Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Sunday, March 31, 2019

THÁNG TƯ, BẰNG LĂNG... - Thơ Trần Mai Ngân




THÁNG TƯ - BẰNG LĂNG...

Cứ lần lựa mãi... tháng Tư cũng đến
Không ồn ào mà nhẹ khẽ ru êm
Như thánh đường chiều vọng tiếng chuông ngân
Từng cung bậc rất ân cần tha thiết...

Cứ lần lựa mãi... Bằng Lăng tím biếc
Đầy hương hoa cho mùa hẹn tháng Tư
Cứ đến, cứ đi... đôi khi biền biệt
Bỗng trở về cùng hương sắc ngày xưa.

Cứ lần lựa... cứ lặng im như vậy
Tháng Tư nào và bài hát cho nhau
Cung phiếm chùng lòng rất xuyến xao
Bằng Lăng có chênh chao thương với nhớ...

Tháng Tư ơi ! Tháng Tư ơi ! lại nhớ
Mới vừa về như lại sắp ra đi...
Mới vừa về như lại sắp ra đi...
Tháng Tư ơi ! Tháng Tư ơi ! lại nhớ !

                                Trần Mai Ngân

READ MORE - THÁNG TƯ, BẰNG LĂNG... - Thơ Trần Mai Ngân

Saturday, March 30, 2019

MỘNG THỰC NÀO RIÊNG Ở CHỐN NẦY - Thơ Mặc Phương Tử




MỘNG THỰC
NÀO RIÊNG Ở CHỐN NẦY


Nghiêng nghiêng con dốc
Nghiêng màu nắng
Trời thắt lưng mây bạc núi đồi.
Điểm sắc hoa ngàn thơm lối nhỏ
Sương chiều man mác, bóng chiều trôi.


Người đến ôm lòng giữa xứ mơ
Mắt cài sao mộng khói sương mờ.
Ta nghe lời gió ru muôn bến,
Và cả trong chiều, cả ý thơ.


Sương lạnh
Chiều lên
Mộng hảo cầu
Ai nghe trong ấy vạn niềm đau !
Ai nghe trong ấy, từ muôn thuở
Ý niệm thời gian loạn dáng màu.

Viễn khách
Đời còn dong ruỗi bước
Ta, người lữ thứ mộng về xuôi
Có ai gởi chút tình muôn dặm
Cho hồn cát bụi trở về ngôi.


Có ai trút nỗi niềm dâu bể
Xuống tận đời khuya hết não nề.!
Trăng ở phương nầy nghiêng phố núi
Hương màu loan nhạt sắc trời quê.


Người đến đây
Ta cũng đến đây
Mắt người tuôn mộng cánh thu say
Còn ta đi giữa đời muôn lối
Mộng-Thực
Nào riêng ở chốn nầy.!

                                               Đà Lạt, một mùa thu 2012.

                                                MẶC PHƯƠNG TỬ

READ MORE - MỘNG THỰC NÀO RIÊNG Ở CHỐN NẦY - Thơ Mặc Phương Tử

TÌM EM - Thơ Phạm Hòa Việt


Tác giả Phạm Hòa Việt


TÌM EM

Hà Nội  giao thoa rét cuối mùa
Mưa rào ướt lạnh mái chèo khua
Chiều đông ròng rã ru ngày cuối
Ru cả tình qua ngọn gió lùa

Đi tìm em chẳng thấy em đâu
Phòng the rèm thả nhuốm sắc màu
Cửa xuân chưa mờ hoa đào nở
Lắng đọng thời gian trong thâm sâu...

Đi tìm em suốt cả canh thâu
Mà nghe nhung nhớ thuở ban đầu 
Đèn khuya vẫn thắp lòng im tiếng
Im cả tình thơ với bể dâu...

Thôi thế ngày mai giấc mơ hoa
Chăn đơn sười ấm bóng quê nhà
Em tìm kỷ niệm qua ngày tháng
Anh giữ tình ta trong thiết tha...


PHẠM HÒA VIỆT
READ MORE - TÌM EM - Thơ Phạm Hòa Việt

ĐÂY TRANG SỬ PHẬT - Thơ Hạnh Phương

Tác giả Hạnh Phương


ĐÂY TRANG SỬ PHẬT


Dưới gốc cây vô ưu
Đản sanh thân thanh tịnh
Ngọt tiếng chim thư cưu
Trời, người cùng ca vịnh.

Sanh thân diệu pháp thân
Vì chúng sanh thị hiện
Hữu tình đồng hiền thiện
Khai, thị, ngộ, nhập… thần .

Nửa khuya vượt cấm thành
Ngôi Đông Cung bỏ ngỏ
Ni Liên vượt qua bờ
Mái tóc xanh gởi gió …

Quyết tìm đường học đạo
Chưa gặp thầy uyên áo
Kiên quyết lặn rừng sâu
Lánh cõi trần huyên náo.

Thân que củi  héo khô
Bữa ăn vài hạt gạo
Sáu năm dài lơ láo
Chưa thấy ngọt cam lồ .

Trở gót ra bờ sông
Ngâm mình dòng nước mát
Nhận bát sữa, ấm lòng
Tâm thanh trong khoáng hoạt.

Bước tới cội Bồ đề
Trải cát tường thiền tọa
Phát đại nguyện kiên thề
Quyết tìm ra đạo cả .

Suốt bảy thất tham thiền
Lũ ma ám … dẹp yên
Ánh tâm quang rạng rỡ
Quả Đạo chứng trang nghiêm…

Trở lại Vườn Nai xưa
Tìm bạn hiền thuở nọ
Chuyển pháp luân soi tỏ
Mở nẻo vào chân như .

Bốn chín năm trải gót
Khắp vạn nẻo đường quê
Diệu pháp âm mật rót
Khắp đại địa sơn khê .

Ba trăm hội đàm kinh
Cứu phàm ngu thoát khổ
Bao thánh hiền đốn ngộ
Ánh đạo vàng xương minh .
Ba Ngôi Báu quang vinh
Đệ tử tròn bốn chúng
Bỏ thân bốn đại chủng
Về bảo sở viên minh.

Giữa khuya rừng Sa La
Phật thuyết kinh Di Giáo
Giới là Thầy chỉ Đạo
Từ đây đến muôn xa.

Phật thị hiện niết bàn
Lưu ngọc châu xá lợi
Lợi lạc khắp nhân gian
Phước ngàn trùng vời vợi.

HẠNH PHƯƠNG
Phật lịch 2562

READ MORE - ĐÂY TRANG SỬ PHẬT - Thơ Hạnh Phương

TÔI BÁN VÉ SỐ - Kha Tiệm Ly

Tác giả Kha Tiệm Ly


Tôi Bán Vé Số
 Kha Tiệm Ly

Nghề ít vốn, hoặc không cần vốn

Trước khi làm nghề bán vé số dạo thì tôi đã có thâm niên hơn năm mươi năm… mua vé số. Với thời gian đáng nể như vậy nên tôi thừa kinh nghiệm để biết giai cấp nào thích, giai cấp nào không thích mua vé số, và rành rọt thành phần nào bán vé số “chạy” nhứt, cũng như bán chỗ nào, mời lúc nào cho có hiệu quả nhất!

Trước tiên phải nói là những ai mua vé số thì ít nhiều người đó cũng có chút máu ăn thua! Mua vé số là mua hy vọng, hy vọng được đổi đời nên với hạng người mua gánh bán bưng, xe ôm… họ mới thường mua, nhưng chỉ “cầu may” một vài vé, vì tiền đâu mà mua nhiều! Hạng “khá khá” như chủ quán cà phê vỉa hè thì bốn năm vé. Xộp nhất là với hạng dư giả, đó là những tài xế, chủ sạp vải, chủ vựa, dân cá độ, dân cho vay, và những người có “tiền chùa”, tạm hiểu là tiền mà do mánh mung hay gì gì đó mà có mà không tốn mồ hôi, thì vài chục vé, có khi cả cọc là chuyện thường! Bài bản là như vậy, nhưng cũng còn tùy thuộc vào “máu”… vé số của mọi người!

Thành phần bán “chạy” đầu tiên phải kể là học sinh, trẻ em; kế đó là người già cả, bệnh hoạn – càng già, bệnh càng nặng càng tốt - hai hạng người nầy mỗi ngày trung bình được trên trăm vé, người già có thể bán được nhiều hơn nữa, ngặt “đi không nổi” vì mỏi gối mỏi lưng; tiếp theo là người đui mù, tật nguyền - càng thê thảm càng hay - hạng nầy ngày hai, ba trăm vé là thường; cuối cùng, hạng bán chạy nhứt vẫn là các cô gái trẻ đẹp, nhưng phải có cái miệng dẻo một chút, biết “chiều” khách một chút, biết “nói chơi” một chút, hạng nầy ngày nào bán ba trăm vé kể như ngày đó bị tổ trác! Còn với nam thanh niên, người sồn sồn mà khỏe mạnh mà đi bán vé số thì coi như đã chọn lầm nghề!

Thu nhập bằng nghề bán vé số đáng kể lắm. Tùy theo trả tiền trước hay trả sau cho thầu (đại lý), hoặc “mua đứt bán đoạn” hay trả lại vé ế vào giờ nào mà tiền lời từ một ngàn đến một ngàn hai một vé. Còn như nếu nếu nhận vé “xấu”, thì lời được một ngàn rưỡi / vé. Đổ đồng với người già và trẻ em, thì thu nhập cũng hơn ba triệu một tháng, tương đương lương của những người phụ việc ở các quán ăn, của người bán hàng rong… mà lại “phẻ” hơn nhiều; còn với người tật nguyền, với các cô gái thì mỗi tháng cũng chín, mười triệu đồng! Với lương công chức thuần túy (giáo viên, nhân viên bưu chính, nhân viên ngân hàng, công an viên, bác sĩ,…) vẫn ngoài tầm tay với!

Bán vé số có thu nhập “cao” thì nhiều lắm cũng tầm như nói trên, bù lại họ đi cũng rã bánh chè (và không ít khi bị bị khách khinh khi ra mặt)! Có người nói bán vé số thu nhập trăm triệu đồng / tháng thì không biết họ căn cứ vào đâu.

Được xếp vào trong tuýp bán chạy nhưng không phải vì thế mà không cần học hỏi thêm: Nếu mời không đúng nơi đúng lúc thì cũng như không.

Trước hết là nơi bán.

Trừ những người tật nguyền quá thê thảm như đi đứng, nói năng khó khăn, đui mù, còn bất cứ ai bán vé số dạo cũng phải.chịu khó… đi dạo, và có lời mời khách; nhưng nếu khách hàng lắc đầu hoặc xua tay thì phải đi ngay, không nên nhèo nhẹo mà làm khách bực mình. Khách đang trộn một tô phở, hay ngay giao lộ đèn xanh đèn đỏ (mà đèn đỏ sắp “cháy”), lại chìa xấp vé số trước mặt mà được mua thì chỉ khi chắc chắn vé đó chiều vô độc đắc!

Điểm tiêu thụ vé số nhiều nhất là các quán cà phê, và khu vực chợ, tại đây có nhiều tay như ghiền, họ nói, ngày nào không mua là “như thiếu thiếu cái gì đó”, kế đó là các chùa chiền vào những ngày lễ lớn, họ “mua để làm phước” (!) cũng như để chứng minh cho trời phật thấy cái “hạnh lành” của họ! Những ngày nầy tuýp già cả, tật nguyền thắng lớn! Quán nhậu cũng là nơi bán vé số lý tưởng, vì ai có chút rượu vào thì họ cũng hào phóng hơn. Với những cô gái xinh xinh, ăn mặc sạch sẽ một chút, má môi đỏ đỏ một chút, biết nói đẩy đưa một chút, và nhất là phải biết nhấm rượu một chút khi khách mời “uống với anh đi em!”, thì các quán nhậu nhẹt là nơi đắc địa.

Trong bệnh viện vào các giờ thăm nuôi, các thân nhân người bịnh (nuôi bịnh), dù bạc tiền dè sẻn, họ cũng ráng mua vài tờ để cầu mong thần tài chiếu cố hầu đỡ lo lắng tiền phòng, tiền ăn uống, thuốc men!

Như nói trên, người bán vé số dạo nếu chịu khó... dạo thì mỗi tháng cũng kiếm được gần bốn triệu đồng, tiện tặn thì cũng đủ muôi vợ nuôi con qua ngày ; với thành phần được khách "ưu đãi" đã kể thì bảy tám chín mười triệu như chơi. Cho nên ta không ngạc nhiên khi thấy các cô gái áo quần thời trang , phấn son thơm phức, đi xe tay ga đến điểm cần bán, thắng cái "kịt" rồi yểu điệu bước xuống với cọc vé số trên tay!

Một điểm bán vé số hết xẩy nữa là chỗ đám ma! Nhưng không phải cứ nhắm mắt bước vô chìa xấp vé số thì cũng như không! Mà phải nhìn lên bảng cáo phó coi người chết thọ bao nhiêu tuổi. Thí dụ bảy mươi, thì nếu trong cọc vé số của mình không có số 70 đuôi, thì hãy tức tốc chạy u về nhà thầu lấy cho được số nầy! Thì chắc như đếm: vài chục tờ bán trong tích tắc! Và nếu ngày đó mà số đề ra con 70 thì kể như nhà thầu sập tiệm!

Tôi biết được một gia đình gồm một mẹ ba con từ Trung vào mà đứa nhỏ nhứt chưa tới tuổi đến trường. Ban đầu không nhà, phải ngủ vỉa hè; dần dần mướn được nhà trọ, và sau 4 năm bán vé số, họ đã làm chủ được căn nhà trong hẻm khá khang trang.

Có người nhờ bán vé số mà nuôi con ăn học thành tài.

Quanh tờ vé số

Biết thế, nhưng có người "đói chết bỏ chớ không bán vé số”. Tại sao vậy? - Chẳng qua là sĩ diện hão mà thôi! Họ coi bán vé số là một nghề mạt hạng của xã hội, hành nghề đó sẽ bị người người khinh dễ và “mất mặt” với xóm làng (!), dù nghề họ đang làm thu nhập chỉ hơn phân nửa người bán vé số bình thường! Có một ngưởi làm nghể hủ tiếu gõ nhiều năm, khi không còn sức khỏe để thức khuya dậy sớm nấu nướng, đẩy xe khắp hang cùng ngõ hẻm nữa, thì nghề thích hợp nhứt là bán vé số! Thế nhưng, nghĩ mình đường đường là một ông chủ… hủ tiếu gõ mà nay lại bàn vé số thì còn gì thể diện? Nhưng nếu không bán thì đói, nên ông ta hàng ngày phải đạp xe đến các xã ven mà hành nghề! Dù “giấu nghề”, nhưng lâu dài người ta vẫn biết. Biết thì biết, nhưng nhứt định không “khai”!

Nói thì nói vậy, nhưng trên đời nầy không có nghề lương thiện nào mà không đổ mồ hôi và nếm chua cay cả! Những ngày mưa bão, bán ế ẩm, không tiền trả vốn cho nhà thầu là chuyện thường; những ngày tốt trời thì người già, người tật nguyền đôi khi bị cướp giật vé số, tiền bạc; bị đổi số “trúng” bị cạo sửa; trẻ em thì bị uy hiếp. Mới hay cái ác không từ một ai!

Quanh tờ vé số có nhiều chuyện bi hài cười ra nước mắt!

Một chị rất nghèo (giàu ai bán vé số?), một buổi xế, vé số chị còn khá nhiều nhưng chị bị nhức đầu, đành nằm nghỉ cho bớt rồi bán tiếp, ai dè chi mê man đến chiều tối; tỉnh dậy chị khóc hết nước mắt. Nào ngờ sáng hôm sau chị dò thì chị trúng bốn tờ độc đắc!

Xác suất trúng số rất thấp: có người tính thử là chồng vé số cao tới… cây cột đèn mới có một tờ trúng độc đắc! Khó trúng như vậy nhưng không phải là không trúng, thậm chí có người trúng độc đắc tới ba lần! Cho nên chớ mua vé số mà tặng ai (trừ những người mình đặc biệt yêu quý): Trật thì không nói gì, nhưng “rủi” trúng thì mích lòng vì… tiếc của! Có một anh vào quán uống “tay quơ”. Hứng chí anh ta mua 5 tờ; giữ lại 1 tờ, còn 4 tờ thì hào phóng tặng cho 4 em, mỗi em một tờ. Chiều, tất cả đều trúng. Anh ta tiếc rẻ, phải chi không cho mấy em thì anh ta sẽ hưởng trọn 10 tỉ (làm tròn)! Anh ta bèn gỡ gạc bằng cách đến năn nỉ, xin lại các em mỗi người hai trăm triệu, thi đều được câu trả lời :”Ai biểu ông ngu, ông ráng chịu!”. Ói máu chưa?

Có ông đang nhậu dò vé số, sớn xơ sớn xác thế nào mà ngỡ là trật, rồi quăng di. Đứa bé bán vé số dò lại thì trúng độc đắc!

Có chị bán vé số, ngày nào cũng chừa một vé để mong đổi đời; thế nhưng có một ngày không biết sao chị bán luôn tờ mình chừa lại. Chiều tờ đó trúng! Khỏi phải nói chị tiếc rẻ đến cỡ nào!

Chuyện quanh tờ vé số thì còn rất nhiều, khó mà kể hết. Có điều làm người ta ngạc nhiên, là tại sao những người trúng số sau một thời gian họ lại nghèo hơn lúc chưa trúng - dù họ trúng hai lần? Hỏi rồi tự trả lời “của thiên trả địa thôi!”; “tiền làm không đổ mồ hôi, khó bền lắm”. Thực ra chẳng qua vì tâm lý mà thôi: Hồi nào thiếu thồn, giờ có tiền thì ăn uống thả cửa, mua sắm thả ga! Hồi trước mua vé số mỗi ngày chỉ vài tờ (tiền đâu mua nhiều?), giờ thì chơi cả cọc, cả cọc! Trước thì sau cả ngày làm việc, anh em lối xóm cùng chung vài xị rượu pha cồn để “giải nghể”; giờ thì đi xe láng cón (coóng), cứ nhà hàng trực chỉ mà luôn kèm theo đám “nịnh thần” chầu chực kiếm chác chút rượu tây, bia bọt! Trước thì…

Đó là chồng, còn vợ thì cũng không kém: Trước thì chi tiêu hằng ngày có căn bản, nếu nay lỡ tiêu quá quy định thì mai tiêu ít lại để bù qua; trước thì quần áo xuềnh xoàng, nay thì mô đen, hàng hiệu. Trước thức khuya dậy sớm, nay thức sao nỗi! Bèn cho vay vì nó nhẹ nhàng mà lợi gấp mấy lần mua gánh bán bưng!

Và rồi ở không mãi cũng chán nên tìm mối… đánh bài, chơi đề!

Chồng ăn nhậu, vợ bài bạc, con nợ trốn đi, thì không sớm muộn gì cũng nát cửa tan nhà! Đó là các lý do mà những người nghèo khổ mà trúng độc đắc thì thời gian sau còn nghèo hơn trước.

Cũng không ít người nghèo trúng độc đắc mà họ “lên” luôn; chẳng qua là họ vẫn chí thú làm ăn, không vấp phải những khuyết điểm tệ hại như trên mà thôi.

Có một hạng bán vé số khá đặc biệt nữa là hạng trí thức hết thời – thường là nhà văn, giáo viên về hưu - Hạng nầy, nếu để ý chút là nhận ra liền: Ăn mặc sạch sẽ, ít nói, cọc vé số trên tay mỏng dính’. Họ cũng không tụm năm tụm ba với “đồng nghiệp” bàn chuyện tào lao, không nhèo nhẹo mời khách, và khi nghỉ ngơi thường ngồi trầm tư uống cà phê một mình…

Sau năm 1975, kẻ viết bài nầy đã có hơn chục nghề - tính luôn đang hành nghề bán vé số dạo! Nên thường xuyên la cà nơi các quán cà phê và quán nhậu để kiếm cơm; vì vậy thường chứng kiến những chuyện mà mới nghe ai cũng tưởng “nói láo mà chơi, nghe láo chơi”: Một bữa tôi đang bán bàn bên nầy, thì nghe một vị chạng bốn mươi ngoài, mặt bụng tròn trịa, áo bỏ vô thùng, đang hỏi ngươi bán vé số mà tôi cho là “trí thức hết thời”:

- Ông nhớ tui không?

Ngập ngừng:

- Xin lỗi, tôi không nhớ…

- Hi! Nhưng tui nhớ ông rất rõ vì ông có cái nút ruồi hãm tài trên mặt!

Nhiều người tỏ ra bất bình; hắn tiếp:

- Cha tui là học trò ông! Hồi tui còn nhỏ, cha tui lâu lâu chở tui đến thăm ông lúc ông “mất dạy” đó. Ông nhớ chưa? Ha ha…

Không biết vị thầy nầy “còn nhớ hay đã quên”, nhưng ông chỉ thẳng người đối diện, nói:

- Rất may là tôi không có đứa học trò nào như cậu!

Nghề lương thiện nào cũng chua chát. Nghề bán vé số dạo cũng không ngoại lệ!

KTL

READ MORE - TÔI BÁN VÉ SỐ - Kha Tiệm Ly

Friday, March 29, 2019

CẢM NHẬN THƠ HOÀNG CHẨM - Lê Yên


                     Nhà thơ Hoàng Chẩm


CẢM NHẬN THƠ HOÀNG CHẨM
                                    Tác giả Lê Yên

Có những lúc đầu óc trống rỗng. Con chữ chơi trò trốn tìm... Trống rỗng một khoảng mênh mông... Nó thử sức kiên nhẫn của con người. Nhắm mắt lại thì thầm “Ừ, ta nghỉ chơi đây”. Lãng đãng như một dòng sông chia cắt đôi bờ thương nhớ, trong đầu tôi thấy nước! Là sông! Không phải sông nước ngọt ngào của miền Tây Nam bộ... Con nước đục ngầu, cuồn cuộn mùa bão lũ của miền Trung. Cơn gió Lào thổi thốc, hanh khô rám da người, cổ họng nóng ran cơn khát, chợt thèm một suối nước trong... Bẻ đôi cục đất nứt nẻ trưa hè, giữa ruộng lúa bao la... Có một người đã đem suối thơ của mình tưới lên những rát bỏng, khắc nghiệt làm mềm nắng cháy, thế giới thơ của ông có đủ yêu thương, có đủ Xuân, Hạ, Thu, Đông và chắc một điều không thiếu chiếc lá vàng và những giọt mưa... Đó là nhà thơ Hoàng Chẩm.
Ông được sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có nhiều dấu tích lịch sử. Quảng Trị! Cái eo miền Trung khắc nghiệt, như sự nén lại để đến thời điểm bung nở một đóa hoa tuyệt vời... Thơ với ông như hơi thở. Tôi chợt nhớ lời của một bài hát: “Quê hương anh là Quảng Trị/ Nhà của anh bên dòng sông Thạch Hãn/Thủa xưa đó anh học trường Nguyễn Hoàng/ Ngày hai buổi đi về đường Quang Trung…”
Chàng trai Hoàng Chẩm không ở bên dòng sông Thạch Hãn, con đường từ nhà anh đến trường Nguyễn Hoàng xa hơn đủ để cho những vần thơ vụng dại đầu đời ươm mầm dưới cơn mưa dầm the thắt vào tháng ngày Đông, hay những buổi tan trường nhạt nắng mà tưởng chừng Thu cũng hiu hắt lỡ làm rơi lá vàng vương trên tà áo trắng... Tất cả... Tất cả... Với thời gian đã chín mùi một Hoàng Chẩm hôm nay.

“Về thôi em nghe quê nhà rót mật
Một ngày yêu nghe hương lúa trải mùa
Tay nhặt nắng cho lòng em trẩy hội
Neo đậu lòng quê quên hết những thiệt thua…”
                          (Phóng tác bài: “Về đi em”)

Gói ghém cho đủ yêu thương trên bước phong trần để rồi “Về thôi em nghe quê nhà rót mật...”. Ông chợt nhận ra mùi mạ non giữa đồng bát ngát luôn níu bước chân. Chỉ có quê hương và người con gái với tình yêu chân chất đi cùng ông qua năm tháng mới nghe được hương lúa trải mùa để rồi “Tay nhặt nắng cho lòng em trẩy hội...” Sự xôn xao từ trong tâm, trống kèn từ bên trong và hạnh phúc hữu tại mỗi người... Với loại thơ tám chữ mượt mà không chỉ giàu cảm xúc mà còn thể hiện rõ bản ngã của mình giữa sân si cuộc đời, để rồi chọn lựa “Neo đậu lòng quê quen những thiệt thua...” Và ông đã vỗ về người phụ nữ của mình như sau:

“Về thôi em đếm bao ngày viễn xứ
Tình chưa phai khi bước dạo trùng khơi
Dẫu lầm lỗi lòng bung lên niềm nhớ
Tóc có phai mắc cạn một đầy vơi...”

Phải chăng khi luôn tiến về phía trước với những bộn bề lo toan... được, mất... Trong cuộc đời, tâm ta luôn bị giằng xé bởi lực ngược chiều khiến mất phương hướng, bị cô đơn chiếm hữu. Cô đơn và sự trống trải như những bước chân lạc trong đêm tối không tìm được lối ra... Hoàng Chẩm đã thốt lên:

“Tôi tìm tôi giữa phù vân
Chốn đời lạc bước xa gần chiêm bao
Kiếp nào tình đã hư hao
Tôi đi tìm lại thuở nào yêu em”
                              (Không đề)

Tôi chợt nhớ mấy câu thơ Hàn Mặc Tử thốt lên hỏi kiếp nhân sinh:

“Tôi vẫn còn đây hay ở đâu?
Ai đem tôi bỏ dưới trời sâu
Sao bông phượng nở trong màu huyết
Nhỏ xuống lòng tôi những giọt châu?”
                                 (Những giọt lệ)

Có phải các thi nhân với nỗi đau nhân đôi không? Sự tinh tế, nhạy cảm trong tâm khiến họ như sờ nắn được những cảm xúc vô hình có sức mạnh thần chết... Hoàng Chẩm của chúng ta cũng không ngoại lệ. Ông đã thốt lên "Tôi đi tìm tôi giữa phù vân..." Chỉ là một cõi phù vân/ Sao ta lạc mãi chốn mê này...
Thơ không ngừng chảy trong huyết quản của ông, trăn trở với tình yêu đôi lứa... Tình yêu là lửa, là ánh sáng con người không thể thiếu như vạn vật thiếu ánh mặt trời. Có tình yêu con người sẽ sống tốt, hoàn thiện hơn vì ai cũng muốn đem hạnh phúc cho những yêu thương của mình “Thương nhau chín bỏ làm mười”. Câu thành ngữ muốn nói lên sự độ lượng bao dung, muốn những điều tốt đẹp cho người khác không tính thiệt hơn... Đó là cách cư xử của những tâm hồn hơn người... Một sự khao khát hướng thượng. Với cách dùng từ rất lạ, ý thơ như vơi như đầy nhưng không thiếu mất một tấm lòng:

“Em như dấu tích xa xôi
Gieo lời tri kỷ bồi hồi... dạ thưa
Lấp đầy vụng dại ngày xưa
Tình như buổi chợ tan vừa nghe đau

Em như nắng đã ngã màu
Rụng đầy tóc gió úa nhàu đôi vai
Muộn màng một dấu hồng phai
Dấu thương còn lại trong ngoài mênh mông

Đôi bờ em níu dòng sông
Ngày đi thả mộng vừa nồng giấc mơ
Chút xưa bay ngược ban sơ
Trải lòng ban tặng để chờ có nhau”
                       (Chút lòng còn lại)

Tôi ngưng lại giữa chừng khi viết về Hoàng Chẩm. Thơ là tiếng lòng mà thi sĩ dệt lên những vần thơ đang mắc nghẹn trong tâm ai đó... Không gò bó, không niêm luật, chỉ là cảm xúc trong những con chữ tự do... Tôi chợt ngẫn ngơ khi đọc những câu thơ:

“Người đàn bà đã cũ
Giấu nỗi buồn trong đôi mắt
Nhớ kiếp người một bước truân chuyên
Sao phải lỡ Xuân thì
Sao phải nuốt niềm bi phẩn
Cuộc tình không hẹn mùa yêu
Đàn bà cũ gói nỗi buồn thế kĩ
Thầm nhớ đêm trần trụi một thuyền quyên...”
                                                 (Em đã cũ)

Lặng đi trong phút chốc... Người ta ví đàn bà đẹp là hoa Hồng... Không có đàn bà xấu... Nên đàn bà là hoa Hồng, hoa Hồng ở thời Xuân sắc hay là hoa Hồng khi đi qua cuộc đời rướm máu, để rồi những giọt máu đó kết tinh thành những cánh hoa mang màu máu có bóng dáng hoa Hồng... Những câu thơ chạm vào góc khuất người đàn bà muốn quên, khi nước mắt chảy ngược vào trong! Người đàn bà cũ đi qua cuộc đời lặng lẽ như đêm ba mươi, cũng là đêm! Một đêm dài... Thôi ta hãy để đó cho người đàn bà cũ chút thời gian mặc niệm tiếng yêu xưa, rồi sẽ qua... Sẽ qua thôi...!

“Ta xin...
Chạm với vô thường
Khoanh tay trầm mặc
Đo lường nhân sinh...”
       (Chạm với hư vô)

Hoàng Chẩm đưa tay với vô thường để đo lường nhân sinh. Tác giả ngộ ra cái tạm bợ của kiếp người. Trải một đời qua bao thay đổi thời cuộc... Những sân, si của con người, ông đứng bên đời khoanh tay trầm mặc, vui với thiên nhiên, cây cỏ...
Nhà thơ Hoàng Chẩm với lối viết trữ tình, nhuần nhuyễn các thể loại thơ lục bát, thơ tám chữ và thơ tự do... Ông sinh ra để viết lên những tinh tuý cuộc đời...
Nhiều tác phẩm của ông được phổ nhạc và diễn ngâm, được in chung với nhiều tác giả tên tuổi khác.
Tác giả đã tham gia viết cho các tạp chí trong nước như: Tạp chí Cửa Việt, Văn nghệ An Nhơn,Ấn phẩm của website Đất Đứng-Hương Quê Nhà -Tương Tri- Lục bát.com.Trang diễn đàn văn chương và cuộc sống,Công ty Phát Hành Sunflower Book, Các đặc san Kỹ niệm trường cũ... Nếu bạn yêu thơ Hoàng Chẩm hãy lên google gõ " Trang thơ Hoàng Chẩm" bạn sẽ chạm được sự tinh tuý trong thơ tác giả...
Với tâm thái một người yêu thơ, những cảm xúc hạn chế của tôi không nói hết sự phong phú trong thơ Hoàng Chẩm. Cũng xin mạn phép giới thiệu các bạn " TRANG THƠ HOÀNG CHẨM". Cám ơn tác giả đã góp cho đời những tác phẩm hay lưu hậu thế.
Một lần nữa xin cám ơn nhà thơ Hoàng Chẩm.

                                                                  Lê Yên
                                                           Sài Gòn, 27/3/19

READ MORE - CẢM NHẬN THƠ HOÀNG CHẨM - Lê Yên

VỀ ĐI ANH ! - Thơ Phan Quỳ





VỀ ĐI ANH !

Về đi anh hỡi một chiều đông
Về nơi bến đợi một dòng lau thưa
Về nơi có kẻ mong chờ
Dưới trăng nhắc chuyện ngày xưa ngậm ngùi
....
Về đi anh hỡi một chiều thu
Thuyền neo sóng lặng mây mù xa khơi
Ai đâu biền biệt chân trời
Ai người ở lại một đời đắng cay.
Về đi anh hỡi một lần say
Đất trời nghiêng ngã người thay phận người
Buồn trông chén rượu ly bôi
Hương nồng còn đó sao đời cách xa
Bao năm là mấy quan hà
Bao thời mấy khắc nhạt nhoà không anh.
Chuyện tình thôi đã mong manh
Chuyện đời luân lạc mấy vành thương đau.
Anh về nghe giọt mưa mau
Nghe cơn nắng hạ nhuốm màu da em
Quê hương một thuở êm đềm
Bỗng đâu gió bụi nỗi niềm riêng em.
Anh về mang chút nắng lên
Rải trên làn tóc thôi mềm hương bay
Dẫu là xa buổi thơ ngây
Mắt môi rời rã lòng nầy còn vương
Quê hương là mấy dặm trường
Vời trông cánh nhạn nhớ thương quay về...

                                                Phan Quỳ

READ MORE - VỀ ĐI ANH ! - Thơ Phan Quỳ

Thursday, March 28, 2019

HẠ VÀ CƠN MƯA EM - Thơ Hoàng Chẩm, nhạc Nguyễn Tất Vịnh, ca sĩ Ngọc Quý





HẠ VÀ CƠN MƯA EM

Một tôi... một em... một vầng trăng khuyết !
Một chút hao gầy… ngần ấy chưa phai
Cơn mưa Hạ tình đau từ độ ấy
Anh về chưa… nghiêng hết một bờ vai

Cơn mưa Hạ
Ngỡ chiều rơi thật thấp
Soi bóng mình đi suốt một thời xa
Em dừng lại thương bờ vai đã cũ
Áo nhàu phai…
Hoài niệm với phôi pha

Cơn mưa Hạ
Giọt chiều đưa nhung nhớ
Anh xa hoài như cách biệt trùng khơi
Em đứng giữa cơn mưa
Trút lòng tiếc nuối
Tháo gỡ niềm đau
Ngày tháng buồn đầy vơi

Một tôi… một em… một không nhau
Thời dấu ái
Ngày mưa thương hoài tóc gió
Tiếng thầm kêu tên nhau
Trong cơn mưa hạ
Anh về theo miền cổ tích
Bâng khuâng chiều... em giấu kín niềm đau.

                                               Hoàng Chẩm                              




Thơ: Hoàng Chẩm
Nhạc: Nguyễn Tất Vịnh
Ca sĩ: Ngọc Quý
Phối khí và thu âm Tennessee mùa thu 2018.

READ MORE - HẠ VÀ CƠN MƯA EM - Thơ Hoàng Chẩm, nhạc Nguyễn Tất Vịnh, ca sĩ Ngọc Quý