Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, September 29, 2013

HOA HỌC TRÒ - truyện ngắn Trần Hữu Thuần - Kỳ 3



Tôi cầm que tre như  cọng tăm đầu có gắn một túm bông cỏ nhỏ  lòa xòa cọ cọ vào hàm con dế than đen nhánh, thân mình nhỉnh hơn hạt đậu phụng một chút, chú dế Nguyệt vừa túm được cho tôi hôm qua, chưa được “luyện.” Để dùng làm que chọc dế, bọn trẻ chúng tôi có khi cắm cái đầu một con dế đã chết lên đầu một cọng tre nhỏ, có khi cột lên đó một túm nhỏ bông cỏ,  khi khác chỉ cần bứt mấy cọng tóc gấp lại.  Con dế than chẳng biết vì bị nhột hoặc vì nổi giận tưởng túm bông cỏ là con dế khác đang khiêu khích nên nhe hai càng nhọn hoắt, cúi gầm đầu hích vào túm bông cỏ, giương hai cánh gáy rinh rích. Mãi mê nhìn con dế chạy loanh quanh trong cái hộp giấy nhỏ rồi cười thích thú khi nghe tiếng dế gáy rinh rích, Nguyệt bảo tôi:
“Con dế than ni coi bộ hung ghê.”

Tôi cười, bảo Nguyệt:

“Nó hung là tại em đó?”

Nguyệt nhìn tôi chưng hửng:

“Răng mà tại em?”

“Tại em hung nên nó cũng hung. Chị nào em nấy.”

Nguyệt vung tay đấm lên lưng tôi nghe cai huỵch, nhăn mặt nói:

“Anh ni, em hung khi mô mô? Có anh hung ăn hiếp em thì có.”

Tôi làm bộ nói trớ:

“Đứa mô dám ăn hiếp em? Nói đi, anh quất cho nó một trận.”

Nguyệt cười:

“Đưa mô mô? Đứa anh đó, anh quất anh đi.”

Câu nói đùa của tôi đã có kết quả, Nguyệt không còn để đến việc tôi trêu Nguyệt nữa. Nguyệt chẳng bao giờ hung dữ, rất hiền lành là khác. Tôi chưa từng nghe thấy Nguyệt lớn tiếng cãi vã với bất kì ai. Gặp chuyện không vừa ý, Nguyệt nói qua nói lại rồi nếu người kia vẫn không chịu nhận sai lầm, Nguyệt bỏ đi, tức lắm thì tìm đến khóc lóc kể lễ với tôi. Nếu tôi nóng lòng muốn can thiệp, Nguyệt chận lại ngay, vội vàng nói:
“Em hết khóc rồi nè, mặc kệ nó đi anh.”

Không phải Nguyệt sợ tôi không đủ sức chống cự lại đứa sinh chuyện với Nguyệt mà chỉ tại không muốn sinh chuyện ồn ào. Nguyệt thường bảo tôi:

“Mạ nói một nhịn chín lành, bỏ qua cho xong chuyện.”

Tôi cắc cớ hỏi ngược lại:

“Lỡ mình bỏ mà người ta không bỏ thì răng?”

Nguyệt cúi đầu nói:

“Em chưa chộ lần mô như rứa. Mình nhịn bỏ đi rồi, người ta có muốn sinh sự cũng mô có mình đó nữa.”
Nói chày cối với Nguyệt vậy thôi, tôi bao giờ cũng nghe lời Nguyệt. Nết hiền của Nguyệt đã nhiều lần làm dịu cơn hung hăng nóng giận của tôi. Một lần tôi trốn học theo chúng bạn cỡi trâu lội qua bên kia sông. Hôm sau, tôi đi học lại, thầy giáo bắt tôi nằm dài lên bục, quất cho năm sáu roi đau điếng sưng cả mông. Thời đó, phương châm giáo dục là “thương cho roi cho vọt” nên ở nhà thì cha mẹ đánh, ở trường thì thầy cô cho ăn đòn. Cha mẹ khi đưa con đến trường còn “gửi gắm” thầy cô:

“Nhờ thầy cô dạy dỗ nó, đánh cho đau vào nếu nó không nghe lời!”


Thầy giáo đánh đau lắm, tôi khóc suốt buổi học, tối về nhà còn khóc. Chị tôi giận nhưng thấy tôi bị nhiều đòn nên không mắng mỏ gì thêm nữa. Riêng Nguyệt ngồi sát bên tôi, khóc nhiều vì thấy tôi khóc và xót xa cho cái mông sưng vù của tôi. Theo kinh nghiệm dân gian, chị kế tôi pha chén nước muối loãng bảo Nguyệt xoa lên mông tôi để bớt sưng. Bớt sưng đâu chưa thấy, nước muối thấm qua da rát rạt làm tôi bật khóc rưng rức. Nghe tôi khóc, cả chị tôi cả Nguyệt cuống cuồng chẳng biết phải làm gì. Thấy vậy, tôi bặm gan không khóc nữa vì thương chị và thương Nguyệt. Tôi nhìn chị rồi nhìn Nguyệt, nói

“Chị và Nguyệt đừng khóc nữa, không răng mô.”

Để chị và Nguyệt thêm tin tưởng, tôi cười lớn:

“Không răng mô, thầy đánh hôm qua cũng như gãi chỗ ngứa dính mồ hôi trâu lúc cỡi nó hôm qua, nhằm nhò gì.”

Nguyệt cười méo xẹo:

“Gãi ngứa mà anh khóc hu hu từ sáng tới chừ.”

Tôi giả vờ cười:

“Anh khóc cho em sợ chơi thôi.”

Nguyệt xí một tiếng rồi nói:”

“Rứa thì anh khóc tiếp đi, em đi chơi đây.”

“Đi mô?”

“Ra doi bắt dế.”

Nguyệt gãi đúng chỗ ngứa của tôi, chuyện gì có dế là tôi chịu liền. Tôi bảo Nguyệt:

“Ừa, thì đi.”

Doi là bãi đất phù sa tức đất bồi nằm dọc bờ sông Thạch Hãn. Từ nhà anh em chúng tôi đến bờ sông phải băng qua một ruộng bắp với những thân cây cao hơn người lớn, đầu ngọn lất phất hoa bắp uốn mình trong gió, nách lá trổ những quả bắp tròn lẳng lủng lẳng chùm râu bắp ở đầu. Qua khỏi ruộng bắp, chúng tôi phải vượt qua một con đường đất hẹp gồ ghề gập ghềnh, mùa mưa nhếch nhác, mùa hè bụi bặm. Những năm 1930, chưa có xe hơi xe đạp, phương tiện chuyên chở quê tôi chỉ có xe bò xe trâu mà họa hoằn chúng tôi mới được chủ xe cho lên ngồi ké đi một đoạn đường ngắn. Mỗi lần được ngồi vắt vẻo trên xe chạy lộc cộc lệch kệch nghiêng qua xô lại trên con đường gồ ghề là một lần chúng tôi cười hớn hở. Ngồi chồm hổm trên thùng xe thường chất đầy khoai sắn bắp đậu vào mùa thu hoạch, rơm rạ vào cuối mùa, hoặc phân trâu phân bò lúc đầu mùa, tôi nhìn trời nhìn đất hể hả còn hơn được ngồi trên xe Jeep nhà binh sau này, hoặc ngồi trên xe Honda Toyota như ở Mĩ hiện thời. Ngồi xe trâu lúc đó sao mà oai phong lẫm liệt đến thế!

Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ…ư…ứ!

Qua khỏi đường đất là đến doi, mấp mô các vồng trồng một loại dưa người địa phương gọi là dưa quả, nơi khác gọi là dưa hồng, cùng họ với dưa hấu, trái thuôn thuôn lớn bằng một hai nắm tay người lớn. Không loại cây trồng nào ở vùng này phù hợp với đất phù sa hơn dưa quả. Dưa hồng dưa quả không ăn chín. Người ta thu hoạch khi dưa vừa độ không quá non không quá già để nấu canh, kho cá, “bằm” thành sợi nhỏ ăn sống chấm với nước cá nước mắm, hoặc xắt mỏng phơi khô để dành kho chung với cá. Tôi thường mê mẩn với dưa bằm chan nước cá, hoặc dưa phơi khô kho cá. Với trẻ thích dế như tôi, doi đất còn là “kho tàng” dế. Doi nhiều dế trước hết vì là đất phù sa dế dễ đào hang, hai là vì dưa quả là thức ăn dế có sẵn. Nhiều khi bắt được dế, tôi chỉ cần nhìn ngang nhìn ngữa hái vội một trái dưa, khoét lỗ vừa rộng cho chú dế vào trong đó. Trái dưa vừa là hang trú ẩn vừa là thức ăn cho dế, tiện cả đôi đường. Đến bờ sông. Nguyệt nheo mắt nhìn trời rồi bảo tôi:

“Nắng quá, bắt dế không được mô, phơi nắng về bệnh mạ la chết.”

“Rứa thì làm chi? Tắm không được, mạ còn la nhiều nữa vì đi không xin phép.”

Nguyệt nằn nì:

“Có hai anh em mình thôi, em tắm truồng.”

Tôi lắc đầu:

“Không được mô. Một là chưa xin phép mạ, hai là em không đem theo quần áo để thay, mặc đồ ướt bệnh chết.”

Ở tuổi tôi với Nguyệt thời đó, trần truồng trước mặt nhau chẳng có gì là chuyện đáng thẹn thuồng hoặc tội lỗi. Trời mưa, con trái con gái kéo nhau cả bầy trần truồng tắm mưa là chuyện bình thường. Nhưng đàn bà con gái An Đôn khác với đàn bà con gái nơi khác khi đi tắm sông. Nơi khác, đàn ông ở truồng nhào xuống nước, đàn bà con gái tắm với nguyên quần áo rồi lên bờ đợi khô mới về. An Đôn, đàn bà con gái vẫn tắm sông với nguyên quần áo nhưng đem sẵn quần áo để thay đổi. Nguyệt bảo tôi:

“Tắm không quần áo, bắt dế thì nắng quá. Chừ mần chi?”

Ngẫm nghĩ một chút, nguyệt nói tiếp:

“Hay hai đứa mình chui vô vòm cây ni cho mát rồi anh lấy dế ra ‘luyện’?”

“Nhưng anh mô đem dế theo?”

“Không đem thì mình bắt.”

“Em vừa nói nắng quá, phơi nắng bắt dế về mạ la.”

Nguyệt lúng túng nhìn tôi:

“Ừ hé. Chừ mần răng hè?”

“Chừ em ngồi đây dọn chỗ cho mình ngồi khỏi nắng, anh đi bắt dế về chơi.”

“Em đi với anh, anh bắt không lại em mô.”

Tôi nghiêm mặt nhìn Nguyệt:

“Không được, lỡ em bệnh về mạ la chết.”

Tôi bỏ đi không để cho Nguyệt kịp vòi vĩnh mà tôi biết khó từ chối được. Hình như tôi chưa hề từ chối điều gì Nguyệt đòi hỏi mà tôi có thể làm được. Bước mấy bước quay nhìn lại, tôi mỉm cười an tâm thấy Nguyệt đang chăm chú bẻ cành bẻ cây mở rộng vòm cung của bụi cây rồi lót cành là vừa bẻ được xuống đất làm chỗ ngồi. Men tới vồng dưa, lắng tai nghe tiếng dế gáy vọng lại, có theo kinh nghiệm phân tích tiếng dế gáy để đoán vóc dáng tài năng của chú dế dưới hang. Quanh qua một vồng dưa, tôi khựng lại nghe tiếng dế rổn rảng từ dưới hang vọng lên, thầm nghĩ:

“Chắc là dế lửa. Dế lửa gáy rổn rảng, dế than rinh rích. Con này chắc to nên gáy nghe mạnh mẽ lắm.”
Tôi thở nhẹ bước nhẹ để không “động” mất dấu hang dế, trí hình dung ra đôi càng to khỏe chơm chởm sắc cạnh, chém là đứt, dứt là chết của con dế, bụng mừng thầm tôi đang gặp may. Bỗng, có tiếng cười khanh khách từ dưới sông vọng lên. Tôi lật đật bỏ hang dế, chạy vội về lại vòm cây chỗ Nguyệt đang ngồi xem ai đang cười dưới sông liệu có gì nguy hiểm cho Nguyệt không. Chạy được mấy bước, tôi chợt nhận ra tiếng Nguyệt đang cười, tiếng cười trong như ngọc nói theo bài học thuộc lòng tôi đã học cho dẫu chẳng biết là trong như thế nào. Một viên ngọc nhỏ tôi còn chưa được nhìn thấy, nói chi nghe được tiếng ngọc reo trong đục ra sao. Tôi tự nhủ:

“Nguyệt đang làm trò. Cười kiểu nớ là hắn biểu mình tới coi. Tới không kịp, hắn giận, đố mà dỗ được.”
Tôi chẳng lạ lùng gì trò chơi đó của Nguyệt, nhưng mỗi lần đều phải khen nức nở như mới thấy lần đầu nếu không muốn thấy Nguyệt xìu mặt xuống. Con gái vốn thế, hay giận hay hờn, chẳng cần lí do để giận mà giận cũng chẳng cần giải thích lí do. Người ta nói đàn ông con trai sống bằng cái đầu, đàn bà con gái sống bằng con tim, càng lớn lên thêm hiểu biết tôi càng cho là đúng, ít nữa qua ngày tháng tôi sống bên Nguyệt cho dẫu chẳng kéo dàđược lâu.

Quả như tôi nghĩ. Giữa sông không mấy xa bờ, Nguyệt đang khom người úp mặt xuống dòng nước chảy xuôi để mái tóc dài nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Rồi đột nhiên, chẳng nói chẳng rằng chẳng hề báo trước, Nguyệt đứng phắt dậy hất ngược mái tóc ra đàng sau. Mái tóc mây đen nhánh ướt sũng rơi xuống sau lưng nằm gọn trên chiếc áo bà ba trắng cũng ướt sũng thấp thoáng những mảng da hồng. Nếu mái tóc hất lên gọn gàng, Nguyệt cười khánh khách vì đã biểu diễn thành công. Và đó chính là lúc tôi phải vỗ tay khen. Không thành công, Nguyệt lại úp mặt, lại hất ngược, làm đi làm lại cho đến khi thành công, cho đến khi tôi lên tiếng khen. Nói cho thật đúng, Nguyệt thường không kiên nhẫn được nữa sau ba lần. Sau lần thứ ba vẫn không được như ý muốn, Nguyệt vùng vằng bỏ lên bờ rồi làm bộ hờn dỗi như thể đó là do lỗi của tôi. Biết thế cho nên vừa chạy hồng hộc đến bờ sông, đợi Nguyệt hất mái tóc nằm gọn gàng trên vai dù chưa được hoàn toàn, tôi vội vàng khen lấy khen để:

“Hay thiệt, lần nào em hất tóc anh cũng thấy đẹp. Anh có tóc dài như em, muốn bắt chước em cũng không được.”

Chẳng hiểu do đâu, khác với bản tính nhiều lúc nghịch ngợm ngang ngược của tôi đồi với người khác, tôi lúc nào cũng dịu dàng với Nguyệt, tìm mọi cách làm Nguyệt vui lòng nữa là khác. Nghe tôi khen, dù không phải mới nghe lần đầu, Nguyệt tỏ vẻ vui ra mặt, cười trong đôi mắt:

“Anh lại phỉnh em. Có cái chi anh làm không được mô?”

Tôi cười:

“Đúng là cái chi anh cũng làm được trừ cái hất tóc đó. Mà thôi, em lên đi kẻo lạnh. Đã bảo không được đi tắm vì chưa xin phép mạ và không có quần áo thay đổi, răng em xuống tắm?”

Nguyệt  chầm chậm đi lên bờ, đứng dưới nắng chiều trong gió phần phật đợi khô áo quần, bướng bĩnh cãi lại:
“Em tắm mô? Em gội tóc thôi mà?”

Tôi bảo Nguyệt:

“Gội thì cũng lội xuống sông, lỡ có chi thì mần răng, nhất là khi anh không biết em dưới đó?”

“Rứa mấy lần có anh, anh cũng mô có tắm chung chỗ với em? Bọn con gái em tắm riêng mà.”

Quả  như lời Nguyệt nói. Không biết do ai đặt ra thành lệ từ bao giờ mà con gái tắm một bến xa bến con trai một đỗi khá xa, tiếng cười đùa chỉ thoang thoảng vọng lại. Tôi im lặng vì biết không cãi lại Nguyệt được, mà thực lòng cũng chẳng muốn cãi lại Nguyệt, không muốn làm bất cứ điều gì để Nguyệt phiền lòng. Tôi hạ giọng nói:

“Không tắm chung với anh nhưng với bạn em. Lỡ chuyện gì có tụi nó báo.”

Nghe tôi nói có lí, Nguyệt thinh lặng. Sực nhớ lại tôi đã không có mặt ngay khi lần biểu diễn đầu tiên, Nguyệt Nguyệt phụng phịu bảo tôi:

“Rứa nãy chừ anh đi mô em không chộ?”

Tôi ngẫn người, con gái sao mà khó hiểu. Chẳng phải hai đứa đã thỏa thuận, Nguyệt sử lại chỗ  ngồi chơi cho mát còn tôi đi bắt dế sao? Dẫu nghĩ vậy, tôi vẫn ôn tồn trả lời:

“Thì  em biểu anh đi bắt dế tê.”

Nguyệt phụng phịu:

“Lúc mô cũng dế, bỏ em một chắc hoài.”

Một chắc nghĩa là một mình, kiều nói của người Bình Trị Thiên.Tôi đấu dịu, nói:

“Tại em biểu, mô phải tự nhiên anh đi.”

“Bộ anh bắt chỗ mô xa lắm răng em kêu hai ba lần anh chưa nghe?”

“Sau bụi cây nớ.”

Tôi chỉ tay về bụi cây mơ hồ phía sau lưng. Sau lưng tôi không phải chỉ một bụi cây mà cả dãy dài bụi cây. Nguyệt nhìn theo tay tôi chỉ rồi nhìn lại tôi, lắc đầu:

“Cả  đống rứa, em biết anh sau bụi nào?”

Lãng tránh phải trả lời thêm nữa, tôi nói:

“Mà em mô kêu anh. Nghe em cười, anh biết em đang gội tóc nên chạy lẹ về thôi.”

Nguyệt làm mặt giận:

“Em cười như rứa là kêu anh rồi. Mà ai biểu anh bỏ em đi bắt dế?”

“Em biểu chơ ai. Anh tưởng bữa ni em thích chơi dế.”

“Không mô, không hề. Em dòm tụi hắn là để anh vui thôi. Tụi hắn đá nhau sứt đầu gãy gọng, em sợ lắm. Ai bắt mấy anh sứt đầu gãy cẳng mà mấy anh hại tụi hắn như rứa?”

Chẳng biết trả lời sao cho phải, tôi cười trừ:

“Tại trời sinh tụi hắn ra để đá chắc. Với lại, em coi, anh không bắt, tụi hắn cắn hư hết dưa hết rau thì lấy chi mà ăn?”

“Anh nói xà óa. Mô phải trời sinh tụi hắn để đá chắc? ai nói rứa? Sách vở mô dạy rứa?”

Nói xà óa là nói bừa, nói cho qua chuyện. Đến đây thì tôi cứng họng không còn ngụy biện gì được nữa, đành lái sang chuyện khác:

“Không chơi dế thì làm chi? Mô có trò chi khác, ngồi không buồn chết.”

Nguyệt làm bộ giận quay mặt đi:

“Rứa đó, ngồi bên em mà kêu buồn. Bộ không thích em răng?”

“Mô phải. Ngồi bên em vui một chuyện, mà chơi dế là chuyện khác. Rõ ràng, em ngồi một chắc sinh buồn nên mới xuống sông gội tóc, phải rứa không?”

“Mô phải em buồn vì ngồi bên anh mà tại anh bỏ em một mình. Có anh, em ngồi tới tối tới khuya cũng được.”

Tôi trêu Nguyệt:

“Rứa thì chừ anh ngồi chỗ ni, em chỗ nớ, hai đứa ngồi tới khuya luôn. Chịu không?”

Nguyệt phụng phịu:

“Anh lại chọc em, anh làm nư chi rứa?”

“Rõ ràng chưa, mô phải ngồi hoài là được, phải có cái gì để chơi cho vui, phải không?”

“Rừa chừ mần chi? Không có dế, tắm cũng không được.”

Tôi cười:

“Thì  đuổi nhau chạy.”

Không đợi Nguyệt trả lời, tôi vụt chạy chầm chậm vòng vòng đợi Nguyệt đuổi theo tôi. Hai chúng tôitheo nhau chạy dọc bờ sông rồi ngược lên phía doi dưa. Chừng năm phút sau, Nguyệt ngồi phịch xuống một vồng dưa, thở hồng hộc:

“Em không đuổi nữa. Răng em đuổi mà anh không chịu đứng lại?”

Tôi trố mắt kinh ngạc:

“Răng lạ rứa? Em đuổi mà không cho anh chạy, bắt phải đứng lại là nghĩa lí mần răng?”

Nguyệt nguýt tôi:

“Có rứa cũng hỏi. Em đuổi, anh phải đứng lại cho em bắt mới đúng.”

Tôi chẳng hiểu được đúng là đúng thế  nào. Con gái thật kì lạ, đuổi chạy thì bắt  đứng lại cho bắt, bảo đi bắt dế rồi vắng mặt thì giận hờn. Chẳng trách, anh tôi bảo tôi:

“Mi lớn lên, coi chừng bọn con gái. Con gái nói rứa mà không phải rứa mô.”

Tôi chẳng hiểu anh muốn nói gì. Nhưng, khi đủ khôn lớn, tôi thấm thía với câu nói con gái không bao giờ nói đúng, nói có, mà lúc nào cũng chỉ nói có lẽ, có thể. Người con trai hỏi con gái:

“Em có thương anh không?”

Con gái trả lời:

“Không biết nữa.”

“Chiều nay đi chơi với anh nghe?”

  “Có lẽ.”

Thế  nhưng, đến giờ hẹn người con trai không ra là  có chuyện to. Tôi cười:

“Thì chừ anh đứng lại rồi nè.”

Nguyệt phụng phịu:

“Chừ mới đứng. Em mệt muốn chết rồi đây nì.”

Tôi  đùa:

“Em đừng chết. Em chết bỏ anh một mình, anh chơi với ai?”

Nguyệt đưa tay bụm miệng tôi:

“Đừng nói rứa, không nên mô.”

“Nói chi không nên?”

“Nói chết.”

“Em nói chết trước, mô phải anh?”

“Em nói là nói thuận miệng, ai cũng nói rứa mô phải em nói rứa?”

“Nói rứa mà mô phải nói rứa, là nói răng?”

Nguyệt nhăn mặt:

“Không cãi nữa, đừng nói xui xẻo là được. Mạ nói có kiêng có lành.”

Tôi nói nghiêm trang như người lớn:

“Có  đạo mà tin dị đoan. Kinh nghĩa dạy đến kì Chúa định chúng ta đều phải chết, sống chết là do Chúa định, mô phải do mình?”

Nguyệt vùng vằng:

“Kinh chẳng kinh cũng được, chỉ cần anh đừng nói xui nữa.”

Biết không cách nào cãi lại, tôi lại ngẫn người không hiểu được tâm tình con gái. Mơ hồ, tôi nghĩ có một điều gì Nguyệt đã cảm thấy mà tôi thì chưa. Trời sinh ra con trai con gái khác nhau không chỉ cơ thể mà cả tâm hồn. Con trai hùng hổ, bộc trực, tưởng cái gì cũng biết mà thực sự chẳng biết gì. Con gái thẹn thuồng, kín đáo, tưởng cái gì cũng không biết mà thực sự biết hết mọi chuyện. Người ta chẳng nói con gái mau khôn hơn con trai là gì? Nữ thập tam, nam thập lục, con gái mới ít tuổi đã thắc mắc em bé từ bụng mẹ sinh ra cách nào trong khi con trai chẳng hề quan tâm đến.

(Còn tiếp)

Trần Hữu Thuần

No comments: