Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, December 25, 2017

CHỨC NĂNG TRUYỀN THÔNG CỦA “CÁNH ĐỒNG” - THƠ NGUYỄN ĐỨC TÙNG *Phạm Đức Nhì



CHỨC NĂNG TRUYỀN THÔNG CỦA “CÁNH ĐỒNG” - THƠ NGUYỄN ĐỨC TÙNG
*Phạm Đức Nhì

Từ Bình Luận Của Bạn VŨ ĐỨC Trên Facebook

Dưới bài viết Cánh Đồng - Một Bài Thơ Lạ của tôi (PĐN) trên trang Vạn Nẻo Tình Thơ bạn Vũ Đức đã có một bình luận rất hay như sau:
Tôi thì không nghĩ thế. Dù đã đọc. Đọc, và đọc lại. Nhận thức của tôi còn lại là: Thơ đọc mà không hiểu, có thể do "sức khoẻ" bạn đọc. Nhưng cũng có thể do “sức khoẻ” người viết. Mới đến đâu mà bạn yêu thơ lắc đầu không hiểu, thì thơ dễ không là thơ nữa. Cái thông tuệ, uyên bác không đồng nghĩa với phải nhận thức giống những đánh đố, đồng điệu với mình không thể hiểu là cho nó một cái tên siêu nọ hay tuyệt kia. Những bài vừa rồi, nếu nói là thơ, tôi nghĩ, thơ ca VN đang có vấn đề. (1)

Dựa vào vốn ngữ vựng, câu văn, sự hiểu biết về văn chương và khả năng diễn tả ý tưởng bằng văn chương, tôi, không đoán, mà biết chắc rằng bạn Vũ Đức là người sành sõi trong thế giới chữ nghĩa. Bạn đã đọc đi đọc lại bài thơ Cánh Đồng (và mấy bài trong phần phụ lục) mà vẫn không hiểu. Và bạn cho rằng “Thơ đọc mà không hiểu, có thể do ‘sức khỏe’ bạn đọc. Nhưng cũng có thể do ‘sức khỏe’ người viết.” Bạn dùng hai chữ “sức khỏe” rất hay và tôi rất khoái.

“Sức Khỏe” Của Nguyễn Đức Tùng Trong Bài Thơ CÁNH ĐỒNG.

Tôi không học Y Khoa nhưng cũng liều đeo ống nghe để khám “sức khỏe” cho anh Nguyễn Đức Tùng (người viết). Riêng bạn Vũ Đức (người đọc) thì tôi sẽ cố diễn giải kỹ càng, tỉ mỉ bài thơ để bạn đọc lại một lần nữa và sau đó sẽ tự đánh giá tình trạng “sức khỏe” (đọc thơ) của mình. Cuộc khám này chỉ giới hạn ở chức năng truyền thông – nghĩa là xét xem chữ nghĩa của thi sĩ có đủ rõ ràng mạch lạc để người đọc “bắt” được tứ thơ hay không mà thôi.

Trước hết xin trích 5 câu đầu của bài thơ:

Sau ba năm chung thủy

Với người chồng đi xa

Chị đã thất tiết một cách lạ kỳ

Với người đàn ông xấu xí

Già hơn chị rất nhiều

Nguyễn Đức Tùng đã diễn đạt rất rõ ràng, ngôn ngữ và cách hành văn của anh có thể nói là tối giản, tôi cố tóm tắt nhưng chắc cũng không gọn hơn được bao nhiêu:

Chồng đi xa, sau ba năm chung thủy, chị đã ăn nằm với người đàn ông khác, xấu xí và già hơn chị nhiều.   

Tiếp theo là 5 câu cuối:

Trong một buổi chiều bão tố

Khi chúng tôi đến đó

Người đàn ông đã đi rồi

Chỉ còn lại trên đồng lúa

Vết xước của dĩa bay mà thôi

Một buổi chiều bão tố, tác giả (và vài người khác) đến đó thì người đàn ông đã ra đi, chỉ còn lại trên đồng lúa vết xước của dĩa bay.

Ở 2 câu cuối, tác giả đã sử dụng thủ pháp Show, Not Tell đơn giản (cắt bớt một nhịp cầu), người đọc dựa vào chi tiết “vết xước của dĩa bay trên đồng lúa” để suy ra “người đàn ông ấy đến từ một tinh cầu khác”.   

Gộp lại, tứ thơ sẽ là:

Sau ba năm chung thủy với người chồng đi xa, người phụ nữ đã ăn nằm với người đàn ông ở tinh cầu khác.

Người đọc hiểu được như vậy là tác giả đã hoàn thành nhiệm vụ đưa họ tới “bến bãi” (điểm đến của tứ thơ). Chức năng truyền thông của bài thơ thành công.

Tuy nhiên, ý của NĐT trong Cánh Đồng không phải ngừng ở đó. Đối với cách hành xử “ăn nằm với người đàn ông ở tinh cầu khác” của người phụ nữ, người đọc có thể chấp nhận hoặc phản đối. Và thái độ chấp nhận hoặc phản đối ấy sẽ chạm đến chữ Dâm, nhu cầu thỏa mãn “cái khoái thứ ba”- rất nhân bản của con người.

Thơ của những thi sĩ non tay thường là “tứ hết thì ý cũng chẳng còn”. Bước chân vào “điểm đến của tứ thơ” là người đọc có quyền ung dung ngơi nghỉ. Hành trình thưởng thức thơ của ngài đã chấm dứt. Ngược lại, với bài thơ của thi sĩ cao tay, khi người đọc vào “điểm đến của tứ thơ”, nếu muốn, ngài có quyền thả hồn đi tiếp. Và cái hay, cái đẹp thực sự của thơ, cái đem lại cho người đọc rất nhiều khoái cảm thường tụ hội ở đoạn đường đi tiếp ấy.

Thích bình thơ nên tôi chỉ khám “sức khỏe” thi sĩ. Mà chỉ dám khám trong từng bài thơ chứ không “bạo mồm” như vài nhà phê bình khác - giới thiệu cả một tập thơ mà phán “bài nào cũng hoàn hảo”. Đến đây có thể nói, theo cách khám của tôi, “Qua bài thơ Cánh Đồng, với cương vị người viết, ‘sức khỏe’ của anh Nguyễn Đức Tùng rất tốt.”    

Một Bài Thơ Khác

Để giải thích rõ hơn xin mời bạn Vũ Đức và bạn đọc cùng tôi đọc bài thơ Cha Và Con – cũng của Nguyễn Đức Tùng.

CHA VÀ CON

Mười bốn năm sau ngày cha tôi mất

Tôi trở về nằm trên chiếc giường cưới của ông

Đọc cuốn Kiều để mở

Nửa đêm thức dậy ngồi đánh cờ một mình

Buổi sáng cạo râu bằng dao cạo của cha tôi


Mười bốn năm sau ngày cha tôi mất

Tôi về bốc mộ ông

Cầm nắm đất trên tay

Gió thổi

Một chiếc xương cá mỏng


Buổi chiều tôi mang đôi ủng của cha tôi

Đi thăm cánh đồng nước lớn

Đứng trước hiên nhà

Chợt nhớ về đứa con trai đã đi xa


Tứ thơ: Trở về, bên cạnh những kỷ vật gợi nhớ người cha đã mất, tác giả bỗng “Đứng trước hiên nhà chợt nhớ về đứa con trai đã đi xa.”

Đây cũng là thủ pháp Show, Not Tell rất khéo. Bằng câu “Chợt nhớ về đứa con trai đã đi xa” NĐT đã, rất điệu nghệ, đưa mình vào làm một mắt xích trong sợi dây xích dài của huyết thống, dòng tộc. Đây chính là “điểm đến của tứ thơ”.

Tuy nhiên, nếu muốn, người đọc có thể thả hồn đi xa hơn nữa. Bởi chỉ có con trai mới thực hiện được nhiệm vụ nối dõi tông đường, kéo dài sợi dây xích của dòng tộc nên bài thơ cũng chạm đến tập tục trọng nam khinh nữ (nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô) (2), vấn nạn phân biệt giới tính đang làm nhức đầu giới lãnh đạo của rất nhiều nước trên thế giới.

Kết Luận

Tôi rất đồng ý với bạn Vũ Đức trong phần đầu của bình luận:

“Thơ đọc mà không hiểu, có thể do ‘sức khoẻ’ bạn đọc. Nhưng cũng có thể do ‘sức khoẻ’ người viết. Mới đến đâu mà bạn yêu thơ lắc đầu không hiểu, thì thơ dễ không là thơ nữa. Cái thông tuệ, uyên bác không đồng nghĩa với phải nhận thức giống những đánh đố, đồng điệu với mình không thể hiểu là cho nó một cái tên siêu nọ hay tuyệt kia.”   

Chỗ khác biệt giữa bạn và tôi là câu kết:

“Những bài vừa rồi, nếu nói là thơ, tôi nghĩ, thơ ca VN đang có vấn đề.”

Ở phần trên, tôi đã cố diễn giải kỹ càng, tỉ mỉ, cung cấp thêm dữ kiện để bạn Vũ Đức đọc lại một lần nữa rồi tự đánh giá tình trạng “sức khỏe” đọc thơ của mình. Cũng xin nói thêm cho bạn Vũ Đức yên tâm. Nếu bạn không thả hồn đi tiếp để thưởng thức cái đẹp của bài thơ ẩn nấp ở phía sau tứ thơ thì cũng đừng áy náy. Số người đọc giống bạn cũng không phải là ít. Tuy nhiên, nếu đọc hết bài này mà một người văn chương “nhuyễn” như bạn vẫn không đặt chân vào được “điểm đến của tứ thơ” và vẫn xem Cánh Đồng (và “những con tương cận” với nó) không phải là thơ (vì đọc mà không hiểu) thì … không phải “thơ ca Việt Nam đang có vấn đề” mà do “sức khỏe” của bạn suy sụp. Suy sụp nghiêm trọng đấy, bạn Vũ Đức ạ.  

Phạm Đức Nhì
nhidpham@gmail.com
phamnhibinhtho.blogspot.com

CHÚ THÍCH:

1/ https://www.facebook.com/groups/849883105182793/permalink/867840860053684/?comment_id=868050010032769&notif_id=1513700995640711&notif_t=group_comment.

2/ Một trai nói có, mười gái nói không

No comments: