Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Tuesday, August 27, 2019

ĐỌC “KHÔNG KHÓC Ở ĐÂY” THƠ TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG Châu Thạch


 
    Nhà thơ Trương Đình Phượng


KHÔNG KHÓC Ở ĐÂY…

1.
suỵt .im lặng.
không khóc ở đây
2.
ngủ quên rồi những miền não bộ
hãy để yên tôi khâm liệm hồn thơ.
sáng hôm nay
tôi đã thấy những màu hoa đột tử
trên ngọn đồi có ngôi nhà hoang phế
đan dày rêu mưa
3.
suỵt. im lặng.
không khóc ở đây
đã đến lúc một cộng một chẳng bằng hai
mà bằng ba hay bốn hoặc vô hạn
kiếp người.
người lao công già vừa đem đi những quan tài chứa đầy linh hồn rác thải
cùng xác một con chuột bị cán nát đêm qua
phố trở lạnh
những thằng bé đựng giấc mơ ấm vào tà áo mỏng tanh
cơn gió bấc thốc ngang khe sườn
gầy rược
cướp đoạt hình hài hi vọng.
suỵt
không khóc
ở đây.
4.
hãy để yên tôi xây những nấm mồ
đời chúng ta sầu hơn những phố hoang.

                           Trương Đình Phượng


   
         Nhà bình thơ Châu Thạch


ĐỌC “KHÔNG KHÓC Ở ĐÂY” THƠ TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG

Có phải đây là một bài thơ gọi là thơ hậu hiện đại hay không tôi không biết. Tuy thế nếu nó là một bài thơ thuộc loại hậu hiện đại thì tôi hoan hô nó bằng hai tay. Tất nhiên tôi không hiểu hết bài thơ nhưng tôi đã bật khóc khi đọc nó. Chỉ vào khổ thơ 1. “Suỵt. Yên lặng. Không khóc ở đây” tôi đã hình dung được những con người nhòe nước mắt và khóc nghẹn ngào trong cổ họng.
Cấm khóc ở đây là một mênh lệnh khắc nghiệt và vô nhân đạo nhất ở đời nầy.
Cười thì còn cấm được vì tiếng cười biểu lộ sự hân hoan, dầu có bị kềm chế cũng không làm cho ai đau khổ. Nhưng tiếng khóc thì khác.
Tiếng khóc biểu lộ sự đau khổ mà cấm thì nó sẽ xé lòng. Nhà tan cửa nát, cha chết, mẹ chết, vợ chết, con chết, nếu bị cấm khóc hay đuổi đi chổ khác mới khóc là một sự cưởng bức dồn nén niềm đau và buộc người ta nuốt lệ vào lòng. Ai cúng biết rằng như thế nỗi đau khổ khi bị cưởng chế sẽ tăng lên vạn lần. Tất nhiên người ra lệnh có cái lý của họ nhưng chắc chắn đây là “lý kẻ mạnh bao giờ cũng thắng”.

Bởi lý kẻ mạnh bao giờ củng thắng cho nên phía sau cái cái lệnh là sự phẩn uất, là ngọn lửa phản kháng âm ỉ cháy. Nếu “Suỵt. Im lặng. Không khóc ở đây” chẳng phải là lệnh của kẻ bạo ngược thì nó còn bi thảm hơn nữa, vì nó là sự khiếp sợ đến nổi không dám khóc ở đây của người yếu thế.
Vậy thi ai bị cấm khóc? Có rồi. Đó là kẻ tưởng mình đã chết đi tri giác ở khổ thơ 2:


2.
ngủ quên rồi những miền não bộ
hãy để yên tôi khâm liệm hồn thơ.
sáng hôm nay
tôi đã thấy những màu hoa đột tử
trên ngọn đồi có ngôi nhà hoang phế
đan dày rêu mưa

Người tưởng rằng mình đã “ngủ quên rồi những miền não bộ” nhưng thật ra chưa ngủ quên bao giờ. Vì nếu đã ngủ quên thì không bao giờ thốt lên lời nói “hãy để yên tôi khâm liệm hồn thơ”.
Người ấy còn thấy “những màu hoa đột tử” chớ không phải hoa đột tử.
Những màu hoa là sắc thái của cái đẹp, là đạo đức, là văn hóa, là luân lý, là tình người, tất cả những thứ ấy đẹp như những màu hoa đã được chứng kiến sự đôt tử của nó. Và ngôi nhà trên ngọn đồi bị hoang phế: Đó là ngôi nhà lý tưởng của xã hội, của cuộc đời nay đã trở thành hoang phế. Đó là ngôi nhà đại diện cho một thuở vàng son của hanh phúc nay trở nên hoang vắng.

Nhà thơ tưởng mình “ngủ quên những miền não bộ” nhưng không đâu, vì nhà thơ còn suy tư, còn thấy hoa đột tử, còn thấy ngôi nhà ở rất xa trên tận ngọn đồi thì nhà thơ vẫn còn tỉnh táo. Cái ngủ trong thơ chẳng qua như con hổ của Thế Lữ lim dim nằm trong củi sắt, buồn bực khi thấy mình như “làm trò lạ mắt thứ đồ chơi”.

Qua khổ thơ thứ 3 “Suỵt, im lặng. Không khóc ở đây” mới thật sự là lời khiếp sợ của người thất thế. Tiếng “suỵt” bây giờ giống như tiếng suỵt khi bàn tay mẹ bịt miệng con trẻ mình lúc địch đang vây quanh tìm kiếm. Đây là chữ suỵt của kẻ bị bức bách phải câm miệng lại, vì nếu nói ra thì tai họa lớn sẽ đổ trên đầu. Rồi sau tiếng suỵt là tiếng thì thầm trong bóng tối:

3.
suỵt. im lặng.
không khóc ở đây
đã đến lúc một cộng một chẳng bằng hai
mà bằng ba hay bốn hoặc vô hạn
kiếp người.
người lao công già vừa đem đi những quan tài chứa đầy linh hồn rác thải
cùng xác một con chuột bị cán nát đêm qua
phố trở lạnh
những thằng bé đựng giấc mơ ấm vào tà áo mỏng tanh
cơn gió bấc thốc ngang khe sườn
gầy rược
cướp đoạt hình hài hi vọng.
suỵt
không khóc
ở đây.

Trong khổ thơ nầy ta thấy con người đã bất lực, họ đầu hàng số phận khi chấp nhận một cọng một không thành hai mà thành bao nhiêu cũng được, kể cả vô hạn kiếp người. Điều đó có nghĩa là, họ chấp nhận mọi điều sai trật, dầu phải chịu đựng điều sai trật đó trãi qua bao nhiêu thế hệ. Họ chấp nhận sự gian dối. Họ chấp nhận sự láo khoét. Họ chấp nhận sự bất công. Tất cả kéo dài triền miên trong cuộc sống của họ.
Vì sao như thế? Bởi vì họ đã thấy biết bao linh hồn người đã trở thành rác thải đựng chung trong một quan tài với xác chết của chuột. Bởi vì những đứa bé phải dấu cả giấc mơ vào phía sau vạt áo mỏng nhưng cũng bị bạo lực như cơn gió cướp mất. Tất cả nhưng điều đó là một cơn đại nạn của sa-tan đem đến cho họ, làm họ khiếp sợ đến độ tự mình câm miệng lại, không dám khóc tại nơi xảy ra sự cố.

Và cuối cùng nhà thơ xin nhận mình làm người đi xây mộ. Đó là con người đã đau khổ vì tự nguyện bịt miệng mình khi chôn cả hồn thơ nghĩa là chôn tiếng nói của lương tâm, nay lại phải làm người cô dơn nhất, vì phải sống mà đi chôn đồng loại của mình:

4.
hãy để yên tôi xây những nấm mồ
đời chúng ta sầu hơn những phố hoang.

Trên trang facebook của Trương Đình Phương, nhà thơ có than thở rằng thiên hạ ném đá anh nhiều quá. Có lẽ nhà thơ bị ném đá vì những bài thơ như trên đây. Tôi muốn chép lại lời bình luận của tôi cho lời than thở đó để khép lại bài viết nầy:

Đang đi qua khu làng nuôi chó
Chó sủa om sòm thì quay lại ư?
Dầu chó gâu, chó sủa, chó gừ
Đường vẫn đó không là đường của chó.

                                                                     Châu Thạch

READ MORE - ĐỌC “KHÔNG KHÓC Ở ĐÂY” THƠ TRƯƠNG ĐÌNH PHƯỢNG Châu Thạch

Sunday, August 25, 2019

HAI CHIẾC LÁ | Truyện ngắn | Lê Yên

Tác giả Lê Yên


HAI CHIẾC LÁ

Truyện ngắn
LÊ YÊN


     Mưa cứ thế hắt hiu. Thu buồn như nỗi nhớ… Từng chiếc lá xanh co ro nhớ ngày nắng ấm. Lất phất mưa đọng lại để rồi từng giọt rơi từ chiếc lá trên cao xuống dưới thấp, cho đến khi vỡ ra trên mặt đất. Có hai chiếc lá xanh đang theo đuổi suy nghĩ riêng mình… 
     Cả họ nhà lá xôn xao, thương tiếc giọt mưa. Chiếc lá già nhất trong làng lên tiếng: “Giọt mưa vỡ ra tan nát nhưng không mất đi…” 
     Có những chiếc lá gật gù ra chiều hiểu biết. Còn những chiếc lá non tròn xoe mắt ngơ ngác…
     Lão lá già lại nói tiếp: “Vạn vật trong trời đất đều có sự tương quan khi chuyển từ dạng này sang dạng khác… Hãy thuận theo tự nhiên…!” 
     Đám lá non như hết kiên nhẫn tỏ vẻ bất bình. Có những chiếc lá nghịch ngợm lắc lư cái mũi nhọn như chế giễu ông lá già. 
     Ngước nhìn trời khẽ nén tiếng thở dài. Ông lặng thinh!
    Rằm tháng bảy đã qua. Mặt trăng bắt đầu khuyết dần mờ ảo qua làn mưa thu. Vòng đời những chiếc lá rất ngắn. Những tán xanh đan xen, tầng lá như chồng lên nhau xòe rộng cả một khoảng sân. Chiếc lá xanh nằm bên dưới, thích trầm ngâm suy nghĩ. Cậu thích nghe lão lá già kể chuyện. Còn chiếc lá xanh của tán lá bên trên, thích nhún nhảy, ngày nắng thì ưỡn ngực hứng mặt trời khoe khoang gương mặt với ánh sáng. Cậu ta cho mình quyền tự do, ngày mưa cũng nghịch ngợm bắn nước tung tóe làm phiền chung quanh. Thái độ chỉ thích làm theo ý mình không nghĩ đến cảm nhận ai khác… 
      Chiếc lá xanh bên dưới mặt nổi mấy mẩn nhỏ, u lên và thế là chiếc lá cành trên chế nhạo cậu bằng cái tên “Mụn.”  Cậu ta khoe mình “Sáng” nhất, đó cũng là biệt danh cậu tự đặt cho mình. Mụn không buồn vì tên chẳng mấy đẹp của mình, còn cảm thấy bằng lòng với cái riêng mà người khác cười nhạo.
     Đêm nay cũng như mọi đêm từng tán lá xanh lặng yên nghe lá già kể chuyện: Lão bắt đầu bằng giọng trầm đều, đôi mắt dõi về một nơi xa xăm… Nơi mà ký ức của lão nhớ lại những câu chuyện truyền từ đời này đến đời khác. Tháng bảy với sự tiếc nuối xa cách. Tháng bảy cũng nao lòng bởi tính thủy chung. Với khao khát yêu thương gắn bó… Có ai đó đi qua tháng bảy một mình để nghe lạnh hơn khi trời trở gió. Để nghe mưa rơi trong đêm như những giọt buồn héo hắt. Lão nói về tình yêu… Đám trẻ nháo nhào lên. Mụn ở cạnh bên lão. Chăm chú lắng nghe câu chuyện tình yêu của lão… Đột nhiên lão ngưng lại, Mụn thấy khóe mắt lão sóng sánh nỗi buồn… Lão hạ giọng nhẹ như hơi gió thoảng qua nhưng Mụn nghe rất rõ: “Tình yêu như con sóng/ vỗ bờ sóng vội tan/Ngày dài cát trông ngóng/ Vô tình sóng miên man…” Mụn nghe xót xa suy tư… “Tình yêu mong manh thế sao? Mơ hồ… dễ vỡ, khó nắm bắt…” Nó lắc đầu không thèm nghĩ nữa…! 
     Thấy lão lá già mãi trầm ngâm. Sáng la lên phá tan bầu không khí im lặng. “Ông kể tiếp đi.”  Lão lá gật gù. Bây giờ lão kể một câu chuyện tình yêu khác. Đó là tình yêu của người mẹ dành cho con. Mùa Vu Lan. Mùa báo hiếu. Câu chuyện cảm động khiến đám lá sụt sùi. Trên thế gian chỉ có tình mẹ là vô bờ bến. Mãi mãi cho đến giây phút cuối cùng như chiếc lá già muốn rụng xuống gốc, để tan rữa làm phân bón cho cây. Câu chuyện về tình mẹ và cái chết ý nghĩa cứ mãi ám ảnh Mụn. 
     Đêm đó không ngủ được. Mụn nằm ngửa mặt nhìn lên bầu trời xa thẫm. Trong bóng tối không gian đi về đâu? Trời ơi! Mênh mông quá! Mụn thấy mình thật nhỏ bé. Câu trả lời nằm ngoài tầm với, và suy nghĩ của Mụn bị kéo hút vào thăm thẳm bóng đêm. Ánh mắt dừng lại ở những vì sao, là các đốm sáng nhấp nháy muôn vàn. Mụn nhận ra đêm thật đẹp! Đã bao lâu nay nó bỏ qua sự chiêm nghiệm… Thượng đế đã ban cho ta một vũ trụ tuyệt vời. Sự tương quan gắn kết vạn vật sinh linh trong trời đất không thể tách rời. Mụn suy nghĩ về thế giới của mình. Một tán lá rộng, tạo nên bóng mát cho con người, làm sạch không khí. Hằng ngày nhìn lũ trẻ nô đùa hay những cụ già hóng mát dưới gốc cây, hình ảnh đó trở nên thân quen và gần gũi với Mụn. Những loài chim về làm tổ và ngủ đêm, không kể cả những chú sâu nhỏ đều là bạn… Mụn phỗng mũi nghĩ “Tính ra mình cũng có ích đó chứ…” Mụn nhớ những ngày hè gió nghịch ngợm cõng bụi lên, ở đậu trên mình lá. Chao ôi ngứa ngáy không chịu được. Gió lại đưa mây tới đổ những cơn mưa rào mát mẻ. Bụi lại trở về với đất mẹ. Đó có phải là một vòng tuần hoàn của yêu thương… Mụn lan man với những suy nghĩ… Ta phải sắp xếp ngăn nắp cuộc đời mình. Một ngăn nắp hoàn toàn chứ không phải thỉnh thoảng. Khi tâm thức rõ ràng, không bị xao động bởi những ham muốn, những mâu thuẫn, thì ta sẽ có tự do. Chính những băn khoăn, cưỡng cầu, sân si làm tâm ta bị xiềng xích. Những băn khoăn thấp thoáng bóng dáng cuộc đời. Có khi chán chường lặng lẽ, có khi mịt mù không lối thoát… Tất cả trói buộc khiến ta mất tự do. Một tâm thái tự tại sẽ có được yêu thương… 
     Mơ màng gió ru Mụn ngủ! Trong mơ nhìn thấy yêu thương có đủ sắc màu và rất đẹp…
     Mới sáng sớm mặt trời lấp ló những tia nắng đầu tiên phía chân trời, Sáng la hét inh ỏi. Cậu muốn mình là một tia nắng ở trên mọi vạn vật.  Sắc màu lấp lánh quyến rũ cậu. Sự ham muốn khiến cậu quên bản thân là ai, và sự hạn chế như thế nào? Cậu mơ đến giây phút được lang thang theo gió đi khắp nơi. Bản thân vút cao với cảm giác bềnh bồng, trôi nổi. Cho dù là trôi theo con suối hoặc dòng sông với những va vấp, tan nát không ai nhớ đến. Cũng có thể phơi mình trên gềnh thác nào đó, khô héo đến khi rũ mất linh hồn. Chỉ là để thể hiện bản thân. Cậu trói buộc mình vào những phù hoa vô thực… 
     Sự kết thúc đó thật vô nghĩa… Sáng sực tỉnh với chọn lựa…
     Sự ồn ào của những chú chim sâu lách cách tìm mồi khiến Mụn thức giấc. Cậu vươn người đón ánh mặt trời. Cám ơn một ngày mới. Vạn vật đã chuyển động. Nhìn chung quanh sao thấy họ nhà lá buồn hiu. Ngước lên thấy Sáng, mặt mày hớn hở. Không đợi Mụn lên tiếng Sáng đã nói: “Lão lá già đã lìa cành đêm qua.” Mụn tỉnh ngủ hẳn. Tim cậu đau nhói “Đi rồi ư!” Mụn muốn quay lại, túm lấy Sáng dần cho một trận. Thái độ vô cảm đứng trước sự mất mát, ra đi của đồng loại… Cậu nhìn theo hướng gió chỉ đường. Lão lá già co quắp nằm dưới gốc cây lặng lẽ. Cậu nhớ lại câu chuyện lão kể… “Hãy là phân để bón cho cây…” Lão đã làm được điều kỳ diệu rồi! Một cái kết đẹp. Lão đang nở nụ cười thỏa nguyện với những câu chuyện hàng đêm mang tính giáo dục con cháu. Có thể đêm nay, đêm mai, và những đêm sau đó, những âm vang theo gió mãi mãi dội vào tâm thức những đứa trẻ biết nghĩ suy …!
     Mụn gởi gió lời tiễn biệt sự ra đi… Rồi chợt ngậm ngùi… “Không phải chỉ biết sống có ý nghĩa… Nếu được… Hãy chọn cái chết ý nghĩa…!”


                                                       Sài Gòn. 24.8.19


                                                              LÊ YÊN
   
   
   

READ MORE - HAI CHIẾC LÁ | Truyện ngắn | Lê Yên

MỘT PHƯƠNG TRỜI NÀO ĐÓ | Truyện ngắn | Lê Hứa Huyền Trân


Tác giả Lê Hứa Huyền Trân


MỘT PHƯƠNG TRỜI NÀO ĐÓ

Truyện ngắn
LÊ HỨA HUYỀN TRÂN


Ở một suy nghĩ nào đó tôi từ chối viết về chị. Tôi đã từng rất tôn sùng chị, tôn sùng theo kiểu ngưỡng vọng ở cách sống và những gì chị đạt được. Mà xét cho cùng đến tận bây giờ khi trái tim của tôi đột nhiên chia thành hai nửa, thì đâu đó lòng kính trọng ấy vẫn chưa bao giờ thuyên giảm. Thế nhưng, cuộc sống của mỗi người không hẳn chỉ có một đường thẳng đơn giản và người ta cứ việc đi trên con đường đó cho đến cuối cuộc đời. Tình cảm cũng vậy chẳng thể nào yêu quí ai đến mãn, từ những lối rẽ khác nhau, đột nhiên cách tôi và chị nhìn nhau dần khác, khi suy nghĩ đã khác, mọi hành động đều trở nên dư thừa.
         Chị là người duy nhất lắng nghe tôi.Ở cùng một khu phố, hai căn nhà trái ngược nhau, chị ở trong căn biệt thự sáng loáng còn tôi chì là cô sinh viên đang thuê trọ. Hơn nhau dễ đến chục tuổi dường như không phải là khoảng cách tâm tư xa xôi lắm, trông chị vẫn rất hiện đại và thức thời. Chúng tôi rất hợp tính nhau trong cả cách ăn uống và sở thích, còn những điều mà không giống  nhau, vì sự thân tình của cả hai chúng tôi cũng sẽ cố tìm ra điểm giống. Thậm chí nhiều khi tâm sự về mẫu đàn ông lí tưởng, chị thì thích đàn ông bằng tuổi, tôi thích đàn ông lớn hơn mình cả chục tuổi, tưởng là khác nhưng chị suy nghĩ một hồi thì lại “ lí sự”:
          -Nói một cách nào đó thì chúng ta thích đàn ông sàng sàng tuổi nhau rồi còn gì.
          Và chúng tôi lại bật cười đàu rằng liệu có bao giờ chúng ta sẽ yêu cùng một người không nữa.
         Chị là một người phụ nữ cô đơn, cái cô đơn trưởng thành lắm anh theo Đuổi nhưng chị không màng. Chị bảo chị đã có người để nhớ thương nhưng anh ta không thuộc về chị, còn tôi khi ấy, chỉ là một cô sinh viên đại học bé bỏng nào đã biết nhớ đến ai, nên mỗi khi nghe chị tâm sự mỏng về một hình dung thì chỉ biết lắng nghe, khuyên nhủ bằng những kiến thức có trong sách vở chứ nào phải tình cảm mình. Những lúc kể về anh ta, chị vẫn hay hút thuốc. Tôi không lạ những người đàn bà đốt thuốc đốt cả cuộc đời, hơn nữa, với tính khi của chị, đăm chìm trong khói thuốc và bia rượu, dường như những người đàn bà thành công đều thế, tôi lại thấy bình thường. Chị vẫn hay bảo tôi:
         -Chúng ta khác xa nhau quá, em như một quả trứng khiến chị muốn nâng niu, còn chị như một thứ đồ gì đó người ta quăng quật ở đâu cũng sống được.
         Mỗi lần chị nói thế tôi đều thấy nỗi buồn ánh lên trong mắt chị. Đã nhiều lần tôi thầm tự hỏi
Những bữa tiệc rượu xa hoa và cả những lần đi chơi thâu đêm liệu có bao giờ chị vui chưa hay vì làm ăn chị phải thế? Hay… người đàn ông mà khiến chị lụy tình ấy, người ta có biết đến tình cảm của chị không? Nhiều đêm khi say khướt chị vẫn hay trêu tôi “ Anh ta là giảng viên trường em đấy, hay chị giả vờ đến đón em để được thấy anh ta?”. Và lúc ấy vừa chăm chị tôi lại vừa bật cười :” Chị mà yêu thầy giáo cơ đấy, kì lạ, em cũng thích một người chồng là thầy giáo”.
         Khi tôi tốt nghiệp, tôi có người yêu.Người tôi yêu cũng là thầy giáo tôi khi trước, một người đàn ông chững chạc hơn tôi chục tuổi.Tôi vẫn dành cho chị một khoảng trời riêng và người ấy một nửa cuộc sống của tôi như thường nhật, có điều tôi ít khi kể với chị về người ấy. Làm đau lòng một người cô đơn bằng niềm vui của mình không phải là sống không phải cách. Tôi vẫn luôn muốn có thể làm điều gì đó cho chị, bằng tất cả sự kính trọng mà chúng tôi đã có suốt những năm tháng ở cạnh nhau và chị đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Cũng may, ít ra, tôi thi thoảng có thể nhấp cùng chị một li bia nhẹ để chị khỏi cô đơn. Mỗi lần say chị lại nhắc về người đàn ông ấy. Đó là mối tình đầu của chị, làm chị khắc cốt ghi tâm.Hai người thậm chí nghĩ tới chuyện kết hôn sau khi tốt nghiệp đại học. Thế rồi, khi chị ra trường, cơ hội du học đến, giữa anh ta và cơ hội, chị chọn cơ hội… Chị trách lúc ấy chị còn non nớt quá, tháng ngày nơi đất khách là tháng ngày chị thấy có lỗi với anh ghê gớm. Về nước chị lập công ty riêng và nhanh chóng thành đạt, chị nghe anh làm thầy giáo… Thế mà thoắt cái cả hai người đã bước sang tuổi ba lăm. “ Sao chị không gặp lại anh? Trong khi biết chỗ anh làm?Chị phải gặp để ít nhất một lần được nói xin lỗi, một lần được nói ra tình cảm chị.Có thế mới khỏi day dứt.“ “ Em đi cùng chị nhé? Chị không đủ dũng cảm”. “ Vâng”.
         Buổi gặp mặt ba người khi ấy nóng bức hơn cả một trời nắng cháy.Tôi đã ngờ ngợ nhưng vẫn không muốn tin.Và dường như chị cũng thế.Chúng tôi đủ hiểu nhau để có thể biết được người mà cả hai cùng nhớ thương là ai, chỉ có điều cả hai đều không muốn đối mặt.Chị kéo tôi đi cùng để xác nhận, tôi khuyên chị nên đi để chắc chắn. Rằng người mà tôi đang hẹn hò kia cũng chính là người đàn ông chị yêu thương. Chúng tôi cố phủ nhận nghĩ suy của mình rằng không thể nào có chuyện cả hai cùng yêu một người đàn ông. Thế rồi, có lẽ là tôi nhận ra trước, rằng người tôi yêu giống hệt người chị kể, và chị, vì luôn dõi theo người ấy, hẳn cũng biết tôi đã yêu phải người đàn ông chị yêu. Chỉ có anh ngơ ngác như không hiểu gì.Và lời tỏ tình của chị mãi không bao giờ được nói nữa.
          Sau ngày ấy, dù chỉ cách một bức tường tôi và chị có cảm giác như đang ở nơi nào xa lắm.Phía trước là hư không, phía sau là kỉ niệm, chẳng biết bên nào khiến người ta cảm tháy nhói đau hơn. Tôi không thể đơn giản nhường anh cho chị, tôi không ích kỉ chỉ có điều như thế là trêu đùa tình cảm của cả ba chúng tôi. Còn chị, dù tôi không phải ngươi có lỗi, nhưng có được anh đã là điều chị khó mà tha thứ. Cứ thế, dù chúng tôi cố hàn gắn bằng những lần đi ăn hay mua sắm cùng nhau nhưng giữa hai người nếu có một câu chuyện không thể nào chạm đến thì vô cùng khó xử. Sau dần, trong những điều thường nhật đột nhiên chúng tôi lại có những cuộc cãi vã, vì tôi và chị không còn hiểu và thông cảm cho nhau như trước. Có những điều thực đơn giản nhưng khi giữa hai người có một mầm nhú không hiểu nhau thì đột nhiên trở thành vực thẳm lớn. Chúng tôi ít nói chuyện hơn.Khi người ta xa nhau, người ta không còn hiểu đối phương nghĩ gì nữa.
          -Ngày mai chị chuyển đi, chị muốn tập trung phát triển sự nghiệp ở Hà Nội.
          -Nhưng, sao gấp thế chị? Sao chị không báo em sớm?
          Chị xoa đầu tôi:
         -Chi đâu, bé con của chị? Thấy em khóc sướt mướt từ ngày này qua ngày khác khi xa chị à? Đau lòng lắm. – Và như chợt thấy vẻ mặt như “ liệu có phải…” của tôi chị vội cốc nhẹ tôi – Không phải như em nghĩ đâu, đơn giản, chị muốn bắt đầu một cuộc sống mới.
         Thế rồi, chị đi thật. Ngày chị đi tôi vẫn tiễn chị, vẫn ôm chị, vẫn luôn cảm thấy có lỗi như mình là người đã cướp mất một khoảng trời hi vọng nào đó trong chị. Còn chị, cho tới phút cuối cùng vẫn nở nụ cười thật tươi như ngày đầu chúng tôi gặp, khi cách nhau một bức tường, với qua hỏi tôi:
          -Bé con, ăn gì đấy? Cho chị ăn cùng với được không?


Tác giả: Lê Hứa Huyền Trân,
Hội viên Hội VHNT Tỉnh Bình Định.

READ MORE - MỘT PHƯƠNG TRỜI NÀO ĐÓ | Truyện ngắn | Lê Hứa Huyền Trân

Saturday, August 24, 2019

ĐỪNG HỎI TRÁI TIM TÔI BAO LỚN - Thơ Quách Như Nguyệt

Nhà thơ Qu\ách Như Nguyệt
Đừng Hỏi Trái Tim Tôi Bao Lớn 

Lâu lâu xuất hiện trên diễn đàn
Chẳng viết thư riêng, chẳng hỏi han.
Ấy thế mà tôi thương, tôi nhớ,
Lòng những bâng khuâng với rộn ràng…

Lâu lâu anh mới viết thơ riêng
Bảo rằng anh "fall in love" ngả nghiêng!
Anh nói anh nhớ tôi nhiều lắm!
Mỗi ngày đều nhớ, nhớ như điên!

Tôi có tin không?  Không cần thiết.
Tôi có yêu không? Không cần biết.
Chỉ biết rằng tôi thường nghĩ đến anh.
Anh là cảm hứng cho tôi viết.
Thơ thẩn mỗi ngày cũng vì anh.

Sáng nay trời lạnh, mây trời xanh,
Lại nhớ đến anh, nghĩ đến anh
Làm vội bài thơ tình mong manh
Mong rằng anh đọc, hiểu nha anh.

Đừng hỏi trái tim tôi bao lớn.
Đừng hỏi bao nhiêu người tôi yêu?
Tình yêu nhân loại bao la lắm.
Tình tôi yêu anh? Quả thật nhiều!

Quách Như Nguyệt



Don't Ask Me How Big My Heart Is

I see you get on the forums now and then
But you no longer drop me a line
Still I miss you, and I love you still
Ever for you my heart throbs and pines

You used to send to my private mail
Those three sweet words, "I love you"
You used to say, "please, don't tell
anybody else that I'm falling hard for you.."

Were those words of yours really true?
I don't know, and I don't really care
All I know is now I can't help thinking of you
Night and day. You've inspired me to share

Today the cold winds from the north blew in
The sky is blue, as blue as how I feel about you
So I took out my iPad and confessed my sin
I hope you'll hear it and understand  

Don't ask me how big my heart is
How many men I've "known" offhand
My love for "Mankind" is big,
But not as big as my love for the man that is you


Rough and quick translation by Wissai.

August 21, 2015



READ MORE - ĐỪNG HỎI TRÁI TIM TÔI BAO LỚN - Thơ Quách Như Nguyệt

Ca khúc CHIỀU THU TA LẠI NHỚ NGƯỜI | Mai Hoài Thu phổ thơ Nhật Thụy Vi | Ca sĩ: Đông Nguyễn

READ MORE - Ca khúc CHIỀU THU TA LẠI NHỚ NGƯỜI | Mai Hoài Thu phổ thơ Nhật Thụy Vi | Ca sĩ: Đông Nguyễn

VỀ LẠI QUÊ NHÀ - Thơ Phong Nguyễn

Nhà thơ Phong Nguyễn



VỀ LẠI QUÊ NHÀ
Phong Nguyễn

Mời bạn đến thăm quê tôi Quảng Trị
Buổi trưa hè, tiếng võng mẹ đong đưa
Mùi hoa bưởi quyện thơm bờ ao nhỏ
Mái tóc thề ai thả gội ban trưa

Quê tôi có dòng sông xanh mát lắm
Con đò chiều xuôi ngược chở khách qua
Bờ tre xanh che rợp bóng đường xa
Con nghé nhỏ, nghiêng đầu đang ngái ngủ

Vườn ai đó còn thơm mùi rạ mới
Mùa lúa chiêm vừa chín gặt hôm qua
Sao nhớ thế, bát cơm mừng gạo trắng
Một ân tình mẹ nấu đãi khách xa

Bát che xanh hương gừng thơm ngan ngát
Giữa chiều về, khói trắng tỏa bếp lan
Mà nhớ mãi câu hò xưa mẹ hát
Có đi xa xin nhớ lũy tre làng

Về thăm nhé người ơi. Xin mời đến
Một lần thôi với Quảng Trị quê tôi
Để nhớ mãi tháng năm mùa hạ đến
Cơn gió Lào thổi bỏng rát đôi vai

Cồn cát trắng phơi mình trong nắng hạ
Gió chiều ru vi vút bóng hàng dương
Chỉ có thế mà sao lòng nhớ thế
Nghĩ về quê ôi! lắm đổi thân thương

Phong Nguyễn
29-2-2016

READ MORE - VỀ LẠI QUÊ NHÀ - Thơ Phong Nguyễn

TÌNH BẠN, TÌNH THƠ TRONG CƠN SAY - Đoàn Minh Lợi


                  
         Tác giả bài viết Đoàn Minh Lợi


TÌNH BẠN, TÌNH THƠ TRONG CƠN SAY 
                                                Đoàn Minh Lợi

(Viết tặng anh Lương Minh Vũ)

Tôi gặp Lương Minh Vũ trong đám giỗ đứa cháu ruột. Gặp anh tôi buột miệng phẩm bình bài thơ “Đêm say cùng La Thụy” của anh. Nào ngờ anh thích lời bình của tôi. Anh đề nghị tôi viết thành bài bình thơ. Anh còn dặn phải viết như đã nói trong bữa đám giỗ. Có nghĩa là giữ nguyên lời khen và lời chê.

ĐÊM SAY CÙNG LA THỤY

Rót mông lung xuống bôi đầy
Đường lô nhô bóng, phố gầy guộc đêm.
Trăng bơi đáy chén trăng mềm.
Thơ ai gẫy vận bên thềm khuya rơi.

Rót hỗn mang xuống mộng đời.
Lăn qua cho hết cuộc chơi khóc cười.
Rót quạnh hiu xuống cõi người
Sông xưa cuốn hết xanh tươi dấu nguồn.

Rót niềm vui xuống nỗi buồn
Dù mai cuối sóng đầu truông cũng về.
Rót ta ta chảy tràn trề.
Trăng say, còn bạn cận kề bên nhau.

                  Lagi tháng 6 năm 1996.
                       Lương Minh Vũ

        

Anh Lương Minh Vũ và anh La Thụy cùng mê thơ và thích rượu. Hai anh xấp xỉ cùng tuổi. Một thời họ tâm đầu ý hợp. Bài thơ là chứng tích cho tình bạn tình thơ và… tình rượu.
Bài lục bát 12 câu chia làm ba khổ. 12 câu, 5 lần rót rượu. Mở đề rót một chung, say ra về rót một chung. Câu lục là rót rượu, cũng là rót tâm tư, tâm tình. Mỗi tâm tình ứng với câu bát là hiện thực đời người.
i) Ly rượu khai tiệc “Rót mông lung xuống bôi đầy” mờ ảo sương khói và huyền hoặc. Đây là câu thơ hay, rất hay. Cái tình bạn, tình thơ như mơ hồ mà rất thực. Ly rượu “mông lung” cũng mở đầu đầu cho cái nhìn về phận đời, phận mình của một thế hệ, một lứa tuổi.
Bài thơ làm năm 1996, lúc đó các anh vừa qua tuổi 40. Tứ thập nhi bất hoặc (tuổi 40 thì không bị mê hoặc). Có nghĩa là cái mông lung rót xuống chén rượu là chiêm nghiệm, là nhận thức về cõi người. Không phải cái nhìn mơ hồ, không phải bốc đồng, và cũng không phải là say vì chỉ mới bắt đầu rót rượu.
Tôi không thích từ “bôi” trong câu thơ, từ Hán trong lục bát thuần Việt. Bôi là ly uống rượu. Nhưng có lẽ anh Vũ chịu ảnh hưởng của Đường thi. “Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi” của Vương Hàn hay “Khuyến quân cánh tận nhất bôi tửu” của Vương Duy chẳng hạn. Một chút Đường thi rớt xuống lục bát người yêu thơ âu cũng lẽ thường tình.
“Đường lô nhô bóng, phố gầy guộc đêm” là cảnh thật, rất đời của thị trấn Lagi về đêm thời kỳ đầu đổi mới. Cái bóng “lô nhô”, cái bóng “gầy guộc” nói lên cái nghèo của thị trấn, thể hiện cái bi quan, cái buồn của người làm thơ, của người uống rượu.
Tôi đọc đi, đọc lại hai câu này nhiều lần mà thấy thích. Rót sương khói trần gian mơ hồ xuống hiện thực phố nghèo trong đêm trăng tâm tình cùng bạn thơ, bạn rượu quả thực là tài hoa.
“Trăng bơi đáy chén trăng mềm”. Câu thơ thật lãng mạn và nhuốm màu Đường thi. Xưa Lý Bạch ngâm thơ uống rượu, nhảy xuống ôm bóng trăng đáy sông mà đi vào thiên cổ. Điển tích huyền thoại Lý Bạch và câu thơ Lương Minh Vũ cứ mang mang vào nhau. Đọc lần một thấy thích, đọc lần hai, lần ba càng thấy thích. Đọc lần 4 bỗng phát hiện có vấn đề. Khi tôi nói lên điều này, anh Vũ sửng sốt hỏi “có vấn đề gì?”
Tôi cười kể anh câu chuyện Hoài Thanh- Hoài Chân bình thơ Vũ Hoàng Chương. “Em ơi lửa tắt bình khô rượu, Đời vắng em rồi say với ai?” là hai câu tuyệt tác trong bài khóc vợ của Hoàng thi sỹ. Hoài Thanh hài hước cho rằng khi làm xong hai câu thơ, đọc lại thấy hay không chừng thi sỹ Vũ Hoàng Chương vỗ đùi kêu lên “Ô, tuyệt vời quá” mà quên rằng mình đang khóc vợ.*
Tôi mượn câu chuyện bình thơ để nói với anh Vũ rằng câu thơ không thực. Tôi không tin có thực “trăng bơi đáy chén”, tôi càng không tin rằng “trăng mềm”. Bởi trừ câu bát kế tiếp, còn 8 câu còn lại của bài thơ tôi không thấy bóng dáng, dù thấp thoáng, của ánh trăng nơi đáy cốc. Người xưa ngắm trăng, uống rượu tìm thi hứng làm thơ. Cái thi hứng này chỉ hiện lên khi tâm tư lắng xuống. Ở đây tâm tư tác giả đang trồi lên mà đòi bóng trăng hiện xuống đáy cốc… e là khó.
Nhưng nếu xem câu lục của đoạn 2 này cũng như mọi câu lục khác của bài thơ đều có tính tượng trưng, có tính tiêu biểu để nói lên tâm tư ở câu bát liền kề thì vấn đề lại khác.
“Thơ ai gẫy vận bên thềm khuya rơi”. Tôi nói với anh Vũ rằng 2 chữ “gẫy vận” nó trúc trắc và không hay. Nếu thay bằng bất kỳ 2 chữ nào khác thì câu thơ mượt mà hơn. Ví như “thơ ai dìu dặt, thơ ai thánh thót, thơ ai ngân vọng… bên thềm khuya rơi”. Anh nhìn tôi gật gật, cười cười.
Anh Vũ từng viết truyện ngắn “Tri Kỷ” đăng trên tạp chí văn nghệ Hàm Tân. Truyện ngắn này dậy sóng “giang hồ” giới văn nghệ quê nhà một thời. Tôi kể chuyện này để thấy anh sử dụng tiếng Việt rất nhuần nhuyễn và điệu nghệ. Anh quyết tâm để 2 chữ “gẫy vận” để nói lên cái thực của đêm say. Khi tôi bình về 2 chữ này, anh La Thụy cười nói “thơ ai gẫy vận này” chắc là muốn nói thơ La Thụy gẫy vận. Dẫu thơ La Thụy hay thơ Lương Minh Vũ hay thơ của ai đi nữa, thì cái “gẫy vận” của câu thơ làm bóng trăng bên thềm thêm lung linh. Thơ rơi hay bóng trăng rơi?
Hôm đám giỗ tôi cố tình ghẹo anh Vũ khi bình 2 câu trên. Câu thơ hay thì không thực, câu thơ thực thì… không hay. Quả thực lúc ấy tôi chỉ thấy cái hay của câu bát chứ chứ chưa thấy cái hay của câu lục.
Giờ này ngồi lẩm nhẩm đọc 2 câu thơ, tôi phát hiện ra điều thú vị. Cái vầng trăng ảo ảnh, vầng trăng biểu tượng kia ngộ nhận mình say mềm bơi trong sóng rượu đáy chén. Nghe thi nhân ngâm thơ gãy vận, bỗng tỉnh thức quẫy mình ra khỏi chén, rơi xuống lung linh vàng thềm phố khuya.

         
   Bìa sau tập THƠ ĐỜI NGÂN VỌNG do Lương Minh Vũ vẽ


ii) Đương cuộc nhậu, ba lần rót rượu:

- Lần rót thứ nhất:

“Rót hỗn mang xuống mộng đời,
Lăn qua cho hết cuộc chơi khóc cười”

Miền Nam thời kỳ trước 1975 là thời loạn lạc. Nhiều thanh niên miền Nam xem thời kỳ sau 1975 cũng là thời tao loạn. Từ 1975 đến 1977 tôi vừa học phổ thông vừa vác cuốc lên nương với nhiều anh cùng trạc tuổi với anh Lương Minh Vũ và La Thụy. Nhờ vậy tôi hiểu họ, là những thanh niên mới lớn với nhiều mộng mơ tuổi hoa niên. Thế sự xoay vần, họ mất phương hướng trước cuộc đời. “Sinh bất phùng thời” là câu cửa miệng của họ. Tôi nghĩ “rót hỗn mang xuống mộng đời” là tâm tư thật của nhà thơ sau 20 năm nhìn lại thời trai trẻ của mình. 20 năm lăn lóc khóc cười là đời thực tác giả. Tôi thích hành xử “lăn qua cho hết” cái “cuộc chơi khóc cười” đời mình của thi nhân. Vừa nhẫn nại vừa nghị lực. Đằng sau cam chịu là ý chí cầu tiến. Trong cái bi hiện lên cái hùng.

- Lần rót thứ hai:

“Rót quạnh hiu xuống cõi người
Sông xưa cuốn hết xanh tươi dấu nguồn.”

Ly rượu này cũng buồn và bi quan hơn ly rượu thứ nhất. Ly rượu thứ nhất là nỗi buồn nhiễu nhương thời tao loạn, thì ly rượu thứ hai là nỗi buồn cô đơn, quạnh hiu. Hai bạn thơ ngồi uống rượu với nhau càng thầm thía nỗi quạnh hiu. Xuân Diệu nói: “Hai người nhưng chẳng hết cô đơn”. Bởi đằng sau nỗi cô đơn là nỗi trống trải của kiếp người. “Sông xưa” đã “cuốn hết xanh tươi dấu nguồn” thì có còn gì mà vui nữa. “Đời có còn gì tươi đẹp nữa? Buồn thì đến khóc, chết thì chôn” (Nguyễn Bính).

Hôm kia sư huynh La Thụy copy lại bài viết bình 4 câu thơ đầu của tôi đăng lên facebook của anh. Nhiều bằng hữu comments rất ngộ nghĩnh. Có bằng hữu cho rằng tôi không bình thơ, chỉ giải thích từng câu thơ. Còn tứ thơ của nguyên bài không thấy lời bình đâu hết. Có bằng hữu cho rằng tôi chê từ “bôi”, từ “gẫy vận” của nhà thơ là không hay, chê câu “trăng bơi đáy chén trăng mềm” là không thật.
Văn chương cốt hay bởi ý tại ngôn ngoại. Đọc thơ người, văn người phải đọc đằng sau câu chữ. Đọc thơ Lương Minh Vũ cũng vậy.
Bài viết của tôi theo lời đề nghị của anh Vũ là “bình thơ”, nhưng thực chất là bài ký, bài chuyện kể về bài thơ của anh Vũ. Ký có tính chất phóng khoáng riêng của ký. Vì vậy có bằng hữu còm về lời bình của tôi rất hay:  anh gọi tôi là “người dẫn chuyện”.
Bài thơ của anh Vũ là bài thơ hay. Tôi e sợ rằng nó đã bị lãng quên trong lòng người. Vì vậy gặp anh tôi cà khịa bình thơ. Hôm đám giỗ đó thực sự tôi đã gợi dậy nỗi xúc động tâm tư một thời của anh. Bài thơ thể hiện tài hoa của người lãng tử. Tám câu sau bài thơ anh viết rất cô đọng nỗi niềm tâm tư của mình. Đọc để giải mã tám câu này đã khó. Đồng điệu cùng tâm hồn anh còn khó hơn. Nhưng 4 câu đầu bài thơ mới thật sự khó bình. Anh Vũ viết ẩn giấu tâm tư “Thâm tàng bất lộ”. Tôi đã mượn lời “chê” để làm bật cái tài hoa của anh. Cám ơn anh Nguyễn Khôi ở Hà Nội đã chịu khó đọc, chịu khó comment. Anh hiểu được tâm tư nhà thơ và người bình thơ.

Có đôi khi tiếng nói thầm kín ẩn sâu trong lòng không thể hiện được rõ tình người nói cho người nghe. Vì vậy tôi có thêm đôi lời giải thích lời bình của mình. Chủ đề bài thơ của anh Vũ là Tình bạn và … tình say. Trong nội dung bài thơ có xuất hiện tình thơ. Tựa đề bài viết của tôi đầy đủ ba thứ tình trên. Dẫn giải từng câu thơ bàng bạc các ý trên. Bạn đọc đành chịu khó đọc vậy. Như khi tôi “giải mã” hai ly rượu “hỗn mang” với “quạnh hiu” không thấy xuất hiện tình bạn đâu cả. nhưng bàng bạc trong câu thơ của tác giả, trong lời bình của tôi, tình bạn vẫn hiện hữu.

Anh Phạm Đức Nhì (Nhi Pham) cho rằng bài thơ này có tứ hay, ngôn ngữ đẹp, có cảm xúc nhưng chỉ ở tầng 1 và 2 – nghĩa là từ câu chữ và thế trận. Tôi hiểu anh Nhị muốn nói cái bộ ba tình (tình bạn, tình thơ, tình say) của bài thơ không vượt qua biểu đạt của lời (con chữ), không vượt qua được bố cục, kết cấu bài thơ (thế trận, tứ thơ).
Tôi cho rằng ở ba lần rót rượu trong đương cuộc nhậu này, cái ý thơ vượt ngưỡng tầng 2, leo lên tầng 3 (mà tầng 3 là tầng gì thực sự tôi chưa rõ ràng lắm, tôi chỉ “ăn theo” anh Nhị và hiểu mang máng tầng 3… cao hơn tầng 2). Thí dụ như nãy giờ tôi diễn giải 4 câu thơ của hai lần rót rượu của anh Vũ. Tôi nhìn ra cái mất phương hướng, cái trống rỗng trong tâm thức của tác giả. Người làm thơ và người bình thơ hình như không đề cập gì đến tình bạn. Chỉ thấy rót rượu và gặm nhấm nỗi buồn. Nhưng tình bạn của họ hiện rất rõ. Tôi mượn Tỳ bà Hành của Bạch Cư Dị để làm rõ điều này. “Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân, Tương phùng hà tất tằng tương thức”. Phan Huy Vịnh dịch rất hay: “Cùng một lứa bên trời lận đận, gặp gỡ nhau lọ sẵn quen nhau”. Lương Minh Vũ và La Thụy chắc chắn là “Cùng một lứa bên trời lận đận”, họ vốn là bằng hữu “đồng thị thiên nhai luân lạc nhân”. Vậy thì lời của Vũ há chẳng phải là lời của Giang Châu Tư Mã hay sao?

- Rót lần thứ 3:

“Rót niềm vui xuống nổi buồn
Dầu mai cuối sóng đầu truông cũng về”

Lần này ly rượu đượm hồng. Thả vui xuống buồn hòa vào rượu. Nhưng vui là vui gượng? Hay tìm thấy trong buồn có vui. Hay nhà thơ tạo được niềm vui mới?
Đọc thơ anh đến đây tôi liên tưởng đến 2 tác phẩm của 2 người nổi tiếng: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của Trịnh Công Sơn và trường ca “Ta Về” của Tô Thùy Yên.
Trong “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui” của Trịnh Công Sơn, tựa đề bài hát là chọn niềm vui. Cứ làm như niềm vui có sẵn để ngồi lựa. Nhưng trong ca từ thì niềm vui được tạo dựng. Tôi xin trích dẫn vài ví dụ niềm vui được chọn trong ca từ bài hát:

“Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Chọn những bông hoa và những nụ cười
Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy
Để mắt em cười tựa lá bay
Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui
Cùng với anh em tìm đến mọi người
Tôi chọn nơi này cùng nhau ca hát
Để thấy tiếng cười rộn rã bay

Rõ ràng “mắt em cười tựa lá bay” không tự có để chọn lựa, mà hệ quả của việc “Nhặt gió trời mời em giữ lấy”. Tương tự “tiếng cười rộn rã bay” là hệ quả của hành động “cùng nhau ca hát”. Chọn niềm vui của Trịnh được hiểu là chọn hành động để có niềm vui.
Trong trường ca “Ta về” của Tô Thùy Yên, có một khổ thơ nói về niềm vui giữa hằng chục câu thơ nói về nỗi buồn:

“Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời.
Cám ơn hoa vì ta đã nở.
Thế giới vui hơn từ những lẻ loi.”

Rất nhiều bài báo danh tiếng bình về khổ thơ này. Đa số cho rằng đoạn này ảnh hưởng tư tưởng Phật học. Tôi không nghĩ như vậy. Nhưng ở bài viết này không bàn chuyện đó. Tôi đang nói về niềm vui trong khổ thơ. Hoa muôn đời vẫn nở. Bao lâu nay hoa nở cho ta mà ta không hay. Bỗng trong một sát na bất chợt, Tô Thùy Yên phát hiện hoa nở cho riêng mình. Thế giới bắt đầu vui hơn. Niềm vui này là niềm vui của giác ngộ, của nhận thức.
Trở lại niềm vui trong câu thơ của Lương Minh Vũ. Niềm vui ở đâu ra để mà rót xuống rượu? Lương Minh Vũ không phải là phù thủy để vẫy cây đũa phép tạo niềm vui vô cớ xuất hiện giữa nỗi buồn. Tôi phải tìm đáp án trong câu bát tiếp theo.

“Dù mai cuối sóng, đầu truông cũng về”

Anh Vũ mượn hình ảnh mênh mông đầu ngọn sóng của bể cả, cái hoang vắng của truông trên bờ để khẳng định lời son sắt: “cũng về”. Thú thật tôi đọc câu này nhiều lần và thấy nó giống với lời hẹn thề.
Giang hồ nhậu thường có lời thề như sau. Tao thề với mày, à không, tôi thề vời ông: Có chết, tôi cũng sẽ cùng về… nhậu với ông.
Sau những ly rượu bi quan là ly rượu hào hùng. Cái hào hùng này có pha chút… cường điệu. Chính điều này tôi tin anh Vũ đã say. Say rượu và say tình bạn. Tôi nhớ ca dao Nam bộ có câu: “Vi vu gió thổi đầu non, mấy thằng uống rượu là con Ngọc hoàng”. Con Ngọc hoàng mà nhằm nhò gì. Khi say ta có thể làm ngọc hoàng, thậm chí là cha của Ngọc hoàng.
Nhưng Ngọc hoàng cũng không hóa phép để niềm vui bất chợt hiện ra đậu xuống nỗi buồn. Niềm vui này vốn đã hiện hữu trong tình bạn của họ, và họ khẳng định niềm vui này sẽ tiếp diễn tiếp khi cùng …. nhậu. Cũng có nghĩa là niềm vui được giác ngộ ra khi uống rượu, và họ quyết duy trì tạo niềm vui bằng cách… hẹn gầy cuộc nhậu.

Nhờ phát hiện tác giả ra say thật (rất nhiều người làm thơ say mà tỉnh queo), bỗng dưng tôi thấy câu thơ bất chợt… hay lạ thường.
Trong 6 câu này, câu nào cũng hay. Diễn đạt tứ thơ tình bạn, tình thơ rất hay. Nhưng tôi vẫn ngờ ngợ câu bát thứ hai của ly rượu thứ hai có vấn đề. Vấn đề ở đây không phải là tứ thơ, là ý tưởng. Vấn đề ở đây là “thế trận”.
Tôi ví von như thế này, các câu lục của bài thơ là nguyên liệu, là đầu vào, là input. Các câu bát là sản phẩm, là đầu ra, là output. Tác giả đã mượn những điều trừu tượng mang tính biểu tượng để hòa vào rượu rót xuống thực tiển cuộc sống chứa chan tình bạn. Có nghĩa là nguyên liệu thì trừu tượng, còn sản phẩm thì cụ thể. Bài thơ cuốn hút, hấp dẫn đọc giả cũng nhờ vậy. Mượn mông lung rót xuống thực tiễn phố phường. Mượn bóng trăng bơi đáy chén rót xuống câu thơ đang ngâm, mượn hỗn mang mộng đời rót xuống khóc cười cuộc chơi. Tới ly rượu thứ hai trong đương cuộc nhậu, tác giả mượn quạnh hiu để rót xuống cái cõi người. Nhưng “Sông xưa cuốn hết xanh tươi suối nguồn” của cái cõi người này mơ hồ và đầy biểu tượng. Với tôi, trong hai câu này nguyên liệu thuộc hàng cực phẩm, nhưng sản phẩm thì… bị lỗi.

iii) Tàn cuộc nhậu:

“Rót ta chảy xuống tràn trề,
Trăng say, còn bạn cận kề dìu nhau.”

Lần này cái nguyên liệu để hòa vào rượu rót là “ta”. Ta là đại từ nhân xưng ngôi thứ nhất, ta cũng là tiếng tự xưng, tự nói với mình, ta cũng để chỉ cái tôi, cái bản ngã của mình.
Rót cái tôi xuống ly rượu. Nhưng rót cái gì của cái bản ngã. Tôi tin đó là cái tâm, cái tình của tác giả. Anh Vũ là người ôn nhu, nho nhã, ít khi nổi nóng với ai. Anh chỉ có cái nhược điểm là khi nhậu thì phải nhậu tới bến, không say không về. Với khí chất chơi tới bến của anh tôi tin câu thơ này là thực, là anh đang say thực. Anh đang say và anh sẵn mở lòng ra với bạn. Mở hết lòng mình.
Tôi yêu sự đa thanh, đa nghĩa của tiếng Việt. Với định nghĩa, “ta” là tiếng tự xưng, tôi tin câu thơ này anh Vũ tự nói với lòng mình, không phải nói với bạn nhậu. Và nếu đúng như vậy thì câu thơ hay hơn. Khen hay, bởi niềm tin làm tâm hồn con người đẹp lên. Ở đây là niềm tin “Trăng say, còn bạn cận kề dìu nhau”.

Lời nói thêm cho bài bình:

Cái tựa đề: “Tình bạn, tình thơ trong cơn say” không chỉ nói về tình bạn của anh Vũ với anh La Thụy, mà còn là tình bạn của nhà thơ với người bình thơ. Trên trang facebook của sư huynh La Thụy, có hai người với tuệ nhãn của mình họ đã phát hiện ra tình bạn của chúng tôi. Đó là anh Nguyễn Khôi và anh Nhi Phạm. Tôi thích lời bình anh Nhi Phạm. Bình thơ là thú vui tao nhã. Tình bạn phát sinh và duy trì qua văn thơ là tình bạn đẹp. Bởi đẹp nên anh mới “ké” vào để comments.
Tôi quen biết anh Vũ năm 1995, khi chúng tôi cùng đi bứng mai về trồng làm cảnh. Tình bạn của chúng tôi dễ được 24 năm.
Hôm đám giỗ đứa cháu. Tôi kể anh nghe chuyện thời sự sôi động ở “Văn Việt” liên quan đến các nhà văn, nhà thơ nổi danh như Nguyên Ngọc, Hoàng Hưng, Lê Phú Khải, Hà Sỹ Phu. Tôi dẫn lời Hà Sỹ Phu nói đại ý là bình thơ bạn bè là khó nhất, nói hết lòng thì sợ mất lòng bạn, nói theo bạn thì thẹn với lòng mình.

Anh Vũ thích thú với câu chuyện. Anh nói những ngày đầu mới quen tôi, anh sốc vì những lời nói thẳng khi bình thơ văn. Nhưng giờ này anh thích được bình như vậy.
Trong men bia hôm đám giỗ. Lâng lâng với tình thơ, tình người, tôi nhận lời bình bài thơ của anh Vũ. Nhưng trong sâu thẳm, tôi biết rằng tôi sợ bài thơ hay thấm đẫm tình người bị lãng quên trong lòng thi hữu.
                                                                       
                                                             Đoàn Minh Lợi

READ MORE - TÌNH BẠN, TÌNH THƠ TRONG CƠN SAY - Đoàn Minh Lợi