Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Wednesday, August 26, 2015

NỖI NIỀM NGÀY TRỞ LẠI - thơ Huy Cận Đông Hà

Đầm Lập An, Lăng Cô, TT Huế.
Ảnh NK Phước


Nỗi Niềm Ngày Trở Lại

Chốn hẹn hò một mình ta trở lại
Mênh mông sầu chiều ray rứt hoàng hôn
Nỗi niềm xưa lạnh lẽo ký ức buồn
Ta hụt hẫng nuốt vào lòng tiếng nghẹn

Tình nhân hỡi, đâu rồi lời hò hẹn
Tháng ngày xưa giờ biền biệt xanh xao
Những tự tình rồi quên lãng hanh hao
Trái tim lạnh, môi khô ngày xa vắng

Ta biết tỏ cùng ai ngàn cay đắng
Chẳng còn gì ngoài dĩ vãng chông chênh
Con thuyền tình cứ trọn kiếp lênh đênh
Và hạnh phúc mãi ngoài vòng tay với

Ta chỉ còn những đêm dài chấp chới
Mơ dáng người trong những giấc mơ xa
Chẳng còn gì chỉ còn những phôi pha
Người để lại cùng cuộc tình hoang phế.


Huy Cận Đông Hà
READ MORE - NỖI NIỀM NGÀY TRỞ LẠI - thơ Huy Cận Đông Hà

“NGỢM NGƯỜI” TRONG THƠ THÁI QUỐC MƯU - Châu Thạch

Tác giả Châu Thạch


“NGỢM NGƯỜI” TRONG THƠ           
THÁI QUỐC MƯU 
                                               
Châu Thạch

Nếu ai hỏi tôi nhà thơ Thái Quốc Mưu yêu gì và ghét gì nhất, chắc có lẽ tôi không trả lời được điều yêu nhất, nhưng điều ghét nhất của Thái Quốc Mưu thì qua thơ ông quá rõ ràng.

Trong bài thơ khóc Nguyệt Lãng, một trong những người bạn thơ thân nhất của Thái Quốc Mưu, nhà thơ đã khuyên người quá cố đừng trở lại trần gian chẳng phải vì trần gian là chốn sinh, lão, bệnh, tử hay điều gì khác mà chỉ vì trần gian là chốn có nhiều “ngợm người”:

Đừng nên trở lại nơi trần thế
Một cõi quanh anh lắm ngợm người
(Khóc Nguyệt Lãng)

Trong một lần “Viếng Trời” nhà thơ cũng so sánh sự khác biệt đáng kể nhất giữa cõi trời và cõi người mà cõi người có lắm “ngợm người”:

Nước trời trên dưới cùng tôn quý
Khác với nhân gian lắm ngợm người
(Viếng Trời)

Vậy “ngợm người” là gì?

Thật ra chữ “ngợm người” không tìm ra một định nghĩa chính xác. Tự điển Việt Nam có sách định nghĩa: “ngợm người” là người ngu dại”; có sách định nghĩa: “ngợm người” là người, với ý nghĩa xấu nói chung”. Lại có người cho chữ “ngợm” phát xuất từ chữ “ngựa” nên chữ “ngợm người” là, “nửa ngựa nửa người, nghĩa là người không ra người mà ngựa chẳng ra ngựa”. Cũng có giải thích “ngợm người” như sau: “Ngợm là gì? - Ngợm cũng đi bằng hai chân, mặc quần áo, mang hia, đội mão, có trí tuệ, có tiếng nói, ăn từ thượng vàng hạ cám đến cao lương mỹ vị xuống bắp luộc khoai nướng nhưng khác con người ở chỗ, con người có thể ăn được đủ thứ nhưng không bao giờ ăn thịt đồng loại, còn ngợm thì đến thịt đồng loại cũng sẵn sàng ăn sống nuốt tươi” (Tất nhiên người mà ăn thịt người chỉ nói theo nghĩa ngụ ý mà thôi).

Như thế chữ “ngợm người” cũng như chữ “chó má”. “Con chó có thể ăn bẩn nhưng dứt khoát không ăn thịt đồng loại, còn con má về hình thức giống y như con chó nhưng đến thịt đồng loại cũng không từ! Có người nghĩ rằng, “ngợm người” là lũ người “điên” cần phải đi học. Học gì? - Học làm người, học để biết thiên chức của con người”.

Xem như thế “ngợm người” hay “người ngợm” quả nhiên không phải người tốt.

Tóm lại, “ngợm người” để chỉ những kẻ có hình thể, vóc dáng của con người, nhưng cách sống với đồng loại, chưa đạt được cái bản chất đích thực của CON NGƯỜI, mà tôi đã đọc trong mục danh ngôn đâu đó câu: “Hãy sống sao cho người ra NGƯỜI” của Thái tiên sinh.

Ngoài ra, trong bài thơ Niềm Mơ Ước Vĩ Đại Của Tôi, Thái Quốc Mưu đã viết:

Mặc ai mơ nước Thiên Đàng
Mặc ai mơ cõi Niết Bàn xa xôi
Tôi sinh ra giữa Đất, Trời.
Chỉ mong làm được CON NGƯỜI – viết hoa.

Theo Thái Quốc Mưu thì giống động vật mang tên người, khi được “Viết hoa” thành CON NGƯỜI thì vô cùng khó khăn, lớn lao, vĩ đại, và cao quý hơn tất cả. Nó nằm trên tất cả những ước mơ – kể cả Thiên Đàng hoặc Niết Bàn. Bởi, khi tất cả giống người biết tu thân để trở thành CON NGƯỜI được viết hoa, thì xã hội lúc đó đa số chỉ có những CON NGƯỜI đích thực là NGƯỜI. Họ toàn là bậc chính nhân quân tử, lương thiện, gắn bó yêu thương,... thì Thiên Đàng hoặc Niết Bàn đã hiện hữu giữa trần đời, chẳng phải tìm đâu xa. Khi ấy, lũ “ngợm người” không còn đất dung thân, chẳng thể tồn tại. Sẽ tự diệt.

Bây giờ qua thơ Thái Quốc Mưu ta thử tìm xem những thành phần nào trong xã hội mà nhà thơ ghét nhất? Câu trả lời, chính xác nhất, đó là lũ “ngợm người”.

Trong bài thơ “Trên Chót Đỉnh” Thái Quốc Mưu đứng trên núi nhìn xuống “đời”, ông đã thấy “lắm lũ loài”. Ông dùng chữ ‘lũ loài” chứng tỏ ông rất ghét hạng người nầy, đó là hạng người tranh bả lợi danh, giựt dành lợi lộc làm mất cái nhân tính đích thực của CON NGƯỜI:

Ngó xuống. Ôi chao lắm lũ loài
Tranh chấp bả danh nhân tính mất
Giựt dành lợi lộc hận thù sôi
(Trên chót Đỉnh)

Cái bọn người mà bả danh vọng và lợi lộc đã làm cho họ sôi máu hận thù, mất đi nhân tính đó, đã được nhà thơ gọi đích danh trong bài thơ “Khác Biệt” của ông:

Quan tham đầu óc như “lì đỗn”
Chỉ biết thu gom với nhét vào
(Khác biệt)

Đọc ngược hai chữ đóng trong ngoặc kép ta thấy Thái Quốc Mưu khinh bọn quan tham đến cỡ nào.

Và với Thái Quốc Mưu bọn người ấy không những là phường phi đạo đức, bất tài, bất nhân, bất nghĩa, tham lam vô tận, lừa bịp, thất học, ngô nghê trước quần chúng; vậy mà hay lếu láo khoe khoang, vênh váo,... ăn trên, ngồi tróc để lèo lái mọi việc chẳng khác nào như bác tài vừa dỡ lại ba hoa:

Đạo đức trống không hay lếu láo
Chân tài rỗng toác cứ thày lay
(Có những bác tài)

Nhà thơ Thái Quốc Mưu không tiếc lời giận dữ điểm mặt bọn người xấu xa trên với lời lẽ vô cùng cay cú:

Hôm sớm đem đầu ra đội đít
Trưa chiều gục mặt để chờ khi
Cong lưng đổi miếng mồi danh lợi
Ngậm miệng ăn ba cái bã chì
(Vịnh ông Táo)

Và cuối cùng Thái Quốc Mưu không còn nể nang gì nữa và thẳng tay chỉ vào mặt bọn người mà ông ghét nhất trên trần gian nầy, công bố, vạch trần tội lỗi xấu xa nhơ nhuốt của họ, lũ “ngợm người” mà từ xưa đến nay thời nào cũng có:

Quan ôn xưa nay
Phẩm chất kém - cần sơn, phết, xi
Bằng cao. dốt rặt mới ly kỳ
Văn thư nguệch ngoạc run cầy sấy
Chữ ký loằng ngoằng méo miệng ghi
Quán nhậu nghênh ngang tuồng hổ, sói
Cửa quyền hống hách tựa tần, phi
Gặp thời chồn cáo vươn nanh vuốt
Sớm tối vênh vênh cái mặt chì.

Vậy qua thơ ta biết thứ mà nhà thơ ghét nhất trên đời là ai vậy?

Tất nhiên không phải là những người mang chữ “ngợm” với nghĩa xấu bình thường. Tất nhiên, đó không phải là người ngu dại; tất nhiên không phải người khuyết tật, người phạm tội hình sự, kẻ vô tình, vô tâm... Nói chung tất cả những người bị cho là “người xấu” đó, đều không phải thứ “ngợm người” mà Thái Quốc Mưu muốn đề cập. Thái Quốc Mưu nói thẳng lũ ngợm người ấy chính là những kẻ ngồi ở ghế quan lại trên cao mà kém tài, thất đức, bám danh hưởng lợi,...

Qua thơ Thái Quốc Mưu, bọn “ngợm người” là bọn “Quan ôn” vô lại. Bọn đó làm cho nhà thơ Thái Quốc Mưu chán chê thế gian nầy đến nỗi ông đã nhắn với người bạn thơ tri âm của mình:

“Nhớ bút hãy đùa cùng trăng gió
Thèm thơ xin nhắn cái thằng tôi”

nhưng,

Đừng nên trở lại nơi trần thế
Một cõi quanh anh lắm ngợm người”.

Với bọn “ngợm người” nầy nhà thơ Thái Quốc Mưu cho rằng đã hết thuốc chửa rồi, cho nên ông chẳng cần nhắn nhủ khuyên lơn, dạy bảo gì họ cả, mà chỉ lắc đầu bỏ đi, buông ra cho chúng một câu để nhớ đời:

Chớ tưởng quyền uy thay trí óc
Đừng hòng sỏi đá hoá trân châu ./.
(Biển Đời)

Châu Thạch

READ MORE - “NGỢM NGƯỜI” TRONG THƠ THÁI QUỐC MƯU - Châu Thạch

CHÙM THƠ NHẬT QUANG


Hiển thị images (2).jpg


HOÀI THU

Thu về qua ngõ vắng
Rì rào ngọn heo may
Sương chiều rơi trầm lặng
Lác đác lá vàng bay

Liu riu trời tháng tám
Lớt phớt giọt thu mưa
Gió lùa nghiêng mái tóc
Mơ màng dáng người xưa

Hương thu nồng nỗi nhớ
Đóa Cúc vàng xôn xao
Dấu yêu thầm...chưa ngỏ
Cho tình chợt hanh hao

Người về nơi xứ lạ
Xây ước mộng trăm năm
Ta ươm sầu trên lá
Nghe thu vàng xa xăm.


RU TÌNH

Hương hoa trải lối tình hồng
Nghiêng say men đắm ươm nồng dấu yêu
Mưa thu lớt phớt giọt chiều
Vầng trăng ân ái... dập dìu cõi mơ

Thầm thì gió quyện hồn thơ
Chơi vơi thuyền mộng...bến bờ lãng du
Đong đưa tình trọn đêm thu
Địa đàng ngây ngất, êm ru sóng tình.

                                   Nhật Quang

READ MORE - CHÙM THƠ NHẬT QUANG

HỘP KIM CHỈ CỦA MẸ - Vũ Mạnh Quang

Tác giả Vũ Mạnh Quang











HỘP KIM CHỈ CỦA MẸ

Tình cờ gặp hộp kim chỉ
Của Mẹ để lại năm xưa
Chỉ vẫn còn nguyên một đoạn
Mẹ xâu từ đó đến giờ

Nhớ sao một chiều phượng đỏ
Chúng con chạy nhảy sân đình
Manh áo xoạc ra một chỗ
Tối về sợ quá lặng thinh

Đêm ấy Mẹ ngồi vá áo
Bóng che ấm áp bao tình
Lòng Mẹ như vầng Trăng dịu
Tỏa muôn ánh sáng thanh bình

Thế rồi Mẹ đi xa lắm
Hộp kim chỉ chẳng mang theo
Chỉ vẫn còn nguyên một đoạn
Nhắc con một thuở áo nghèo...


Vũ Mạnh Quang
READ MORE - HỘP KIM CHỈ CỦA MẸ - Vũ Mạnh Quang

Ca khúc và thơ của Trầm Thiên Thu





CỔ TÍCH TUỔI THƠ

Tôi trở về khu vườn tuổi thơ
Góp nhặt ký ức
Tìm dòng cổ tích
Vu vơ như ngày xưa

Thấp thoáng cô bé Lọ Lem
Thấp thoáng cô Tấm
Thoang thoảng mùi thị chín
Cá bống có lên ăn cơm vàng?

Tôi đếm tuổi thơ bằng lá bàng
Buổi sáng có giọt sương chưa tan
Trong suốt và nho nhỏ
Còn đọng trên ngọn cỏ

Một thoáng trở về
Tôi lại phải ra đi
Lẩn quẩn vòng danh lợi
Chuyện áo cơm mòn cả thi ca

TRẦM THIÊN THU
READ MORE - Ca khúc và thơ của Trầm Thiên Thu

RU TÌNH - thơ Trần Ngọc Hưởng



Ru Tình

Ầu ơ cơn ngủ đi đâu
Để em chong sáng đêm sâu một mình
Bỏ rơi gối lẻ lặng thinh …

Anh gom thơ hát lời tình ru em
Đây cơn gió mát bên thềm
Cuốn trôi hết nhé, ưu phiền ngày qua
Cho đêm đen bỗng thật thà
Đong đưa nhịp vỗ hiền hòa giấc ngoan

Say bên cánh mũi nhịp nhàng
Sao Hôm nhìn bóng anh choàng bóng em
Nét mày như lá cỏ nghiêng
Mơ anh còn thoảng hương mềm tóc thơm

Ngủ đi em, giấc bình thường
Môi cong vẽ nét dỗi hờn,  hư sao!
Thương lắm nhé, ngủ say nào
Thơ anh trải lối em vào đêm nay

Ru em ngủ giấc căng đầy
Cho tan dông bão bao ngày gió mưa
Buồn em từ thuở xửa xưa
Anh gom nhận hết cho vừa tim yêu

Trần Ngọc Hưởng
READ MORE - RU TÌNH - thơ Trần Ngọc Hưởng

XE LĂN KHUẤT DẤU - thơ Trương Thị Thanh Tâm

Sông Thạch Hãn. Ảnh Mai Lĩnh



XE LĂN KHUẤT DẤU

Thời gian nằm lại trên bờ tóc
Dấu tích hằn sâu lên má môi
Bóng xế nghiêng dần năm tháng lụn
Đợi chờ ngày ấy cứ xa xôi

Tình cũng nguôi đi trong nỗi nhớ
Cạn rồi suối lệ chảy ra khơi
Tìm đâu bến đậu, thuyền theo sóng
Liệm chết hồn theo chiếc lá bay

Trăm năm duyên kiếp thôi đành lỡ
Mộng đã tan rồi như khói mây
Thôi nhé người ơi lần tạm biệt
Ai ngờ ngày đó đã mất nhau

Xe lăn khuất dấu đời hư ảo
Em khóc đời mưa lạc bến sầu
Gối tay đêm ấy em còn nhớ
Một lần kỷ niệm đã cho nhau

Tuổi xuân trôi mất đời hiu hắt
Nhớ mãi anh ơi chuyện thưở nào !

          Trương Thị Thanh Tâm 
                       (Mỹ Tho)
READ MORE - XE LĂN KHUẤT DẤU - thơ Trương Thị Thanh Tâm

BÔNG HỒNG MÙA BÁO HIẾU - thơ Vũ Trọng Tâm




BÔNG HỒNG MÙA BÁO HIẾU 
        
Con về thăm mẹ quê xưa
Nắng nghiêng soi nửa hàng dừa, bóng me
Xạc xào gió lộng bờ tre
Dáng lom khom đợi con về mẹ ơi!

Lưng còng quang gánh nặng vai
Tóc thêm sợi bạc rơi đầy gối đêm
Ngày xưa để tóc ngủ yên
Chén cơm manh áo muộn phiền nỗi lo

Thương cha sớm nắng chiều mưa
Bửa cơm đạm bạc chợ trưa đi về
Bế bồng năm tháng ủ ê
Bên con hôm sớm não nề giấc khuya

Kẻo cà kẻo kẹt võng đưa
Tiếng ru đêm muộn ầu ơ ví dầu
Mẹ già bóng xế đã lâu
Lời ca dao cũ thấm sâu nỗi buồn

"Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp một như đường mía lau"
Vu Lan tháng bảy dạt dào
Yêu đồng lúa chín, yêu sao cánh cò

Chiều nay mưa tạt gió xô
Lom khom dáng mẹ, phơ phơ tóc gầy
Ơn trời mẹ vẫn còn đây
Cù lao chín chữ nhớ hoài trong con

Vu Lan cài đoá hoa hồng
Con còn có mẹ, nghe lòng vui hơn!

VŨ TRỌNG TÂM                   

(Gò Công)
READ MORE - BÔNG HỒNG MÙA BÁO HIẾU - thơ Vũ Trọng Tâm

VỀ LẠI LỐI XƯA - thơ Trường Hải Lê Văn Đông





VỀ LẠI LỐI XƯA                                           
(Mùa Vu Lan nhớ cha mẹ, quê hương)

            Con về thăm lại những lối xưa
            Cả trong hiện thực lẫn trong mơ
            Cái ngày xưa ấy còn cha mẹ
            Anh em chúng con tuổi còn thơ.
            Làng xóm quê ta khác bây giờ
            Ngõ xóm đỏ xanh hàng dâm bụt
            Dáng mẹ đi về dưới cơn mưa.
            Tiếng trẻ nô đùa rộn sớm trưa.
            Làng xóm xưa kia hãy còn nghèo
            Mái tranh thắp sáng ánh đèn treo
            Chụm đầu con trẻ cùng học tập
            Mong thoát đói nghèo, hết gieo neo.
            Đồng áng quanh năm bận cấy cày
            Nứa củi, măng rau để qua ngày
            Khoai sắn lót lòng, giành hạt gạo
            Gửi người tiền tuyến đánh Mỹ, Tây.
            Lần dấu cỏ xưa con về đây
            Làng nay đổi mới đến lạ thay
            Đồi quê thấp thoáng nhiều ngôi mộ
            Vóc dáng mẹ cha phủ đất dày !
            Dòng đời cứ chảy, ngày cứ đi
            Quê hương, cha mẹ lòng khắc ghi
            Lối cũ đậm in trong kí ức
            Trong mơ con cháu mãi đi về.

            Đỉnh Sơn, 24/8/2015

            Trường Hải Lê Văn Đông
READ MORE - VỀ LẠI LỐI XƯA - thơ Trường Hải Lê Văn Đông

CÓ NHỮNG MÙA THU - thơ Trầm Mặc


Tác giả Trầm Mặc


CÓ NHỮNG MÙA THU                              

Có những mùa thu trải nắng vàng
Màu mây xanh biếc, buổi học tan
Gió chiều lồng lộng, ven đê nhỏ
Ríu rít  tung tăng, bước rộn ràng

Mỗi độ thu về, tiếng trống vang
Nhớ mãi năm xưa, dưới trường làng
Nép sau lưng mẹ vào lớp học
Một khung trời mộng lúc thu sang

Rồi một mùa thu buông tóc hong
Trước thềm thiếu nữ vướng tơ lòng
Xa xăm mộng vàng rời tuổi ngọc
Để lại sau lưng cánh phượng hồng

Ngày lại ngày qua làm nghề giáo
Từng trang giáo án đẹp biết bao
Anh mắt ngây thơ,  đàn em nhỏ
Gợi nhớ mùa thu, một thưở nào

Năm tháng dần qua cùng bục giảng 
Lặng lẽ đưa ai chuyến đò ngang
Viên phấn làm chèo khua nước mãi
Đạm bạc, thanh cao, phút ngỡ ngàng

Cứ thế  thu rồi, thu lại thu
Bao năm chèo chống vẫn lời ru
Đưa khách sang sông thuyền quay lại
Bến đổ yên bình gió vi vu

Thấm thoát, ngày mai cũng tạ từ
Tạm biệt xa rồi, người “kỹ sư ”
“Thiết kế tâm hồn ”bao con  trẻ
Đếm mùa thu trước có còn ư?
                                
2012                                     
Vỹ Dạ Huế                                        
Trầm Mặc                                           
(NTB)
                                      


READ MORE - CÓ NHỮNG MÙA THU - thơ Trầm Mặc

NGƯỜI VỚI CHÓ - thơ Chu Vương Miện


Hình từ trang thanhmaivu1.blogspot.com


người với chó 

người với chó sáng nào cũng vậy
sống cùng nhau dựa gậy mà đi
chó ngoan chả nói năng gì 
lầm lầm đi trước chủ thì theo sau
công viên cỏ một mầu úa chết
mấy năm ròng biền biệt chưa mưa
gió lay qua mấy ngọn dừa
đồng khô hạn hán mất mùa thông reo

*
chờ mong mãi mà chưa đuợc chết
trên bảy mươi chỉ mệt cái thân
nay mưa mai nắng xoay vần
mốt lạnh tiếp bão cái thân nợ đời 
một ngày đủ bốn mùa vui
sáng xuân trưa hạ tới trời thu đông
trong đầu lúc nhớ lúc không
buồn vui sầu hận trong lòng mà ra
cuộc đời y hệt sân ga
tàu đi tàu đến cồn xa khói mù

chu vương miện

READ MORE - NGƯỜI VỚI CHÓ - thơ Chu Vương Miện