Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Friday, October 16, 2020

VÔ TÌNH TA LƯỚT QUA NHAU | MỘT CHIỀU ĐÔNG EM VỀ THĂM QUÊ | CON SÓNG BẠC VỔ MOM GÀNH MŨI NÉ | KÝ ỨC ĐÊM _ Thơ Lê Thanh Hùng



 Vô tình ta lướt qua nhau


Sẽ vô tình, khi lướt qua nhau

Không bắt được nhịp ngày thương nhớ

Trên sóng đời dập dờn vun vỡ

Lỡ đánh rơi ký ức ngọt ngào

                   *

Biết thời gian rồi sẽ trôi mau

Tuổi xuân chín bên bờ hoa mộng

Đêm cuống quýt, cửa phòng mở đóng

Gió trăng phơi, chăn gối rũ nhàu

                   *

Một tiếng đàn tan trong thinh không

Nghe buốt lạnh bờ vai bổi hổi

Tiếng nhạc cũng đẩy đưa gấp vội

Lời ca buồn nghe trĩu nặng lòng

                   *

Ngày đã tàn, sương giăng mênh mông

Phố núi chật, nhịp đời quay chậm

Nồng nã đưa hương ngày gần lắm

Trái tim non áo xống phập phồng

                    *

Sao vô tình, bước trên đường xưa

Có tiếng nhạc hoài mong gợi mở

Qua ngõ hẹp, dốc cong không nhớ

Một chút gì, quán nhỏ chiều mưa ...

Lê Thanh Hùng

 

Một chiều đông em về thăm quê 


Dẫu đã biết trời kia giấu nắng

Mây giăng mờ xám một chiều hoang

Nghe bức bối không gian ngưng lặng

Bợt bạc lòng, trời đã chớm đông

                     *

Rừng trống vắng, hoàng hôn chới với

Gió bấc lay lá đổ theo chiều

Hiu hiu lạnh, dỡ chừng khơi gợi

Một chiều về nồng ấm tin yêu

                     *

Mây cuốn quýt, tầng cao tầng thấp

Một chiều hôm, mình đã có nhau

Trong mắt biếc, chút gì ngượng ngập 

Một ngày vui, xanh đến nhường nào

                     *

Em rảo bước, choàng tay khép áo

Gió lùa qua nỗi nhớ quanh đồi

Biết đời không có gì hoàn hảo

Nhưng lối này một thuở có đôi ...

                     * 

Thôi ký ức chìm trong dĩ vãng

Vẫn còn đây hoa mộng trên tay

Nguyên vẹn những tháng ngày kiêu mạn

Ẩn ức gì mà sống mắt cay?

Lê Thanh Hùng



Con sóng bạc vỗ mom gành Mũi Né


Biển trong xanh mướt một tầm nhìn

Phố mới rợp sắc màu tươi trẻ


Sâu lắng một niềm tin

Con nước lớn tràn bờ ngấp nghé

Đất Mũi trở mình, vạm vỡ nguyên trinh

Lê Thanh Hùng

 

Ký ức đêm


Đêm 

Huyễn hoặc 

Chập chờn sáng tối

Hoen mờ 

Đèn quảng cáo 

Giăng giăng

Em 

Lạ lẫm 

Nồng nàn thốc xối

Đánh rơi đêm 

Ký ức nhọc nhằn ...

Lê Thanh Hùng

    Bắc Bình, Bình Thuận


READ MORE - VÔ TÌNH TA LƯỚT QUA NHAU | MỘT CHIỀU ĐÔNG EM VỀ THĂM QUÊ | CON SÓNG BẠC VỔ MOM GÀNH MŨI NÉ | KÝ ỨC ĐÊM _ Thơ Lê Thanh Hùng

PHẠM NGỌC THÁI VỚI BÀI THƠ TỔ QUỐC - Nguyễn thị Hoàng

   PHẠM NGỌC THÁI VỚI BÀI THƠ TỔ QUỐC 


                                                                  Nguyễn thị Hoàng
                                      Nguyên GV Trường ĐH Sư phạm

      
  

        ĐẤT NƯỚC TÔI YÊU                
                    
Ta nằm xuống thảm cỏ quê hương
Hát một bài ca về Đất Mẹ
Sông, núi, bầu trời qua bao thế hệ
Vẫn ngọt ngào như câu ca dao

Mẹ đã nuôi ta trong mưa nắng dãi dầu
Ta lớn lên thành người con đất nước
Dân tộc tôi gặp nạn nhiều và cũng nhiều tủi cực
Nhưng rất giàu yêu thương bao la

Việt Nam ơi!
Ta gọi tên hai tiếng của ông cha
Qua 4.000 năm dân vẫn còn nghèo đói
Hết giặc ngoại xâm. Lại lũ quan tham giày xới... 
Đánh thắng bao quân thù mà mãi chửa "tròn Nhân".

Ôi, đất nước ta yêu quí vô ngần
Thế kỉ XXI rồi, người ơi!
Chẳng lẽ cứ câu ca dao "ngày tám tháng ba" hát mãi
Hãy mở thật rộng cửa trời Mỹ, trời Âu
Vừa lấy thế chống giặc phương bắc tràn vào
Vừa mở mang kinh tế...
Ông cha ta đã dậy rồi:
"dân trị tức pháp trị"
Không có gì bằng "khai dân trí"! (*)

Ôi, đất nước tôi yêu!
Ta sống làm người của non sông. Chết làm ma đất nước.
Dẫu chưa theo được bước chân cường quốc
Hãy thương lấy ngọn cỏ quê hương
Đói khát, khổ nghèo lòng nguyện thủy chung
Không theo gót Tàu Bang hại giống nòi, dân tộc
Để con cháu muôn đời không ô nhục.

                     Thơ PHẠM NGỌC THÁI
(*)   Lời của Nhà yêu nước Phan Châu Trinh  



          Nguyễn Thị Hoàng 
 
LỜI BÌNH:  " Đất nước tôi yêu" là bài thơ về tổ quốc rất máu tim, sâu sắc của nhà thơ Phạm Ngọc Thái trong dòng thơ hiện đại Việt Nam. Hòa trộn nhuần nhụy giữa ngôn ngữ thơ tự do với sự ngọt ngào của ca dao Đất Mẹ - Ngay bốn câu thơ đầu ta đã thấy:
                     Ta nằm xuống thảm cỏ quê hương
                     Hát một bài ca về Đất Mẹ
                     Sông, núi, bầu trời qua bao thế hệ
                     Vẫn ngọt ngào như câu ca dao
     Thơ có âm hưởng của một khúc hát dân gian ta vẫn nghe đâu đó ở làng quê, tiếng ru hời trong canh khuya hay một khúc tình ca trên một bến đò. Sang đến khổ thứ hai, vẫn giọng thơ ngọt ngào ấy nhưng lại nói về cả dòng lịch sử dân tộc, vừa hào hùng lại chạnh nỗi xót xa:
                    Việt Nam ơi!
                    Ta gọi tên hai tiếng của ông cha
                    Qua 4.000 năm dân vẫn còn nghèo đói
                    Hết giặc ngoại xâm. Lại lũ quan tham giày xới... 
                    Đánh thắng bao quân thù mà mãi chửa "tròn Nhân".
     Tình thơ tha thiết, yêu thương. Sang tới khổ thơ thứ ba dài tới chín câu - Khổ thơ này mang màu thế sự? Vẫn những lời thủ thỉ tâm tình, chia ngọt sẻ bùi cùng quê hương đất nước:
                    Thế kỉ XXI rồi, người ơi!
                    Chẳng lẽ cứ câu ca dao "ngày tám tháng ba" hát mãi...
     Phản ảnh một bối cảnh xã hội hiện thời, theo nhân sinh và thế giới quan tác giả? Thể hiện quan điểm xã hội học của nhà thơ: 
                   Hãy mở thật rộng cửa trời Mỹ, trời Âu
                   Vừa lấy thế chống giặc phương bắc tràn vào
                   Vừa mở mang kinh tế... 
     Đoạn thơ tuy mang ý tưởng thế sự nhưng vẫn bằng giọng thơ tâm tình mà thấm vào lòng người - Nêu lên hai vấn đề lớn của dân nước đang quan tâm nhiều:  Mở mang kinh tế và chống ngoại xâm !? Ý thơ, mở rộng cửa quan hệ sang các cường quốc Âu Châu và Mỹ làm cho dân giàu nước mạnh, tăng thế để chống giặc phương bắc tràn vào? Tác giả muốn nói: Với bọn Tàu Bang dù là vẫn tranh thủ hòa bình, hợp tác, hữu nghị, song như ông cha đã chỉ dậy, bản chất chúng luôn luôn nhăm nhe với âm mưu thôn tính để đô hộ dân ta? Đó là thực tiễn cả nghìn năm chống ngoại xâm của dân tộc. Nước phải cường, dân có mạnh... mới đánh trả được âm mưu bành trướng của chúng mà giữ nước. Đoạn thơ đậm chất nhân tình thế thái. Đó cũng chính là chủ nghĩa nhân văn sâu sắc của thi phẩm này. 
     Mấy câu cuối của khổ thơ thứ ba:
                   Ông cha ta đã dậy rồi:
                   "dân trị tức pháp trị"
                   Không có gì bằng "khai dân trí"!
     Tác giả lấy lời chỉ bảo của ông cha qua những câu huấn dụ của cụ Phan Châu Trinh, nhà yêu nước tôn kính của nhân dân Việt Nam! Đoạn thơ mang tính dân tộc. Tôi không muốn bàn nhiều về vấn đề này - Song nghĩ rằng, mai sau hậu thế cũng như các nhà nghiên cứu văn học bình luận về bài thơ? Đời sẽ mổ xẻ ý tứ mà tác giả muốn nêu ra, trong bài thơ về tổ quốc của anh!  Hôm nay, xin để độc giả tự hiểu theo ý riêng của mỗi người.
      Đoạn thơ cuối nói về lòng thủy chung, tình yêu với tổ quốc, quê hương:
                    Đói khát, khổ nghèo lòng nguyện thủy chung
     Hay là:
                   Ta sống làm người của non sông. Chết làm ma đất nước.
     Đến hai câu kết lại toàn bộ bài thơ, ta thấy tác giả lại trở về vấn đề thường vẫn đau đáu trong lòng của những người dân yêu nước, trước thời vận sống còn của non sông? Từ xưa, nay và mãi mãi mai sau:
                      Không theo gót Tàu Bang hại giống nòi, dân tộc
                      Để con cháu muôn đời không ô nhục. 
      Bài thơ chốt ở đấy! Về ngôn ngữ nghệ thuật: Tiết tấu, vần điệu thi ca hợp lý theo cảm xúc thơ. Tình thơ chân thành không phóng đại, thuyết phục được cảm xúc của nhiều người. Thi phẩm có khả năng sống lâu dài với thời gian và trong nền văn học nước nhà.
     "Đất nước tôi yêu" là một bài thơ về tổ quốc hay! Thi phẩm được in trong tập: "64 BÀI THƠ HAY - PHẠM NGỌC THÁI", tác giả sẽ cho trình làng vào trung tuần tháng tới.
 
                                                                                   Mùa thu năm Canh Tý, 2020
                                                                                           Nguyễn Thị Hoàng  
 
  
READ MORE - PHẠM NGỌC THÁI VỚI BÀI THƠ TỔ QUỐC - Nguyễn thị Hoàng

THƯƠNG LẮM QUÊ MÌNH: Chùm thơ chỉa sẻ nỗi khổ đau vì lũ lụt ở quê nhà - Nguyễn Trung Giang, Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Phan Thạch Nhân, Nguyễn Thị Liên Hưng, Lê Văn Hảo

 


CƠM ÁO MÙA ĐÔNG

        (Thương về quê hương những ngày lũ lụt.)


   Hạt gạo đầu thu

   Vàng bó rơm khô

   Chập chùng bếp lửa

   Gió bấc trở mùa

   Chiều dâng nước lũ

   Đêm ánh  đèn tro

   Mênh mông nguồn đổ

   Sõng vỗ hiên mờ

   Bềnh bồng xóm nhỏ

   Màn lệ đau thương

   Lập lờ cóng rớ

   Lạnh thấu trong xương

   Trang sách ngày nọ

   Cày  cọc nắng mưa

   Xé lòng nỗi nhớ

   Cơm áo ngay xưa 

                         Nguyễn Trung Giang

 

THƯƠNG LẮM QUÊ NHÀ


Quảng Trị miền Trung là quê tôi đó

Cả tuần ni lụt bão cứ tràn về

Nước dâng cao mà trời thì mưa gió

Nhà đổ, người trôi…lắm cảnh não nề

Nơi phương Nam dòng đời đi chậm lại

Theo dõi từng giây, tin sớm, tin chiều

Bao con tim ngóng về quê xa ngái

Bóng ngã, chiều nghiêng, đầu óc liêu xiêu

Làng ngoại tôi ngập chìm trong biển nước

Cây cối oằn mình nhà cửa bấp bênh

Hình ảnh tang thương khiến lòng đau buốt

Đâu vườn quê hoa nở thắm bên thềm

Gọi cho cậu mấy lần không kết nối

Điện cắt rồi (chắc máy đã hết pin)

Gọi cho em, nói dăm câu vội vã

Em bận kê giường nước ngập chị ơi

Gọi cho anh, trong làn gió hú

Anh vội vàng: Anh vẫn bình an

Điện thoại để dành khi cần cứu hộ

Bốn ngày rồi anh ở gác trên

Gọi cho bạn, tiếng thở dài não nuột

"VP ơi, H bị gãy tay nằm một chỗ- nước vô nhà"

Trời ơi thảm cảnh nào hơn

Nước mắt tràn mặn đắng

Lòng nhói đau - lời cầu nguyện nghẹn bờ môi

Đã qua một thời

Chiến tranh khói lửa

Thành xây máu xương

Sao trời không thương

Thiên nhiên khắc nghiệt

Hè rồi hạn hán cằn khô

Gió Lào cháy tóc. Ao hồ cạn queo

Cơn mưa vừa mới lao xao

Mừng chưa kịp, nước đã ào ào tuôn

Lại thêm bão tố luông tuồng

Số 6 vừa tan. Số 7 lại đến

Dập dồn

Đói

Lạnh

Của cải chắt chiu chừ theo dòng nước bạc

Tính mạng người phó mặc trời cao

Thương quê không biết làm sao

Chút lòng thơm thảo góp vào sẻ chia

Câu ca dao cũ còn kia

“Người trong một nước…”

… Huống chi quê mình…

                           Nguyễn Thị Vĩnh Phước

                     

 

ANH, CHỊ, EM


Nghe chị than lụt năm nay lớn lắm

Nước mênh mông lai láng cả miền quê

Mưa suốt cả tuần ướt đẫm lê thê

Chị nhìn vào đâu cũng toàn là nước

Tựa cột hiên chị nhìn ra phía trước

Luống rau xanh nước bạc ngập mất rồi

Rều rác lềnh bềnh nước lũ cuốn trôi

Đám cà pháo tới kỳ chưa hái kịp

*

Nghe anh nói chiều qua lên chợ tỉnh

Đường phố thành sông, ghe lướt sóng chèo

Thành Cổ - Triệu Phong mù mịt cheo leo

Ái Tử - Hải Lăng cùng chung số phận

Khổ dân quê oằn mình ôm lận đận

Thuỷ sản nuôi trồng nước lũ cuốn trôi

Gia cầm đói người ta đi bán vội

Đàn vịt đi hoang theo nước phiêu bồng

*

Nghe em kể anh cảm thấy đau lòng

Nước xuống, nước lên bùn non mấy lớp

Xả lũ đập tràn nước dâng nờm nợp

Cúp điện rồi, em sợ lắm! Đêm đen

Đôi chân trần bùn đất lấm lem

Điện thoại hết pin làm sao liên lạc

Bụng đói cồn cào áo quần xơ xác

Còn chi mô má phấn môi hồng

*

Đêm tàn thu tựa mình bên gác trọ

Thương quê nhà Quảng Trị lắm thương đau

Thương miền Trung nước bạc phủ trắng màu

Bão lũ theo nhau quê nhà khổ luỵ

Lời nguyện cầu đêm nay cho Quảng Trị

Cho miền Trung quê mẹ sớm vượt qua

Nước mắt rơi giữa đất trời xa lạ

Phương Nam sầu gió lạnh buốt làn da.

                                       Saigon 12/10/2020

                                       Phan Thạch Nhân

 

 

ÔI QUÊ TÔI!


Mấy hôm rồi nghe tin bão lũ

Tràn qua vùng sỏi đá quê hương

Trời gây bao cảnh tang thương

Xa xôi cách trở dặm trường âu lo

Bản tin sáng, trưa, chiều theo suốt

Kìa bão bùng, lũ ngập, mưa sa

Ông tha mà bà chẳng tha

Bão chưa dứt đợt lũ đà dâng lên

Đường, sân cũ giờ thành sông, suối

Nước thênh thang đâu thấy bến bờ

Trong nhà nước ngập bàn thờ

“Heo lên ngồi ghế”, bé ngơ ngác nhìn

Cha ngâm mình đi tìm mì gói

Mẹ lội bùn mót chút sắn khoai

Gió mưa phủ cả đôi vai

“Trời hành cơn lụt” cho ai đoạn trường

Mấy ngọn cau oằn mình gió đập

Nóc nhà tranh nước ngập mái xiêu

Trẻ già thôi cũng đánh liều

Thoát dòng lũ cuốn chín chiều ruột đau

Mấy ngày rồi lòng như lửa đốt

Xót người thân không biết hỏi ai

Quê tôi gánh chịu thiên tai

Phone im, tin bặt cho dài nỗi lo

Ôi bão lũ một trời tang tóc

Mất người thân tiếng khóc nghẹn ngào

Em thơ mắt dại chao vao

Thiên tai nghiệt ngã, lao đao phận người

Nhà đổ nát, ruộng vườn tơi tả

Bầy gia cầm nước lũ cuốn phăng

Cơ ngơi gầy dựng bao năm

Mà chừ tay trắng thấu chăng hở trời?

Hướng tình thương về miền bão lũ

Cùng chung tay xóa bớt nỗi đau

Trong cơn khốn khó giúp nhau

“Của tuy tơ tóc” nghiã sâu muôn lòng

                       Nguyễn Thị Liên Hưng

 

LÀNG TÔI  


Mưa gió triền miên giông tố dập dồn

Biển nước vây quanh ngập cồn lút bãi

Tan nát cữa nhà dân đen quằn quại

Khổ sở con người tai hại ruộng nương

Sấm sét liên hồi báo động tai ương

Áp thấp trùng khơi tìm quê hương tới

Số sáu chưa qua con bảy tiếp nối

Cứ thế vùi chôn cây cối hoa màu

Bát ngát bao la phương hướng nơi đâu

Tám ngã đường quê chìm sâu đáy nước

Không biết nơi nào miền xuôi miền ngược

Bao quát một vùng sau trước bất phân

Đồng hóa đại dương xóa sạch cận lân

Vô cực bờ đê cuối chân trời thẳm

Làng tôi đó chừ trong cơn chìm đắm

Thôn xóm ảo mờ như đang tắm biển đông

Màu tang tóc bao phủ xuống ruộng đồng

Quê mẹ ơi nao núng đến bao giờ

                                                     14-10-20

                                                      Lê Văn Hảo

 

READ MORE - THƯƠNG LẮM QUÊ MÌNH: Chùm thơ chỉa sẻ nỗi khổ đau vì lũ lụt ở quê nhà - Nguyễn Trung Giang, Nguyễn Thị Vĩnh Phước, Phan Thạch Nhân, Nguyễn Thị Liên Hưng, Lê Văn Hảo