Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, May 3, 2017

CƠN LỐC XOÁY - Truyện ngắn của Hoàng Hữu Chiểu

VNQT trân trọng giới thiệu truyện ngắn do bạn  Hoàng Hữu Chiểu, con trai thầy Hoàng Đằng viết.




              CƠN LỐC XOÁY
                      Truyện ngắn của Hoàng Hữu Chiểu

Nồi cháo loãng trên mâm còn đang bốc khói nghi ngút. Nồi cháo chẳng có gì, chỉ một ít gạo nấu với mớ rau dền hắn hái ở vườn sau nhà; thế mà hắn và thằng em ăn ngon lành.
Lần này không phải là lần đầu tiên hai anh em hắn rau cháo qua bữa, mà đã rất nhiều lần như thế rồi.

Từ ngày mẹ mất, mới 16 tuổi, hắn trở thành trụ cột trong cái gia đình có hai nhân khẩu. Thằng em đã bước sang tuổi 12 mà thân hình như đứa trẻ lên bảy, mắc bệnh teo cơ bẩm sinh, chỉ biết lết lui tới trong ngôi nhà ọp ẹp. Gọi là nhà cho oai vậy thôi chứ có gì đâu! Vài ba miếng tôn fi-bờ-rô xi-măng làm mái, mấy cái cột gỗ bạch đàn sắp mục; chỉ cần một cơn gió hơi mạnh một tí là có thể đẩy cái gọi là nhà ấy đi tong.
Bữa trước, hắn có đi xin vào làm thử ở các khu công nghiệp trong tỉnh, nhưng người ta không nhận; lý do là hắn chưa đủ sức khỏe cộng thêm hắn không biết chữ. Hồi nhỏ, hắn có đi học hết lớp 3 trường làng, sau đó, hoàn cảnh khó khăn, hắn phải bỏ học. Hắn tái mù chữ dần theo thời gian.
Rồi hắn ra chợ xin làm một tay sai vặt cho các quán ăn; hắn bưng dọn tô, chén, đũa, muỗng ... cho các quầy trên tầng hai của chợ. Thu nhập đã ít ỏi lại không ổn định, tùy lòng tốt của chủ mướn – nhiều lắm cũng chỉ vài ba chục ngàn đồng mỗi ngày.
Hắn chẳng có người thân ở đây; lai lịch của hắn phức tạp lắm. Hai người thân duy nhất trên đời đều bỏ hai anh em hắn đi rồi; bố hắn mất vì sốt xuất huyết cách đây mấy năm; mẹ hắn cũng mất do căn bệnh quái ác - ung thư vú - gần đây thôi.
       
Qua lời kể của mẹ, hắn có gốc gác ngoài Bắc. Những năm sau đất nước giải phóng, mẹ hắn tham gia đoàn thanh niên xung phong đi kinh tế mới vào Nam, khai hoang đồi núi, lập ra những nông trường; mỗi nông trường được giao một vùng đất nhất định. Nông trường của mẹ hắn chuyên trồng hồ tiêu, nằm ở miền Tây một tỉnh nhỏ. Trong nông trường, có một số nam thanh niên làm cán bộ nòng cốt.
Năm xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc và biên giới Tây Nam, số nam thanh niên ấy phải cầm súng, lên đường, người thì ra lại miền Bắc, người thì vào Tây Nam chiến đấu; thành ra số nữ thanh niên ở lại, trong đó có mẹ hắn, khó lấy được chồng. Những lá thư của ông ngoại hắn từ ngoài quê gửi vào không bao giờ thiếu mấy chữ: “ Khi nào cô cho bà con ngoài này ăn trầu đây, lớn rồi còn gì? Định làm bà cô chắc!”. Những dòng chữ ấy mẹ hắn cảm nhận như một áp lực.
Rồi mẹ hắn gặp một thanh niên cũng quê ngoài Bắc vào đây trốn lính. Gã không có nghề gì ổn định cả, vạ vật ở các khu chợ quanh vùng, “đầu trộm đuôi cướp”, dân địa phương thường gọi nghề này là nghề “cà lê”. Với vẻ bên ngoài coi được - cao ráo, điểm nét phong trần, gã đã giáng xuống mẹ hắn cú sét ái tình nhanh lẹ dù chỉ mới gặp nhau đôi ba bữa, chưa đủ thời gian tìm hiểu ngọn nguồn. Hai người làm lễ cưới; lễ cưới chỉ có họ nhà nữ, không có họ nhà nam; gã nói dối là mồ côi, chẳng còn ai ngoài quê cả.
Vài tháng sau, mẹ hắn mới biết gã là một tên lưu manh; mẹ hắn cũng đành nhắm mắt chấp nhận tất cả; biết làm sao giờ! Đời như một cơn lốc xoáy; đã lọt vào tâm của vùng xoáy đó, người ta khó mà thoát ra nếu không được trang bị đủ bản lĩnh …
Rồi chẳng bao lâu mẹ hắn cũng theo cái nghề của gã, duyên nợ kiếp trước chăng? Ngày này qua ngày khác, hai người cùng nhau hành nghề từ chợ này sang chợ khác, khi thì kiếm được chút đỉnh, khi thì về không. Ít lần toàn thân hai người bê bết máu, mặt mũi tím tái bầm giập, ấy là do bị người ta bắt được và đánh.
Ở nơi cư trú, dù thằng em hắn tật nguyền cộng thêm gia sản chẳng có gì - vuờn tược không, nương rẫy cũng không, nhà cửa chả ra gì, chính quyền cũng không xếp hộ hắn nằm vào diện hộ nghèo. Người ta bảo: “Nghèo gì mà nghèo, nghèo thì phải lo quyết chí làm ăn, ai đời cứ đi ăn trộm, ăn cắp; khi nào bỏ nghề, mới xét duyệt cho hộ nghèo.” Nghe vậy, ba mẹ hắn cũng suy nghĩ dữ lắm, nghiệt nỗi không bỏ nghề “cà lê” được! Họ đã thử tìm công ăn việc làm hướng thiện - chuyển qua bán bánh mỳ ở đầu chợ nhưng chẳng có khách ghé mua. Nhiều người đi qua còn ngoái đầu lại, ánh mắt coi khinh, dè bỉu: “Eng ả này hoàn lương chắc? Ai dám cược  ngày nay có “bão” không?” Chắc họ tởm lợm cái quá khứ của ba mẹ hắn. Cuối ngày, ba mẹ hắn đành thu dọn hàng, chất lên xe, đẩy về nhà; thế là cả nhà phải ăn bánh mỳ trừ bữa, không những một bữa mà nhiều bữa.
      
Mẹ hắn mang bệnh nằm hấp hối trên giường rên rỉ - cơn đau đang dày vò thân thể từng ngày; ngoài trời, mùa đông đang đến gần, gió thổi từng cơn tung tấm phên rách che cửa. Ếch nhái, côn trùng thi nhau kêu râm ran. Một mùa đông dự báo cho anh em hắn những điều chẳng lành. Thằng em chẳng hiểu chuyện gì, cứ lết đến bên mẹ đòi kẹo như một thói quen; ngày chưa mắc bệnh, dù túng thiếu, mỗi lần đi chợ về, mẹ hắn không bao giờ quên mua cho 2 anh em hắn khi thì vài cái kẹo mút, khi thì vài gói bánh ram giòn vàng rộm.
Giờ này, mẹ hắn nằm đó, lim dim mắt, thằng em chưa đủ nhận thức để hiểu ra vấn đề. Chỉ có hắn đã rõ; hắn biết mẹ không thể sống với anh em hắn lâu nữa. Hắn thương mẹ vô cùng. Một viễn cảnh xấu xa đang dần vẽ ra trước mắt hắn. Hắn như con chim bị tổn thương trong cơn bão lớn. Bầu trời trước mắt hắn tối sầm lại; có lẽ nay mai, con chim ấy chẳng biết bay về đâu giữa không trung mênh mông, và mênh mông!
- Mẹ đau chỗ nào, hở mẹ? Chắc mẹ mệt lắm, phải không? Con phải làm gì đây, hả mẹ?
Mẹ hắn nằm im, chẳng nói chẳng rằng; hai hàng nước mắt tuôn dài trên hai gò má xương xẩu. Bên ngoài, trời có mưa; bỗng mẹ hắn nói trong hơi thở hổn hển: “Hai anh em đến đây mẹ dặn!” Khi anh em hắn đến gần, mẹ hắn nói, dáng cố hết sức, giọng đứt quãng: “Các con ơi! Ba mẹ có lỗi với các con nhiều lắm. Sinh các con ra mà không lo được cho các con như người ta, để các con sống kham khổ, không học, không hành gì cả; không chỉ thế, ba mẹ còn để lại cho con “điều tiếng” với thiên hạ nữa. Mẹ thật xấu hổ với các con.”. Rồi mẹ hắn nhìn chăm chăm vào hắn, nói tiếp: “Con phải cố gắng lên nhé! Đứa em tật nguyền của con quá tội nghiệp; con hứa với mẹ là đừng làm cái nghề như ba mẹ, nghe con! Hãy kiếm một cái nghề gì đó lương thiện mà làm để nuôi em con thay mẹ và ba.” Rồi mẹ hắn nấc lên từng tiếng: “Hứa với mẹ đi, con… Con hứa với mẹ đi, con!”
Hắn ôm choàng lấy mẹ, khóc toáng lên: “Mẹ ơi! Đừng bỏ con đi! Con hứa với mẹ, con hứa với mẹ.”
Hắn quỳ xuống bên chiếc giường ọp ẹp. Mẹ hắn nằm bất động, hai mắt nhắm chưa khít.
Mẹ hắn ra đi mang theo một ước mong mà ai trên đời này cũng ước: con cái sẽ sống lương thiện, được xã hội yêu thương. Trời vẫn mưa bên ngoài, hình như càng lúc càng nặng hạt.
      
Thời gian cứ trôi. Cuộc sống của hai anh em hắn lẩn quẩn, không lối ra. Nghe theo lời mẹ dặn, hắn cố xoay xở mua một chiếc xe máy, chạy xe ôm. Được đồng nào, hắn phải trang trải nhiều chi tiêu, nào là cơm gạo, nào là thuốc men cho thằng em tật nguyền; “tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”.
Mấy hôm nay, thằng em lại ốm, chẳng nuốt được muỗng cháo nào. Hồi sáng, thằng em tự dưng đòi ăn phở. Hắn ra đầu đường mua một tô phở hai mươi nghìn, với lại, ghé tiệm thuốc tây mua một vỉ thuốc ba mươi nghìn. Túi sạch trơn, hắn nghĩ chiều xách xe tới đầu ngõ, chờ khách, chạy, chắc cũng kiếm được chút đỉnh. Ai ngờ cơn đau của thằng em trở nặng, đành chịu! Thằng em bất ngờ nói với hắn một câu mà như dao cứa vào tim gan: “Bây giờ ba mẹ ở chốn nào, hở anh? Sau này, em chết có được gặp ba mẹ không, hở anh?”.Hắn đe: “Bậy nào, ngày mai anh sẽ đưa em đi bệnh viện, mà bệnh viện trung ương hẳn hoi. Ở đó, bác sĩ giỏi lắm, sẽ chữa cho em lành bệnh. Về nhà, em tha hồ chạy nhảy, nô đùa với đám bạn nhé!”. Em hắn thoi thóp cự nự: “Em có bạn đâu!”.Hắn ngớ ra; hắn quên là thằng em chưa hề lết ra khỏi căn nhà, thành ra, không có đứa bạn nào từ khi sinh ra đến giờ.
Đôi ba lần kẹt tiền trước đây, hắn đã thử đi “vay nóng”; nhưng chẳng ai cho vay dù là một cắc. Thấy hoàn cảnh của hắn, người ta sợ sau này hắn không trả nổi.
Ngồi ở góc nhà, hắn thở dài ... ngao ngán. Hắn biết thằng em hắn  ốm đợt này nặng rồi. Hắn nhìn quanh coi cái gì bán được không, chẳng có cái gì ngoài chiếc xe máy - đồ nghề mưu sinh của hắn. Hắn cảm thấy xấu hổ với thằng em, câu nói hồi nãy vô tình như một lời hứa của hắn với thằng em đang co ro như con mắm lẹp mà e không giữ được.
Làm sao bây giờ? Bây giờ và ngày mai, thời gian chỉ còn mấy tiếng đồng hồ nữa thôi, tiền đâu đem em đi bệnh viện đây? Hắn chắp hai tay sau lưng, đi lui đi lại, vẻ suy nghĩ. Hắn quay mặt đi để đưa tay lên quệt nước mắt vì sợ thằng em nhìn thấy.
Hắn nảy ra một ý định táo bạo trong đầu. Rồihắn đốt một bó hương to cắm lên bàn thờ của ba mẹ, miệng lẩm bẩm: “Con xin lỗi ba mẹ, con chỉ làm một lần này thôi! Con hứa với ba mẹ là chỉ một lần này thôi. Bây giờ, con không còn cách nào để cứu em con cả. Ở chin suối, ba mẹ tha thứ cho con.” Hắn vừa khấn xong, trời bắt đầu tối. Trời hình như giúp hắn một tay, đổ mưa to, sấm chớp lia lịa, gió thổi ào ào. Thời tiết thế này dễ làm cho thiên hạ ngồi yên trong nhà, không dám ra ngoài; hắn bước ra ngôi nhà nhỏ, đi như một kẻ mộng du, không chủ định về một hướng nào cả. Hắn cứ đi, cứ đi như thế một hồi lâu; những ngôi nhà xung quanh có vẻ yên lặng, hắn dừng lại ở một ngã ba lúc nào không hay, nhìn qua bên kia đường, ở đó ngoài sân một ngôi nhà cấp bốn đã cũ, một chiếc xe đạp điện đang dựng; nhìn thấy, hắn thắc mắc: không biết gia chủ quên đem vào hay đó là một thói quen. Hắn tiến lại gần. Ồ, hay quá! Cổng nhà không khóa. Hắn đi lom khom về phía một gốc tiêu rậm, nấp sát vào, quan sát, lắng nghe; chỉ có tiếng côn trùng kêu rả rích. Hắn bước nhẹ đến chiếc xe đạp điện, một tiếng nói đàn ông làm hắn giật thót người. Tiếng nói không to, không nhỏ đủ cho hắn nghe rõ mồn một:
- Mẹ nó coi sắp xếp ngày mai đem con nhỏ đi viện chứ nó sốt cao lắm, không tiền thì qua hỏi mụ Năm béo mà vay một ít; đem đi chứ để ở nhà lâu không ổn.
Tiếng người đàn bà đáp lại, thất vọng:
- Tui đã thử vay rồi mà không được; cái món cũ mình đã trả đâu mà đòi vay nữa. Mà giả sử họ cho vay thì được mấy đồng đây? Bệnh tim bẩm sinh phải mổ mới lành được, mổ tốn vài chục triệu chứ ít đâu!
- Thế thì làm sao bây giờ?” Tiếng đàn ông hét to, hỏi vặn.
- Ơ hay, ông nạt ai vậy? Để từ từ tôi tính!
Như một luồng điện cao thế chạy khắp cơ thể gầy guộc, hắn cảm thấy nặng cái đầu với một mớ suy nghĩ lông bông - hành động ngay hay dừng lại; một mớ âm thanh hỗn tạp, chen nhau, xô đẩy qua lại làm cho hắn mệt nhừ: “Thằng kia, không được hành động, phải dừng lại ngay”; “hành động đi, thằng em mày cũng sắp chết ở nhà kìa!”.
Trong trạng thái vô thức, hắn vùng chạy, chạy không định hướng như khi đi; con đường sao gồ ghề quá, hắn bước thấp, bước cao; sấm chớp bỗng lóe lên liên hồi, mưa vẫn không ngớt.
       
Sáng hôm sau, nhà hắn vang lên thứ âm thanh mà chẳng ai muốn nghe - tiếng búa đóng đinh vào gỗ va vào nhau lốc cốc. Thằng em hắn đã qua đời trong đêm. Chiếc quan tài, nghe đâu, có được nhờ ông thôn trưởng vận động một nhà hảo tâm cùng huyện. Cũng có một vài người hàng xóm qua giúp hắn, họ bảo nhau: “Nghĩa tử là nghĩa tận mà!”.
Từ rày, hắn trở thành người cô đơn đúng nghĩa.
Trời vào đông, từng cơn mưa, từng luồng gió như mang về hơi lạnh hơn.

                                                           Hoàng Hữu Chiểu
                                                                 23/04/2017

No comments: