Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 30, 2013

HOA HỌC TRÒ - truyện ngắn Trần Hữu Thuần - kỳ 4



Buổi sáng còn tinh mơ. Mặt trời hồng vừa ló dạng chưa làm tan đi sương đêm còn đọng lấp lánh trên lá cây ngọn cỏ trong vườn nhà tôi. Từ ngày cha tôi mất đi, mạ và anh chị tôi vẫn tiếp tục tối tối lặn lội vào rừng nấu rượu lậu như cha tôi đã làm trước khi bị bắt, bị tù và chỉ được cho về nhà để chết. Không phải không biết sẽ không thoát khỏi cảnh tù đày tan nhà nát cửa nếu bị phát hiện, mạ và gia đình tôi vẫn phải tiếp tục vì đó là nguồn lợi lớn đủ để chu cấp cho anh chị em tôi. Làm thuê làm mướn không đủ đắp đổi qua ngày cho dẫu mạ và chị tôi vẫn không từ cấy thuê gặt mướn, sàng sẩy, xay lúa, giả gạo. Nhà giàu, ruộng cò bay thẳng cánh, đi mỏi chân thăm vẫn chưa giáp vòng. Nhà nghèo, ruộng một đám hai đám bằng bàn tay, hút chưa tàn điếu thuốc đã không còn ruộng để thăm. Gia đình tôi ở An Đôn, đất ngụ cư, nên còn nghèo hơn người nghèo vì ngoài miếng vườn ở nhờ chẳng có lấy một miếng ruộng trồng một cây làm thuốc. Ngay tại quê cũ Phúc Lộc, ruộng vườn của gia đình tôi cũng chỉ mấy đám. An Đôn thời đó, bà Lư có thể là người giàu có nhất vùng. Ngoài việc có rất nhiều ruộng, bà còn nuôi cả đàn trâu bò. An Đôn là vùng rừng núi, nuôi trâu bò hàng đàn chỉ phải trả công cho vài thanh niên “cao bồi” dẫn lên rừng thả rông để chúng tự nuôi sống với đồng cỏ hoang hoặc lá cây rừng bát ngát. Con trai bà học cùng lớp với tôi, có nghĩa bà chưa phải là người già lắm. Ngoài Nguyệt ra, con trai là đứa bạn trai thân thiết với tôi hơn các đứa khác. Mặc dù mạ tôi là người làm thuê làm mướn cho bà, không vì thế mà bà Lư coi thường tôi, trái lại còn thương tôi, coi tôi như con bà. Mạ tôi dặn ngày nào mạ về trễ vì bận công việc, tôi đi học về nếu đói có thể ghé nhà bà Lư ăn cơm với bạn tôi, con trai bà. Tôi lúc nhỏ rất “xấu máu đói,” chưa kịp ăn là tháo hồ hôi mệt mỏi. Thế nhưng, đói sao thì đói, tôi chưa một lần ăn cơm nhà bà Lư, có lẽ vì tự ái không muốn là người “ăn cơm chực.”

Đến mùa gặt lúa ngoài đồng gánh về, nhà giàu mướn người trải lúa ra nền đất nện rộng cho trâu bò đạp để tách hạt ra khỏi rơm rạ. Vùng quê khác đạp lúa chỉ với một hoặc hai con trâu nhưng nhà giàu ở An Đôn như nhà bà Lư dùng bốn năm trâu, ngoài ra còn bốn năm con khác nằm ngoài “trừ bị.” Chính giữa nền đất nện, người ta dựng một cái trụ cao quá thân con trâu con bò, từ trụ vươn ra một “giàng” dài suốt bán kính nền đất trông như cây kim đồng hồ lớn, một đầu giàng cột cách nào đó để xoay chuyển được quanh trụ. Người ta khớp ách trên vai trâu bò vào giàng, dài ngắn theo nhu cầu để trâu bò đi từ ngoài vào trong hoặc từ trong ra ngoài thế nào để đạp đi đạp lại lúc nhiều lần trên cùng một vòng không bỏ sót lúa. Khi thấy hạt lúa đã được đạp rời khỏi rơm rạ, người ta cho trâu dừng lại để quét thóc thu rơm rồi trải ra lớp lúa nguyên hạt khác. Rơm đã đạp xong còn được đập lại vớt vát một lần chót trước khi chất thành đống để xây thành đụn rơm sau này. Lúa thóc là họt ngọc trời cho, không thể nào để vương để vãi. Kĩ lưỡng như thế nhưng đàn gà lần quẩn quanh đó vẫn còn kiếm được lúa sót ăn no bụng. Và cũng vì quan niệm hột lúa củ khoai củ sắn là ân huệ trời cho, chủ ruộng chủ nương lúc nào cũng dặn thợ gặt thợ đào khoai đào sắn chừa lại một số nhánh lúa cây khoai cây sắn cho người nghèo mót lúa mót khoai. Có thể đây cách chia sẻ phúc lợi độc đáo của dân tộc Việt Nam mà không biết có nơi nào khác trên thế giới làm như vậy hay không.

Hạt lúa đã gom vào thúng được người làm đổ vào “ họng xe quạt” để quạt rác rến bay đi, còn lại lúa chắc “chảy” vào thúng. Gọi là “xe quạt” vì là “dụng cụ văn minh” đặt trên hai bánh xe để có thể di chuyển, gồm hai bờ ván ghép lại cách nhau chừng sáu bảy tấc bề dày, phần thân rỗng bên trong là một cái quạt bốn hoặc sáu cánh bằng gỗ có trục quay tay. Khi quay chạy tròn, quạt thổi ra hơi gió đánh văng hạt lép và rơm rác về phía trước khỏi lúa chắc. Chỉ nhà nhiều ruộng mới có sân đất nện cho trâu bò đạp lúa, và quạt rác bằng xe quạt. Nhà ít ruộng mướn người cầm từng bó lúa đập mạnh lên một khúc cây nằm ngang cho hạt rơi ra. Muốn thổi hạt lép và rơm rác, một người đứng trên cao đổ lúa xuống để một hoặc hai người khác đứng dưới đất cầm một vật làm quạt quạt bay đi. Với Nguyệt và tôi, nhửng lúc người lớn làm việc nặng nhọc lại là những đêm ngày giải trí của chúng tôi. Chúng tôi được thức khuya phụ giúp các việc vụn vặt và còn được chia phần “bữa lỡ” cái bánh củ khoai với người lớn. Một trong các công việc vụn vặt đó là “hứng,” tức hứng nước tiểu hoặc phân trâu bò cho khỏi làm bậy lên lúa. Người ta để sẵn mấy cái. Khi nhận ra có trâu bó nào sắp làm bậy, người dắt trâu hét lớn “hứng c..” hoặc “ hưng đ…” Tiếng hét chưa dứt, lũ trẻ “được quyền” như tôi và Nguyệt vội đưa gàu ra hứng, loại gàu có cán kiểu gàu sòng tát nước lên ruộng. Chúng tôi chẳng những không mắc cỡ khi làm chuyện đó mà còn cười thích thú vì đã làm được “chuyện người lớn.” Trăm lần như một, Nguyệt lúc nào cũng phản ứng mau chân lẹ tay hơn tôi khi nghe lệnh “hứng.”

Mặt trời đã lên cao nhưng tôi đang cố ngủ  nướng thêm chút nữa. Trong buổi đạp lúa tối qua tại nhà bà Lư, Nguyệt và tôi đã thức rất khuya “làm chuyện người lớn,” lại đang kì nghỉ hè nên cả đều không phải dậy sớm đi học. Học sinh thời trước không vất vả như học sinh hiện thời tại quê nhà. Mùa học chẳng phải học thêm, đứa nào dốt quá thậm chí có khi còn được thầy cô kèm thêm ngoài giờ chẳng đòi cha mẹ một đồng cũng chẳng cần được cha mẹ nhớ ơn. Dạy cho học sinh thông suốt chương trình học là bổn phận mà chức năng nhà giáo phải làm tròn. Vì thế chẳng lạ gì người ta tôn trọng thầy cô giáo, không chỉ vì quan niệm quân, sư, phụ của Nho giáo mà cả đến sau này khi Nho giáo không còn địa vị thống trị nữa. Chẳng ai không biết câu ca dao Muốn sang thì bắc cầu kiều, Muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy. Người ta thường xuyên đưa câu ca dao đó ra để răn dạy con cái và để làm khuôn vàng thước ngọc cho phụ huynh biết phải đối xử với thầy cô như thế nào. Lũ trẻ kém giáo dục thường bị người khác trước hết mắng mỏ cha mẹ và rồi thầy cô sau đó:
“Thằng mất dạy, bộ cha mẹ thầy cô mi không biết dạy mi răng?”

Hết mùa học, mùa hè là mùa học sinh nghỉ chơi thong thả, chẳng mấy đứa phải học hè học thêm gì. Vì thế, khi tiếng ve bắt đầu râm ran trong rừng ngoài vườn, khi những cánh phượng đỏ bắt đầu nở trên sân trường, học trò như tôi và Nguyệt đều háo hức mong đợi mùa hè. Thức khuya học bài, mài mẩn với các bài thi lục cá nguyệt cuối năm sẽ bay đi mất khi tiếng trống điểm giờ học cuối cùng của năm học đã trôi qua. Lũ trẻ chúng tôi như bầy chim bị nhốt vừa chạy ào ra sân chào cờ lần cuối rồi la hét đuổi nhau xô nhau chen lấn nhau ra khỏi sân trường lẫn vào trong các con hẽm ai về nhà nấy đợi cho đến mùa học sau.

Trong giấc ngủ lơ mơ, tôi nghe tiếp dép lẹp xẹp quen thuộc rồi tiếng Nguyệt lay tôi dậy:

“Dậy đi anh, ra ‘nhà mình’ chơi.”

Đúng hơn, chúng tôi nói là “già mình” thay vì “nhà mình” vì người Bình Trị Thiên chúng tôi thời đó không phát được âm “nhờ NH” mà phát âm thành “giờ GI,” “cái nhà” thành “cái già,” “cá nhân” thành “cá giân.” Người nơi khác thường chòng ghẹo giọng và cách nói Bình Trị Thiên bằng câu “hai cấy giôông đập chắc côi cươi,” dịch nghĩa ra thành “hai vợ chồng đánh nhau ngoài sân.” Cái mà Nguyệt và tôi gọi “nhà mình” là một cái chòi dựng trên khoảnh đất cát ở bìa rừng bên ngoài khu vườn nhà tôi, khuất sau hàng cây chồi nhấp nhô, nép mình dưới một lùm cây rậm rạp tỏa bóng mát trên đầu. Mặt cửa nhà bỏ trống nhìn ra rừng già, ba vách chung quanh khép kín, sàn bằng cành và thàn cây lớn bằng bắp tay người lớn ghép lại, đủ vững chắc để nằm ngồi trên đó. Chỉ có thế nhưng hai đứa chúng tôi đã cặm cụi hì hà hì hục mấy tuần lễ mới dựng lên được đúng theo ý muốn. Đó là giang sơn riêng của hai chúng tôi, cách xa người lớn để tha hồ phá phách mà không sợ bị la rầy.

Chen lẫn hàng hàng lớp lớp cây chồi ở bìa rừng là một loại cây đến mùa cho ra một loại hoa năm cánh màu vàng trông như vỏ trái thị chẻ ra kéo thẳng. Loại hoa này hầu như khắp thôn quê Quảng Trị đều có và được gọi với nhiều tên gọi khác nhau tùy địa phương, hoa Dẻ, hoa Dủ Dẻ, hoa Mù Tru, hoa Mù Tru Trập, hoa Trập, hoa Thi, hoa Tày. Tôi và Nguyệt thì gọi nó là “Hoa Học trò” vì không học sinh nào, nhất là học sinh gái, không bị loài hoa đó quyến rũ đến độ hễ đi ngang qua là phải tạt vào ngắt một nắm kẹp vào trong vở. Mùa hè là mùa hoa nở, không khí bìa rừng trong nắng sớm phảng phất hương thơm như đang được ướp nước hoa, một loại nước hoa dìu dịu ngòn ngọt đậm đà như mùi bánh in. Vừa đến “nhà,” Nguyệt hít một hơi dài rồi chạy vụt vào rừng. Tôi gọi với theo:

“Đi mô rứa? Đừng đi xa đó nghe.”

Tôi dặn cho có chừng vì biết Nguyệt không bao giờ  đi sâu vào rừng mà không có tôi. Biến mất sau bìa rừng, Nguyệt trả lời vọng lại:

“Em đi hái hoa cho thơm nhà.”

Tôi  mở hộp dế, món quà kỉ niệm duy nhất cha tôi để lại cho tôi, chẳng mấy chốc đã mê mẩn với phong độ hùng dũng và tiếng gáy dòn tan của mấy chú dế cưng của tôi. Bỗng, một tiếng thét thất thanh vọng lại từ phía sau các lùm cây. Chẳng chút chần chờ, tôi quăng hộp dế sang một bên, phóng mình vào rừng theo hướng tiếng thét, tim đập mạnh vì nghĩ Nguyệt đang gặp nguy hiểm. Lúc này, với tôi, an nguy của Nguyệt quan trọng hơn bất cứ điều gì khác trên cõi đời này, quan trọng hơn ngay cả chính bản thân tôi. Tôi đột nhiên nhận ra giữa Nguyệt và tôi có một dây ràng buộc vượt quá tình bạn, quá tình anh em, dây ràng buộc mà trong lúc thảng thốt mơ hồ của tuổi con nít, tôi không thể nhận ra đó là gì. Vừa bỏ một chân xuống đất chưa kịp đứng lên, tôi đã bị Nguyệt không biết từ đâu bên ngoài lao vào như một cơn gió lốc ôm chặt lấy cổ tôi, đẩy tôi ngồi lại xuống sạp, rồi nhảy phóc lên ngồi trên hai đùi tôi. Nguyệt co hai chân lên kẹp chặt hai bên hông tôi, đầu gục lên vai tôi, ngực chạm vào ngực tôi, miệng thở hào hển nói không thành lời:

“Sợ  … quá anh ơi.”

Nhột nhạt vì mấy sợi tóc Nguyệt vương lên má lên cổ và vì hơi thở của Nguyệt đang phả lên mặt tôi, tôi khẽ cựa mình và bỗng cảm thấy một tình cảm mơ hồ tôi len lén đến trong tôi, một tình cảm lạ lùng trước đây tôi chưa từng cảm thấy đối với Nguyệt. Cho dẫu hai chúng tôi lúc nào cũng như bóng với hình, tôi chưa một lần cảm nghiệm sự gần gủi giữa thân thể Nguyệt và thân thể tôi như lúc này. Không đứa nào nói với đứa nào một lời, hai chúng tôi im lặng ôm chặt nhau như thể chẳng đứa nào muốn rời ra trước. Cảm giác lạ lùng đó càng lúc càng hiện rõ trong tôi. Tôi đột nhiên choáng váng khi nhìn thấy đôi má Nguyệt bỗng hồng lên như đang nhuộm ánh mặt trời le lói chiếu qua vòm cây trên đầu chúng tôi. Nguyệt cũng đang có cảm giávc giồng cảm giác của tôi chăn? Bừng tỉnh lại, tôi đẩy Nguyệt xa ra một chút và cịu dàng hỏi Nguyệt:

“Có gì mà em sợ đến thế?”

Nguyệt không lùi ra mà hình như đang muốn siết tôi chặt hơn, trả lời thật vội:

“Con cáo.”

Tôi lo lắng hỏi:

“Nó cắn em?”

Nguyệt ngẩng đầu lên rồi dựa đầu lại lên vai tôi, nói:

“Không. Nó trong bụi cây giương đôi mắt sáng quắc nhìn em làm em sợ hết hồn.”

Tôi làm tài khôn bảo Nguyệt:

“Nó rình em đó, may mà chưa cắn em. Chắc hang nó ở đó.”

Nguyệt lắc đầu:

“Không có mô. Em hái hoa Học Trò chỗ nớ hoài, có chi mô.”

Tôi làm tày khôn:

“Chồn cáo giữ con còn hung hơn nữa.”

“Răng rứa?”

“Tại sợ người ta bắt con của nó.”

“Răng anh biết? Bộ anh chộ rồi?”

“Răng mà chộ được. Người lớn nói rứa. Họ nói đàn bà có con cũng hung dữ như rứa.”

Nguyệt phì cười:

“Chắc ngưòi ta phịa ra như rứa, em mô chộ mạ em mạ anh hung dữ khi có con mô?”

“Tại lúc nớ mình mới sinhra, mần răng biết mạ dữ hay không?”

“Nhưng mấy chị em quen có con cũng mô dữ chi mô?”

Tôi nói xá óa:

“Anh không biết, người ta nói rứa anh nói lại rứa. Cái ni chắc hơn, chồn cáo có lúc hóa thành tinh hớp hồn người ta.”

Nghe nói chồn cáo thành tinh, Nguyệt xem chừng sợ hãi thực sự, dồn dập hỏi tôi:

“Thiệt rứa răng anh?”

“Thiệt chơ. Người lớn nói chồn cáo thành tinh thường trở nên con gái đẹp dụ dỗ học trò và đám con trai lấy chúng làm vợ để chúng hút hồn đến chết.”

“Rứa em con gái, chúng có hút hồn em không?”

Không biết nghĩa sao, tôi buột miệng trả lời:

“Hút như thường tại ghét em đẹp hơn chúng nó.”

Nghe vậy, Nguyệt sợ hãi ôm chặt lấy tôi, mắt lấm lét nhìn ra bìa rừng như để thăm chừng có con cáo thành tinh nào đang chạy đến. Trong tôi, cảm giác kì lạ ban đầu lại ùa đến. Lát sau, Nguyệt buông tôi ra, la lớn:

“Chết rồi anh.”

Tôi  hốt hoảng hỏi lại:

“Cái gì chết?”

“Dế. Mấy con dế chạy hết rồi.”

Tôi cười bảo Nguyệt:

“Rứa mà em làm anh tưởng tinh ma hiện ra.”


(Còn tiếp)

Trần Hữu Thuần

No comments: