Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, November 14, 2022

GỪNG VÀ MUỐI, EM EM CHỊ CHỊ, ĐEN VÀ ĐỎ - Thơ Chu Vương Miện


 

GỪNG VÀ MUỐI
 
hạt mưối mặn ba năm còn mặn
lát gừng cay chín nước còn cay?
                                     [ca dao]
 
hết tiền tình cũng rã ngay
thôi thì đêm cũng như ngày hỡi ôi
mới là cục đá lưng đồi
đút lò đã hoá thành vôi trắng hều
đầy tiền đầy ắp tình yêu
vơi tiền tình uống thuốc liều đi đoong
tội tình một lũ liền ông?
vo ve cũng giống đàn ong ong ruồi
dư tiền mặt óng vàng tươi
cạn tiền chả có con ruồi bu quanh
cũng là thôi cũng đành đành
giai nhân giờ cũng lâm hành đường xa
thương gần chán quá thương xa
chẳng là kẻ cắp bà già đẹp đôi
đồi mua cũng vẫn là đồi?
đồi sim đồi chẩu đời sồi đồi nưa
trời hành tháng tám chưa mưa?
tháng chín lá đỏ cuối mùa lá bay?
lá bay bỏ lại chốn này?
 
 
EM EM CHỊ CHỊ
 
hôm trước đụng xe tay bị gẫy
nên chi? chẳng viết đặng thư
máy computer đầy virus
nằm đau chờ sửa tới bao giờ?
đôi lúc gọi em bằng điện thoại
chợt nhớ ra rằng đã quá khuya
một người ở Á người ở Mỹ
giờ này chắc em đã đang mơ
mới đó chúng mình sáu bó rưỡi
đập đầu vào vách cũng chả ngờ
chị chả bao giờ về Quảng Trị
làm sao nghe đặng tiếng gà trưa
ba chìm bảy nổi chị lãnh đủ
phận em chịu nổi chín lênh đênh
nước mắt trôi xuôi người lội ngược
chúng ta đốt nát tuổi thơ hồng
đâu nghĩ chỉ có mình lưu xứ
xe rơi xuống đèo rất tự nhiên
cũng may sót lại thân chùm gửi
rách cả trái tim ruột dính chùm?
40 năm lẻ mình gặp lại
nồng nàn theo chùm nhãn Hưng Yên
em vẫn là em cam Bố Hạ
tiếc thay đôi xứ lại đôi miền
 
 
ĐEN VÀ ĐỎ
 
canh bạc có canh đỏ canh đen
có canh lùa vào có canh chi
ra? con người có người đen người
đỏ vàng thì vàng bạc thì trắng
than và lửa thì đỏ? có kẻ
an nhàn có kẻ cực khổ có
kẻ đi trên đường cái có kẻ
lăn xuống hố có kẻ đoàn tụ
với nhau có người vợ bỏ chồng
bỏ có người đi lính khố xanh
ngược lại có người đi lính khố
đỏ? trong bàn cờ tướng có anh
thủ vai tốt xanh có anh thủ vai
tốt đỏ có anh làm lý trưởng
có anh làm thằng mõ? có anh
số đen có anh số đỏ có anh
là cai mỏ than có anh chỉ
lam thợ mỏ? có anh ung dung
ngồ nhậm xà có anh khom lưng
đẩy xe cắt cỏ
 
                     Chu Vương Miện

READ MORE - GỪNG VÀ MUỐI, EM EM CHỊ CHỊ, ĐEN VÀ ĐỎ - Thơ Chu Vương Miện

Sunday, November 13, 2022

YẾU TỐ ĐỒNG TÍNH TRONG THƠ ĐỖ ANH TUYẾN - Đặng Xuân Xuyến

 


YẾU TỐ ĐỒNG TÍNH TRONG

THƠ ĐỖ ANH TUYẾN

*

Đỗ Anh Tuyến làm thơ không nhiều và thơ của anh chủ yếu ghi lại những cảm xúc "chợt đến chợt đi" của tâm trạng cá nhân nên số bài thơ lưu lại trong trí nhớ bạn đọc chắc chỉ ở con số vừa phải so với số lượng bài thơ không nhiều của anh. Thực tình, trong gia tài thơ ngót nghét trăm bài của anh tôi ấn tượng chắc cũng chỉ trên mươi bài mà oái oăm phần nhiều lại là những bài thơ có "vấn đề" về cảm xúc tình cảm trai gái, gây những cảm giác "lạ lạ khó hiểu" với bạn đọc. Bài viết này là chút cảm nhận của tôi về một số bài thơ tình mang “dấu ấn” lạ lạ khó hiểu của Đỗ Anh Tuyến, hoàn toàn không đem ra đo đếm định lượng khen-chê thơ anh bởi Đỗ Anh Tuyến chỉ mượn thơ để ghi lại những cảm xúc "chợt đến chợt đi" của riêng anh như trang nhật ký của tiếng lòng.

Vâng! Thơ tình của Đỗ Anh Tuyến lạ lắm, có gì đó hao hao từa tựa như thơ tình của Nguyễn Tấn Thành tôi đã giới thiệu trong bài "Vài cảm nhận về 2 bài thơ tình của cậu học trò lớp 12" nhưng bi quan hơn, xám xịt màu hy vọng hơn và nỗi đau cũng thật quặn thắt, đắng lòng:

"Đôi chân rã rời sợ đến ngày mai

Bàn tay hư hao lo đêm dài quá

Ánh mắt dửng dưng hai người xa lạ

Bất chợt tìm nhau ứa giọt lệ nồng"

(Mãi niềm cô đơn - Đỗ Anh Tuyến)

Đọc 4 câu thơ mà đau lòng tự hỏi: trên đời này sao lại có người bi quan, tuyệt vọng đến vậy? Hiện tại ư? Là nỗi lo đối diện với những u uẩn lẩn khuất trong cõi cô đơn của chỉ riêng mình: "Bàn tay hư hao lo đêm dài quá". Tương lai ư? Là: "Đôi chân rã rời sợ đến ngày mai"! Một nỗi sợ cụ thể mà lại mơ hồ, một nỗi đau thắt ruột thắt gan mà lại không thể réo gọi thành tên! Yêu ư? Không! Đấy không phải là yêu, càng không phải là tình yêu, mà là sự cộng hưởng xác thịt của 2 kẻ xa lạ: "Ánh mắt dửng dưng hai người xa lạ", đến với nhau chỉ để giải tỏa bức bối cơn khát thể xác, để cùng nhau đồng cảm sẻ chia nỗi đau tận cùng của bi quan, tuyệt vọng: "Bất chợt tìm nhau ứa giọt lệ nồng".

Đọc 4 câu thơ này hẳn nhiều bạn đọc sẽ ngạc nhiên với thứ "tình yêu" lạ lạ đến khó hiểu của "Mãi mãi niềm cô đơn" nhưng nếu đã nghiên cứu về nhân dạng nam hoặc đã đọc những nghiên cứu về nhân dạng nam thì hẳn bạn đọc sẽ ngờ ngợ nhận ra đấy là tình yêu của người đồng tính hoặc song tính thì sự “lạ lạ” sẽ không còn khó hiểu.

Trong cuốn "Điểm yếu của người đàn ông hiện đại", Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành Quý 4 năm 2006, ở bài NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỒNG TÍNH, tôi đã luận bàn: "Điểm chung của người đồng tính là sự “mặc cảm tội lỗi”, tâm lý hoảng loạn, dễ bị tổn thương. Do “không giống ai” trong việc lựa chọn “đối tượng tình dục” và tình yêu của họ không được xã hội chấp nhận nên người đồng tính luôn sống trong tâm trạng mặc cảm, sợ sệt. Với người dị tính (tình yêu thuần khiết với người khác giới), sự thể hiện tình cảm của mình với “đối tượng” thường công khai, được xã hội chấp nhận (trong một chừng mực, hoàn cảnh nhất định), còn người đồng tính thì ngược lại: Âm thầm, lén lút vì sự kỳ thị của xã hội. Đây chính là lý do làm người đồng tính dễ bị tổn thương, luôn sống trong tâm trạng hoảng loạn và “mặc cảm tội lỗi”."

Chính vì thế mà những cuộc tình của người đồng tính, song tính thường mang hơi hướng của tình một đêm, của những "thỏa mãn" tạm bợ, của những "ngọt ngào" dối trá và của những bẽ bàng chua chát sau cuộc tình đậm dấu truy hoan thân xác mà sự thủy chung chỉ được người trong cuộc tính bằng "vài giây ngắn ngủi". Có lẽ đó là những cuộc truy hoan chỉ để thỏa mãn cơn khát được yêu, là cuộc tình éo le vụng trộm không được số đông trong xã hội thừa nhận nên "tình ấy” gấp gáp, "tình ấy” cuống cuồng, thây kệ để sự dối trá lên ngôi:

"Mùi xác thịt nghiến đời nhau tan nát

Mọi ngất ngây hoang lạc thảy tuôn trào

Lời thì thầm ngọt lịm sắc như dao

Sau đêm nay còn chút nào tha thiết"

(Người tình một đêm - Đỗ Anh Tuyến)

Đọc đến đây, có lẽ sẽ có bạn đọc chất vấn: vậy những người từng trải nghiệm tình một đêm đều là người đồng tính hoặc song tính? Không, thưa Quý vị! "Tình" của người đồng tính, song tính là tình của những ẩn ức sinh lý, những tổn thương tâm lý đã gây sang chấn tâm lý nên những cuộc tình của người đồng tính, song tính thường bao hàm sự u uẩn, bi lụy và đau khổ vì tình tuyệt vọng của cả 2 người đang "khát" yêu: “Ta thấy gì đâu sau sắc yêu kiều / Mà ta riết giữa đôi tay thất vọng / Dầu tin tưởng: chung một đời, một mộng / Em là em, anh vẫn cứ là anh / Có thể nào qua Vạn Lí Trường Thành / Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.” (Xa cách - Xuân Diệu), còn tình một đêm của những người dị tính là tình của những người luôn trân quý sự tận hưởng thú vui xác thịt với người khác giới nên không nhuốm màu bi lụy, tuyệt vọng: “Đêm phập phồng, ngực nõn hứng trăng non / Môi đón lưỡi uống hương tình bất tận. / Yêu thương nhé. / Một lần thôi. Là đủ / Ta đâu cần gian díu giữa nhân gian...” (Say yêu - Đặng Xuân Xuyến). Nhưng cũng không hẳn thơ tình của người đồng tính, song tính sẽ luôn có hơi hướng tình một đêm mà khá nhiều bài thơ (nhất là những bài thơ được viết dưới hình thức ngụy trang), nếu nhà thơ không đủ dũng cảm để viết "trắng phớ tất tay" như nhà thơ trẻ Trần Đức Tín (Khét) "bạch hóa" cuộc tình đồng giới của anh với nhà văn Tống Phước Bảo thì bạn đọc sẽ không thể biết đấy là tình luyến ái của người song tính với người đồng tính: "gửi B / chút phong sương còn sót lại / cho những ngày ta nhiễm mặn vào nhau / cây dừa không đậu trái / ngọn lúa không trổ bông / sóng cứ ồ ạt sóng / người di cư / di cư" (Ta nhiễm mặn vào nhau - Trần Đức Tín).

Trở lại thơ tình của Đỗ Anh Tuyến với: Tự hỏiMãi niềm cô đơnKhó gì quên được tìnhNgười tình một đêmGiờ thành quá khứ... đều bao phủ những tủi hờn, tuyệt vọng, những dỗi hờn sậm màu bi lụy xót xa.

Hãy nghe Đỗ Anh Tuyến thổ lộ về "đoạn trường tình" của anh:

"Những mảnh đời đi qua đời tôi

Đậu xuống một đêm vô tình như gió

Như gió mỏng manh giọt sương òa vỡ

Như gió hao gầy tiếng vạc ăn đêm"

(Mãi niềm cô đơn - Đỗ Anh Tuyến)

Anh quy nạp những người tình là "những mảnh đời đi qua đời" anh để chỉ đích danh những ái ân đấy không phải là tình yêu bởi "những mảnh đời" đó đến với anh "vô tình" như gió, chỉ "đậu xuống một đêm" để cùng anh thỏa mãn bức bách sinh lý bị kìm nén chôn giấu bởi những định kiến cố hữu sai lệch với kiến thức khoa học của số đông trong xã hội. Hai câu thơ: "Như gió mỏng manh giọt sương òa vỡ / Như gió hao gầy tiếng vạc ăn đêm" lý giải căn nguyên tại sao Đỗ Anh Tuyến không coi những "đêm ấy" là những "đêm tình" bởi những ái ân đấy chỉ là những lén lút “vụng trộm” của bản năng thôi thúc trong bóng đêm để thỏa mãn khát khao dục tính. Tám chữ: "giọt sương òa vỡ/ tiếng vạc ăn đêm" đã diễn giải tận cùng sự bi lụy tình và tuyệt vọng tình của chàng trai Đỗ Anh Tuyến (hiểu rộng ra là của những người đồng tính, song tính) trong các cuộc tình đồng giới với những rên rỉ lặng thầm mà âm ỉ thảm thiết.

Những câu thơ nhuốm màu cô đơn với cảm giác ngậm ngùi chua chát của tâm trạng như mặc cảm tội lỗi, như lén lút, hụt hẫng, như chán chường tuyệt vọng... xuất hiện mật độ khá dầy trong thơ Đỗ Anh Tuyến:

- "Đôi chân rã rời sợ đến ngày mai

Bàn tay hư hao lo đêm dài quá

Ánh mắt dửng dưng hai người xa lạ

Bất chợt tìm nhau ứa giọt lệ nồng"

(Mãi niềm cô đơn - Đỗ Anh Tuyến)

- “Em ngủ gật sau những giờ chờ đợi

Mỏi mòn nhìn vế phía giấc mơ anh ...”

(Chưa bao giờ - Đỗ Anh Tuyến)

- "Đêm nhắn gió tìm người mộng

Dệt vội câu thơ nghe nhói lòng ...”

(Nuối tiếc - Đỗ Anh Tuyến)

- "Lặng lẽ mình ta, độc hành vạn dặm

Bỏng rát đôi chân lê lết những con đuờng”

(Thực tại – Đỗ Anh Tuyến)

- "Trong tim anh, em cũng là người khách

Ở trọ qua đường mỗi lúc nắng mưa?""

(Tự hỏi - Đỗ Anh Tuyến)

- "Ôi những vô cùng ôi những hư không

Cơn gió nào đi cơn gió nào sắp đến

Ta cay cực một đời như bến

Cánh buồm hoài ngóng đợi vẫn trong mây.."

(Mãi niềm cô đơn - Đỗ Anh Tuyến)

Ngay cả khi nhà thơ Đỗ Anh Tuyến viết dưới hình thức ngụy trang thì những câu thơ tình của anh vẫn chất chứa những sầu não "hờn", "tủi", "trách", oán... cam lòng với những rụt rè, giữ kẽ, bi quan... bởi "tình ấy" của anh không nằm trong khuôn khổ quy ước thông thường của định chế xã hội nên danh không chính ngôn không thuận, vì thế mà "tình ấy" phải lén lút, phải ngụy trang dưới vỏ bọc của những mối quan hệ anh em bè bạn nên dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng, tạm bợ như “tình” của khách làng chơi. Người đọc tinh ý sẽ không khó để nhận ra đấy là tiếng lòng của nhà thơ Đỗ Anh Tuyến dành cho người yêu cùng giới tính:

"Em sẽ làm gì khi chỉ có anh thôi

Em có tủi, em có hờn, em có trách:

"Trong tim anh, em cũng là người khách

Ở trọ qua đường mỗi lúc nắng mưa?""

(Tự hỏi - Đỗ Anh Tuyến)

Hay những câu thơ ngậm ngùi chua chát về "thứ tình yêu" "ngọt ngào đến mấy cũng tan thành mây" của người đồng tính, song tính phải lén lút vụng trộm vì không được gia đình và xã hội thừa nhận dẫu được viết dưới hình thức ngụy trang vẫn không giấu được tâm trạng phẫn uất xót xa... của chàng trai Đỗ Anh Tuyến trước sự kỳ thị "đàm tiếu" tình luyến ái đồng giới của người đời:

"Chiều nay em chẳng về trên lối ấy

Để cho anh thơ thẩn khắp phố quen

Tay cầm bình rượu người sặc mùi men

Mặc cho thiên hạ bao lời đàm tiếu."

(Say, em - Đỗ Anh Tuyến)

Trong cuốn "Điểm yếu của người đàn ông hiện đại", Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin ấn hành Quý 4 năm 2006, ở bài NGƯỜI ĐÀN ÔNG ĐỒNG TÍNH, tôi đã luận bàn: "Công bằng mà nói, người đồng tính là những người chịu nhiều thua thiệt, đau khổ trong cuộc sống. Trong con mắt mọi người, dù người đồng tính có tài giỏi, tử tế đến đâu, có ích cho gia đình và xã hội thế nào thì họ vẫn cứ là “kẻ biến thái”, “lập dị”, bị tránh xa vì “kinh tởm”. Một ông tổng thống, một nhà bác học hoặc một nhà thơ, một nhạc sỹ thiên tài... nếu đã “bị” là người đồng tính thì dù có vắt kiệt tài năng, trí tuệ để cống hiến cho nhân loại vẫn cứ phải đương đầu với sự ghẻ lạnh, “khinh rẻ” của người đời. Một kẻ giết người, một tên ăn trộm, một gã lừa đảo... nhiều khi lại được “xã hội” “tôn trọng” hơn nhiều những người đồng tính. Đấy chính là sự nghịch lý, là bất công của xã hội dành cho người đồng tính mà người đồng tính khó đủ sức để vượt qua.". Có lẽ chính vì thế mà chàng trai trẻ Đỗ Anh Tuyến đã hơn một lần dùng thuốc ngủ quá liều để tự giải thoát những dè bỉu, khinh khi, đàm tiếu vô lý và đầy ác ý của người đời...

Vâng, thơ của Đỗ Anh Tuyến phần nhiều là những dòng thơ đẫm lệ của sự tuyệt vọng, của những bi ai phẫn uất trước những định kiến sai lệch của xã hội và sự kỳ thị người đồng tính của số đông trong xã hội đã gián tiếp đẩy cuộc sống của người đồng tính (và song tính) sâu vào ngõ cụt.

*.

Hà Nội, ngày 10 tháng 11-2021

ĐẶNG XUÂN XUYẾN

.

 

READ MORE - YẾU TỐ ĐỒNG TÍNH TRONG THƠ ĐỖ ANH TUYẾN - Đặng Xuân Xuyến

GỬI GIÓ GIAO MÙA - Chùm thơ - Thuỳ Vy

 

Tác giả Thuỳ Vy

GỬI GIÓ GIAO MÙA

 

Phố đã vào mùa đông chưa anh

Sợ phố ngủ quên để đêm về se sắt

Trời trở mùa quê mình nắng tắt

Sớm đầu non cơn gió lạnh mau về.

 

Em có về ghé phố chiều nao

Nay nhớ phố cồn cào anh ạ

Giận mỗi điều ... phố xa xa quá

Gửi gió giao mùa nhắn phố nha anh.

 

Thùy Vy

 

MEN CAY

 

Em cứ nũng nịu

vòi yêu thiệt nhiều

nào đâu chịu hiểu

tình anh liêu xiêu.

 

Sáng nắng chiều mưa

sớm trưa chiều tối

yêu em lặn lội

nặng lối đi về.

 

Đã bảo em nè

đợi thêm tí nữa

sóng đời yên ả

anh về cùng em.

 

Em cứ là em

mặc tình thiên hạ

mặc đời nghiêng ngả

tình trong men cay.

 

Thùy Vy

 

SỚM NAY

 

Sớm nay tôi đọc anh với ký tự buồn

bầu trời Ukraine xám xịt

những phụ nữ cài hoa hồng.

 

Tôi đọc được mình trong thước phim của anh

những bài thơ không gửi.

 

Lại đọc được nơi xa những gam màu sáng tối

nàng thơ xa quê.

 

Chú chim non đôi cánh mỏng manh ngác ngơ sau bão

những tình người xa xứ

vòng tay yêu thương.

 

Tôi đọc anh trên mỗi chặng đường

ngát hương giữa thành phố biển

sóng vẫn cồn cào và môi mằn mặn

nơi bình yên em qua.

 

Thùy Vy

 

 

 

READ MORE - GỬI GIÓ GIAO MÙA - Chùm thơ - Thuỳ Vy

HOA LỒNG ĐÈN - Chùm ảnh Chu Vương Miện

 






READ MORE - HOA LỒNG ĐÈN - Chùm ảnh Chu Vương Miện

Thursday, November 10, 2022

VỀ BÀI "NGÀY BÉ ĐỌC CA DAO" CỦA TÚ ĐIẾC - Nguyễn Lạc

 

Nhà thơ Nguyên Lạc

 
HAI NHẬN XÉT
 
Tình cờ tôi đọc được bài viết "Ngày bé đọc ca dao" của Tú Điếc Trần Đức Phổ đăng trên các trang mạng, đặc biệt đoạn này làm tôi chú ý:
 
[Trích đoạn]

Có hai bài ca dao dài hơn bốn câu tôi thuộc lòng từ bé. Một là bài Trâu Ơi. Còn bài thứ hai ngày nay thấy trên mạng người ta đặt cho cái nhan đề: Lấy Chồng Sớm:
 
Lấy chồng từ thuở mười lăm,
Chồng chê tôi bé không nằm cùng tôi.
Đến khi mười tám đôi mươi,
Tôi nằm dưới đất, chồng lôi lên giường.
Một rằng thương, hai rằng thương,
Có bốn chân giường gãy một còn ba.
Ai về nhắn với mẹ cha,
Chồng tôi nay đã giao hoà cùng tôi.
...
 
Khi đã có vợ rồi, một hôm ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ tôi chợt nhớ đến bài ca dao trên, đọc lẩm nhẩm cho vui, tôi mới chợt phát hiện một điều quan trọng thú vị.
 
Ai về nhắn với mẹ cha,
Chồng tôi nay đã giao hoà cùng tôi.
 
A, thì ra chị này cũng đáo để thật! Mới mười lăm mười bảy tuổi đầu anh chồng không ngó ngàng gì đến đã phật lòng về nhà méc với cha mẹ rồi! Thế thì mười chín đôi mươi được chồng thương không gãy chân giường mới lạ! Tuy anh chồng có hơi vũ phu chút đỉnh nhưng giọng điệu của chị không hề trách cứ giận hờn mà còn sung sướng khoái trá khi được “giao hòa” nữa nghen. Ai dám bảo phụ nữ ngày xưa là thiếu lửa trong chuyện vợ chồng?
 
Tôi ngẫm nghĩ mãi cái chữ “nhắn” trong câu áp chót, nó mới hay làm sao!. Người đọc có thể nhận ra rằng chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ!
 
Tôi đọc bài ca dao trên nhiều lần, mỗi lần lại chỉ hiểu tí chút. Quả thật người xưa làm ca dao rất tuyệt vời. Tôi dám chắc rằng thời xưa dân ta không hề biết thủ pháp “Show do not tell” nhưng nhiều bài ca dao đã thể hiện tài tình kỹ thuật này. Bài Lấy Chồng Sớm là một điển hình. Toàn bài không nói đến mây mưa, ân ái, nụ hôn cháy bỏng, vòng tay siết chặt… không cần từ ngữ tục tĩu gì ráo, nhưng đọc xong ai cũng hiểu được chuyện gối chăn của cặp vợ chồng này nồng nàn, lên đỉnh như thế nào! Ngày nay có một số người đi rao giảng thi pháp “Show do not tell” nhưng tôi đọc thơ họ chỉ thấy toàn “Tell and tell.” Thật ra làm thơ không quan trọng ở chỗ dùng thủ pháp nào, miễn sao nó chuyên chở được ý nghĩa và cảm xúc đến với người đọc là ok. Thuyền nan hay ca-nô đều độ được người qua sông, cốt yếu chúng không chết máy hoặc gãy chèo giữa dòng.
                                                               Tú Điếc
[Hết trích]

.............
 
Nguồn bài viết:
 https://nghiathuc.com/2022/09/09/ngay-be-doc-ca-dao-tranducpho/
 
Tại sao tôi chú ý đoạn trên?
 
Vì hình như trong bài viết này, ông Tú Điếc nói "bóng gió" đến chúng tôi, những người giới thiệu thủ pháp "Show Do not Tell" đến các thi văn sĩ Việt Nam.
Đây là hai nhận xét của ông mà tôi chú ý trong bài viết trên:
 
      1. "Tuy anh chồng có hơi vũ phu chút đỉnh nhưng giọng điệu của chị không hề trách cứ giận hờn mà còn sung sướng khoái trá khi được “giao hòa” nữa nghen...
Tôi ngẫm nghĩ mãi cái chữ “nhắn” trong câu áp chót, nó mới hay làm sao!. Người đọc có thể nhận ra rằng chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ!"
                                                                 Tú Điếc.
      2. "Tôi dám chắc rằng thời xưa dân ta không hề biết thủ pháp 'Show do not tell' nhưng nhiều bài ca dao đã thể hiện tài tình kỹ thuật này". và "Ngày nay có một số người đi rao giảng thi pháp “Show do not tell” nhưng tôi đọc thơ họ chỉ thấy toàn “Tell and tell.” Thật ra làm thơ không quan trọng ở chỗ dùng thủ pháp nào, miễn sao nó chuyên chở được ý nghĩa và cảm xúc đến với người đọc là ok"
                                                                  Tú Điếc.
 
Nhận xét số 2 này có thể gọi là PHIẾM không?
Tôi sẽ lần lượt trả lời 2 nhận xét trên của ông Tú Điếc: nhận xét số 2 trước, rồi kế tiếp là nhận xét số 1.
 
TRẢ LỜI CÁC NHẬN XÉT
 
1. Về nhận xét số 2: thủ pháp "Show do not tell"
Câu nhận xét số 2 trên của ông Tú là câu nhận xét đầy "ngụ ý", "bóng gió" đến người: nó không phải là PHIẾM.
 
Tôi xin ghi ra đây câu này lần nữa cho rõ, rồi trả lời ông Tú Điếc:
 
"Tôi dám chắc rằng thời xưa dân ta không hề biết thủ pháp 'Show do not tell' nhưng nhiều bài ca dao đã thể hiện tài tình kỹ thuật này". và "Ngày nay có một số người đi rao giảng thi pháp “Show do not tell” nhưng tôi đọc thơ họ chỉ thấy toàn “Tell and tell.” Thật ra làm thơ không quan trọng ở chỗ dùng thủ pháp nào, miễn sao nó chuyên chở được ý nghĩa và cảm xúc đến với người đọc là ok".
Xin chú ý 2 chữ "rao giảng".
 
Trả lời ông Tú Điếc:
 
- Lời nói đầu tiên của tôi là: Cảm nhận ca dao thì lo cảm nhận đi, "cạnh khoé" người khác làm gì? Được gì? Tiếng tăm? Người xưa có câu: "Sinh sự thì sự sinh, bớt việc thì việc bớt" ông Tú Điếc ơi!
Sao gọi là "cạnh khoé"?
Xin thưa, ngay đây, câu này: "Tôi dám chắc rằng thời xưa dân ta không hề biết thủ pháp 'Show do not tell' nhưng nhiều bài ca dao đã thể hiện tài tình kỹ thuật này". và "Ngày nay có một số người đi rao giảng thi pháp “Show do not tell” nhưng tôi đọc thơ họ chỉ thấy toàn “Tell and tell.”
Những lời trên của ông Tú Điếc đâu phải là lời phiếm, rõ ràng là lời đầy "ngụ ý", muốn "cạnh khoé" người.
 
- Tôi xin dùng trích đoạn bài viết THƠ “KHĂN ĐÓNG ÁO DÀI” VÀ SHOW, NOT TELL của nhà bình thơ Phạm Đức Nhì - người cùng tôi "rao giảng thi pháp Show do not tell” (lời của Tú Điếc) - để trả lời nhận xét có kèm theo "ngụ ý" của ông Tú Điếc.
 
Xin nói rõ thêm: Tôi và Phạm Đức Nhì đã có nhiều bài viết cổ xúy cho thủ pháp "Show Do not Tell", chắc Tú Điếc có đọc, nhưng ông đồng ý hay không thì chúng tôi không biết. Tuy nhiên, đọc trích đoạn trên của ông Tú, chúng tôi đoán rằng ông không đồng ý, nên "cạnh khóe" chúng tôí. Do đó, với sự đồng thuận của Phạm Đức Nhì, tôi xin ghi ra trích đoạn dưới đây để "thương thảo" với ông Tú Điếc:

[Trích đoạn]
 
1.
Trước 1975, tôi có lần về học thêm chuyên môn tại Đại học Chiến Tranh Chánh Trị Đà Lạt và được học nghệ thuật hùng biện với Linh mục Nguyễn Văn Vàng. Đến giờ nghỉ giải lao, một ông Trung Úy xáp lại gần Linh mục, ra vẻ ta đây, vừa cười vừa hỏi “đểu” một câu “thối như mắm tôm”:
- Thưa Linh mục, tôi thấy ngày xưa Án Tử người nước Tề có học khóa hùng biện nào đâu mà đến du thuyết ở chỗ nào cũng thành công?
Ông Linh mục Dòng Chúa Cứu Thế mặt vẫn hiền dịu, nhẹ nhàng trả lời:
- Mỗi khi có một cuộc tranh luận thành công (hay thất bại) là có người tìm hiểu, phân tích xem nhờ đâu mà thành công hoặc vì sao mà thất bại. Rồi sau đó có người tổng hợp lại thành những nguyên tắc (có tính lý thuyết) và trường Đại học Chiến Tranh Chánh Trị đã mời tôi đến để truyền dạy những nguyên tắc đó cho các anh, những người cần đến kỹ năng này. Dĩ nhiên, nắm vững lý thuyết là điều kiện cần nhưng chưa đủ để trở thành người ăn nói giỏi. Dựa vào mớ lý thuyết ấy rồi tùy năng khiếu cá nhân, cộng với kinh nghiệm thực hành trong những tình huống cụ thể, khả năng nói trước đám đông của các anh sẽ tiến bộ.
Ông Trung Úy có câu hỏi “thôi như mắm tôm” đứng đực mặt ra ngượng ngùng hổ thẹn trước các bạn cùng lớp vì không hiểu sự khác biệt giữa lý thuyết và thực hành của nghệ thuật hùng biện.
 
2.
Khi đọc bài Show, Not Tell Trong Thơ, có người email hỏi tôi: “Nguyễn Bính có biết Show, Not Tell là cái quái gì đâu mà thơ của ông cũng đi vào lòng người và hàng bảy, tám mươi năm nay vẫn hiện diện hiên ngang trong dòng thơ của dân tộc?” Ông này đã mắc chứng bệnh tương tự như ông Trung Úy ở trên – thích hỏi “đểu” thiên hạ trong khi mình chẳng hiểu gì về mối tương quan và sự khác biệt giữa Sáng Tác và Phê Bình. Câu hỏi – như một phát biểu đầy ấn tượng, nhưng lại lộ ra sự thiếu hiểu biết về điều mình phát biểu – tuy có hơi thiếu lịch sự nhưng theo tôi, trong tranh luận văn chương, vẫn có thể chấp nhận được. Hy vọng đọc phần giải thích ở trên ông sẽ thấy được cái sai của mình và có thái độ thích hợp.
 
Sau đây là một bình luận về bài Show, Not Tell Trong Thơ.

- Chắc ngày xưa ông Nguyễn Bính chưa học được “SHOW NOT TELL” như nhà trí thức Phạm Đức Nhì (nên) mới bị cái lỗi TO ở khổ thứ 3 (và) bị ông ấy chê. Mà nghĩ lại, không ai biết Phạm Đức Nhì là ông nào mà Nguyễn Bính thì người yêu thơ Việt Nam ai cũng biết và ngưỡng mộ. (Hai chữ trong ngoặc đơn là của PĐN)
Trả lời:
- Đây là kiểu bình luận bá đạo – không dẫn chứng xem bài bình thơ của người ta sai ở chỗ nào mà “chêm” vào một phát biểu vừa thiếu hiểu biết – mù tịt về điều căn bản nhất của phê bình – vừa coi thường thiên hạ. Ông này cũng giống ông Trung Úy ở chỗ không biết mô tê gì về công việc phê bình mà bày đặt lên mặt hỏi “đểu”. Nhưng ông còn tệ hơn một bậc là có ác tâm, ác ý – đã nêu đích danh tác giả ra mà xách mé, châm biếm một cách sai trái. Dĩ nhiên, câu bình luận nặng mùi như thế chỉ làm ô uế môi trường tranh luận văn chương.
(THƠ “KHĂN ĐÓNG ÁO DÀI” VÀ SHOW, NOT TELL 
                                                  Phạm Đức Nhì) [*]
[Hết trích]
 
Còn phần về:
-  "tôi đọc thơ họ chỉ thấy toàn “Tell and tell.”
Tú Điếc
Xin trả lời: Đâu phải lúc nào người hiệp sĩ, võ sĩ cũng dùng "tuyệt chiêu" của mình, tùy trường hợp, tùy tình huống cụ thể, tùy đối tượng và tùy mục đích, phải không?
"Thuyền nan hay ca-nô đều độ được người qua sông"
Tú Điếc
Xin trả lời: Ca-nô đưa người qua sông nhanh hơn và an toàn hơn thưa ông Tú.
 
2. Về nhận xét số 1, chữ : "vũ phu", "nhắn" và “ăn quen bén mùi”
Phần trên tôi đã trả lời ông Tú Điếc nhận xét đầy "ngụ ý" về  thủ pháp "Show do not tell", giờ  tôi tiếp tục góp ý về nhận xét số 1 của ông:
Xin ghi lại lần nữa nhận xét của ông Tú Điếc mà tôi sẽ bàn luận:

 [Trích đoạn]

Khi đã có vợ rồi, một hôm ngồi nghĩ ngợi vẩn vơ tôi chợt nhớ đến bài ca dao trên, đọc lẩm nhẩm cho vui, tôi mới chợt phát hiện một điều quan trọng thú vị.

Ai về nhắn với mẹ cha,
Chồng tôi nay đã giao hoà cùng tôi.

A, thì ra chị này cũng đáo để thật! Mới mười lăm mười bảy tuổi đầu anh chồng không ngó ngàng gì đến đã phật lòng về nhà méc với cha mẹ rồi! Thế thì mười chín đôi mươi được chồng thương không gãy chân giường mới lạ! Tuy anh chồng có hơi vũ phu chút đỉnh nhưng giọng điệu của chị không hề trách cứ giận hờn mà còn sung sướng khoái trá khi được “giao hòa” nữa nghen. Ai dám bảo phụ nữ ngày xưa là thiếu lửa trong chuyện vợ chồng?
Tôi ngẫm nghĩ mãi cái chữ “nhắn” trong câu áp chót, nó mới hay làm sao!. Người đọc có thể nhận ra rằng chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ!
[Hết trích]
 
Lời bàn của tôi:
 
-- về chữ VŨ PHU
 
Một rằng thương, hai rằng thương,
Có bốn chân giường gãy một còn ba.
 
Tú Điếc nhận xét trong bài viết của mình: " ... mười chín đôi mươi được chồng thương không gãy chân giường mới lạ! Tuy anh chồng có hơi vũ phu chút đỉnh"
Ông Tú - thường ai cũng hiểu Tú là tú tài, là người có học, người hiểu biết nhiều  - dùng 2 chữ "vũ phu" hình như không chính xác lắm trong bài nhận xét về các câu ca dao trên.
Vũ phu:
- (gốc Hán Việt, vũ: uy lực; phu: người đàn ông) Nói người đàn ông thô bạo dùng sức mạnh để đàn áp người khác (thường là phụ nữ – vợ của họ).
Ví dụ: Chị ấy đau khổ vì lấy phải một anh chồng vũ phu - Từ điển Nguyễn Lân
- Kẻ thô bỉ cục cằn. Ví dụ:  Đồ vũ phu - Từ điển Khai Trí
Trong ngữ cảnh bài ca dao, đâu có cảnh người đàn ông thô bạo dùng sức mạnh đàn áp hoặc đánh đập cô gái đâu? Chỉ "yêu" cuồng nhiệt, hơi bạo liệt chút thôi: do đó, dùng chữ "vũ phu" không chính xác lắm.
 
-- Về chữ NHẮN và ĂN QUEN BÉN MÙI
"Tôi ngẫm nghĩ mãi cái chữ “nhắn” trong câu áp chót, nó mới hay làm sao!. Người đọc có thể nhận ra rằng chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ!"
                                                                  Tú Điếc
 
Tôi sẽ bàn sơ qua nhận xét về chữ "nhắn" của ông Tú, chữ mà ông khen "nó mới hay làm sao!" rồi từ đó đưa đến “ăn quen bén mùi”- cụm chữ này vô tình hạ thấp phẩm giá người phụ nữ đáng thương trong bài ca dao trên.
 
Tại sao hạ thấp?

- Xét một cuốn sách, bài văn, bài thơ... ta phải hiểu rõ "thời" nó xuất hiện. Trong ngữ cảnh bài ca dao, nó xảy ra vào thời phong kiến, nam trọng nữ khinh, giàu trọng nghèo khinh. Người con gái còn trẻ (15 tuổi) này con nhà nghèo, được cha mẹ gả vào nhà giàu (nằm ngủ dưới đất). Ông chồng chắc lớn tuổi hơn (Chồng chê tôi bé). Cha mẹ gả con mình có thể để trả nợ ("gả bán") hoặc mong con mình vào nhà giàu sang để cuộc sống được khấm khá hơn. Người đàn ông trưởng thành này (ông chồng) chắc đã có vợ - thời phong kiến đàn ông có quyền nhiều vợ - người con gái trẻ này được gả có thể vừa là thiếp vừa là người ở, phải phục vụ cho nhà chồng. Đó là tổng quan bài ca dao "Lấy chồng sớm".
 
Cha mẹ cô gái gả con xong vẫn lo sợ, vì nếu con mình không được nhà chồng chấp nhận, sẽ bị trả về nhà, nợ vẫn hoàn nợ hay hy vọng con mình khấm khá hơn không thực hiện được. Vẫn luôn muốn biết tin tức về sức khỏe của con hàng ngày ra sao, công việc tiến triển thế nào; nhưng vì nghèo, làm sao dám vào nhà thông gia thường xuyên được, tốt nhất là nhờ các người làm việc cho thông gia, hay các người quen sống chung quanh thông gia NHẮN tin cho mình biết khi có điều gì xảy ra đến con gái.
 
Người con gái cũng thế, phải phục vụ suốt ngày cho gia đình chồng, cho chồng, đâu có quyền ra khỏi nhà lâu mà về thăm cha mẹ, nên cũng phải nhờ những người quen kể trên NHẮN tin về giùm. Khi đã "giao hòa" với chồng rồi, người con gái vội NHẮN tin mừng này cho cha mẹ biết, để đừng lo lắng nữa. Chữ NHẮN nghĩa bình thường như vậy thôi, đâu có gì là “nó mới hay làm sao”, rồi ông Tú "hứng chí" đưa đến câu: " 'ăn quen bén mùi' nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ" - câu nói này "sao ấy" - vô tình hạ thấp phẩm giá người con gái nghèo khổ đáng thương.
 
Tại sao hạ thấp phẩm giá người con gái ?
Xin thưa:

- Để nói về sự bất nghĩa của người con trai đối với cha mẹ, tục ngữ có câu : "Cha mẹ xa, cái l.  gần", hay ca dao: "Nóc nhà xa hơn cửa chợ/ L. vợ gần hơn mả cha".
Ở đây ông Tú Điếc "phán":  "chị này đã “ăn quen bén mùi” rồi nên chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về nhà mẹ", thì cũng giống như tục ngữ và ca dao trên, chỉ cần thay thế "cái l." bằng "con buồi" thôi, phải không? Mê "buồi" chẳng đành lòng xa anh chồng vài hôm để về thăm cha mẹ không phải là hạ thấp phẩm giá của người con gái sao? Than ôi, sao nỡ đành dùng đầu óc "phồn thực" (tôi không dám dùng 2 chữ "tục tĩu" như ông Tú Điếc dùng trong bài) mà suy luận như vậy, làm hỏng bài ca dao hay. Đã là Tú tài rồi - có nghĩa là người hiểu biết - dù cho có cợt đùa, như trong phiếm luận, cũng phải biết ngăn ngừa trước sau, đừng "quá lố".
 
LỜI KẾT
 
Qua trên, đó là những gì tôi trả lời ông Tú Điếc về các nhận xét của ông trong bài "Ngày bé đọc ca dao", hy vọng ông "nghe" được để đừng viết thêm những bài nhận xét về thơ, ca dao mà có kèm theo "ngụ ý", "cạnh khóe" người khác.
 
Tặng ông Tú lời minh triết này trước khi tôi chấm dứt bài:
 
"Bạn đừng bao giờ nói xấu ai cả. Những lời nói xấu, không sớm thì muộn, luôn luôn sẽ rớt vào đầu những kẻ thốt ra, và có thể làm hại cho sự thành công của ta trên đường đời. Nói xấu người khác là một cách bất lương để tự khoe mình. Nếu không nói được những lời nhân từ, khuyến khích thì thôi, đừng nói gì cả. Chẳng làm gì đôi khi là khôn, nhưng chẳng nói gì cả thì lúc nào cũng là khôn"
                                                         (Will Durant)
Trân trọng
 
                                                          Nguyên Lạc
 
..........
 
[*] THƠ “KHĂN ĐÓNG ÁO DÀI” VÀ SHOW, NOT TELL - Phạm Đức Nhì
 
https://nghiathuc.com/2017/08/10/tho-khan-dong-ao-dai-va-show-not-tell-nhi-pham/

READ MORE - VỀ BÀI "NGÀY BÉ ĐỌC CA DAO" CỦA TÚ ĐIẾC - Nguyễn Lạc

Tuesday, November 8, 2022

GIÀ – Thơ Lê Phước Sinh


 
GIÀ
 
Già mà chưa nên Nết,
cứ "sắc sắc không không"
cà phê tào lao sáng
né thời sự tây - đông.
 
Già làm chi không biết
Tri thức đã đóng băng...
 
Núi mòn Sông thì cạn
Giặc chiếm tận đến bờ
Bạn, khéo than Già tuổi
giả làm điên - dại - khờ.
 
Bạn - lúc thời trai trẻ
"Trùm chăn" khắm giấu mùi...
 
                     Lê Phước Sinh

READ MORE - GIÀ – Thơ Lê Phước Sinh