Tác giả Nguyễn Bàng
MẤY
CẢM NGHĨ CUỐI NĂM VỀ
TRANG
VĂN NGHỆ QUẢNG TRỊ
Chỉ còn vài ba ngày nữa là năm 2018 sẽ hết và năm mới
2019 sẽ bắt đầu. Vậy là sắp hết một năm tôi thường xuyên đọc Văn Nghệ Quảng Trị,
một trang mạng THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI YÊU MẾN
QUẢNG TRỊ.
Những nhà sáng lập trang web đã chọn hình một hình ảnh
đầy ý nghĩa làm trang bìa cho tờ báo. Đó là bức hình thành cổ Quảng Trị khiến vừa
nhìn thấy, người đọc đã nhớ ngay ra đây là
một toà thành đã được xây dựng từ đầu thời vua cha Gia Long nhà Nguyễn,
rồi tiếp theo là vua con Minh Mạng, ban đầu đắp bằng đất đến năm 1837 thì mới
được xây bằng gạch.Trong lịch sử thời phong kiến, thành Quảng Trị là là trung
tâm chính trị, kinh tế, quân sự của tỉnh Quảng Trị, là tiền đồn quân sự quan trọng
bảo vệ kinh đô Phú Xuân - Huế từ phía Bắc.
Không chỉ thế, bức hình còn nhắc nhớ mọi người: Khu di
tích Thành cổ Quảng Trị được xem là nghĩa trang liệt sỹ quốc gia thứ 3 của tỉnh
Quảng Trị. Nơi đây, hàng vạn những người con trên khắp mọi miền đất nước đã ngã
xuống trong trận đánh ác liệt 81 ngày đêm mùa hè đỏ lửa năm 1972. Được xếp hạng
di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2013 và hiện nay được xem là điểm đến tâm
linh hằng năm thu hút hàng triệu lượt khách du lịch đến thăm viếng tri ân các
Anh hùng liệt sỹ đã hy sinh cho sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước.
Bởi vậy dòng chữ nêu rõ tôn chỉ và mục đích của Văn
Nghệ Quảng Trị là: THUẦN TÚY VĂN HỌC NGHỆ THUẬT CỦA NGƯỜI QUẢNG TRỊ VÀ NGƯỜI
YÊU MẾN QUẢNG TRỊ là một slogan đã được
chắt lọc kỹ càng rất đúng và rất hay.
Năm 2018, Văn Nghệ Quảng Trị cũng đã tròn 10 năm đến với
bạn đọc trong và ngoài nước.
Nhìn vào Thư viện Tác giả và Thể loại, bạn sẽ ngợp mắt
trước các con số thống kê dày đặc nhưng rất khoa học. Có đến cả nghìn tên tác
giả có mặt ở khắp ba miền đất nước và cả hải ngoại như Mỹ, Đức, Pháp, Anh, Úc…gửi
bài về cho Văn Nghệ Quảng Trị. Cho đến nay, tờ báo đã đăng tải tới trên 7000
bài thơ, trên 500 bài bình thơ, trên 500 truyện ngắn và hàng trăm các bài khác
thuộc nhiều thể loại như tản văn, tạp bút, tuỳ bút, hồi ký, phiếm đàn, phiếm luận,
phỏng vấn, sưu tầm. Không chỉ thế, Văn Nghệ Quảng Trị còn đưa lên khá nhiều bản
nhạc và video clip nghe nhìn rất bổ ích và lý thú. Đúng là một thực đơn phong
phú của văn chương nghệ thuật chứng tỏ những người phụ trách biên tập rất có
tay nghề làm báo và đã bỏ nhiều công sức để đưa các bài đó lên trang báo bền bỉ
suốt 10 năm qua nói chung và năm 2018 nói riêng.
Bạn đọc hẳn sẽ vô cùng khâm phục sức viết dồi dào của
nhiều tác giả khi nhìn vào số bài của họ đã đăng trên Văn nghệ Quảng Trị như:
Chu Vương Miện (gần 500 bài), Trúc Thanh Tâm (trên 400 bài), Châu Thạch, Huy
Uyên (trên 300 bài), Nguyễn Khôi, Đặng Xuân Xuyến, Hoàng Yên Lynh, Trần Mai
Ngân (trên 200 bài),…Nhà văn Nguyễn Khắc Phước và Nhà thơ Phú Đoàn (La Thuỵ) mặc
dù rất bận với công việc biên tập cho Trang nhà, mỗi người cũng có trên dưới
100 bài viết.
Tuy theo tôn chỉ Thuần tuý văn học nghệ thuật nhưng
các bài đã đăng trên Văn Nghệ Quảng Trị cho ta thấy các tác giả không hề coi
văn chương là một thú chơi, chạy theo thế giới mộng tưởng, thoát li, chơi vơi
trong tháp ngà, chỉ chú trọng tới vẻ đẹp ngôn từ, vẻ đẹp của chữ nghĩa mà tất cả
đều đã không làm ngơ trước những sự kiện đang diễn ra quanh mình, thực hiện được
chức năng chân chính của ngòi bút là phản ánh cuộc sống, chú tâm tới hiện thực
đời sống đang diễn ra với bao lo toan về sự bình yên, thịnh trị và phồn vinh của
trăm họ, tôn lên cái cao đẹp của cuộc sống và con người, phê phán những cái xấu
cái ác, đặc biệt là cái xấu cái ác của bọn sâu mọt hôm nay trong xã hội để bảo vệ con người và cuộc sống. Họ viết về họ
và những người dân quanh họ sống, làm việc, yêu thương, căm ghét, đau khổ, hy vọng
và mơ ước…Trong số cả ngàn cây bút có bài trên Văn nghệ Quảng Trị, có tác giả
đã thành danh nhà văn nhà thơ, nhà biên khảo…, cũng có tác giả đang chỉ là người
viết. Dù đã hay chưa thành danh nhà này nhà kia, hiển nhiên tất cả họ đều là những
người yêu Văn nghệ và yêu Trang Văn nghệ Quảng Trị và cùng chung nhau cái căn “dính vào duyên bút mực” như Nguyễn Bính
thuở xưa đã từng nói. Không ai bắt họ viết nhưng trái tim họ đòi hỏi họ phải viết
về những cái tốt, cái xấu của con người và xã hội để hướng con người tới cái chân- thiện- mĩ.
Để khỏi phải tra cứu thư viện hàng ngàn bài, ta chỉ cần
đọc các tiêu đề một số bài gần đây sẽ thấy ngay điều đó: Ký hoạ một nông trường,(Lê Thiên Minh Khoa) Ở bệnh viện, Hồi ức năm
tháng (Hoàng Yên Lynh), Về lại Tuy Hoà (Huy Uyên), Dòng xoáy cuộc đời, Lần trở
lại Củ Chi (Trúc Thanh Tâm), Cảm nhận về
địa danh ở vùng đất Lagi (Bình Thuận) khi đọc tập sưu khảo “La Gi đất
xưa…của Phan Chính (La Thuỵ), Chuyện quê, Bạn quan, Quê nghèo (Đặng Xuân Xuyến)…
Nói đến trang Văn Nghệ Quảng Trị mà không nói tới những
người đã sáng lập và chăm lo cho trang web thì thật đáng trách. Theo lời nhắn ở
đầu trang:
Thư từ, bài vở xin gởi về 1 trong 3 hộp thư sau:
ngkhacphuoc@gmail.com,
phudoan56@gmail.com,
vanngheqt@gmail.com
Tôi nghĩ rằng bác ngkhacphuoc là nhà sáng lập trang
web, nhưng đồng thời biết kết hợp chặt chẽ với bác Phú Đoàn làm hai cây bút biên tập chính cho Văn Nghệ
Quảng Trị. Suốt một năm qua tôi và hàng trăm bạn đọc luôn nhận được, khi
mỗi ngày, khi hai ba lần mỗi tuần những lời thư rất quen thuộc và chân tình như
sau để biết trang web vừa cập nhật bài mới:
THƠ
VĂN MỚI ĐĂNG TRÊN VNQT
Phu Đoan
tới …
MỜI XEM:
……………
Qua những email này ta thấy công sức của bác Phú Đoàn
cần mẫn chăm lo cho trang Văn nghệ Quảng Trị và ân cần chăm lo cho bạn đọc là rất
lớn và rất đáng trân trọng.
Bên cạnh trang Văn nghệ Quảng Trị, bác Phú Đoàn còn mở
thêm một trang web cá nhân: BÂNG
KHUÂNG
(http://phudoanlagi.blogspot.com/)
Trang web này đưa các bài viết hiện lên trên một cái nền
toàn gam màu xanh hoặc đen nhạt, khi thì đăng bài mới riêng biệt nhưng hầu hết
là đăng lại các bài đã đăng trên Văn Nghệ Quảng Trị mà nội dung đều dẫn người đọc
đến những cảm xúc bâng khuâng buồn thương, tiếc nhớ lâng lâng trong lòng dạ. Chẳng
hạn như gần đây, đọc xong bài “Cây Phiền
Muộn” của Trần Mai Ngân, tôi cũng thấy trong lòng mình “một sự
trống vắng... và một nỗi buồn không thôi.” như câu thơ kết. Hay khi đọc và
nghe xem clip “Trường học cũ, ơi 10A3”
thơ La Thuỵ do chính tác giả diễn ngâm, lòng tôi bỗng dạt dào nỗi bâng khuâng
nhớ về những ngôi trường cũ một thuở đã đến với đời mình. Hoặc đọc xong bài ĐỂ
HIỂU NGHĨA CÂU NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN của Hoàng Đằng rồi Nguyên Lạc thì đúng
là lòng mình bâng khuâng đứng giữa không phải là hai mà đến ba bốn cách hiểu khác
nhau, không biết chọn cách nào cho phải?
Nhân đây cũng xin nói, bác Phú Đoàn, một trong hai cây
bút biên tập chính trang Văn nghệ Quảng Trị thật là một người đa tài. Đang là
nhà thơ La Thuỵ Phú Đoàn thoắt bỗng biến thành nghệ sĩ La Thuỵ diễn ngâm các
khúc ca hoặc các bài thơ với một chất giọng ấm áp và đầy truyền cảm.
Tôi có giới thiệu cho ông bạn hàng xóm biết trang Văn
nghệ Quảng Trị. Ông nói ông rất thích đọc nhưng có chút băn khoăn:
- Bài nào cũng có chân dung tác giả. Đó là một việc
làm vừa thể hiện sự trân trọng người viết vừa gợi mở cho người đọc hình dung được
văn và người một cách tế nhị. Nhưng nếu có thêm được hình ảnh minh hoạ cho bài
viết, nhất là các bài thơ và truyện ngắn thì thật là hoàn mỹ. Tôi có cái thú là
xem minh hoạ trước (nếu có) rồi mới đọc bài viết. Nhưng tôi biết yêu cầu của
tôi là quá cao vì trang web ngồn ngộn bài vở gửi về như thế thì thì giờ đâu cho
các nhà biên tập tìm được đủ hình ảnh để minh họa cho từng bài.
Rồi ông bảo tôi:
- Hiện nay, nhiều người đọc đang thực sự chán ngấy với
nhiều tờ báo giấy thuộc loại hình Văn nghệ trên cả nước kể cả tờ Văn nghệ của Hội
Nhà văn Việt Nam có một lịch sử vẻ vang từ 1948 với cái tên khai sinh Tạp chí
Văn nghệ, tập hợp hầu hết văn nghệ sĩ tên tuổi thời tiền chiến và một số mới
gia nhập và suốt nhiều chục năm sau được mọi tầng lớp độc giả trên cả nước mua
và đọc thì giờ đây do giá báo tăng do bài đăng trên báo kém chất lượng nên ế ẩm
đến nỗi Hội Nhà văn phải đặt mua 1.000 tờ cho khoảng 1.000 hội viên của mình,
khiến Hội nợ nần cả tỷ đồng mỗi năm vì không thanh toán được. Đã thế, Văn Nghệ
lại dở chứng đăng một số tác phẩm đã gây bão dư luận trên công luận và mạng xã
hội mà điển hình là truyện ngắn “Bắt đầu và kết thúc” của Trần Quỳnh Nga
ca ngợi một kẻ bán nước, và thi vị hóa "tình yêu" của một công chúa Đại
Việt với một tướng giặc nhà Nguyên là điều không thể chấp nhận được!
Văn thơ trên báo giấy thì như thế. Văn thơ trên mạng
bao gồm thơ văn “Blog” và thơ văn “Phây” thì chất lượng chưa cao vì là một đám
đông chưa được sàng lọc nên “thượng vàng hạ cám” đều có hết. Đã vậy, nhiều khi
người ta cũng hay làm vừa lòng nhau, đưa lên nhiều lời khen để vui lòng nhau
trong khi người viết có quyền xoá đi hoặc giữ lại đôi ba cái comment tự lựa chọn
dẫn đến trường hợp một số tác giả ngộ thì nhận về văn chương và người đọc thì
khó bề khẳng định đâu là hay thật, đâu là dở thật.
Trong bối cảnh ấy, Văn nghệ Quảng Trị với 10 năm đồng
hành cùng hàng triệu lượt người đọc thật đáng là một trang văn nghệ đáng đọc!
Tôi cảm ơn ông hàng xóm đã chia sẻ những cảm nhận đó với
tôi.
Trước thềm năm mới 2019, đưa lên vài dòng cảm nghĩ
chân thật này về trang Văn nghệ Quảng Trị, xin được coi như đây là mấy bông hoa
tươi đẹp nhỏ bé tặng trang nhà, tặng những nhà sáng lập, những nhà biên tập một
trang văn nghệ đáng đọc, tặng những người yêu Văn nghệ và yêu Quảng Trị đã cùng
nhau đọc trang web nhiều năm qua.
Chúc tất cả chúng ta một năm mới đầy hạnh phúc, viết
khoẻ viết hay, đọc nhiều, đọc kỹ.
Sài
Gòn 27/ 12/ 2018
NGUYỄN BÀNG
No comments:
Post a Comment