Theo
Đại Nam nhất thống chí, trong thập niên 60 của thế kỷ XV, chúa Nguyễn
đưa dân chúng ở các tỉnh phía Bắc vào khai hoang lập ấp xây dựng dinh
Cát ở Ái Tử, huyện Đăng Xương, đạo Quảng Trị (nay là huyện Triệu Phong)
lập nên nhiều dinh cơ làng mạc. Làng Nại Cửu là một trong những địa danh
được hình thành từ đó. Để ghi nhớ công lao của các bậc tiền nhân khai
hoang lập ấp, nhân dân đã đóng góp công sức xây dựng ngôi đền thờ vị
thành hoàng khai khẩn làng. Ngoài việc thờ 7 vị thiên thần, nhơn thần,
đình còn là nơi thờ phụng các vị khoa bảng qua các triều đại.
Trong
2 cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, đình làng Nại Cửu còn gắn với
nhiều sự kiện chính trị quan trọng của cách mạng. Nơi đây, vào tháng
3/1930 đã diễn ra cuộc họp của Ban vận động thành lập Đảng bộ lâm thời
tỉnh Quảng Trị, đây là sự kiện nhằm chuẩn bị đầy đủ về tổ chức, tư tưởng
cho sự ra đời Tỉnh ủy ngày 25/5/1930. Trước ngày 19/8/1945, đình làng
Nại Cửu là địa điểm tập trung nhân dân các khu vực lân cận để nghe cấp
trên trình bày kế hoạch giành chính quyền phủ Triệu Phong và sau này
được Ủy ban cách mạng lâm thời huyện chọn làm điểm tổ chức hội nghị
thành lập xã Phong La...
Chi
khu Triệu phong đóng trên đất làng Nại cửu,phía nam Chi khu là trường
Trung học Triệu phong,phía tây chỉ cách một con đường có Trung tâm huấn
luyện Biệt chính (sau này lần lượt đổi tên là Xây dựng nông thôn), có
giai đoạn đơn vị Xiti (City) đồn trú tại đây, trong khu vực này có mấy
cái lô cốt của Pháp, nơi giam giữ những người tình nghi hoặc những người
cọng sản bị bắt hàng đêm vọng ra những tiêng gào hét trong lúc CSĐB tra
tấn họ. Phải nói rằng trước năm 1972 đây là khu vực quận lỵ Triệu phong
nên khá sâm uất.
Nại
Cửu là một làng có bề dày lịch sử văn hóa lâu đời. Từ buổi khởi thủy
đầu tiên, khai sơn phá thạch, canh điền lập ấp đặt ra hương hiệu cho đến
ngày nay đã ngót hơn 500 năm. Trong quãng thời gian đó, nhiều thế hệ
con cháu của các bậc tiền nhân đã chung lưng đấu cật xây đắp nên những
truyền thống quý báu xứng đáng cho chúng ta hôm nay tự hào và ngưỡng
vọng. Tuy nhiên, trải qua hơn 5 thế kỷ tồn tại với không biết bao nhiêu
biến cố thăng trầm, làng xóm, hương hiệu, tập quán, phong tục thì vẫn
còn đó song cương vực, địa giới, lăng mộ, đình chùa, miếu vũ và kể cả
lòng người cũng lắm sự đổi thay. Việc nhận thức, tìm hiểu cội nguồn đặng
hướng tới cái cao đẹp, thiện tâm là nguyện vọng thiết tha của mỗi người
dân làng Nại Cửu đang sinh sống trong và ngoài nước. Bài viết này xin
góp một vài hiểu biết nhỏ về mảnh đất thân thương trên đôi bờ Vĩnh Định-
Làng Nại Cửu.
Lịch
sử của một làng, một vùng cũng như một quốc gia, dân tộc là quá trình
hình thành và phát triển liên tục qua nhiều năm tháng. Để có được một
đất nước thanh bình, một làng xóm yên vui, tổ tiên chúng ta phải trải
qua không biết bao nhiêu nỗi thăng trầm dâu bể. Cha ông chúng ta đã phải
nếm trải qua vô vàn những cực nhọc, đắng cay. Cùng đoàn kết, gắn bó
thương yêu đùm bọc lẫn nhau, cùng đổ mồ hôi xương máu giành giật với
thiên nhiên khắc nghiệt và với các thế lực áp bức, đô hộ bạo tàn. Trên
dặm dài hành trình gian khổ ấy, một bản sắc "con Hồng cháu Lạc" đã được
hun đúc, một giá trị văn hóa Việt Nam đã được tích tụ, tô bồi như mạch
nguồn cuộn chảy vĩnh hằng với thời gian…
Làng
Nại Cửu nguyên là một vùng đất thuộc Châu Ô của vương quốc Chăm Pa.
Châu này xưa là đất của một trong 15 bộ Việt Thường của quốc gia Văn
Lang (Đại Việt sau này). Đời nhà Tấn thuộc vào quận Tượng Lâm. Đời Hán
thuộc quận Nhật Nam và đời nhà Đường là huyện Cảnh Chân. Từ năm 1306,
bằng cuộc hôn nhân mang đậm màu sắc chính trị Việt- Chiêm, nhà Trần gả
công chúa Huyền Trân cho Vua Chàm là Chế Mân để nhận lấy món quà sính lễ
là hai châu Ô- Lý. Sau đó, nhà Trần đổi Châu Ô thành Thuận Châu, Châu
Hóa thành Hóa Châu rồi đưa quân lính tới trấn giữ và mộ dân vào đây khai
khẩn vùng đất mới. Làng Nại Cửu cùng với rất nhiều làng khác trên địa
bàn phía Nam sông Hiếu được hình thành trong bối cảnh đó. Sách "Ô châu
cận lục " của học giả Dương Văn An viết năm 1553 đã có ghi tên làng Nại
Cửu thuộc vào huyện Hải Lăng của Phủ Triệu Phong. Chính điều này gợi cho
chúng ta một suy luận rằng: Làng Nại Cửu phải có từ trước đó (tức là
trước năm 1553) thì Dương Văn An mới ghi vào. Hơn nữa đối chiếu với số
đời của các họ tộc trong làng (họ cao nhất hơn 20 đời) và xét trên bình
diện chung của lịch sử vùng đất Thuận Hóa sau năm 1306 thì có thể đóng
khung một thời điểm tương đối chính xác cho sự hình thành làng Nại Cửu
là nằm vào trong cuộc đại di dân dưới thời Vua Lê Thánh Tông, tức là vào
khoảng từ năm 1476 đến năm 1497.
Gốc
gác của những người Việt đầu tiên đến làng Nại Cửu là những người ở
vùng Thanh Hóa, Nghệ An. Theo một số truyền thuyết còn lưu lại tại các
tộc họ thì 6 Ngài thủy tổ làng Nại Cửu gồm: Lê Nghi Dân, Nguyễn Xí, Phan
Bá Đạt, Hoàng Phùng Anh, Võ Duy Bẩm, Trần Phái vốn là những vương công,
tôn thần của nhà Lê. Do dính líu vào vụ án "Lệ Chi Viên " của Nguyễn
Trãi nên các Ngài buộc phải lánh nạn đến vùng Thuận Hóa. Sau khi vượt
sông Thạch Hãn, thấy phong thủy hữu tình, đất đai màu mỡ, các Ngài liền
rủ nhau chiếm cứ nơi này. Đến đời Lê Thánh Tông, khi nhà Vua ban chiếu
chiêu an, các Ngài liền trao toàn bộ sự nghiệp cho con cháu còn mình
phụng mệnh trở về đất Bắc và qua đời luôn ở đó. Con cháu trên vùng đất
mới suy tôn các Ngài làm tiền khai khẩn và tiếp tục hợp lực để khai
hoang lập ấp, hình thành nên cương vực địa giới của làng. Từ đây cái tên
Nại Cửu chính thức ra đời (sau này có thời kỳ còn có thêm tên gọi là
Nại Diên). Nại Cửu có nghĩa là bền lâu đã phản ánh cô động ý chí, cốt
cách của những con người vào định cư ở một vùng đất xa lạ, hiểm nguy,
đồng thời cũng là hoài bão, khát vọng vươn tới cái đẹp, cái trường tồn
vĩnh hằng cho cả cộng đồng đang tồn tại và con cháu kế nghiệp ở tương
lai. Tưởng nhớ công ơn của các Ngài tiền khai khẩn, dân làng đã lập miếu
thờ tại khu vực xóm Ngoài và hàng năm vào các dịp tế lễ đều tổ chức
nghinh rước về đình làng rất long trọng. Trải qua thời gian và chiến
tranh ly loạn, các tư liệu thành văn, các bộ gia phả đã từng được biên
soạn, sao chép, lưu giữ, thậm chí là các dạo sắc phong tặng Tiền khai
khẩn của nhà nước phong kiến cũng đều bị tiêu tán, mất mát hầu như toàn
bộ. Do vậy hiểu biết của con cháu hôm nay đối với các bậc tiền nhân hết
sức ít ỏi mơ hồ. Hậu thế ghi ơn người mở nghiệp chỉ là niềm tôn vinh
thành kính trong sự lưu giữ truyền thống về một mảnh đất hương hỏa ngàn
đời của cha ông.
Noi
gương tiên tổ, tiếp bước tiền nhân, các thế hệ con dân làng Nại Cửu
trong suốt quá trình phát triển đã tạo ra được mối đoàn kết bền chặt
giữa các tộc họ, góp sức xứng đáng vào công cuộc xây dựng quê hương và
sự nghiệp đấu tranh vì chính nghĩa. Chính từ mảnh đất này, rất nhiều
người đã lên đường vào cuộc Nam tiến mở nước vĩ đại của các triều đình
phong kiến Đại Việt; theo anh em nhà Tây sơn vung gươm đạp đổ mọi thế
lực quân chủ bạo tàn, đánh đuổi bè lũ xâm lược thu non sông về một mối.
Đặc biệt, khi kinh đô Huế thất thủ, Vua Hàm Nghi xa giá ra Quảng Trị,
lên sơn phòng Tân sở hạ chiếu Cần Vương, một số văn thân, sĩ phu làng
Nại Cửu đã đứng lên tham gia phò Vua cứu nước. Khi phong trào Cần Vương
thất bại, Vua Hàm Nghi bị thực dân Pháp lưu đày biệt xứ, có người đã bị
bắt, số khác lui về ẩn dật sống cuộc đời thanh bạch tại làng, quyết
không chịu cam tâm làm tay sai cho giặc và bè lũ phản dân hại nước…
Trên
những dặm đường đi lên cùng đất nước, làng Nại Cửu đã có những văn nhân
hiển vinh đường khoa cử được ghi tên vào bảng vàng, bia ký của triều
điình phong kiến, những nhân vật cách mạng lỗi lạc đóng góp quan trọng
vào sự nghiệp dấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc. Tiêu
biểu phải kể đến Ngài thượng thư Trần Thoại, đỗ "Đệ nhất giáp tiến sĩ
thám hoa cập đệ tam danh" tại khoa thi đòi Vua Lê Hiển Tông (năm 1739).
Ngài Võ Tử Văn, đổ phó bảng đưới triều Vua Tự Đức. Đồng chí Trần Bỉnh,
cán bộ cách mạng giai đoạn tiền khởi nghĩa. Đồng chí Trần Quỳnh, phó Thủ
tướng nước cộng hòa XHCN Việt Nam.v.v. Thời kỳ sau năm 1975 cho đến
nay, vượt lên trên những khó khăn về kinh tế, người dân Nại Cửu vẫn thắt
lưng, buộc bụng để nuôi dưỡng và phát huy truyền thống hiếu học của cha
ông. Hiện tại, toàn làng có hơn 600 người là cán bộ, công chức, viên
chức, doanh nhân đang công tác tại nhiều địa phương trong cả nước. Trong
đó, có một đội ngũ giáo viên đông đảo lên đến hàng trăm người và đươc
coi là một "hiện tượng" hiếm có ở tỉnh Quảng Trị. Lực lượng ưu tú này
đang đóng góp tích cực vào sự đổi thay, phát triển của quê nhà. Đặc
biệt, họ đang cùng toàn thể con dân của làng cả ở trong và ngoài nước
nâng niu, gìn giữ, tô bồi cái bản sắc văn hóa quý báu của người Nại Cửu,
đó là truyền thống trọng học, trọng lễ nghĩa; đức tính hiền hòa, nhân
ái; tinh thần cần cù, chịu thương chịu khó và một tấm lòng thủy chung
son sắt, "ly hương bất ly tổ".
Xuân
mới đã bừng lên trên đôi bờ Vĩnh Định. Nắng ấm đang dâng tràn từ xóm
Rôộc, xóm ngoài đến Đèo Pheo, Bàu Chúa, Giàng Xay… Người Nại Cửu dù đi
đâu ở đâu hãy luôn hướng về quê hương nguồn cội, để mảnh đất nơi chúng
ta cắt rốn, chôn rau mãi luôn trường cửu, đẹp giàu như niềm mong của
Tiên Tổ.
Võ Nguyên Thủy
Đài PTTH Quảng Trị
Đài PTTH Quảng Trị
2 comments:
Tác giả bài này là anh Võ Nguyên Thủy, Đài PTTH Quảng Trị.
Bai đằng về lang nai cuu thật hay
Post a Comment