Chúc Mừng Năm Mới

Kính chúc quý bạn năm mới vạn sự an lành

Monday, September 5, 2016

CHÙM LỤC BÁT / Nguyễn Vĩnh Bảo

Tác giả Nguyễn Vĩnh Bảo

Nguyễn Vĩnh Bảo

LỤC BÁT VÀO THU

Miên man lục bát vào thu
Len qua kẽ tóc, rời ru ngọt ngào

Sợi tình quấn quýt trăng sao
Thả trôi câu hát quyện vào đêm nay

Thu run rẩy bước như say
Thầm thì tiếng lá lạc bay thẫn thờ

Anh mê từ lúc ban sơ
Cùng em vớt bóng dại khờ bên sông

Nắm tay nhau thấy mềm lòng
Mênh mang đi giữa bụi hồng cỏ hoang

Chiều quê nghiêng ngả chín vàng
Tiếng thu rung nhẹ cung đàn vút cao

Đong đầy câu lục lao xao
Lòng thêm bối rối nôn nao thu về

NVB


BỐN MÙA HOA NỞ TRONG TA

Bốn mùa hoa nở trong ta
Gọi giêng hai sóng sánh hoa mai vàng
Xuân về thắm đỏ môi nàng
Đào khoe hương sắc cho chàng yêu em

Ngát thơm quyến rũ say mềm
Kiêu sa tà áo dài, thêm gợi tình
Ai chờ hoa gạo sau đình
Để đàn ong, bướm tỏ tình tháng ba

Mong hè, hè tới hôm qua
Tháng năm tim tím thiết tha phượng hồng
Chia tay nước mắt lưng tròng
Bầu trời nghiêng ngả phải lòng đổ mưa
Ngâu về tháng bảy sang mùa
Vu Lan báo hiếu vào chùa dâng hương
Mơ màng giây phút yêu đương
Cúc vàng lay nhẹ bên đường nôn nao

Bầu trời chín ngọt khi nào?
Vẫn còn ngấn lệ hôm nao - hỡi người!
Hải đường nở mấy ngày rồi?
Dã quỳ ngan ngát một trời vào thu

Nồng nàn quấn quýt lời ru
Là hoa sữa trắng ngà đu đưa tình
Bốn mùa khoe sắc trung trinh
Bên khung cửa sổ một mình ngắm hoa

NVB


SỢ CÂU THƠ GẶP GIÓ BAY

Anh run rẩy nhặt câu thơ
Đem ra đợi gió hong bờ sông yêu

Trời quê nhuộm tím mỗi chiều?
Ngả nghiêng sợi nắng còn phiêu cuối ngày

Sợ câu thơ gặp gió bay
Sợ người đổi ý mà thay đổi lòng

Anh về vá lại khúc sông
Cho phù sa chảy mượt đồng xanh em

Cho câu thơ ngọt ngào thêm
Cho tình đằm thắm say mềm môi nhau

NVB


DẠI KHỜ
(Thân tặng nhà thơ DungThị Vân)

Tôi nghe đâu đó thơ về
Trong thơ tim tím chiều quê sắc hồng

Tôi nghe những vết thương lòng
Xin người đừng lấy đi dòng thi ca

Thơ len vào giữa đời ta
Men say nhuộm ánh trăng tà tặng nhau

Tìm trong ánh mắt đêm thâu
Dại khờ nhặt hạt mưa ngâu cuối mùa.

Nguyễn Vĩnh Bảo

ĐỊA CHỈ LIÊN LẠC
Tác giả: Nguyễn Vĩnh Bảo
Tên thật: Nguyễn Văn Thanh
Đ/C: 525/60 Đường Huỳnh Văn Bánh
P. 14 Quận Phú Nhuận T/P HCM
Email: nguyenvinhbao48@gmail.com



READ MORE - CHÙM LỤC BÁT / Nguyễn Vĩnh Bảo

NHỮNG CẢM GIÁC RẤT LẠ ...- Đặng Xuân Xuyến




          NHỮNG CẢM GIÁC RẤT LẠ ...
Đêm.
Hơn 23 giờ, tắt đèn đi ngủ, bật điều hòa 26 độ cho lạnh để dễ ngủ mà mãi không ngủ được. Hình ảnh chị Nguyện, anh Hanh, chị Hoa trong đám cưới cháu Ngọc trưa nay cứ vẩn vơ trong đầu khiến giấc ngủ chập chờn, khó đến, đành vùng dậy, khởi động máy để ghi đôi dòng.
Chẳng biết, “hành xác” kiểu này, có mệt mà dễ ngủ? 
Chị Nguyện:
Chị Nguyện gầy, già và tiều tụy trông thấy. Chị đã bé nhỏ, giờ lại gầy, khuôn mặt lại sầu não nên nhìn chị cứ lọt thỏm, cứ như đang bị cuốn vào tâm xoáy, nhỏ dần, nhỏ dần... Dụi mắt vì tưởng hoa mắt nhưng một lúc sau nhìn chị lại thấy cảm giác đó, rất lạ. Muốn đến thăm hỏi chị đôi câu nhưng sợ chị buồn, chị hiểu lầm nên đành như không nhìn thấy. Về quê, nghe chuyện của chị, thương chị lắm nhưng cũng chỉ biết vậy. Đời người là kiếp phù du, là nợ nần từ tiền kiếp nên chẳng biết thế nào mà nói trước. Hôm nay giàu đấy, xênh xang đấy nhưng ngày mai có khi lại trắng tay vì họa hoạn, vì con cái, vì làm ăn thua lỗ hoặc vì những lý do rất "trời ơi đất hỡi"... nên hỡi ơi, hiện tại dù giàu có hay chật vật lo từng bữa ăn thì hãy cứ sống cho thật tốt, sống bằng thiện tâm để sau này đỡ chiêu lấy thị phi của người đời. 
Anh Hanh:
Anh Hanh thấy già và yếu đi nhiều. Bắt tay anh, thấy bàn tay anh rất lạnh, mồ hôi nhớp nháp, định nhắc anh lo giữ sức khỏe nhưng sợ anh mắng “chú biết sức khỏe của tao sao bằng tao” nên buông tay anh ra mà người cứ bần thần. Định nói với cháu Hảo là chú thấy sức khỏe của bố cháu yếu đấy, nhưng lại e cháu bảo "chú khéo lo" nên thôi không nói. Về nhà rồi mà cái bắt tay và dáng xiêu xiêu của anh Hanh đi ra xe cứ lởn vởn trong đầu làm tôi có cảm giác rất lạ. Đành rằng, ai rồi cũng phải già, phải yếu nhưng tự dưng lại thấy chùng lòng, buồn và cứ nghĩ vẩn vơ về kiếp người còn lắm nặng nghiệp, truân chuyên, còn lắm sân si, ái ố... Thế mới biết, sức khỏe mới là quan trọng, tiền nhiều mà sức khỏe không tốt thì cũng không nên chút nào.
Chị Hoa:
Chị Hoa thì vẫn cách nói chuyện câu trước không ăn nhập câu sau, người nghe cứ phải chắp nối câu nọ với câu kia mới hiểu được ý chị. Có lẽ vì nét “phá tướng” đó mà đời chị gặp nhiều éo le, trắc trở dù cả đời chị không biết sống ác với ai, không biết thủ đoạn, lợi dụng ai. Chị lắp bắp nói về thằng lớn. Chị gần như rơi lệ khi ta thán về sự bất lực của bản thân trước sự cứng đầu của thằng con chị hết mực thương yêu. Trời cho chị đức tính thẳng ngay, lại cho chị đấng phu quân hiền lành, tử tế, có khi còn nhu mì hơn cả chị nhưng trời lại bắt chị phải rơi lệ nhiều, rất nhiều vì những tính toán sai lầm và sự ương ngạnh của con trẻ. Thế mới biết, kiếp người đâu dễ có ai được trọn vẹn? Đèo chị từ nhà ra bến xe nước ngầm mà phải đi gần 2km mới hiểu được ý chị là “cậu đưa chị ra bến xe nước ngầm, để chị dễ bắt xe về Ninh Bình.” Ôi chị gái của tôi, bao năm rồi, chị vẫn cách nói chuyện thủng thẳng từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều mới xong một câu chuyện mà câu chuyện đó, người khác chỉ nói trong một vài câu.

Chẳng hiểu sao, cả chiều nay, cả tối nay tôi chỉ nghĩ về anh Hanh, chị Hoa, chị Nguyện? Không nghĩ gì về chuyện của quá khứ, chỉ nghĩ về hình ảnh trưa nay, cảm giác của trưa nay, cứ dồn nén, cứ bức bối sao sao đó, thế mới lạ! 
Thật lạ!

                                           Hà Nội, đêm 16 tháng 07.2014
                                                ĐẶNG XUÂN XUYẾN

READ MORE - NHỮNG CẢM GIÁC RẤT LẠ ...- Đặng Xuân Xuyến

CHO NGƯỜI ĐÃ KHUẤT - thơ NTB




Cho Mgười Đã Khuất
              Kính dâng hương hồn Anh PPH
                                                          NTB

Xa lìa cõi tạm ra đi
Không lời trăn trối biệt ly chốn này
Tình anh biển rộng sông dài
Thiên thu "tình mộng" đẹp hoài ai trao
Lạy cầu Phật tổ trên cao
Gia trì độ lượng anh vào liên hoa
Giã từ cát bụi ta bà
Tây phượng hoa mạn đà la rắc đầy
Mong anh siêu thoát đêm ngày
Vãng sanh cực lạc đẹp thay ánh thiền
                            Vỹ Dạ Huế
                             06/9/2016
                             NTB


Tiễn Biệt Anh!
                   
Chiều nay anh về miền đất lạnh
Hồn về đất Phật, thác tinh anh
Anh ơi! cõi tạm ta bà khổ
Thân người cát bụi quá mong manh.
                       Vỹ Dạ Huế
                       06/9/2016
                       NTB


Tìm Đâu             

Một sớm mai hồng sương     
Nơi phố cổ yêu thương
Sông Hoài dào dạt sóng
Gió lộng vút ngàn phương

Người ơi  tìm về đây
Mây đan xen tầng mây
Lá dạo phiên khúc nhạc
Ai phối gam màu này?   
   
....Vẫn con đó gốc cây
Trưa bóng đổ hao gầy
Tìm nhau sao chẳng thấy...
Mà nghèn nghẹn cay cay...

Dừng lại bên chiếc cầu
Triền sông tím nhạt màu
Mắt xa xăm vời vợi...
Người bây giờ nơi đâu?

Chiều tà ánh dần phai
Hoàng hôn phủ dặm dài 
Mình em còn đứng mãi..
Lịm tắt ... tiếng thở dài...

Lạnh giá thấm bờ vai
Còn chút tuổi heo may
Thiên thu tình gọi nhớ...
Tìm ai ... ơi! tìm hoài...  
                            Vỹ Dạ Huế
                                 NTB


READ MORE - CHO NGƯỜI ĐÃ KHUẤT - thơ NTB

ĐỌC “CHUỒN CHUỒN BAY…” THƠ TRẦN MAI NGÂN - Châu Thạch


                
                         Nhà bình thơ Châu Thạch




ĐỌC “CHUỒN CHUỒN BAY…” - THƠ TRẦN MAI NGÂN
                                                                      Châu Thạch


Tôi tìm trên Google thấy có 154 bài thơ nói về con chuồn chuồn. Vậy thơ viết về chuồn chuồn không phải là đề tài mới lạ. Thế nhưng khi đọc bài thơ “Chuồn Chuồn Bay…” của Trần Mai Ngân đăng trên trang web Văn Nghệ Quảng Trị và đăng trên Facebook với tên Du Thuy Khuc, tôi có cảm tưởng như đề tài nầy rất mới lạ. Vì sao vậy? vì con chuồn chuồn trong thơ Trần Mai Ngân không phải con chuồn chuồn dự báo thời tiết, cũng không phải con chuồn chuồn mà qua nó gợi nhớ cho một ai đó kỷ niệm tình yêu, kỷ niệm tình đời. Con chuồn chuồn trong thơ Trần Mai Ngân chính là hóa thân của tác giả. Qua thơ ta thấy con chuồn chuồn bay cùng trời đất, nó mang chính linh hồn của tác giả hóa nhập vào trong mọi khung cảnh “vui, buồn, hư huyễn”. Hãy đi vào vế thơ đầu tiên để thấy con chuồn chuồn bay thấp, bay cao không phải vì thời tiết nắng, mưa: 
Chuồn Chuồn bay thấp, bay cao
Để cho thơ ấu lạc vào nơi xa 
Tôi mơ về cánh đồng hoa 
Vàng ươm tình thuở bước ra mộng đời...
Con chuồn chuồn trong vế thơ nầy đang bay về quá khứ nhưng nó không tìm ra quá khứ. Vì vậy tác giả mới nói “Để cho thơ ấu lạc vào nơi xa”. “Tôi mơ” là chính tác giả mơ nhưng “tôi mơ” cũng là cái mà con chuồn chuồn đang đi tìm. Ta thấy nó bay thấp rồi bay cao là hình ảnh của sự tìm kiếm. Hai câu thơ đầu cho ta thấy con chuồn chuồn đang tìm về một quá khứ tốt đẹp. Quá khứ ấy được vẽ ước lệ thành một bức tranh cánh đồng hoa trong hai câu thơ sau. Bức tranh cánh đồng hoa mang hết linh hồn của một thời tuổi trẻ mộng mơ.
Bốn câu thơ biến con chuồn chuồn thành “hồn bướm”. Hồn bướm ở đây không mơ tiên là mơ cái viễn vông, mà hồn bướm ở đây mơ về một cảnh có thật trong quá khứ đẹp như cảnh tiên. Bốn câu thơ cũng chiếu lên hai hình ảnh nên thơ, một hình ảnh con chuồn chuồn đang bay về quá khứ mà quá khứ “lạc vào nơi xa” được tưởng tượng như ở trong cõi sương mờ nào đó, một hình ảnh thứ hai là cánh đồng hoa bát ngát màu vàng, tỏa hương thơm trinh nguyên và ngọt ngào của “cái thuở ban đầu lưu luyến ấy/Ngàm năm chưa dễ mấy ai quên”.
Ta hãy đọc hai câu thơ sau của vế thơ:
Tôi mơ về cánh đồng hoa
Vàng ươm tình thưở bước ra mộng đời.
 Trần Mai Ngân không tả cảnh, chỉ mượn cảnh để tả tình và cảnh phơi phới, lồng lộng của tranh đã mang đầy đủ tính chất tình của thuở xa xưa . Vế thơ đầu tiên đã đưa người đọc vào huyền mộng, huyền mộng xảy ra trước mắt với con chuồn chuồn đang bay, nó mang tâm tư người đọc tự nhiên lọt vào một cảm giác mơ, mơ một cánh đồng hoa thể hiện tất cả quá khứ tình yêu trong ký ức mình.
Bây giờ ta hãy tiếp tục theo dõi cánh chuồn chuồn sẽ bay về đâu ở vế thơ thứ hai:
Chuồn Chuồn bay đến cổng trời
Tìm người xưa cũ gửi lời ăn năn
Ví dầu... dẫu mộng không thành
Buồn, vui vẫn đậu... ngọt lành vẫn xin
Chuồn chuồn mà bay được đến cổng trời là chuyện không thể vì thân nó quá nhỏ, cánh nó quá mỏng. Vậy chỉ có  con chuồn chuồn hóa thân vào linh hồn tác giả thì mới đến được cổng trời trong mơ ước. Con chuồn chuồn bây giờ trở nên vô hình vì nó nằm trong ảo tưởng. Đây thật sự là một giấc mơ với muôn vàn khắc khỏi. Đây thật sự là tấm lòng ăn năn của người trong cuộc, ăn năn vì số phận ly tan, duyên trời chia cách chớ không phải ăn năn vì phụ bạc tình nhau. Bởi vì con chuồn chuồn đã yêu sâu đậm và thủy chung đến suốt một đời: “Ví dầu…dẫu mộng không thành/ Buồn, vui vẫn đậu…ngọt lành vẫn xin”. Chuồn chuồn mà bay đến cổng trời cũng có thể hiểu được là người xưa có thể đã trở thành người thiển cổ không còn ở thế gian. Câu chuyện chẳng khác chi Điệp ngày xưa đã đến cổng chùa để tạ lỗi với Lan. Điệp còn biết có Lan  khi dây chuông bị cắt đứt nhưng con chuồn chuồn của Trần Mai Ngân chỉ đến cổng trời trong mơ ước mà thôi. Chính hình ảnh đó cho ta hiểu được niềm quặn thắt triền miên của người ở lại giữa cuộc đời nầy. Hình ảnh cánh chuồn chuồn chuồn mỏng manh mà bay đến tận cổng trời cũng cho ta thấy được tình yêu vĩ đại chất  chứa trong lòng người đi tìm quá khứ. Vế thơ thứ nhất đưa con người vào mộng, vế thơ thứ hai đưa con người vào đau, một nỗi đau lớn chất nặng trên cánh con chuồn chuồn bé bỏng. Cái đẹp được pha trộn nỗi đau làm tăng thêm nỗi đau và nỗi đau làm tăng thêm cái đẹp. Người đọc thơ ở đây sẽ hưởng được thi vị trong nỗi đắng cay vì những câu thơ rất đẹp lướt qua một cuộc tình ngang trái.
Vế thơ thứ ba kể toát yếu cuộc tình:
Chuồn Chuồn cánh mỏng ru tình
Ru mây, ru gió, ru mình à ơi ...
Ngày xưa không thốt nên lời
Ngày nay cánh mỏi một đời vẫn xa !
Bây giờ tác giả cho người đọc đến rất gần con chuồn chuồn để thấy cánh nó mỏng nhưng quyền lực nó vô cùng to lớn. Đó là “Ru mây, ru gió, ru tình à ơi…”. Vế thứ nhất và thứ hai ở trên cho ta thấy con chuồn chuồn hóa thân vào tác giả, vế thơ nầy cho ta con chuồn chuồn hóa thân vào tình yêu vì chỉ có tình yêu mới ru mây, ru gió, ru mình à ơi…Vậy thêm một lần nữa chứng tỏ chuồn chuồn, tác giả và tình yêu chỉ là một, đồng đẳng cùng nhau, như một chiếc lá có ba cạnh trôi nổi giữa cuộc đời. Nghĩ thế, ta thấy sức tưởng tượng trở nên thâm thúy, bài thơ mang màu sắc tình yêu có màu sắc triết lý, và cánh con chuồn chuồn bổng nhiên thành tiếng gió  của bầu trời, tiếng êm đềm của mây trôi và tiếng thỏ thẻ trong lòng người. Chuồn chuồn bổng nhiên đẹp biết bao? Phải, nhưng đó cũng chính là tâm hồn tác giả. Hai câu thơ “Ngày xưa không thốt nên lời/ Ngày nay cánh mỏi một đời vẫn xa!” giống như một tiếng khóc xé lòng, nghẹn ngào trong tâm khảm và triền miên trong cuộc đời. Đọc hai câu thơ nầy rồi ngừng lại để suy tư, những người nhạy cảm khó mà không rơi nước mắt.
Và cuối cùng đôi mắt nhà thơ đã nhòa lệ:
Chuồn Chuồn bay, đậu nhạt nhoà
Vui, buồn, hư huyễn vỡ oà nhân gian
Trượt chân rơi xuống trái ngang
Chuồn Chuồn hát khúc mộng tan... ru mình !
Con chuồn chuồn bây giờ ở trong làn nước mắt, nó đậu và bay trong nhạt nhòa, trong tâm tư chùng xuống của tác giả không chỉ thấy mình khóc mà thấy cả thế gian đều khóc ‘vỡ òa nhân gian”. Câu thơ “Trượt chân rơi xuống trái ngang” làm ta liên tưởng đến các thiên tiên trượt chân rơi vào cõi trần gian tục lụy. Câu thơ “Chuồn chuồn hát khúc mộng tan…ru tình” lại khiến ta dễ liên nghĩ đến nàng tiên ấy đã hóa ra cánh chuồn chuồn mỏng manh như cuộc tình mà mộng đã tan. Bốn câu thơ ở vế chót cô đọng hết sự mỏng manh, sự trái ngang, sự hư huyễn của cuộc tình và cả tiếng khóc như tiếng ru rất hay, rất tuyệt nhưng âm vang nỗi sầu vọng mãi đến miền xa xôi, lên tận cỏng trời và thê thiết trong lòng người mãi mãi về một “khúc hát mộng tan”.
Bài thơ hay! Xin trích một vài lời khen của những cây bút lớn tuổi mà bút pháp đã được văn đàn trân trọng:
- Bài thơ hồn nhiên trong sáng (Thanh Văn)
- Bài thơ có tứ lạ, từ đẹp, giản dị trong sáng (Đình Đăng)
- Thi tứ tác giả theo tình tự thăng tiến dần đều và cuối cùng là mộng vỡ Nhẹ nhàng. Hay! (Hồ Trọng Trí)

Bài thơ hay! Từ đó có nhiều cảm tác cũng hay, cho thấy bài thơ đã truyền nguồn cảm hứng qua những tâm hồn yêu thơ thơ khác. Mời quý vị thưởng thức  trên dòng thời gian của trang facebook mang tên Du Thuy Khuc. Bài thơ còn có âm điệu như một bài ca dao đọc lên nghe thanh thoát vô cùng.
Cuối cùng tôi không khen tác giả đâu, vì bài thơ “Chuồn Chuồn Bay…” của Trần Mai Ngân đã khiến tôi phải tìm đọc 154 bài thơ nói về những con chuồn chuồn khác, làm tôi phải thức đêm, thức trưa để viết về nó. Nếu không viết để trút cho bao cảm xúc vơi đi thì bài thơ sẽ còn hành tôi suy tư vè nó nhiều hơn nữa đêm ngày ./.

                                                                        Châu Thạch





CHUỒN CHUỒN BAY...

Chuồn Chuồn bay thấp, bay cao
Để cho thơ ấu lạc vào nơi xa
Tôi mơ về cánh đồng hoa
Vàng ươm tình thuở bước ra mộng đời...

Chuồn Chuồn bay đến cổng trời
Tìm người xưa cũ gửi lời ăn năn
Ví dầu... dẫu mộng không thành
Buồn, vui vẫn đậu... ngọt lành vẫn xin

Chuồn Chuồn cánh mỏng ru tình
Ru mây, ru gió, ru mình à ơi ...
Ngày xưa không thốt nên lời
Ngày nay cánh mỏi một đời vẫn xa !

Chuồn Chuồn bay, đậu nhạt nhoà
Vui, buồn, hư huyễn vỡ oà nhân gian
Trượt chân rơi xuống trái ngang
Chuồn Chuồn hát khúc mộng tan... ru mình !

                                            Trần Mai Ngân

READ MORE - ĐỌC “CHUỒN CHUỒN BAY…” THƠ TRẦN MAI NGÂN - Châu Thạch

NỖI LÒNG DÂN VEN BIỂN VÀ LÍNH GIỮ ĐẢO / Bút ký Nguyễn Nguyên An

         
NỖI LÒNG DÂN VEN BIỂN VÀ LÍNH GIỮ ĐẢO
Bút ký Nguyễn Nguyên An



Chúng tôi về thôn Bình An II, xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế vào một ngày cuối tháng 6, nắng mênh mang suốt dãi thùy dương. Biển vắng người, thi thoảng có vài chiếc ghe nằm úp trên bờ cát, ngoài xa chỉ một chiều tàu neo đậu im lìm trong càng nước sâu Cảng Chân Mây, lại thêm cái nắng khắc khoải của vùng đất bãi ngang miệt mài cát trăng làm cảnh sắc nơi đây vốn vắng vẻ càng nhuốm màu xơ xác hoang sơ. Nhớ hè năm trước, ngưởi dân tắm biển, buôn bán, hàng quán, ghe, khách tắm biển náo nhiệt một miền quê yên ả, lòng tôi bỗng bâng khuâng xa xót.



Thôn Bình An II là một vùng bãi ngang trong sông (sông Lạch Giang) ngoài biển, có 256 hộ, 1.011 nhân khẩu, trăm phần trăm làm nghề đánh cá. Ông Nguyễn Xuân Đàn thôn trưởng tâm sự: “Bà con sống nghề biển rất khó khăn. Mùa này là “mùa ánh sáng” (đi đánh cá bằng đèn điện), năm trước mỗi đêm được 5 đến 7 tấn, bây giờ không có ký nào. Cầu mong Nhà nước hỗ trợ cho người dân lâu dài, chuyển đổi nghề hoặc đánh bắt xa bờ”.Anh Nguyễn Đình Khoái tiếp: “Từ ngày cá chết, nghề biển và du lịch cung chết theo. Cá di cư là cá nổi từ ngoài khơi vào như cá Thu, cá đuối... nước đẹp mới vào, cá bản địa là loài cá chỉ ở một vùng ven bờ như cá cá nục, đánh bắt ven bờ mùa này năm trước cũng được trên dưới 7 tấn. Thuyền con đánh từ 20 hải lý trở vào, nhưng bây giờ đánh bắt dưới 1 tấn, mà bán không ai mua. Nhà nước hỗ trợ một nhân khẩu 22kg gạo một tháng, và 6 triệu đồng cho thuyền máy. Em bây giờ đêm đi câu cá Nhồng và mực (cá di cư) và tôm thuộc dòng máu trắng, thức trắng đêm chỉ được vài chục đồng. Em cũng tính đi phụ hồ để kiếm tiền nuôi gia đình. Đi đánh cá trước đây 100kg, giờ chỉ được 1kg mà không ai mua, họ sợ, họ không ăn. Còn hè trước thứ Bảy, Chủ Nhật khách về tắm biển đông lắm”.

Dưới chân đèo Bắc Hải Vân, trên tuyến QL IA có một nhánh rẽ của dãy Trường Sơn đâm ra biển, là thị trấn Lăng Cô, ở đây có một bãi biển tuyệt đẹp, một bên biển một bên dãi thùy dương xanh mướt bốn mùa, cảnh thơ mộng với những cồn cát trắng, nước biển trong xanh, hòa với màu xanh của núi rừng. Vịnh biển này là thành viên thứ 30 của Câu lạc bộ “Các vịnh biển đẹp nhất thế giới” vào năm 2009. Đến Lăng Cô vào mùa hè này, với bãi cát trắng dài gần 10 km, làn n­ước biển trong xanh, có bầu không khí dịu mát nhờ biển xua tan cái nắng rát, thời tiết giảm xuống 5 - 7 độ. Và, đầm Lập An vốn mang dáng vẻ thơ mộng, yên tĩnh. Đến Lăng Cô bây giờ, cả Biển và đầm đều hoang vắng, trong đầm Lập An có một người lặn lội mò sò, giữa mênh mông nước thật là bơ vơ, tha thiết, còn trên bãi biển chỉ cát và nắng trắng lóa cả không gian, không một bóng du khách, không một người đi du lịch và không một bà con bản địa mua bán chào mời, đưa đón thật hoang vắng đau lòng.



Chúng tôi ra bóng mát sân trường ven đầm phá Lập An xem họa sĩ Quang điêu khắc tượng từ một khúc gỗ mít anh vừa mua về. Anh hì hục khắc, đục suốt chiều, một hôi từng giọt, từng giọt… Đây là lần đâu tiên tôi thấy làm nghệ thuật cũng toát mồ hôi. Tôi đã chụp lưu giữ tượng gỗ THIẾU NỮ của họa sĩ vừa hoàn thành. Một bức tượng đẹp. Tối đến nhà thơ Mai Văn Hoan lại đọc nghe bài thơ mới viết trong buổi giao lưu nho nhỏ với các bạn nhỏ mới quen ở Lăng Cô.

Sau hai lần hoãn vì áp thấp nhiệt đới và siêu bão. Sáng nay Đoàn văn nghệ sĩ mới lỉnh kỉnh bới đồ ăn thức uống ra đảo. Biển trải mênh mông trước mắt, bầu trời lồng lộng trên cao, biển và trời xanh ngát một màu, ngày biển đẹp. Gọ lớn chạy 45 phút thì đến đảo Sơn Chà. Trên thuyền có trung úy Nguyễn Hữu Tráng (anh đón chúng tôi từ bến Lăng Cô, cùng theo Đoàn ra đảo), dưới bến đã có các anh giữ đảo giúp Đoản khuân vác đồ dùng lên Trạm.

Đảo Sơn Chà còn có tên là đảo Ngọc, Ngự Hải Đài, Cù lao Hàn. Nằm giữa vùng biển Đà Nẵng - Huế, thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Sơn Chà là điểm trọng yếu tiền tiêu về an ninh quốc phòng, nơi đang bảo tồn 144 loài san hô, 135 loài rong biển, 162 loài cá và một số động vật quý hiếm như sơn dương, vọoc... diện tích khoảng 1,5km2, giàu tiềm năng phát triển thành điểm du lịch cao cấp, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Cư dân chính của đảo là các chiến sĩ Trạm biên phòng (thuộc Đồn Biên phòng Lăng Cô - Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thừa Thiên - Huế) và anh em Trạm đèn biển Sơn Chà (Cục Hằng Hải - Bộ Giao Thông Vận Tải)

Chúng tôi đến đảo, đảo đã có điện. Tổng công suất 8.200Wp, bao gồm 40 tấm pin năng lượng mặt trời IREX 205Wp, hệ thống Inverter, bộ sạc mặt trời, ắc-quy chuyên dùng cho môi trường biển, 5 trụ đèn năng lượng mặt trời do SolarBK sản xuất với chế độ điều khiển đèn tự động và hoạt động liên tục 3 ngày dù trời không có nắng, cung cấp tổng năng lượng trung bình từ 25- 30 kWh/ngày và cột chống sét cùng quạt máy, bếp điện từ. Các hệ thống được đầu tư gần 2 tỷ đồng, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt giữa đất liền với hải đảo, an ninh quốc phòng, nâng cao chất lượng sống, phục vụ các nhu cầu sinh hoạt cho lính đảo. Hội LHPN tỉnh phối hợp với Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã tổ chức khánh thành công trình nâng cấp Trạm công tác biên phòng đảo. Công trình gồm các hạng mục: cải tạo hệ thống đường ống và bể chứa nước sinh hoạt; xây dựng mới lan can đường lên, xuống đảo; đầu tư vườn rau xanh và một số công trình quan trọng khác. Đây là sự quan tâm đặc biệt của cán bộ hội viên Hội LHPN tỉnh dành cho cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ trên đảo Sơn Chà, thể hiện tình cảm nồng ấm của hậu phương với tiền tuyến, góp phần tạo điều kiện thuận lợi về vật chất và tinh thần để lực lượng biên phòng yên tâm bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo quê hương.



Mỗi khi tôi buồn, tôi thường lên tịnh cốc, tìm quên vào công việc, như kiếm củi, làm vườn, nhặt phân trâu bò vương vải. làm việc trong sự yên tĩnh của đồi tha ma, của ngàn cây lá nỗi buồn nhẹ nhàng ra đi lúc nào không hay, thân tâm được an lạc. Không ngờ ra đảo tôi được trò chuyện với thiếu tá Phạm Quang Thắng, người hơn sáu năm giữ đảo, đồng đội và bà con ngư dân gọi với cái tên thân thương: "Chúa đảo". Anh Thắng là một người rắn chắc, khi tôi hỏi: “ở đây anh có nhớ nhà?”. Anh nói: “Nhớ nhà tìm quên trong công việc là hết nhớ”. Hóa ra anh em tôi có phần giống nhau, xem công việc là liều thuốc thần, để tiêu tan nỗi buồn và cũng là năng lượng cho những người gìn giữ một góc đất trời Tổ quốc. Tôi lên ngọn hải đăng có độ cao 235 so với mặt biển, vì tôi muốn hấp thu năng lượng sạch nơi đây, không leo nữa, mà ngồi thiền ngay giữa đường đi. Biển im lặng mênh mông, núi rừng im lặng sâu thẳm, tôi im lặng thánh thiện. Một mình tôi hòa tan với rừng với biển, tôi nghe năng lượng xâm nhập vào tám vạn bốn ngàn lỗ chân lông và lăn tăn trên đỉnh bách hội, cho đến khi anh em đi xuống gọi tôi ra khỏi cơn mê hoang đường. Sau này, một anh bạn lớn tuổi nó với tôi: “ông chỗ nào cũng thiền, hình thức quá!”. Tôi thưa với anh: “Em tự tu, tu bằng hộ pháp của gia đình. Thiền như tập thể dục, gặp môi trường tốt em tập thể dục. Tập thể dục lợi lạc cho sức khỏe mình, khoe làm chi, anh?! Khoe cũng chẳng ai cho lon gạo, thêm nặng nghiệp” Tôi cũng thường nói lỗi của mình, xem đó là sám hối, nhưng lỗi nói ra được nhẹ bớt đi. Tôi nghĩ đã làm phiền các bạn, có thể đây là bút ký cuối cùng. Sạu này tôi phải tập nói dối, tập từ chối cuộc gọi khi ai đó ngõ lời mời tôi đi viết vì tôi ăn chay và ngồi thiền không đúng nơi quy định.



Trung úy Tráng tâm sự: “Chúng em canh giữ biên giới hải đảo, mùa mưa bão tích trữ lương thực, nhu yếu phẩm để giúp ngư dân ghé lên đảo trú bão”. Ông Phạm Xuân Luận, trạm trưởng Trạm đèn biển Sơn Chà nói: “Đèn độc lập, báo vị trí hòn Sơn Chà, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng định hướng và xác định vị trí của mình”.

Các anh ở đây đi chợ bằng hai đường Đà nẵng và Lăng Cô. Du khách đi gọ ở Lăng Cô, gọ nhỏ 600.000 đ một chuyến, gọ lớn 1 triệu đồng một chuyến. Ở Đà Năng, mỗi một khách câu đêm ven đảo chỉ tốn 100.000 đồng. Đảo gần Đà Nẵng hơn, đêm đêm nhìn Đà Nẵng như một Hồng Kông thu nhỏ. Đêm cuối ở đảo, dưới ánh trăng mùa trăng tháng sáu âm, tôi thả bộ lang thang một mình trên cát mịn, tận hưởng mùi biển đêm và mùi rừng nguyên sinh nồng nàn, mát lạnh. Để cảm thấy mình không bơ vơ trong bóng đêm, chỉ còn tiếng côn trùng và tiếng sóng biển vỗ vào bờ ầm ào và ánh sáng đèn điện của Trạm Biên phòng, như một điểm sáng tin yêu tỏa sáng ấm áp trong đêm. Sáng hôm sau, chừng 9 giờ ghọ từ Lăng Cô ra đón chúng tôi, đây là phút chia tay bịn rịn và cảm động, các người lính giữ đảo trẻ trung, chịu sương chịu gió và mạnh mẽ cùng chụp với chúng tôi vài tấm hình kỷ niệm và đồng hứa có dịp ghé Huế sẽ thăm chúng tôi, các bàn tay vẫy và những nụ cười mặn mòi sóng gió như tan dần vào biển khơi khi gọ xa dần…

Anh bạn tôi nhà thơ Mai Văn Hoan, trong chuyến này viết nhiều bài thơ hay, anh làm một bài thơ tặng anh em giữ đảo, và tặng tôi, tôi xin chép ra đây:
ĐẢO NGỌC

(Tặng các chiến sĩ đồn biên phòng đảo Ngọc)

Một ngày ra đảo Ngọc
Được ngồi hóng gió khơi
Được chiêu đãi cá mú
Chan canh rau mùng tơi

Các loại cây đủ cả
Chẳng khác chi vườn nhà
Đất, giống, cùng gia súc
Mang từ đất liền ra

Điện do mặt trời cấp
Nước hứng từ khe sâu
Tivi xem thoải mái
Chiều ra biển buông câu

Lính toàn là “đực rựa”
Thèm cảnh sống gia đình
Những đêm đông, khép cửa
Ôm gối ngủ một mình

Lúc nhớ con, nhớ vợ
Hướng mắt về quê nhà
Chỉ thấy toàn mây trắng
Cùng biển trời bao la

Đảo ngọc 14-07-2016
Mai Văn Hoan

Tôi vào chợ Lăng Cô vào buổi trưa ngày nắng. Ai đó đã nói: “Muốn biết kinh tế của một miền quê, hãy đến chợ”. Chợ Thị trấn Lăng Cô là một khu trù phú, chợ trước đây đông cả ngày, sáng sớm đã đông khi cá về, người buôn mua chuyển đi các nơi. Chợ bây giờ chỉ một người lang thang là tôi. Người bán ngồi vao mặt chờ người mua mai xưa. Có một chị tiểu thương cho tôi biết, sau 15 giờ mới đông, mà cũng không có mấy người mua. Quán Bích Lãm chuyên bán tôm chua, mực khô, cá ngựa, mắm sò cung than thở: “Em đổ mấy trăm thẩu mắm vì không ai mua”, chị Gái chuyên bán cá khô, mực khô, nói: “Cá khô em nhập từ Vũng Tàu, mà họ tưởng cá này đánh bắt gần bờ họ không mua. Trước đây ngày vài trăm, giờ không được một đồng”. Rồi hàng tạp hóa cũng ế do người dân không có tiền, hàng rau cũng bán ngày được một ký rạu lẻ tẻ, đến dép cũng không bán được vì người ta tiết kiềm, lấy giấy thép xâu lại đi tạm… Chi Hà bán gạo tâm sự: “Gạo được Nhà nước phát cho gia đình ngư dân, lại ảnh hưởng trực tiếp tới tôi. Họ có gạo ngon ăn rồi, họ không mua gạo của tôi nữa, tôi bán không được một phần mười hè này năm trước”. Trở về khách sạn nơi đoàn chúng tôi ở. Ông Nguyễn Đình Ấn, giám đốc khách sạn Sen Hotel, cho biết khách sạn có 32 phòng, 3 tháng hè năm trước kín hết, nay chỉ vài phòng lai rai. Khi anh Hiền chạy xe ôm chở tôi từ chợ vể, anh than: “”Ít khách du lịch đến Lăng Cô nên bọn em cũng không có khách anh ạ. Thiệt tình, biển bị ô nhiệm mình cũng bị lây”.

Thị trấn Lăng Cô còn là một điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên Huế và của cả nước. Bác Hồ đã nói: ”Rừng vàng, biển bạc, đất kim cương”, Cư dân duyên hải từ lâu không chú ý lợi ích “biển bạc”. Bốn tỉnh miền Trung chỉ ba tháng biển bị ô nhiễm, đã thấy sức ảnh hưởng của biển sâu rộng đến vô cùng, ở Lăng Cô không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến ngư dân mà còn ảnh hưởng sâu sắc lâu dài đến anh chạy xe ôm, anh tài xế lái tắc xi… Đúng như anh ngư dân Bình An II đã nói: “Biển chết, nghề cá chết, du lịch cũng chết theo”. Chúng tôi văn nghệ sĩ Thừa Thiên Huế cũng xa xót chia sẻ nỗi đau ô nhiễm môi trường biển của bà con ven biển huyện Phú Lộc, thị trấn Lăng Cô, huyện phú vang và ba tỉnh khác. Mong bà con kiên nhẫn cùng Nhà nước khắc phục cải tạo môi trường làm trong sạch biển, để ngư dân đánh bắt nhiều hải sản sạch và bà con thị trấn Lăng Cô tất tả mua bán, mưu sinh, đưa đón khách du lịch rộn ràng náo nhiệt hơn xưa…
N.N.A



Địa chỉ liên lạc: Nguyễn Văn Vinh. 50 trần Thái Tông Huế. Tel: 01688971486.
READ MORE - NỖI LÒNG DÂN VEN BIỂN VÀ LÍNH GIỮ ĐẢO / Bút ký Nguyễn Nguyên An