Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, July 12, 2021

VẠT NẮNG CHIỀU - Truyện ngắn Lê Yên

 

Nhà văn Lê Yên

VẠT NẮNG CHIỀU

Truyện ngắn 

Lê Yên


Chiều yên ả, gió lướt qua từng kẻ lá hòa âm bản tình ca mùa thu, chút se lạnh để gợi nhớ người thương tìm về trong vòng tay ấm áp. Thi sĩ bay bỗng với cảm xúc được mất, tiếc lá vàng lìa cành, nắng thong dong theo chân cô trong vô ưu, nhẹ nhàng. Thanh bình biết mấy! Bỗng đâu cơn gió lạ, lướt nhanh, mang hơi lạnh đến thì thầm: “Giông tố sắp kéo qua đây…” Lá cây ngọn cỏ rùng mình hoảng sợ. Vạt nắng chiều khép lại, tìm nơi lánh nạn. Cô gấp gáp, vội vã khi nắng chợt xót xa… “Còn vạt nắng chiều lưu luyến, làm sao giữ lại qua bão giông?” 

Mây đen từng đám vá víu không gian. Vạt nắng chiều len qua khoảng trống, trải mình trên đỉnh đồi, tràn qua con phố, vẫn cố đốt cho hết phần ánh sáng còn lại mang theo bên mình… Chỉ cần kịp giờ về phía tây trầm mình vào hoàng hôn cho đến khi cánh cổng buổi ngày khép lại.

Cô còn mẹ già, còn em nhỏ. Cuộc hôn nhân tan vỡ đã để lại nhiều tổn thương. Tóc cô còn xanh nhưng sao mắt xa xăm đến vậy! Đôi khi trong đôi mắt lóe lên một tia sáng, nắng mừng rỡ vô cùng: “Phải rồi, hãy thắp sáng ước mơ, hy vọng nhé cô bé, quên đi giông tố hôm qua.” Làm việc ban ngày, tối đến đi học chương trình cao hơn, cô tìm quên với những thành quả đạt được. Vậy nhưng đôi khi nắng bắt gặp cô lặng lẽ khóc thầm, ấm ức…Thu nhập chỉ đủ trang trải cho cuộc sống và việc học. Một lần mẹ bịnh, cô đi bán máu, mỗi giọt máu chảy ra như giọt nước mắt chảy vào tim. Xanh xao, cô nở nụ cười nhẹ như gió thoảng. Nắng theo cô lo lắng: “Phải tìm cách khác chứ!” Ôm cô trong vòng tay, sưởi ấm chút lạnh giá bên ngoài, nắng khẽ đùa lên tóc, lên mặt… Cô vẫn bất động không sợ nắng làm xém làn da mịn màng vốn có.

Câu chuyện của cô, thật đáng thương. Nắng ngậm ngùi thở dài…

Tốt nghiệp đại học với mảnh bằng ưu tú. Tánh cô hiền lành không thích hơn thua với đồng nghiệp, dựa vào thực lực bản thân là tiêu chí. Nhân viên mới thường xuyên bị bắt nạt, rót nước pha trà, cô vẫn vui vẻ. Cô bé rụt rè luôn về sau cùng vì phải dọn dẹp từng góc nhỏ. Trong văn phòng có một chàng trai, tánh điềm đạm và thân thiện, luôn giúp đỡ cô trong công việc, cô tự tin nhiều hơn. Họ trở thành bạn  rồi yêu nhau. Cả hai đều là trụ cột gia đình, là con thảo. Tình yêu của họ đơn thuần, chân chất, không quà đắt tiền, không tiêu xài phung phí, cả hai chia nhau ổ bánh mì trên ghế đá công viên vẫn hạnh phúc. Ước mơ của họ không dừng lại ở đó, họ muốn học cao hơn, muốn ra nước ngoài, muốn kiếm tiền lo cho gia đình, cùng nhau dệt ước mơ. Tất cả cần thời gian và cơ hội.

Họ kết hôn, về sống chung gia đình, cô mới thấy hết nỗi khổ và trách nhiệm trên vai chồng. Một người cha bất đắc chí luôn nói những lời nhục mạ con trai: “Tao chóng mắt coi mày làm được gì?” Người mẹ đầu tắt mặt tối, nói thật khẽ với con, bù vào sự lớn tiếng người cha. Tình yêu và sức chịu đựng tuổi trẻ có đi cùng không? Họ tìm cơ hội để ra nước ngoài, chồng cô vẫn kiên trì, riêng cô mệt mỏi… Gia đình đã một gánh, thêm gia đình chồng, cô tưởng chừng không chịu nổi. Cô bất đồng với chồng và về nhà mẹ. Mẹ chồng cố khuyên can, cô vẫn muốn ra đi. Đôi khi vấn đề bản thân đọng quá nhiều. Nhìn thấy chồng phải trải qua ngày sống thế nào với áp lực gia đình, cô như giọt nước tràn ly...

Trong cuộc sống, hạnh phúc và đau khổ như duyên nợ. Có những hạnh phúc mang sẵn mầm đau khổ và ngược lại có đau khổ đã gieo mầm hạnh phúc. Ngày cô cùng chồng ra tòa ký đơn ly hôn. Cô đi giữa phố trong tâm thái buông thả, nước mắt nhòe đi như thế qua bao nhiêu con đường, đến khi có sự va chạm mới sực tỉnh. Cô run rẩy, té xuống, cũng may chỉ trầy xước ngoài da. Nghe mơ hồ tiếng người chửi: “Đồ thần kinh, đầu óc trên mây.” Cũng may, cô không gây ra họa cho người khác.

 Chồng thẳng thắn với cô về chuyện đi nước ngoài, không thể đánh mất cơ hội của anh. Cô đã không yêu nhiều đến mức cùng anh vượt qua tất cả. Cô yếu đuối không đủ dũng khí giữ lấy hạnh phúc của mình, đem trái tim ấm trong tầm tay giao cho kẻ khác… Sự  hối hận giày vò bản thân! 

Lang thang trong chiều mưa tầm tả để thấy tỉnh táo hơn với sự hối lỗi, để nhớ anh lần sinh nhật xưa, đội mưa trong nhá nhem tối, gõ cửa với chiếc bánh kem trên tay. Con đường đi qua nhà cô nước lên những chiều mưa, ngập nửa bánh xe, nghĩ thương anh với chiếc xe cà tàng sũng nước ngày nào...

Anh đi, thời gian đầu với cô thật khó khăn. Lao vào công việc, học tập, thăng chức, tình nguyện đi công tác xa, cô đơn với những hành trình… Một công ty nước ngoài mời cô, lên đường sống và làm việc với những người khác màu da, chủng tộc. Cô cho bản thân cơ hội làm mới tất cả, ngập trong công việc với email, hợp đồng, khiến cơ thể mệt nhừ trong căn hộ cao tầng, nằm co ôm bụng với cơn co thắt ứa nước mắt nỗi nhớ anh. Có nhiều mối quan hệ trong công việc, đối tác muốn tiến xa hơn, cô lại không cảm  nhận được chân tình. Ước gì thời gian quay lại để sửa sai… Hết hợp đồng cô về nước, bên mẹ. Dành dụm được chút ít sửa nhà, lo cho em tốt nghiệp đại học. Điều này làm cô vui hơn, không nghĩ đến những kiếm tìm chạy trốn. Sự kiếm tìm khiến lòng ta no thỏa, mệt mỏi với chọn lựa. Sự no thỏa giữa tâm hồn và thể xác khác nhau, đôi khi trạng thái đói khát chưa hẳn là con đường chết! Chạy trốn chi bằng đối diện… Cô còn phải lo cho mẹ, đây là con đường cô chọn. Mẹ luôn an ủi cô, nhưng trong tâm lại xót xa con gái đến nao lòng. Phận làm con, cô thấy mình có lỗi khi không nhiều thời gian dành cho mẹ. Đôi lúc không làm gì, chỉ cần ngồi bên cạnh mẹ với trạng thái vui vẻ để mẹ yên lòng. Cô muốn trở về thuở ban đầu để yêu thương ban tặng hết, không mưu cầu. Hạnh phúc không phải sự thỏa mãn…Đúng sai không tại cuộc đời. Do cách mình nhìn đời như thế nào!

Điều khiến cô mủi lòng khóc lặng bên trong khi cơ hội gặp lại mẹ chồng, bà vẫn nhìn bằng ánh mắt yêu thương bao dung của người mẹ dành cho con gái. Bà ân cần thăm hỏi, dặn dò đủ điều. Sự bao dung của bà khiến cô thấy mình có lỗi trong tiếc nuối… Một lần nữa cô tự hỏi: “ Tình yêu và sức chịu đựng tuổi trẻ có đi cùng  không?” Cô tự tha thứ cho bản thân không?

Nắng dõi theo cô trên con phố, bên song cửa, khi tuổi xuân ngày một qua đi. Nắng reo vui khi thấy cô cười, cho dù nụ cười ấy nhạt hơn nắng chiều. Nắng nhìn xem đâu là duyên mới thắp lửa tim cô. Hai người trẻ đều là con thảo nên không sống cho hạnh phúc bản thân. Sự yếu đuối cũng là bản năng. Cô đã làm rất tốt vì tình mẫu tử... Nắng ôm vai cô dỗ dành: “Không sao cả! Cô nhớ không? Khi giông bảo qua đi, nắng sẽ trở lại trong vắt, đẹp hơn.” Nắng trải hoa trên lối đi trước sân. Nắng gom hương thơm hong khô quần áo, chăn màn trên ban công nhà… Cô thích thú khi tất cả thơm mùi vàng nắng.

Cô trở về công ty cũ với tấm bằng thạc sĩ và chức vụ giám đốc kinh doanh. Nắng reo vui cùng cô, đau khổ đã trở thành động lực cho cô vươn tới, cô thực sự xứng đáng. Những đồng nghiệp trước đây bắt nạt giờ tròn mắt thán phục. Mạnh dạn, tự tin trong công việc, đưa về cho công ty nhiều khách hàng và những hợp đồng lớn. Đó là kết quả một quá trình thay đổi, vươn tới…

Trong một chuyến thiện nguyện cứu trợ bão lũ miền trung. Nhìn thấy tai ương và mất mát của đồng loại, cô chợt hiểu hơn về đau khổ. Đứng ở trạm chờ lên xe trở về, chợt mông lung với những suy nghĩ… người đàn ông bên cạnh lên tiếng làm cô giật mình: “Tôi đưa giúp cô hành lý lên xe nhé!” cô quay lại, người đàn ông với nụ cười tươi trên khuôn mặt rám nắng rạng rỡ. “Cám ơn anh.” “Chúng ta đi cùng xe.” “Xin lỗi anh” Cô lung túng… Người đàn ông bật cười lớn “Tôi ngồi hàng ghế bên trái ấy.” Cô gật đầu yên vị chỗ ngồi. Xe chuyển bánh, cảnh vật hai bên đường thụt lùi từ giã. Nắng lên cao, vàng óng ả, sau giông bão trời thật đẹp. Mùa đông trong cô rồi sẽ đi qua… Cô chợt nhận ra người đàn ông ngồi hàng ghế bên trái.

Nếu một ngày, cô như vạt nắng chiều bên sông vắng, xin hãy xuôi theo dòng… Trải nắng vàng lấp lánh về cuối nguồn, vạt nắng cuối chiều vẫn thật đẹp, tỏa sáng đến phút cuối cùng. Hãy nhìn xem, những tia nắng yếu ớt đã hội tụ, trong khoảng khắc chuyển màu, thâm trầm, mạnh mẽ và tuyệt đẹp.


Sài Gòn, 23/6/21.

LÊ YÊN

 


READ MORE - VẠT NẮNG CHIỀU - Truyện ngắn Lê Yên

LỆ COVID - Thơ Nguyễn Hồng Linh

 

Nhà thơ Nguyễn Hồng Linh

LỆ COVID

Nguyễn Hồng Linh

Người đã đi... Covid giết - hôm qua
Tình đã xa và tình đau mãi mãi
Nắng đã phai ngày bỗng dài vô tận
Người đi rồi! Đêm lịm chết hồn thơ.

Trả cho em những ngày mơ, ngày mộng
Nụ hôn ấm nồng ta đã trao nhau
Giàn thiên lý vẫn vàng màu nhung nhớ
Bên hiên nhà hoa quấn quít chiều mơ.

Ngày người đi... ta lạc lõng bơ vơ
Tim chết lặng thẫn thờ đời hấp hối
Hận covid chia đôi bờ tuyệt vọng
Tiễn người đi dòng huyết lệ tuôn mờ.

Khăn tang trắng đưa người về đất mẹ
Áo xô buồn hương khói lệ tang thương
Gió hát ru khe khẽ tiễn bên đường
Vĩnh biệt nhé! Chốn vô thường người đến...

N.H.L.



READ MORE - LỆ COVID - Thơ Nguyễn Hồng Linh

THANH ĐÀM VỀ AN THƯỜNG CÔNG CHÚA - Lê Quang Thái

 

An Thường Công Chúa, tranh lụa của họa sĩ Phan Niệm.
Nguồn tranh: indochineart.vn/


THANH ĐÀM VỀ AN THƯỜNG CÔNG CHÚA

Lê Quang Thái

 

Xem chừng cái cổng gỗ vừa bình dị vừa cổ kính ở đường Nguyễn Công Trứ có tiền thân là đường Chợ Cống, trong khoảng hơn 100 năm trở lại, lần lượt thay đổi địa chỉ theo một loạt mã số 21, 27, 29, 31, 33, 47, 63... như đã nói lên tiếng lòng của dân gian trước tốc độ phát triển nhanh chóng của đô thị Huế.



 

Dân gian nghĩ Bà chúa giàu sang, sao lại không bỏ tiền của ra để xây một cái cửa Tam quan ra vào cho đệ trạch của mình xứng danh với con gái thứ 4 của vua Minh Mạng mà lại chọn mô hình một cái cổng gỗ phía trên lợp ngói quá ư khiêm tốn, thể hiện tính cách thanh cao: công dung ngôn hạnh. Hỏi ra mới biết người sao thì của vậy. Đó là cái cổng truyền thống mà lúc sinh thời từ năm 1841 đến 1891 Bà chúa ưa thích nhất. Từ đó cho đến nay, khuôn viên ấy trở thành di tích AN THƯỜNG CÔNG CHÚA TỪ được du khách phương Tây hiếu kỳ dừng lại thu hình vào ống kính.

Năm 1960, một học sinh xứ Huế hoài niệm nét đẹp dung dị của ngôi nhà vườn vừa là nhà thờ An Thường công chúa đã sáng tác bài tứ tuyệt:

Con đường trưa nắng, gió hiu hiu
Ngây ngất người qua, tiếng sáo diều
Đây chốn An Thường công chúa nghỉ
Lưng chừng khóm trúc dáng liêu xiêu
                        
(Đồng Di Đỗ Hà)

Ngày xưa, nơi công chúa nghỉ có đến 9 ngôi nhà quay mặt ra bờ sông theo cách gọi của ngôn ngữ cung đình: 8 nhà ngơi và một nhà cối để dự trữ lương thực trong kho lẫm và các người phục dịch xay, giã, sàng, dần lúa gạo. Dưới sông sau đệ trạch là bến nước có đến năm chiếc đò nhiều mui che đậu sẵn để đưa Bà chúa và con cháu theo hầu đi vào cung vua, lên sơn lăng, ra quê chồng ở Quảng Trị bằng đường thủy và đi chợ xa gần mua hàng cho vừa ý.

Chợ Cống có tự bao giờ? Lẽ tất nhiên chợ phải có sau cống thoát nước
 cho nên mới mang tên CHỢ CỐNG. Các mương nước đều chảy qua cống trước khi đổ ra sông Lục Bình, một khúc sông của sông Thiên Lộc - đổi tên thành Thọ Lộc dưới thời vua Tự Đức sau khi chùa Thiên Mụ đổi tên thành Linh Mụ vào năm 1862 cho thuận lẽ trời đất. Nhớ lại, năm 1841 Bà chúa An Thường hạ giá về nhận đất lập đệ trạch gần bên xưởng đóng thuyền của thủy binh hoàng gia, cư trú theo sắc chỉ của vua Thiệu Trị cho phép Bà chúa cưng chìu xe duyên với Phò mã Đô úy Phan Văn Uýnh, con trai thứ của Hậu quân Đô Thống Chưởng Phủ sự Phan Văn Túy mà quốc sử phiên âm thành Phan Văn Thúy. Thiết nghĩ đó là đầu dây mối dợ cho người đời nay cãi nhau về chùa Túy Vân hay Thúy Vân, với nhiều lý do khác nhau. Chùa có tên chữ là THÁNH DUYÊN ở núi Túy Vân tiền thân là núi Mỹ Am bên cửa biển Tư Hiền. Gia phổ họ Phan ở làng Đạo Đầu, tổng An Lưu, huyện Đăng Xương đã ghi và phiên âm thì làm sao mà “cại lại được”.

Đoán chừng thì cống nước xây sau năm 1814, năm đào sông An Cựu nắng đục mưa trong. Trước đó, chợ Cống có tên là chợ Áo Tơi. Nay dùng áo mưa đủ loại thì ngày xưa dùng tơi kè che nắng đổ lên vai mà yên tâm cày cấy, tơi mang chống mưa lạnh theo lối mưa tạt gió vầy. Cao sang nhất như vua Minh Mạng mà còn mang áo tơi xây bằng lá đọt và đội nón ra vườn Thiệu Phương trong Đại Nội để xem các phi tần, công chúa trồng rau quả. Trong các mẩu áo tơi ở các làng quê vùng Thuận Hóa, nổi tiếng nhất là tơi chợ Chùa. Chợ này ở đâu? - Ở làng Hà Tây nằm bên bờ Nam cửa Việt. Tơi bán tại chợ này là một sản phẩm nông nghiệp nổi tiếng của xứ Thuận Hóa: Quạt Phương Ngạn, tơi Chợ Chùa. Quạt Hoa Ngạn nổi tiếng, đủ loại: quạt tre, quạt lụi, quạt tán đinh đồng, đinh bạc quạt nhiều nan lợp bằng giấy dó hoặc bằng lụa... Vì kỵ húy chữ “Hoa”, tên mẹ vua Thiệu Trị mà đổi tên làng Hoa Ngạn ra Phương Ngạn. Chuyện tơi, chuyện quạt lại dính liền với chuyện hai chùa Diệu Đế và Báo Quốc: Quảng Trị Trung Kiên, Thừa Thiên Dạ Lê. Trung Kiên và Dạ Lê là hai làng phát sinh nhiều bậc danh tăng của xứ Thuận Hóa. Làng Phương Ngạn sát bên làng Đâu Kênh, làng Bích Khê (tên cũ Hồng Khê), đối chênh qua sông Thạch Hãn là thôn Trung Kiên. Chúa Nguyễn Phúc Tần đã từng ngự giá ở làng Đâu Kênh, huyện Võ Xương thăm chùa Thiên Tân và được dân làng dâng quạt; chúa ngự để biển chùa bằng chữ vàng, tặng tượng Phật và đồ thờ quý giá. Quạt Phương Ngạn là đặc sản của tỉnh Quảng Trị đã từng được chọn làm sản phẩm dự hội chợ Đông Dương thời Pháp thuộc vào đầu thế kỷ 20, khi mà ngành du lịch Việt Nam bước đầu phát triển. Thời ấy, con vua cháu chúa ở chốn cung cấm cảm thấy ngỡ ngàng trước những biến chuyển buổi giao thời, thay cũ đổi mới của làn sóng Âu hóa.

An Thường Công chúa sinh ngày 13 tháng 6 năm Đinh Sửu (26/ 7/ 1817) là chị khác mẹ với Tùng Thiện vương và Tuy Lý vương, cùng mẹ với Hàm Thuận công Nguyễn Phúc Miên Thủ, con trai thứ 9 của vua Minh Mạng; mẹ là Mỹ nhân Nguyễn Thị Bân, người huyện Minh Linh, tỉnh Quảng Trị. Về sau chia huyện Minh Linh, và lập huyện mới Địa Linh, đổi thành Gio Linh vào năm 1886. Quê ngoại của bà công chúa thuộc huyện Gio Linh, nơi có sản vật sắn dây, khoai mài, môn sọ, môn chúm nổi tiếng dùng làm phẩm vật tiến cung vua.

Lúc còn nhỏ tuổi, hoàng nữ có tên là Tam Xuân, lớn lên được vua cha Minh Mạng, dựa vào bản chất và tính khí của con gái mình mà đặt tên là Nguyễn Phúc Lương Đức.

Về tiểu sử của Bà chúa là người con chí hiếu và mẫu mực thì xưa nay ngoài quốc sử đã ghi chép còn có thêm tạp chí Tri Tân số 113 ra ngày 23.9.1943 với bài viết của học giả Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, giáo sư Tôn Thất Dương Kỵ cũng viết trong tạp chí ấy nói về lòng hiếu thảo của An Thường công chúa và vào thập niên 60 thế kỷ 20, nhà văn Trịnh Văn Thanh chọn dùng lại trong cuốn từ điển Việt Nam danh nhân lịch sử, tập II.

Năm Mậu Thân 1848, Đức bà được tôn phong là AN THƯỜNG CÔNG CHÚA. An Thường là thuật ngữ Phật học vừa là tên một địa danh làng xã của tỉnh Bắc Ninh, nơi có nhiều người đẹp thông tuệ, nết na và thùy mỵ. Chuyện tình duyên của Bà chúa có chút oái ăm mà hơn một năm sau ngày cưới long trọng ở Tôn Nhân phủ mới rò rĩ xuất phát từ dư luận quần chúng.

Nhờ đọc PHAN GIA THẾ PHỔ và lắng nghe chuyện kể kiểu Liêu Trai chí dị mới biết: Đường vào tình duyên của Đức bà muôn vàn ngõ ngách. Con trai thứ của Hậu quân Đô Thống Chưởng Phủ sự là PHAN VĂN TÚY có trước một đời vợ ở làng quê Đạo Đầu, tổng An Lưu, huyện Đăng Xương (Triệu Phong ngày nay). Ngày xưa ở xứ đồng ruộng phì nhiêu, có lệ tảo hôn. Cha mẹ thường sớm cưới vợ cho con trai và lại chọn những cô thôn nữ lớn tuổi đảm đang việc nhà. Quan Hậu quân trong một lần bệ kiến vua Minh Mạng, nhà vua ướm hỏi: Khanh có con trai nào đến tuổi trưởng thành mà chưa lập gia thất không? Quan Đô Thống bẩm tâu Hoàng thượng: Bẩm dạ có, nhưng con nhà võ có nét chân phương thô thiển, xin Bệ hạ r
 lòng thương. Lời tâu khá xẳng xái như thể hiện đáp ứng được yêu cầu của người hỏi chuyện. Quan Hậu quân Đô Thống nghĩ lại đã lỡ lời thì khó lòng thu lại, sợ mang tội bất kính. Phụng mệnh thì phải lo thu tóm việc nhà cho ổn thỏa. Hoàng thượng ướm hỏi tức là tinh sớm chuyện tương lai: muốn kết tình thông gia, bằng lòng g công chúa Lương Đức cho con trai của Đại thần gốc quan võ là Phan Văn Túy. Ngoài những chiến công hiển hách được khắc tên vào bia Võ công ở Võ miếu, Hậu quân Đô Thống còn có công trạng lớn lao trong việc đào sông Vĩnh Định thông đường giao lưu mở từ Kinh kỳ ra đến tỉnh Quảng Bình. Nhờ vậy mà nhà vua ngự giá ra Thăng Long bằng đường thủy rất tiện lợi, còn dân chúng thì đi lại dễ dàng bằng những chuyến đò dọc từ kinh đô Huế ra các tỉnh thành phía Bắc.

Đã trót buông câu đã lỡ thì phải lần. Vào thời bấy giờ quan Đô Thống đầy quyền lực trong tay, giữ chức Phó Tổng trấn Bắc Thành như một Phó vương. Sở dĩ nhà vua không lập chức Tổng trấn nhằm ngăn ngừa hậu hoạn như đời vua trước mà Tiền quân Nguyễn Văn Thành đã từng là nạn nhân vì có định kiến với Tả quân Lê Văn Duyệt xuất thân là hoạn quan.

Sau đó, quan Phó Tổng trấn trở về quê nhà thu xếp đưa con dâu và cháu nội ra Bắc Hà “tỵ nạn”, hủy bỏ việc hôn phối của con trai mình, bằng con đường “ly dị” khác nào chuyện hôn nhân giả tạo ngày nay để tiện việc xuất cảnh ra nước ngoài vậy.

Mọi việc hoàn thành như dự tính. Ngày dẫn cưới đã đến: cành vàng lá ngọc xe duyên với bách tánh theo nhạc tấu bài “loan phụng hòa minh” đưa nàng công chúa ra miền Ô Châu ác địa bái yết gia đường hương hỏa. Bà chúa chẳng hề nghe dư luận gì xôn 
xao ở chốn thôn dã. Bài bản sắp xếp có hương lý, trưởng lão tín cẩn đồng tình ủng hộ. Nếu có ai “bật mí” thì xem như nhẹ tội: Phò mã đã có con riêng và nay đã ly dị vợ nên vẫn độc thân chưa vợ. Lợi ích chung cho làng thì ai mà chẳng ưa: trồng tre cậy một phía, trồng mía cậy một hàng. Cái lối bọc lót, che chắn ấy thì người dân quê khá sành sỏi, tùy thời mà ứng biến để bảo vệ làng xã sống đời bình an.

Về sau nhà vua và An Thường công chúa biết chuyện xưa nhưng vì n
 tình và chuyện đã thành nên đành lờ đi: sự thành bất thuyết. An Thường công chúa có tấm lòng cao thượng, rộng lượng không hề phiền trách mà lại coi con chồng ở xa ngàn dặm như con của mình vậy. Chính vì thế mà sau này đã hình thành một nhánh của chi tộc họ Phan ở Bắc Hà, có danh có phận nở mặt với đời.

Gia phong nhà chồng được Bà chúa hun đúc ngày một rạng rỡ như ý nghĩa của hai vế câu đối bằng chữ Hán treo ở nhà thờ An Thường công chúa:

Tích thiện bội căn miên thế trạch
Truyền kinh giáo tử hoán nhân văn

Tạm dịch:

Tu nhơn tích đức gia cảnh đẹp
Giữ ngọc gìn vàng lẽ thường an

Ngày nay, đọc chính sử thời xưa nhiều khi không nhớ hết, thỉnh thoảng nghe chuyện dã sử bổ sung thêm để nhớ biết chuyện “thiệt lục” thuở xa xăm, đã tan lo
ãng và hòa điệu với dã sử hoặc bổ sung cho quốc sử. Làng nước, họ tộc cũng có chính sử và dã sử. Gần chết rồi, đức ông chồng mới nói cho vợ con nghe chuyện thật trước giờ ly biệt cõi trần: chuyện ông ông biết, chuyện bà bà hay. Chuyện thế gian đúng 100% là như rứa đó!

Bà chúa thông tuệ và đạo hạnh, cho nên dễ dàng nhận ra lẽ vô thường. Bà tu Tiên, tu Phật, tu theo đạo nhà và thậm chí tu ở chợ Cống, chợ Được, chợ Xước Dũ, chợ Đông Ba là có thật. Bà chúa An Thường có chút của hồi môn, có quà tặng của các vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Đồng Khánh và Thành Thái. Nhưng tiền vào rồi lại đội nón ra đi. Bà lo việc nhà chồng, việc hầu kỵ ở sơn lăng và triều miếu, thậm chí ban phát lại cho cháu con, cho cư dân quanh vùng chợ Cống khó nghèo, tật bệnh và cô quả. Đến n
i đất vườn cũng nhường lại cho em trai là Hoàng tử Miên Thủ để chị em ở gần nhau dễ dàng bao bọc che ch cho nhau. Bà đi mua hàng không bao giờ ép giá tại các chợ ở phủ Thừa Thiên và tỉnh Quảng Trị. Con cháu bên chồng ở làng Đạo Đầu vào thăm Đức bà đều được tặng quà và lộ phí đi đường; bà con bên ngoại ở huyện Gio Linh cũng hưởng được ân sủng quý giá ấy.

Cuối đời, Đức bà tu Phật, có đạo hiệu THANH TỪ nhưng chắc chắn là đi chùa TƯỜNG VÂN cùng với ngài Tuy Lý vương đã quy y với Tổ TỊNH HẠNH. Phủ Tuy Lý là phủ đệ duy nhất ở Huế vào thời xưa có đến hai ngôi chùa thân thuộc. Chùa Phước Huệ ở gần bên phủ Tuy Lý và chùa Thiên Hòa ở làng Dương Xuân thượng.

Di sản của Đức bà để lại ở An Thường công chúa từ là tượng ĐỨC QUAN THẾ ÂM bằng thủy tinh trong suốt đặt trong khán thờ.

Bà mất ngày 6 tháng 4 năm Tân Mão (13.5.1891) thọ 75 tuổi ta. Vua Thành Thái và Phụ chính Đại thần kiêm quản Tả Tôn chính Tôn Nhân phủ là Tuy Lý vương vô cùng thương tiếc.

Khâm Thiên giám, phủ Thừa Thiên, Tôn Nhân phủ và gia đình định ngày lành tháng tốt để chung lo việc tống táng. Chọn cho ra ngày lành để làm lễ đưa tang là điều cực kỳ nan giải. Cuối cùng đành phải chọn phương án quàn linh cữu tại khuôn viên hơn một năm. Đến đầu tháng giêng năm Quý Tỵ, 1893 mới cử hành lễ đưa tang. Chuyện có thật và đã có bút tích của con cháu ghi lại.

Thừa hưởng ân đức cao dày của ngài Đô Thống Chưởng Phủ sự, con cháu của Đức bà đã sống đúng theo quan niệm Cư Nho Mộ Thích như ý nghĩa câu đối mà nhà văn Trần Thanh Mại viết nhân lễ viếng anh rể của mình là cụ Phan Văn Dư, cháu gọi Đức bà bằng bà nội mất vào ngày 26 tháng 7 năm Kỷ Mão (9.9.1939) mà học giả Phan Văn Dật đã ghi chép lại:

Hỷ xả suốt một đời, chẳng tụng niệm, chẳng trai chay;
thuyền đạo cũng đưa về cõi Phật;
Gia đình gồm mấy họ, nào nấng nuôi, nào giúp đỡ;
quả lê không thẹn với chàng Trương.

Đôi dòng ghi lại vài mẩu chuyện chọn lọc để nhớ mãi về An Thường công chúa, nhân ngày húy kỵ thứ 118 của Đức bà danh giá, xuất thân từ chốn cung đình và trưởng thành giữa lòng dân gian. Trải qua biết bao thăng trầm, nhưng hạnh phúc thay cuối đời Đức bà biết tìm đến chốn Thiền môn và để lại tiếng thơm quý giá hai mặt ĐẠO-ĐỜI hòa quyện, lưu luyến gió Túy Vân, trăng Thiên Mụ và còn cả núi Mai sông Hãn của miền Thuận Hóa.

Mùa Phật Đản, PL. 2553
L.Q.T
Nguồn: Tạp Chí Sông Hương- tapchisonghuong.com.vn, 19/06/2009

 

READ MORE - THANH ĐÀM VỀ AN THƯỜNG CÔNG CHÚA - Lê Quang Thái

Friday, July 9, 2021

HAI CÁI KHÙNG ĐẸP GẶP NHAU! - Tản mạn của Châu Thạch


Lê Thiên Minh Khoa và To Doan
 

Thơ là gì nhỉ? Có rất nhiều định nghĩa về thơ nhưng chưa có ai định nghĩa thật đúng về thơ. Châu Thạch cũng học đòi định nghĩa thơ theo ý riêng của mình. Thơ đối với tôi là cái đẹp. Những bài viết ra có vần có điệu thực chất nó không phải là thơ, nó chỉ diễn tả cái đẹp và chính cái đẹp mà nó diễn tả mới là thơ.  Như vậy thơ là bông hoa, là cánh bướm, là bầu trời, là tâm hồn con người, là tất cả cái gì trên thế gian nầy làm cho con người cảm động và khen ngợi, kể cả thứ tầm thường, nhỏ nhất như tấm ảnh của một ai kía, được chụp trong một cơ duyên nào đó.

Sáng hôm nay tôi đã thưởng thức thơ như vậy trong một tấm ảnh chụp hai người bạn tôi. Một người là nhà thơ đã có danh: Lê Thiên Minh Khoa. Người kia chưa phải nhà thơ và chưa có danh gì giữa cuộc đời: một phụ nữ có tên facebook To Doan. Họ chụp chung một tấm hình ngồi trên ghế đá ở một công viên nào đó tại thành phố Vũng Tàu. Nhìn hình tôi nghĩ, họ là hai bài thơ ngồi với nhau tạo nên một bài thơ khác. Bài thơ khác là tấm hình thật đẹp, đã khơi động thơ trong tâm hồn tôi cảm xúc. 
 
Lê Thiên Minh Khoa và To Doan


Tôi dùng cụm từ “Hai cái khùng” để nói về hai người ấy không biết có làm họ nổi giận không. Có lẽ tôi thêm chữ “đẹp” phía sau sẽ làm cho họ không nổi nóng được. Nhà thơ Bùi Giáng được đời gọi là điên. Chính cái điên của ông đã được đời tôn vinh ca tụng, biến ông thành thần tượng thi nhân. Vậy khùng có chi mà phải bất bình, vì khùng nhẹ hơn điên, vì khùng đây là khùng đẹp thì cũng là thơ, thì cũng được đời yêu mến. Những cặp tình nhân họ cũng thường gọi nhau là khùng đó vậy!  
 

Lê Thiên Minh Khoa 


Bây giờ nói về khùng của Lê Thiên Minh Khoa:
 
Trước đây Châu Thạch có viết bài “Thơ Ngắn Lạ Đời Của Lê Thiên Minh Khoa” đăng trên nhiều trang web. Trong bài viết đó tôi có viết về Khoa như sau: “Với tôi, Lê thiên Minh Khoa là nhà thơ lạ đời. Khoa lạ đời ở chổ có mái tóc bồng bềnh trên khuôn mặt toàn xương mà nhìn vào thấy ngay mình rất dễ làm thân, lại có giọng nói ngập ngừng… mà nghe thấy hay như những bài thơ”.  Bình bài thơ “Lên Cơn” của Lê Thiên Minh Khoa tôi đã viết: “Đọc bài thơ ta thấy chất nghệ sĩ khùng khùng thật đáng yêu, và trong ta biết bao xao xuyến trong lòng  khi liên tưởng cuốn phim quay cảnh đi, về của anh người rừng làm thi sĩ đang yêu”. Bài thơ ấy như sau:
                    
Từ trong góc núi lên cơn                     
Về góc phố hỏi em còn đó chăng                    
Ngó lên ngó xuống ngó quanh                      
Uống ly đen nóng lại băng về rừng                      
Hôm sau thèm được lên cơn                      
Về góc phố hỏi còn không cô nàng…
 
 Vậy ai muốn biết kỷ hơn cái khùng của Khoa thì tìm bài viết nói trên mà đọc.
Bây giờ xin bàn thêm về Khoa một chút:
Lê Thiên Minh Khoa bộc bạch cái khùng của mình:                   
 
Ta giờ nửa phật nửa ma                  
Đành xin hẹn để ta bà với em                   
Ru rồi, ru nữa, ru thêm                   
Ru thênh thang tóc ê hèm trắng phau                         
(Đùa với nhà thơ Quảng Trị)
 
Nửa Phật nửa ma thì đã nghi là khùng rồi, lại hẹn em ở cõi ta bà để ru nhiều như thế thì không khùng mới lạ, có thể là gọi là điên như Bùi Giáng nữa kia.                                    
 
Đi dọc rồi lại đi ngang                     
Đi lên đi xuống đi làng nhàng chơi                     
Bỗng người lạ mặt quàng vai                     
Thì ra tôi gặp thằng tôi ấy mà?                            
(ĐI…)
 
Không khùng nặng thì đi lang thang làm gì nhiều thế? Không khùng nặng mà lại thấy ảo tưởng mình ôm vai mình à?    
                
Ta ra giữa phố la làng                     
 
Từ trên hoang phế lạc đàng xuống đây…                      
Đi từ cõi giữa bao vây                       
Trở về như thể ngây ngây tà tà…
 
Thế thì hết chối rồi nhé! La làng giữa phố, ngây ngây tà tà chính là khùng chính hiệu. 
 

To Doan


Bây giờ nói về khùng của To Doan:
 
Trước đây tôi có viết bài “Đọc Truyện Đời Tôi của Nguyễn Thị Ngọc Diệp”. Nguyễn Thị Ngọc Diệp là tên thật của To Doan. Trong bài viết ấy có một đoạn như sau: “Bằng những lời văn không chuyên, lối văn chấm, phết, sắp xép câu từ không đúng cú pháp nhưng vẫn trôi chảy, mạch lạc, tác giả đã cuống hút người đọc say mê theo dõi câu chuyện, gây cảm xúc cho nhiều người phải rơi lệ. Nếu không nói quá thì một cách vô thức, Nguyễn Thị Ngọc Diệp đã tạo ra một phong cách viết độc đáo mà các nhà văn chuyên nghiệp cũng khó mà làm được như thế.”
 
Hồi ký “Chuyện Đời Tôi”của Nguyễn Thị Ngọc Diệp đã làm rơi nước mắt của không biết bao nhiêu bạn facebook. Ai đọc chắc cũng thấy cái khùng của một con bé rất nghèo, 1o tuổi còn ở truồng, với những trò chơi nghịch ngợm cùng chàng trai yêu bé đơn phương. Lớn lên cô bé ấy cũmg khùng nên mới không biết một chữ a,b tiếng Việt mà học được rành tiếng nước Đức, rồi trở thành một y tá đa tài của ngành y khoa nước họ. Thế nhưng cái khùng của Nguyễn Thị Ngọc Diệp là cái khùng của một tâm hồn vô tư chất phác, của bản năng vươn lên để sinh tồn. Nghịch cảnh của cuộc đời xảy ra cho một tâm hồn chơn chất đã tạo nên cái khùng đáng yêu và cao thượng. Vậy ai muốn biết cái khùng của cô bé nhà quê ấy nó đẹp ra sao xin mời vào dòng thời gian facebook có tên To Doan mà đọc.
 
To Doan tìm đến những người bạn như Lê Thiên Minh Khoa để những ngọn đèn sáng khác màu làm lung linh cuộc sống! Thế nhưng, tuy khác nhau về mọi mặt, chẳng phải To Doan không có gì giống Lê Thiên Minh Khoa. Họ ở xa ngàn dặm mà tìm đến nhau thì không tri kỷ cũng là tri âm. Nếu họ không có cái khùng tương ứng thì họ không gặp nhau rồi. Hãy đọc một vài câu cảm tác của To Doan, một phụ nữ chưa biết làm thơ. Đây chỉ là những cảm tác mà tác giả nói ra bất ngờ, chỉ để gởi đến bạn bè trên trang facebook:      
 
Khi đứng bên vách đá:                                                             
Chỉ cần gần đá                              
Đã thấy cứng như đá.                              
Hãy tin vào chính mình.                              
Không tin lời lẽ ngọt ngào.
 
Nhờ đá mới tin vào mình phải chăng là cái khùng ý vị?
 
Nơi thâm sơn cùng cốc:   
                                          
Rất hạnh phúc nơi này.                                             
Nơi mà em đã tìm kiếm bấy lâu nay...                                            
Danh lam thắng cảnh là đây...                                             
Chỉ một mái tôn và vách ván                                               
Lổ đổ mục theo thời gian.
 
Cái khùng vì trốn phồn hoa để tìm kiếm mình nơi rừng rú.
 
Ca hát viễn vông:                             
 
Cô gái quê lê thê đếm bước.                           
Cô gái quê tha thiết mộng ban đầu.                            
Cô gái quê ngỡ ngàng khi vỡ mộng.                            
Cô gái quê trân trọng câu duyên thề.                            
Và từ đó cô gái quê chỉ muốn về quê.                             
Quên câu thề, quên người đã hứa.                             
Quên phổ phường quên hết giàu sang.                             
Mang tâm hồn quê mùa chất phác                             
Về quê ta hát ta hò đồng xanh gốc rạ con cò bay bay.
 
Hãy tưởng tượng một cô gái áo quần bạc thếch, tay cầm một nhánh cây vừa đi vừa hát, sẽ thấy ngay một hình ảnh khùng hiện ra trước mắt.
 
 Ở Guten Morgen:                                        
 
Bình minh quê em...                                       
Một sáng mùa thu..                                       
Không có sương mù                                       
Không có anh bên em..
 
Bài nầy có khùng không? Chưa biết làm thơ mà ghép vần một bài tứ tuyệt hay đến thế thì chắc chỉ khi khùng lên mới nói được.
 
Và đây là khùng thật sự, đem mình so với bò:                                                                               
Bò quê có vợ có chồng.                                       
Em đây còn mãi độc thân quớ trời.                                        
Bởi anh lỗi hẹn đó thôi...                                      
Hay em xấu xí nên anh không thèm...
 
Người viết bài nầy chỉ cảm xúc tấm ảnh bạn mình chụp với nhau mà nói lan man dài dòng. Tất nhiên hai người họ không khùng, vì nếu họ khùng thì tôi mới chính là người khùng trước, bởi có khùng mới đi tôn vinh người khùng thế ấy. Gọi họ là khùng vì tính chất của họ đẹp hơn người thường. Thật ra, tôi yêu mến họ vì thật sự họ là hai tâm hồn nghệ sĩ. Thơ văn của họ hay, hay dở thì tùy theo nhận xét của mỗi người, nhưng tánh lãng mạn, nghệ sĩ trong nếp sống của họ thì không chê trách được, như một bài thơ hay để đời thưởng thức.
 
Cuối cùng tôi thành thật xin lỗi những ai không đồng tình với bài viết của tôi. Đời không có cái gì như ý cho tất cả mọi người.
                                      
Châu Thạch

READ MORE - HAI CÁI KHÙNG ĐẸP GẶP NHAU! - Tản mạn của Châu Thạch

RU TÌNH, HƯƠNG SEN – Thơ Nhật Quang

 
 

     
RU TÌNH
 
Ru tình… tôi gửi hồn thơ
Về bên cánh võng êm mơ… giấc nồng
Dịu dàng áo lụa Hà đông
Môi cười, má lúm thêm hồng nét duyên
 
Ru tình… tôi với ước nguyền
Men đời ngọt, đắng vẫn nguyên ý lòng
Nồng nàn em - ấm tay hong
Lời yêu trong mắt đã đong đầy tình
 
Ru tình… tôi gửi chuyện mình
Giấu vào tim một bóng hình quen xưa
Nhớ thương rồi cũng như mưa
Tan theo bọt nước cho vừa… xót xa!
 
 
HƯƠNG SEN
 
Hương sen ngan ngát dịu dàng
Hồ xanh xanh biếc, nắng vàng lung linh
Sen hồng đơm nụ trắng trinh
Nở mùa hoa mộng thắm tình đôi ta
 
Anh về dệt khúc tình ca
Em về đan những thiết tha bên đời
Nhụy vàng ươm, lá xanh tươi
Cánh hồng hương thắm say lời tình thơ
 
Hồn anh ủ ấp mộng mơ…
Tim em réo rắt đường tơ thắm nồng
Tay nâng niu đoá sen hồng
Gần bùn vẫn ngát hương lòng thanh tao.
                                      
Nhật Quang

READ MORE - RU TÌNH, HƯƠNG SEN – Thơ Nhật Quang

TIẾNG DIỀU BAY, CÁNH THƯ CUỐI HẠ - Thơ Tịnh Bình

 
 
             Nhà thơ Tịnh Bình



TIẾNG DIỀU BAY
 
Thổn thức mùa gió cũ
Thổi qua miền tuổi thơ
Triền đê hoa cỏ dại
Thầm thương nhớ vô bờ
 
Nhặt ngày xưa xa lắc
Hồn nhiên cọng cỏ gà
Ngây thơ trò trận giả
Sáo diều còn ngân nga
 
Thương những chiều xa ngái
Mùa ấu thơ xanh ngời
Buông mình trên vạt cỏ
Ngắm cánh diều lặng trôi
 
Ngày về nghe man mác
Khoảng trời quê trong ngần
Kéo từng sợi gió mềm
Tiếng diều bay thinh lặng...
 
 
CÁNH THƯ CUỐI HẠ
 
Không thấy nữa loài hoa mơ mộng tím
Từng nhuộm đỏ khoảng trời
Màu phượng cháy về đâu ?
Bầy ve hạ rủ nhau đi biền biệt
Thinh lặng vòm xanh nỗi nhớ khúc nhạc sầu
 
Rồi hiu hắt nắng mưa qua lơ đãng
Mùa ve xưa chưa kịp bắc nhịp cầu
Cầm tay hạ mới hôm nào lưu luyến
Ngan ngát đỉnh trời vụng rắc giọt ngâu
 
Thì thôi vậy lỡ chuyến đò rời bến
Hạ sang sông mùa trăng cũ xuôi dòng
Lặng lẽ giấu cánh thư vào ngực áo
Không phải chiều sao khói sóng mênh mông...
 
TỊNH BÌNH
(Tây Ninh)
 
READ MORE - TIẾNG DIỀU BAY, CÁNH THƯ CUỐI HẠ - Thơ Tịnh Bình

HOÀNG VĂN LỊCH, NGƯỜI ĐÓNG TÀU CHẠY BẰNG MÁY HƠI NƯỚC ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM - Lê Quang Thái

 

Tàu chạy hơi nước của Pháp cùng thời với tàu của VN,
Ảnh từ thanhnien.vn.

HOÀNG VĂN LỊCH, NGƯỜI ĐÓNG TÀU CHẠY BẰNG MÁY HƠI NƯỚC ĐẦU TIÊN Ở 

VIỆT NAM

  Lê Quang Thái

 

     Kể từ khi Denis Papin sáng chế ra chiếc tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên trên thế giới (năm 1707) , mãi cho đến 131 năm sau, nước Đại Nam mới mua được chiếc tàu chạy máy thay thế cho thuyền chèo bằng tay hoặc thuyền buồm nhờ sức gió đẩy.

     Trước mốc thời điểm ấy, vào đầu thế kỷ thứ 19 - kỹ thuật đóng thuyền chèo, thuyền buồm dưới thời Vua Gia Long đã được những du khách nước ngoài đến thăm Việt Nam như Cnau Furd phải nhìn nhận và đánh giá là tiến triển và đạt tới trình độ tương đối hoàn hão.

     Theo ĐẠI NAM NHẤT THỐNG CHÍ, Cơ quan trung ương theo chỉ đạo việc đóng tàu thuyền là Vũ khố thuộc bộ Công, dưới quyền điêu khiển của một chức quan (Hàm Lang trung). Cơ quan trực tiếp thi công đóng tàu là Sở Vũ khố đốc công thuộc Vũ khố). Đứng đầu Sở Vũ khố đốc công có chức quan Giám đốc hay còn gọi là Đốc công ( ngang hàng viên ngoại Lang). Chức quan này do Bộ binh bổ nhiệm, nhưng thuộc quan và thợ thuyền do bộ Công quản lý. Ngoài ra, Sở Vũ khố đốc công còn làm nhiệm vụ chế tạo khí giới và đúc súng thần công. Năm 1838, Minh Mạng thứ 19, Nhà Vua sai Vũ khố dựa theo tàu Tây dương đóng thành tàu chạy bằng hơi nước Đại Nam.

 

     Trước khi bắt tay vào công việc, triều đình Huế tặng thưởng cho Sở Đốc công Vũ khố 100 quan tiền, tạo niềm hưng phấn tinh thần cho đội ngũ thợ thuyền...

     Một năm sau, vào mùa xuân 1839, bộ công dâng trình Vua Minh Mạng cho chạy thử chiếc tàu chạy máy hơi nước mới đóng được trên dòng sông Hương.

     Vua chuẩn y. Khâm thiên giám chọn ngày lành tháng tốt cho lễ hạ thủy, được tổ chức long trng5. Tháng tư năm ấy, Vua Minh Mạng ngự ra xem với lòng đầy tin tưởng vào cuộc thử nghiệm sẽ thành công. nào ngờ, nồi hơi bị vỡ, tàu không tài nào chạy được ! Vua nổi giận lôi đình, cách chức quan bộ Công, tống ngục Ban Đốc công và chuyên viên chờ đình thần xem xét mà luận tội !

 

     Cuộc thử nghiệm thất bại. Nhưng chỉ vào tháng sau, Tân Giám đốc Hoàng Văn Lịch cùng với những cộng sự của mình tại Sở Đốc công vũ khố _ ngày đêm nghiên cứu tìm tòi, mới sửa chữa được hỏng hóc kỹ thuật. Bộ Binh cùng Bộ Công đốc suất Sở Vũ khố đốc công cho thử nghiệm vận hành chiếc tàu chạy bằng hơi nước ở dòng sông An Cựu. Kết quả đã thành công như ý muốn. Đánh dấu một sự kiện lịch sử trong việc áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật và ngành đóng tàu của Việt Nam.

     Sự kiện lịch sử ấy được ghi lại như sau : "Ngài (Vua Minh Mạng) ngự chơi cầu Bến Ngự, xem thí nghiệm tàu chạy bằng hơi nước - Khi trước Sở Vũ khố chế tạo tàu ấy, đem chở ra sông, giữa đàng vỡ nồi nước, máy không chạy được người Đốc công bị xiềng, quan bộ Công là Nguyễn Trung Mậu, Ngô Kim Lân, vì cớ tâu không thiệt đều bị bỏ ngục. Bây giờ chế tạo lại, các máy móc vận động lanh, thả xuống nước chạy mau. Ngài ban thưởng cho Chánh Giám đốc Hoàng Văn Lịch cùng người phụ tá Vũ Huy Trinh mỗi người một nhẫn pha lê độ vàng, một đồng tiền vàng Phi long hạng lớn. Đốc công và binh tượng được thưởng chung 1.000 quan tiền. Ngài truyền rằng "Tàu này mua bên Tây cũng được, nhưng muốn cho công tượng nước ta tập quen máy móc cho khéo, vậy nên chẳng kể hao phí gì". (Quốc triều chính biên).

 

     Nhà vua quan niệm rằng, thưởng hay phạt đều có căn cơ, phải dựa vào lẽ, kỹ cương, phép nước được đặt lên hàng đầu, khiến ai cũng phải tôn trọng. Phương châm quyết định việc thưởng phạt là "có công thì thưởng, có tội thì răn". Cách đây trên 150 năm, ví muốn cho đất nước tiến bộ, Vua Minh Mạng thưởng phạt công minh, không quản ngại tốn kém ngân sách quốc gia để thực thi những công cuộc duy tân xứ sở, mà việc sáng chế máy móc, thuốc súng, khai mõ và đóng tàu thuyền chạy bằng hơi nước là những bằng cớ tiêu biểu.

 

     Vào thời bấy giờ, Chánh Giám đốc Sở Vũ khố đốc công là Hoàng Văn Lịch, người làng Hiền Lương, huyện Phong Điền, Phủ Thừa Thiên. Một làng văn hiến, nổi tiếng về nghề rèn và cơ khí. Ông đã cùng với thuộc viên và thợ thuyền trong binh xưởng chế tạo thành công tàu chạy bằng máy hơi nước đâu tiên của nước ta. Là người trực tiếp đứng mũi chịu sào , Giám đốc Hoàng Văn Lịch được nhà Vua thọ phong tước Lương _ Sơn _ Hầu và nhiều bỗng lộc khác nữa. Thành công này do Hoàng Văn Lịch đã khéo tập hợp và lựa chọn những người thực sự có tay nghề cơ khí cao, có tinh thần yêu chuộng khoa học kỹ thuật tiến bộ. Phần lớn những cộng sự của ông và thợ thuyền ở Công binh xưởng đều là người làng Hiền Lương và những tay thợ cơ khí giỏi trong nước được điều động về làm việc ở Sở Vũ khố đốc công tại Kinh đô (Nay là Khu vực Phường Thuận Hòa thành phố Huế). Sức đóng góp của những nghệ nhân và thợ thuyền của dân gốc làng Hiền Lương là đáng ghi công trong những thành tựu về chế tạo vũ khí, chế thuốc súng và đóng tàu thuyền của Việt Nam thế kỷ thứ mười chín.

 

     Trước thành tựu đạt được về khoa học kỹ thuật bước đầu, khiến nhà Vua vui mừng lao theo việc đóng thêm một chiếc tàu lớn, phí tổn lên tới 11.000 quan tiền vào tháng 10 năm Kỷ Hợi 1839. Với đà  tiến ấy, vào mùa mùa hạ năm Canh Tý - 1840, triều đình Huế lại quyết định đóng thêm chiếc tàu hạng trung kiểu mới. Vua Minh Mạng ủy quyền cho Sở Vũ khố đốc công; dựa vào chiếc tàu chạy bằng hơi nước hạng lớn mới mua về để định lại mực thước, thiết kế bản vẽ kỹ thuật mà chế tạo tàu mới.

     Chánh Giám đốc Sở Vũ khố đốc công Hoàng Văn Lịch, cùng thuộc viên, binh tượng, thợ thuyền lại có điều kiện phát triển tài năng. Sách ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN cho biết những đặc điểm cụ thể của chiếc tàu hàng trung kiểu mới như sau : "Thân tàu dài 5 trượng, 4 thước, ngang 9 thước, sâu 4 thước 3 tấc 6 phân. Nồi chứa nước dài 6 thước 5 tấc, ngang 5 tấc, cao 4 thước 1 tấc, trục bánh xe guồng hai bên làm dài thêm 2 thước. Tay guồng 12 cái vẫn làm bằng sắt duy ván tay lái làm bằng gỗ lim dài 3 thước 3 tấc, mặt 9 tấc, hai trục bánh xe guồng làm thêm mỗi bên một cái tổ trục bằng đồng, tùy tiện mà làm, ván thân tàu bằng gỗ tử, gỗ đỗ cũng được, ván chỉ dày 8 phân... "

     Kể từ lúc khởi sự đóng tàu chạy bằng máy hơi nước cho đến tháng 4 năm Canh Tý 1840, Minh Mạng thứ 21 dưới sự chỉ huy của Giám đốc Hoàng Văn Lịch, Sở Vũ khố đốc công đã đóng được 3 chiếc tàu chạy bằng hơi nước :

     - Khởi công 1838 (Minh Mạng 19) đóng tàu nhỏ và hoàn thiện vào đầu mùa hạ năm 1839.

     - Mùa Hạ năm Canh Tý 1840 đóng thêm tàu hạng trung kiểu mới.

     Đây là thành tựu rực rỡ của ngành công nghiệp đóng tàu chạy bằng máy hơi nước đầu tiên của Việt Nam. nên vào tháng 7 cùng năm (1840), Vua Minh Mạng đích thân đặt tên cho 3 chiếc tàu : Tàu lớn gọi là Yên Phi, tàu hạng trung gọi là Vân Phi, tàu nhỏ gọi là Vụ Phi. tên tàu nào cũng đẹp và đều có ý nghĩa. Danh hiệu của tàu đều được khắc chữ vàng ở đằng sau bánh lái. Thành tựu vinh quang của nước Đại Nam vào giữa thế kỷ 19 trong đó có sự cống hiến lớn lao của một công trình sư, Hoàng Văn Lịch, và những bàn tay khéo léo của binh tượng, thợ thuyền của Sở Đốc công vũ khố.

 

     Sách ĐẠI NAM THỰC LỤC CHÍNH BIÊN, ghi lại nhiều chi tiết về nguồn gốc và cách chế tạo của binh xưởng như sau :

     "Tàu Yên Phi khi mới mua ở Tây Dương về, máy móc nhiều chỗ han rỉ, nồi sắt cũng rò nước, chạy thử chưa được nhanh nhẹ, đã sai đốc công, sức thợ tháo ra xem xét, mài dũa từng cái, sửa chữa chỉnh đốn, lại ráp vào như cũ cho cùng với thuyền hiệu Bình Hải ra biển chạy  thử từ cửa Thuận An đến đồn Đà Nẵng, đi về hai lần tàu chạy máy hơi nước được chạy nhanh hơn (thuyền Bình Hải vẫn có tiếng là lanh lẹ), Vua ban thưởng Chánh giám đốc Hoàng Văn Lịch và cộng sự Vũ Huy Trinh, đều gia một cấp, áo quần đều mỗi người hai cái. Còn các thợ thì thưởng 300 quan tiền".

     Tiếc thay, chính sử của triều Nguyễn không ghi lại rõ về sức tải cùng vận tốc đạt được, với những ổ súng đại bác đặt trên đó và có thể chở được bao nhiêu thủy thủ, cùng binh lính trên chiếc tàu Yên Phi?

     Tuy vậy, những cuộc thử nghiệm chế tạo tàu chạy bằng máy hơi nước đầu tiên đã thành công vẻ vang, vượt ra ngoài dự tính cả về năng lực, lẫn thời gian. Trên đường sông cũng như đường biển, tàu máy rẽ sóng lao đi. Châu bản triều Minh Mạng 19 đã khẳng định "Tàu chạy rất mau, không kể gió, nước ngược xuôi, không cần người chèo".

     Thành công lớn ấy chính là do quyết tâm cách tân và ý chí tự cường của Vua Minh Mạng. Một cống hiến vượt bậc của Tổng công trình sư Hoàng Văn Lịch _ người thực thi một trong những chương trình duy tân, đã dám gắn liền cả sinh mạng của chính mình cùng cộng sự, binh tượng, thợ thuyền dân làng Hiền Lương vào sự phát triển ngành cơ giới trong việc vận tải bằng đường thủy.

 

     Than ôi ! Khi Vua Minh Mạng qua đời , các vị vua kế vị đã không làm nỗi một chương trình nào cách tân để phát huy thành quả huy hoàng kế thừa những gì mà ông để lại, nhằm đưa đất nước vươn lên !!!

     Mấy chục năm sau, vào đầu thế kỷ 20 - một vị quan triều Nguyễn đã miêu tả, còn ca tụng cảnh tàu biển thần kỳ vượt sóng nước, qua bài thơ nôm "Ngồi tàu thủy qua biển".

     " Đầu rồng lướt sóng phun bông bạc,

       Chân vịt quay chèo trổ cánh sen ... "

 

     Thật là tuyệt, dưới triều Minh Mạng - chỉ trong vòng ba năm (1838 - 1840) dồn đẩy nhiều cải cách duy tân tiến bộ. Sở đốc công vũ khố dưới sự chỉ huy của "Lương - Sơn - Hầu  Hoàng Văn Lịch" đã dựa vào khuôn mẫu tàu chạy bằng hơi nước mới mua được của Tây Dương, phỏng theo rồi chế tạo đóng mới thành công ba chiếc tàu chạy bằng máy hơi nước "Yên Phi, Vân Phi, Vụ Phi". Tất cả ghi dấu ấn cái mốc Lịch sử về giao thông vận tải và sự phát triển không ngừng của nền chế tạo máy của nước Việt Nam.

 

Huế 1991

Nguồn:

Trang web của Làng Hiền Lương

 - https://sites.google.com/site/langhienluong/hien-luong-chi-luoc/phan-phu-luc

READ MORE - HOÀNG VĂN LỊCH, NGƯỜI ĐÓNG TÀU CHẠY BẰNG MÁY HƠI NƯỚC ĐẦU TIÊN Ở VIỆT NAM - Lê Quang Thái