
Về miền quê nước đọng bùn lầy
Cùng những nàng thôn nữ má hây hây
Chỉ e thẹn khi ta buông lời hỏi
Những nông phu suốt đời mê mải
Bên ruộng đồng cày cuốc, óc vô tư
Những mẹ quê chất phác hiền từ


Niềm nở gọi ta: Người khách lạ!
Những đêm trăng tiếng hò reo rộn rã
Nhịp chày khua bên cối gạo thanh bình
Cùng gái trai buông lời hát trao tình
Ôi ý vị bài ca dao muôn thuở.

Và có buổi vui chân về biển cả
Ta nắm tay cùng những dân chài
Ra biển Đông vào những sớm mai
Vươn sức mạnh để giữ yên buồm lái
Những đêm trăng ánh vàng vương rải
Bơi tung tăng trên sóng nước dập dềnh
Cùng ngư dân dệt những giấc mơ xinh
Để tô điểm cho đời thêm sức sống…

Rồi có lúc lang thang về thành phố
Bước chân chen trên đại lộ biển người
Cùng thế nhân ta mở rộng nụ cười.
Ngày chủ nhật đủ màu tươi sắc thắm...

Nhưng có lẽ hồn ta không mê đắm
Chốn phố phường huyên náo bán buôn
Tình lỡ hẹn với mây trời phóng lãng…

Ta sẽ bước ra đi vào một sáng
Đến phương trời cao rộng đón chờ ta
Sẽ lạc vào khung cảnh ngát hương hoa
Đã sẵn có lời chim ca diễm tuyệt…

Núi rừng ơi, ta với Người tha thiết
Hãy chờ ta lê bước phong trần
Ta sẽ về khi đã mỏi đôi chân...

Rồi có lúc trở thành tên đạo tặc
Ta xuôi thuyền tìm đến núi Lương Sơn
Có Lỗ Trí Thâm, Lý Quỳ ra đón
Và anh em bè bạn thét lên cười.

1975




B À I C A B U Ổ I S Á N G


Bình minh xách võng vô rừng
Vai mang hồ rượu, nhắp từng hớp cay
Giang sơn một cõi là đây
Riêng ta với rượu, uống say ta nằm
Nắng lên trang điểm núi rừng
Hạt sương óng ả vắt từng cành cây
Chim buông giọng hót đâu đây
Hoà theo nhạc gió ngất ngây rộn ràng
Xa xa sóng đệm nhịp nhàng
Nghêu ngao ngồi hát ca vang núi rừng


1974


ĐỌC THÊM
LỜI HẸN ĐẦU NĂM - THƠ LÊ BÁ LƯ

SÂN THƯỢNG NHÀ EM - TẬP THƠ LÊ BÁ LƯ
READ MORE - Trang thơ Lê bá Lư

Friday, March 20, 2009

SÔNG THẠCH HÃN - Đặng Triệu Ái






Người Việt Nam ta vốn nặng tình non nước nên hình như tỉnh nào cũng muốn chọn một ngọn núi và một dòng sông tiêu biểu cho tỉnh mình để tạo thêm ấn tượng sâu sắc về quê hương. Xứ Đoài thì có núi Tản – sông Đà, xứ Nghệ thì có núi Hồng – sông Lam, đất kinh kì thì có núi Ngự - sông Hương… Còn Quảng Trị có non Mai – sông Thạch Hãn.

Non Mai tức núi Mai Lĩnh, một ngọn núi đẹp ở gần chiến khu Ba Lòng. Sông Hãn là sông Thạch Hãn, con hào thiên tạo phía bắc của Thành cổ Quảng Trị! Quảng Trị tuy nhỏ nhưng lại là tỉnh phên dậu phía Bắc của kinh thành Huế và là nơi phát tích của họ Nguyễn khi Nguyễn Hoàng mới vào dựng nghiệp ở Đàng Trong, vì thế năm 1836, sau khi ổn định đất nước, vua Minh Mạng đã chọn sông Thạch Hãn là một trong 9 thắng cảnh của đất nước để đúc vào Cửu Đinh bày ở sân rồng coi như quốc bảo.

Ở Quảng Trị xưa đã có câu ca dao:

“Chẳng thơm cũng thể hương dàn

Chẳng trong cũng nước nguồn Hàn chảy ra”

Nguồn Hàn là tên gọi dân gian chỉ sông Thạch Hãn. Về tên gọi Thạch Hãn, lâu nay không ít người tự hiểu theo nghĩa chủ quan là… “mồ hôi của đá”. Thực ra không phải như vậy, thạch thì đúng là đá rồi, còn hãn hay hàn có nghĩa là ngăn cản. Vì ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, tên sông đặt theo đặc điểm này, thành sông Thạch Hãn. Theo sách “Đại Nam nhất thống chí” thì sông Thạch Hãn chỉ dài khoảng 170 dặm bao gồm cả đầu nguồn, nghĩa là chỉ độ 100km. Với độ dài như vậy nên lượng phù sa do sông tải đến không nhiều, trừ những ngày lũ lụt, nước thường trong xanh nhìn thấy đáy. Điều đó được nói đến trong 2 câu thơ của Tam Nguyên Yên Đỗ Nguyễn Khuyến:

“Tây phong Hà xứ xuy trần khởi

Bất tụ niên tiền triệt thể thanh”

Lương An dịch:

“Gió tây cuốn bụi dồn

Nước trong thấy đáy nay còn nữa đâu”

Sông Thạch Hãn là con sông dài và đẹp nhất tỉnh Quảng Trị. Sông bắt nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn ở phía Tây Nam của tỉnh. Dòng sông uốn lượn từ hướng Đông và Đông Bắc, gặp sông Rào Quán lại chảy về hướng Đông rồi ngược lên phía Bắc, nhập với sông Cam Lộ (tức sông Hiếu, chảy qua thị xã Đông Hà) tại ngã ba Dã Độ (sau này quen gọi thành Gia Độ) rồi lại quay về hướng Đông, đỗ ra cửa Việt Yên, gọi tắt là Cửa Việt. Không chỉ từ xưa mà cho đến cả bây giờ, sông Thạch Hãn vẫn là mạch máu giao thông đường thủy rất quan trọng của tỉnh Quảng Trị. Với hình thể uốn lượn uyển chuyển như thế lại có thêm nhiều phụ lưu thuốc các huyện Triệu Phong - Hải lăng là hai vựa lúa của tỉnh Quảng Trị như Vĩnh Định, Vĩnh Phước, Điếu Ngao nên mật độ giao thông trên sông ngày càng lớn. Đặc biệt, là con hào thiên tạo phía Bắc thành cổ Quảng Trị (nay là thị xã Quảng Trị) con sông Thạch Hãn lại có vị trí chiến lược về quân sự. Câu thơ được nhiều người biết đến trong bài thơ “Chị lái đò” của nhà thơ Lương An:

“Đò em lên xuống Ba Lòng

Chở người cán bộ qua vùng chiến khu”

đủ cho thấy tầm quan trọng của sông Thạch Hãn - lối duy nhất có thể lên được chiến khu Ba Lòng. Lịch sử không thể nào quên được những ngày hè của năm 1972, hàng vạn chiến sĩ đã bất chấp nguy hiểm, bí mật bất ngờ vượt sông Thạch Hãn để lập nên những chiên công vô cùng hiển hách. Đã có không biết bao nhiêu người trong số đó đã vĩnh viễn hóa thân cùng sông nước cỏ cây… Ngày nay, dù đi bằng đường bộ hay đường sắt Bắc – Nam ta đều gặp một dãy cầu gọi là cầu Thạch Hãn, bắc qua sông Thạch Hãn. Đầu phía bắc có tượng đài trung đội Mai Quốc Ca. Trung đội chỉ vẻn vẹn 20 người với vũ khí bộ binh thông thường (nếu theo biên chế trong quân đội thì trung đội phải gồm 3 tiểu đội, mỗi tiểu đội 12 người và thêm 1 trung đội trưởng), nhưng đã chiến đấu cực kỳ dũng cảm suốt một ngày đêm. Trước sự phản kích điên cuồng của một tiểu đoàn địch đông gấp mấy chục lần, có xe tăng và đại bác yểm trợ, họ đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chốt giữ, góp phần làm nên đại thắng. Cả trung đội 20 người chỉ còn lại một người lính bị thương nặng, được nhân dân địa phương cứu sống. Tượng đài Mai Quốc Ca ma tên người chỉ huy dũng cảm, có 19 quả tim đỏ gắn lên, tượng trưng cho 19 liệt sĩ.

Để tưởng nhớ đến hàng nghìn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn, hàng năm, cứ vào dịp kỷ niệm ngày đất nước thống nhất, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đều long trọng tổ chức lể thả đèn hoa, bè hoa trên sông Thạch Hãn. Lễ hội đã thực sự cuốn hút rất nhiều người, đặc biệt là các lực lượng vũ trang và cựu chiến binh trong và ngoài tỉnh tham dự.

Do đặc điểm tự nhiên nên các sông suối ở miền trung thường ngắn và trong. Ở xứ Nghệ có câu “Nước sông Lam vừa trong vừa mát”, nhưng thực sự được đi vào thơ ca, được các bậc đại khoa như Bảng nhãn Võ Duy Thanh, Tam Nguyên Nguyễn Khuyến ca ngợi thì chỉ có sông Thạch Hãn. Do phải chảy quanh co giữa núi rừng Trường Sơn, trải qua lắm thác ghềnh với vô số đá ngầm, đá dựng, dòng nước trở nên trong vắt. Với những nét đặc trưng đó, người dân Quảng Trị luôn coi sông Thạch Hãn là biểu tượng của đạo lý trong sạch và ý chí kiên cường.

Xin kết thúc bài viết bằng bài thơ cảm tác qua sông Thạch Hãn của Bảng nhãn Võ Duy Thanh, người đỗ học vị cao nhất, được coi như trạng nguyên của triều Nguyễn (vì triều Nguyễn không lấy Trạng Nguyên):

“Bụi hồng rong ruổi tới Trường An

Nghe nói đâu đây suối Bạch Đàn

Ấy cảnh tự nhiên ai khéo vẽ

Mà kho vô tận lúc nào khan

Bên đường xe ngựa nên dừng bước

Mượn thú non sông cũng tạm nhàn

Đây phải Liêm Tuyền chăng đó tá?

Muốn đem rửa ruột khách quan san”

Liêm Tuyền tức suối Liên ở tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc) là vùng đất tượng trưng cho phong tục thuần hậu, dân biết thương nhau, người đi làm quan đều biết giữ mình thanh liêm, không ăn hối lộ. So sánh sông Thạch Hãn với Liêm Tuyền trong điển tích, tác giả muốn khẳng định đây là dòng sông tượng trưng cho sự thanh cao, khách vãng lai nên dừng chân ngắm cảnh để suy ngẫm mà tẩy sạch những gì còn vẫn đục trong lòng!

.http://my.opera.com/dangsyhieu/blog/
READ MORE - SÔNG THẠCH HÃN - Đặng Triệu Ái

Thursday, March 12, 2009

QUẢNG TRỊ QUA MẤY VẦN CA DAO - Người Thôn Dương


Giếng cổ ở Gio An





Thuở nhỏ, chúng tôi thường nghe Mẹ hát ru em, có những câu ca dao quen thuộc đối với người Quảng Trị, mỗi địa phương có thay đổi một đôi lời cho phù hợp với địa phương của mình... Những câu ca dao đó đã thâm nhập vào tâm hồn tôi, khi xa quê, tôi thường ngâm nga cho đỡ nhớ quê nhà. Mỗi câu ca dao thường nhắc đến một địa danh và mang một mối tình quê, một câu chuyện trong lịch sử, có liên quan đến Quảng Trị. Chúng tôi xin sao lục lại để bà con mình cùng nhớ về quê hương, nhất là giúp các bạn trẻ đôi chút hiểu biết về quê nhà.


Đưa anh tới chốn nhà Hồ,
Anh mua trái mít, anh bù trái thơm.
Trái thơm là trái thơm non,
Bổ ra làm tám ăn chon như dừa.
(chon: dòn)



hoặc câu:


Yêu em, anh cũng muốn vô.
Sợ truông nhà Hồ, ngại phá Tam Giang,
Phá Tam Giang ngày rày đã cạn,
Truông nhà Hồ, nội tán phá tan.


Truông nhà Hồ tức làng Hồ Xá, thuộc huyện Vĩnh Linh, thời Nguyễn Hoàng, năm 1570, tướng nhà Mạc là Lập Bạo đem quân vào đánh Thuận Hóa, Nguyễn Hoàng dùng mỹ nhân kế, bắt được Lập Bạo tại Bến Trảu, quân của Lập Bạo thua, một số ra đầu hàng, được Nguyễn Hoàng cho định cư ở vùng Bát Phường (nay là các làng Vạn Kim, Vạn Thiện...), một số chạy vào rừng, tụ tập thành đảng cướp ở vùng Hồ Xá, người qua lại trên đường từ Bắc vô Nam hay bị chúng đón đường cướp bóc. Về sau có Nội tán Nguyễn Khoa Đăng lập mưu vào tận sào huyệt của bọn chúng, giết được tên cầm đầu, từ đó mới yên.



Mẹ bồng con ra ngồi ái Tử,
Gái trông chồng đứng núi Vọng Phu.
Bao giờ nguyệt xế, trăng lu,
Nghe con chim quyên kêu mùa hạ, biết mấy thu gặp chàng


Đây là lối chơi chữ, ái tử là thương con, vọng phu là trông chồng. Cầu ái Tử trên đường Quốc Lộ I từ Quảng Trị đi Đông Hà, ngày xưa ở đây là bãi cát hoang, Nguyễn Hoàng đóng quân ở đó, năm 1558, gọi là Dinh Cát. Nơi đó trước 1972, hãy còn một số di tích như mô súng (nơi đặt súng đại bác), chỗ đúc đạn, dấu chân thành và một số gạch xưa... Núi Vọng Phu ở tỉnh Phú Yên (đèo Cả).



Chẳng thơm cũng thể bạch đàn,
Chẳng trong cũng thể đá hàn chảy ra.


hay là:



Nước Đá Hàn hòa trong hòa mát,
Bãi Cồn Cờ, nhỏ cát dễ đi.


Đá Hàn tên chữ là Thạch Hãn (hãn là mồ hôi), nước từ trong đó chảy ra, rất trong. Thạch Hãn hay Đá Hàn là tên một làng ở ngay thị xã Quảng Trị, cũng là tên con sông chảy qua

thị xã Quảng Trị. Bãi Cồn Cờ là bãi cát bên sông, nơi ngày xưa đóng quân có cột cờ.


Ru em, em théc* cho muồi,
Để mẹ đi chợ, mua vôi ăn trầu,
Mua vôi chợ Quán chợ Cầu,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu chợ Dinh.
*théc: ngủ



Chợ Quán tức chợ Quán Hầu ở sông Nhật Lệ, Quảng Bình. Chợ Cầu tức chợ bên cạnh cái cầu nhỏ ngày xưa, gần huyện lỵ Gio Linh. Tỉnh Quảng Trị. Nam Phổ và Chợ Dinh thuộc tỉnh Thừa Thiên.


Trăm năm nhiễu nỗi hẹn hò.
Cây da bến có con đò khác đưa.
Cây da bến cộ còn lưa,
Con đò đã thác năm tê rồi.


(Cụ Thái Văn Kiểm viết là: Trăm năm dù lỗi hẹn hò…)



Đây là câu chuyện tình giữa cô gái chèo đò duyên dáng và cậu học trò ngoài Bắc vô thi, qua đò gặp gỡ rồi hẹn hò nhau. Cậu học trò thi đỗ trở lại thì cô gái đã chết rồi. Ở Quảng Trị người ta hát là cây da chứ không phải là cây đa. Bến cộ tức là bến cũ (tiếng địa phương là cộ). Tê rồi là kia rồi.


Hết gạo thì có Đồng Nai,
Hết củi thì có Tân Sài chở vô


Quảng Trị có làng Tân Sài, đây là cách nói chơi chữ vì Tân và Sài có nghĩa là củi. Đồng Nai là đất Biên Hòa, là miền trù phú ở trong Nam.



Còn biết bao câu ca dao như trên mà chúng tôi không nhớ hết, ước mong bà con đồng hương bổ túc thêm cho.
__________________
http://www.dactai.net/
READ MORE - QUẢNG TRỊ QUA MẤY VẦN CA DAO - Người Thôn Dương

Wednesday, March 11, 2009

Thơ về sông Thạch Hãn

ĐÊM THẠCH HÃN

Thạch Hãn một dòng nước trăng long lanh/ Cỏ non nhớ ai thiết tha cổ thành?/ Khói hương lên trời mà thành mây trắng/ Thịt xương vùi đất mà thắm lá xanh...
BÙI QUANG THANH

Pháo hoa đỏ trời. Đèn trôi kín sông

Thạch Hãn đêm nay sóng vỗ nghẹn lòng

Vạn đèn hoa – vạn bàn tay vẫy

Nhân thêm mất mát, bồi thêm thương mong

Đò ai gác chèo trôi trong mông lung?

Áo trắng chờ ai hỡi vạn anh hùng

Những tuổi đôi mươi mấy bờ thế hệ

Thạch Hãn một dòng chẳng chia riêng, chung

Thạch Hãn một dòng nước trăng long lanh

Cỏ non nhớ ai thiết tha cổ thành?

Khói hương lên trời mà thành mây trắng

Thịt xương vùi đất mà thắm lá xanh.

Ai biết chăng ai một thời trận mạc

Bao tuổi đôi mươi chợt thành bùn đất

Biết mấy măng tơ đi mãi không về

Để những lời ca như là tiếng nấc

Thạch Hãn một dòng, máu Nam máu Bắc

Sũng các chiến hào, đỏ ngầu bến Vượt

Hơn vạn trái tim cao ngất tượng đài

Tám mươi mốt ngày bão lửa Bảy Hai.

Đêm “tráng ca” – lời ca nghẽn giọng

Đất dưới chân tôi như nghìn độ nóng

Lửa và bom. Và nhịp trái tim dồn...

Thạch Hãn rực hoa, đèn

Hay cuộn cháy đau thương?

30/4/2007
Nguồn: www.vannghequandoi.com


Đáy sông vẫn đó bạn yên nằm

LÊ BÁ DƯƠNG
Quý mến tặng Hoàng Công Danh

Ta trở lại một thời Thạch Hãn
Đáy sông vẫn đó, bạn yên nằm
Xin rứt lửa từ trái tim ứa máu
Nén hương lòng góp lửa cháy ngàn năm

Nguồn: http://lebaduong.vnweblogs
READ MORE - Thơ về sông Thạch Hãn

Tuesday, March 3, 2009

LÀNG TRẠNG VĨNH HOÀNG - Nguyễn Văn Học

Làng trạng Vĩnh Hoàng làm du lịch



Làng trạng Vĩnh Hoàng thuộc xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh, Quảng Trị. Năm 1949, xã Vĩnh Hoàng được thành lập, trong đó có ba thôn là làng Huỳnh Công Đông, Huỳnh Công Tây, Huỳnh Công Nam. Nên chuyện trạng cả ba làng còn được gọi là chuyện trạng Vĩnh Hoàng. Nay xã Vĩnh Hoàng đổi thành xã Vĩnh Tú. Năm 2006, khu du lịch Thủy Ứ của làng trạng được khai trương, cách thị xã Đông Hà (Quảng Trị) chừng 50 km về phía bắc. Khu du lịch rộng, với những hồ nước xanh trong ngăn ngắt, những ngôi nhà mái lá đơn sơ lợp cọ dùng để cho khách nghỉ ngơi và có thể nghe... nói trạng. Ngoài ra du khách còn có thể câu cá thư giãn, dạo thuyền, tắm nóng lạnh...

Khu du lịch hiện nay do Hội Người khuyết tật xã Vĩnh Tú quản lý. Tiền thu được xung vào quĩ hội. Chúng tôi được chị Nguyễn Thị Hợi kể cho nghe câu chuyện thú vị thế này: có một người đi câu cá, bắt một con cóc làm mồi. Đến hồ, ông lấy đà vút dây câu một cái thì không ngờ dây câu văng sang bờ hồ phía bên kia. Trong lúc không biết làm cách nào để gỡ lưỡi câu đang mắc vào bụi thì một con chim cuốc nhảy ra ăn con cóc. Khi đang kéo cuốc thì con chồn từ trong bụi rậm lao ra ngoạm con cuốc vào miệng, mắc phải lưỡi câu. Mừng quá ông kéo dây câu thì… “bụp”, một con cá đô (lóc) từ hồ lao lên đớp trọn con chồn. Con cá to quá, bà con xúm lại cùng nhau kéo con cá lên rồi dùng cuốc to để đánh vảy. Sau đó mỗi người được tặng một chiếc vảy mang về làm quạt. Mổ bụng con cá ra có cả chồn, mổ bụng chồn có cả chim cuốc, mổ cuốc ra có hơn chén tép, đủ làm bảy món liên hoan cả làng thật là vui... Nghe xong ai cũng òa cười.

Làng Vĩnh Hoàng xưa nghèo khổ, phải vật lộn với thiên tai, giặc giã để mưu sinh. Trên cuộc hành trình gian khổ đó, người dân có một vũ khí rất lợi hại để tự động viên mình, đó là chuyện trạng. Và trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày, người ta đã sinh ra cả ngàn chuyện trạng, thành kho tàng đặc sắc. Đây là kho chuyện cười trào tiếu dân gian, cũng giống như chuyện cười của các làng trạng Bắc Bộ hay chuyện kể bác Ba Phi ở Nam Bộ. Trong chuyến thăm làng trạng lần này, tôi đặc biệt ấn tượng với chuyện “Bắt nhầm cọp cày”, chuyện đã được vẽ thành tranh để bảo tồn. Nội dung như sau: “Đêm nớ, tui đi cày sớm, ra ngoài ràn (chuồng) bắt cặp bò đực cày đôi. Nhưng khi cài vào cày thấy con bò không chịu đi, tức quá tui lấy roi đập một cây vào lưng bò, con bò quay mặt dòm tui, thấy đực bò răng mà mặt mũi to đại chang, lạ quá. Tui tới sát coi cho kỹ. Té ra, đêm nớ cọp vô ràn bắt bò ăn thịt. Ăn xong, cọp chưa kịp ra khỏi ràn thì tui đã dậy đi cày quá sớm, bắt nhầm cọp cài vô cày mà không biết. Tức quá, tui mở dây cày ra, đập cho hắn một trận, hắn quá sợ, co bốn cẳng chạy vô rừng”.

Bài, ảnh: Nguyễn Văn Học (Vietimes)
READ MORE - LÀNG TRẠNG VĨNH HOÀNG - Nguyễn Văn Học