Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, March 10, 2017

CHỢ MẤY NHÀ - Phiếm đàm của Chu Vương Miện


             
              Nhà thơ Chu Vương Miện


                     CHỢ MẤY NHÀ 
         (Trao đổi thêm với nhà văn Lang Trương)

QUA ĐÈO NGANG

Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi Tiều vài chú
Lác đác bên sông, Chợ mấy nhà 
Nhớ nước đau lòng con Quốc Quốc
Thương nhà mỏi miệng cái Gia Gia
Dừng chân Đứng lại trời ! non nước!
Một mảnh tình riêng ta với ta.
          Bà Huyện Thanh Quan

Bối cảnh của bài thơ này vào giữa thế kỷ thứ 18, giai đoạn Lê mạt, Quang Trung ra Bắc, Tây Sơn - Gia Long nội chiến... cả một trời kim kiếm điêu linh, phải chờ cho đến năm 1802 thì vua Gia Long mới thống nhất chấm dứt một thời kỳ gần 300 năm chia cắt đất nước.

Chúng tôi cũng như quí vị, quý vị học làm sao thì chúng tôi cũng học làm vậy, sách giáo khoa thế nào, thì chúng ta cũng đều nhận là như thế. Cái khuyết điểm của sách giáo khoa chú giải thường là thiếu sót, cũng vì cái thiếu sót này dẫn đến những cuộc trao đổi tranh cãi không cần thiết:
Gió đưa cành trúc la đà 
Hồi chuông Thiên Mụ canh gà Thọ Cương

Bài thơ này có từ thế kỷ thứ 19, và khi cụ Dương Khuê  từ Kinh Thành Phú Xuân Huế ra Hà Nội làm quan thì sửa lại như sau:
Gió đưa cành trúc trăng tà 
Hồi chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương.

Xin được hiểu rõ ràng là bài thơ này được trước tác "xuất xứ" của thế kỷ thứ 19 và cũng xin đọc và hiểu nó trong thời kỳ này.

Qua đầu thế kỷ thứ 21, cụ giáo sư Học Giả Luật Khoa Vũ Quốc Thúc Sài Gòn, năm nay cụ cũng trên 100 tuổi, con của cụ cũng vào khoảng 70-80, cháu của cụ cũng vào khoảng 50-60, và chắt của cụ cũng vào khỏang 20-30-40. Mới đây cụ có ra đề hai câu thơ ca dao  này cho Chắt của cụ dịch ra Pháp Ngữ  rồi chuyển dịch lại tiếng Việt, thành:
"Roi tre vun vút tung ra
Bầy Lạc Đà với lũ La chạy cuồng
Bà Trời dộng một hồi chuông
Gọi về ăn bát canh xương gà tàu"

Hai câu ca dao này được mỗi người hiểu theo thế kỷ thứ 21, để cho rõ chúng tôi xin đơn cử thêm, đây là một câu chuyện cười kể vào cuối năm, người kể là giáo sư cử nhân toán Đinh Đức Mậu, chuyện như vầy "hồi nhỏ, ông học với ông chú cử nhân Hán văn ở nhà quê, ông chú bắt ông dịch ra Hán văn câu ca dao":
Sáng trăng em tưởng tối trời
Em ngồi em để sự đời em ra
Sự đời như chiếc lá đa
Đen như mõm chó chém cha sự đời? 

Hai câu trên thì không đủ trình độ dịch, mà chỉ dịch được có hai câu dưới:
Thế sự như diệp đa
Hắc như khuyển khẩu
Trảm phụ thế sự 
*
Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.

Xin trở lại với đề bài :
"Lác đác ven sông Chợ mấy nhà"
Là câu thơ thứ tư trong bài thơ Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan, chúng tôi tài hèn sức mọn, biết dăm ba chữ Mường cũ "cũng thuộc vào loại Nôm na là cha Mách qué" mang chút kiến thức quê mùa ra để múa rìu qua mắt thợ, mong để thiên hạ chửi cha cho vài câu để sáng mắt "chớ mắt bây giờ kém lắm".
Rằng :"Xưa vốn là người Kẻ Chợ
 Cồn Hà Mô trú ở lân la"

Nguyên tác Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị, bản dịch của Phan Huy Vịnh (Trích trong Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển của Đương Quảng Hàm trang 256).

Kẻ Chợ là tên một địa phương, chữ cổ của người Lạc Việt, Kẻ có thể là Làng, là Phố Xá, là thị trấn như Kẻ Tràng là một nơi sản xuất gạch men nổi tiếng Bát Tràng, Kẻ Sặt là một địa danh một nơi buôn bán sầm uất, Kẻ Chợ là Hoa Lư, Thăng Long là đế đô của Việt Nam, Kẻ Bờ, Kẻ Gỗ, Kẻ Loa... sau Lạc Việt bị Âu Lạc của Thục An Dương Vương chiếm thì từ Kẻ được chuyển thanh từ Cổ như Cổ Ngư, Cổ Nhuế, Cổ Loa, Cổ Đường...

"Chợ" trong thơ của Bà Huyện Thanh Quan thế kỷ thứ 18, có nghĩa là có mấy căn nhà xây cất theo kiểu nhà cũ của  thành Thăng Long ngày  xưa, không có nghĩa của thế kỷ 20 đương đại là Rợ "là người thiểu số miền cao".

Người viết chỉ mong diễn giải cho nó Đúng mà thôi, không dám khen hoặc mạ lỵ một ai cả, dù là học thật hay học giả.

Nhà văn Lang Trương có nói thêm: "Người Bắc thường gọi con gái là Cái, mà không gọi là Con". 
Cũng xin được diễn tả từ Cái, từ này cũng là từ quan trọng ngang với từ Cổ và từ Kẻ, trước thời Ngô Quyền lập quốc, vào đầu thế kỷ thứ 8 thì có Ông Phùng Hưng nổi lên chống lại quân Tàu, thành công một thời gian, dân chúng tôn ông là Bố Cái Đại Vương, theo sách của cụ Sử Gia Lệ Thần Trần Trọng Kim có nghĩa là: "vị Vua được dân chúng coi như là Bố Mẹ, Bố là Cha, Cái là Mẹ", theo học giả kỹ sư Đoàn Đức Nhân bên Pháp Quốc, có nguồn gốc từ  nước Đại lý Vân Nam, từ Bố Cái có nguồn gốc từ tiếng Mongolic (tiếng Mông Cổ) và theo học giả Nguyễn Bàng thì sách của học giả Bình Nguyên Lộc lại cho là từ Bố Cái có nguồn gốc từ Mã Lai "nguyên chữ là Buôn ca rê" dịch nghĩa là "Anh Hùng Giải Phóng". 

Còn theo chúng tôi (tức CVM) thì từ  Cái theo Mường nghĩa, có nghĩa như sau : 
- Là Chính, thứ Nhất, không phải thứ Nhì.
- Vợ Cái con cột, có nghĩa là vợ Cả, vợ Chính, còn vợ sau là vợ hai, vợ hầu.
- Con Cái là con ruột, khác với con Nuôi (nghĩa tử).
Lên rừng nhớ Cái cùng Con
Về nhà nhớ cũ khoai môn trên rừng. 
- Cột Cái là cây cột lớn duy nhất trong nhà.
- Đường Cái Quan là quan lộ chính trong một nước. 
- Sông Cái là sông Chính (sông Mẹ) như Sông Hồng, các chi lưu phụ như Sông Cà Lồ chảy qua vùng Đông Anh, Phúc Yên, sông Phú Lương chảy qua Hải Dương …

Còn ông Phùng Hưng được dân chúng phong gọi là Bố Cái Đại Vương có nghĩa là ông vua Chính (ông vua Lớn) của dân tộc Việt, từ Bố có trước rồi từ Bua chuyển qua Vua,  Lác có trước, chuyển qua từ Nác, từ Nước, Bồ Hôi thành Mồ Hôi… Bài này viết đến đây tạm ngưng  vì cảm thấy đã tạm đủ.

                                        Chu Vương Miện

No comments: