Có lần tôi nghe William Carlos Williams đọc bài thơ “This Is Just To Say”. Giọng của ông khác lạ so với những thi sĩ khác trong cùng băng đọc thơ, không rè mà trong trẻo một cách đáng ngạc nhiên, của một người đàn ông có lẽ có tính tình vui vẻ. Đang lái xe một mình trên xa lộ miền quê mùa hè, không vội lắm, tôi nổi hứng chạy chậm lại rồi tấp vào giữa hai bụi gai có nhiều trái dâu blackberries, ngồi nghỉ mệt và nghe lại cuốn băng lần nữa.
Anh đã ăn
những trái mận
ở trong
hộp đá lạnh
Và chúng
hình như
được em để dành
cho bữa điểm tâm
Thứ lỗi cho anh
chúng thơm ngon quá
ngọt quá trời
Mà lạnh nữa
This is just to say
I have eaten
the plums
that were in
the icebox
and which
you were probably
saving
for breakfast
Forgive me
they were delicious
so sweet
and so cold
Đây là một bài thơ dễ bị người đọc bỏ qua. Thậm chí có người sẽ bực mình vì lối viết hơi ngớ ngẩn, dây dưa thong thả, kiểu như:
that were in
hay
and which
tạo thành những câu thơ riêng biệt.
Bài này được viết như một mẩu giấy ghi chép, có vẻ như là của một người đàn ông ghi vội cho vợ mình. Dĩ nhiên cũng có thể là của một người đàn bà viết cho một người đàn ông, hay của một người đàn ông cho một người bạn trai, và quan hệ của họ không phải là quan hệ vợ chồng. Tuy nhiên cái ấn tượng mà bài thơ để lại, cũng như tiểu sử của tác giả, dễ làm ta nghĩ đến một mẩu giấy của người chồng, gắn hờ đâu đó trên cửa tủ lạnh. Hay trên bàn ăn, hay ở dưới gối, dĩ nhiên. Với Williams, ở đâu mà chẳng được.
Bài thơ dùng ngôn ngữ văn xuôi, không vần, vốn thường thấy trong thơ của ông. Ta nhớ rằng người có công nhất trong việc phá vỡ lối thơ truyền thống ở Mĩ, làm cho thơ tự do (free verse) trở thành phổ biến như hiện nay, cùng thời với Eliot, Ezra Pound, nhưng công lao vượt xa hai nhà thơ này, chính là Williams.
Sinh năm 1883, mất năm 1963, ông sống suốt mấy mươi năm bề ngoài trầm lặng mà bên trong sôi nổi ở thị trấn nhỏ Rutherford, New Jersey, sinh quán của mình. Thực ra, Williams đã sống hai cuộc đời khác nhau. Như một người thầy thuốc, ông chữa bệnh cho hàng chục ngàn người dân của thị trấn, đỡ đẻ cho hơn hai ngàn đứa bé sơ sinh, làm việc quần quật, nếu dùng lối nói của chính ông, “như một người nô lệ”.
Giữa những giờ làm việc, trong những kì nghỉ ngắn ngủi, thậm chí giữa hai bệnh nhân, ông đã dành thời gian cho thơ và văn học, cũng tận tâm như đối với người bệnh. Và khai sinh ra một nền thơ mới của Mĩ. Ông đã viết bốn mươi chín cuốn sách, trong đó có nhiều tập thơ, bốn vở kịch, một vở opera, năm mươi hai truyện ngắn, bốn cuốn tiểu thuyết lớn, một cuốn phê bình văn học, một cuốn lịch sử Hoa Kỳ, một cuốn tiểu sử của mẹ ông v.v… Williams đã từng kể lại trong cuốn tiểu sử tự thuật của mình:
Năm phút, mười phút, lúc nào cũng tìm ra được. Tôi có một cái máy đánh chữ ở trên bàn làm việc. Tất cả những điều tôi cần là kéo cái nắp ra, và tôi sẵn sàng ngồi xuống. Tôi làm việc ở tốc độ tối đa. Nếu một bệnh nhân đến gõ cửa trong lúc tôi đang viết dở một câu văn, bang, sập máy lại, tôi là một thấy thuốc. Cuối cùng sau mười một giờ đêm, khi bệnh nhân cuối cùng đã lên giường ngủ, lúc nào tôi cũng tìm được thời gian để gõ thêm mười trang nữa. Thật ra tôi không thể nào đi nghỉ được nếu như đầu óc tôi không rũ bỏ được những ám ảnh chúng giày vò tôi suốt ngày.
Williams quan tâm đến các giá trị phổ quát của thơ ca.
Thật khó tìm được
tin tức gì trong các bài thơ
thế mà người ta vẫn chết
đau đớn mỗi giờ
vì thiếu điều chỉ tìm thấy trong thơ
It is difficult
to get the news from poems
yet men die miserably every day
for lack
of what is found there.
Ông cũng là người xiển dương quan điểm cho rằng nước Mĩ là của người Mĩ, thơ Mĩ phải mang tính cách đặc trưng của một đất nước độc lập về văn hóa, tách khỏi ảnh hưởng mà ông cho là nặng nề của Anh và châu Âu vào thời đó. Mặt khác ông lại là người có tư tưởng dân chủ và hoà bình, rất quan tâm đến các sự kiện chính trị đương thời.
Thơ ông phản ánh điều đó. Ngày 6 tháng 12 năm 1957, Hoa Kỳ lần đầu tiên phóng vệ tinh vào vũ trụ. Thất bại. Thế mà hai tháng trước đó, tháng 10 năm 1957, Liên Xô đã phóng thành công vệ tinh Sputnik vào quĩ đạo trái đất, mở đường cho việc đưa Gagarin vào vũ trụ. Rõ ràng họ đang chiếm lĩnh bầu trời và trong không khí chiến tranh lạnh, người Mĩ đã bị bỏ rơi ở đằng sau. Một tương lai ảm đạm chờ đợi họ. Mặc dù thế, họ đã phản ứng với một thái độ khiêm tốn, bình tĩnh, chững chạc, công nhận sự thất bại rõ ràng của mình. Và chính thái độ này là một khởi đầu cho việc đưa người lên mặt trăng mười năm sau đó.
Gagarin nói, hân hoan tuyệt vời,
Anh có thể
Đi một mạch suốt đời
Anh bơi
Ăn và hát
Và bay vọt lên từ đó
Một trăm lẻ tám phút
Khỏi bề mặt
Của trái đất, mỉm cười
Và rồi anh trở lại
Vị trí cũ
Giữa chúng ta
Từ sự chia ra
Và trừ mất
Ngón chân đến gót chân
Nơi gót chân và ngón chân anh cảm thấy
Như mình vừa nhảy múa xong
Heel & Toe To The End
Gagarin says, in ecstasy,
He could have
Gone on forever
He floated
Ate and sang
And then he emerged from that
One hundreds eight minutes off
The surface of
The earth he was smiling
Then he returned
To take his place
Among the rest of us
From all that division and
Subtraction a measure
Toe and heel
Heel and toe he felt
As if he had
Been dancing
Ông viết bài này chỉ một thời gian ngắn sau khi Gagarin bay lên quĩ đạo, như một lời ngợi ca đối với thành tựu khoa học của Liên Xô, lúc ấy đang là đối thủ của Mĩ trong chiến tranh lạnh, vì ông cho rằng đó cũng là tin vui chung của loài người. Khi nước Mĩ gửi Armstrong lên mặt trăng, các đồng nghiệp của ông ở nước Nga xa xôi đã giữ im lặng. Nhưng ông không biết điều ấy, vì đã qua đời trước đó nhiều năm.
Williams thường chọn phương pháp giản dị để mô tả sự vật, lược bỏ các chi tiết ít quan trọng, làm cho bài thơ của ông có hơi hướng như một bài haiku Nhật, nhưng phát triển về những hướng khác lạ. Tháng Tư vừa rồi, trời vào xuân, một buổi sáng ngày nghỉ thức dậy muộn, đứng trong cửa sổ nhìn ra vườn sau, qua màn mưa bụi trắng, tôi thấy những bông oải hương tím và cúc trắng đầu mùa nở rộ trên chiếc xe cút kít để ở cuối góc vườn, dựng bên hàng rào từ mùa thu năm ngoái. Lúc đó tôi không thể không nhớ đến bài thơ “The Red Wheelbarrow” nổi tiếng của ông.
So much depends
Upon
Nhưng khác với haiku, phong cách của các nhà thơ trường phái “hình ảnh sâu” (deep imagism) mà Williams có phần nào chịu ảnh hưởng, cũng vừa là một trong những người khởi xướng, không ràng buộc về cấu trúc và đề tài, và mở rất rộng các đường biên của haiku vốn là thể thơ có những quy định (thâm sâu) chặt chẽ riêng. Không chỉ có thế,Williams thường viết về các đề tài hàng ngày, các sự vật nhỏ mọn, như thể ông cố tình làm cho thời gian đứng lại.
Rất nhiều thứ
Dựa lên
Dựa lên cái gì?
a red wheel
barrow
một chiếc xe cút
kít đỏ
Những thứ gì dựa lên?
Ta cảm thấy gánh nặng của mưa, của đất, côn trùng và thảo mộc, của bầu trời cùng trĩu xuống trên một chiếc xe nhỏ. Williams suốt đời đi tìm một thứ ngôn ngữ nối kết thơ ca và những kinh nghiệm của đời sống bình thường. Bài thơ của ông kêu gọi người đọc làm mới lại cái nhìn của mình đối với thế giới, như một đứa trẻ vừa thức dậy buổi sáng mai. Nhà thơ không tin rằng ngôn ngữ của ông đủ sức để mô tả đời sống và tâm hồn, vì vậy ông cố gắng đặt để các sự vật, thiên nhiên hoa cỏ, như thể chúng là, với một chút sắp xếp tối thiểu để dọn đường cho người đọc. Trong một thời kỳ mà chủ nghĩa siêu thực Pháp làm mưa làm gió ở châu Âu và khắp thế giới, Williams và những người cùng khuynh hướng với ông, hứng khởi từ những gợi ý nghệ thuật của châu Á và Nhật Bản, nhưng trong một tinh thần hết sức độc lập, đã dựng nên những viên đá đầu tiên của nền thơ Mĩ với chủ nghĩa khách quan (objectivism).
Đọc thơ Williams, tôi lúc nào cũng nhận được cảm giác về sự hòa hợp dịu dàng giữa con người và đồ vật, giữa xã hội và thiên nhiên. Thơ ông ít nói trực tiếp về người, nhưng cảnh vật như chiếc xe chở gạch đá gây ấn tượng rõ ràng về những người làm vườn hay làm đường, công việc đồng áng hay xây dựng.
Như một người đi qua đường hay một người đứng trong cửa sổ, lúc nào ông cũng chăm chú nhìn sự vật, chúng đang
mờ đi
trong nước
mưa
glazed with rain
water
Thơ ông cũng ít nói về người nữ, nhưng sự vật trong thơ lấp lánh như vừa được chạm tới bởi người đàn bà mà ông yêu dấu. Mặc dù là một thầy thuốc có đời sống mực thước, ông lại được các nhà thơ trẻ tuổi hơn, nổi loạn, phá phách hơn, xem là một tấm gương. Như Allen Ginsberg, kẻ đã gây ra một cơn sốt ở Mĩ với tác phẩm Howl (Hú) nổi tiếng vào thời đó. Chính Williams là người đã viết đề tựa cho lần xuất bản đầu tiên của tập thơ này.
Người đọc ít khi nghĩ về Williams như một người làm thơ tình. Bài thơ Ghi mấy chữ (This is just to say) trên đây cũng có thể gây ra ấn tượng đó. Thật ra nó chính là một bài thơ tình sâu xa. Tính giản dị, bình thường của bài thơ chở được không khí thân mật của một quan hệ âu yếm.
Không phải chỉ chữ “thứ lỗi” mà còn là bản thân toàn bộ lời ghi chép của người đàn ông để lại chứng tỏ lòng tôn trọng của anh ta đối với người vợ hay người yêu của mình.
Chúng ta không rõ những trái mận để trong tủ lạnh là dành cho người đàn bà, hay cho anh ta, hay cho cả nhà. Ăn vội vàng những trái mận như thế có thể làm cho người khác bất ngờ khó chịu vì không có bữa điểm tâm. Nhà thơ xuất hiện như một chàng trai trẻ trung, hay hơn thế nữa, như một đứa trẻ.
Niềm vui của nhân vật là niềm vui hồn nhiên. Người đọc dễ tin rằng niềm vui ấy là có thật.
Nhắm mắt lại, ta nghĩ đến những ngày hè nóng nực, mồ hôi ròng ròng, khát cháy cổ, và có thể đang đói bụng, lại cầm trên tay những trái mận vừa thơm vừa ngọt vừa lạnh. Quả thật không ai cầm lòng được.
Bài thơ được viết vào lúc nào?
Ban đêm chăng? Khi mọi người đã đi ngủ và anh một mình lang thang trong căn nhà rộng? Hay anh lái xe về nhà khi trời đã tối, vợ anh đi làm ban đêm, hay là đã ngủ say. Và anh mở cửa nhà, để lại sau lưng bầu trời đầy sao mùa hạ, đứng ngẫm nghĩ một lúc lâu trong căn bếp tối mờ, rồi anh mở tủ lạnh? Đó thật là một niềm vui cuộc sống.
Mặc dù được viết một cách nhẹ nhõm, cách nói có vẻ tình cờ, bài thơ là một sáng tác đầy cẩn trọng, sự buông chữ nhẩn nha, cố gây cảm giác hồn nhiên, tự nhiên, gây tương phản giữa niềm say mê của con người và cảm giác tội lỗi, cũng như sự tương phản giữa người nam và người nữ. Đoạn mở đầu viết về những trái mận nằm trong ngăn đá của tủ lạnh. Đoạn thứ hai nói về một người khác, trong trường hợp này ta nghĩ là một người phụ nữ, và sinh hoạt gia đình. Đoạn thứ ba trở lại với những trái mận. Williams đã phóng lớn một sự việc nhỏ trong đời sống thành một hoàn cảnh tiêu biểu cho những xung đột có tính phổ quát hơn của các cá nhân xuyên qua những cám dỗ của đời sống.
Tôi muốn nói thêm một điều, có vẻ hơi thừa, nhưng dễ bị người đọc bỏ qua.
Những trái mận rất thơm là khứu giác. Chữ delicious trong tiếng Anh cũng có nghĩa là ngon.
Chúng lại ngọt (sweet), là vị giác.
Mà lại còn lạnh (cold) nữa, là xúc giác.
Như thế, thơ không phải chỉ là ngôn ngữ mà còn là cảm giác. Hay một trái tim ấm nóng và một tình yêu mát lạnh? Cũng là cả hai, cũng như những con gà có màu lông trắng xóa chạy lúc thúc hay kêu chiêm chiếp bên chiếc xe cút kít chở gạch đá dưới trời mưa của ông. Trong thơ Williams sự vật thường đi thành đôi thành cặp.
beside the white
chicken
bên cạnh những con
gà trắng
Chúng đứng im lặng mổ thức ăn hay chạy quanh chiếc xe đuổi nhau kêu chiêm chiếp thì không thấy ông nói rõ, nên bạn phải tưởng tượng thôi.
Các tài liệu tham khảo
1. Imaginations, William Carlos Williams, NXB New Directions, 1967(?)
2. The Autobiography of William Carlos Williams, NXB New Directions, 1967.
3. The Portable Beat Reader, Ann Charters, NXB Penguin, 1992.
4. Oxford Book of American Poetry, David Lehman, NXB Oxford, 2006.
© 2009 Nguyễn Đức Tùng
THƠ CỦA WILLIAM CARLOS WILLIAMS
*
Apology
Why do I write today?
The beauty of
the terrible faces
of our nonenties
stirs me to it:
coloured women
day workers
old and experiences-
returning home at dusk
in cast off clothing
faces like
old Florentine oak.
also
The set pieces
Of our faces stir me-
leading citizens-
but not
in the same way.
*
Proleterian portrait
A big young bareheaded woman
in an apron
Her hair slicked back standing
on a street
One stockinged foot toeing
the sidewalk
Her shoe in her hand. Looking
intently into it
she pulls out the paper insole
to find the nail
That has been hurting her
*
Memory of April
You say love is this, love is that:
Poplar tassels, willow tendrils
the wind and the rain comb,
tinkle and drip, tinkle and drip—
branches drifting apart. Hagh!
Love has not even visited this country.
*
This Is Just to Say
I have eaten
the plums
that were in
the icebox
and which
you were probably
saving
for breakfast
Forgive me
they were delicious
so sweet
and so cold
*
Lời biện hộ
Tại vì sao ngày hôm nay tôi viết?
Đó là vẻ đẹp
những gương mặt khủng khiếp
của những kẻ vô danh
gợi cho tôi cảm xúc:
những phụ nữ da đen
ngày làm việc của những công nhân
già cả và giàu kinh nghiệm
trở về nhà rất muộn
trong bộ quần áo nát nhàu
những gương mặt của họ giống như
cây sối Florentine xưa cũ.
và nữa
Những bộ mặt của
Quí vị gây cảm hứng cho tôi –
những con người –
đáng nể nhưng
đó là chuyện khác.
*
Chân dung người vô sản
Một người phụ nữ to lớn đầu trần
mặc yếm
Với mái tóc chải bóng
đứng ở bên đường
một chân mang bít tất phụ nữ
chạm đến lề đường
Chiếc giày nàng cầm trong tay. Và nhìn
vào trong rất chăm chú
người phụ nữ lôi cái đế giày bằng giấy
muốn tìm chiếc đinh
Đã từ lâu làm đau chân nàng
Ký ức tháng Tư
Bạn nói: “Tình yêu là, tình yêu là:
chiếc lá cây dương, là chùm liễu rủ
là chiếc lược của mưa của gió
là giọt nhỏ và tiếng leng keng –
những cành lá rung rinh” – Ha!
Tình không bao giờ đến những nơi này cả.
*
Điều cần nói
Anh đã ăn
những quả nho khô
lấy từ
trong tủ lạnh
những quả nho
mà em định
để dành
cho bữa sáng
Tha lỗi cho anh
nho thật là ngon
thật ngọt
và thật mát.
*
Bản dịch của Nguyễn Viết Thắng
No comments:
Post a Comment